TỪ QUAN NIỆM VỀ THƯ PHÁP TRONG HAI TÁC PHẨM VĂN HỌC
Mỗi năm tết đến, nhiều người Việt Nam lại nhớ những câu thơ trong bài Ông đồ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
Bài thơ xa xót, ngậm ngùi cho thân phận ông đồ già vào cái thời - nói như Tú Xương, người ta phải “Vứt bút lông đi, giắt bút chì”…Đó cũng là cái ngậm ngùi khi cả một nền Nho học với truyền thống hơn ngàn năm đến lúc lụi tàn. Gắn liền với đó là nỗi tiếc thương phong tục viết chữ ngày xuân cũng bị mai một:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Một kiệt tác ngũ ngôn của Thơ Mới, xây dựng thành công hình ảnh ông đồ với tất cả cảm quan lịch sử chân thật giai đoạn cáo chung nền Hán học, nhường chỗ cho Tây học. Từ đó trở đi, mỗi độ xuân về, người ta lại nhắc những câu thơ trên, lại vẩn vơ đi tìm mấy “ông đồ” xin chữ. Cũng nhờ thế mà các ông đồ hiện đại có chiếu ngồi ở Văn Miếu – Hà Nội hay Nhà Văn hóa Thanh Niên, Tao Đàn – Sài Gòn…cũng thi triển hoa tay và kiếm được kha khá mỗi độ xuân về… Như vậy thì tục xin chữ (hay mua chữ) vẫn còn, nghề viết chữ (hay gọi trang trọng là ngành “thư pháp”) vẫn có lý do tồn tại!
Trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chúng ta lại thấy hình ảnh khác của thư pháp. Huấn Cao là một tử tù, sắp bị chém đẩu, cai ngục biết tiếng đó là một kẻ sĩ, đặc biệt có tài thư pháp. Vậy là ông hết lòng khoản đãi để Huấn Cao viết cho vài chữ lưu lại, ông sẽ giữ gìn nó như báu vật. Cũng nhờ việc đó mà ông được Huấn Cao khuyên sau này nên chuyển nghề khác để giữ cái “thiên lương”… Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, hình ảnh người viết thư pháp trong Chữ người tử tù thật lung linh, có phần thiêng liêng, khác hẳn hình ảnh ông đồ cặm cụi bên đường. Huấn Cao tính “ngông” – giờ ta gọi là “Cá tính”. Mà ngông trong chế độ nô dịch độc tài, ngu dân thì chỉ có “từ chết tới bị thương”! Huấn Cao bị chết, cũng có nghĩa tinh hoa Nho sĩ và Nho học, rộng ra là văn hóa truyền thống bị lưỡi đao chế độ phong kiến quan liêu cấu kết thực dân tham lam vô độ xử tử hình... Hai tác phẩm đối lập nhau, một văn, một thơ; hai hình ảnh về Nho học thời mạt lộ - một ông đồ đáng thương, một tử tù đáng khâm phục. Song thiết nghĩ, cả hai đều chân thực, đều có lý, vì chúng biểu hiện hai cấp độ về kẻ sĩ (trí thức), hai cấp độ quan niệm về thư pháp: từ cấp độ sống lây lất đáng thương , tới cấp độ xuất thần đáng khâm phục…
TỚI THỰC TẾ TÌNH HÌNH THƯ PHÁP HIỆN NAY
