Văn học Nam Bộ không thể tách rời văn học Việt Nam và điều hơn thế, văn học Nam Bộ còn gánh vác vai trò tiên phong trong cuộc hiện đại hóa văn học quốc ngữ nước nhà trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Vốn dĩ đã có nhiều ý kiến của các bậc thức giả xưa nay về vai trò của văn học Nam Bộ ở giai đoạn văn học này như “giai đoạn giao thời” trên đường hiện đại hóa nền văn học; song để tìm một công trình nghiên cứu vừa sâu vừa gợi mở và vừa có sức đủ tầm nhìn bao quát rộng rãi thì quả là thật hiếm, rất hiếm. Trước tình hình như vậy, may thay, chuyên luận “Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam bộ trước 1932” của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng[1] kịp thời xuất hiện và thật sự rất đáng ghi nhận. Bởi lẽ, việc tìm hiểu giai đoạn văn học này với thể loại (có thể nói là chủ lực của nền văn học) – tiểu thuyết – góp phần giải thích, làm rõ, thấu hiểu quá trình vận động phát triển theo hướng hiện đại hóa của nền văn học quốc ngữ Việt Nam. Nhất là những bàn luận của tác giả về giai đoạn “phôi thai” của nền văn học quốc ngữ ở Nam Bộ, đồng thời góp phần chỉ rõ đóng góp to lớn của văn học Nam Bộ trong việc dịch chuyển cả hệ hình văn học Việt Nam.
Từ định hướng nghiên cứu…
Việc nhận diện hoạt động nghiên cứu văn học Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã nhận ra trữ lượng dồi dào, nét đẹp đa dạng, giá trị phong phú của mảng văn học này. Thế nhưng, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu chưa tương xứng với hiện thực vốn có. Chính vì vậy, nhiệt tâm của nhà nghiên cứu họ Phan khởi đi từ tình yêu đối với văn chương miền Nam và niềm ưu tư lo sợ giá trị văn chương một thời sẽ có thể phôi phai, mai một.
“Những năm gần đây, giới nghiên cứu ngày càng quan tâm đến văn học quốc ngữ Nam bộ. Có một số công trình nghiên cứu được xuất bản, nhiều cuộc hội thảo khoa học đánh giá văn học Nam bộ từ cấp độ tác giả cho đến cả tiến trình hiện đại hóa được tổ chức, nhiều luận văn khoa học nghiên cứu mảng văn học này. Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu theo thời gian đã khỏa lấp được những khoảng trống trong khoa học và văn hóa. Tuy vậy, đến nay, việc nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ vẫn có nhiều vấn đề còn đang để ngỏ, hoặc cần tiếp tục đào sâu hơn, đã thôi thúc các nhà nghiên cứu quan tâm, khám phá. Đó cũng là một trong những lý do thúc đẩy chúng tôi đi vào nghiên cứu nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ” (tr.11-12).
Lẽ đó, nỗ lực chính của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng trong công trình này, trước hết xuất phát từ việc xác định đúng tầm vóc của văn học Nam Bộ trước 1932. Do vậy, công trình nghiên cứu mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Bởi vì diện mạo chữ nghĩa nằm ở phần “tiền sảnh” của diện mạo lịch sử văn hóa xã hội, có khả năng phản ánh một cách sinh động đa dạng và sâu sắc đời sống tinh thần lẫn vật chất của con người phương Nam. Do đó, việc nghiên cứu này có thể góp phần không nhỏ vào việc tái hiện, để thấu hiểu đời sống tâm hồn con người Nam Bộ trong bối cảnh đất nước nhiều biến động, giúp cho việc xâu chuỗi và nhận thức dòng chảy đời sống con người ở “Đàng Trong” nói chung trong hơn ba trăm năm qua.
Trước khi trực tiếp bước chân vào phạm vi nghiên cứu và lao tác với đối tượng nghiên cứu thì PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã phóng tầm nhìn rộng (theo hướng văn học so sánh) từ tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ đến tiểu thuyết Việt Nam trong cuộc giao lưu Đông-Tây. Sự “xuyên vượt văn hóa” trong hoạt động nghiên cứu văn bản văn học, góc nhìn so sánh như vậy góp phần mang lại cho người nghiên cứu góc nhìn rộng, góc nhìn hệ thống, góc nhìn thấu đáo vào cơ cấu của nền văn học/khu vực văn học, nắm bắt diễn trình vận động của đối tượng nghiên cứu.
“Trong tiến trình hiện đại hóa, tiểu thuyết vốn được mệnh danh là thể loại tự sự chủ đạo lên ngôi, trở thành thể loại chủ lực của nền văn học mới. Tiểu thuyết thời kỳ đầu ở Nam bộ thuộc loại hình văn học đại chúng, thiên về cốt truyện và nhân vật hành động: tập trung vào thủ pháp kể chuyện. Tiểu thuyết Nam bộ cho thấy sự dung hợp kỹ thuật tự sự của tiểu thuyết Trung Quốc và tiểu thuyết phương Tây. Điều đó cho thấy cần thiết có một công trình tập trung nghiên cứu cách kể-nghệ thuật tự sự, vốn là phương diện bản chất của tiểu thuyết để góp phần nhận chân được con đường hình thành, vận động (trong sự kế thừa, ảnh hưởng Đông Tây) của tiểu thuyết Việt Nam” (tr.12).
Từ xuất phát điểm này, nhà nghiên cứu họ Phan xác định phương pháp nghiên cứu phù hợp. Đồng thời, ông xác định phạm vi tư liệu, lựa chọn tác phẩm khảo sát phù hợp; đảm bảo kết quả nghiên cứu đáng tin cậy. Về mốc thời gian, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng chỉ xác định “trước 1932” kèm với luận giải cụ thể trong phần mở đầu về các vấn đề lịch sử đối tượng, ông hẳn đã nhận ra được giai đoạn phôi thai còn nhiều “bỏ ngỏ” và nhất là, một số hạn chế về mặt tư liệu. Việc xác định Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản chỉ có thể xem như một cứ liệu minh xác đáng tin cậy. Cơ hồ, diễn trình tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ đã khởi đầu từ trước đó. Bởi vì, bất cứ một hiện tượng nào đều có nguồn gốc khởi xuất và quá trình phôi thai tiềm tàng trước khi phát tiết bộc lộ. Lẽ đó, việc xác định mốc thời gian khảo cứu (trước 1932) cho thấy sự cẩn trọng, cân nhắc và tầm nhìn bao quát của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng.
