Bộ sách tuyển văn chương Đông Á

Đã xuất bản

1. Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á (2013)

In màu, 176 trang, khổ 13,5 x 13,5.

Ngôi nhà là một trong những năng lực tích hợp vĩ đại nhất cho những suy tư, những hồi ức cũng như những giấc mộng của loài người (…). Không nhà, người ta sẽ là một sinh vật xiêu tán, bơ vơ. Ngôi nhà bảo vệ người ta trước mọi dông tố của trời đất và mọi bão táp cuộc đời. Ngôi nhà là thân thể và linh hồn của con người”.

(Gaston Bachelard)

***

Chúng tôi tuyển chọn trong sách này bốn tác phẩm về mái lều ẩn cư của bốn tác gia danh tiếng: Bạch Cư Dị (772 - 846, Trung Quốc), Kamo no Chomei (1155 - 1216, Nhật Bản), Lee Hwang (1501 - 1570, Korea), Nguyễn Hàng (thế kỷ XVI, Việt Nam). Bạn đọc có thể cảm nhận một truyền thống chung của văn chương thảo am Đông Á đã được tiếp nối và phát triển, sáng tạo độc đáo qua từng tác gia, từng nền văn học dân tộc.

(Phan Thị Thu Hiền)


2. Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á (2014)

In màu, 156 trang, khổ 13,5 x 13,5.

 

Sách này như một bộ tranh tứ bình thể hiện chân dung bốn kỳ nữ lừng danh trong văn chương Đông Á qua những đường nét, màu sắc thơ ca của chính họ: Tiết Đào (768 - 831, Trung Quốc), Ono no Komachi (825 - 900, Nhật Bản), Hwang Jin Yi (1506 – 1544, Korea), Hồ Xuân Hương (cuối tk XVIII - đầu tk XIX, Việt Nam).

***

Được say đắm do Nhan sắc, Yêu đương, họ là Đàn bà.

          Tài và Tình nâng họ thành Giai nhân tri âm tri kỷ với bậc Tài tử.

          Mọi truân chuyên kiếp Hồng nhan không làm gục ngã được họ, chỉ khiến họ trở về với bản chất cùng kiệt cũng là năng lực nguyên sơ của Nữ tính, bé nhỏ mà lớn lao, yếu đuối và mạnh mẽ, ngây thơ và minh triết, tận hiến, nỗ lực hết mình cho hạnh phúc và những giá trị nhân bản. 

          Không chịu tuân theo chuẩn mực và định kiến thế gian, họ trở thành Nàng tiên thắp sáng chiều kích huyền diệu của một xã hội, một cuộc sống xứng đáng với Con Người mà người nữ bình thường trong đời thường nhật không từng biết, không từng tưởng tới.

(Phan Thị Thu Hiền)


3. Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á (2014)

In màu, 168 trang, khổ 13,5 x 13,5, giá: 90.000 VND.

Huyền thoại lập quốc không chỉ tiết lộ không gian văn hóa, chủ thể văn hóa, thời gian văn hóa khởi nguồn một quốc gia mà còn cho thấy chân dung tinh thần dân tộc, sự tự ý thức của dân tộc.

***

Những huyền thoại lập quốc nổi tiếng trong cuốn sách này: Truyện Bàn Cổ (Trung Quốc), Truyện Dangun (Korea), Truyện hai vị thần Izanagi - Izanami và truyện nữ thần Amaterasu (Nhật Bản) Truyện Họ Hồng Bàng Việt Nam có thể cho thấy những điểm chung căn bản trong ý thức văn hóa - lịch sử của bốn nước Đông Á đồng thời phần nào làm nổi bật nét bản sắc riêng của từng dân tộc.

(Phan Thị Thu Hiền)

4. Thi tăng Đông Á (2017)

In màu, 344 trang, khổ 13,5 x 13,5, giá: 90.000 VND

Chính như Nghiêm Vũ viết trong Thương Lang thi thoại: “Thiền đạo duy tại diệu ngộ, Thi đạo dã tại diệu ngộ” (đạo Thiền cốt ở chỗ “diệu ngộ”, đạo của thơ cũng ở chỗ “diệu ngộ”). Điểm gặp gỡ và tương thông giữa Thiền và Thi là ở chỗ “ngộ”. Thơ từ khi thẩm thấu Thiền lý thì linh tính càng rõ hơn, Thiền từ khi có Thi ý thì ngày càng uyên áo hơn”.

(Mạnh Chiêu Nghị)

***

Cuốn sách này lựa chọn giới thiệu bốn thi tăng - danh tăng thuộc hàng tiêu biểu nhất trong văn học bốn nước: Hàn Sơn của Trung Quốc (691 - 793), Hye Sim (Tuệ Thầm, 1178 - 1234) của Korea, Huyền Quang (1254 - 1334) của Việt Nam, Ikkyuu (Nhất Hưu, 1394 - 1481) của Nhật Bản. Dẫu những xứ sở, những thời đại khác nhau, những cá tính, giọng điệu khác nhau, sáng tác của các thi tăng - danh tăng này đều thấm đẫm mỹ cảm thi ca và thiền vị giác ngộ, thanh lọc tâm hồn người đọc, thức tỉnh nơi mỗi người khao khát đạt đến sự tự tại vô ngại, trở về với thế giới nguyên sơ, với bản tâm thuần khiết của chính mình.

