(Hình minh họa, nguồn: Google)
I
Chúng ta đang hướng tới xây dựng một nền “kinh tế tri thức”; mà muốn thế, phải nhanh chóng tạo nên một “xã hội học tập” - được hiểu như là một sự thay đổi hệ thống học - cổ truyền (học xong rồi làm), để chuyển sang hệ thống học tập mới - suốt đời. Trong hệ thống đó, tri thức có giá trị hàng hoá, và mỗi người phải biết chuyển hoá tri thức thành kỹ năng, thành công nghệ, thành giá trị. Trong hệ thống đó, do học tập, tiếp thụ mà con người có được tri thức chung; và do năng lực vận dụng của bản thân mà chuyển hoá được thành tri thức riêng, của cá nhân.
Để tri thức luôn luôn mới và để không ngừng trau dồi kỹ năng, phát triển trí sáng tạo, thì ai ai cũng phải học tập, học thường xuyên, học suốt đời. Nói “học suốt đời”, bởi khoa học kỹ thuật phát triển và thay đổi rất nhanh; nếu con người không biết cách điều chỉnh và bổ sung kiến thức thì tất yếu sẽ bị lạc hậu và đào thải. Muốn vậy phải vận dụng và sáng tạo nhiều phương thức học. Học ở trường lớp và học ở ngoài đời. Học trong cộng đồng và học trên mạng. Học trong làm và làm gắn với học... Và hệ thống giáo dục phải đảm bảo cho mọi người bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể học được.
Có nghĩa là chỉ đến lúc ấy thì cái vốn người, vốn con người mới đích thực là vốn quý, và là vốn lớn nhất tạo ra các giá trị.
Hiểu một “xã hội học tập” trong tương ứng và trong khả năng đáp ứng một nền “kinh tế tri thức” như trên, quả là hiện tượng còn chưa thấy rõ lắm trong xã hội ta hiện nay.
x
x x
Nhưng một chuyển động để hướng tới một “xã hội học tập” như thế, hoặc một diện mạo bề ngoài của sự học tập mang tính toàn cục như thế thì quả cũng đã có dấu hiệu ở ta trong nhiều năm gần đây. Có lẽ nó đã được bắt đầu từ khi chế độ bao cấp bị xoá bỏ; và trước áp lực của nền kinh tế thị trường, trước yêu cầu hội nhập vào khu vực và quốc tế, người ta bỗng thức nhận ra rằng: trên trường cạnh tranh, ở bất cứ đâu, và bất cứ lĩnh vực nào, nếu con người không học, không có tri thức thì sẽ không tồn tại được. Chuyện học, do vậy, không còn là chuyện của Nhà nước, hoặc của một bộ phận cư dân nào, mà phải là chuyện của mọi người, mọi nhà, vân vân... Tóm lại, dẫu với bất cứ cách nghĩ như thế nào, hãy cứ có nhu cầu học đã là tốt. Và cứ thế, cuộc sống như bị cuốn vào một guồng quay mới, khiến ai cũng lo lắng: phải học và học. Ngày học, đêm học. Quanh năm suốt tháng học. Học ở trường lớp chính quy hoặc không chính quy: hết lớp này sang lớp nọ, hết ca nọ đến ca kia. Học để có bằng hoặc chứng chỉ cho đủ loại nghề nghiệp lớn nhỏ, đủ loại cán bộ cao thấp, đủ loại công chức trên dưới. Sau ba cấp học ở bậc Phổ thông còn là Đại học, rồi trên Đại học và sau Đại học. Rồi còn là bổ túc, là tại chức, là ban đêm, là từ xa. Là chính khoá và ngoại khoá. Rồi là mở. Là bán công và bán tư. Là tư thục và dân lập...
