CHỮ QUỐC NGỮ: Từ dạy chữ, ngôn ngữ báo chí đến ngôn ngữ văn xuôi mới nửa đầu thế kỷ XX

1-     Đến nay, cương vị của chữ Quốc ngữ trong văn hóa nước nhà không có gì phải nói nữa. Thế nhưng để có được cương vị như vậy, chữ ta đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn mới cập bến.

 Nửa đầu thế kỷ XX là một giai đoạn có tính quyết định để chữ Quốc ngữ bám chặt và ăn sâu vào văn hóa Việt.

 Bài này sẽ nói về chữ Quốc ngữ từ giáo dục và ngôn ngữ báo chí mà đi đến ngôn ngữ văn xuôi mới tiếng Việt trong non nửa thế kỷ XX.

2-     Từ thế kỷ XVII, khi việc truyền giáo mớ rộng ở nước ta, trong tiếng Việt manh nha kiểu văn xuôi mới, lưu hành phổ biến qua các văn bản của giáo hội Thiên chúa giáo bằng chữ Quốc ngữ. Cú pháp của loại văn xuôi này có khác so với cú pháp khẩu ngữ cùng thời. Đặc điểm nối bật là sự hình thành câu văn viết kiểu mới, mô phỏng lối diễn đạt mệnh đề của ngôn ngữ Latin. Tuy nhiên chúng, một mặt, mang màu sắc khẩu ngữ, và một mặt khác, theo lối “phức cú”, viết câu dài, cấu tạo phức tạp, dùng rất nhiều liên từ để nối các phần phụ. Nó thể hiện sự tiếp xúc buổi ban đầu của cú pháp tiếng Việt với cú pháp của các ngôn ngữ Ấn – Âu và  sự dao động giữa ngữ pháp khẩu ngữ và một lối viết mới đang hình thành. Tác phẩm “Truyện thầy Lazaro Phiền” (32 trang) của Nguyễn Trọng Quản (1887) là một sáng tác văn học (truyện ngắn) đầu tiên thuộc thể loại văn xuôi mới, nhưng cú pháp của truyện này vẫn thuộc về lối hành văn thường thấy trong các văn bản giao dịch (nôm và quốc ngữ) của Giáo hội Thiên chúa giáo. Chúng ta có thể thấy ngữ pháp câu trong các tác phẩm khá ví dụ Như Tây nhật trình (1889), Truyện giải buồn (1888),… tuy không còn kiểu văn xuôi trong Truyền kỳ mạn lục giải âm, ngôn ngữ không tỉa tót đăng đối nhưng  lại rất nôm na, dài dòng khiến ngày nay xem lại thấy rất cổ. Điều đó cũng có nghĩa là văn xuôi mới trước thềm thế kỷ 20 đang bắt đầu đổi mới, tuy nhiên còn khá thô sơ. Sự đổi mới thật sự chỉ có được khi báo chí chữ quốc ngữ phát triển ( trước hết ở Nam kỳ). Hiện tượng ngữ pháp mới của một giai đoạn rất cụ thể ấy còn để lại dấu ấn ngôn ngữ báo chí thời đầu như là Gia định báo, Thông loại khóa trình, Nông cổ mín đàm,… Tuy nhiên cũng phải thấy đây là một thời kỳ chuyển tiếp của ngữ pháp văn xuôi  trên văn bản: Vốn  chuyển từ ngữ pháp của một văn tự không có dấu ngắt  câu sang một loại ngữ pháp diễn đạt lôgíc, diễn đạt theo kiểu liên kết mệnh đề. Tuy còn ở trạng thái  hoang sơ nhưng chính nó đã làm tiền đề rất quan trọng cho việc hiện đại hóa câu văn sau này ( nửa đầu thế kỷ 20). Ngôn ngữ trong văn xuôi quốc ngữ là sản phẩm của một tiếp xúc ngôn ngữ, chưa thể coi là hình ảnh đặc trưng cho toàn bộ ngữ pháp tiếng Việt mà đặc trưng cho một phương diện của tiếng Việt, tức là  mới chỉ trên phương diện văn bản và nó sẽ chấm dứt khi bước sang thế kỷ 20, khi mà ngôn ngữ báo chí rồi ngôn ngữ văn học phát triển nhanh, có những cải cách lớn, đặc biệt từ sau khi có phong trào Âu hóa trong văn chương nghệ thuật nửa đầu thế kỷ 20.            

