THAY LỜI TỰA
Tập thơ đầu tay của Đinh Nho Tuấn có tên Em hãy cho anh vội, ấn hành vào quý III năm 2018 gồm 76 bài. Tên sách lấy từ tên một bài thơ tình của một người trai ở lứa U50. Có lẽ do là tuổi… 50 nên mới phải vội, vì quỹ thời gian của anh không còn dài như tuổi.. 20. Chọn một bài thơ tình cho tên sách, tác giả như muốn níu giữ nét thanh xuân cho tuổi đời mình.
Em tôi là tập thơ thứ hai của tác giả, có trên 100 bài, không kể nhiều chục bài trong hai chùm thơ 4 câu và 8 câu, chỉ với khoảng cách sau một năm. Phải nói đó là một lao động thơ đáng nể, không dễ thực hiện ở bất cứ ai, dẫu là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói ở đây lại không phải ở mật độ thơ, ở số lượng bài mà ở sự mở rộng của chất liệu và cảm hứng thơ.
Với tôi, là người đọc đầu tiên, ở tập thơ mới trên 100 bài này quả có gây nên một ngạc nhiên thú vị, bởi sự nới rộng các mối quan tâm của tác giả với cuộc sống, và những đào sâu hơn vào bản thân trong các trải nghiệm của trường đời.
Thời cuộc hơn, và thế sự hơn, đó là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Em tôi. Thời cuộc, nơi những bài thơ anh viết tặng các Doanh nhân như Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Đức Chi. Khỏi phải nói, doanh nhân đang là tầng lớp nhận được sự quan tâm hàng đầu của xã hội và của các cấp chính quyền, vì sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước. Thời cuộc, vì với thơ, anh vẫn có cách chạm được vào các mối quan tâm chung của xã hội, như bóng đá với Park Hang Seo, như chính trường với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga...
Còn thế sự - đó là nội dung gần như chi phối nhiều hơn vào cảm xúc và suy tư của bất cứ ai trong những năm tháng này. Khi hàng ngày, hàng giờ có hàng trăm sự và việc đập vào mắt và tai, vào tâm và trí của mỗi chúng ta, không nói đến một doanh nhân, một trí thức, một nhà thơ. Khi tôi viết bài này thì thế giới quanh tôi đang sôi sục bởi hai sự kiện vừa nhỏ, vừa to; một, đó là án phạt kẻ cưỡng hôn một cô gái trong cầu thang máy chung cư là.. 200 ngàn đồng! Và một, là những cuộc “thỉnh vong giải oán” đã diễn ra nhiều năm nay, có liên quan đến hàng ngàn người ở một nơi thiêng là Chùa Ba Vàng… Chính từ sự sống đó mà có thế sự, nó là những triết lý, suy ngẫm, đúc kết anh gửi vào hệ thơ 4 câu, hoặc 8 câu, số rất lớn không cần đặt tên. Một chùm lớn thơ ngắn, nối đuôi nhau, rất tiện cho sự trang trải, giãi bày những nỗi niềm thế sự của tác giả trong tư cách công dân và tư cách một nhà thơ.
Trở lên là một phần nổi trội từ nội dung thơ, chất thơ có khác ít nhiều so với tập thơ trước. Còn về hình thức, tôi nghĩ cũng có cái mới trong một sự mở rộng và biến hóa ở các thể thơ anh chọn. Ngoài chùm 68 bài thơ 4 câu và 13 bài 8 câu không cần có tên bài, là những bài có tên - đương nhiên, theo thể thơ tự do. Và cái mới, hoặc lạ theo tôi là sự xuất hiện những bài thơ dài đến dăm bảy chục câu, thậm chí trên 100 câu, để trang trải một câu chuyện dài, như Titanich (132 câu); hoặc cho cả một đời người, như câu chuyện Em tôi (132 câu) được chọn làm tên chung cho tập thơ. Thơ dài, đó là khái niệm chung để chỉ thơ trường thiên, trường ca, hoặc truyện thơ sẵn có trong di sản thơ dân tộc. Phải chăng Đinh Nho Tuấn đang muốn hướng tới mục tiêu đó, để trang trải được nhiều hơn, như một đối trọng với thơ 4 câu hoặc 8 câu để cho anh dồn nén!