Bên cạnh góc nhìn so sánh, nhà nghiên cứu còn xuất phát từ góc nhìn lịch sử, phát hiện các giai đoạn, đặc điểm thời đại và nguyên tắc vận động.
“Nếu dòng văn học yêu nước chống Pháp do trí thức Nho giáo tiến hành chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống, thì dòng văn học viết bằng chữ Quốc ngữ La tinh mới xuất hiện được đặt trong tay trí thức Tây học, với đường hướng cách tân trong xu thế vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của văn học truyền thống có tính chất Đông Á, tiến tới hòa nhập vào quỹ đạo văn học hiện đại thế giới. Sự xuất hiện và tồn tại song song hai bộ văn học viết bằng Hán Nôm và Quốc ngữ La tinh với hai lực lượng sáng tác, hai hình thức công bố, hai lớp công chúng độc giả, như nhận định của Trần Đình Hượu (1927-1995), đã cho thấy tính chất giao thời của văn học” (tr.23-24).
Bởi cần phải tập trung vào đối tượng nghiên cứu (tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ) thế nên nhà nghiên cứu không có điều kiện để luận bàn nhiều về các thể loại văn học-báo chí (phóng sự, một số thể ký, …), đặc biệt là những bài tản văn (vừa có giá trị văn học vừa có giá trị tư liệu văn hóa – xã hội – chính trị rất đáng quý) đã xuất hiện ngay từ 1865 trên Gia Định báo. Tuy nhiên, bạn đọc có thể thấy nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều lần và nhiều lần xác quyết rằng vai trò của báo chí như một hình thức công bố mới so với thế hệ văn sĩ trước đó trong sáng tác chữ nghĩa. Với góc nhìn lịch sử, chuyên luận đặc biệt bám vào mốc 1858, lịch sử nước nhà rẽ sang một hướng khác cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, chuyên luận tập trung hơn cả vào vài thập niên cuối (giai đoạn của Thầy Lazaro Phiền) của thế kỷ XIX – đến đầu thế kỷ XX với các tác giả như Diệp Văn Cương, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên, Phú Đức, Bửu Đình, … Giai đoạn trước đó, nhà nghiên cứu chú ý hơn cả ở đóng góp to lớn của Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trọng Quản trên dòng lịch sử văn học Nam Bộ thời kỳ giao thời. Có lẽ, chưa có điều kiện đi sâu vào sự hình thành phát triển của các thể loại nằm ở lằn ranh giữa văn học – báo chí ở thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn từ 1858-1884) nhưng PGS.TS. Phan Mạnh Hùng cũng đã quan tâm, bàn thêm và chỉ ra nét chung rất đáng chú ý: “Cái mới chính là sự xuất hiện dòng văn học viết bằng chứ Quốc ngữ La tinh do trí thức Tây học tiến hành (thời kỳ đầu chủ yếu là những trí thức Công giáo) với lối “văn xuôi suôn đuột” cùng thể loại chủ lực là truyện ngắn và tiểu thuyết theo hình thức phương Tây” (tr.24). Có thể nhắc thêm các cây viết thời kỳ này như: Paulus Của, Tôn Thọ Tường, Michel Minh, … (chủ yếu cộng tác với Gia Định báo).
Văn học quốc ngữ Nam Bộ như đã nói, vốn đã được quan tâm nghiên cứu. Với tình hình đó, nhà nghiên cứu họ Phan đã kế thừa và phát huy những thành tựu nghiên cứu sẵn có. Công trình đã trở lại với thành tựu nghiên cứu văn học quốc ngữ Nam Bộ từ trước đó để “gạn đục khơi trong”, tiếp nối các quan điểm xác đáng, phù hợp, làm nền tảng cho hoạt động nghiên cứu của mình. Do vậy, ngay từ đầu, công trình đã có tính kế thừa và phát huy. Những công trình, ý kiến được PGS.TS. Phan Mạnh Hùng kế thừa như một số ý kiến của Trúc Hà (Lược khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết)[2]; Mộc Khuê (Ba mươi năm văn học); Thanh Lãng (Lịch sử tiểu thuyết Việt Nam 1913-1932); Bằng Giang (Văn học Quốc ngữ Nam kỳ 1865-1930); Đoàn Lê Giang (Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – thành tựu và triển vọng nghiên cứu); Võ Văn Nhơn (Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX); …. Bên cạnh đó, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã có những bước tiến mới, những khám phá mới dựa trên những nghiên cứu trước. Điểm dễ nhận thấy chính là càng về sau, giới nghiên cứu càng mở rộng biên độ nghiên cứu, ngày càng đáng giá toàn diện và nâng cao vai trò vị trí của văn học quốc ngữ Nam Bộ trên bước đường hiện đại hóa nền văn học Việt Nam. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu ấy, công trình nghiên cứu của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng khởi đi từ những luận điểm thuyết phục, đáng tin cậy, thêm nhãn quan đa chiều và hiện đại hơn, thêm nền tảng lý luận hiện đại mang tính cập nhật, khiến cho bức tranh tiểu thuyết quốc ngữ và văn học Nam Bộ nói chung càng được soi chiếu sáng rỏ. Người đọc nhận ra vai trò quan trọng của văn học quốc ngữ Nam Bộ đối với tiến trình hơn bốn trăm năm kể từ khi Chúa Tiên vào Đàng Trong. Bởi đây là giai đoạn bước ngoặt, đóng vai trò như bản lề, hay “giai đoạn giao thời” chuyển mình từ hệ hình thẩm mỹ trung đại sang hệ hình thẩm mỹ hiện đại.
Từ công trình nghiên cứu của PGS. TS. Phan Mạnh Hùng, với những nhà nghiên cứu lão luyện và các bạn trẻ mong muốn tìm hiểu văn học Nam Bộ, có thể đi ngược về trước để kết nối với các giai đoạn văn học trước đó và cũng có thể đi tiếp về sau cho tới thời kỳ đương đại, ngõ hầu kết nối – khai thông dòng chảy xuyên suốt của văn học (nối liền văn hóa) Đàng Trong – Nam Kỳ – Nam Bộ với những hằng số, giá trị, đóng góp đáng quý. Được vậy, hẳn có thể xem như ích lợi rất lớn cho nền văn học miền Nam cũng như văn học quốc gia nói chung.
