Mấy công trình lý luận văn học xuất bản ở Nga những năm gần đây

  Quang truong doNhững ai từng tiếp xúc hay có quan tâm tìm hiểu khoa nghiên cứu văn học ở Nga hẳn đều có thể ghi nhận rằng lý luận văn học là một hoạt động đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống tinh thần của đất nước này. Sau những biến đổi căn bản trong xã hội, ảnh hưởng đó ít nhiều bị phai nhạt vào thập niên cuối của thế kỷ XX. Nhưng bên cạnh một số tín niệm và khái quát lý luận đã bị vượt qua, những gì thật sự là giá trị của lý luận văn học xô-viết vẫn tiếp tục được đón lấy, kế thừa và cải biến để cùng đồng hành với trí thức Nga trong thế kỷ XXI.

Hơn nữa, giới lý luận văn học Nga đâu phải chịu ngủ yên. Vào giai đoạn chuyển tiếp của xã hội, trong đó diễn ra nhiều sự đảo lộn, sự sắp xếp lại mà trật tự mới đích thực chưa thành hình, họ vẫn nỗ lực tìm tòi, phát hiện và cách tân nhằm nâng cao chất lượng của lý luận văn học để theo kịp với thế giới đương đại. Thứ nhất, đó là cố gắng góp phần với giới văn học sử nhằm khôi phục trọn vẹn bộ mặt của di sản văn học Nga nhằm hoàn chỉnh một lịch sử tương đối trung thực về nó, là điều mà trước đây, dưới chính quyền xô-viết, giới nghiên cứu đã nhiều lần lên tiếng mong mỏi một cách bức thiết. Thứ hai, đó là cố gắng nắm bắt với tất cả sự nhạy cảm tình hình sáng tác hết sức đa dạng, phức tạp và có thể nói là rối rắm của tiến trình văn học Nga hậu xô-viết và hậu cải tổ trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của văn học đương đại thế giới. Thứ ba, đó là cố gắng hiện đại hóa lý luận văn học, làm cho những khái quát lý luận uyển chuyển và có sức sống hơn, và nhất là đổi mới việc giảng dạy lý luận văn học trong nhà trường đại học.

Không thể cắt nghĩa sự vận động và phát triển của tư duy lý luận tách rời khỏi bối cảnh của hoạt động sáng tác. Những năm 90 thế kỷ trước, nước Nga đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hiện tượng, khuynh hướng văn học vượt ra ngoài khuôn khổ của truyền thống, đòi hỏi sự lý giải và đánh giá của giới nghiên cứu. Chỉ tính riêng trong thực tiễn văn xuôi những năm tháng này, nhiều vấn đề lý luận mới đã nảy sinh. Chẳng hạn đối với khuynh hướng “văn xuôi tân cổ điển”, người ta thấy xuất hiện nhiều dòng phong cách khác nhau: phong cách nghệ thuật - chính luận, phong cách hiện thực “bạo liệt”, phong cách hiện thực tình cảm - lãng mạn… Khuynh hướng văn xuôi ước lệ - ẩn dụ thì đặt ra vấn đề về vai trò của các yếu tố truyền thuyết, thần thoại, huyền ảo và mối quan hệ của chúng trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Ngoài ra còn có loại hình văn xuôi lịch sử, văn xuôi “tự nhiên”, văn xuôi hài hước…[1] Đặc biệt, trong văn xuôi cũng như trong thơ, trào lưu hậu hiện đại đã từng bước hình thành, hoặc tự phát, hoặc tự giác, tùy theo từng trường hợp nhà văn, thể hiện một cách phản ứng với truyền thống văn học Nga, đồng thời vẫn giữ một khoảng cách với chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây [2].

Trong số các nhà văn hậu hiện đại, có những người lặng lẽ sáng tạo và cho công bố những tác phẩm mới, lại có một số người lớn tiếng bày tỏ thái độ cực đoan, muốn “chôn vùi” văn học xô-viết, muốn đưa Gorki, Esenin, Maiakovski, Solokhov vào viện bảo tàng. Thái độ đó khiến họ bị dư luận gọi là “phái RAPP mới” để cho thấy sự gần gũi với quan điểm hư vô chủ nghĩa của Hội các nhà văn vô sản Nga (viết tắt là RAPP), hoạt động vào cuối những năm 20 – đầu những năm 30 thế kỷ trước, mà lịch sử đã chứng minh là sai lầm.