(Phan Thị Thu Hiền)

5. Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á (2017)

In màu, 296 trang, khổ 13,5 x 13,5, giá: 90.000 VND

Nó là ngôi sao quái dị nhưng mỹ lệ, nó sáng ngời và óng ánh như ngọc quý, nó kiều diễm như chân tay trắng nõn của mỹ nhân, nó có đường vân hoa diệu xảo như gấm dệt, có sắc xanh quánh của xương cổ xưa. Ngoài ra, nó còn có sự tĩnh lặng của đêm khuya, độ sâu thẳm của vực nước, lời than thở cảm khái nghẹn ngào…”

          Lời xưng tụng trên đây của học giả người Nhật Murakami Tomoyuki đối với Tiễn Đăng tân thoại (của Cù Hựu, Trung Quốc), về cơ bản, có thể dành cho cả Kim Ngao tân thoại (của Kim Si Seup, Korea), Truyền kỳ mạn lục (của Nguyễn Dữ, Việt Nam), Vũ nguyệt vật ngữ (của Ueda Akinari, Nhật Bản), mà nhất là những chuyện tình ma nữ trong các tác phẩm này. 

***

Cái kỳ ảo, dù chỉ là những mảnh vụn hay “dư ba” trong một câu chuyện, nó không thể chỉ được coi là bút pháp. Bởi mỗi chi tiết kỳ ảo đã là một đơn vị ngữ nghĩa tạo ra phản ứng đặc trưng của nhân vật lan toả tới người đọc: cảm giác mơ hồ, bất định trước sự đột nhập của một hiện tượng siêu nhiên.

(Đặng Anh Đào)

6. Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỷ XX (2017)

In màu, 366 trang, khổ 13,5 x 13,5, giá: 95.000 VND.

 

Văn chương sáng tạo nên những thực tại tưởng tượng về đô thị và đến lượt mình, biến chuyển của đô thị lại đổi thay những văn bản văn chương (…) Chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và hài hước cho chúng ta nhìn sâu vào đô thị thương nghiệp, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện đại khám phá đô thị công nghiệp, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại biểu hiện đô thị hậu hiện đại. Đô thị và văn chương có những lịch sử không thể tách rời.

(Richard Lehan)

***

          Không chỉ là văn chương, cuốn sách này dành cho những ai quan tâm đến ý nghĩa và bí ẩn của cuộc sống đô thị hiện đại phương Đông có thể đã được khải lộ qua hình ảnh Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul những năm đầu thế kỷ XX.

(Phan Thị Thu Hiền)

 

Sắp xuất bản

- Những hoàng đế - thi nhân Đông Á

- Đoản thi Đông Á

- Những chuyện tình văn nhân – ca nữ Đông Á

- Sân khấu mặt nạ ở Đông Á


Thi tăng Đông Á

LỜI NÓI ĐẦU

          Những nhà sư sáng tác thơ ca…

          Theo nghĩa rộng như vậy, thi tăng đầu tiên chính là Đức Phật - Sakya Muni. Trong những câu chuyện, những lời thuyết pháp của mình, Người thường xen vào hoặc cuối cùng đúc kết những thi kệ (gatha). Tuy mục đích chủ yếu không phải thơ mà là Chánh Pháp nhưng vẻ đẹp tư tưởng, cảm xúc, hình tượng, ngôn từ những thi kệ của Bậc Đại sư Giác ngộ vẫn chan chứa giá trị văn chương.         

          Khi mở rộng ảnh hưởng tới các nước châu Á, nhất là khu vực Bắc tông nơi Phật giáo tùy duyên mà hòa nhập, tiếp biến sâu xa với nền văn hóa nghệ thuật bản địa, truyền thống các nhà sư làm thơ tiếp tục hình thành và phát triển. Các nhà sư Đông Á phần nhiều sáng tác thơ chữ Hán, bên cạnh đó cũng dùng các thể thơ ca dân tộc như gasa, sijo (Korea), waka, haiku (Nhật Bản), thơ Nôm (Việt Nam)… Dần dà ngày càng nhiều những thi nhân - tăng sĩ có tên tuổi trong lịch sử văn học của các dân tộc. 

          Trung Quốc xưa kia đã có những tuyển tập đồ sộ tập hợp sáng tác của các thi tăng mà chỉ riêng đời Đường (618 - 907) và đời Tống (960 - 1279) đã hơn 600 vị[1].

          Korea thì căn cứ những tuyển tập gần đây do nhà sư Rodam Jeongan (Lộ Đàm Chánh Nhãn) biên soạn, các thi tăng tiêu biểu mà tác phẩm còn lại đến ngày nay, ít nhất cũng là 133 vị [Thời Tam Quốc và Silla thống nhất (57 TCN - 935): 35 vị; Thời Goryeo (918 - 1392): 34 vị; Thời Joseon (1392 - 1910): 64 vị][2].

          Ở Việt Nam, theo thống kê của Nguyễn Công Lý, số lượng thi tăng trong văn học cổ trung đại khoảng 100 vị [Trước khi nước nhà giành độc lập, tự chủ (từ thế kỷ II đến đầu thế kỷ X): 25 vị; Thời Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV): 44 vị); Thời Lê - Nguyễn (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX): 30 vị]. Tác giả văn học Phật giáo đời Lý chủ yếu là nhà sư (tỷ lệ 80%), còn đời Trần thì ít hơn (tỷ lệ 13%).

          Đối với Nhật Bản, trong phạm vi tư liệu chúng tôi bao quát được, chưa có số lượng cụ thể các vị thi tăng qua các thời đại. Chỉ biết rằng họ khá đông đảo và xuất hiện từ khá sớm. Từ giữa thế kỷ thứ VIII, tuyển tập Hán thi Kaifuusô (懐風藻, 751) đã có sự góp mặt của dòng thơ Phạn môn (梵門詩) với các nhà sư Dôyuu (Đạo Dung, ? - ?),  Dôji (ĐạoTừ, ? - 744), Benshô (Biện Chính,? - ?). Về sau, khá nhiều “thiền gia - thi sĩ" có  thi tập riêng như Ikkyuu (Nhất Hưu, 1394 - 1481), Saigyô (Tây Hành, 1118 - 1190), Guchuu Shuukyuu (Ngu Trung Chu Cập, 1323 - 1409), Gensei (Nguyên Chính, 1623 - 1668), Ryôkan (Lương Khoan, 1758 - 1831)…

          Gia tài thơ ca của các vị thi tăng qua bao thế kỷ đã đóng góp lớn lao cho văn học Phật giáo nói riêng, văn học cổ điển nói chung của các nước Đông Á.