Thực tiễn hoạt động nghiên cứu
Như đã trình bày, xuất phát từ tâm thế và mong muốn làm sáng tỏ thêm vai trò vị trí tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ, chuyên luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng thực sự rất đáng ghi nhận bởi những đóng góp mới, những quan điểm mới. Như PGS.TS. Võ Văn Nhơn đã nhận xét:
“Bằng cách vận dụng lý thuyết tự sự và những lý giải dựa trên cơ sở văn hóa xã hội Nam Bộ vào những năm đầu thế kỷ XX, tác giả chuyên luận đã có nhiều phát hiện mới mẻ về tiểu thuyết Nam Bộ. Tác giả đã không ngại đặt lại vấn đề với các nhà nghiên cứu đi trước, thậm chí phản bác lại một số luận điểm, chẳng hạn như ý kiến cho rằng “quá trình hiện đại hóa khởi phát sớm ở miền Nam nhưng sự kết tụ thành tựu lại là ở văn học miền Bắc”. Bằng những minh chứng thuyết phục, tác giả chuyên luận đã cho rằng những điều mà người ta tưởng là hạn chế của văn học Nam Bộ thật ra là chính cái tạo nên nét riêng, hình thành nên đặc điểm cho tiểu thuyết Nam Bộ”(tr.5-6).
Luận điểm mới trong công trình của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng không chỉ có ý nghĩa về phương diện lịch sử văn học hiện đại Việt Nam mà còn gợi ra một góc nhìn khác và hơn nữa, nó khiến người đọc nhận ra nhà nghiên cứu họ Phan đã sử dụng hệ quy chiếu khác để đánh giá “hạn chế” – là nét đặc trưng riêng của văn học Nam Bộ. Chính ở đó, chuyên luận của ông đã có đóng góp cho hoạt động nghiên cứu văn học Nam Bộ nói chung.
“Từ những thực tế của tiểu thuyết Nam Bộ, chúng ta cần có cái nhìn lịch sử cụ thể và uyển chuyển đối với tiểu thuyết. Nên chấp nhận một cách hình dung về thể loại của người cầm bút Nam Bộ và những tiểu thuyết đích thực mà họ sáng tạo ra dù chúng chưa đạt được dung lượng trang viết lý tưởng của thể loại” (tr.23).
Từ góc nhìn mở – góc nhìn động và linh hoạt của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng trong công trình này, phải chăng, việc nghiên cứu văn học Nam Bộ nói chung nên xuất phát và dựa trên hệ quy chiếu phù hợp. Nói khác, nên xuất phát từ hệ quy chiếu tự thân, hệ quy chiếu mà văn học hiện đại ở Nam Bộ đã hình thành và phát triển để đánh giá khu vực văn học này, tránh sử dụng những hệ quy chiếu “bên ngoài” để đánh giá, dẫn đến nhận định bất cập hạn chế.
Với thực tiễn hoạt động nghiên cứu của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng trong chuyên luận, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra tinh thần nghiêm túc và tác phong khoa học nghiêm nhặt. “Văn phong hàn lâm” sự tỉ mỉ, thận trọng, và tâm ý của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng (như PGS.TS. Võ Văn Nhơn đã nhận xét) là đặc trưng dễ nhận thấy trong công trình này. Bằng số lượng tài liệu khảo sát, tham cứu đã cho thấy PGS.TS. Phan Mạnh Hùng rất nghiêm cẩn dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, khảo lược – điểm đáng ghi nhận. Đồng thời, cũng cho người đọc nhận thấy tấm lòng nhiệt thành cùng sự trân quý mà ông, dành cho văn học Nam Bộ giai đoạn này nói riêng, văn chương phương Nam nói chung. Hơn thế, công trình của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng vừa là sự tổng hợp – kế thừa – phát triển những thành tựu nghiên cứu mảng văn học Nam Bộ nói chung và tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ nói riêng. Bên cạnh đó, tác giả công trình còn chỉ rõ đối tượng nghiên cứu với nền tảng lý luận sâu rộng vững chãi: “(1) Giới thuyết căn cứ lý thuyết (tiểu thuyết, tự sự học) và căn cứ lịch sử (tiểu thuyết Nam Bộ); (2) Nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Nam Bộ, nhìn trên bình diện kết cấu trần thuật, nhân vật và kiến tạo diễn ngôn” (tr.13). Việc xác định đối tượng ngỡ như đơn thuần mang tính mô phạm và có sẵn riềng mối cụ thể. Ấy vậy, việc này tàng ẩn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, tự sự học với bề dày hình thành và phát triển cùng với thực tiễn lý luận và ứng dụng rộng rãi khiến cho việc minh định các vấn đề mang tính “lý thuyết” tưởng chừng dễ mà thực sự rất khó. Nhà nghiên cứu tập trung nhiều công sức khảo lược, phân định và xác lập tương liên giữa các khái niệm và hệ thuyết nói chung. Văn học Nam Bộ, trong đó có tiểu thuyết là mảng văn học sôi động, phong phú – thậm chí có thể nói là “bề bộn”- khiến việc sưu tầm, khảo lược và hệ thống mất rất nhiều tâm huyết lẫn thời gian. Người đọc dễ nhận rằng công trình của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng dù chưa đến 300 trang sách, nhưng để có được ngần ấy trang sách chắc hẳn nhà nghiên cứu họ Phan phải dành không ít thời gian và tâm lực sưu khảo, nghiền ngẫm. Đây là, kết quả của quá trình thai nghén ấp ủ lâu dài, đạt đến độ chín của công trình khoa học chân phương, chuẩn mực và đáng tin cậy với hàm lượng khoa học cao. Tính chân phương, sáng rõ của công trình nghiên cứu tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ còn thể hiện ở việc xác định và giải quyết rốt ráo các mục tiêu đề ra.