Thêm một cái mới nữa ở tập thơ này, đó là sự xuất hiện, hoặc trở về một thoáng… thơ mới, trong phong trào Thơ mới xuất hiện trước đây 3/4 thế kỷ. Đó là bài Chuyện xưa phảng phất hơi thơ Huy Cận trong Lửa thiêng. Và bài Em tôi gợi nhớ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Ở không gian này có một trong số bài hay nhất, đó là bài Cõi vô thường, anh viết để “kính dâng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh”. Bài thơ 9 khổ 4 câu, tôi rất muốn được dẫn trọn, bởi khổ nào, câu nào cũng thấm đẫm trữ tình và triết lý sống.
*
* *
Mỗi năm ra mắt một tập thơ. Điều tôi muốn nói thêm, hoặc để cuối cùng mới nói. Đó là, những gì đã có trong Em hãy cho anh vội vẫn là một nguồn mạch dồi dào và trong trẻo cho anh tiếp nối trong tập thơ này. Bên tình yêu được giải bày ở nhiều bài, theo cách của anh, là tình cha con vẫn rất đằm sâu qua các bài Thiên đường của Cha, Cha và đêm 30. Bên tình cha là tình mẹ, với Tre và vườn mẹ, và Mẹ với những câu thơ đọc khó mà không rơm rớm nước mắt:
“Cha xưa bảy năm biền biệt/ Không về, cửa sổ ngóng trông/ Nước mắt dài hơn đời mẹ/ Lặng trôi sông Phố, quê chồng.
Ước mơ cuối cùng của mẹ/ Quay về nằm cạnh bên cha/ Một đời quẩn quanh cỏ lúa/ Không đâu bằng đất quê nhà.
Bao mùa Vu lan chưa tới/ Bao mùa Vu lan đã qua/ Quỳ trong lòng con tiếng gọi/ Về miền hơi ấm mẹ cha”.
Tình quê hương - Hà Tĩnh cũng có cơ hội trở lại, nhưng với một màu sắc khác. Trước là cái nhìn từ trong, xuyên thấm thời gian, với những kỷ niệm đằm sâu theo lịch sử:
Con mượn thơ cha làm mái chèo ngược dòng Lam
Qua miền Nghi Xuân hướng về rừng Pù Mát
Nước vỗ mạn thuyền, ngàn câu lục bát
Lấp lóa sao trời, thương kiếp Tố Như!
Đục rồi trong, mái chèo đâu khua mạnh
Ngại rong rêu đụng phải xác nàng Kiều
Câu ví dặm trải mình nơi cửa biển
Ru Tiên Điền giấc ngủ đìu hiu
(Dòng Lam, dòng La)
Còn bây giờ là cái nhìn từ ngoài, áp vào thời hiện đại, thoáng một chút hài hước, riễu cợt:
Yêu chi yêu dập yêu vùi
Ghét chi phang thẳng đến đui đến què
Vác ví dặm
Ngâm bốn phương
Cõng nàng Kiều
Đi tán gái
Anh ơi, chơ răng mà anh xúc thơ từng đọi
Đổ xuống mùa em say cả ánh trăng rằm
(Người Nghệ)
Hà Nội - cũng là nơi anh gửi gắm nhiều kỷ niệm (Hà Nội và nỗi nhớ). Rồi còn là nước Nga, ẩn sâu trong tâm thức anh, để có Moscow sang đông, Mùa đông Moscow.
Vậy là trữ lượng thơ của Đinh Nho Tuấn vẫn còn đầy; vừa biến hóa vừa liền mạch. Sau tập này, hy vọng và tin chắc Tuấn sẽ có tiếp tập thơ mới. Cho bạn đọc nói chung. Cho những người thân quen nói riêng. Và trước hết, cho anh. Bởi, ở thời điểm hôm nay, hoặc từ lâu nay, nói thơ là nói cả hai chiều: đến với nhân quần, hoặc trở về với bản thân, cả hai - đều được.