          Có hạt giống từ Ấn Độ, tuy nhiên, chỉ đến Đông Á, Thiền tông mới thực sự nảy nở thành cái cây xanh tốt và rực rỡ trái hoa. Đến mức trong ngôn từ thông thường, nói “cửa thiền”, “hương thiền”… là nói chung Phật giáo. Các thiền sư chiếm tỷ lệ đáng kể trong đội ngũ thi tăng Đông Á mà ngay cả các tăng sĩ Tịnh Độ thì sáng tác thơ ca vẫn dễ dàng thẩm nhập vị thiền.      

          Quan hệ giữa thơ ca và thiền gắn bó theo những cách thức sâu sắc, nhuần nhuyễn, thậm chí, tương thông, chuyển hóa, hợp nhất, đồng nhất cùng nhau.     

  “Chính như Nghiêm Vũ viết trong Thương Lang thi thoại: “Thiền đạo duy tại diệu ngộ, Thi đạo dã tại diệu ngộ” (đạo Thiền cốt ở chỗ “diệu ngộ”, đạo của thơ cũng ở chỗ “diệu ngộ”). Điểm gặp gỡ và tương thông giữa Thiền và Thi là ở chỗ “ngộ”. Thơ từ khi thẩm thấu Thiền lý thì linh tính càng rõ hơn, Thiền từ khi có Thi ý thì ngày càng uyên áo hơn[3].        

          “Bình thường tâm thị đạo” nên bất cứ vật gì, sự gì trong vũ trụ, trong cuộc đời thường nhật đều có thể là đề tài cho các thi tăng cảm hứng, quán chiếu, suy tưởng trầm tư, chiêm nghiệm. Tương thông giữa thơ và thiền, ở ý nghĩa cốt lõi nhất, là niềm vui của khoảnh khắc bừng ngộ ánh sáng mới mẻ thức nhận đồng thời thực hiện toàn mãn bản chất như như trong vạn vật và trong chính tâm ta.

  Thơ với ý nghĩa như vậy không phải thơ trong những tiêu chí, quy cách thông thường. Thi tăng Hàn Sơn (Trung Quốc) từng láy lại hàm ý dí dỏm của Lão Tử: “… Hạ ngu văn đạo đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi đạo” [Kẻ hạ ngu nghe đạo, ha ha chê cười; không bị (kẻ ngu) chê cười, không đáng được gọi là đạo] khi gửi gắm quan niệm thi ca của mình:

                                       Độc ngã thi         

Hạ ngu độc ngã thi,

Bất giải khước xuy tiếu.

Trung dung độc ngã thi,

Tư lượng vân thậm yếu.

Thượng hiền độc ngã thi,

Bả trước mãn diện tiếu.

(…)

Kẻ ngu đọc thơ tôi,

Không hiểu lại chế nhạo.

Người thường đọc thơ tôi,

Nghĩ suy nói khó hiểu.

Bậc trí đọc thơ tôi,

Gương mặt ngời rạng rỡ[4].

          Thiền sư Ryokan (Nhật Bản) tự xem như đồ đệ của Hàn Sơn, khẳng định thơ mình thuộc loại “phi thơ” (Ngã thi thị phi thi) và nhấn mạnh rằng sứ mệnh của thơ là phải tỏ bày cho được tâm trong vạn vật:                                     

Phỉ nhiên kỳ mạc chương,

Gia chi dĩ tân kỳ.

Bất tả tâm trung vật,

Tuy đa phục hà vi.

Văn nhã làm mẫu mực,

Thêm thắt cho tân kỳ.

Bản tâm chẳng tỏ được,

Viết nhiều hỏi ích chi[5].

          Với các thi tăng vĩ đại, rốt cuộc, thơ ca đích thực trở thành con đường tu tâm kiến tính. Họ không chỉ để lại thơ ca trong lịch sử văn chương, họ còn mở những nẻo đường tâm linh.

          Cuốn sách này lựa chọn giới thiệu bốn thi tăng - danh tăng thuộc hàng tiêu biểu nhất trong văn học bốn nước: Hàn Sơn của Trung Quốc (691 - 793), Hye Sim (Tuệ Thầm, 1178 - 1234) của Korea, Huyền Quang (1254 - 1334) của Việt Nam, Ikkyuu (Nhất Hưu, 1394 - 1481) của Nhật Bản. Dẫu những xứ sở, những thời đại khác nhau, những cá tính, giọng điệu khác nhau, sáng tác của các thi tăng - danh tăng này đều thấm đẫm mỹ cảm thi ca và thiền vị giác ngộ, thanh lọc tâm hồn người đọc, thức tỉnh nơi mỗi người khao khát đạt đến sự tự tại vô ngại, trở về với thế giới nguyên sơ, với bản tâm thuần khiết của chính mình.

          Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu, các dịch giả mà chúng tôi tham khảo và trích tuyển bản dịch.