           Ngữ pháp logic vốn quen với chất liệu châu Âu bắt đầu có giá trị trong tiếng Việt, tuy lúc đầu, như đã nói, còn sống sượng, vụng về thô thiển trong văn xuôi nhưng trên nguyên tắc, văn chữ Quốc ngữ đã mở ra một lối diễn đạt mới, có tương lai và có năng lực hiện đại hóa. Đó là tiền đề ngôn ngữ để phát triển về sau khi ba dòng chảy là ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ văn chương mới và ngôn ngữ thơ được hợp lưu trong quá trình hiện đại hóa. Khi người Pháp đặt chân lên Nam kỳ (1862) thì họ đã có ý thức đem văn hóa Pháp vào Việt Nam và văn hóa Pháp vào Việt Nam bao gồm cả ngôn ngữ. Điều quan trọng giờ đây trong tiếp xúc  là người ta không nhất thiết đi qua kênh truyền giáo nữa mà sự tiếp xúc với tiếng Pháp trở nên trực tiếp. Việc mở trường học, việc xuất bản những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ (Gia định báo, 1865) rồi một loạt những sáng tác văn học, khảo cứu của các học giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản,… việc dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trở nên cần thiết ( nhất là dịch thuật trực tiếp từ tiếng Pháp sang tiếng Việt) . Các kết cấu ngữ pháp tiếng Pháp cần phải diễn giải chính xác và trực tiếp sang tiếng Việt đã là nhu cầu thực tế, vì vậy cho nên những phiên dịch viên tiếng Việt đã tìm mọi cách để nội địa hóa, bắc cái cầu cho các cấu trúc ngữ pháp  mới trên chất liệu tiếng Việt.

              Chính đây là  một động lực lớn làm biến đổi ngữ pháp tiếng Việt vào cận cuối thế kỷ 19. Ở đây còn có tiếp sức  từ Tân thư và thay vì cổ văn là sự lên ngôi của Văn bạch thoại trong Hán ngữ. Ảnh hưởng của ngữ pháp Bạch thoại qua trước tác Tân thư đã có tác động lớn đến giới thức giả người Việt, và trước đó, bạch thoại cũng đã chịu ảnh hưởng của lối diễn đạt ngữ pháp châu Âu.

3-Sự biến đổi thật sự của ngữ pháp văn xuôi chữ Quốc ngữ phải đợi đến đầu thế kỷ XX với các lý do ngôn ngữ và lý do xã hội:

         a) Sự tiếp xúc mạnh mẽ giữa tiếng Việt và tiêng Pháp qua sách báo, tác phẩm văn học, dịch thuật, giáo dục đào tạo và ngôn ngữ hành chính.

         b) Việc bãi bỏ giảng dạy và thi cử chữ Hán, việc truyền bá chữ Quốc ngữ.

         c) Sự ra đời của ngôn ngữ báo chí Quốc ngữ tiếng Việt trong đời sống và trong các hoạt động tuyên truyển cách mạng.

         d) Sự manh nha của khuynh hướng sáng tác văn học theo hướng Âu hoá và các cải cách văn chương chữ Quốc ngữ theo hướng tự do hoá.

Như đã nói, chữ Quốc ngữ tuy được các giáo sĩ chế tác từ thế kỷ XVII, được đưa vào sử dụng thoạt tiên là trong các giao dịch của giáo hội Thiên chúa. Nhưng chữ Quốc ngữ cũng bị nhà nước phong kiến cấm đoán vì liên quan đến việc truyền đạo và trái với chính sách vàn hoá do vậy, nó chưa bao giờ có được cương vị danh chính trong đời sống văn hoá- xã hội.

4-Cuộc Pháp xâm, mà theo đó là việc khai thác thuộc địa và truyền bá văn hoá Pháp mới là mục tiêu, đã không ưu tiên cho chữ Quốc ngữ. Việc dùng văn tự này chỉ dừng lại ở một nhu cầu bắt buộc và xếp thứ hạng “tiểu ngạch”. Những giờ học tiếng An Nam chỉ như những giờ học ngoại ngữ phi thông dụng ngay trên mảnh đất bản ngữ.

Tuy nhiên, với công dụng tích cực của nó và tư duy mới của những người yêu nước Việt Nam, chữ Quốc ngữ dần dần được truyền bá và có tác dụng xã hội ngày một mơ rộng tuy buổi đầu chỉ mang tính tự phát.

