Hiện đại hóa văn học Việt Nam trong đối sánh khu vực Đông Á

                                                                                                 Phong Lê (*)

Hiện đại hóa, trong cách hiểu ở Việt Nam và các nước thuộc phương Đông, gồm cả Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, và rộng hơn thế, đó là sự kiện có tính quy luật diễn ra trong giao lưu, và định vị các mối quan hệ với phương Tây, có trung tâm là châu Âu - nơi giai cấp tư sản có quá trình hình thành từ rất sớm, và sớm tiến hành cuộc cách mạng tư sản, từ nửa sau thế kỷ XVIII, đưa nhân loại vào một thời kỳ phát triển mới - thời đại của cách mạng tư sản và chủ nghĩa tư bản. Từ các cuộc cách mạng tư sản này nhân loại sẽ bước vào một thời đại mới, thời giai cấp tư sản buộc “các dân tộc nông dân phụ thuộc vào các dân tộc tư sản; buộc phương Đông phụ thuộc vào phương Tây”. Thời, giai cấp tư sản “buộc tất cả các dân tộc phải theo phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Tóm lại, nó tạo ra cho mình một thế giới theo hình ảnh của nó” - như cách nói của Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Nhưng nhìn bao quát cận cảnh khu vực phương Đông - thì tình hình Âu hóa, hoặc hiện đại hóa diễn ra theo những lộ trình không giống nhau, có nghĩa là không cùng một mô hình. Xét riêng ở Việt Nam, do đặc thù lịch sử, và do cách ứng xử của các nhà cầm quyền là triều Nguyễn, thì quá trình hiện đại hóa, tức quá trình tiếp cận và tiếp nhận văn minh phương Tây diễn ra là có khác, thậm chí là khác nhiều so với Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dưới đây là ba nhận xét sơ bộ của tôi.

 

1. Ở Việt Nam, cho đến giữa thế kỷ XIX, mối giao lưu cơ bản với thế giới vẫn chỉ là giao lưu với Trung Hoa, như một “mẫu mẹ” trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong suốt 2000 năm; trong đó 1000 năm đầu nước ta trở thành thuộc địa - để được gọi là Bắc thuộc, và 1000 năm sau là tự chủ. Với chiều dài như thế, và với sự chênh lệch về lực lượng như thế mà giành được, rồi giữ được sự độc lập về tinh thần và văn hóa quả là chuyện khó hình dung hoặc quá hiếm hoi trong lịch sử. Điều đáng quan tâm là cách cha ông chúng ta tiếp nhận văn hóa Trung Hoa - trong tư cách là trung tâm, là cái nôi của văn minh phương Đông, để xây dựng văn chương- học thuật dân tộc...

