40 năm 'hợp nhất' khoa học nhân văn

Dễ chừng không ở đâu trên đất nước này, vào những năm tháng sau ngày 30.4.1975, có một đơn vị giáo dục tập hợp được nhiều nhà giáo xuất thân từ các nguồn đào tạo đa dạng như vậy.

 40 năm 'hợp nhất' khoa học nhân văn

Các trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ 40 năm qua (từ trái qua: Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương, 

Mai Cao Chương, Nguyễn Lộc, Nguyễn Ngọc Quang)  - Ảnh: tư liệu khoa 

Gần 40 năm trước, Khoa Ngữ văn, sau đó là Ngữ văn và Báo chí, ngày nay là Văn học và Ngôn ngữ (Trường đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) được hình thành từ nhiều nguồn học thuật gồm những giáo sư (GS) thuộc các ban Việt văn, Hán văn và Ngữ học của ĐH Văn khoa Sài Gòn; những GS từ Khoa Ngữ văn của ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm Hà Nội chuyển vào miền Nam.

Đơn vị giáo dục này tự tạo nên bản sắc của mình trước hết bằng sự dung hợp và tôn trọng những tiếng nói riêng trong khoa học, có trao đổi, tranh luận, nhưng bao giờ cũng dành không gian sáng tạo cho những người hoạt động trên lĩnh vực khoa học nhân văn. Nhờ vậy, thành tựu của khoa được xây dựng từ sự góp sức bởi các thế hệ giảng viên - nhà nghiên cứu nối tiếp nhau trong bối cảnh một nền giáo dục và học thuật sau chiến tranh, vừa kế thừa con đường của ngành ngữ văn nước nhà, vừa nỗ lực đổi mới để hội nhập với thế giới hiện đại.

Từ Trường ĐH Văn khoa...

 
 

Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Ban chủ nhiệm khoa đã tập trung suy nghĩ và sức lực cho việc triển khai những công trình sưu tầm, nghiên cứu di sản văn học được lưu giữ bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ Latin hóa trên địa bàn các tỉnh phía nam từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng thời gian sẽ xác nhận đây là một trong những đóng góp quan trọng của đơn vị này cho khoa học ngữ văn của đất nước.

Cùng hướng đi trên, nhưng được triển khai tuần tự hơn, và có lẽ đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn, là kế hoạch sưu tầm điền dã, nghiên cứu văn học dân gian vùng Nam bộ và ngôn ngữ các tộc người thiểu số ở Tây nguyên. Gần bốn thập niên qua, công việc này vừa là một chương trình đào tạo thực tế bổ trợ cho sinh viên, vừa là một hoạt động phục vụ cộng đồng của thầy và trò. Những sản phẩm sưu tầm, ghi chép, khái luận về văn học dân gian địa phương; từ điển ngôn ngữ các tộc người thiểu số... thực sự là những đóng góp nhằm bảo tồn và phát triển nền văn hóa VN.

 

40 năm qua, kết quả nghiên cứu của thế hệ nhà giáo ở Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn vẫn được trân trọng đón nhận và lưu giữ. Tên tuổi các GS Bửu Cầm, Thanh Lãng, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Trung, Trần Trọng San, Phạm Văn Diêu, Lưu Khôn, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Khuê, Phạm Hữu Lai... luôn được ghi nhớ trong sinh hoạt học thuật của khoa. Trong giảng dạy và nghiên cứu, khoa không chỉ kế thừa những công trình được tái bản như 13 năm tranh luận văn học của Thanh Lãng, Thơ Đường của Trần Trọng San, Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê, Hò Huế của Lê Văn Chưởng... mà còn tiếp thu cả một tài sản quý giá là phòng tư liệu Hán Nôm do ĐH Văn khoa Sài Gòn để lại. Đặc biệt, chính trong thời gian làm việc tại khoa sau năm 1975, các nhà giáo đã thai nghén và hoàn thành một số tác phẩm mới: Nguyễn Văn Trung với Câu đố Việt Nam, Hồ sơ về Lục châu học; Nguyễn Khuê với Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm, Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh; Nguyễn Tri Tài với Giáo trình tiếng Hán...

Các GS từ Trường ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm Hà Nội, vốn đã khẳng định tên tuổi và sự nghiệp ở miền Bắc, khi vào công tác tại khoa lại có thêm một mùa thu hoạch với những công trình mới mẻ về tư liệu, cách nhìn và phương pháp; đem lại những đóng góp mới trong các chuyên ngành lý luận văn học, ngôn ngữ học, văn học VN và văn học nước ngoài.