Hà Nội 25 và 27 - 3 - 2019
Thơ Đinh Nho Tuấn (*)
Đinh Nho Tuấn – một trăm phần trăm là một cái tên lạ trong làng thơ, vì anh chưa bao giờ xuất hiện. Tuyển Thơ đầu tiên, gắn với tên Đinh Nho Tuấn ấn hành năm 2018, khi anh đã ở tuổi ngoài 50, với số lớn bài được làm chủ yếu vào năm 2017 và thập niên thứ hai thế kỷ XXI cho thấy có một thế giới nghệ thuật riêng, đối với tôi là rất ấn tượng ở hồn thơ, giọng thơ không giống, không lẫn với bất cứ ai trong đội ngũ thơ hôm nay. Cũng không thấy anh chịu ảnh hưởng của bất cứ ai trong các bậc tiền bối của làng thơ hiện đại.
Theo tôi biết Đinh Nho Tuấn có nghề nghiệp ít liên quan gì đến văn chương – nghệ thuật, khi anh từng là Thạc sĩ Luật và Tiến sĩ Kinh tế, được đào tạo ở Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga trong ngót 20 năm. Do vậy chuyện làm thơ đối với anh đúng là một nhu cầu của bản thân, không phải để gia nhập làng thơ; cũng không phải là những nhe nhắm, gửi gắm gì cho đời. Chắc chắn thơ đối với anh chỉ là một nhu cầu bức xúc của chính bản thân, nói lên những gì ấp ủ trong mình, không nói ra không được.
Năm tháng, thời gian, với hành trình chu chuyển của nó có lẽ là một ám ảnh nơi anh, để thành cảm hứng cho rất nhiều bài: Tháng Mười, Mưa đêm tháng Mười, Tháng Chín, Tháng Tám, Mưa tháng Bảy, Tháng Sáu II, Tháng Sáu I, Trăng tháng Năm, Tháng Năm…
Còn về không gian – chủ yếu là không gian đô thị Sài Gòn, nơi anh cư trú và lập nghiệp đến nay đã trên 15 năm. Còn quê sinh của anh (gồm cả hai bên nội ngoại) – đó là Hà Tĩnh, nơi còn để lại nhiều dấu ấn ở một số bài, với những kỷ niệm theo tôi là đằm sâu, như trong Dòng Lam - dòng La, Thầy tôi, Chị tôi, Ngôi nhà xưa, Quà quê; và nhất là về người cha, qua hai bài: Cha và “Không việc gì đâu con” (Nỏ can chi mô con ạ!):
Con mượn thơ cha làm mái chèo ngược dòng Lam (**)
Qua miền Nghi Xuân hướng về rừng Pù Mát
Nước vỗ mạn thuyền, ngàn câu lục bát
Lấp lóa sao trời, thương kiếp Tố Như
Đục rồi trong, mái chèo đâu khua mạnh
Ngại rong rêu đụng phải xác nàng Kiều
Câu ví dặm trải mình nơi cửa biển
Ru Tiên Điền giấc ngủ đìu hiu
(Dòng Lam, dòng La)
Những bài này gợi cho tôi nhiều xúc động, bởi đã là người có quê hương Hà Tĩnh thì hẳn không ai không biết, không hiểu, không yêu Nguyễn Du; và bởi cha của anh, nhà báo - nhà thơ Minh Nho; người anh thân thiết với trụ sở báo Nghệ Tĩnh, và Hà Tĩnh mà anh là Tổng Biên tập trong nhiều năm, từng là địa chỉ đi - về của tôi trên hành trình Hà Nội - Hà Tĩnh - Hương Sơn, huyện quê chung của hai anh em.