Từ 1884, sau Hiệp ước Patenôtre, thì triều đình Mãn Thanh mới chính thức nhượng quyền bảo hộ cho Pháp qua Hiệp ước Pháp - Thanh 1885. Một lịch sử dẫn tới hai bản ký kết 1884 và 1885, sau nhiều thập kỷ là những trang bi thảm trong sự tồn tại của một vương triều không phải được xây dựng trên một chiến công chống ngoại xâm như Lý, Trần, Lê; mà là nhờ vào ngoại viện mà giành được thế thắng trong một cuộc nội chiến với Tây Sơn. Kể từ Hiệp ước Patenôtre 1884 và Hiệp ước Pháp - Thanh 1885, Việt Nam dần dần chuyển sang xã hội bán phong kiến - thuộc địa, cắt đứt dần các quan hệ với Trung Hoa mà gắn với Pháp là ông chủ mới, không chỉ của Việt Nam, mà là của cả 3 nước: Việt, Lào, Cămpuchia - trong cái gọi là Liên bang Đông Dương thành lập năm 1887 gồm 5 xứ, là Bắc kỳ, Trung kỳ (An Nam), Nam kỳ, Lào, Cămpuchia với tên gọi chung là Đông Pháp hoặc Đông Dương (Indochine), và thế là tự nhiên Việt Nam mất tên gọi trên bản đồ. Từ đây, Đông Dương gồm 3 nước và 5 xứ rồi sẽ có một mối quan hệ từ xa lạ mà trở thành khăng khít vì có chung số phận là đất bảo hộ, hoặc thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Có điều cần lưu ý: việc nhượng chủ quyền cho Pháp chính thức diễn ra từ 1884, nhưng lịch sử xâm lược, với âm mưu thôn tính của thực dân phương Tây là đã diễn ra từ lâu, có thể là vào đầu thế kỷ XVII khi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo và thuyền buôn phương Tây vào các cửa biển Việt Nam như Phố Hiến, Hội An, Cần Giờ... cho đến khi tiếng súng của liên quân Pháp - Iphanho (Tây Ban Nha) chính thức nổ ra vào năm 1858 ở cảng biển Đà Nẵng. Từ đây sẽ diễn ra một cuộc giằng co kịch liệt giữa chiếnhòa trải suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cho đến 1884 thì mới là lúc phong trào kháng Pháp lan rộng ra cả nước, cuộc này gọi cuộc kia, không lúc nào dứt, rồi tạm kết thúc với thất bại của phong trào Cần Cương, Phan Đình Phùng năm 1897. Gần nửa thế kỷ chống chọi với ngoại xâm, chế độ thuộc địa mà Pháp muốn áp đặt cho Việt Nam chỉ có thể thực hiện ở một phần đất Nam Kỳ, qua chế độ trực trị; và những mầm mống của hiện đại hóa trong đời sống văn chương- học thuật do thế đã có thể xuất hiện ở Sài Gòn - Gia Định, với những người mở đường là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản...

Phải từ đầu thế kỷ XX, khi các phong trào kháng Pháp trong phong trào Cần Vương kết thúc, thì thực dân Pháp mới có thể chính thức xây dựng chương trình khai thác, bóc lột thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương. Và cũng phải đến lúc này thì những kết quả đầu tiên của xu thế hiện đại hóa trong văn chương- học thuật Việt Nam mới có thể xuất hiện. Như vậy, nói quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam là nói một quá trình chỉ có thể diễn ra một cách có ý thức, và chủ động, với hiệu quả thấy được, từ thập niên đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam hoàn toàn chuyển sang xã hội phong kiến- thuộc địa. Và đó là hiện tượng khác với Trung Hoa và Nhật Bản.

Với Trung Hoa - là một đại đế phương Đông, có lịch sử văn minh nhiều nghìn năm nên việc phương Tây tiếp xúc, thâm nhập và cưỡng đoạt không thể là việc thực hiện trong một sớm một chiều. Mà là một quá trình lấn dần, từng bước qua các sự kiện lớn diễn ra trong suốt thế kỷ XIX, kể từ Chiến tranh Nha phiến 1840 đến phong trào Dương vụ khoảng 1860; rồi hai lần triều đình Mãn Thanh thất bại trong cuộc chiến Hoa Pháp (1885) và Trung Nhật (1894) đến chính biến Mậu Tuất (1898)... Triều Mãn Thanh mất dần chủ quyền, nhưng chủ quyền vẫn còn được giữ, khiến cho tiến trình hiện đại hóa không chỉ là một cuộc áp đặt, cưỡng chế từ ngoài mà còn là hệ quả của một cuộc vận động tự thân bên trong, theo nhu cầu một cuộc cách mạng tư sản, tuy là muộn so với phương Tây, nhưng vẫn là đủ mạnh, để vẫn giữ được chính quyền, và cốt cách văn hóa truyền thống trên một lãnh thổ quá rộng và với số dân quá đông mà chủ nghĩa thực dân phương Tây, dẫu có lúc là liên quân 8 nước, vẫn không thể đặt ách thống trị trực tiếp bằng một bộ máy cai trị từ trên xuống dưới như ở nước ta.