Có nhà thư pháp kêu về sự ồ ạt của thư pháp hơn chục năm trước đây khi được phóng viên phỏng vấn, đại ý việc thư pháp “xuống đường” tràn lan lợi ít hại nhiều… Thư pháp “xuống đường” có hai điều cần suy nghĩ: vấn đề chất lượng thư pháp và vấn đề thư pháp chữ quốc ngữ. Về chất lượng thư pháp, có thể nói tóm lại là rất thiếu căn bản. Xin kể vài trường hợp người viết bài này đã được (hay phải) “mục sở thị”. Cách đây 5 năm, đoàn chúng tôi từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, nghỉ một hôm để huẩn bị đi Tây Bắc. Tranh thủ buổi dừng ở Hà Nội, tôi tới thăm và chúc tết nhà Thầy giáo cũ và nhà một người bạn thân. Vì nhà hai người tôi tới ở cũng không xa nhau lắm, tôi quyết định đi bộ. Dọc đường , tôi gặp hai bạn trẻ có vẻ rất hồ hởi với tờ giấy trên tay. Đó là tờ viết chữ “Đức” họ thỉnh được từ một người ngồi viết ở Văn Miếu. Họ nói thỉnh chữ “Đức” về tặng ông bà… Tôi thấy thương cho đôi bạn trẻ này, vì lòng nhiệt tình với tục “xin chữ ông đồ” của họ đã bị phản bội bởi sự ẩu tả của người viết chữ. Biết vậy nhưng tôi không dám nói điều đó vì sợ đôi bạn trẻ buồn. Đi được một đoạn, tôi lại thấy trong một căn nhà mặt tiền, chủ nhà treo bức thư pháp chữ “Tĩnh” trang trọng trên tường. Có điều tình trạng bức thư pháp này cũng không hơn gì bức tôi thấy trên tay đôi bạn trẻ. Tình trạng người viết chữ không được học luyện căn bản cũng dễ hiểu, vì chữ Hán đã mất dần vị thế từ khi văn hóa Tây phương theo chân người Pháp chiếm ưu thế ở Việt Nam. Phần nhiều không biết chữ Hán, càng không rành về thư pháp, chỉ làm theo phong tục đầu xuân xin chữ lấy hên. .. Đây chính là kẽ hở cho những người viết kém mà vẫn mạnh tay nẫng tiền của khách du xuân ở Văn Miếu hay điểm nào đó tại Hà Nội, vỉa hè Nhà văn hóa Thanh Niên , Tao Đàn ở Sài Gòn…
Một lần, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đưa tôi xem Tuyển tập thư pháp của một người có tiếng và đề nghị tôi cho nhận xét khách quan. Dù rất ngại nhưng tôi cũng phải nói rằng tác giả rõ là người có học vấn, có năng khiếu và rất yêu thư pháp. Tuy vậy, giá trị nhất của cuốn tuyển tập này chính là…giấy in rất tốt! Bởi lẽ các bức thư pháp tác giả viết đều mắc những lỗi rất cơ bản trong “dụng bút”, do không được một vị chân sư chỉ dẫn cho ngay từ lúc nhập môn! Một lần khác, tôi có duyên gặp và làm việc với một vị tiến sĩ, từng ở Trung Quốc nhiều năm nên rất tự thị về trình độ… Sau cuộc đàm đạo, anh ta hứng chí viết tặng tôi một bức thư pháp. Nhác trông thấy chữ anh khá đẹp, song xem kỹ thì có một số chữ viết hành thảo không chuẩn. Điều khiến tôi dị ứng nhất là cái cách anh ta cầm bút: do thói quen, anh ta cầm bút lông theo kiểu ta cầm bút máy, bút bi... Nội cách cầm bút như vậy đã “tố cáo” anh ta chỉ là một “tay ngang”, không tìm học một bậc thầy thư pháp chỉ dạy đàng hoàng! Sự việc làm tôi nhớ tới một trường hợp ở đền thờ Trần Hưng Đạo, đường Võ Thị Sáu - TPHCM. Mùng mười tết, tôi và anh bạn ghé Đền Trần, thấy mấy người cầm tờ giấy, đứng cạnh chiếc bàn chờ ai đó. Lúc sau thấy một người bước thẳng tới bàn, mở túi lấy giấy bút ra và viết. Chữ viết chứng tỏ người này viết đã nhiều năm, chữ viết khá nhanh và thuần thục. Có điều, cách anh ta cầm bút lông cũng không khác gì đang cầm bút sắt. Việc cầm bút như vậy có thể có người cho là cũng “không sao”…song thực tế tư thế tay cầm bút như vậy không những xấu, trông rất chướng mắt, ảnh hưởng rất lớn tới việc hành bút… (Ảnh 1)
