Lam - dòng nước qui hồi (Nhìn lại trại sáng tác 2018 – CLB Cây Bút Trẻ)

 

Núi lam là tim tôi, nước xanh là tình người

Núi lam nào biến đổi, nước xanh thì ra khơi

Vẫn còn thương nhớ núi, nên nước lại quy hồi.” (*)

(Sijo 4, Hwang Chin I)

 20190107 NCT1

Thế là trại sáng tác đầu tiên của CLB Cây Bút Trẻ đã trôi qua như dòng nước xanh vẫn ngàn đời chảy “ra khơi”. Nhưng dòng nước “Lam” này đây không chảy ra sông, ra bể, mà chảy vào trái tim, vào tâm hồn, chảy vào thơ ca, chảy thành dòng trong ký ức mỗi người chúng tôi - những kẻ may mắn được dự phần trong chuyến hành trình ấy, để lại những dư âm, dư ảnh, dư vị đẹp đẽ đến nỗi chúng tôi sẽ còn phải nói mãi về nó như tất cả chỉ mới là ngày hôm qua. Giờ đây khi đã trở về với thị thành ồn ào và náo nhiệt, nằm giữa bốn bức tường hẹp mà nhắm mắt lại vẫn như đang nghe tiếng thác đổ vào đêm, như đang run lên trong hơi sương khuya giá lạnh, vẫn thấy hồn mình neo lại đâu đó giữa núi rừng Cát Tiên vậy...

“Trả rừng lại nét hoang sơ

Gom hơi gió lạnh trả về với đêm

Trả Tiên giấc mộng êm đềm

Sao Lam chưa trả hồn em về đời.”

(Trả, N2L)

Đó là những ngày cuối đông, trong khi người người nô nức kéo nhau xuống phố để hoà vào cái hào nhoáng và lấp lánh của những ánh đèn điện, thì chúng tôi, những người trẻ thích phiêu lưu đã kéo nhau lên rừng cùng ôm một giấc mộng đông Lam.

Sáng ấy, sau bao nhiêu cuộc hẹn, tất cả lên xe với niềm háo hức và say mê lạ kỳ, chúng tôi đi, bỏ lại phía sau những toà nhà cao chót vót, bỏ lại phía sau phố phường nhộn nhịp tấp nập người xe, bỏ lại những âm thanh hỗn loạn, trước mắt chúng tôi là rừng núi hoang sơ đang mời gọi. Cuộc hội ngộ đặc biệt của bao nhiêu thế hệ yêu Văn, vẫn tin giữa đời có thể "vịn câu thơ mà đứng dậy" (**) trên chuyến xe của tuổi trẻ làm cho câu chuyện cứ dài ra mãi, cứ thế, xe băng qua những con đường như dần dần dẫn vào một miền không gian khác, chỉ có tiếng nói cười vẫn không ngớt bao giờ.

Nam Cát Tiên đã đón chúng tôi vào bằng một cánh cửa màu Thiền của Hồng Trung Sơn. Bước qua cánh cổng ấy, tất cả những uể oải của hơn 5 giờ ngồi trong xe dường như tan vào hư vô. Ngôi chùa nằm im sâu trong con đường nho nhỏ, hai bên lúa chín vàng, thơm thơm mùi rạ của những cánh đồng xa vừa thu hoạch. Tiếng chuông mõ hòa vào thinh không dịu vợi. Trời cao rộng, đất bao la, nhắm mắt lại, hít một hơi căng đầy lồng ngực. Mấy thứ nặng lòng bay đi mất, còn lại sự an yên trong cõi lòng mà thôi. Nhiều lúc thèm nghe một câu kinh để lòng thôi vương vấn với mình, với đời, với người mang nợ, thèm làm phiến đá ven đường nằm tĩnh lặng, nhìn đời.

“Khép đi cánh cổng màu thiền

Cát Tiên đón kẻ vẹn nguyên trở về.”

(Đi - về, Vĩnh Hy)

Chúng tôi bắt đầu đi vào rừng, đi vào vẹn nguyên của một miền cổ tích. Mọi thứ rất nguyên sơ, thực vật, động vật, không khí, tất cả đều không hề nhiễm phải một hạt muộn phiền nào. Dòng sông mênh mông, từng hòn đá đã đóng rêu, từng chiếc lá, nhành cây, cả con thác đang không ngừng tuôn chảy, cả bông hoa ai nhuộm đỏ giữa ngàn xanh. Chúng tôi đi giữa lòng thiên nhiên, ngay bên dưới chân còn nghe rõ tiếng thở của Đất Mẹ. Chúng tôi, những đứa con mang đầy rối ren và đau khổ, tìm về bên Mẹ để được nhận cái vuốt ve dịu dàng cho tâm hồn. Ai đó chợt nhớ ra mình từng như chiếc lá, giản đơn và trong xanh, nhớ mình từng như dòng nước, không nghi ngại mà hết mình lao lên phía trước, như ngọn lửa lao vào đêm để bừng sáng.

Đêm hôm ấy, chúng tôi ngồi lại bên lửa hồng, những người đi trước ôn lại những mùa trại đã qua, nhắc nhớ nhau về đôi điều nhỏ nhặt, gương mặt ai cũng rạng rỡ. Mùi than hồng cháy lẹm trên những xiên thịt, mùi khoai nướng tỏa trong sương đêm, tiếng bắp lách tách nổ giòn thoảng đưa dư vị của đêm. Gió lạnh nhưng lòng người vẫn ấm, đâu đó giữa núi rừng Cát Tiên vẫn cháy lên ngọt lửa của nhiệt huyết, của tuổi trẻ, của một tình yêu văn chương. Khoảnh khắc mọi người cầm tay nhau quây quanh đống lửa cùng kể chuyện, đọc thơ, trong lòng bỗng trở nên ấm áp và yên vui. Nhớ từng cái ôm thật chặt truyền nhau hơi ấm. Nhớ lắm những phút giây anh chị cựu thành viên tiếp thêm lửa cho các tân thành viên, lòng tự hào khi được là một lữ khách trong chuyến hành trình này.

20190107 NCT2

Choàng tỉnh dậy giữa cái lạnh hoang vu của núi rừng, chúng tôi biết mình phải trở về với thực tại, với những bộn bề nhân sinh. Để rồi như một sự vương vấn cuối cùng với rừng, với đất, chúng tôi ghé lại Tâm Đức – một lò gốm hơn bốn thập kỷ qua đã nằm ẩn mình giữa lòng thành thị để thổi hồn vào đất như chúng tôi gom hương rừng mà thổi vào thơ.

“Lam” đã nối những con người của bao nhiêu vùng quê, bao nhiêu lứa tuổi xích lại gần nhau bằng những sợi tơ văn chương vương vấn. Chúng tôi trong phút chốc đã “quên thành bỏ thị” để cùng nhau tìm về với rừng, với thác, về với màu xanh cỏ lá, hòa mình vào thiên nhiên, nhìn vào sâu trong tâm thức mỗi người, để rồi màu xanh của đất trời, nhựa sống cỏ cây căng tràn trong lồng ngực, thổi vào hồn sức sống mới.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 1 năm 2019

Ban tổ chức Trại sáng tác 2018 - CLB Cây Bút Trẻ

(*) Nhật Chiêu dịch

(**) Thơ Phùng Quán

Thông tin truy cập

62679272
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11060
19497
62679272

Thành viên trực tuyến

Đang có 528 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website