Các nhà lý luận văn học Nga không thờ ơ trước tình hình đó. Những cuộc tranh luận trên các báo và tạp chí đã nổ ra. Nhưng điều quan trọng là giới nghiên cứu, phê bình đã bình tĩnh và khách quan ghi nhận những khuynh hướng mới xuất hiện trong đời sống văn học và bước đầu đưa ra những khái quát lý luận. Chúng tôi đặc biệt chú ý là các hiện tượng và xu hướng mới này không chỉ được giới thiệu cho công chúng ngoài xã hội quan tâm đến văn học, mà còn được trình bày một cách cập nhật trong nội dung giảng dạy ở nhà trường đại học. Có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ về điều này, vì khác với thái độ dè dặt của giới đại học ở ta trước những hiện tượng văn học đương đại – mà đây hoàn toàn chưa có gì gọi là “hậu hiện đại”, các nhà làm sách giáo khoa ở Nga không muốn sinh viên của họ bỡ ngỡ và lạc hậu trước diễn biến của dòng thời sự văn học.

Dẫn chứng cho điều này là trường hợp cuốn sách của I. Skoropanova nhan đề Văn xuôi hậu hiện đại Nga do hai nhà xuất bản Flinta và Nauka liên kết ấn hành năm 1999, và được xem như sách giáo khoa dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên ngữ văn các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm. Cuốn sách dày gần 600 trang này được cấu trúc gồm phần lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại và phần lược sử về ba giai đoạn phát triển của văn học hậu hiện đại Nga kể từ truyện vừa Những cuộc đi dạo với Pushkin của Abram Tertz (tác giả Natasha hay là câu chuyện mùa đông mà bạn đọc Việt Nam đã từng làm quen qua bản dịch của Diễm Châu do nhà xuất bản Trình Bầy ấn hành ở Sài Gòn năm 1967), được sáng tác với bút danh Tertz-Sinjavski trong trại tập trung những năm 1966-1968 và được xuất bản lần đầu ở Luân Đôn năm 1975. Tác phẩm hậu hiện đại gần đây nhất được đề cập là cuốn tiểu thuyết viễn du mang đặc trưng “hậu hiện đại sinh thái” của A. Bitov mang tên Những người gàn dở, được nhà văn khởi thảo từ năm 1969 và hoàn thành năm 1995.

Là một tài liệu giáo khoa, bên cạnh phần giới thiệu 27 tác giả và tác phẩm, cuốn Văn học hậu hiện đại Nga còn cung cấp cho người đọc một số trích đoạn và danh mục các tác phẩm hậu hiện đại đã xuất bản. Trong công trình này, người biên soạn đã giới thuyết khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại” như là: 1) một thời kỳ mới trong sự phát triển văn hóa; 2) một phong cách của tư duy khoa học hậu phi cổ điển; 3) một phong cách nghệ thuật mới, đặc trưng cho các loại hình khác nhau của nghệ thuật đương đại; 4) một khuynh hướng nghệ thuật mới trong kiến trúc, hội họa, văn học…; 5) những hệ thống thẩm mỹ-nghệ thuật hình thành vào nửa sau thế kỷ XX; 6) những phản ứng về lý luận trong triết học, mỹ học… đối với các hiện tượng nói trên. Thuật ngữ “hậu hiện đại” hiện được dùng song song với thuật ngữ “hậu tiền phong” và nhất là “hậu cấu trúc”, vốn được xem như cái nôi lý luận của nó [3].

Đụng chạm đến một vấn đề hóc búa và có tính chất thời sự rõ rệt, cuốn Văn học hậu hiện đại Nga thiên về tính chất phê bình hơn là tính chất lý luận. Một trong những công trình lý luận đúng nghĩa mà ở đó có thể tìm thấy sự tiếp nối truyền thống và những thành tựu của lý luận văn học xô-viết lẫn nỗ lực đổi mới cách tiếp cận, triển khai và giải quyết vấn đề là cuốn Lý luận văn học của V. Khalizev. Công trình này do nhà xuất bản Đại học ấn hành năm 1999, sau khi đã được sự nhận xét tích cực của giáo sư N. Ghei và của bộ môn lý luận văn học trường đại học quốc gia Tversk do giáo sư I. Fomenko làm chủ nhiệm. Cuốn sách cũng đã được Bộ giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp Liên bang Nga tiến cử làm sách giáo khoa cho sinh viên các trường đại học.