Vấn đề thứ hai là tình trang thư pháp chữ quốc ngữ (nhiều người thích gọi bằng “Thư pháp Việt”), sau thời gian rộ lên thập niên 90 , phát triển khá lung tung tới những năm đầu TK 21, giờ đang khựng lại. Do đâu nó phát triển?, và do đâu nó khựng lại? Thiển ý của người viết bài cho rằng đây là hành động tiếp biến văn hóa, tóe ra từ nhu cầu Việt hóa những thành tố ngoại lai, từ quá trình giao thoa, cọ xát của văn hóa chữ Hán Nôm Á Đông với văn hóa chữ Latin phương Tây . Động lực sâu xa của hành động này là lòng yêu nước, muốn tìm và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo các tài liệu rải rác thì Đông Hồ-Tương Phố cùng nhóm bạn văn nghệ là những người đầu tiên viết thư pháp bút lông chữ quốc ngữ. Trong cuốn Căn bản nghệ thuật thư pháp của Nguyễn Bá Hoàn, NXB Thuận Hóa, 2002, thì nhắc tới Nam Giang, Vũ Hối… Dù nhóm nào thì tựu trung, thư pháp chữ quốc ngữ không thể có trước khi có chữ quốc ngữ. Mà phải tới khi chữ quốc ngữ đã được phổ biến, được chấp nhận và dùng chính thức ở Việt Nam, việc cọ xát giữa “bút lông” với “bút chì” trở nên cơm bữa, hành động tiếp biến nói trên mới diễn ra. Như vậy, tuổi thực của thư pháp chữ quốc ngữ mới chỉ hơn nửa thế kỷ, vì thế nó chưa thể có được những kinh nghiệm, quy phạm cần thiết (Pháp) của môn này. Cái nó tiếp nhận và sử dụng là bút lông và mực Tàu, giấy đỏ, dấu triện…của thư pháp Hán tự Trung Hoa. Nó chỉ là nhánh phái sinh của nền thư pháp phong phú, cao thâm với những cổ tự Giáp cốt cách nay hơn 5000 năm. Điều này cũng giống con đường của thư pháp Nhật, Hàn…, tức cũng tiếp nhận thành tựu của thư pháp Trung Hoa rồi Nhật hóa, Hàn hóa. Khác chăng là trong khi Nhật, Hàn có thứ chữ riêng của họ, thì ta quốc ngữ hóa mẫu tự Latin : Nhật Hàn vay mượn 50 %, còn ta vay mượn 100 %...
Thư pháp Trương Lộ
LỐI ĐI NÀO CHO THƯ PHÁP Ở VIỆT NAM?
Tôi tán thành ý kiến lo ngại cho sự phát triển nóng của thư pháp của một nhà thư pháp nói trên, vì thư pháp là một ngành nghệ thuật rất đặc sắc, kỳ công, phải nhận thức và có cách làm đúng mới có thể phát triển. Đầu năm 2013, chúng tôi có chuyến du xuân Quảng Ninh, nghỉ trọ dưới chân núi Yên Tử. Phòng nghỉ có treo một bức thư pháp chữ quốc ngữ viết chữ “Thiền”. Ba người cùng phòng đều là thư pháp gia, nên cuộc đàm đạo của chúng tôi xoay quanh bức thư pháp này. Bức này do một nữ tu sỹ viết, rất có “Lực”, song thiếu “Pháp”. Nói cách khác, thư pháp ở Việt Nam hiện nay (cả chữ Hán Nôm lẫn chữ quốc ngữ) hiện thiếu nền tảng căn bản. Không có thầy (hoặc thầy chưa đạt chuẩn), không có lý luận (ngay lý luận thư pháp chữ Hán cũng không nắm được rõ), tóm lại tình trạng “vô sư, vô sách” khá phổ biến.