Phải thấy đây là một thời kỳ chuyển tiếp của ngữ pháp văn xuôi  trên văn bản: Vốn  chuyển từ ngữ pháp của một văn tự không có dấu ngắt  câu sang một loại ngữ pháp diễn đạt lôgíc, diễn đạt theo kiểu liên kết mệnh đề. Tuy còn ở trạng thái  hoang sơ nhưng chính nó đã làm tiền đề rất quan trọng cho việc hiện đại hóa câu văn sau này ( nửa đầu thế kỷ 20).Việc học chữ Quốc ngữ, cũng tức là việc dùng tiếng Việt một cách hạn chế trong nhà trường, mới được nới rộng dần với kế hoạch cải cách giáo dục của Toàn quyền Bộ năm 1906. Nghị định ngày 16/5/1906 thiết lập ở mỗi xứ Đông dương một Hội đồng giáo dục bản xứ. Hệ thống-trường Pháp - Việt bắt đầu được xây dựng ở các tỉnh và được kiện toàn ở Nam Bộ. Năm 1917 Pháp ký ban bố bộ “Quy tắc chung về học chính” (Règlement général de 1 Instruction publique) làm cơ sở cho hệ thông giáo dục mới ở Đông dương, trong đó có việc dạy tiếng An Nam hạn chế ở các trường Pháp-Việt.

         Nhìn vào lịch sử, lần đầu tiên chữ Việt (Quốc ngữ) được sử dụng trong giáo dục.Trong nhiều thế kỷ trước chữ Việt cổ được dùng để sáng tác văn chương Nôm, để ngâm vịnh, nhưng chưa bao giờ được chính thức giảng dạy tại các trường học. Việc dạy tiếng qua chữ Quốc ngữ có thể coi là một chuyển biến lớn trong việc mở rộng chức năng xã hội của tiếng Việt. Việc mở rộng này như trên đã nói, gắn liền với việc phổ biên chữ Quốc ngữ, và công việc này thành công một cách nhanh chóng do chỗ một chủ trương của thực dân Pháp đưa ra lại bị văn hoá Việt Nam "tương kế, tựu kể" sử dụng để phát triển. Rõ ràng là ý đồ của hai phía vốn hoàn toàn trái ngược nhau.

Chủ trương của Pháp là dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Hán để kéo người Việt ra khỏi quỹ đạo và ảnh hưởng lâu đời của Hán học, đoạn tuyệt với quá khứ, sớm được Âu hoá, đảm bảo thuận lợi cho việc cai trị của Pháp ở xứ này. Chẳng bao lâu sau người Việt nhận ra cần có một phương tiện để giáo dục quần chúng đưa đất nước tiến lên. Do đó, ta cũng chủ trương tích cực học chữ Quốc ngữ. Các sỹ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân, với Đông Kinh Nghĩa Thục, chủ trương học chữ Quốc ngữ để nâng cao dân trí. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc chủ trương “truyền bá chữ Quốc ngữ” đế phổ biến tư tưởng cách mạng. Vấn đề nêu lên tuy là chữ Quốc ngữ nhưng thực chất là việc dùng tiếng Việt để giáo dục quần chúng, phố biến kiến thức hoặc tư tưởng yêu nước, chính trị. Đến lúc Pháp nhận ra được vấn đề thì cũng đã muộn màng.

         Thông qua việc tìm hiểu chương trình và các nghị định của chính quyền Pháp, kết quả cho thấy đã tồn tại được ba hệ thống dạy học, hệ Hán học, dạy chữ Quốc ngữ và chữ Hán, bao gồm các trường làng ỏ các tổng, huyện, hệ thống trường Pháp - Việt, gồm các trường ở tỉnh, thành phố, vừa học tiếng Việt và tiếng Pháp, hệ thống trường Pháp chỉ dạy tiếng Pháp, ở các thành phố lớn. Dần dần hệ thống đầu được bãi bỏ. Tiếng Việt chỉ được dạy trong các trường Pháp - Việt và chủ yếu ở tiểu học. Ở sơ trung học dạy cả Việt lẫn Pháp nhưng nặng nề về tiếng Pháp. Trung học chủ yếu dạy bằng tiếng Pháp, số giờ dành cho tiếng Việt chỉ như cho một ngoại ngữ.

         Từ một phương diện khác, đó là nghiên cứu các tài liệu giáo khoa, người ta cũng biết được tình hình dạy tiếng Việt trong nhà trường Pháp - Việt ở các cấp. Những sách giáo khoa trước cách mạng còn lưu giữ trong Thư viện Quốc gia hiện nay, còn khoảng hơn 250 đầu sách. Nếu kể cả các nguồn khác nữa, số đầu sách lên tới 281, có thể xếp thành 12 loại. Hầu hết là sách dùng cho tiểu học, bao gồm cả các môn như toán, sử, địa nhưng nhiều hơn cả là sách tập đọc. Có một số sách dạy ngữ pháp, tập làm văn và ở sơ trung học, trung học có Việt Nam thi văn hợp tuyển, Quốc văn trích diễm và Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Bên cạnh những sách chính khoá dùng trong nhà trường là hàng loạt sách Học vần, của nhiều tác giả, với nhiều phương pháp khác nhau.

