PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu vừa xuất bản công trình chuyên khảo “Tiến trình hiện đại hóa trong văn học phương Tây – Từ thời đại Phục Hưng đến đầu thế kỷ XX”. Sách do nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2021. Đây là công trình cần thiết, trước hết, bởi sự hấp dẫn của vấn đề khảo cứu; thứ đến, vì rất cần thiết đối với người đọc và học đại cương trong các khóa chuyên ngành Ngữ văn ở các bậc khác nhau.
Điều đáng ghi nhận về công trình chuyên khảo này là kết quả nung nấu, chuẩn bị, hun đúc và tinh luyện qua thời gian lâu dài, song hành cùng với sự nghiệp giảng dạy của nhà nghiên cứu. Do đó, từng ý kiến và lập luận triển khai trong tác phẩm đạt được độ chín cần thiết đã cho thấy cái nhìn sâu sắc và toàn diện của nhà nghiên cứu.
Xác định tâm thế khảo cứu, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu đã bày tỏ chân thành trong lời mở đầu.
“Tuy nhiên, để nghiên cứu lịch sử văn học của vùng văn học này một cách cụ thể hơn dựa trên sự quan sát theo trục biên niên sử, chúng ta cũng có thể xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau, như: góc nhìn lịch sử-xã hội, góc nhìn sự tiến hóa của ngôn ngữ, góc nhìn sự vận động của tư duy văn học và kiểu sáng tác, góc nhìn lịch sử thể loại …, ở đó, mỗi góc nhìn sẽ cung cấp thêm một trắc diện của quá trình lịch sử văn học [1].
Chuyên khảo “Tiến trình hiện đại hóa trong văn học phương Tây – Từ thời đại Phục Hưng đến đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Hữu Hiếu
Từ lời nói đầu, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm chuyên khảo, ý hướng xây dựng công trình đáng trân quý này. Đồng thời, với quan điểm đó, ông cũng xác định “người đọc tiềm ẩn”/người đọc lý tưởng khả dĩ. Người đọc tiềm ẩn hay khả thể tiếp nhận[2] ngược lại xác lập tư cách nhà giáo dục của người viết sách. Hai phương diện: nhà nghiên cứu – nhà giáo dục không tách rời. Hơn nữa, hai trắc diện ấy song hành hầu như trong toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy của PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu.
Tên chuyên khảo (tiến trình) cũng như “góc nhìn sự tiến hóa” liệu có khiến độc giả nhớ đến quan điểm tiến hóa trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn[3] và lập trường “Âu tâm luận”[4]. Quan điểm “tiến hóa luận” cũng góp phần hình thành đường lối nghiên cứu ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như văn hóa học, nhân học, dân tộc học, xã hội học, … Có lẽ, nhà nghiên cứu lựa chọn phương thức tiếp cận thuận tiện hơn cả cho đối tượng tiếp nhận chủ yếu: người đọc và học đại cương. Ông cũng chia sẻ thật tình trong lời mở đầu. Góc độ tiếp cận vấn đề trong chuyên khảo “khá truyền thống”. Việc này, giúp ích cho người học đại cương dễ dàng nắm bắt và hình dung diễn trình vận động của văn học phương Tây từ thời Phục Hưng đến đầu thế kỷ XX. Đây cũng là giai đoạn văn phương Tây đạt được nhiều thành tựu đáng kể, vươn tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Xác định/giới thuyết các khái niệm cần thiết cho thấy người nghiên cứu cẩn thận và chú trọng xây dựng nền tảng lý luận. Tuy nhiên, đây không là trọng tâm chuyên khảo và do vậy, tác giả không dành nhiều công sức mổ xẻ các vấn đề khai niệm mà ông, tập trung vào những khái niệm cốt lõi, cần kíp và có khả năng chi phối rộng rãi đến hệ thống khái niệm liên quan. Rõ ràng, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu có ý “điều hòa” các vấn đề lý luận nhằm tạo điều kiện cho người tiếp nhận “an yên” phần nào để tiếp cận các vấn đề tiếp theo. Bên canh đó, nhà chuyên khảo cũng tránh đi những tranh luận không cần thiết[5]. Bởi, như đã nói ngay từ đầu, việc khảo cứu diễn trình văn học phương Tây trong giai đoạn này có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, đưa tới những nhận định khác nhau. Đó cũng là lẽ dĩ nhiên. PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu không có ý tranh luận hay mở rộng thêm tính đa dạng phồn tạp của các quan điểm nhìn nhận. Mà trọng tâm nhắm tới, ông mở đường cho người đọc và học đại cương “phác thảo” bước đầu cảnh trạng văn học Tây phương. Nhà khảo cứu không chạy theo tính tiên phong, duy chỉ dành tấm lòng cho người học. Cho nên, bạn đọc không thể đòi hỏi những lập luận và quan điểm “đột phá” làm lung lay cách nhìn nhận trước đó.
