Cuốn sách “Di sản văn hóa Hán Nôm tỉnh Đồng Tháp” (Nxb Thuận Hóa, tháng 11/2024, 504 trang) là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm tỉnh Đồng Tháp”, do PGS.TS. Lê Giang (Đoàn Lê Giang) làm chủ nhiệm, thực hiện trong 2 năm 2016-2017.
Nhóm tác giả đã tiến hành sưu tầm di sản Hán Nôm trên địa bàn 12 huyện thị của tỉnh với các loại hình di sản ở đình, đền, miếu, chùa, nhà cổ. Bao gồm các loại hình tư liệu Hán Nôm: hoành phi, biển ngạch; câu đối; văn bia; văn tế, sắc phong; bài vị; thơ văn, kinh mộc bản. Qua khảo sát, điều tra ở 308 đình, lăng miếu, chùa, nhà dân, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 4.121 đơn vị tư liệu: 424 bàn thờ / bài vị; 24 bảng chữ; 37 văn bia, bia mộ; 1.392 biển ngạch, hoành phi; 1.908 câu đối; 100 sắc phong; 66 sách; 70 tranh chữ; 16 bài văn tế; 26 mộ tháp; 127 mộc bản; 27 bài kệ, thơ. Các tư liệu được chụp ảnh lưu giữ và xử lý hình ảnh. Bên cạnh đó còn sao chụp tư liệu Hán Nôm các bộ lịch sử được lưu trữ ở thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) và các thư viện khác ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các địa phương có trữ lượng tư liệu cao tập trung ở những trung tâm hành chính, văn hóa giáo dục, những vùng “đất cổ” như thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, huyện Châu Thành. Khối lượng tư liệu này cho thấy sự phong phú của di sản Hán Nôm ở Đồng Tháp.
Bảng thống kê tư liệu trong sách chỉ rõ tên cơ sở, địa điểm, loại hình, loại hình tư liệu mà nhóm nghiên cứu đã điều tra, kể cả cho biết tình trạng không có tư liệu của cơ sở.
Nghiên cứu này chỉ ra thực trạng tư liệu Hán Nôm ở Đồng Tháp như mất mát, bị thay thế qua những đợt trùng tu lẻ tẻ, thiếu khoa học, chữ bị sai tự dạng, sai lệch về số chữ, đặt sai vị trí câu đối, vế đối, chữ viết không chính xác, gây ra sai nghĩa…
Thể loại tư liệu Hán Nôm ở Đồng Tháp khá phong phú, nội dung đa dạng, đặc biệt là câu đối, hoành phi, biển ngạch, sắc phong, thơ văn (sách)…
Thực trạng bảo quản, bảo tồn tư liệu Hán Nôm ở Đồng Tháp được các tác giả chỉ ra. Đó là sự không coi trọng bảng gỗ cũ, có giá trị lịch sử, niên đại tạo tác lâu đời; cách thức bảo quản chưa đúng cách của các loại hình tư liệu Hán Nôm. Cụ thể là hoành phi, đối liễn bị mối mọt, hư hại, kinh sách bị thất lạc, không còn dùng chữ Hán, chuyển từ chất liệu gỗ sang bê tông. Thậm chí có trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Sắc thần thì thất lạc, không biết tung tích, bảo quản không đúng cách, chưa được phiên âm, dịch nghĩa. Tài liệu sách phần lớn là bản sao, sai sót, chắp vá.
Nội dung các câu đối ca ngợi thần linh, ca ngợi danh nhân lịch sử, ca ngợi Phật pháp, ca ngợi tổ tiên, thầy tổ; nguyện cầu những điều tốt đẹp; nội dung nhàn tản.
Sách khảo qua các văn bia, tư liệu Hán Nôm ở các đền, miếu, lăng mộ, hội quán của người Hoa (văn bia, hoành phi, biển ngạch, câu đối), tư liệu Hán Nôm về danh nhân thể hiện trên bia mộ, miếu thờ, sách chữ Nôm (thơ, cáo thị, bổn tuồng), nghiên cứu chữ Nôm qua tác phẩm văn học.
Việc phiên dịch toàn bộ số tư liệu Hán Nôm tại các cơ sở đình, chùa, lăng miếu, nhà dân… là cơ sở để tiến hành nghiên cứu những vấn đề lịch sử, văn hóa của Đồng Tháp. Chất lượng các bản dịch trong cuốn sách này khá tốt, được chú giải kỹ càng, đảm bảo tính khoa học.
Kết quả của công trình là cơ sở bước đầu cho việc nghiên cứu địa danh học, tín ngưỡng, văn học chữ Hán Nôm, ngôn ngữ chữ Nôm thông qua khối tư liệu phong phú này. Đây là nguồn tham khảo cho các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa, lịch sử… mà Đồng Tháp là địa phương tiên phong trong việc nghiên cứu trên tất cả loại hình tư liệu Hán Nôm và xuất bản kết quả nghiên cứu ở Nam Bộ, với đội ngũ các nhà nghiên cứu có nghề.
Nguyễn Thanh Lợi
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Thông tin Khoa học lịch sử, số 77, tháng 1.2025