Còn Nhật Bản thì từ giữa thế kỷ XIX vẫn có cùng khởi điểm như Việt Nam; nhưng từ thời Minh Trị, do có một đối sách và ứng phó thông minh mà tránh được một cuộc ngoại xâm; và nhờ vào ý thức canh tân khá sớm của tầng lớp đương quyền mà đập tan được sự chống đối của phái Mạc phủ - 1867, và nhanh chóng đưa đất nước sớm đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, để từ đầu thế kỷ XX đã trở thành một cường quốc tư bản phương Đông, đủ sức hạ gục Nga Hoàng trong cuộc chiến Lữ Thuận, và vươn lên một vị trí hùng mạnh về kinh tế và quân sự trên trường quốc tế. Ở vị thế một cường quốc có tương quan bình đẳng (chứ không phải là lệ thuộc như Việt Nam hoặc bán lệ thuộc như Trung Hoa) với chủ nghĩa tư bản phương Tây, việc hiện đại hóa trong văn chương- học thuật Nhật Bản là không phải trải một gấp khúc hoặc bước ngoặt nào trong tiến trình đi lên của nó. Sau cuộc canh tân được thực hiện khá sớm từ giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản đã tiến những bước rất nhanh vào một cuộc hội nhập với phương Tây trên tất cả các phương diện của khoa học và công nghệ, của văn hóa, văn chương, học thuật dân tộc. Nhìn vào các Giải Nobel văn học cho các tác giả Nhật Bản, như Kawabata Yasunari (1899-1972) và Oe Kenzaburo (sinh 1935), hoặc sự bùng nổ của Murakomi Haruki (sinh 1949) từ cuối thế kỷ trước cho đến nay ta có thể thấy được điều này. Việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai, việc kết hợp công nghệ phương Tây và đạo lý Nhật Bản, việc duy trì Khổng giáo... trên nền tảng một nền kinh tế phát triển và hệ thống chính trị ổn định đã đưa Nhật Bản sớm trở thành cường quốc trong cả hai cuộc Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.

Có cùng một khởi điểm với Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX nhưng Việt Nam lại rẽ sang một con đường khác để trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thế nhưng hiện tượng đó không hẳn là tất yếu. Có nghĩa là Việt Nam vẫn có thể tránh được, nếu... Không ít trí thức- sỹ phu ngay lúc đương thời, như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Phan Thanh Giản... đã nghĩ đến khả năng tránh một cuộc đối đầu, để tìm một phương án khác; bởi phương án đó họ đã sớm được biết, và được thấy, ở Nhật Bản - người đồng văn, đồng chủng với Việt Nam, như một tấm gương sáng rất đáng noi theo. Trong di thảo số 55 của Nguyễn Trường Tộ gửi triều đình, có đoạn: “Xem Nhật Bản xưa là một lũ người lùn, từ Trung Diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp chủng quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng ra thiên hạ mới có được chí hướng lớn như vậy. Từ đó, họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Như trước đây ba năm, Anh, Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ có Hợp chủng quốc, Hà Lan phân giải mà việc đã không xẩy ra. Đó không phải là công dụng của sự giúp đỡ của các nước hay sao? Còn như ngày nay nước ấy có những kế hoạch giao thiệp rộng rãi, những mưu cơ tân tiến thì đâu đâu người ta cũng đã nghe thấy rõ ràng, gương ấy không xa, không cần phải nêu ra nữa.

Còn như đối diện với nước ta là Xiêm La. Nước ấy trước đây chẳng có thế lực hùng mạnh gì. Nhưng từ khi người Tây quấy động khiến họ chợt tỉnh thức, bèn lấy Anh, Pháp làm bạn, lấy Ý, Bồ làm khách, mời hết tất cả các nước trên thế giới tới buôn bán, du lịch, còn nước ấy thì nghiễm nhiên thành một ông chủ nhà lớn đàng hoàng”(1).

Những đột phá của Nhật Bản và một số nước láng giềng có khởi điểm giống ta từ giữa thế kỷ XIX đã được bắt đầu bằng những ứng xử ngoại giao như thế; và chỉ cần vài chục năm họ đã thay đổi thực trạng, thay đổi hình dạng. Còn ta thì ngập trong khói lửa; mà khói lửa đã bùng lên và lan rộng như cảnh nhà cháy thì còn làm được gì (“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy. Mất ổ bầy chim dáo dác bay. Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” - Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu), để càng đánh càng thua, dẫu ý chí bất khuất và lòng yêu nước thì dư thừa. Còn sự khéo léo, khôn ngoan trong cách lựa thế, và lợi dụng mâu thuẫn của đối phương, để tránh binh đao, và nhân đó mà có thời gian rộng hơn cho tăng cường nội lực bản thân ta đã không tạo được...”(2).