V. Khalizev, giáo sư bộ môn lý luận văn học khoa Ngữ văn Trường Đại học quốc gia Moskva, chính là một trong những đồng tác giả của công trình Dẫn luận nghiên cứu văn học do giáo sư G. Pospelov, nhà lý luận hàng đầu của Nga chủ biên. Cuốn sách này đã được Trần Đình Sử, Lại Nguyên An, Nguyễn Nghĩa Trọng, Lê Ngọc Trà dịch sang tiếng Việt và nhà xuất bản Giáo dục ở ta ấn hành năm 1985, tái bản năm 1998. Trong công trình ấy, V. Khalizev được phân công viết chương “Văn học như một loại hình nghệ thuật” và 5 chương khác có liên quan đến vấn đề phân loại văn học và đặc điểm của các tác phẩm tự sự, kịch và trữ tình.

Lần này, đảm nhiệm biên soạn toàn bộ một giáo trình, V. Khalizev đã kế thừa những luận điểm đã được thử thách của lý luận văn học xô-viết về vấn đề chức năng, về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, về cấu trúc tác phẩm, về sự phân chia các loại thể, về tính quy luật của sự phát triển văn học… Đồng thời, tác giả cũng đề cập hay đào sâu một số phương diện mà các giáo trình lý luận loại này trước đây thường ít quan tâm, chẳng hạn nguyên lý đối thoại của M. Bakhtin, chú giải học của G. Gadamer, quan niệm về văn bản của R. Barthes và J. Derrida cũng như quan niệm về liên văn bản của J. Kristéva…

Giáo trình này được mở đầu bằng chương bàn về bản chất của nghệ thuật như là sự sáng tạo các giá trị thẩm mỹ. Nhận ra bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật và đặt văn học trong hệ thống các loại hình nghệ thuật không phải là điều gì mới trong khoa nghiên cứu văn học Xô-viết. Chúng ta chỉ cần nhớ đến một vài chuyên khảo như Bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật của A. Burov (NXB Nghệ thuật, Moskva, 1956) hay Văn học như một loại hình sáng tạo nghệ thuật của I. Volkov (NXB Giáo dục, Moskva, 1985). Một vài giáo trình đã được dịch sang tiếng Việt như Dẫn luận nghiên cứu văn học nói trên hay Lý luận văn học của N. Gulajev (Bản dịch của Lê Ngọc Tân, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982) đều tiếp cận văn học như một loại hình nghệ thuật. Cái mới trong giáo trình của V. Khalizev là tác giả chọn các phạm trù thẩm mỹ làm điểm xuất phát và từ đó xác lập mối quan hệ giữa cái thẩm mỹ và cái nghệ thuật. Bàn về hoạt động nhận thức của nghệ thuật, tác giả trình bày không chỉ lý thuyết phản ánh mà cả lý thuyết biểu trưng. Coi trọng văn học tinh hoa, văn học “cao cấp”, tác giả không quên đề cập đến văn học đại chúng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cuốn sách này lý giải vấn đề tiến trình văn học còn sơ lược và chưa giới thiệu đầy đủ các khuynh hướng và trào lưu văn học trên thế giới [4].

Một trong những trung tâm nghiên cứu về lý luận văn học vẫn giữ được uy tín từ thời xô-viết đến nay là Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki (viết tắt là IMLI) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Ban Lý luận văn học của Viện này tập hợp nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng như N. Ghei, J. Borev, G. Belaja, S. Botcharov, V. Kozhynov, D. Urnov, I. Podgaetskaja, N. Dragomiretskaja… Từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, người đứng đầu ban này là A. Mikhailov đã tích cực thúc đẩy hoạt động của ban đi vào chiều sâu và giữ cho nó không bị gián đoạn ngay trong những thời điểm khó khăn nhất. Là một nhà nghệ thuật học và văn hóa học, ông quan tâm đến nhiều lãnh vực, trong đó có việc nghiên cứu những vấn đề thi pháp học trong lịch sử văn học Đức. Ở một hội nghị do Hội đồng “Lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu văn học và nghệ thuật học” – từ năm 1996 đổi tên thành Hội đồng “Khoa học về văn học trong bối cảnh khoa học về văn hóa” – thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức vào tháng giêng năm 1993, A. Mikhailov đã trình bày báo cáo Đề cương về lý luận văn học và được đánh giá cao. Thật đáng tiếc là ông từ trần quá sớm, ở độ tuổi 60.

