Một món quà đầu xuân

(Đọc “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954”, NXB Giáo dục Việt Nam, tháng 12-2018).

Nhận món quà quý đầu xuân Kỷ Hợi: tập chuyên khảo “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Bộ thời kỳ 1865-1954” dày 827 trang khổ 16x24 do PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên, thật mừng vui cùng chị và 14 tác giả đồng nghiệp. Công trình nghiên cứu công phu được nghiệm thu loại xuất sắc tháng 4.2017 nay đã in thành sách, để lao động tâm huyết của nhóm nghiên cứu không nằm chờ bụi bám trong các kho lưu trữ mà có một cuộc sống mới, đuợc đến với đông đảo độc giả cả nước, giúp người đọc có thêm một tư liệu đáng tin cậy về văn học Nam Bộ (VHNB) từ buổi phôi thai giữa cuối thế kỷ XIX đến 1954.

“Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Bộ thời kỳ 1865-1954” là một công trình trong chuỗi nghiên cứu bảo tồn và khai thác giá trị to lớn của bộ phận di sản VHNB trước 1954. Bộ phận này, do hoàn cảnh chiến tranh liên tục, tình hình phức tạp của đất nước, cho đến nay vẫn còn là những “mảnh vụn”, những “lớp sương mù” mờ ảo, chưa được sưu tập, tìm hiểu và đánh giá một cách đầy đủ, công bằng và khách quan. Chưa kể đến sự thất thoát mai một của văn bản qua hàng thế kỷ vô tình bị lãng quên... Do đó, việc nhóm tác giả quan tâm đầu tư công sức vén lớp sương mù và chắp nối từng mảnh vụn của mảng văn học này thực sự là một việc làm có ý nghĩa, có giá trị thiết thực đối với di sản quý báu của văn học Việt Nam. Đặc biệt là mảng nghiên cứu, lý luận, phê bình, vốn theo quan niệm bất thành văn nhiều thập kỷ nay, vẫn thiên về văn học đàng ngoài, hơn là văn học đàng trong. Trên thực tế, do môi trường lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội đặc thù của nơi tiếp xúc đầu tiên với văn hóa phương Tây, VHNB có vai trò đặc biệt mang tính tiên phong khai mở trong giao lưu và tiếp nhận các trào lưu tư tưởng triết học, văn học, góp phần đưa văn học Việt Nam vào tiến trình hiện đại hóa từ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỷ XX. Một đề tài thực sự mới mẻ, khiến những nhà nghiên cứu không thể không thay đổi phần nào cách nhìn nhận và đánh giá xưa nay về hoạt động và những thành tựu của VHNB trong lịch sử nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học VN.

Cấu trúc công trình chặt chẽ, hợp lý, ngoài dẫn nhập (9 trang) và kết luận (4 trang), được chia thành 2 phần chính:


Phần một: Tổng luận gồm 7 chương, 215 trang. Diện mạo nghiên cứu, lý luận , phê bình VHNB được tái hiện chi tiết qua từng chặng đường lịch sử. Bố cục đi theo những mốc sự kiện lớn của dân tộc, các phương pháp vận dụng khá linh hoạt. Nổi rõ hơn là phương pháp thực chứng, đi từ văn bản cụ thể để đưa ra nhận định từng giai đoạn nên tính khoa học và độ tin cậy cao. Người đọc thực sự bị thuyết phục bởi những kết quả minh chứng mới mẻ, thú vị và nhiều ý nghĩa này. Khẳng định vai trò tiên phong của VHNB trong tiến trình hiện đại hóa là một nhận định chính xác, có căn cứ thực tiễn.

Phần hai: Tác giả, 475 trang,  gồm 27 chân dung tiêu biểu trong giới nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNB, được giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời hoạt động, quan điểm xã hội và nghệ thuật, sự nghiệp văn học... Tác phẩm của mỗi tác giả được sưu tập công phu và cho thấy nhiều đóng góp đáng ngạc nhiên. Thú vị khi biết Nguyễn Duy Cần không những là nhà nghiên cứu triết học phương Đông có hệ thống mà còn là người giới thiệu, phổ biến logic học phương Tây, người tiên phong ở Nam Bộ, cùng với Nguyễn Hiến Lê, trong việc soạn ra loại sách "Học làm người".  Bên cạnh đó là những bài đáng chú ý về Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế, Tam Ích, Lưu Quý Kỳ, Triều Sơn, Thẩm Thệ Hà...


VHNB, một bộ phận văn học dân tộc đầy hoài bão canh tân đất nước, đậm tính đạo lý trọng nghĩa khinh tài và tinh thần dân chủ đã lùi xa hàng thế kỷ, những con người trung hiếu ngang tàng phóng khoáng đã sống và viết ngày ấy, những văn bản đã thất thoát, tản mác nhiều năm... tưởng đã tàn lụi, nay trở lại như một di sản tinh thần vô cùng quý báu đối với hậu thế hôm nay đang thao thức trên từng con chữ...

Cảm ơn các tác giả, bằng cả tấm lòng với văn học dân tộc nói chung, VHNB nói riêng, đã vất vả dày công tìm kiếm sưu tập, biên soạn và khảo sát với những kiến văn phong phú, những phân tích đúng mực sắc sảo, văn phong trong sáng, cẩn trọng. Hy vọng 8 bộ văn tuyển của 27 tác giả nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNB cũng sẽ có điều kiện thuận lợi để ra mắt độc giả một ngày không xa. Xin trân quý giới thiệu cùng những bạn đọc có lòng yêu mến, quan tâm, thiết tha đến mảng văn chương đặc biệt một thời đầy hoài bão, hào hùng, lẫm liệt và bi tráng... tưởng đã bị lãng quên trong ba đào lịch sử.

Tân Xuân Kỷ Hợi
mồng 7 âm lịch,

Hoàng Kim Oanh

Nguồn: vanchuongviet.org, ngày 28.02.2019.

Thông tin truy cập

63736755
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
34849
22198
63736755

Thành viên trực tuyến

Đang có 422 khách và không thành viên đang online

Danh mục website