Những cứ liệu này đã xác minh quan điểm về việc dạy chữ Quốc ngữ trong nhà trường theo chủ trương của chính quyển Pháp. Người Pháp chỉ muốn dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Hán để dùng trong chừng mực nhất định, trong phạm vi hành chính, chứ không dùng tiếng Việt thật sự trong toàn bộ nền giáo dục. Mục đích của giáo dục chỉ là đào tạo, ở mức vừa đủ, đội ngũ viên chức cho chính quyền thực dân. Họ bắt buộc học sinh hết trung học là phải đọc thông viết thạo tiếng Pháp.

Có thể đi đến nhận xét rằng:

         a) Nửa đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ ghi tiếng Việt đã thực sự bước vào nhà trường, song mới chỉ dừng lại ở bậc tiểu học là chính. Dù sao, đây cũng là một chuyển biến rất quan trọng, xét về chức năng xã hội của tiếng Việt.

       b) Tiếng Việt bước đầu đã được trau dồi, nhờ nhà trường có các tài liệu và những giờ văn phạm, tập làm văn bằng Quốc ngữ. Trong những thế kỷ trước, người Việt vẫn nói, viết tiếng Việt, nhưng chưa bao giờ có lối phân tích mệnh đề ra thành phần câu, và được luyện tập một cách có ý thức.

         c) Tiếng Việt dạy trong nhà trường, một cách gián tiếp, đã góp phần hoàn thiện thêm một bước tiếng Việt văn học trên đường hiện đại hoá. Giờ văn học Việt Xam và tiếng Việt ở các lớp tiểu học, trung học, tuy ít, song đã khơi dậy ở người học lòng yêu mến văn học Việt Nam, và từ đó sản sinh ra không ít nhà văn, nhà thơ. Chính thế hệ mới đã làm cho tiếng Việt từ trở thành trau chuốt.

      d) Tiếng Việt đã được thử nghiệm, trong việc truyền đạt khoa học kỹ thuật.

         Tiếng Việt tuy bị tiếng Pháp chèn ép nhưng cũng đã chịu một ảnh hưởng tích cực nhất định từ các tiếp xúc. Những người theo các trường Pháp- Việt sau này khi ra trường trở thành nhà thơ, nhà văn, trong khi sáng tác đã chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp trong các lối dùng từ, đặt câu. Sự tiếp xúc đó đã góp phần làm cho ngữ pháp tiếng Việt có những cái mới, theo đó văn viết có chiều hướng rõ ràng, mạch lạc hơn, trong sáng hơn.

       5- Tiếng Việt trong sự phát triển thông tin đại chúng

Tiếng Việt và các dịch vụ thông tin  báo chí chữ Quốc ngữ là một chức năng mới của ngôn ngữ này mà trong nhiều thế kỷ trước chưa có.

Vào đầu thế kỷ 20, ở nước ta đã có bước đi ban đầu của ngôn ngữ báo chí. Sự lớn mạnh dần của báo chí tỏ ra rằng tiếng Việt ngày càng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp truyền thông. Các nghiên cứu đã thốg kê được tất cả 301 đầu báo hoặc tạp chí ở cả 3 kỳ, sắp xếp theo thứ tự thời gian, dựng nên được một biểu đồ. Từ 1900 đến 1945 đường cong biểu diễn trên đồ thị cho thấy những năm 1920, 1930, cho đến 1945 là những năm báo chí phát triển nhất. Điều này cũng phù hợp với những biến chuyển chính trị xã hội ở nước ta, và lịch sử phát triển của báo chí được chia thành 3 giai đoạn không phải là không có cơ sở.

Hai thập kỷ đầu (1900 - 1920) cho thấy hồi đầu thế kỷ báo chí Việt còn sơ khai, có tờ báo như Nhật báo Tỉnh (1905 ở Nam kỳ) chỉ là bản dịch của một tờ báo Pháp, hoặc những tờ báo vừa in bằng chữ Quốc ngữ, vừa in bằng chữ Hán như Đại Việt Tân báo (1905), hoặc Đăng cổ từng báo (1907). Điều đó phản ánh mối tương quan giữa chữ Quốc ngữ và chữ Hán, và tiếng Việt chưa chiếm lĩnh được hoàn toàn trận địa báo chí. Song từ 1913 và 1918 tình hình đã khác, đó là thời gian tồn tại của Đông dương tạp chí (do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút). Trước nó và song song với nó còn nhiều tờ báo khác, nhưng nổi trội hơn cả trong giai đoạn này chỉ là hai tờ báo Đông dương tạp chí và Nam phong tạp chí (1917, do Phạm Quỳnh sáng lập)). Tản Đà cũng là một người tham gia tích cực vào sự nghiệp báo chí mới.

