Vu Gia làm mới Khái Hưng

Một cuốn sách khá thú vị. Đó là cảm giác của tôi sau khi gấp lại cuốn Khái Hưng - người đổi mới văn chương của tác giả Vu Gia (NXB Thanh niên vừa ấn hành)

Cứ mỗi cuốn sách của Vu Gia được xuất bản là bạn đọc nhận được nhiều lý giải mới, nhiều tư liệu mới. Và cuốn Khái Hưng - người đổi mới văn chương cũng vậy.

Như những cuốn sách biên khảo trước đó của ông, Vu Gia chịu khó nhặt nhạnh tư liệu, nhất là đi đến những vùng đất cần tới để hiểu thêm về Khái Hưng, về đời văn của Khái Hưng, như: Cổ Am, hòn Trống Mái, biển Sầm Sơn, Phú Thọ, bến Hòn Gai... Qua Khái Hưng - người đổi mới văn chương, Vu Gia cho người đọc biết Khái Hưng chưa hẳn đã mất vào năm 1947 hoặc 1949 như nhiều tư liệu trước kia đã viết, hoặc bố Khái Hưng không phải lãnh chức Tuần phủ của Nam triều mà là Tổng đốc và được nhân dân mạn Thái Bình cúng tế hằng năm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều tư liệu cho biết Khái Hưng viết báo chống chính quyền cách mạng, nhưng với những tư liệu có được, Vu Gia dẫn chứng cho thấy ngày ấy Khái Hưng không chỉ viết báo ủng hộ cách mạng mà còn ở trong bộ biên tập của Báo Thiếu sinh – tờ báo được Bác Hồ đặc biệt quan tâm và nhà văn – thiếu tướng Hồ Phương vào nghề từ tờ báo này với truyện ngắn Tiếng kèn anh lính.

 

Truyện ngắn của Hồ Phương đoạt giải nhất nhưng không có tiền thưởng, chỉ được vinh dự đứng sau tên nhà văn Khái Hưng. Trong thời gian ấy, Khái Hưng cũng là Tổng Thư ký của Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ Việt Nam (Chủ tịch Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch Vũ Ngọc Phan). Ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Đại học Việt Nam trên cơ sở kế thừa Viện Đại học Đông Dương và Khái Hưng được cử giảng dạy về những vấn đề đặc biệt trong chương trình văn khoa...

 

Về cái chết của Khái Hưng, Vu Gia trích dẫn cụ thể những gì đã được các nhà nghiên cứu đã viết và khẳng định tất cả đều… vì người viết chứ không phải vì người đã khuất.

Ở công trình biên khảo này, Vu Gia cung cấp cho bạn đọc nhiều sáng tác của Khái Hưng mới được đăng báo chưa in thành sách; đặc biệt mảng báo chí, phê bình văn học, văn học thiếu nhi, kịch, thơ, dịch thuật. Với tôi, điều thú vị hơn cả là Vu Gia cung cấp cho người đọc hàng chục ký họa, minh họa khá xuất sắc của Khái Hưng.

Ở chương Khái Hưng – Người “dọn vườn” chăm chỉ, Vu Gia có phần tham lam, song tôi cho rằng đó là sự tham lam cần thiết. Bởi qua chương này, người đọc thấy được cái tâm của Khái Hưng đối với sự trong sáng của tiếng Việt, giúp ích cho người đọc biết cách dùng từ đúng, dùng câu đúng trong lúc chữ quốc ngữ còn trong tiến trình hoàn thiện. Hôm nay, những góp ý về cách dùng từ, dùng câu tiếng Việt của Khái Hưng vẫn còn cần cho người học, người viết...

Thông tin truy cập

63735561
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
33655
22198
63735561

Thành viên trực tuyến

Đang có 348 khách và không thành viên đang online

Danh mục website