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì bức tranh đó phải nói là lạc quan. Một bức tranh học tập như thế quả là xưa nay chưa từng có, chỉ đến bây giờ mới có. Nhưng soi vào cận cảnh lại thấy bao là phiền muộn. Đứa trẻ vào lớp Một, mới 5, 6 tuổi đã phải mang trên lưng một cái ba lô to đùng, chất đầy các loại sách, vở, bút, bảng, cùng một chai nước là đủ oằn vai. Phải là một đứa trẻ khoẻ mạnh mới kham nổi một cái cặp như thế. Cả ngày ở trường, tối về lại cắm đầu vào bài học, bài tập, bài làm. Với bố mẹ hoặc ông bà kèm, phải đến 10 giờ đêm trẻ mới được lên giường ngủ. Và thế là mọi thứ được gọi là chương trình giải trí, là hoạt hình, là trò chơi, trên ti vi hoặc sách báo hoá ra vô nghĩa. Bởi chúng còn đâu có thì giờ mà xem! Một sự học như thế khiến cho trẻ rất mau già; học không còn là cuộc vui, học mà chơi, chơi mà học, đúng như nhu cầu của lứa tuổi.
Và kể từ lớp Một cho đến hết bậc phổ thông, 12 năm, lớp nào cũng thế, để đến với cái đích là hai kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông và vào Đại học kéo dài từ đầu xuân ngay sau Tết Nguyên đán cho đến hết mùa thu hàng năm; nó là cả một sự náo loạn, khốn đốn cho toàn xã hội. Nói toàn xã hội, bởi mỗi trẻ tham gia vào học đường là kéo theo cùng với nó cả bố mẹ, cả ông bà, cứ thế mà nhân lên thì hàng năm có đến hàng chục triệu người cùng sa vào một cơn đại mất ăn mất ngủ; còn riêng bọn trẻ thì rối loạn tâm thần, thuộc đủ các dạng, gần như là một hậu quả phổ biến(1).
Vậy là sự nặng nề, quá tải của chương trình chất nặng trong tất cả 12 năm học của bậc phổ thông. Muốn có một chương trình nhẹ hơn, cho thích hợp với từng lứa tuổi và với yêu cầu đào tạo thì trước hết cần một sự hoạch định lại chương trình sao cho phù hợp với trình độ phát triển mới của khoa học- công nghệ và với nhu cầu đích thực của xã hội; và một đội ngũ viết giáo khoa thật giỏi, thật là có trình độ bậc thầy. Ta có rất đông Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ các loại, và mỗi năm con số người có hàm, vị còn tăng lên rất nhanh, theo tốc độ mong muốn (cho kịp người - chẳng hạn đến 2020 phải có 2 vạn Tiến sĩ!) và cách làm (mỗi năm lại điều chỉnh hoặc thay đổi văn bản pháp quy - tức là quy chế) của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, nhưng lại thiếu một đội ngũ chuyên viết giáo khoa đạt chuẩn quốc gia. (Giáo khoa chứ không phải giáo trình. Bởi giáo trình thì bất cứ ai được giữ lại hoặc được mời dạy bậc Đại học đều phải có, do mình viết ra, hoặc do được soạn lại, bất kể chất lượng thế nào). Muốn có đội ngũ viết giáo khoa giỏi cho bậc phổ thông, theo tôi nghĩ, phải có những cách làm khác. Khởi động lại công việc này, ngay từ đầu, ở thời điểm hôm nay tôi nghĩ vẫn là cần thiết.