Để tưởng niệm A. Mikhailov, các đồng nghiệp của ông đã tổ chức một công trình tập thể mang tên Nghiên cứu văn học như một vấn đề do nhà xuất bản Di sản ấn hành năm 2001. Cuốn sách đã ghi nhận những đóng góp của ông trong nghiên cứu lịch sử văn học và nghệ thuật, đặc biệt là ngành nghiên cứu âm nhạc, đồng thời phân tích những suy tưởng của ông về con đường phát triển cuả lý luận văn học. Bên cạnh đó, công trình cũng giới thiệu một số bài viết mới của các học giả ở IMLI, từ những điểm nhìn khác nhau, bàn về phương pháp luận nghiên cứu văn học và văn hóa. Trong số những bài đáng chú ý, có thể kể: Các phạm trù tính nghệ thuật và tính siêu nghệ thuật trong văn học (N. Ghei); Lý thuyết tác gia như một vấn đề (N. Smirnova); Nghiên cứu văn học như một huyền thoại (A. Galkin); Về nghiên cứu văn học, tính khoa học và tư duy tôn giáo (T. Kasatkina); Về triết học tôn giáo (S. Botsarov) [5].

Như vậy có thể thấy, một mặt, các nhà lý luận đã mở rộng diện khảo sát của mình và đặt văn học trong bối cảnh văn hóa để tìm ra những quy luật của nó. Nhưng mặt khác, họ vẫn không ngừng đào sâu và hoàn thiện hệ thống lý luận văn học đã được xây đắp từ mấy thập niên qua. Nhiều người hẳn biết, bên cạnh các bộ giáo trình lý luận văn học được tập thể các nhà giáo ở các trường đại học tổng hợp và đại học sư phạm biên soạn, từ những năm 60 thế kỷ trước, những ai có quan tâm không thể không nhắc đến bộ sách 3 tập Lý luận văn học. Những vấn đề cơ bản dưới sự soi sáng lịch sử (Nhà xuất bản Viện Hàn lâm khoa học Liên-xô, 1962-1965), công trình tập thể của các nhà lý luận ở IMLI. Như tên gọi của nó, đặc điểm của bộ sách này là các vấn đề lý thuyết luôn được trình bày trong sự soi rọi, cọ xát với thực tiễn văn học Nga và thế giới, khiến cho nó tránh được tính chất xơ cứng và tư biện. Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập IMLI (1932-2002), Viện trưởng F. Kuznetsov đánh giá công trình này, mà các tác giả lúc đó hãy còn là những nhà khoa học trẻ tuổi, “là một bước ngoặt trong lĩnh vực khoa học về văn học ở thời đại mình và còn giữ được ý nghĩa khoa học từ đó đến nay”; đó chính là một trong những công trình giúp cho IMLI “xác định vị trí hàng đầu của nó trong lĩnh vực nghiên cứu văn học ở trong nước cũng như ở nước ngoài” [6]. Nhưng công trình đó dù sao cũng đã được sử dụng qua gần bốn thập niên. Từ ấy đến nay, thực tiễn văn học có nhiều thay đổi, mặt bằng lý luận trong nước và trên thế giới đã được nâng lên, nhiều vấn đề và khía cạnh cần được bổ khuyết, điều chỉnh. Chính vì vậy, bước vào thời kỳ cải tổ, từ khi N. Ghei còn giữ nhiệm vụ trưởng ban lý luận của IMLI, các nhà khoa học ở đây đã quyết định biên soạn một bộ lý luận văn học mới cho những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Theo dự kiến, công trình này gồm có 4 tập. Nhưng do việc thực hiện bản thảo không đồng bộ nên tập 4 lại hoàn thành trước 3 tập kia và được xuất bản vào năm 2001. Hiện nay trong tay chúng tôi chỉ mới có tập này, dày 620 trang chữ nhỏ, với nhan đề Tiến trình văn học mà người chủ biên cũng đồng thời là tổng chủ biên của bộ sách: giáo sư Yu. Borev. Ông là tác giả của hàng chục đầu sách mỹ học và lý luận văn học, trong đó có cuốn đã được dịch sang 33 ngoại ngữ… Từ 3 thập niên trước, bạn đọc Việt Nam đã làm quen với cuốn Những phạm trù mỹ học cơ bản của ông qua bản dịch của giáo sư Hoàng Xuân Nhị do Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản năm 1974.