          Mặc dù đã rất cố gắng, công trình của chúng tôi hẳn là khó tránh khỏi những điểm bất toàn, kính mong được quý vị học giả cùng quý bạn đọc chỉ giáo.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2017

Thay mặt các tác giả, dịch giả

Phan Thị Thu Hiền


MỤC LỤC

Lời mở

Phan Thị Thu Hiền

***

          Hàn Sơn (691 – 793)

Nguyễn Thị Bích Hải viết Tiểu dẫn, tuyển chọn và dịch

     Tuệ Thầm (1178 – 1234)

Phan Thị Thu Hiền viết Tiểu dẫn

Nguyễn Thị Bích Hải dịch

     Huyền Quang (1254 – 1334)

     Nguyễn Công Lý viết Tiểu dẫn

     Nguyễn Công Lý tuyển chọn (thơ do Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Văn Hỷ, Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Trung Thông, Băng Thanh, Kiều Thu Hoạch dịch)

     Nhất Hưu (1394 – 1481)

     Nguyễn Nam Trân viết Tiểu luận và dịch.

     ***

Giới thiệu tóm tắt các tác giả của sách này

 


Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á

LỜI NÓI ĐẦU

          Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu), Kim Ngao tân thoại (Kim Si Seup), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Vũ nguyệt vật ngữ (Ueda Akinari) là những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kỳ trong văn học cổ điển của Trung Quốc, Korea, Việt Nam, Nhật Bản. Cuốn sách này tập trung chỉ vào những chuyện tình ma nữ mang tính cách đại diện và điển hình, mong muốn mở ra một hành trình thú vị đọc bốn tác phẩm từ góc nhìn loại hình và trong quan hệ văn học - văn hóa của khu vực Đông Á.  

          Như chính tên gọi của thể loại, truyền kỳ sử dụng yếu tố “kỳ”. Trong bài viết “Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam”, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào giới thuyết hai tiền đề quan trọng của cái kỳ ảo bao gồm (a) Yếu tố siêu nhiên và (b) Một phản ứng lưỡng lự giữa cái thực và cái huyền hoặc của nhân vật và độc giả. Theo bà, “Cái kỳ ảo, dù chỉ là những mảnh vụn hay “dư ba” trong một câu chuyện, nó không thể chỉ được coi là bút pháp. Bởi mỗi chi tiết kỳ ảo đã là một đơn vị ngữ nghĩa tạo ra phản ứng đặc trưng của nhân vật lan toả tới người đọc: cảm giác mơ hồ, bất định trước sự đột nhập của một hiện tượng siêu nhiên.” [6]    Chính phản ứng lưỡng lự của nhân vật trước sự thâm nhập hiện tượng siêu nhiên vào thế giới trần tục, thường nhật tiếp tục lan tỏa tới những tưởng tượng, những ám thị, những diễn giải “lạ hóa” của độc giả tạo nên sức hấp dẫn mê hoặc của văn chương kỳ ảo nói chung, truyện truyền kỳ nói riêng.  

          Hiện tượng siêu nhiên trong các chuyện tình ma nữ dựa trên sự tham gia của ma nữ vào quan hệ yêu đương với những người nam sống nơi dương thế. Type truyện này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cả bốn tác phẩm. Tiễn đăng tân thoại gồm 21 truyện thì có đến 5 chuyện tình ma nữ – chiếm 23,8% (Ái Khanh truyện // Kim phượng thoa ký,  Mẫu đơn đăng ký, Đằng Mục túy du Tụ Cảnh viên ký, Lục y nhân truyện). Trong Kim Ngao tân thoại bản còn đến ngày nay gồm 5 truyện thì có 2 chuyện tình ma nữ – chiếm 40% (Lý Sinh khuy tường truyện // Vạn Phúc tự hu bồ ký). Với Truyền kỳ mạn lục, ta có 4 trong số 20 truyện – chiếm 20% (Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Lệ Nương truyện // Mộc miên thụ truyện, Xương Giang yêu quái lục), còn Vũ nguyệt vật ngữ, 2 trong số 9 truyện thuộc đề tài này – chiếm 22,2 % (// Ngôi nhà trong đám cỏ tranh, Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu). Tỷ lệ chuyện tình ma nữ cao nhất trong Kim Ngao tân thoại (Korea), và khá tương đương nhau ở ba tác phẩm còn lại.       

          Trong type chuyện tình ma nữ, tiếp tục có thể nhận diện hai dạng thức cơ bản: (1) hồn ma người vợ tiếp tục quan hệ với người chồng còn sống, (2) hồn ma trinh nữ quyến rũ người nam còn sống. Trong danh sách liệt kê phía trên, ở mỗi tác phẩm, các chuyện dạng thức (1) được viết trước và ngăn cách bởi dấu // so với các chuyện dạng thức (2). Theo đó, số lượng chuyện của dạng thức (1) và dạng thức (2) ở Tiễn đăng tân thoại1/4; Kim Ngao tân thoại1/1; Truyền kỳ mạn lục2/2; Vũ nguyệt vật ngữ2/0. Một cách tương đối, ở Tiễn đăng tân thoại (Trung Quốc) chủ yếu là dạng thức (2) trong khi Vũ nguyệt vật ngữ (Nhật Bản) chỉ có dạng thức (1), Kim Ngao tân thoạiTruyền kỳ mạn lục thì quan tâm cả hai dạng thức đồng đều. 