Trở lại một ít với lịch sử. Sau ba lần cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979, hiện nay trong công cuộc Đổi mới đất nước và trong các mối giao lưu với quốc tế được mở rộng, chúng ta lại đang đứng trước thử thách phải tự tìm lấy đường đi cho mình. Trước đây, trong nhiều chục năm, ta yên chí dựa theo mô hình Trung Quốc, Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa. Còn bây giờ, theo mô hình nào trong các nước tiên tiến về khoa học và công nghệ như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật? Hoặc các nước quanh ta như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Xanhgapo? Việc đi tìm một mô hình mới để thay đổi mô hình cũ phải dụng công; nhưng việc xem xét mô hình đó có sát hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu giáo dục của ta không cũng phải dụng công hơn. Việc áp dụng một mô hình nào đó rất nên cân nhắc, ngay cả trước khi thử nghiệm. Thử nghiệm - đó quả là việc con người trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải làm. Có cái thử nghiệm trong không gian hẹp của phòng thí nghiệm. Có thử nghiệm phải tiến hành ở chỗ không người hoặc dưới đáy biển. Còn thử nghiệm về giáo dục là thử nghiệm trên hàng triệu, hàng chục triệu học sinh, sinh viên; kể từ mẫu giáo, vỡ lòng trở lên; và nếu tính đến cả những người “ăn theo” thì còn là con số lớn gấp hai, gấp ba, gồm cả các bậc bố mẹ, ông bà. Thành ra nó gây nên chấn động lớn. Nếu sai nó thành nỗi âu lo, mất ăn mất ngủ cho toàn xã hội. Và sự thật là thế trong các sự kiện diễn ra trong nhiều năm gần đây mà báo chí đã nêu. Thử nghiệm, nếu đúng là thử nghiệm thì phải cân nhắc kỹ trên sự tập hợp trí tuệ của các đội ngũ chuyên gia và của toàn xã hội và chớ gấp gáp biến thành đại trà.
II
Tiếp tục cái nhìn cận cảnh cho bậc Đại học và sau Đại học sẽ càng thấy có lắm điều xót xa cho sự học. Mùa tuyển sinh, để đủ được số lượng sinh viên cần chọn, có trường Đại học đã hạ điểm chuẩn đến mức tối thiểu là... vài ba điểm cho ba môn thi; có trường nhận đến vài trăm thí sinh rớt ở các trường khác, qua một đường dây xuyên quốc gia khai tăng hàng chục điểm để có điểm chuẩn; thậm chí không cần hồ sơ mà chỉ cần một tờ... cam kết được Hiệu trưởng nhận là có thể nhập học. (Bây giờ gần như mỗi tỉnh trong cả nước đều có trường Đại học thì việc chiêu sinh, gạn cho đến đáy cũng chưa chắc đã đủ số). Sau Đại học chính quy là sự mở rộng các hệ Đại học tại chức và từ xa. Dạy từ xa, với hệ thống thầy được mượn ở nhiều nơi; với sự cập kênh giữa giáo trình, người giảng, người ra đề thi, người chấm bài, học viên không biết lo liệu, đối phó bằng cách nào; thế nhưng cuối cùng thì tỷ lệ đỗ đạt vẫn cao, kết quả ấy làm sao có thể khác được!... Cao học (để có bằng Thạc sĩ) là một bậc đáng vị nể khi chưa có Tiến sĩ. Nhưng quan sát bậc Cao học ở nhiều nơi tôi thấy chất lượng học và luận văn Thạc sĩ rất đáng buồn. Số lớn các chuyên đề đều do các Tiến sĩ ở cơ sở đào tạo giảng; có người giảng vài chuyên đề; sau giảng là hướng dẫn, mỗi Tiến sĩ mỗi khoá học được phép hướng dẫn 3 Thạc sĩ; chỉ vài năm mỗi Tiến sĩ - kể cả người vừa ra lò, có thể cho ra đời hàng chục Thạc sĩ. Bây giờ nếu làm một thống kê – tên đề tài luận văn (riêng khu vực Ngữ Văn) ở tất cả các cơ sở đào tạo trong cả nước, tôi tin là sự trùng lặp có thể lên đến dăm bảy mươi phần trăm!
Rồi đến bậc Tiến sĩ. Theo tôi quan sát, từ khi Bộ có chủ trương cho điểm Xuất sắc thì gần như hầu hết các luận án được bảo vệ đều có điểm Xuất sắc, nếu không phải là 100% thì cũng là 80-90%; trừ khi luận án quá yếu hoặc trong Hội đồng có mâu thuẫn với nhau, thì học trò đành phải chịu thiệt.