Phải đến đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp đặt xong ách thống trị lên toàn cõi Đông Dương, trong đó Việt Nam mất tên gọi trên bản đồ, và bị chia làm 3 kỳ thì yêu cầu hiện đại hóa mới được chính các nhà Nho - các sỹ phu yêu nước như hai cụ Phan và các đồng chí trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục đặt ra và thực hiện trong sự tiếp sức của vài ba thế hệ từ Nho học đến Tây học. Và như vậy, đây là nét khác biệt đầu tiên giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á như Trung Hoa, Nhật Bản.

 

2. Trở lại với lịch sử: sau 2000 năm chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, từ thập niên đầu thế kỷ XX, Việt Nam chuyển sang một cuộc hội nhập lần thứ hai với văn minh phương Tây; ban đầu là do một sự áp đặt và cưỡng chế bởi thuốc súng và chiến thuyền của những “khách không mời”; rồi dần dần chuyển sang tự nguyện, do sự thức nhận ánh sáng Tân Thư của những người trong cuộc mà tìm đến hai phương sách: Văn minhDân chủ, có khởi nguồn từ triết học khai sáng thế kỷ XVIII của phương Tây. Phải đến được hai phương sách đó, như là hai cứu cánh mới có thể làm cho đất nước dần dần trở nên giàu mạnh mà không phải sống hèn, sống nhục. Và đó chính là lõi cốt của yêu cầu hiện đại hóa, với công đầu là các gương mặt lớn trong tầng lớp trí thức Nho sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...

Điều đáng lưu ý là tất cả những ý tưởng, những kiến giải cho nhu cầu canh tân đất nước (tức cũng là hiện đại hóa đất  nước) đều được các nhà Nho Việt Nam tiếp nhận gián tiếp qua con đường Tân thư, đến từ Trung Hoa và Nhật Bản, với các tên tuổi lớn như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Khuyển Dưỡng Nghị...

Nhưng nếu ý tưởng Canh tân đã làm nên một Nhật Bản thần kỳ thì ở Việt Nam nó sớm bị cản trở và bóp nghẹt. Kể cả ở Trung Hoa. Bởi ở cả hai nơi đều không có, hoặc chưa có một giai cấp tư sản đủ mạnh để triệt để thay đổi các nền móng kinh tế, xã hội. Và Việt Nam thì còn bị chìm sâu vào bóng tối của chế độ thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân đã rất nhậy cảm trước những bất an do cuộc đánh thức dân trí, chấn hưng dân khí mà các nhà Nho chủ trương cải cách đã gây nên. Cả một cuộc tàn sát lớn vào hai năm 1907 và 1908 khiến cho hầu hết, nếu không nói là tất cả những tên tuổi tiêu biểu trong các phong trào Canh tân đầu thế kỷ đều bị bắt, rồi bị giam cầm, đầy ra Côn Đảo, với những cái án giam hàng chục năm, có người là chung thân, hoặc “trảm giam hậu”...