Trong những năm tháng ở đây, Lê Đình Kỵ đã viết lại giáo trình văn học đại cương và bàn thêm về Thơ Mới dưới cái nhìn đổi mới. Hoàng Như Mai viết về nghệ thuật cải lương như một đặc sản văn hóa của vùng đất mới. Trần Thanh Đạm khởi thảo công trình văn học so sánh và bàn về sinh mệnh của văn chương lãng mạn VN. Chu Xuân Diên luôn cập nhật những lý thuyết và phương pháp mới trong văn hóa học và văn hóa dân gian. Mai Cao Chương - cùng với Đoàn Lê Giang - nghiên cứu di sản văn hóa của Nguyễn Lộ Trạch, một tác gia canh tân độc đáo. Nguyễn Lộc từ một chuyên gia hàng đầu về văn học cổ điển thế kỷ 18 - 19 trở thành nhà nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật hát bội.

Là chuyên gia cao cấp về ngôn ngữ học thần kinh, Nguyễn Hàm Dương tiếp tục nghiên cứu về bệnh lý thất ngôn. Nguyễn Đức Dân hệ thống hóa và đào sâu những vấn đề ngữ dụng học, ngữ pháp tạo sinh, logic và tiếng Việt. Bùi Khánh Thế tâm huyết với ngôn ngữ các tộc người thiểu số ở phía nam và vấn đề giao lưu ngôn ngữ. Hồng Dân tham gia biên soạn ngữ pháp tiếng Việt và viết sách giáo khoa ngữ văn. Đinh Lê Thư công bố chuyên khảo về cơ cấu ngữ âm tiếng Việt. Lương Văn Hồng chuyên tâm về văn hóa, ngôn ngữ và văn học Đức. Lương Duy Thứ soi chiếu thơ Đường và Lỗ Tấn dưới góc độ thi pháp học. Thái Thu Lan giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới về văn học Pháp thế kỷ 19...

Những thế hệ đến sau

Khi thế hệ các nhà giáo nói trên lần lượt về hưu, đã xuất hiện nỗi lo về một khoảng trống trong đời sống học thuật ở khoa. Nhưng khoảng trống đó, nếu có, chỉ là sự hụt hẫng về tâm lý hơn là sự đứt đoạn trên thực tế. Đơn giản là vì các GS hàng đầu vẫn tiếp tục giảng bài, hướng dẫn học viên và nghiên cứu sinh; đồng thời thành quả khoa học của họ vẫn được những thế hệ đến sau kế thừa và phát huy.

Với nhiều nỗ lực và sự cầu tiến, những giảng viên ở độ tuổi kế cận đã khẳng định chỗ đứng của mình không chỉ bằng hoài bão khoa học mà còn bằng chính kết quả lao động nghề nghiệp cụ thể. Trong hoạt động khoa học hiện nay, bên cạnh những nhà giáo đã có thành tựu nhất định là những giảng viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và sức cống hiến, trong đó một số từng học tập ở các trung tâm khoa học tiên tiến trên thế giới, đang tìm tòi, thể nghiệm những cách tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề mới trong nghiên cứu. Chính lớp giảng viên trẻ này đang nhận trên vai gánh nặng của nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo theo những chuẩn mực của một đại học nghiên cứu ở Đông Nam Á.

Do đặc điểm trong lịch sử hình thành và phát triển, được ghi dấu qua sự dung hợp giữa các quan niệm học thuật, có thể nhận thấy trong hoạt động khoa học ở đơn vị này những hướng đi vừa song hành, vừa kết hợp chặt chẽ với nhau. Một mặt, đó là việc khai thác và khảo cứu ngày càng sâu di sản văn học và ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là di sản Hán Nôm, để bắc cầu từ hiện đại đi về truyền thống và từ truyền thống làm giàu cho thời hiện đại. Mặt khác, đó là sự khiêm tốn học hỏi những lý thuyết ngữ văn, những phương pháp và tinh hoa văn học đang thịnh hành trên thế giới để vận dụng vào lãnh vực giảng dạy và nghiên cứu luôn đòi hỏi sự nhạy bén và tinh tế này.

Và như vậy, trên hành trình khoa học của mình, khoa Văn học và Ngôn ngữ vẫn giữ vững bản sắc của một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, không vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn và có tính thời vụ mà xao lãng những vấn đề cốt yếu của khoa học ngữ văn. Đồng thời, môi trường học thuật ở đây cũng không phải là một thứ tháp ngà, xa lạ với xã hội, văn hóa, con người hiện đại và bàng quan với những đòi hỏi đặt ra từ chính cuộc sống.

Khoa Văn học và Ngôn ngữ nhìn thấy tương lai của mình qua chân dung tinh thần và sức sáng tạo của hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã từ đây tỏa ra khắp các nẻo đường đất nước.

GS Huỳnh Như Phương

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/40-nam-hop-nhat-khoa-hoc-nhan-van-550721.html 

 

Bài viết cùng tác giả

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website