Việc gần đây Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trương “tạm dừng tuyển sinh Tiến sĩ 101 chuyên ngành, kể từ 2010” cho nhiều trường Đại học lớn của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do “chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ khoa học, cần có thời gian để củng cố và bổ sung đội ngũ”(2) đủ cho thấy sự so lệch giữa cái ta muốn, một cách duy ý chí với khả năng thực tế là khủng khiếp đến thế nào!
Cả chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư theo cái đà mong muốn ấy, cũng được “ăn theo” trên các tiêu chuẩn tôi cho là quá thấp. 6 điểm công trình, tức là 6 bài báo cho Phó Giáo sư ở khu vực Đại học và 10 điểm công trình ở các Viện nghiên cứu, tính cả quy đổi - thế mà cũng ít người đạt được. Không ít ứng viên phải nhặt nhạnh, vơ bèo vạt tép khắp nơi mới đủ được số lượng. Còn về chất lượng thì quả là một báo động bởi, qua dăm bảy bài góp nhặt lại thì sao mà hình dung nổi tư chất chuyên gia ở một người đã lọt vào hàng ngũ Giáo sư?
Một đánh giá của PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH và NV TP. Hồ Chí Minh, trong một Hội thảo khoa học gần đây rất đáng cho ta giật mình: “Tôi xin lỗi tất cả để nói rằng: đào tạo KHXH & NV của chúng ta hiện nay là kém nhất trong lịch sử: thua giáo dục thời phong kiến, thời thực dân Pháp, thua miền Bắc và miền Nam trước 1975. Chúng ta không có nổi một trường Quốc tử giám danh giá bậc nhất Đông Nam Á, một trường Viễn Đông bác cổ mà người Nhật phải khâm phục như ông cha chúng ta đã tạo ra. Chúng ta không đào tạo nổi những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, hay Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Bửu Cầm... về học vấn cũng như tư cách mà những nền giáo dục quá khứ đã tạo ra”(3).
Về phần tôi, với bài này, tôi muốn góp một tiếng nói đồng tình triệt để với nhận xét đó.
Bên chất lượng, điều quan trọng hơn, còn là mục tiêu. Nếu hiểu học để có tri thức, và tri thức đó phải được đưa vào đời sống, phải có ích cho đời sống; để khi rời học đường mỗi người đều có một nghề, vừa là để nuôi thân, vừa là có đóng góp cho cộng đồng lớn nhỏ, thì đó là câu chuyện hoang đường cho lớp lớp các thế hệ cử nhân ở ta lâu nay. Những điều tra xã hội học gần đây cho thấy tỷ lệ số sinh viên các ngành khoa học xã hội ra trường được sử dụng chỉ khoảng dăm phần trăm. Vậy thì số còn lại khoảng trên 90% vẫn cứ là thất nghiệp, hoặc đành phải chuyển nghề sau 5 năm đào tạo! Dễ hiểu, “đầu ra” là thế thì “đầu vào” càng là một con số cũng chẳng vui gì. Một thông tin cho thấy: “Ngày 17-4-2010 cơ quan đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo phía Nam hoàn tất việc nhận hồ sơ với khoảng 20.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó khoảng 60% - vào nhóm kinh tế. Khoảng 30% - kỹ thuật. Trong khi khối xã hội - nhân văn chỉ 5%”(4).