Sau thế hệ đi đầu chịu những hy sinh rất lớn là các Nhà Nho - chí sĩ tất cả đều phải vào tù, hoặc lưu vong ra nước ngoài, kể từ giữa Thế chiến lần thứ nhất sẽ xuất hiện một thế hệ mới, vừa Nho học, vừa Tây học. Họ sẽ tiếp tục mục tiêu canh tân, chỉ trong phạm vi văn hóa, văn học- nghệ thuật, văn chương- học thuật, với những biện pháp ôn hòa, mềm dẻo, dễ chịu hơn đối với chính quyền thực dân, nhằm khai mở phong trào báo chí - xuất bản; cổ động dùng chữ Quốc ngữ; đưa cái học thực dụng thay cho cái học từ chương cũ; quảng bá những mặt tích cực trong tư tưởng và học thuật phương Tây... Trong khoảng hai chục năm giao thời cũ - mới trước 1930, qua các hoạt động hợp pháp, dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân, đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc vẫn có cơ hội để đạt được một trình độ cao hơn, trước hai yêu cầu văn minhdân chủ mà thời đại đặt ra, do sự xuất hiện của giai cấp tư sản và các cuộc cách mạng tư sản trong lịch sử để đưa nhân loại bước vào thời hiện đại. Thời hiện đại, kết quả của các tiến trình hiện đại hóa mà nhân loại đã trải suốt hơn hai thế kỷ từ trung tâm là châu Âu đến lúc này đã chuyển sang giai đoạn thống trị thế giới của chủ nghĩa thực dân. Nhưng ngay trong xã hội thuộc địa như xã hội Việt Nam, hoặc bán thuộc địa như Trung Hoa là xã hội được kiến lập theo mô hình phương Tây thì, dẫu với tất cả các tội ác do chính quyền thực dân gây ra, vẫn cứ có những khoảng sống và khoảng sáng văn minh gấp nhiều lần hơn xã hội phong kiến chuyên chế, lạc hậu. Đó là điều giải thích vì sao trong cuộc hội nhập lần thứ hai, chỉ trong dăm chục năm, với phương Tây, làm nên bước chuyển từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại vào nửa đầu thế kỷ XX, đời sống văn hóa, tinh thần và nền văn chương học thuật dân tộc đã đạt được những thành tựu có thể nói là kỳ diệu - để có chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm; có phong trào báo chí - xuất bản; có sự xuất hiện đội ngũ những người viết chuyên nghiệp, kể từ Tản Đà; có sự hình thành trào lưu lãng mạn với Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn; sự phát triển lên tầm cao của trào lưu hiện thực; và sự xuất hiện những công trình phê bình, nghị luận, biên khảo văn học sáng giá...

Tất nhiên đó là một sự phát triển chịu sự kiểm soát của chính quyền thực dân và trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Nhưng chính điều đó lại chứng tỏ ý thức dân tộc không lúc nào không ăn sâu trong tâm trí số lớn các tầng lớp trí thức gồm nhiều thế hệ, trong đó ngoài thế hệ Nho học đầu thế kỷ số lớn phải chịu cầm tù, hoặc phải lưu vong, là hai thế hệ tiếp nối; có cả Nho học và Tây học như “Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn”, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng ngọc Phách, Vũ Đình Long; đến thế hệ Tây học - gồm tất cả các gương mặt tác gia tiêu biểu thời 1930-1945. Họ đã biết cách tiếp tục ý thức canh tân trong phạm vi văn chương- học thuật, để chỉ sau 30 năm (từ 1900 đến 1930) mà thực hiện được trọn vẹn một mùa gặt ngoạn mục - mùa gặt 1930-1945 trên tất cả các lĩnh vực kịch nói, thơ, văn, nghị luận- phê bình, làm nên diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc.

Từ các kết quả hiện đại hóa chỉ trong hơn 30 năm mà những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại dần dần được rút ngắn. Nếu hiểu Baudelaire (1821-1867), ông tổ của chủ nghĩa Tượng trưng, bậc tiên khu (précurseur) của thơ châu Âu hiện đại là người đồng thời với Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909)... Nếu hiểu Marcel Proust (1871-1922), André Gide (1869-1951), Franz Kafka (1883-1924) là những người khởi đầu và triển khai tích cực những cách tân trong tiểu thuyết châu Âu thế kỷ XX là người đồng thời với Tú Xương (1870-1907), Phan Bội Châu (1867-1940)... ta sẽ hiểu cái gọi là gia tốc lịch sử đã diễn ra nhanh gấp như thế nào trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, để đến được với Xuân Diệu, Chế Lan Viên..., với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... những tên tuổi làm nên trào lưu lãng mạn và trào lưu hiện thực ở Việt Nam theo mô hình phương Tây.