Trong 5 năm hoạt động Đông dương tạp chí đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan cho nền văn học nước nhà. Tiếng Việt với ngôn ngữ viết đã có mạch lạc, trôi chảy. Có thể nói đây là thời kỳ khởi đầu tốt đẹp của văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.

Nam Phong tạp chí ra đời, với nội dung phong phú trong việc nghiên cứu trên các lĩnh vực như triết học, văn học, lịch sử phương Tây, phương Đông, cổ học Việt Nam, chữ Hán, chữ Nôm, đã làm giàu cho tiếng Việt. Nhiều thuật ngữ mới xuất hiện, nhất là thuật ngữ xã hội và nhân văn học. Khả năng dịch thuật báo chí, văn học được nâng lên rõ rệt. Tiếng Việt thể hiện khả năng chuyển tải tốt và được hoàn thiện đáng kể.

     Giai đoạn 1920 - 1930 là giai đoạn phát triển của báo chí Việt Nam. Theo thống kê, số đầu báo công khai ở giai đoạn đầu là 21 thì ở giai đoạn thứ hai này đã lên tới 78.

Số báo chí này có thể chia ra hai loại: loại phi chính trị và loại báo chính trị. Mỗi loại đều bao gồm rất nhiều đầu báo khác nhau.

Trong số các báo thuộc loại đầu, đáng chú ý là báo Hữu Thanh do Tản Đà làm chủ bút (1921). Hà thành ngọ báo và báo Đông Tây do Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn chủ trương. Không nói đến văn thơ, đến ngôn từ do nhóm Tản Đà đem lại, mà điều đáng chú ý nữa là hai tờ báo sau đã đánh dấu một sự chuyển biến cơ bản của báo chí Việt Nam: hành văn mới, gọn gàng, ít dùng từ Hán, cách trình bày tân kỳ, hấp dẫn hơn hẳn các báo trước đây.

Thuộc loại báo chính trị là một số lượng báo khá lớn, gồm cả báo tiến bộ lẫn báo phản động. Có thể kể ra một số với những xu hướng khác nhau.

Rạng Đông tạp chí (của Trần Huy Liệu) nhằm phố biến những tư tưởng mới.

Kịch trường bình luận chính trị, công kích chính sách của Pháp ở Đông Dương ca tụng tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên.

Tân thế kỷ muốn phục hưng nền Quốc học, kính trọng các nhà ái quốc, khinh bỉ bọn tay sai bán nước.

Thần chung biểu lộ ý thức quốc gia dân tộc và tinh thần chông chính quyền thực dân.

Bên cạnh những báo trên có 2 tờ báo ngược dòng. Đó là:

+ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn với khuynh hướng chống cộng sản.

+ Bình phú tân văn, tờ báo chống cộng mạnh nhất.

Tuy vậy, số lượng những tờ báo như thế không nhiều.

Báo chí cách mạng xuất hiện và lần đầu tiên bước lên diễn đàn là sự kiện truyền thông quan trọng đó là vũ khí tuyên truyền cách mạng.

Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ Thanh niên (1925), tờ Công nông, Tổng công hội Bắc Kỳ cho ra tờ Lao động, Đông Dương Cộng sản cho ra tờ Hầm mỏ, Dân cày. Bài viết trên các báo này thường ngắn gọn, lời văn trong sáng, dễ hiểu.

Khái niệm báo chí cách mạng (BCCM) (1925 - 1945) được hiểu là các tài liệu thông tin tuyên truyền vận động cách mạng của phong trào cộng sản lưu hành bí mật và công khái từ khi xuất hiện Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đến khi Cách mạng tháng Tám thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nguồn tư liệu báo chí cách mạng cũng là nguồn khỏi đầu của ngôn ngữ văn học cách mạng với những sáng tác có mục đích tuyên truyền cho sự nghiệp yêu nước và cứu nước.

         1. Đặc điểm của ngôn ngữ báo chí thực ra là khá rộng, tuy nhiên, trong mối liên hệ với ngôn ngữ văn học nó có ba phương diện cần quan tâm:

         a) Các phân bố từ vựng.

         b) Diện mạo cú pháp qua cấu trúc câu và các lối nói.

         c) Phong cách ngôn ngữ trong đưa tin (thông tấn) và bình luận.

         2. Xét về bối cảnh ngôn ngữ và xã hội thì BCCM Việt Nam ra đời trùng hợp với thời điểm phát triển của báo chí chữ Quốc ngữ ở nước ta.

Tờ báo Thanh Niên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời ngày 12 tháng sáu, năm 1925 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo xuất bản đã thức tỉnh giới thanh niên yêu nước ở trong nước, gieo những tư tưởng vô sản đầu tiên vào phong trào cách mạng Việt Nam.