Bức chữ “Thiền” ..ở nhà trọ chân núi Yên Tử
Một số nhà thư pháp đã nỗ lực viết và nghiên cứu, song do họ không được rèn tập ngay từ đầu và lâu dài với một chân sư nên họ thiếu căn bản. Vậy nên việc nghiên cứu của họ còn nông thiển và chủ quan. Có người vẽ chữ gọi là “Họa tự” và coi đó là phát minh của mình. Nếu anh ta xem lại cổ tự với nguyên lý tượng hình của Đại Triện Giáp cốt, Kim văn…chắc anh ta sẽ không bốc đồng như vậy!? Trong những cuốn biên khảo về “Căn bản thư pháp” , tìm mãi không thấy căn bản chỗ nào, chỉ một số khảo cứu tư liệu lấy từ sách Tàu, Nhật với lại – eo ôi, những ví dụ là những “kiệt tác” thư pháp chính họ viết thị phạm, cẩu thả, lung tung beng….Xin các bạn được/ bị đề cập bỏ qua bởi tôi không có ý muốn mạo phạm, nhưng vì không có cách nào khác ngoài nói thẳng. Cần ghi nhận nỗ lực của anh em, song cũng cần nghiêm túc chỉ ra những thiếu sót, sai lầm để chúng ta đi đúng hướng trên con đường phát triển .
Khi tôi nói với các sinh viên ở một trường đại học rằng tôi mất hơn 2 năm mới viết được chữ “Nhất”, 3-5 năm mới tạm ổn. Nhiều bạn thắc mắc (chắc nghĩ tôi rất dốt!), bởi chỉ mấy giây ta đã quẹt được một nét là chữ “Nhất” rồi! Tôi cho các bạn ấy viết thử, tất cả đều như que củi hoặc khúc xương chó! Tôi nói đấy là tôi đã học nhanh hơn cả “Thư thánh” Vương Hy Chi, bởi ông khổ luyện 15 năm mới viết được chữ “Vĩnh” . Chữ này gồm 5 nét, vị chi 3 năm cho 1 nét! Thực tế Vương Hy Chi rèn luyện thư pháp từ rất sớm và rất nghiêm túc, ông tập trung vào chữ “Vĩnh” vì trong đó hàm chứa những kỹ pháp cơ bản của thư pháp, từ đó sáng chế ra “Vĩnh tự bát pháp”. Tôi tìm được chân sư muộn, không dám sánh với bất cứ ai ngoài tình yêu nghệ thuật, chỉ dám tập trung vào một nét chữ “Nhất”, tử đó mở rộng, nâng cao. Một lần, lớp thư pháp có một cụ già 78 tuổi ghé thăm. Ông nói rằng 15 năm rèn luyện thư pháp, ông mới “đến cửa” của nó (nhập môn thư pháp). Vậy nên việc rèn tập thư pháp là việc hàng ngày, cũng là việc cả đời. Cái nguy của việc “xuống đường” viết, vẽ là chỗ nó đánh tráo khái niệm, khiến công chúng tưởng rằng nghệ thuật – một nghệ thuật cao siêu như thư pháp, là chỉ có thế. Một số con buôn chữ nghĩ rằng chỉ cần đầu tư mấy tháng với mấy triệu là đã ra đường ngồi ngoắng chữ thu tiền!
Thư pháp Thiền Mặc: chữ THIỀN (Triện) và câu kệ của Trần Nhân Tông
Chúng ta phải trở lại với việc xây dựng từ nền tảng bằng việc đầu tư tâm sức cho việc nghiên cứu, tập luyện thư pháp một cách bài bản, có chương trình, chuyên nghiệp. Bắt đầu từ thư pháp Hán Nôm, các thể chữ, “lâm mô” các tác phẩm của các bậc thầy…rồi phát triển ứng dụng, nghiên cứu cả nghệ thuật viết chữ Latin để tìm ra hướng đi cho thư pháp chữ quốc ngữ. Và trên hết là sáng tạo ra các tác phẩm thư pháp Việt Nam (cả Hán Nôm, cả quốc ngữ) xứng tầm Thư pháp Việt, văn hóa Việt Nam hiện đại.
1-
3-
4-
5-