          Những câu chuyện dạng thức (1) kể về đôi lứa, hầu hết xứng hợp nhau, hoặc được cha mẹ hai bên tác hợp hoặc tự do đến với nhau nhưng sau cũng được mẹ cha đồng ý. Hôn nhân hạnh phúc không bao lâu, người vợ sớm phải chịu cảnh đơn thân chiếc bóng do chồng đi làm quan (hoặc theo cha đi làm quan) ở địa phương khác, chồng buôn bán xa nhà, chồng chơi bời lêu lổng, chồng trăng hoa bội nghĩa… và nhất là vì chiến tranh, loạn lạc. Người vợ mất, có khi vì sầu khổ phát bệnh, nhưng nhiều hơn là trong hoàn cảnh bị quan chức ép uổng, bị giặc cưỡng hiếp, bị chồng gán nợ, đã kiên quyết giữ gìn tiết hạnh, thà chết chứ không chịu nhơ nhuốc. Người chồng tiếc thương (hoặc hối hận) được gặp lại “vợ” (có khi do ân phúc của một đấng siêu nhiên cảm động trước đức hạnh của nàng), biết là nàng đã mất nhưng vẫn cùng nhau ân ái mặn nồng trước khi hồn nàng mãi mãi trở về cõi âm. [Chỉ riêng truyện “Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu” (Nhật Bản) là một ngoại lệ, người chồng phản bội, trước sau không hối hận đã bị hồn ma người vợ trả thù một cách khốc liệt]. Qua sự tiếp tục motif đoàn tụ - ly tán từ thế giới thực sang thế giới phi thực, những câu chuyện dạng thức (1) làm nổi bật chủ đề về hạnh phúc gia đình và thân phận những người phụ nữ (tài sắc, đức hạnh) trong một xã hội loạn lạc, quan lại đè nén, thể chế gia trưởng áp chế, bủa vây…  

          Những câu chuyện dạng thức (2) kể về hồn ma người nữ lúc sinh thời chưa từng được nếm trải ái ân, tình cờ gặp được (hoặc cố ý mồi chài) người nam trẻ tuổi, còn độc thân hay mới góa vợ, đang buồn chán, cô đơn. Chàng được người ngoài mách bảo hoặc chính bản thân cũng ngờ ngợ nàng là ma nữ nhưng vẫn mê mải hoặc vẫn bị cuốn theo cuộc tình, không thể cưỡng lại. Có chuyện kết thúc khi hồn ma tan biến, chàng thương xót lo an táng chu đáo cho nàng, sau đó, không gắn bó cùng ai, lạnh lòng với việc thi cử, xuất gia tu hành, lên núi hái thuốc, bệnh mà mất hoặc đi đâu không rõ... Có chuyện kết thúc với việc chính người nam cũng chết, thành ma và đôi nam nữ tác yêu tác quái, cuối cùng bị đạo nhân tiêu diệt, khống chế. Qua sự hợp nhất lứa đôi giữa kẻ ở thế giới phi thực cùng người ở thế giới thực, những câu chuyện dạng thức (2) có chủ đề tương đối phức tạp với sự phân vân nhất định giữa cực này của thái độ phê phán, cảnh báo kẻ đam mê sắc dục và cực kia của tiếng nói thông cảm, đặt vấn đề về thân phận tình yêu cùng những ao ước nhân bản của con người trong một xã hội mà hệ tư tưởng khắc kỷ thống lĩnh nặng nề.

          Chủ đề nổi bật trong phần lớn các câu chuyện ma nữ ở cả hai dạng thức là khát khao gắn kết của những lứa đôi chịu cảnh ngộ biệt ly cũng như khát khao gắn kết giữa trai đơn gái chiếc. Có khi ma nữ và cũng có khi người nam đóng vai trò chủ động, tuy nhiên, ở những chừng mực và cách thức khác nhau, họ đã chia sẻ niềm đắm say tột cùng để đạt đến thăng hoa viên mãn trong một ái dục siêu vượt trên quyền lực vô cùng tối tăm, nghiệt ngã của cái chết, của cách biệt âm dương. Họ được cùng nhau một vài năm hay chỉ một vài ngày, thậm chí chỉ một đêm, nhưng để đánh đổi hạnh phúc hòa nhập ngắn ngủi đó, người nữ dám vi phạm những quy tắc, luật lệ của cõi âm, người nam có thể gạt bỏ mọi bổn phận xã hội, làm ngơ mọi thiệt thòi, hiểm nguy, thậm chí dám hy sinh cả sinh mệnh bản thân mình. Kết thúc các câu chuyện đều bi kịch: hoặc lứa đôi vĩnh quyết chia lìa, hoặc cả hai phải chết.  

           Hầu hết các tác phẩm làm ngơ những motif không - thời gian đặc thù của chuyện ma (đêm mưa gió dông bão, rừng hoang, động sâu, vực thẳm, mê cung, …) cũng như không cần đến những tạo hình quen thuộc về ma nữ Á Đông (áo trắng, tóc dài phủ kín khuôn mặt, những vận động kỳ quái…). Khí quyển của các câu chuyện, trái lại, mơ hồ huyền hoặc, liên tục chồng chập nhập nhòa và giằng giật phân xẻ giữa thế giới phi thực và thế giới thực, giữa cõi mộng ước và nơi chốn bị nguyền rủa, lầu các với gò hoang, mỹ nữ nồng nàn và thây ma lạnh lẽo, tiếng khóc cùng tiếng đàn ca, yến tiệc và giỗ chạp, kỷ vật tình yêu cùng vật tùy táng, … Nối kết hai thế giới sâu sắc nhất và ám ảnh nhất là những motif thể hiện ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo về Nghiệp báo – Luân hồi cũng như dấu ấn của những tín ngưỡng, phong tục, kiêng kỵ dân gian (về hồn ma vướng lụy trần; hồn ma trinh nữ vất vưởng lang thang, không được thờ cúng bên nhà mình lại chưa thuộc về gia đình nhà chồng nào cả; hồn ma nữ qua ân ái rút sinh lực từ người nam còn sống…). 