Về phương pháp nghiên cứu, nếu người đọc xem qua danh mục tác phẩm khảo sát thì có thể thấy, nhà nghiên cứu họ Phan đã cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn. Những tác giả, tác phẩm được lựa chọn đều có tính tiêu biểu và có sức ảnh hưởng nhất định với đời sống chữ nghĩa thời bấy giờ. Ngoài ra, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng còn liệt kê một cách phong phú (thậm chí khiến người đọc nhìn thấy đời sống báo chí bề bộn) ở Nam Kỳ thời ấy, nhưng ông đã lựa chọn những tờ báo tiêu biểu và đủ sức lan tỏa trong dư luận hơn cả để khảo sát. Điều này, nơi công trình thể hiện ý thức nghiêm nhặt về đối tượng, phạm vi khảo cứu và phương pháp nghiên cứu khoa học. Nếu xem “tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ” là một “quần thể” thì PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã sử dụng phương pháp chọn mẫu xác suất nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi cảm quan cá nhân của người nghiên cứu. Cụ thể, những tác giả được lựa chọn: Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bửu Đình, Lê Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Bá Thời, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, … Những tờ báo được lựa chọn: Gia Định báo, Công luận báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Tân thế kỷ, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn… Những tờ báo này đều có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chữ nghĩa (trong đó có tiểu thuyết), là những tờ báo tiêu biểu có thể bộc lộ phần lớn và phần chủ yếu đời sống sinh hoạt chữ nghĩa Nam Kỳ thời bấy giờ. Việc này, liệu có khiến bạn đọc nghĩ tới An Hà nhựt báo (1917-1932/1933, trên 758 số báo đã ấn hành). Đây là, tờ báo quốc ngữ rất sớm và rất sôi động ở Cần Thơ – Tây Đô, miền cực Nam nước Việt – đầu thế kỷ XX. Tờ báo An Hà, quy tụ rất nhiều cây viết sung mãn, quy tụ nhiều trí thức tân học cấp tiến với tư duy đổi mới và tinh thần dân tộc rất đáng quý (Võ Văn Thơm, Lương Dũ Thúc, Trần Đắc(Đắt) Nghĩa, Lê Quang Chiểu, Lê Quang Kiết, Nguyễn Minh Châu, Huỳnh Văn Ngà, Huỳnh Trung Nghĩa, Lê Trung Thu, Đặng Văn Chiểu, Trần Hữu Trân, Phan Hà Thanh, Phạm Chí Lộc, Trần Nguyên Lượng, …). Một số tác giả nổi bật, cộng tác lâu dài và có những tác phẩm đáng chú ý đăng nhiều kỳ trên An Hà nhựt báo như: Trần Mạnh với Lương Dươn Thạch (hay U tình nang biện); Huỳnh Văn Ngà với Truyện Thoại Hương; Lê Trung Thu với Trần Mĩ Dung; Nguyễn Minh Châu với Nhơn sanh do mạng, Kiêm cổ hài đạt (!); … Phần nhiều truyện dẫu rằng còn biểu hiện của lối văn biền ngẫu, nhưng bắt đầu biểu hiện của thi pháp tự sự theo lối Tây phương. Rõ có thể thấy cuộc gặp gỡ, giao thoa Đông -Tây qua những trường hợp này. Nhất là, tinh thần của các tác giả với thiên hướng dân tộc rõ rệt, biểu hiện qua việc xây dựng bối cảnh văn hóa lịch sử xã hội thuần Việt. Dù thời kỳ đầu, tờ báo này dành ít dung lượng cho văn chương (nếu có, phần thơ cũng chiếm ưu trội so với văn xuôi); song càng về sau thì số trang dành cho văn chương tăng dần lên, phần truyện/văn xuôi cũng xuất hiện thường kỳ, đều đặn hơn. Ngoài ra, còn có bài bàn luận/phê bình văn chương ít nhiều đặc sắc (ví dụ bài Luận văn chương của Đặng Văn Chiểu ở An Hà số 75, số 76 năm 1918). Bên cạnh đó có những truyện lịch sử (mang phong cách chép sử trung đại, nhưng bắt đầu có biểu hiện của lối ký chân dung hiện đại theo lối Tây phương). Ví dụ, như Phan Thanh Giảng [Giản] truyện của Nguyễn Dư Hoài (khởi đăng từ An Hà nhựt báo, năm thứ nhì số 58 ra ngày 28 Février 1918). Nhiều bài tản văn/phiếm luận về đạo đức luân lý, văn hóa-xã hội, phong tục-tập quán, địa chí, … Chẳng hạn một số tản văn/phiếm luận: Nguyễn Tất Đoài với Cổ kim nhơn chữ luận (đăng nhiều kỳ trên An Hà); Lê Quang Kiết với Cuộc làm phước (An Hà nhựt báo, năm thứ nhứt số 36, 4 Octobre 1917); Huỳnh Trung Nghĩa với Ông men phá trận (An Hà nhựt báo, năm thứ nhứt số 43, 29 Novembre 1917); Đặng Văn Chiểu với Lễ lớn tại Trà Ôn (An Hà nhựt báo, năm thứ nhứt số 49, 20 Décembre 1917); Nguyễn Xử Cung với Nam kỳ dân vật vấn đề (An Hà nhựt báo, năm thứ nhứt số 49, 20 Décembre 1917); Lê Trung Thu với Văn tự An-nam (đăng nhiều kỳ trên An Hà); Phạm Chí Lộc với Về bổn phận con người (đăng nhiều kỳ trên An Hà); Nguyễn Văn Tịch với Tầm nguyên từ điển (đăng nhiều kỳ trên An Hà); … Chưa kể đến nhiều truyện Tây phương được dịch và đăng trên An Hà, rất phong phú, đa dạng, sôi động, … Ngoài ra, cũng còn có những truyện và tiểu thuyết trước 1932[3] phổ biến trên Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận – báo Công Giáo đầu tiên ở Việt Nam (26.11.1908 – 01.03.1945). Và, điều “đáng lưu ý ở chỗ tuy là ‘báo đạo’ nhưng chỉ bàn về vấn đề đạo khoảng một phần ba, còn lại bàn về đủ mọi vấn đề của cuộc nhân sinh thấy gì ‘hữu ích thì đem vô hết’; từ văn học dân gian(thai đố, chuyện giải buồn) đến thuốc bắc thuốc nam, làm ăn buôn bán…”(Nguồn: Gió Biển/ Dòng Trinh Vương Sài Gòn).
Quả thực, từ nghiên cứu và những gợi ý của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng, người đọc không chỉ nhận ra tiểu thuyết quốc ngữ mà còn cả một khu vực văn học, một giai đoạn văn học sôi động, muôn vàn phương diện, đa dạng giá trị ở miền Lục tỉnh Nam Kỳ xưa.
Về mối quan hệ giữa nền tảng lý luận và thực tiễn nghiên cứu, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng khi xác định tính cấp thiết của hướng nghiên cứu đồng thời cũng phát hiện thực tiễn đối tượng nghiên cứu có những vấn đề đặc thù. Lẽ đó, ông băn khoăn về mối quan hệ giữa nền tảng lý luận và thực tiễn đối tượng. Rằng:
“Trong khi lý thuyết tự sự đã tiến những bước dài, hành trình qua các giai đoạn kinh điển, hậu kinh điển thì việc lựa chọn chỗ đứng của lý thuyết cho đối tượng nghiên cứu là hết sức quan trọng, đặc biệt là với tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn sơ khởi với một trình độ chưa cao. Trong tình hình ấy, chúng tôi chọn những phương diện lý thuyết thuộc thời kỳ đầu của tự sự học kinh điển vốn được giới thiệu tương đối đầy đủ ở Việt Nam” (tr.249).