Tôi đặc biệt chú ý những bài thơ viết về tình yêu của Đinh Nho Tuấn, và rất ngạc nhiên về tính hiện đại của nó; một tình yêu với cách thể hiện rất riêng, không chịu ảnh hưởng của bất cứ ai, kể từ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… đến rất nhiều tên tuổi hôm nay như Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ… Tập thơ 76 bài, với trên 10 bài thơ tình tôi cho là hay vì những tứ lạ, có tứ nâng lên được thành triết lý, và về độ nồng say của nó, của một tác giả ở tuổi ngoài 50. Đó là những bài Em đánh rơi lời hẹn, Em gặp anh, Tách Em ra khỏi anh, Thu và Em, Bão, Anh viết thơ tình yêu, Trả lại Em tuổi trẻ, Hôn Em dưới cơn mưa, Chẳng có nơi nào có anh mà không có Em, Em hãy cho anh vội, Trả Em về xưa cũ nguyên xi… Đọc những bài này, tôi tìm được nhiều câu trả lời cho thơ tình thời hiện đại; nếu khơi đúng nguồn mạch của nó, nếu trải thấm đúng hình hài của nó, thì chắc chắn sẽ không bao giờ là chuyện nhàm chán, “biết rồi…”
Thế nhưng, ở đây, tình yêu không chơi vơi ở khoảng không; dẫu có là thế giới của riêng nó, nó vẫn không tách rời với nhân quần, với thời cuộc, với Đất nước, với Nhân dân mà anh là người Dân, trong tư cách công dân, để có Tiếng Việt, Lời ru, Tôi đi tìm vần thơ đất nước, Đất nước 3, Đất nước và Em, Ừ - nếu được, ta cao thêm chút nữa, Đất nước tôi, Mất mùa…
Đất nước ru tôi, bà ngoại ru tôi
Bằng cơm no, bằng khoai lang ấm nóng
Hầm chữ A khối lam chiều quẩn đọng
Con rắn, con sên chui vào chỗ tôi nằm
Đất nước ru tôi, bom đạn ru tôi
Trường làng xưa ôm câu Kiều mà ngủ
Tiếng chiêng trống, voi trận tràn về
Bóng cờ đào phần phật xanh giấc mơ đồng lúa
Tôi lớn lên rồi đất nước vẫn còn ru
Bao máu xương dựng lên thành câu hát
Giai điệu dòng Lam, dòng La dào dạt
Đùa nghịch trên sông câu ví dặm quăng chài
Đất nước ơi, người mãi mãi ru tôi
Ru ngàn năm mà không ra điều kiện…
(Lời ru)
Thơ đất nước, thơ cho em là một
Không việc gì điều ấy phải tách đôi
Mỗi câu thơ, bóng cả hai trong đó
Vì tách ra vần thơ sẽ đơn côi.
(Đất nước và Em)
Trở lên, tôi đang làm cái việc điểm lại thơ Đinh Nho Tuấn trên hai chiều thời gian, không gian của một đời người đang vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, trong lần đầu tiên xuất hiện, với tư cách người làm thơ, hoặc xa hơn - một nhà thơ. Còn nhiều điều để nói chung quanh tập thơ gọi là “đầu tay”, nhưng xem ra người làm ra nó đã vào được những mùa, vụ đáng kể, với câu và chữ ít khi cũ hoặc mòn; với tứ mới và lạ; và với không ít ý tưởng về nghề nghiệp khiến tôi giật mình, chẳng hạn như trong Vót thơ:
Anh ngồi anh vót vần thơ
Vót chưa tròn chữ ai ngờ đứt tay
Tâm tư anh nhắn như vầy
Em qua băng hộ tay này được không!
Em rằng, anh ạ, sao không
Tay anh đã đứt buộc lòng em đau
Dao anh, anh để ở đâu
Hãy cho em mượn gõ đầu câu thơ
Vì chăng cái tứ lẳng lơ
Dao thơ sắc lém nên giờ đứt tay
Và chưa phải là hết. Đó còn là những ký ức về Matxcơva vào đông, Ngôi nhà gỗ nước Nga, Mùa thu Nga, Mùa thu Matxcơva… gần như chưa hề nhòa mờ những âm hưởng cổ điển lắng sâu và ngân nga của nó đến từ Puskin, Lecmontov, L.Tônxtôi, Raxun Gămzatov, Evtusenko… mà tuổi trẻ của anh từng thấm đẫm.
Viết Lời bạt này tôi muốn chia sẻ một ít niềm vui, trong không ít bất ngờ, với một cây bút thơ… không còn trẻ, vừa là bạn nghề xa gần, vừa là người thân của tôi.
Tây Hồ, ngày 2 tháng Tư năm 2018
(Lời bạt cho tập thơ Em hãy cho anh vội, Nxb. Hội nhà văn, 2018)
CHÚ THÍCH:
(*) Đinh Nho Tuấn sinh năm 1966 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessa, Liên Xô cũ, hiện sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Đã xuất bản: Em hãy cho anh vội (Tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2018); Em tôi (Tập thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2019).
(**) Câu thơ trong bài Mai em về Hà Tĩnh của Minh Nho – cha của Đinh Nho Tuấn, được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc trong bài hát cùng tên.