          Ngay cả điểm nhìn và giọng điệu các tác giả cũng đầy phức cảm. Một cách hiển ngôn, trong lời tựa, Cù Hựu tuyên ngôn quan điểm sáng tác “khuyến thiện trừng ác, ai cùng điếu khuất” (khuyên làm điều thiện, răn đừng làm điều ác, thương xót kẻ cùng quẫn, oan khuất); và bình luận cuối mỗi truyện, Nguyễn Dữ bộc bạch chủ trương “ngụ ý khuyến giới”, mong độc giả “xem thấy yêu nữ mê hoặc người, sẽ biết răn sợ trước sắc đẹp”… Tuy nhiên, một cách hàm ngôn, qua thế giới hình tượng, hòa vào lời nhân vật, các nhà văn thông tuệ, tài hoa, ôm ấp chí nguyện cao cả mà bị bỏ phí này đã không chỉ giáo huấn đạo đức Nho gia mà còn kín đáo gửi gắm những nỗi phẫn hận cùng niềm xót xa, cho bi kịch cá nhân đồng thời “cảm thời thương sự”, đớn đau về thể chế, về thời đại. Những lời thơ ma nữ, vì vậy mà khó có thể xác quyết từ nơi nào bỗng rưng rưng nhòa lệ “cảm hoài” của văn nhân. 

Giữ tròn trinh trắng trải bao niên,

Vẻ ngọc vùi chôn chốn cửu tuyền.

                                      (Kim Si Seup)

          Nói cho cùng, chính những ký thác ẩn mật ấy góp phần quan trọng làm nên cái mông lung, huyền bí “dĩ huyễn độ chân” trong những chuyện tình ma nữ của các tác phẩm truyền kỳ. Ở đó, đêm như giếng cổ, như hồ sâu, thao thức những ngôi sao xa ngái… 

          “Nó là ngôi sao quái dị nhưng mỹ lệ, nó sáng ngời và óng ánh như ngọc quý, nó kiều diễm như chân tay trắng nõn của mỹ nhân, nó có đường vân hoa diệu xảo như gấm dệt, có sắc xanh quánh của xương cổ xưa. Ngoài ra, nó còn có sự tĩnh lặng của đêm khuya, độ sâu thẳm của vực nước, lời than thở cảm khái nghẹn ngào[7]

          Lời tri kỷ trên đây của học giả người Nhật Murakami Tomoyuki (Thôn Thượng Tri Hành, 村上 知行, 1899 - 1976) đối với Tiễn Đăng tân thoại, về cơ bản, có thể dành cho cả Kim Ngao tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, Vũ nguyệt vật ngữ, mà nhất là những chuyện tình ma nữ trong các tác phẩm này. 

          Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu, các dịch giả mà chúng tôi tham khảo và trích tuyển bản dịch.

          Mặc dù đã rất cố gắng, công trình của chúng tôi hẳn là khó tránh khỏi những điểm bất toàn, kính mong được quý vị học giả cùng quý bạn đọc chỉ giáo.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2017

Thay mặt các tác giả, dịch giả

Phan Thị Thu Hiền

 


MỤC LỤC

Lời nói đầu

Phan Thị Thu Hiền

  1. 1.     Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (1341-1427) (Trung Quốc)

Nguyễn Thị Diệu Linh viết Tiểu dẫn

Phạm Tú Châu dịch

     - Ái Khanh truyện (Chuyện nàng Ái Khanh)

     - Mẫu đơn đăng ký (Cây đèn mẫu đơn)

  1. 2.     Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (1435-1493 (Korea)

Lý Xuân Chung viết Tiểu dẫn

Jeon Hye Kyung (Toàn Huệ Khanh) và Lý Xuân Chung dịch

     - Vạn Phúc tự hu bồ ký (Chuyện chơi Hu bồ trong chùa Vạn Phúc)

     - Lý sinh khuy tường truyện (Chuyện Lý sinh ngó trộm qua tường)

  1. 3.     Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI) (Việt Nam)

Nguyễn Hữu Sơn viết Tiểu dẫn

Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch

     - Khoái Châu nghĩa phụ truyện (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu)

     - Mộc miên thụ truyện (Chuyện cây gạo)

  1. 4.     Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari (1734-1809) (Nhật Bản)

Đoàn Lê Giang viết Tiểu dẫn và dịch

     - Asagi gayado” (Ngôi nhà trong đám cỏ tranh)

     - Kibitsu no kama (Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu)

5. Suy nghĩ thêm về Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari và thử so sánh với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ

Đoàn Lê Giang

* Giới thiệu vắn tắt các tác giả của sách này.


Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỷ XX

LỜI NÓI ĐẦU

          Quan hệ của văn chương với đô thị cổ xưa và sâu sắc hơn người ta tưởng. Chỉ riêng thời hiện đại, Phương Tây đã có không ít công trình nghiên cứu cũng như các hợp tuyển liên quan đề tài. Không thể kể hết các nhà văn lớn - Daniel Defoe, Charles Dickens, William Wordsworth, Thomas Stearns Eliot, Emile Zola, Bram Stoker, Rider Haggard, Joseph Conrad, James Joyce, Theodore Dreiser, Francis Scott Fitzgerald, Raymond Chandler,... - qua những sáng tác bất hủ, từng lưu dấu thành phố của họ, rực sáng hay tối tăm, ngọt ngào hay cay đắng, trong lòng bao thế hệ cư dân thành phố, và cả bao thế hệ độc giả từ những xứ sở xa lạ chỉ sống với thành phố qua trang sách. Richard Lehan từng tổng kết rất chí lý.  

                   Văn chương sáng tạo nên những thực tại tưởng tượng về đô thị và đến lượt mình, biến chuyển của đô thị lại đổi thay những văn bản văn chương (…) Chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và hài hước cho chúng ta nhìn sâu vào đô thị thương nghiệp, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện đại khám phá đô thị công nghiệp, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại biểu hiện đô thị hậu hiện đại. Đô thị và văn chương có những lịch sử không thể tách rời.”[8].