Xem tiến trình văn học như một phạm trù mỹ học và nghiên cứu văn học, các tác giả đã cấu trúc tập 4 bộ lý luận văn học mới này thành 3 phần:

Phần I dành để tìm hiểu những đặc điểm của tiến trình nghệ thuật và phương pháp luận phân tích tiến trình này, gồm 2 chương. Chương 1 có nhan đề “Văn học như một hệ thống đang phát triển”, trong đó bàn về sự phát triển nghệ thuật; vai trò của truyền thống trong tiến trình văn học; những tác động nghệ thuật như là mối quan hệ nội tại của tiến trình văn học; khuynh hướng nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về thế giới và cá nhân; vấn đề phân kỳ lịch sử tiến trình văn học; sự thay đổi cấu trúc tiến trình văn học trong thời kỳ quá độ.

Chương 2 khảo sát “Những tìm tòi về phương pháp luận và phương pháp luận hiện đại phân tích tiến trình văn học” với những vấn đề được đề cập: nghệ thuật được hiểu như là trạng thái và mầm mống của tư duy lịch sử; chủ nghĩa lịch sử với tư cách là nguyên tắc nghiên cứu sự phát triển văn học; quan điểm so sánh tiến trình nghệ thuật; quan điểm thực chứng ngôn ngữ học về sự phát triển nghệ thuật; quan điểm hình thức luận và xã hội học dung tục về tiến trình văn học…

Phần II là phần trọng tâm của cuốn sách, được đặt tên “Lịch sử có tính lý luận của văn học”. Các khuynh hướng và trào lưu văn học được sắp xếp trong những thời kỳ, thời đại và giai đoạn khác nhau. Thời kỳ con người hiệp nhất với thiên nhiên bao gồm thời thượng cổ, khi mà ma thuật và thần thoại đồng nhất sự miêu tả với bản thân hiện thực; và thời cổ đại, trong đó nghệ thuật cho thấy con người là một phần của tự nhiên, sống vất vả, vui sướng và lo sợ một cách ngây thơ, chất phác trong thế giới của định mệnh.

Tiếp đó là Thời Trung cổ, được xem như thời kỳ con người hiệp thông với Thượng đế, nghệ thuật miêu tả con người trong thế giới của các tu viện, nhà tu kín và thành phố. Điều này thể hiện trong chủ nghĩa lãng mạn hiệp sĩ, chủ nghĩa tự nhiên các-na-van…

Thời Phục hưng được gọi là thời kỳ của những niềm hy vọng và những ảo tưởng, bao gồm giai đoạn chủ nghĩa nhân văn vinh danh con người tự do như giá trị tối thượng và giai đoạn khủng hoảng của nó được đánh dấu bằng nghệ thuật ba-rốc.

Thời cận đại thể hiện cuộc tìm kiếm những véc-tơ hành động của con người trong thế giới, được chia thành giai đoạn hy vọng vào nghĩa vụ, chuẩn mực và lý trí với chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực khai sáng và giai đoạn hy vọng vào cảm xúc với chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn.

Điều đáng chú ý là các tác giả gộp chung thời đại của chủ nghĩa tiền phong và thời đại của chủ nghĩa hiện thực vào chung “thời kỳ vỡ mộng”. Thời đại tiền phong chủ nghĩa lại bao gồm các giai đoạn tiền hiện đại (chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa tượng trưng…); giai đoạn hiện đại (chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa trừu tượng, chủ nghĩa dã thú…); giai đoạn tân hiện đại (chủ nghĩa đa-đa, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa hiện sinh, văn học “dòng ý thức”, chủ nghĩa tân trừu tượng…) và giai đoạn hậu hiện đại (chủ nghĩa hiện thực “phóng đại”, chủ nghĩa hiện thực “chụp ảnh”, chủ nghĩa quan niệm…).

Các tác giả cho rằng thời đại của chủ nghĩa hiện thực là thời đại con người chịu nhiều đau khổ, mất mát nhưng vẫn đứng vững. Ở đây, chủ nghĩa hiện thực truyền thống là giai đoạn tìm kiếm vận mệnh lịch sử của con người và của nhân loại, trong đó chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX miêu tả một thế giới và con người không hoàn thiện và đề ra lối thoát là không dùng bạo lực để chống lại điều ác và nỗ lực tự hoàn thiện bản thân. Còn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì đề cao tính tích cực xã hội của con người trong việc sáng tạo ra lịch sử bằng các phương pháp bạo lực cách mạng. Giai đoạn hiện đại hóa chủ nghĩa hiện thực gồm chủ nghĩa tân hiện thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện thực tâm lý, chủ nghĩa hiện thực trí tuệ chứng tỏ con đường tìm kiếm những niềm hy vọng mới cho văn học vẫn còn tiếp tục  [7].