Bên cạnh cái học mà không hành được - nó gần như là hiện tượng phổ biến ở nước ta, khiến cho bậc Đại học được xem là Phổ thông cấp Bốn, và Cao học là Phổ thông cấp Năm, lại có cái học chỉ nhằm vào những mục tiêu khác. Chẳng hạn chỉ là để có danh, khi trong xã hội đang náo nức những cuộc đua theo các chức danh. Bởi đã có danh tất có phận. Và có phận rồi lại muốn thêm danh cho nó sang. Ai đó đang rất cần có một cái bằng cho sự đề bạt hoặc giữ vững một chức vụ, một cấp bậc nào đó mà thiếu tri thức, thiếu kiên nhẫn, hoặc thiếu thời gian theo đuổi thì bằng mọi cách, cái bằng đó phải được tạo ra, bằng xin xỏ, nhờ cậy hoặc... mua, dựa vào các mối quan hệ qua lại, hoặc vào một đường dây thi hộ, làm bài hộ, mua hộ. Câu chuyện vị Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhận bằng Tiến sĩ chỉ sau 6 tháng “tu nghiệp” tại gia, và trước đó ông Giám đốc Sở văn hóa- thể thao- du lịch Phú Thọ được cấp bằng “Tiến sĩ Hoa Kỳ” mà không có một hột chữ tiếng Anh nào trong bụng không biết đã đủ cho một sự cười ra nước mắt cái tệ chạy theo hư danh bằng lừa dối(5). Thói tệ chạy theo bằng cấp, danh vị còn lọt đến những chỗ còn thâm nghiêm hơn. Tôi rất kính trọng những bậc lãnh đạo có tri thức, có học vấn; hoặc những người đã kinh qua nghề trí thức trước khi tham gia vào đời sống công quyền. Nhưng khi xuất thân không phải ở môi trường học vấn mà lại cố chạy thêm cho được cái hàm, vị khoa học kèm theo thì lại rất vô duyên.
Không biết đến bao giờ người ta mới biết xấu hổ vì những gì không là thực chất mà chỉ là hình thức; hơn thế, đây chỉ là một thứ hình thức phô trương theo kiểu vàng mã, trang kim.
x
x x
Một xã hội học tập - đó là mục tiêu, ở thời điểm hôm nay, không ai, không cộng đồng nào, đơn vị nào, cá nhân nào mà không mơ ước. Xem ra, cái xã hội học tập ấy, hôm nay ta đã có. Nhưng hai câu hỏi lớn, cũng là hai vấn nạn lớn, đặt ra trên khắp bề mặt và chiều sâu của nó, đó là chất lượng học tập và mục tiêu học tập.
Chất lượng - đó là một sự tụt hậu rất xa so với yêu cầu, trong khi những vất vả, khổ cực trong học tập, thi cử là vô kể. Vậy thì việc đầu tiên là phải loại bỏ cái đống kiến thức vô bổ mà thay bằng những gì kích thích óc sáng tạo và tư duy độc lập. Tức là phải triệt để soát lại chương trình, và thay đổi triệt để cách dạy. Tức là phải đào tạo lại, và đào tạo mới các bậc thầy cho tất cả các cấp gồm cả, và nhất là Đại học, và sau Đại học. Và mục tiêu - thì còn rất xa và cập kênh với yêu cầu chung của một xã hội học tập, kể cả trong hình dung cụ thể về nó là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài...
Nói giải pháp cho một xã hội học tập, đối với chúng ta bây giờ, theo tôi hiểu là phải lập lại một trật tự mới, đưa nó vào một quỹ đạo mới mà vai trò tổ chức, điều hành là ở Bộ chủ quản với một bộ máy đủ tầm vóc, và những người dẫn đầu sáng suốt, anh minh, gắn với các hoạt động phối hợp của các ngành liên quan, trong sự nhất trí, đồng thuận chung của toàn xã hội.
Viết đến đây tôi vẫn biết rằng đất nước ta có biết bao tấm gương chịu học, vượt khó khăn cùng cực để mà học; biết bao học sinh nhận các giải thưởng lớn nhỏ hàng năm; nhiều tài năng đã được phát hiện hoặc đang phát huy tác dụng, bên những tên tuổi làm vẻ vang cho dân tộc còn ở nước ngoài. Đó là những điểm sáng không phải là khó thấy. Nhưng tôi nghĩ nó vẫn chưa đủ để lấn bóng tối, càng chưa đủ để soi sáng con đường đi cho một xã hội học tập đúng như mô hình ta mong muốn./.
31-7-2010
P.L
_______________
(1), (2), (4), (5) Tuổi trẻ (TP. Hồ Chí Minh), các số ra ngày 27-4; 14-5; 19-4- và 28-7-2010.
(3) Hồn Việt số 37; 7-2010.