Có những nghịch lý xã hội của hoạt dộng báo chí Việt Nam trong giai đoạn này: Thứ nhất là mong muôn quảng bá tin tức thông tấn và các bình luận của báo chí công khai bằng Quốc ngữ trái ngược với việc hơn 90% dân ta mù chữ, tiếng Việt bị bài xích, bị giáng cấp bởi chính sách nô dịch của Pháp. Thứ hai là lý tưởng yêu nước và cách mạng triệt để cần phải được nhen nhóm, luồn lách trong quần chúng lao khổ qua báo chí cách mạng thì loại ngôn luận này bị cấm đoán ngặt nghèo.

         3. Giai đoạn 1930 - 1945 là giai đoạn báo chí Việt Nam trưởng thành về mọi mặt. Ý thức chính trị, văn học phát triển mạnh, kỹ thuật làm báo đã đạt được một bước tiến quan trọng, báo chí cách mạng xuất hiện nhiều. Nếu như số đầu báo đầu ở thời kỳ đầu chi là 21 thì ở thời kỳ này lên tới 209.

Phong hóa và Ngày nay là hai tờ báo có ảnh hưởng to lớn với xã hội, gắn với những cây bút nổi danh đương thời như nhóm Tự Lực văn đoàn với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ. Tiểu thuyết thứ Bảy, với truyện ngắn, truyện dài, Tri tân chuyên khảo về những vấn đề quá khứ, Thanh Nghị lại hướng về tương lai, chuyên nghiên cứu khoa học với nhóm học giả như Hoàng Xuân Hãn, nhóm có công lớn trong việc xây dựng cho nước nhà một hệ thuật ngữ. Tiếng Việt được thử thách và chính nhừng thử thách này mà nó lớn mạnh.

Tiếng Việt còn được dùng trong những báo chí chuyên ngành, như tờ Từ Bi Âm, Đuốc Chân lý, Đuốc Tuệ, Viên Âm ... về Phật giáo, Thánh kinh báo, Hy vọng và Thiên chúa giáo, và các tờ Y học tạp chí, Về nông báo, Nông -Công - thương, Bắc kỳ thể thao, Pháp luật cố vấn…

Khi Mặt trận bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp (1936), báo chí lại càng phát triển. Hàng loạt tờ báo xuất hiện như Tin tức, Cấp tiến, Quốc gia, Cờ giải phóng, Bình đẳng, Dân mới, Dân nguyên. Báo chí cách mạng thời kỳ đặc biệt phong phú: Tạp chí cờ đỏ, Tranh đấu, Cờ vô sản, Tạp chí Cộng sản v.v…

Không thể liệt kê đầy đủ và phân tích ảnh hưỏng của từng tờ báo hoặc tạp chí, song một số đầu báo đầy đủ là cản cứ cho việc nhận định về việc sử dụng tiếng Việt trên báo chí. Nó đã được dùng để truyền đạt, thảo luận đủ các vấn đề trên khắp các lĩnh vực khác nhau. Chính trong quá trình này tiếng Việt đã được trau dồi tích cực, ngôn ngữ văn học được hoàn thiện.

Trong báo chí bên cạnh những bài khảo cứu, nội dung chính vẫn là những thông tin, phản ánh những vấn đề thời sự. Tiếng Việt được sử dụng trong thông tin - tức báo chí - và trong sáng tác văn học. Có một thể loại trung gian giữa báo chí và văn học, đó là phóng sự. Nói đến báo chí mà không nói đến thể ký báo chí mà tiêu biểu là phóng sự sẽ là một thiếu sót. Ký báo chí, trong chức năng xã hội, đã kịp thời phản ánh hiện thực với những vấn đề nóng bỏng của xã hội, nhất là cuộc sông lầm than của những người lao động nghèo khổ. Tuy nhiên, ngôn ngữ của ký báo chí không phải là ngôn ngữ thông tấn, nó tận dụng những ưu thế của lối diễn đạt văn chương để thực hiện các phán ánh.

     6- Tiếng Việt với quảng cáo báo chí

Tìm hiểu tiếng Việt trên ngôn ngữ báo chí, chúng ta còn phải nói tới một thể loại đặc thù của báo chí, với chức năng tiếp thị, một hình thức thông tin nữa rất đáng quan tâm là ngôn ngữ Quảng cáo trên báo chí.

Trong Gia định báo mới có những lời rao, lời lẽ dài dòng cho những thông tin, ví dụ về việc bán nhà, việc tuyển thông ngôn, cho thuê, cho mướn,...

Đến Đông dương tạp chí (1914) tình hình đã khác. Phần quáng cáo đã được xếp vào trang riêng. Lời lẽ đã ngắn gọn hơn.