Nhằm khắc phục phần nào cách nhìn “dĩ Âu vi trung” vẫn thống trị trong các sách lý luận văn học từ trước đến nay, công trình này có thêm phần thứ III trình bày sự phát triển văn học ở các nước không phải là châu Âu. Điều đáng tiếc là do hạn chế về tư liệu, các tác giả chỉ mới đề cập đến những vấn đề lý luận và lịch sử trong tiến trình văn học châu Phi, mà chưa nói gì đến văn học châu Á và châu Đại dương. Đây có thể xem là một món nợ chưa trả của các tác giả bộ sách lý luận này, vì thực tiễn văn học phong phú ở các vùng đất ấy chắc chắn sẽ cung cấp những gợi ý có tính chất định hướng, bổ sung và điều chỉnh cho hệ thống lý luận văn học.

Mặc dù kết cấu chưa thật cân đối và nguồn tư liệu chưa thật đa dạng, đây vẫn có thể được xem là công trình công phu và cập nhật nhất về vấn đề tiến trình văn học hiện nay. Các tác giả tỏ ra không thành kiến với các khuynh hướng và trào lưu phi hiện thực chủ nghĩa và không đánh đồng chúng cùng trong một “cái bị” là các loại chủ nghĩa hiện đại để tiện phê phán, như một số sách lý luận trước đây đã làm. Những người biên soạn cũng tỏ ra trung thành với quan niệm viết lý luận dưới ánh sáng của lịch sử văn học để tăng cường tính thực tiễn cho lý luận. Chúng ta chờ đợi bộ sách 4 tập này được xuất bản trọn vẹn.

Trong việc giới thiệu các quan niệm và trường phái lý luận, phê bình văn học phương Tây, các nhà nghiên cứu ở Viện Thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga có những thành tựu đáng kể. Mới đây, qua bản dịch của nhóm dịch giả Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận một công trình của họ do nhà xuất bản Intrada – INION ấn hành năm 1996 [8].

Gần đây hơn, năm 2001, họ lại cho xuất bản một tuyển tập các bài báo có nhan đề Khoa học về văn học trong thế kỷ XX (lịch sử, phương pháp luận, tiến trình văn học). Tham gia vào cuốn sách này có những nhà nghiên cứu quen thuộc như A. Khalizev, N. Pankov, I. Ilin, E. Tzurganova, A. Revjakina, G. Nefaghina, E. Trushenko, I. Skoropanova… Cuốn sách được chia làm 2 phần. Trong phần “Lịch sử và phương pháp luận”, đáng chú ý có những bài bàn về quan điểm của M. Bakhtin đối với chủ nghĩa hình thức; về phương pháp khám phá nền văn hóa phi chính thống của ông trong chuyên khảo Sáng tác của F. Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng; về những cách tân trong khoa nghiên cứu văn học nước ngoài thế kỷ XX; về chủ nghĩa hậu cấu trúc của R. Barthes; về chủ nghĩa hậu hiện đại và tinh thần thời đại trong khoa nghiên cứu văn học phương Tây những năm 80… Phần “Tiến trình văn học” dành cho các bài khảo sát những vấn đề thiên về lịch sử như: Chủ nghĩa hiện sinh trong ý thức nghệ thuật thế kỷ XX; Phân tích thi pháp huyền thoại trong thơ ca thế kỷ bạc; Thơ ca Nga ở hải ngoại; Về lịch sử khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”; Sự chuyển biến của các dòng phong cách trong văn xuôi hiện thực Nga những năm 80-90; Văn học hậu hiện đại Nga những năm 90…[9]

Trên lãnh vực giới thiệu những thành tựu trong sáng tác và lý luận thế kỷ XX, các học giả ở IMLI cũng có những đóng góp mới của mình. Năm 2002 họ đã cho xuất bản một công trình tập thể mang tên Những định hướng nghệ thuật trong văn học nước ngoài thế kỷ XX. Nếu so với một công trình cá nhân cùng loại đề tài trước đây như cuốn Những định hướng nghệ thuật thế kỷ XX của D. Zatonski (NXB Nhà văn xô-viết, Moskva, 1988) chẳng hạn, thì công trình mới này cung cấp cho người đọc một khối lượng kiến thức lý luận thời sự và cấp thiết hơn nhiều. Danh mục các bài viết trong cuốn sách dày gần 570 trang này nói với ta điều đó: Quan niệm về truyền thống trong văn học thế kỷ XX; Phong cách tiền phong trong văn hóa; Chủ nghĩa nguyên thủy; Dòng ý thức; Viết tự động; Những hình thức ngụ ý trong tiểu thuyết thế kỷ XX; Những ẩn dụ trong nghệ thuật ba-rốc và chủ nghĩa cổ điển; Huyền thoại trong văn học thế kỷ XX; Cái bi kịch trong nghệ thuật thế kỷ XX; Thế giới của tiếng cười; Cái nghịch dị trong các nền văn học phương Tây; Chiều kích văn học của cái phi lý; Tính liên văn bản…[10]