Điều này, cho thấy, kết quả nghiên cứu trong công trình không bị trói buộc vào nền tảng lý luận mà xuất phát từ chính thực tiễn đối tượng. Nhãn quan và phương pháp nghiên cứu bởi sự linh hoạt, uyển chuyển. “Ngoài ra, chúng tôi luôn ý thức rằng, trong nghiên cứu, muốn đạt kết quả thì cần thiết phải có sự linh hoạt nên trong chuyên luận đã có sự kết hợp giữa những khái niệm công cụ tự sự học và những lý giải trên cơ sở văn hóa xã hội Nam Bộ thuộc giai đoạn đang nghiên cứu” (tr.249-250). Có lẽ, người đọc cũng cảm nhận chuyện luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng bộc lộ bề dày nghiên cứu hơn là sự đáp ứng bậc học nhất định. Do lẽ, với việc xác định từ lý luận tới thực tiễn, cho thấy nhà nghiên cứu họ Phan đã có quá trình cọ xát lâu dài khiến ngòi bút sắc và bén nhưng biết khiêm nhường, chừng mực. Điều này, giúp chuyên luận tránh được một số chủ quan cố hữu, nhà nghiên cứu thường khi dễ mắc phải.
Những đề xuất, gợi mở
Xuất phát điểm thận trọng, khách quan, toàn diện; bằng phương pháp nghiên cứu khoa học và nền tảng lý luận linh hoạt, chuyện luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng có tính gợi mở với nhiều đề xuất thiết thực. Chuyên luận đã kích thích “khả thể tiếp nhận”, kích hoạt mối quan tâm nhiều hơn nữa về tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng, văn xuôi Nam Bộ nói chung, từ giai đoạn trước 1932 đến sau 1932, thậm chí khiến chúng ta quan tâm đến diện mạo văn xuôi Nam Bộ đương thời. Nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ tưởng không phải một vấn đề mới mẻ. Nhưng, ngược lại, nền tảng lý luận “tự sự học” vốn có dề dày phát triển song không phải một hệ thuyết đã cố định mà vẫn còn liên tục vận động tiệm cận với đương đại. Và giai đoạn văn học Nam Bộ trước 1932 tưởng đã “êm xuôi” cùng thời gian nhưng kỳ thực còn rất nhiều vấn đề trên phương diện lịch sử văn học, phê bình văn học, phương diên liên ngành,… còn bỏ ngỏ chờ đợi người khám phá tìm hiểu.
“Tự sự học với tư cách là một lý thuyết nghiên cứu văn chương được biết đến ở Việt Nam tương đối muộn. Thời gian qua, các nhà nghiên cứu của chúng ta thực hiện các việc giới thiệu, dịch thuật và ứng dụng lý thuyết tự sự học vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Những ứng dụng bước đầu đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Văn học dân tộc được phát hiện thêm, phát hiện lại những giá trị văn chương, văn hóa, tạo tiền đề kích thích sáng tạo” (tr.249).
Phải chăng, đây cũng là tâm tư, là niềm mong mỏi của nhà nghiên cứu đối với văn học Nam Bộ. Và, hiện nay, với lực lượng sáng tác đông đảo, có chiều sâu về nhận thức và tư tưởng; có điều kiện tiếp cận và giao lưu văn hóa đa chiều, văn học Nam Bộ hôm nay đủ điều kiện ắt có và đủ để “kích thích sáng tạo” phát huy giá trị sẵn trong truyền thống văn học Nam Bộ; đồng thời hình thành và phát triển thêm nhiều giá trị mới cho văn học Việt Nam. Có lẽ, kỳ vọng nơi PGS.TS. Phan Mạnh Hùng gửi gắm trong công trình nghiên cứu này chính là từ hoạt động nghiên cứu có thể “trợ lực” phần nào cho những người trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chữ nghĩa Nam Bộ đương thời “nghĩ lại và nghĩ tiếp” góp phần sáng tạo.
Từ việc chỉ ra được những đóng góp lớn của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ và văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng không quên nhấn mạnh vai trò tiên phong của văn học Nam Bộ trên tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Trong đó, ở thể loại tiểu thuyết, công trình đã nhắc đến Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) như là tác phẩm đầu tiên. Công trình nhấn mạnh tính tiên phong trong góc nhìn “thể loại” và “thi pháp tự sự”. Thể loại “tiểu thuyết” – trường hợp Thầy Lazarô Phiền – là một hình thức tiểu thuyết khá mới lạ so với truyền thống văn xuôi tự sự trung đại trước đó. Còn về thi pháp tự sự, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng phát hiện ra lối trần thuật ở “ngôi thứ nhất” rất mới mẻ của tiểu thuyết này. Rộng hơn, về mặt thể loại, “sẽ thật không trọn vẹn nếu không khẳng định vai trò và đóng góp của tiểu thuyết Nam Bộ khi đã khai sinh ra dòng tiểu thuyết trinh thám võ hiệp mang dấu ấn kỹ thuật của phương Tây; dòng tiểu thuyết lịch sử mang âm hưởng hào hùng, khí phách dân tộc; dòng tiểu thuyết xã hội phản ánh gần như trọn vẹn đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của con người phương Nam trong thời kỳ xã hội chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa nửa đầu thế kỷ XX” (tr.10). Đây là, minh chứng thuyết phục của công trình đã nêu ra để khẳng định tính tiên phong tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng và văn học Nam Bộ nói chung. Nếu nhìn rộng hơn, bạn đọc sẽ phát hiện tính chất tiên phong của văn học Nam Bộ (có lẽ) còn sớm hơn nữa và đột phá hơn nữa. Ví như, tản văn “Nói về các sự chơi tại trường đấu xảo”[4] của Tôn Thọ Tường (trên Gia Định báo từ 1867), từ góc độ thi pháp tự sự người ắt thấy nhiều điểm tương đồng với tản văn hiện đại (ngoài ra Tôn Thọ Tường còn nhiều bài tản văn khác về văn hóa, xã hội, tập tục, và truyện sử nước Nam đăng nhiều kỳ trên Gia Định báo). Nhưng, đây chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho thấy sự cách tân, đổi mới, hiện đại hóa của Tôn Thọ Tường trong tư duy nghệ thuật. Nếu, xét riêng thể loại tiểu thuyết trên đường hiện đại hóa có thể đề cập đến Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản như cột mốc tiên phong; nhưng nếu xét rộng ra cả nền văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ trên đường hiện đại hóa,- thiết nghĩ, cũng nên nhắc đến Tôn Thọ Tường như nhà văn tiên phong vậy! Điều đó, ngẫm ra văn xuôi Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX đã có những bước đi mạnh dạn, tự tin và đột phá mở đường cho tiến trình hiện đại hóa văn học ở Việt Nam. Theo đó, từ gợi mở và khẳng định của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng trong công trình này, có lẽ, cần mở rộng biên độ thời gian và không gian văn học quốc ngữ Nam Bộ thời kỳ phôi thai trong hoạt động khảo cứu và minh định vị trí xứng đáng hơn cho văn học Nam Bộ trên tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
Bàn cụ thể hơn, một trong số những đóng góp lớn của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ nói riêng và văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ nói chung qua nghiên cứu của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng chính là diện mạo mới mẻ hiện đại với hình thức Tây phương. Cụ thể, đó là,cái nhìn của nhà nghiên cứu trong việc khảo luận về kết cấu truyện.
