Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn (NXB Thanh Niên, 2006) là cuốn sách biên khảo thứ 7 vừa ra mắt bạn đọc của Vu Gia và là công trình thứ 5 của ông về Tự Lực văn đoàn.
Trong bản thảo lần đầu, cuốn sách này có tên là Trần Tiêu – Nhà văn nông thôn. Nhà văn nông thôn thì văn học thời kỳ 1930-1945 không thiếu nhưng nhà văn nông thôn đích thực, “tham dự vào những vui buồn của người nông dân ở quê nhà” (t.33) và biết cách diễn đạt những nỗi niềm của họ theo tôn chỉ của một văn phái lâu nay vẫn được xem là thuộc khuynh hướng lãng mạn, như Trần Tiêu, thì quả là đặc biệt.
Chỉ nhan đề những tác phẩm, như Con trâu, Sau luỹ tre, Truyện quê… cũng đủ nói lên điều đó. Hình như Nhất Linh, Khái Hưng và cả Thạch Lam không bao giờ đặt tên tác phẩm như thế. Cũng như Vu Gia, chúng tôi chia sẻ ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu xem Trần Tiêu là nhà văn hiện thực và có thể xếp tác phẩm của ông vào loại hình “chủ nghĩa hiện thực phong hoá”.
Trong ý nghĩa đó, về quan niệm văn học, Trần Tiêu gần với Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư… hơn là với người anh Khái Hưng tài hoa của mình. Tác giả cuốn sách này đã khẳng định một cách thuyết phục những đóng góp riêng của Trần Tiêu, với tư cách một nhà văn xuôi, trên các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, truyện loài vật mà cốt cách ngòi bút bộc lộ rõ nhất qua việc miêu tả phong tục ở thôn quê.
Đọc Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn, ta có thêm cứ liệu để suy nghĩ về ý hướng xây dựng văn học của Tự Lực văn đoàn. Dù ta không bằng lòng với họ trong thái độ thiên kiến với một vài nhà văn đương thời như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn, ta vẫn phải ghi nhận rằng, qua giải thưởng văn học và hoạt động của các báo Phong hoá, Ngày nay cũng như nhà xuất bản Đời nay, họ đã làm được nhiều việc để ủng hộ và cổ vũ những tài năng văn học không rập khuôn mà Trần Tiêu là trường hợp tiêu biểu.
Cũng như những công trình biên khảo trước đây của Vu Gia, cuốn sách này cho thấy tác giả bao giờ cũng lập luận dựa trên những tư liệu văn học đã sưu tầm và chọn lọc với nhiều dụng công. Thỉnh thoảng, nhiệt tình của nhà nghiên cứu dẫn đến giọng văn tranh luận của một nhà phê bình có thể làm khó chịu những bạn đọc ưa thích sự trầm tĩnh. Nhưng, suy cho cùng, điều đó cũng xuất phát từ khát vọng đi tìm chân lý và hình như nó đã trở thành nét riêng trong ngòi bút một người đồng hương của Phan Khôi – mà sự nghiệp đã là đối tượng khảo sát cho một công trình nghiên cứu dày dạn khác của Vu Gia.
Sau những công trình về Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, cuốn sách về Trần Tiêu này hoàn thành chặng đường 15 năm lao động miệt mài mà tác giả dành cho bộ sách về 5 tác gia văn xuôi của Tự Lực văn đoàn. Có thể nói, cho đến nay, Vu Gia là nhà nghiên cứu viết nhiều nhất và kỹ nhất về văn đoàn này. Tôi tin rằng tài liệu thư tịch và tư liệu điền dã mà ông thu thập được, cùng với quá trình suy ngẫm về Tự Lực văn đoàn là điều kiện thuận lợi để ông tiếp tục nghiên cứu về các nhà thơ – thành viên còn lại: Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu. Và tôi nghĩ, thời gian cũng đã chín muồi cho một công trình tổng kết về toàn bộ văn đoàn này, qua đó Vu Gia có thể khái quát những đóng góp và rút ra những bài học có tính quy luật mà Tự Lực văn đoàn để lại cho lịch sử văn học dân tộc.
Chỉ nhan đề những tác phẩm, như Con trâu, Sau luỹ tre, Truyện quê… cũng đủ nói lên điều đó. Hình như Nhất Linh, Khái Hưng và cả Thạch Lam không bao giờ đặt tên tác phẩm như thế. Cũng như Vu Gia, chúng tôi chia sẻ ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu xem Trần Tiêu là nhà văn hiện thực và có thể xếp tác phẩm của ông vào loại hình “chủ nghĩa hiện thực phong hoá”.
Trong ý nghĩa đó, về quan niệm văn học, Trần Tiêu gần với Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư… hơn là với người anh Khái Hưng tài hoa của mình. Tác giả cuốn sách này đã khẳng định một cách thuyết phục những đóng góp riêng của Trần Tiêu, với tư cách một nhà văn xuôi, trên các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, truyện loài vật mà cốt cách ngòi bút bộc lộ rõ nhất qua việc miêu tả phong tục ở thôn quê.
Đọc Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn, ta có thêm cứ liệu để suy nghĩ về ý hướng xây dựng văn học của Tự Lực văn đoàn. Dù ta không bằng lòng với họ trong thái độ thiên kiến với một vài nhà văn đương thời như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn, ta vẫn phải ghi nhận rằng, qua giải thưởng văn học và hoạt động của các báo Phong hoá, Ngày nay cũng như nhà xuất bản Đời nay, họ đã làm được nhiều việc để ủng hộ và cổ vũ những tài năng văn học không rập khuôn mà Trần Tiêu là trường hợp tiêu biểu.
Cũng như những công trình biên khảo trước đây của Vu Gia, cuốn sách này cho thấy tác giả bao giờ cũng lập luận dựa trên những tư liệu văn học đã sưu tầm và chọn lọc với nhiều dụng công. Thỉnh thoảng, nhiệt tình của nhà nghiên cứu dẫn đến giọng văn tranh luận của một nhà phê bình có thể làm khó chịu những bạn đọc ưa thích sự trầm tĩnh. Nhưng, suy cho cùng, điều đó cũng xuất phát từ khát vọng đi tìm chân lý và hình như nó đã trở thành nét riêng trong ngòi bút một người đồng hương của Phan Khôi – mà sự nghiệp đã là đối tượng khảo sát cho một công trình nghiên cứu dày dạn khác của Vu Gia.
Sau những công trình về Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, cuốn sách về Trần Tiêu này hoàn thành chặng đường 15 năm lao động miệt mài mà tác giả dành cho bộ sách về 5 tác gia văn xuôi của Tự Lực văn đoàn. Có thể nói, cho đến nay, Vu Gia là nhà nghiên cứu viết nhiều nhất và kỹ nhất về văn đoàn này. Tôi tin rằng tài liệu thư tịch và tư liệu điền dã mà ông thu thập được, cùng với quá trình suy ngẫm về Tự Lực văn đoàn là điều kiện thuận lợi để ông tiếp tục nghiên cứu về các nhà thơ – thành viên còn lại: Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu. Và tôi nghĩ, thời gian cũng đã chín muồi cho một công trình tổng kết về toàn bộ văn đoàn này, qua đó Vu Gia có thể khái quát những đóng góp và rút ra những bài học có tính quy luật mà Tự Lực văn đoàn để lại cho lịch sử văn học dân tộc.