Những nỗ lực được dẫn chứng còn sơ lược trên đây diễn ra trong một hoàn cảnh rất khó khăn của giới trí thức Nga sau khi Liên Xô tan rã. Dưới thời B. Eltsin, kinh phí dành cho khoa học cơ bản bị cắt giảm tới 30 lần, làm hạn chế rất lớn đến sự phát triển của văn hóa, khoa học và giáo dục. Ngoài ra, như sự ghi nhận của phó giáo sư, tiến sĩ A. Sokolov, đời sống văn hóa Nga còn đứng trước một tình hình không thuận lợi khác: “Đáng tiếc, phải thừa nhận là đời sống tinh thần đang có phần bị làn sóng phản văn hóa xâm lấn. Truyền hình trở thành thứ nghệ thuật chính, làm hỏng lớp trẻ vì khiến chúng lười suy nghĩ. Trước đây chúng tôi sống trong một đất nước ham đọc. Ở đó sách là vật thiêng liêng. Bây giờ phần đông mọi người không phải là độc giả, mà là khán giả. Và điều xảy ra là: ai xuất hiện trên ti-vi nhiều, kẻ đó sẽ nắm được đầu óc mọi người (…) Từ một nước ham đọc, chúng tôi dần dần biến thành một nước tiêu dùng nghệ thuật. Các nhà văn và nhà hoạt động văn hóa hiện nay phải nhường chỗ của mình"  [11].

Sự sa sút của văn hóa đọc có thể được minh họa bằng sự sút giảm số lượng ấn bản sách văn học có giá trị, khi mà nền xuất bản không còn được bao cấp như trước. Một tác gia tầm cỡ như V. Rasputin may ra mới có thể được in một tuyển truyện khổ sách nhỏ với tirage 1 vạn bản. So với dưới thời xô-viết, con số này giảm gấp hàng chục lần. Tình hình ấy càng thấy rõ trong khu vực sách khảo cứu, lý luận.

Thử làm một so sánh: cuốn Lý luận văn học của N. Gulajev in năm 1977 với 50.000 bản; cuốn Lý luận văn học của G. Pospelov in năm 1978 đến 75.000 bản; còn cuốn Lý luận văn học nói trên của V. Khalizev chỉ 10.000 bản; tuy cả ba đều do nhà xuất bản Đại học và đều được xem là sách giáo khoa. Hai năm 1993-1994, khi tái bản loạt sách M. Bakhtin dưới mặt nạ, để phát hành hết 5.000 bản, nhà Alkonost phải chọn in giấy xấu, bìa mỏng nhằm giảm giá thành. Cuốn Sử thi và tiểu thuyết do V. Kozhynov viết lời nói đầu, S. Botsharov biên soạn và chú thích dựa theo văn bản trong Toàn tập Bakhtin gồm 7 tập, nhà xuất bản Azbuka in năm 2000 với số lượng 10.000.

Trong khi đó, các tài liệu giáo khoa khác in bằng loại giấy tương tự, như Văn học hậu hiện đại Nga của I. Skoropanova hay Những nguyên tắc và thủ pháp phân tích tác phẩm văn học của A. Esin (Nhà xuất bản Flinta – Nauka tái bản, 1999), cũng chỉ ấn hành không quá 3.000 bản. Gần đây, tình hình này dường như càng ít khả quan hơn, nhất là với các công trình được biên soạn ở ngoài nhà trường đại học. Hai cuốn Nghiên cứu văn học như một vấn đềTiến trình văn học cùng của IMLI và cùng in năm 2001 được xếp đồng hạng: 1.000 bản. Số phận một vài công trình khác còn hẩm hiu hơn: Những định hướng nghệ thuật trong văn học nước ngoài thế kỷ XX – 800 bản ; Vấn đề chủ nghĩa đa văn hóa và văn học Hoa Kỳ cuối thế kỷ XX của M. Tlostanova (Nhà xuất bản Di sản, 2000) – 500 bản; còn Khoa học về văn học trong thế kỷ XX (lịch sử, phương pháp luận, tiến trình văn học) thì vẻn vẹn 300 bản.