Các mặt hàng quảng cáo rất đa dạng, nhưng khá nhiều vẫn là sách báo. Sách được quảng cáo trên Trung Bắc chủ nhật năm 1942 tăng 85% so với 1941.

Ngoài ra là đủ các mặt hàng tiêu dùng từ giầy dép, hàng dệt, thuốc chữa bệnh (thuốc cũng rất nhiều).

Tuy nhiên, có một nhận xét khá rõ là trong tất cả các quang cáo thời kỳ đó, không giống ngày nay, người ta ít nói đến chất lượng, không nói đến thành tích để làm tăng thêm uy tín.

Tiếng Việt trong quảng cáo là khẩu ngữ có nhiều từ nước ngoài (không phiên âm mà ghi đúng tự dạng của tiếng Pháp, ví dụ: slip, maillo de bain, áo laine) có nhiều tên riêng nước ngoài, ví dụ: Bastos, mũ Impérial, đèn hiệu Coleman...

Như vậy, ta thấy tiếng Việt đã từng bước mở rộng chức năng xã hội. Nét dễ thấy nhất là trên ngôn ngữ báo chí. Tiếng Việt sử dụng trên báo chí không chỉ để chuyển tải những thông tin về kinh tế, các sự tình chính trị, xã hội xảy ra hàng ngày và những bình luận. Tiếng Việt cùng không chỉ trình bày những vấn đề về khoa học, triết lý, mà còn được dùng để mô tả thực trạng xã hội trong thể loại phóng sự và tiếp thị trong quáng cáo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là vào nửa đầu thế kỷ XX ngôn ngữ quảng cáo vẫn còn sự lẫn lộn giữa thông tin và quảng cáo.

Trong chức năng xã hội của tiếng Việt, có thế kết luận rằng tuy cuối thế kỷ XIX đã có báo chí, nhưng thực sự phải sang thế kỷ XX báo chí Việt Nam mới hình thành một kênh thông tin đại chúng cùng với sự phố biến chữ Quốc ngữ. Tiếng Việt đã được dùng trong báo chí với đủ thể loại. Những số liệu thông kê nói lên sự tăng trưởng của ngôn ngữ báo chí, sự lớn mạnh của phóng sự nhằm nói lên việc sử dụng tiếng Việt trong lĩnh vực này ngày càng đa diện. Chức năng xã hội của truyền thông mở rộng ra ngoài phạm vi truyền thống và bước vào một phạm vi mới, chưa từng tồn tại ở nước ta cho đến thế kỷ này Nó càng ngày càng được hoàn thiện, làm tiền đề cho việc kiến tạo một nên văn xuôi mới trong sáng tác nghệ thuật.

Khác với ngôn ngữ văn học (trong tiểu thuyết và các truyện ngắn), ngôn ngữ báo chí là công cụ truyền thông trực tiếp, nó gần gũi và phản ánh thực tế xã hội và qua đó cũng phát triển để thích nghi với thời mình.

Cú pháp của ngôn ngữ báo chí qua thống kê trên Nam Phong tạp chí và Phụ nữ Tân văn, hai tờ báo ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, đã cho thấy cấu trúc của văn xuôi đã hoàn toàn chuyển sang một giai đoạn mới. Chúng tôi có nhận xét là tỷ lệ các câu đơn, câu ngắn trong văn bản tăng lên và ổn định, các câu dài với nhiều liên từ phụ thuộc giảm hẳn đi, thay vì những cái khung khuôn sáo là cách tổ chức cú pháp có phần tự do về trật tự từ, về các thành phần phụ. Lối diễn đạt biền ngẫu phổ dụng trước đó nay được thay bằng lối diễn đạt mệnh đề các sự tình. Đặc biệt là các mệnh đề được, liên kết với nhau bằng mạch lạc (coherence) là một lối liên kết câu rất mới trong tiếng Việt. Nghĩa là, trên tổng thê, cú pháp văn viết đã được hiện đại hoá trong một khoảng thời gian không lâu. Nhìn lại, các mô hình cú pháp lúc đó gần với ngày nay hơn là với giai đoạn trước.

Cú pháp trong báo chí cách mạng còn có sự chuyên biến nhanh hơn nữa. Báo chí cách mạng tuy không được phát hành rộng rãi, hơn thế, còn bị cấm đoán, nhưng nó lại trực tiếp đến với quần chúng lao động với mục đích vận động, tuyên truyền cách mạng. Một thứ ngôn ngữ hướng đến quần chúng và vì quần chúng tất yếu sẽ phát triển rất nhanh và bám sát cuộc sống.