Ngoài ra, theo dõi cách lập luận của nhà chuyên khảo, bạn đọc chắc sẽ phát hiện tính cẩn trọng đáng quý. Hệ quy chiếu cần thiết lập định tư duy. Và, trên hệ quy chiếu đó, các khái niệm được thiết lập. Vì thế, khái niệm/quan niệm không thể đơn thuần tồn tại mà luôn kéo theo hệ quy chiếu nhất định. Hiện đại hay làm mới cũng tức là hiện đại và làm mới so với cái gì đó[6]. Nghĩa rằng, hiện đại và làm mới căn bản mang tính võ đoán nếu không sử dụng các khái niệm khác làm quy chiếu. Nhắc tới nó tức là giả định thừa nhận lập trường khu biệt. Không thể sử dụng hệ quy chiếu văn học Tây phương làm thước vàng khuôn ngọc cho diễn trình vận động của nền văn học khu vực khác, cũng không thể lấy thước đo tư duy của nền văn học khu vực khác áp đặt vào văn học phương Tây. Khu biệt là hạn hẹp nhưng mặt khác là chặt chẽ. Có lẽ, nhà chuyên khảo lường trước những góc nhìn khác có thể dẫn đến tranh luận không cần thiết. Do vậy, nhà chuyên khảo không ái ngại sa vào hạn hẹp, bởi ông chú trọng tính đáng tin cậy hơn chăng!
Dẫu sao thì nhà chuyên khảo cũng đã lập thành khái niệm hiện đại hóa dựa trên các chất điểm quy chiếu: thế tục hóa, dân chủ hóa, toàn cầu hóa, tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa. Rõ ràng, lập trường quan điểm của ông có sức thuyết phục rất cao. Qua đó, nhà chuyên khảo mang lại bức tranh vận động đa diện. Không chỉ tiến phát theo chiều rộng mà còn phát triển theo chiều sâu. Giữa rộng với sâu, tác giả công trình hướng đến mục tiêu đào sâu cốt lõi, bản chất vấn đề hơn cả.
Thông qua phân tích diễn trình hiện đại hóa văn học phương Tây, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu đã góp phần khẳng định hệ giá trị mới[7]. Tính chất khai phóng, cách tân, vượt thoát cũng là biểu hiện của diễn trình hiện đại hóa, nhằm vượt thoát quy phạm kinh viện thời trung cổ. Bên cạnh tri kiến gồm thâu trong trang viết, tác giả còn gián tiếp giúp cho bạn đọc hình thành tư duy khai phóng, cởi mở, vận động liên tục cùng tư duy thời đại. Điều này, thể hiện qua việc đề cao tính thế tục hóa, đề cao con người cá nhân, ý thức chủ thể và con người tự ý thức khởi đi từ văn học thời kỳ Phục Hưng. Văn học không xa rời và bỏ rơi con người và cũng là, nền văn học lấy con người làm trung tâm. Đối với người học đại cương, việc này rất có ý nghĩa. Nhất là, góp phần hình thành nhân sinh qua của thế hệ trẻ.