Thế nhưng, với chỉ bấy nhiêu thành tựu nổi trội như trên vẫn chưa đủ nói lên đặc trưng của hiện đại hóa ở Việt Nam, nếu không chú ý đến những chuyển động trong các mạch sâu của ý thức dân tộc nằm trong sự phát triển của trào lưu yêu nước và cách mạng; từ chủ nghĩa yêu nước trên lập trường dân chủ, mà đến với hệ ý thức vô sản; bởi cái nhu cầu cấp bách và sinh tử nhất của dân tộc là phải cứu nước, giành lại chủ quyền đã bị mất từ 1884. Đây mới chính là mục tiêu cơ bản và cao nhất khiến tất cả các nhà Nho - chí sĩ đầu thế kỷ XX đã phải chịu một sự truy nã gắt gao nhất của chính quyền thực dân. Nhưng thời thế đã thay đổi kể từ sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917. Sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc đã chuyển sang vai một thế hệ mới - thế hệ con em của họ mà Nguyễn Ái Quốc là tên tuổi số 1 đã chọn con đường sang phương Tây - vừa là sào huyệt của chủ nghĩa tư bản hiện đại, vừa cũng là trung tâm của phong trào vô sản quốc tế (chứ không phải là sang Tàu hoặc sang Nhật); và đã bắt đầu sự nghiệp viết của mình vào tuổi 30 ở Paris, như một khởi động quyết định cho một hành trình mới của dân tộc, với những áng văn đầu tiên khai mở một thời đại mới - đó là Yêu sách của nhân dân Việt Nam, là Đông Dương thức tỉnhBản án chế độ thực dân Pháp...

Nói đến một nền văn chương- học thuật Việt Nam như là kết quả của yêu cầu hiện đại hóa, thì - cùng với sự kế tục của ba thế hệ viết, cùng với sự xuất hiện của hai trào lưu lãng mạn và hiện thực theo mô hình phương Tây với nhiều chục tên tuổi tiêu biểu, còn phải kể một tên tuổi lớn là Nguyễn Ái Quốc - đại diện cho trào lưu cách mạng trên hệ ý thức vô sản với những áng văn bằng tiếng Pháp viết ở Paris - như là sản phẩm của chính thời đại và của văn học hiện đại thế giới.

Và như vậy, yêu cầu hiện đại hóa ở Việt Nam là gắn với yêu cầu cách mạng hóa, bởi cuộc tìm kiếm mục tiêu hiện đại, dẫu là ở đâu cũng phải trên cơ sở một đất nước có chủ quyền. Đó là vấn đề mà Trung Hoa và Nhật bản không đặt ra. Cũng là chỗ khác giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản.