Tuy vậy, không thể dựa vào tirage để khẳng định chất lượng và ý nghĩa khoa học của các công trình. Như viện sĩ F. Kuznetsov đã nhận định, “khoa ngữ văn học là một khoa học đòi hỏi nhiệt tâm. Với mức lương ít ỏi cho lao động của chúng ta, những thành tích chỉ có thể có được nhờ vào sự cố gắng của những người tích cực. Và tất nhiên cả của những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao; thường thì hai loại người này là một, vì những kẻ thờ ơ không khi nào trở thành nhà khoa học lớn được”. Những thành tích đó còn bắt nguồn từ ý thức rằng “cần phải kết hợp mọi người trên những nguyên tắc mới, nắm được phương pháp luận mới và những mối quan hệ hợp tác mới trong giới khoa học, học biết cách kiềm chế, khoan dung, biết cách tranh luận có văn hóa, tránh lối đánh giá cực đoan và thô bạo, áp đặt cho nhau những chủ thuyết này nọ; khắc phục sự khác biệt về thế giới quan, tìm kiếm cách nhìn mới đối với tiến trình văn học” [12].

Trong điều kiện hết sức hạn chế về tư liệu, bài viết này muốn cung cấp cho bạn đọc một ít thông tin từ những công trình lý luận văn học được xuất bản ở Nga những năm gần đây mà chúng tôi may mắn tiếp cận được. Chắc chắn trong khoảng thời gian đó còn nhiều đầu sách giá trị khác trên lĩnh vực này đã ra đời ở các trung tâm khoa học của nước Nga, nhưng chưa dễ dàng đến được với bạn đọc Việt Nam có quan tâm, do những cách trở về giao lưu văn hóa giữa hai nước chúng ta hiện nay. Vì vậy, đây chỉ là một góc rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của đời sống lý luận văn học Nga những năm bản lề giữa hai thế kỷ.

 

 

Tạp chí Văn học nước ngoài số 2, Hà Nội, tháng 3&4-2005.

 



[1] Theo sự phân loại của G. L. Nefaghina trong Văn xuôi Nga nửa cuối những năm 80 - đầu những năm 90 thế kỷ XX (tiếng Nga). Nxb Ekonompress, Minsk, 1998.

[2] Xem thêm: A. Nemzer, Văn học hôm nay. Về văn xuôi Nga những năm 90. NXB Novoe Literaturnoe Obozrenie, Moskva, 1998.

[3] I. Skoropanova, Văn học hậu hiện đại Nga, NXB Flinta – Nauka, Moskva, 1999, tr. 9.

[4] V. Khalizev, Lý luận văn học, NXB Vyshaja Shkola, Moskva, 1999.

[5] T. Kasatkina (chủ biên), Nghiên cứu văn học như một vấn đề, NXB Nasledie IMLI, Moskva, 2001.

[6] F. Kuznetsov, Những người giữ cho lửa cháy (Đào Tuấn Ảnh dịch), Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5 – 2002, t. 83.

[7] Yu. Borev, Lý luận văn học tập IV. Tiến trình văn học, NXB Nasledie IMLI, Moskva, 2001.

[8] I, Ilin & E. Tzurganova (chủ biên), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

[9] A. Revjakina (chủ biên), Khoa học về văn học trong thế kỷ XX (lịch sử, phương pháp luận, tiến trình văn học), NXB INION, Moskva, 2001.

[10] Những định hướng nghệ thuật trong văn học nước ngoài thế kỷ XX, NXB IMLI, Moskva, 2002.

[11] A. Sokolov: Văn học Nga hiện nay (một số nhận xét chủ quan) (Ngân Xuyên dịch), Tạp chí Văn học số 3, Hà Nội, tháng 3-2001, t. 79. Phó giáo sư, tiến sĩ A. Sokolov hiện làm việc tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga và Viện các nước Á Phi thuộc Trường Đại học quốc gia Moskva, là người đã nhiệt tình gửi tặng chúng tôi tất cả những tài liệu được sử dụng trong bài viết này. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

[12] F. Kuznetsov, Bđd, tr. 84.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62435476
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5152
10098
62435476

Thành viên trực tuyến

Đang có 315 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website