Đồng thời, ý nghĩa của quan điểm đề cao con người còn nằm ở chỗ, đặt nền tảng cho cái nhìn sinh thái dần định hình từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX[8]. Công trình có khả năng bổ sung liên hệ/ gợi ý cần thiết cho những ai quan tâm về vấn đề mối quan hệ giữa người và người, mở rộng qua vấn đề mối quan hệ giữa người và tự nhiên. Mà chủ nghĩa tình cảm cho tới lãng mạn trong khu vực văn học phương Tây đã góp phần thúc đẩy.
Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định
Xác định văn học phương Tây trong bối cảnh toàn cầu hóa, đây có thể xem là góc nhìn mới, cho thấy tư duy khoa học tiệm cận với lịch trình vận động của thời đại. Bởi, cái nhìn toàn cầu hóa, văn học phương Tây được phác họa như một bộ phận đa dạng trong nhiều mối liên hệ khác nhau. Sự biểu hiện của đối tượng được triển khai dựa trên sự vận động và tương tác. Nhờ vậy, văn học phương Tây được định vị trong hệ quy chiếu bao gồm ba thực thể: nền văn học, văn học khu vực và văn học thế giới. Đóng góp của chuyên khảo do đó nằm ở cái nhìn bao quát và toàn diện hơn. Việc lý giải các hiện tượng văn học trong nền văn học hay văn học khu vực có thêm căn cứ xác lập.
Đứng trên góc độ nhận thức luận, chuyên khảo chỉ ra căn nguyên và biểu hiện vận động phát triển của văn học phương Tây. Tinh thần duy lý thúc đẩy khoa học thực chứng và ngược lại khoa học thực chứng càng củng cố bồi đắp thêm tinh thần duy lý, tạo thành nền tảng “nhận thực luận” vững chãi ổn định. Chính vì ổn định (trải dài trên dưới năm thế kỷ), đã tạo ra những thành tựu tư duy và nghệ thuật đáng kể, ảnh hưởng đến các nền văn học khác trên thế giới. Nền tảng nhận thức luận này cũng đưa văn học phương Tây trở thành nền văn học toàn cầu, đứng ở vị trí tiên phong trên quá trình phát triển văn học. Tuy nhiên phải nói thêm, quan điểm của chuyên khảo không chỉ đặt văn học phương Tây ở vị trí “mũi tàu” văn học thế giới mà còn cho thấy tính chất “đề kháng”/”tự chủ” của văn học khu vực và dân tộc tính của nền văn học nhất định. Đó là sự đụng độ, tương tác, giao thoa và kháng cự giữa các thực thể văn học khác nhau. Cho nên, điều đáng kể ở chuyên khảo là đã “điều hòa” được đường lối nghiên cứu “ảnh hưởng” và nghiên cứu “tương đồng”, tránh sa vào các thiên hướng trung tâm luận (-centricism).
Trình bày sinh hiện của giai đoạn văn học, chuyên khảo xác lập góc nhìn chỉnh thể. Vận động văn học, nói đúng hơn, vận động của chỉnh thể hình thái ý thức xã hội. Kéo theo nó, toàn bộ kiến trúc thượng tầng. Dường như tác giả chuyên khảo có “lòng” mong muốn khái quát toàn bộ diện mạo tinh thần cuả xã hội Tây phương suốt năm thế kỷ. Tác giả chuyên khảo nhận thấy điểm thiếu sót của những công trình trước đó trong việc xác lập căn nguyên tư tưởng làm cốt lỏi thúc đẩy vận động phát triển hiện đại hóa.