3. Thế nhưng lịch sử còn tiếp tục cuộc đi của nó, với những gì dường như không được dự báo. Sau những kết quả của hiện đại hóacách mạng hóa trên các lĩnh vực của chữ viết và thể loại, của phong trào báo chí - xuất bản, của sự xuất hiện ba trào lưu văn học, của những tác giả, tác phẩm trong mùa gặt ngoạn mục 1930-1945 trên cả ba lĩnh vực: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình... là thời điểm tháng 8-1945, ra đời Tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập - đó là áng văn hùng vĩ của lịch sử dân tộc, trong tương quan với thời đại, mở ra kỷ nguyên Độc lập Tự do, để Việt Nam có thể sánh vai, bình đẳng với các nước trên khắp năm châu, trên nguyên tắc: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng...”. Thế nhưng gần như lập tức ngay sau đó, thực dân Pháp đã trở lại âm mưu xâm lược, rồi cùng với đế quốc Mỹ buộc cả dân tộc phải nhất tề xông lên và kéo dài một cuộc chiến gian khổ và khốc liệt trong hơn 30 năm, cho đến năm 1975, trong tình thế chiến tranh lạnh giữa hai phe trên thế giới, trong một thế giới chia đôi. Vậy là lịch sử lại đặt dân tộc Việt Nam trước những thử thách mất - còn sau 80 năm là thuộc địa, và trong một chọn lựa giữa hai phe. Lịch sử đã đưa Việt Nam hội nhập với phe xã hội chủ nghĩa, như là sự nối dài cuộc hội nhập diễn ra từ đầu thế kỷ; và trong thế đối đầu với phương Tây. Buộc phải thắng trong hai cuộc chiến tranh ta đã chọn lựa phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Và nền văn chương- học thuật dân tộc trong ngót 50 năm, kể từ sau 1945, đã thu được những thành tựu mới trong tương ứng và đáp ứng cho yêu cầu của cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cái thế đứng về một phía trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe đã khiến cho Việt Nam, sau khi kết thúc chiến tranh đã không thể tránh một cuộc tìm kiếm sai lầm về mô hình phát triển xã hội trong hơn 10 năm, nếu tính từ đầu 80 khi đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến ở hai đầu biên giới cho đến 1990 khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Cả một thập niên 80 với những thử thách cũng là sống còn, không kém chiến tranh, với sự kiện lịch sử cứu thoát dân tộc, đó là Đại hội VI - tháng 12- năm 1986 mang tên Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, nhìn lại lịch sử và lịch sử văn học thế kỷ XX, sau mốc 1945 chia đôi thế kỷ, đưa đất nước từ tình trạng nô lệ sang kỷ nguyên Độc lập, Tự do, Việt Nam buộc phải chấp nhận một chậm trễ lịch sử trong chiến tranh và trong tình thế đất nước chia đôi, và trong một cuộc tìm kiếm mô hình phát triển xã hội với nhiều sai lầm... Dĩ nhiên là với tình thế ấy, những mục tiêu hiện đại hóa, gồm cả trong khu vực văn hóa, văn chương- học thuật cũng phải chậm lại với những lý do khách quan và chủ quan khó tránh. Thậm chí đó là mục tiêu khó lòng thực hiện hoặc chưa thể nghĩ đến, khi văn hóa - nghệ thuật cũng phải là một mặt trận; văn học phải trở thành vũ khí; nhà văn là chiến sĩ - như lời dạy của Hồ Chủ tịch. Khi tất cả những người viết ưu tú đều ra chiến trường, vừa cầm súng vừa cầm bút; và trong ba mục tiêu của công việc Viết thì Viết cho ai? phải đặt lên trước Viết để làm gì? Và Viết như thế nào? Tức là viết cho đại chúng, thuộc số đông, có lúc là trên 90% mù chữ... Từ một sự phát triển chậm và so le với nhân loại, sau nhiều chục năm, phải đến sau 1986, thậm chí sau 1990, khi bức tường Berlin đổ, chúng ta mới thoát ra khỏi được nạn đói và tình thế khủng hoảng của thời bao cấp để dần dần hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước  mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Một khẩu hiệu, tránh được sự mơ hồ, viển vông, duy ý chí, mà nói lên được thực chất sự phát triển xã hội - gồm dân giàunước mạnh, dân có giàu thì nước mới mạnh, đi cùng với công bằng, để đến với dân chủ, văn minh - hai mục tiêu lớn và bao trùm đã được nêu lên từ đầu thế kỷ. Và với mục tiêu này, kể từ thập niên cuối thế kỷ XX, khi Việt Nam muốn, và có thể làm bạn với cả thế giới, thì lịch sử dân tộc và văn học dân tộc mới có thể chính thức và đường hoàng nói đến một cuộc hội nhập lớn, cuộc hội nhập lần thứ ba với nhân loại. Một cuộc hội nhập bình đẳng, và trong tư thế chủ động, hoàn toàn khác với hai lần hội nhập trước, với văn minh phương Bắc và với văn minh phương Tây trong tư thế bị động. Và điều quan trọng hơn, đó là cuộc hội nhập trùng khớp với cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba của nhân loại.

Xét trong phạm vi văn chương- học thuật thì cuộc hội nhập lần thứ ba này chính là sự tiếp tục và đưa lên một tầm cao hơn những kết quả hiện đại hóa đã được thực hiện từ nửa đầu thế kỷ; bắt đầu từ Văn minh tân học sách (1905), qua Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và đến đỉnh cao ở Tuyên ngôn độc lập (1945). Nửa sau thế kỷ, dẫu với chủ nghĩa anh hùng đã được phát huy đến độ cao, để giành lại chủ quyền và thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn còn là một nước lạc hậu đứng ra ngoài guồng văn minh nhân loại, sau hai lần Toàn cầu hóa(3). Và bây giờ, kể từ năm 2000, khi nhân loại bước vào công cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba, gắn với kỷ nguyên thông tin và cách mạng số, Việt Nam mới thật sự có một cơ hội, và trong tư thế chủ động, để bước vào cùng một phòng chờ, hoặc lên đường cùng chuyến với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Và đó là một may mắn lớn của lịch sử, khiến cho ta phải có đủ sự sáng suốt, khôn ngoan để có thể đi tắt, đón đầu mà theo kịp bước tiến chung của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần.

