Liệu rằng ta có cố định được mây?

20181207 NNT

Gần đây, một cuốn sách với cái tên hết sức gợi hình, gợi nghĩa và gợi cả tư duy vừa xuất hiện trên văn đàn - Cố định một đám mây. Đám mây thì làm sao cố định được? Câu hỏi bật ra trong đầu tôi khi lần đầu thấy bìa sách vụt qua trên trang bán sách online. Phải chăng, đó là câu hỏi mà tác giả cuốn sách – cô Nguyễn Ngọc Tư – muốn người đọc tự đi tìm câu trả lời qua các câu chuyện được tập hợp trong đó.

Từ trước đến nay, các câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư luôn lấy nguyên liệu từ những điều mộc mạc, giản dị và chất phác của đời sống. Tập truyện ngắn mới này cũng không thiếu những điều đó; một vùng quê nghèo, một ngôi nhà xập xệ, một hòn đảo biệt lập cũng có thể trở thành cảm hứng cho cô. Với những nơi chốn ấy, không thể viết bằng ngôn từ hoa mỹ hay trau chuốt, mà cũng chẳng cần làm chi. Chỉ cần những “cái hầm nước đá đầy vẩy cá”, “lá mục trên mái nhà hay rớt rụng vào cơm canh” hay “có con sông Vàm chảy trước ủy ban” là đã đủ, không cần phải miêu tả thêm gì nữa. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cô làm nên câu chuyện, làm nên số phận nhân vật.

Mười truyện ngắn, mười câu chuyện khác nhau kể về những cảnh đời khác nhau. Có đau khổ, chia ly, mất mát nhưng cũng có hạnh phúc, khoái cảm, niềm vui và phấn khích. Nhưng điểm chung là nhân vật chính trong những câu chuyện ấy luôn tìm cách trôi đi khỏi bầu trời cố định họ bấy lâu, hoặc là tìm kiếm một bầu trời thuộc về họ để có thể tự cố định mình. Liệu rằng mây có cố định được không? Mây của trời, chẳng phải là để gió cuốn đi sao? Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên những nhân vật mà số phận buộc họ phải bị cố định lại một chỗ, bởi điều này hay điều khác: hôn nhân, tình thân, ngôi nhà dột mái lá, hòn đảo buồn bã, sự cô độc trong tâm hồn. Có lẽ tập truyện ngắn này là một bộ sưu tập những nhân vật được xây dựng theo những kiểu bất thường. Trong các câu chuyện, họ luôn hiện lên với những suy nghĩ khác biệt với số đông mọi người, những hành động bốc đồng ngược đời, ngược lại cả với bản chất của thế giới mà họ đang hiện hữu. Điều tài ba của Nguyễn Ngọc Tư là cô khiến người đọc không cảm thấy những nhân vật đó sai, họ luôn dị biệt nhưng lại khiến tôi muốn xem xem họ sẽ tìm ra chân lý của đời họ bằng cách nào. Họ không sai, thế nhưng chân lý của họ có đúng không? Một người chồng muốn ruồng rẫy cô vợ của mình nên giả vờ chết đuối, một người con trai muốn chối bỏ giới tính sinh học của bản thân, một kẻ đánh bom chỉ vì muốn thoát khỏi sự tĩnh lặng. Nghe qua có thể thật là sai trái, nhưng tác giả đã để họ làm điều đó với tất cả những sự bình thản, sự “trôi đi” và nhẹ nhõm. Đôi khi, tác giả cho người đọc biết kết quả (hay hậu quả) dành cho nhân vật, đôi khi không. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người đọc, có đôi khi sự gợi mở sẽ khiến ta nhận ra thêm nhiều điều, và tôi lại được dịp đặt câu hỏi “Đám mây thì làm sao cố định được?” Từng câu chuyện một đều có đôi điều khiến ta suy ngẫm, về xã hội bất công, về hôn nhân bình đẳng, về cơn đói cơn nghèo, về nỗi sợ hãi trong tâm trí và nỗi cô độc trong tâm hồn.

Cuốn sách khiến ta chợt nhìn lại chính ta, ta có muốn bị cố định không. Ta sẽ trôi đi chứ, hay ta sẽ lẫn vào những đám mây khác. Cố định lại một đám mây, thì sẽ khiến nó tan mất.

Bài viết được chọn từ chương trình “Sách trong đôi mắt tôi” do được câu lạc bộ Cây Bút Trẻ thuộc khoa Văn học tổ chức.

Thông tin truy cập

60752539
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7163
9281
60752539

Thành viên trực tuyến

Đang có 171 khách và không thành viên đang online

Danh mục website