Đặt ra và trình bày nhiều lần ở những chương mục khác nhau, vấn đề chuyên nghiệp hóa và tự do hóa sáng tạo, phải chăng tác giả chuyên khảo muốn nhấn mạnh đến chỗ “hiện đại hóa” chung quy là quá trình không ngừng vượt thoát/giẫy thoát của văn học nghệ thuật thoát khỏi sự trói buộc về mặt tư tưởng. Thậm chí có thể đồng nhất hiện đại hóa tức là tự do hóa. Việc tháo gỡ, nới rộng không ngừng nghỉ các phạm vi phản ánh, phương thức sáng tạo, lập trường tư tưởng cũng chính là quá trình ận động phát triển về phía hiện đại của văn học phương Tây. Từ ý hướng căn cơ đó, văn học phương Tây ngày càng vươn mình thức tỉnh, làm mới bằng nội lực “vượt thoát”. Tính chất mới mẻ, tân kỳ đi liền với quá trình hiện đại hóa. Thậm chí có thể xem hiện đại hóa là quá trình tân kỳ hóa liên tục. Văn học phương Tây hiện lên với tư thế vận động không ngừng nghỉ. Đó cũng là tư thế vận động liên tục của tư duy nhà khảo cứu.
Khảo cứu không dừng lại ở phạm vi nghiên cứu khoa học, công trình còn hiện diện ở phạm vi giáo dục. Và, chức năng giáo dục của tập sách thể hiện ở cách nhìn mở và tinh thần khai phóng. Sự khai phóng đi liền với sự triển khai xu hướng dân chủ hóa mạnh mẽ của học phương Tây từ thời kỳ Khai sáng trở đi. Đằng sau những đại diện và hiện tượng văn học trong thời kỳ này, tác giả đã mang lại cho người đọc cảm nhận về tính chất dân chủ thúc đẩy vận động thời đại, thức tỉnh nhận thức con người. Từ cuộc cách mạng trên trời của Copernik đến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ, rốt cuộc chỉ phản ánh cuộc cách mạng của chính tinh thần con người. Đó mới là điều đáng kể cần nghiệm xét và gìn giữ qua thời đại ấy. Người đọc có thể lấy đó làm “bài thuốc” tinh thần trước nguy cơ bệnh tật u mê bao vây con người mọi thời.
Tư do hóa, dân chủ hóa cũng chính là ngoại biên hóa. Con người vượt thoát khỏi chiều kích vốn có, bứt phá khỏi phạm vi hiện hữu tự thân. Con ngươi trong văn học phương Tây dần phát triển theo chiều kích mới. Cái mới trước hết là cái khác. Tức là hiện diện trong cách thế muôn hằng trắc diện. Đa dạng đa chiều chồng chéo tương tác. Thế giới không còn bị khu định vào hệ quy chiếu của người nghiên cứu mà chính bản thân người nghiên cứu đã tái thiết hệ quy chiếu nghiên cứu sao cho đủ khả năng nắm bắt và truy xét đối tượng. Cũng như chính thổ lộ của tác giả chuyên khảo ngay từ đầu. Ông cố gắng nhìn nhận đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau, ngõ hòng tránh những thiếu sót phiến diện. Điều này, cho thấy người viết chuyên khảo nhận thấy tầm vóc và “sự bề bộn” của đối tượng, lường trước những thiếu sót khả dĩ mắc phải. Chắc hẳn, công trình phải được ắp ủ, nung nấu và tinh luyện lâu dài trước khi ấn hành. Người viết chuyên khảo đã trải qua quá trình tinh lọc, tự rút tỉa, tái lập góc nhìn liên tục suốt quá trình khảo cứu. Bởi vậy, công trình đạt dược độ chín chuẩn mực và sẽ trở thành tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy cho các thế hệ sau tìm tòi học hỏi.