          Đó là văn chương với đô thị hiện đại phương Tây.

          Thế còn phương Đông nói chung, các nước Đông Á nói riêng?

          Cuốn sách này giới thiệu bốn thành phố nổi tiếng ở bốn nước Trung Quốc – Nhật Bản – Việt Nam – Korea qua những sáng tác văn xuôi tiêu biểu đầu thế kỷ XX. Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul, mỗi thành phố với cá tính riêng, độc đáo đồng thời lại chia sẻ những đặc điểm chung mang bản sắc của khu vực Đông Á đang chuyển mình sang hiện đại, có phần khác biệt với phương Tây cùng thời.  

          Ở phương Tây, những đô thị cận đại ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản, được hậu thuẫn bởi cách mạng công nghiệp, đã hình thành, phát triển và thay thế chủ nghĩa phong kiến suy tàn. Trong khi đó, ở Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản đang cải cách mạnh mẽ, chủ động “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, tiến vượt phương Tây”, đối với ba nước còn lại, ảnh hưởng văn minh phương Tây và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều theo bước những thế lực thực dân. Đó là Thượng Hải với những tô giới (từ năm 1846) và khu định cư quốc tế (của Anh, Pháp, Mỹ - được thành lập tháng 12 năm 1863, đến tháng 12 năm 1941 bị Nhật chiếm đóng). Đó là Hà Nội dưới ách thực dân Pháp (1884 – 1945) và Seoul dưới ách thực dân Nhật (1910 – 1945). Ánh sáng “khai hóa” đổi đời diễn ra cùng với sự vong thân: Seoul lúc đó bị Nhật đổi tên từ Hanseong thành Gyeongseong, Hà Nội trở thành “Tiểu Paris của phương Đông”, Thượng Hải trở nên nổi tiếng với những biệt danh “Nữ hoàng phương Đông” và “Gái điếm châu Á”…   

          Tướng quân Tokugawa Ieyasu rồi Thiên Hoàng Meiji, khoảng hơn hai thế kỷ, đã dùng tài năng lỗi lạc của họ phù phép biến bản doanh Edo của chính quyền Mạc phủ thành Tokyo, một trong những thành phố lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, biểu tượng cho Nhật Bản “đi sau về trước” ở phương Đông. Trong khi đó,  những gì “công nghiệp”, “hiện đại” ở ba thành phố kia hầu như chỉ mang tính “nhập khẩu” và cục bộ. Một Thượng Hải bỗng chốc thành hải cảng sầm uất buôn bán với nước ngoài vẫn không cách xa những làng chài hẻo lánh từng là hình ảnh của nó trước đấy chưa đầy trăm năm. Hà Nội và Seoul, một mặt hiện rõ đứt gãy giữa khu vực phục vụ chính quyền thực dân quy tụ những công trình đô thị hiện đại thoáng đạt, tiện nghi, thẩm mỹ, sang trọng với phần còn lại cổ kính của kinh đô theo truyền thống phong kiến phương Đông, mặt khác, lại liên tục tiếp nối khoảng xưa cũ này tới những vùng nông thôn còn lạc hậu, nghèo nàn lân cận.

          Dòng người từ nông thôn đổ về thành phố làm dân số đô thị tăng vọt. Và không chỉ dân nhập cư mà ngay cả những cư dân gốc của thành phố xưa cũng phải gấp rút tập tành để sống sót, thích ứng, hưởng thụ cuộc sống đô thị hiện đại, về cơ bản, vẫn còn xa lạ với họ. Sự phức tạp của thành phố hiện ra qua mức độ đa dạng càng lúc càng tăng trong đám đông đô thị ngày đêm lưu chuyển, tụ tập qua những nẻo phố phường - đường xá, vỉa hè, quảng trường, xe hơi, tàu điện, những cửa tiệm, quán xá, vũ trường, những con phố kỹ nữ, ngõ hẻm, gầm cầu, những xóm nghèo ngoại ô… Tất cả thành những khách bộ hành (flâneur) trên đường mưu sinh hoặc / và kiếm phương cách hiện thực hóa giấc mơ khẳng định, nâng cao bản ngã. Rất nhiều gặp gỡ, tiếp xúc nhưng đôi khi tiền bạc và cạnh tranh vị kỷ có thể biến quan hệ nhân sinh thành những trao đổi giao dịch sòng phẳng, cấp thời; hoặc đơn giản chỉ là nhịp điệu gấp gáp của đô thị có thể khiến người ta dễ dàng trôi qua, vuột mất nhau. Kể cả những người tìm kiếm được cho mình cơ hội, vận may nơi đô thị, kể cả những người hăm hở tham gia các “lễ hội dân gian hiện đại” của nó, khuôn mặt dường như cũng vẫn phảng phất đâu đó nét mệt mỏi, ưu tư. Không hiếm kẻ đơn độc, với những bước lang thang vô định, vô mục đích cho đến khi mệt mỏi ngã vào nơi trú ngụ nào đó, như tổ kén chật chội mà vẫn bất an và vẫn không đúng nghĩa không gian của riêng mình, không gian của chính mình.         