“Vấn đề kết cấu truyện lồng truyện cho phép chúng ta nghĩ đến kiểu truyện khung trong văn học phương Tây. Kiểu truyện khung cho phép tạo ra sự gián cách giữa người kể và người đọc, nó là một thể của văn hư cấu. Cụ thể trong tiểu thuyết Nam Bộ, bóng dáng kiểu truyện khung thể hiện ở việc người kể chính được ngăn cách bởi một người kể khác có chức năng dẫn dắt câu chuyện. Do đó, câu chuyện của người kể chính mang đậm dấu ấn cá nhân chủ quan” (tr.129).
Bằng cách xác định kết cấu truyện, nhà nghiên cứu phóng tầm nhìn rộng hơn đến văn học khu vực và văn học phương Đông. Hơn thế nữa, nhà nghiên cứu còn mở rộng biên độ so sánh và các hình thái nghệ thuật khác (hội họa, sân khấu truyền thống Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam).
“Nhìn chung, trong văn học và một số loại hình nghệ thuật khác của phương Đông, không có kiểu kết cấu này. Trong hội họa, tiêu biểu là Trung Hoa và Nhật Bản, họa phẩm thường không có viền khung, tức là khác với hội họa phương Tây – nơi viền khung là một trong những yếu tố quan trọng của bố cục hình ảnh. Trong sân khấu truyền thống của Trung Hoa, sân khấu Nô của Nhật và Tuồng, Chèo của Việt Nam, không thấy xuất hiện khung màn ngăn cách diễn viên và khán giả giống như trên sân khấu phương Tây. Người xem, do đó, có thể tham dự như một thành tố của sân khấu, nhân tố quan trọng của trò chơi diễn. Trong lúc đó, tranh vẽ với đường viên, sân khấu với màn ngăn cách ở phương Tây, kiểu kết cấu truyện khung trong văn chương đã mặc định một sự riêng cách của trò chơi có tính chất cá nhân, đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Việc xuất hiện kiểu truyện lồng truyện có tính chất gần truyện khung trong văn học Nam Bộ cho thấy sự mới mẻ trong nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết Việt Nam” (tr.129-130).
Điều này, cho thấy, cái nhìn sâu sắc của nhà nghiên cứu họ Phan xuất phát từ biểu hiện của hiện tượng để chi ra căn nguyên/bản chất của hiện tượng. Nhà nghiên cứu đã nhìn thấy và trình bày một cách rõ ràng thuyết phục về chỗ khác nhau giữa hình thái nghệ thuật Đông – Tây. Hơn thế, qua sự so sánh này, người đọc cảm nhận nhãn quan rộng rãi và tấm chơn tình kỳ vọng to lớn ở nhà nghiên cứu họ Phan – người con xứ Nghệ, đối với văn chương Nam Bộ thể hiện trên trang viết. Kỳ thực, chuyên luận này, không dừng lại khi kết thúc trang sách – hơn thế, còn mở ra những dự định ấp ủ của chính nhà nghiên cứu họ Phan trong tương lai; cũng như điều mong mỏi nơi ông, muốn người đọc người học “hữu duyên” có thể tiếp nối khai mở.
Một trong số gợi mở khác của chuyên luận, chính là chỉ ra được vai trò của văn học Nam Bộ trong việc hình thành và phát triển văn học – văn hóa đại chúng với những đặc trưng sôi nổi, đa dạng, bám sát nhu cầu/thị hiếu của bạn đọc bình dân. Đó là, đặc điểm nổi bật, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã chỉ ra trong công trình nghiên cứu tiểu thuyết Nam Bộ trước 1932. Những vấn đề được chuyên luận này phân tích, mổ xẻ, minh chứng trong phạm vi tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX cho đến trước 1932 khiến người đọc nhận ra một số biểu hiện của đời sống văn hóa – văn nghệ hiện nay. Bởi, người đọc không thể không nhận được tín hiệu và thực tiễn mối quan hệ cầu – cung của vận động văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX có những nét tương đồng với vấn đề “văn học tiêu thụ” không chỉ riêng có ở Việt Nam, còn ở trên phạm vi toàn thế giới trong đời sống toàn cầu hóa hiện tại. Điều này, một trong nhiều lý giải về sự trở lại của các tác phẩm tiểu thuyết Nam Bộ trước 1932 trong thời gian từ những năm 1980 đến nay.
“Tiểu thuyết Quốc ngữ Nam bộ thực sự đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, từng làm say mê và để lại những dấu ấn trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bửu Đình được tái bản, đã được đông đảo bạn đọc tiếp nhận. Thậm chí, những tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh do Nhà xuất bản Tiền Giang in và phát hành đã tạo ra một “hiện tượng” trong ngành xuất bản những năm thập niên 80 của thế kỷ XX” (tr.10-11).