Như vậy là thử thách lớn lại đi cùng với cơ may lớn. Chúng ta đang được chứng kiến cả hai phương diện đó trong các bước đi của dân tộc và văn hóa, văn học dân tộc trong thập niên mở đầu thế kỷ XXI, trong một nỗ lực vượt bậc để theo kịp và trở thành người đồng thời với văn minh nhân loại. Xét riêng trong văn chương- học thuật thì những tìm tòi trong hội nhập với thế giới của một thế hệ trẻ, mà số lớn có thể kể từ thế hệ 6X và 7X trở đi, (sau hai thế hệ tiền bối đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử của họ trong hai mùa gặt lớn là 1930-1945 và 1960-1975), xuất hiện từ thập niên cuối thế kỷ XX, trong văn, thơ, nhạc, họa; trong các lĩnh vực của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đã chứng tỏ điều đó. Một kết quả hiện đại hóa, sau hơn một thế kỷ tìm kiếm của dân tộc, phải đến thời điểm hôm nay, trong những bước đi đầu tiên của Toàn cầu hóa lần thứ ba, chúng ta mới có thể hình dung trong tâm thế và tư thế chủ động.

Một chuyển động có tầm tương tự, hoặc còn lớn hơn chuyển động được tạo nên bởi phát kiến ra chữ in của Guttenburg (1400-1468) đã đưa châu Âu vào thời kỳ Phục hưng. Một chuyển động từ nền văn học Hán - Nôm trên các mộc bản hoặc thạch bản chuyển sang văn học Quốc ngữ, với các con chữ thuộc hệ latinh để đưa mô hình trung đại sang mô hình hiện đại ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Chắc chắn thế kỷ XXI, trong các thập niên sắp tới, công cuộc hiện đại hóa với các phương tiện của kỷ nguyên thông tin và cách mạng số, sẽ diễn ra những bất ngờ, tôi tin còn lớn hơn những bất ngờ của thế kỷ XX và 20 thế kỷ cộng lại./.

 

                                                                                 Thái Hà, Tháng 11-2009

                                                                                                      P.L

_______________

(1) Dẫn theo sách của Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo; Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm TP. Hồ Chí Minh, ấn hành 1988, tái bản 1991.

(2) Đây cũng là nhận định của GS. Trần Văn Giàu: “Đầu thế kỷ XIX, Việt Nam, Nhật Bản hình như chưa cách biệt nhau là mấy. Đến Tự Đức, thì thời kỳ này ở Việt Nam đại để cũng là thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản, hai nước đều phải “đối diện” với một loạt vấn đề. Thế mà, trước bão táp Âu Mỹ, nước Nhật bản giữ vững độc lập và nhanh chóng trở thành cường quốc ngang hàng với các nước lớn mạnh Âu Mỹ, còn nước Việt Nam thì suy đốn không cứu chữa nổi, bị Pháp lấn áp, gậm dần, nuốt trộng, rốt cuộc trở thành thuộc địa, xiềng chân gông cổ cho đến đỗi cái tên Việt Nam cũng biến mất khỏi bản đồ thế giới...” (Lời giới thiệu sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp ở Trung Hoa của GS. Yoshiharu Tsuboi; Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh; 1999; tr.6.

(3) Theo các giới khoa học phương Tây thì cuộc Toàn cầu hóa lần thứ nhất, bắt đầu từ năm 1492 là năm Christophe Colombus phát hiện ra châu Mỹ cho đến 1800 - 11 năm sau Cách mạng tư sản Pháp - 1789. Cuộc thứ hai, từ 1800 đến 2000, cũng 11 năm sau sự kiện bức tường Berlin đổ - 1989.


 



* GS. Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam

Thông tin truy cập

64101470
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
23259
29791
64101470

Thành viên trực tuyến

Đang có 455 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website