Thuận tiện tìm tòi, bởi nhà chuyên khảo đã bỏ công kết nối các thực thể văn học trong mỗi nền văn học, đưa bạn đọc vào dòng chảy thống nhất của các hiện tượng văn học. Chẳng hạn nhà chuyên khảo đã chỉ ra dòng chảy phát triển của khuynh hướng thế tục hậu kỳ trung đại dần phát triển thành mẫu mực cho mô hình văn xuôi thiên về quan sát, phân tích, phản ánh đời sống[9]. Không chỉ ích dụng cho độc giả mà ngược lại việc làm này còn kiện toàn các vấn đề mà nhà chuyên khảo đặt ra trong công trình.
Dù trình bày theo hướng lịch đại, đồng đại hay phân chia theo trường phái, thể loại, tác giả chuyên khảo đều cho thấy sự cẩn trọng tỉ mỉ. Nhất là, việc tỉ mỉ này mang lại nhiều thông tin và quan điểm khác nhau về đối tượng. Nhờ vậy, người đọc có thể theo đó tiếp tục tra cứu vấn đề. Sự phong phú, đa dạng của nhiều góc nhìn được tác giả chuyên khảo nhắc đến dưới hình thức tổng lược hoặc chọn lọc để kết nối thành vấn đề xuyên suốt giúp cho công trình không chỉ mang lại tri thức mà còn mang lại sự gợi mở. Những ý kiến của Albérès, Phạm Văn Sĩ, Dorra, Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình, Trần Mai Châu,… như cách thức tổng thuật vấn đề. Chuyên khảo này thực sự hữu ích cho những độc giả có nhu cầu khái quát vấn đề nghiên cứu ở bậc học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, …
Đa phần nhận định của nhà chuyên khảo dựa trên thực trạng chính trị xã hội, từ đó lý giải các vấn đề về nghệ thuật, tôn giáo, tư tưởng, … Đó cũng là quá trình biện chứng thường thấy dựa trên cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng[10]. Do đó, cách lập luận và triển khải các luận điểm đạt đến mức độ mẫu mực, có tính thuyết phục cao.
Phải thừa nhận rằng, vai trò nhà nghiên cứu qua công trình chuyên khảo này đã góp phần củng cố vị thế của người Thầy trong một nền giáo dục dù còn lắm điều bất cập và nhức nhói trên đường phát triển.
Sài Gòn, trung tuần tháng 11. 2021
Trần Bảo Định
Nguồn: Hội nhà văn Việt Nam, ngày 04.01.2022.
________________
[1] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Tiến trình hiện đại hóa trong văn học phương Tây (từ thời đại Phục Hưng đến đầu thế kỉ XX). Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM, tr.iii-iv.
[2] Iser, W. (1978). The Act of Reading: A Theory of Aesthetic Response. London and Henley: The Johns Hopkins University Press, p.34.
[3] Thomas Hylland Eriksen and Finn Sivert Nielsen (2001). A History of Anthropology. London: Pluto Press, p.96.
[4] Xem phần giới thiệu của Ruth Bunzel trong Franz Boas (1962). Anthropology and Modern Life. New York: W.W.Norton & Company Inc., p.9.
[5] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Sđd, tr.4.
[6] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Sđd, tr.4.
[7] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Sđd, tr.222.
[8] Bate J. 1991. Romantic Ecology: Wordsworth and the Environmental Tradition. London: Routledge.
[9] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Sđd, tr.179.
[10] Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Sđd, tr.69.
Tài liệu tham khảo:
- Bate J. 1991. Romantic Ecology: Wordsworth and the Environmental Tradition. London: Routledge.
- Ruth Bunzel trong Franz Boas (1962). Anthropology and Modern Life. New York: W.W.Norton & Company Inc.
- Thomas Hylland Eriksen and Finn Sivert Nielsen (2001). A History of Anthropology. London: Pluto Press.
- Nguyễn Hữu Hiếu (2021). Tiến trình hiện đại hóa trong văn học phương Tây (từ thời đại Phục Hưng đến đầu thế kỉ XX). TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia.
- Iser, W. (1978). The Act of Reading: A Theory of Aesthetic Response. London and Henley: The Johns Hopkins University Press.