Phải chăng, sự vận động phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ (không phải với những hạn chế mà là những xu thế tất yếu) là phù hợp với tiến trình vận động của văn học hiện đại Việt Nam – rộng hơn ở khu vực và thế giới. Dường như, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng rất thận trọng nhưng hẳn có sự mong mỏi gợi mở và tái khẳng định vị trí, vai trò của văn học Nam Bộ ở mức độ rộng lớn hơn, đóng góp to lớn hơn. Và, trong đó, tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ trước 1932 đã và vẫn còn đủ mới mẻ cho cuộc sống con người hôm nay, bởi nó đề ra và biểu hiện đời sống con người một cách gần gũi, thiết thực, trực diện đời sống của quảng đại người bình dân. Nói cách khác, đó là một giai đoạn văn học, một khu vực văn học hướng đến phục vụ cho quảng đại quần chúng.
“Hẳn là người đọc tìm đến với tiểu thuyết Nam Bộ với nhiều lý do. Có người đến với nó vì trách nhiệm trí thức trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn học của tiền nhân. Nhưng có một bộ phận không nhỏ độc giả đọc và yêu thích nó vì lẽ: thứ nhất, trong nội dung của những tác phẩm này ẩn chứa những tâm tư, tình cảm, phong tục, lối sống của con người Nam Bộ thuần phác. Trong đó, có nhiều giá trị đang dần mất đi và có teher không bao giờ quay trở lại trong cuộc sống hiện đại. Thứ hai, những tác phẩm này thực sự hấp dẫn người đọc ở hình thức nghệ thuật kể chuyện độc đáo, một nghệ thuật tự sự, theo chúng tôi, đã chinh phục công chúng Nam Bộ và làm thành cái “gu” của họ trong một thời gian dài”. (tr.11).
Thông qua chuyện luận này, bạn đọc nhận thức được PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã làm sáng rỏ cả một hệ hình văn học/hệ hình khu vực văn học/hệ hình giai đoạn văn học trên mảnh đất Nam Bộ với đặc thù riêng từ cả thực tiễn – nhà văn – tác phẩm – văn đọc. Cấu trúc và nguyên lý vận động của hệ hình văn học này thực sự có thể mang lại nhiều gợi mở cho người làm văn chương bây giờ. Do đó, chuyên luận của nhà nghiên cứu họ Phan không những hữu ích cho người làm khoa học văn chương nó còn hữu ích cho bản thân giới sáng tác và bạn đọc có lòng quan tâm.
Trong đời sống văn học (gồm thế giới – tác giả – tác phẩm – bạn đọc), PGS.TS. Phan Mạnh Hùng phát hiện ra đặc trưng khá cơ bản của văn học Nam Bộ thời bấy giờ: vận động theo hướng đại chúng hóa, phục vụ đại chúng. Hay nói khác, đặc thù người tiếp nhận chi phối không ít đến tác giả – tác phẩm. Viết cho người đọc bình dân, thế nên hình thành kiểu thức tự sự riêng. Không phải hạn chế mà là thuộc tính riêng, đặc thù. “Có thể nói, tiểu thuyết đại chúng Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến 1932 đã vận động theo hướng phục vụ đại chúng. Tiểu thuyết Nam Bộ đã trình hiện một kiểu thức tự sự gắn với những thuộc tính thuộc về đại chúng” (tr.250). So với những quan điểm trước đó cho rằng “nghệ thuật kể chuyện” của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ nói chung giai đoạn này chưa đạt đến trình độ cao, thì PGS.TS. Phan Mạnh Hùng nhận thấy rằng: biểu hiện này do bởi xu hướng phục vụ đại chúng. Vì vậy, văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ phát triển kiểu thức tự sự phù hợp cho việc phục vụ đại chúng. Nhìn rộng hơn, bạn đọc có thể thấy, đây là biểu hiện nổi bật trong nhiều nền văn học. Thậm chí, đến hôm nay, nhiều nền văn học trên thế giới cũng vận động theo hướng “đại chúng hóa”.
“Kiểu thức tự sự ấy mang một hình thức kết cấu phù hợp với trình độ thẩm mỹ của độc giả đại chúng đương thời: một sự kết hợp hiện đại và truyền thống, vừa có kết cấu theo chương hồi, vừa mang hình thức văn nghệ giải trí của báo chí phương Tây hiện đại là feuilleton; vừa kết cấu tuyến tính, vừa mang kết cấu phi tuyến tính. Tựa trên nền tảng kết cấu ấy là một kiểu người kể chuyện, trung tâm của sự điều tiết trần thuật mang những đặc điểm: vừa là người kể chuyện toàn tri, vừa không hoàn toàn như vậy. Qua lời kể của nhân vật trần thuật và hình ảnh của nhân vật nghe chuyện, xuất hiện hiện tượng dịch chuyển nội dung ngoại văn bản vào trung tâm giao tiếp nội văn bản. Ngay ở đây cũng đã cho thấy được sự ảnh hưởng của tính truyền thống bên cạnh những cách tân theo hướng hiện đại làm nên đặc trưng của các bậc giao tiếp nội văn bản” (tr.250).
Từ việc xác lập kiểu thức tự sự, gợi mở những hướng nghiên cứu liên ngành, mở rộng phạm vi nghiên cứu, hứa hẹn những phát hiện mới, khám phá thú vị hơn về văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đến trước 1932 ở khu vực Đông Nam Á, hoặc Đông Á.
“Hình thức tự sự của tiểu thuyết cho thấy sự xuất hiện của các lớp nhân vật mang vai hành động – hạt nhân cơ bản của tự sự. Qua các lớp nhân vật, chúng ta thấy nội dung của tiểu thuyết phản ánh những vấn đề: tinh thần yêu nước, muốn tự cường dân tộc và quan trọng hơn cả là sự phản ánh đời sống của con người cá nhân trong xã hội giao thời đầy biến động. Cấu trúc diễn ngôn tiểu thuyết được dựa trên nền tảng ngôn ngữ với một phổ rất rộng, đa âm và đa sắc thái của sự kết hợp giao lưu ảnh hưởng Việt-Hoa-Khmer-Pháp” (tr.250-251).
Công trình nghiên cứu của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng có thể xem như mảnh ghép trong bức tranh rộng lớn hơn (không chỉ trong phạm vi nghiên cứu văn học so sánh, mà còn trong phạm vi nghiên cứu văn hóa xã hội nói chung). Bởi, từ đời sống văn học, người đọc sẽ nhìn thấy bối cảnh vận động văn hóa xã hội trong giai đoạn tác động và ảnh hưởng sâu sắc của Tây phương vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Rõ ràng, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng cũng đã phần nào nhen nhóm, kích hoạt những vấn đề lịch sử văn hóa xã hội của người Việt bên cạnh những vấn đề quốc tế nói chung. Từ nghệ thuật tự sự, nhà nghiên cứu họ Phan mở những hướng nghiên cứu mới, chẳng hạn “ngôn ngữ văn hóa”, “xuyên vượt văn hóa”.