          May mắn, thành phố vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm tri thức, nghệ thuật. May mắn, dòng người nơi đô thị có những khách bộ hành trở thành nhà văn của nền văn học mới (“thơ Mới”, “tiểu thuyết mới”). Họ trải nghiệm, cảm hứng, suy tư không chỉ khung cảnh mặt tiền phồn hoa, không chỉ đầu não duy lý của văn minh đô thị mà lắng nhịp đập sâu thẳm trong trái tim nó, đồng cảm sẻ chia với những thân phận cùng cực lầm than, lặn vào những chiều kích ẩn giấu nơi “đáy phố”, nghe rì rầm dòng sông văn hóa - lịch sử thâm trầm vẫn miên viễn chảy trôi, thao thức không nguôi trước tiếng gọi của thiên nhiên vĩnh cửu bị những kiến trúc nhân tạo khuất lấp… Và nhất là trăn trở về con người, những nguồn năng lượng cá nhân, những nguồn năng lượng tinh thần tuôn chảy vào thành phố sẽ biến chuyển, sẽ được vun bồi ra sao?

          Trong số đó, Lưu Niệt Âu, Trương Ái Linh (Trung Quốc), Akutagawa Ryuunosuke, Nagai Kafuu, Yokomitsu Riichi (Nhật Bản), Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam (Việt Nam), Park Tae Won, Lee Sang (Korea) đã cống hiến những cá tính văn chương đa dạng, cả hiện thực, lãng mạn lẫn siêu thực. Đô thị qua sáng tác của họ hiện ra như xứ sở địa đàng lại như nơi chốn hàm chứa hiểm họa, càng văn minh càng hoang dã, trật tự lẫn xô bồ, nhân bản và phi luân… Ngòi bút của họ ý thức tính tất yếu, tính cần thiết của chiều thời gian tiến hóa, đồng thời man mác hoài nhớ (nostalgia), quy hồi về những giá trị cổ xưa lâu bền có lẽ đang dần hao khuyết. Không hẹn mà gặp gỡ, họ chia sẻ mộng ước, âu lo, niềm hy vọng về mối hòa điệu giữa những nhu cầu của con người, mối hòa điệu con người với con người, con người với tự nhiên có thể đảm bảo cho hạnh phúc nhân loại nơi đô thị.   

          Cuốn sách này gom giữ những bức chân dung thành phố mang sự nhạy cảm đô thị, tâm huyết đô thị, lương tri đô thị của họ.           

          Không chỉ là văn chương, cuốn sách này dành cho những ai quan tâm đến ý nghĩa và bí ẩn của cuộc sống đô thị hiện đại phương Đông có thể đã được khải lộ qua hình ảnh Thượng Hải – Tokyo – Hà Nội – Seoul những năm đầu thế kỷ XX.

          Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc.

          Mặc dù đã rất cố gắng, công trình của chúng tôi hẳn là khó tránh khỏi những điểm bất toàn, kính mong được quý vị học giả cùng quý bạn đọc chỉ giáo.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2017

Thay mặt các tác giả, dịch giả

Phan Thị Thu Hiền

 

 

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

      Thượng Hải

      Lưu Niệt Âu và giấc mộng mang tên “Thượng Hải”

               - Trò chơi

                - Hai kẻ vô cảm với thời gian

      Trương Ái Linh – Người tình của Thượng Hải

               - Giới nghiêm

Tokyo

      Akutagawa Ryuunosuke và dòng sông thành phố tuổi hoa niên

               - Nước dòng sông Cái

      Nagai Kafuu với những xóm nghèo ven đô

               - Truyện lạ bờ Đông

          Yokomitsu Riichi cùng sự hư ảo của phố phường

               -  Đáy phố            

Hà Nội

      Vũ Trọng Phụng: Hà Nội hoa lệ và lầm than

               -  Chống nạng lên đường

                -  Cơm thầy cơm cô

           Thạch Lam: Hà Nội – Chất thơ từ sự chồng xếp thời gian

               - Hà Nội băm sáu phố phường

Seoul (Gyeongseong)

      Park Tae Won, tiểu thuyết gia đi bộ của Gyeongseong

               -  Một ngày của nhà văn Gubo

      Lee Sang từ những nẻo đường mệt mỏi

               -  Mùa thu đi dạo

                -  Đôi cánh

Cảm thức đô thị trong thơ cận đại Đông Á: Gyeongseong và Hà Nội những năm 1930-1940       

Giới thiệu vắn tắt về các tác giả, dịch giả của sách này.

 

 


[1] Dẫn theo Nguyễn Thị Bích Hải, bài viết về Hàn Sơn in trong cùng cuốn sách này.

[2] Nhà sư Rodam Jeongan (Lộ Đàm Chánh Nhãn) tốt nghiệp Đại học Tăng già Haein (Hải Ấn tự) ở Gangwon và tốt nghiệp Đại học Tăng già Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc ở Seoul, Tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo. Ba tuyển tập thi tăng do ông biên soạn và chú giải bao gồm: (1) Thi tăng của Hàn Quốc: thời Goryeo. NXB. Goun, 2006; (2) Thi tăng của Hàn Quốc: thời Tam Quốc. NXB. Văn hóa nghệ thuật Phật giáo, 2007; Thi tăng của Hàn Quốc: thời Joseon. NXB. Tào Khê tông, 2014.

[3]Mạnh Chiêu Nghị: “Thiền và thơ chữ Hán ở Korea, Nhật Bản, Việt Nam”. Lưu Hồng Sơn dịch.

[4]Nguyễn Thị Bích Hải dịch.

[5]Nguyễn Nam Trân dịch.

[6] TC Sông Hương số 210 – 08/2006.

[7] Dẫn theo Trần Ích Nguyên (Phạm Tú Châu, Trần Băng Thanh, Nguyễn Thị Ngân dịch) 2000: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục. NXB Văn học.

[8] Richard Lehan 1997: The City in Literature: An Intellectual and Cultural History. University of California Press. p. xv, p. 289.

Thông tin truy cập

60758857
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3027
10454
60758857

Thành viên trực tuyến

Đang có 224 khách và không thành viên đang online

Danh mục website