“Thứ ngôn ngữ văn hóa này đã phả vào diễn ngôn của người kể mà đặc biệt là diễn ngôn của nhân vật và tạo nên những hiệu quả nghệ thuật bất ngờ. Theo đó, ngôn ngữ nhân vật bắt đầu có sự cá thể hóa theo xu hướng tách ra khỏi diễn ngôn người kể. Trong diễn ngôn bắt đầu xuất hiện kiểu lời nửa trực tiếp, một công cụ hữu hiệu vào thời điểm ấy để thám hiểm thế giới nội tâm của nhân vật” (tr.251).
Mặc dù xuất phát từ tự sự học kinh điển, nhưng trang nghiên cứu của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã tiệm cận đến tự sự học hậu kinh điển. Điều này ngược lại cho thấy tư duy khoa học mới mẻ, hiện đại, cập nhật và đa chiều của nhà nghiên cứu. Đáng trân quý hơn nữa, chính là sự bám sát gắn bó mật thiết giữa đời sống văn học với đời sống văn hóa và tinh thần dân tộc trong nhãn quan nhà nghiên cứu họ Phan.
Tạm kết
Tập chuyên luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng trước hết, khởi đi từ tình yêu và tấm lòng của nhà nghiên cứu có trách nhiệm đối với văn học quốc ngữ Nam Bộ. Quý hơn, bởi đây là giai đoạn văn học giao thời, chuyển dịch tư tưởng và phương pháng sáng tác văn chương – vốn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm gìn giữ. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn văn học, phần đông học giả vẫn coi như có ít thành tựu hơn giai đoạn văn học về sau. Thế nhưng, giai đoạn văn học này đã đặt nền tảng vững vàng cho sự phát triển văn học nối tiếp. Không chỉ làm rõ vấn đề này, chuyên luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng còn trình bày các đặc trưng làm thành “thương hiệu” và khẳng định chắc chắn vai trò tiên phong của văn học quốc ngữ Nam Bộ – tiểu thuyết là thể loại chủ lực.
Từ những luận điểm sáng rõ được minh chứng một cách cụ thể, trang viết của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng mang giá trị khơi gợi và mở, đề xuất nhiều vấn đề khoa học trong tương lai. Nhất là, chuyên luận của PGS.TS. Phan Mạnh Hùng giúp ích rất nhiều cho việc học tập xây dựng nhận thức nền tảng về bức tranh văn học giao thời ở Nam Kỳ trước 1932 cho giới học sinh – sinh viên và cho những ai quan tâm đến vấn đề này. Dẫu đã có nhiều tín hiệu về mối quan tâm ngày càng lớn hơn đối với văn học giao thời trước 1932 ở Nam Kỳ, song, tuy vậy, giai đoạn văn học này/khu vực văn học này hẳn vẫn còn nhiều “góc khuất” và trữ lượng dồi dào cần khai thác nhiều hơn. Đó cũng chính là tâm tư, hoài vọng của nhà nghiên cứu PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đối với những giá trị văn học quốc ngữ Nam Bộ – e rằng chậm, rồi sẽ mai một. Thế nên, ông vẫn chuyên tâm gắng sức nhiều hơn để giữ gìn và phát huy giá trị giai đoạn/khu vực văn học này ở các tập sách khác nữa. Không chỉ chuyên luận này, PGS.TS. Phan Mạnh Hùng vẫn tiếp tục nỗ lực giữ gìn phát huy giá trị văn học quốc ngữ Nam Bộ cùng với giá trị văn hóa xã hội nói chung qua nhiều công trình, bài viết, báo cáo, … khác.
Dù không là đứa con chôn nhau cắt rún trên vùng đất Nam Bộ, song ông – PGS.TS. Phan Mạnh Hùng, luôn háo hức miệt mài và bền bỉ nghiên cứu bằng tất cả tình yêu đối với văn học quốc ngữ Nam Bộ!
Trần Bảo Định
Nguồn: VanVN.vn, ngày 06.4.2024.
_________________________
[1] Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 2017.
[2] Trúc Hà (1932), Lược khảo về sự tiến hòa cùa quốc văn trong lối viết tiểu thuyết I, Nam Phong văn học khoa học tạp chí No. 175 (Aout 1932), tr. 116 – 134/ Trúc Hà (1932), Lược khảo về sự tiến hòa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết II, Nam Phong văn học khoa học tạp chí No 176 (Septembre 1932), tr. 228 – 248.
[3] Nhà mồ côi bên tàu hồi bát loạn (L.V.Đ) đăng năm 1913 và 1914. Bắt đầu từ số báo 251 và kết thúc ở số báo 264. [số trang (1913) 780; 782; 794; 797; 821; 824; 837; 839; 850; 855; 888; 893; 903; 906. (1914) 4; 7; 27; 32; 43; 47; 57; 60; 74; 76]/ Hai chị em nhà Jacques (Lê Văn Đức) đăng năm 1916. Bắt đầu từ số báo 372 và kết thúc ở số báo 390. [số trang 159; 191; 207; 223; 239; 256; 287; 304; 320; 336; 381; 398; 412; 429; 446]/ Truyện tước hầu Hildebert nộp bạn mình cho quỷ (N.K) đăng trong năm 1916. Số bắt đầu đăng 363, số kết thúc 369/ Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch (Charles Ngọc Minh) đăng trong hai năm 1916, 1917. Bắt đầu từ số báo 403 đến số 451, tổng cộng là 48 số/ Mưa mai nắng chiều, đoản thiên tiểu thuyết (Phêrô Nghĩa) đăng trong năm 1928, bắt đầu từ số báo 1011 và kết thúc ở số báo 1023/ Đôi bước lưu li (Phêrô Nghĩa) đăng trong ba năm 1928, 1929, 2930. Bắt đầu từ số báo 1024, kết thúc ở số báo 1108/ Cực lạc đảo, Joseph Tý (Trần Giác) 1930, 1931/ Ôi là tự do (Phê rô Nghĩa) 1931, 1932… (Theo Nguyễn Thanh Hải, GV Ngữ văn Trường Trung Tiểu học Song ngữ Á Châu, TP. Biên Hòa).
[4] Khuông Việt (1942). Tôn Thọ Tường (Thiếu Sơn đề tựa). Hanoi: Nhà in Ngày Nay.