Các khảo sát đã xác nhận điều đó. Báo Thanh niên số 28 ra ngày 17/01/1926 đã có một tuyên ngôn vê ngôn ngữ: “Chúng tôi xin báo với độc giả của minh rằng chúng tôi bất chấp việc sử dụng những từ mĩ miều, văn phong lịch làm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đăng đối song hành, những sự tô vẽ văn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tôi cố gắng hết sức vì lợi ích của tất cả mọi ngươi, dùng một văn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1926) Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ, chắc có người chê rằng văn chương cụt cằn. Vâng! Đây nói việc gì thì rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả,... sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thi đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mạng”. Báo chí cách mạng ta đã từng bước thể hiện tư tưởng đó. Công trình của Trần Khuyến và Đoàn Đăng Khoa cho biết từ năm 1925 báo chí cách mạng (tiêu biểu là các tờ “Thanh niên”, “Thân ái”) đã có ngôn ngữ rất đặc sắc so với các báo đương thời. Các báo này đã thực hành một lối hành văn mới với các cấu trúc cú pháp rất đơn giản, chặt chẽ. Lúc đầu các bài viết còn phảng phất chất khẩu ngữ, nhưng dần dần, thay vào dó là những câu văn hiện đại, nhất là khi thể hiện tư duy lý luận. Một ví dụ: Mở đầu bài xã luận “Kỷ niệm 21 năm cách mạng Vô sản”, báo Dận chúng, số 28, (20/11/1938) đã viết: “Cuộc cách mạng tháng Mười là cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, là thời kỳ chủ nghĩa tư bản thối nát, thời kỳ xã hội chủ nghĩa bắt đầu phát triển" (trang 1). Đây là một câu theo hành văn hoàn toàn hiện đại, giống như ngày nay vậy. Và cách viết như thế đã rất phổ biến trong các tài liệu lý luận của cách mạng.

Có thể nhận xét mạnh bạo rằng ngày nay, so sánh lại mới thấy, chính ngôn ngữ báo chí tuyên truyền cách mạng đã đi trước một bước trong sự phát triển so với ngôn ngữ truyền thông đương thời. Văn phong của báo chí cách mạng đã được hiện đại hoá sớm gắn với mục đích vận động quần chúng. Đỉnh cao nhất của sự phát triển này là ngôn từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ Tịch (2/9/1945).

Khi nói đến sự phát triển ngôn ngữ văn xuôi của báo chí cách mạng không thể không nói đến công lao của người đặt nền móng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôn ngữ Hồ Chủ Tịch là đối tượng nghiên cứu của những công trình lớn và trên nhiều phương diện. Điều quan trọng là Bác Hồ đã chủ trương coi tiếng Việt là một công cụ sắc bén để vận động cách mạng. Với tiếng Việt. Người căn dặn: “Phải giữ gìn nó, quý trọng nó và làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp".

Sự khởi đầu của báo chí cách mạng trong thập kỷ hai mươi đã được Bác Hồ trực tiếp khơi xướng và chỉ đạo. Bác đã trực tiếp viết rất nhiều bài trên các báo “Thanh niên” (1925), “Thân ái” (1928) và đặc biệt là tác phẩm “Đường kách mệnh” (1926), nêu một tấm gương về lối hành văn mới, rất có ảnh hưởng đến cách diễn đạt của báo chí cách mạng sau này.

         Vấn đề nữa là cách tổ chức ngữ pháp trên câu. Trong báo chí công khai cách mạng, như đã nói, một mặt do tiếp xúc quốc tế, một mặt khác do nhu cầu truyền thông, đặc biệt là chủ đích tuyên truyền cách mạng, việc thay thế những câu dài bằng các câu viết ngắn là rất cần thiết. Từ đó xuất hiện một lô gích của sự biến đổi.

         a) Chuyển câu dài thành các câu ngắn thì phải ngắt những câu ấy ra thành nhiều câu, nhưng vẫn đảm bảo rằng giữa các câu vẫn có mối liên hệ.

         b) Dùng nhiều câu ngắn thì trật tự phải tự do hoá, theo đó, phải giảm mạnh việc dùng các liên từ.

         c) Muốn bảo toàn nghĩa tổng thể của chuỗi câu, thay vì các liên kết hình thức, thì phải có một chất keo mới giữa các câu, đó là liên kết nghĩa. Với (c), thay vì dùng các liên từ, một lối liên kết nghĩa đã được sử dụng: liên kết bằng mạch lạc (coherence). Dùng phép phân tích diễn ngôn, chúng ta nhận ra đặc điểm hết sức quan trọng này. Nhờ liên kết bằng mạch lạc, diện mạo câu văn xuôi đã hoàn toàn đổi mới theo hướng hiện đại hoá.

Liên kết bằng mach lạc có thể coi là một nét rất mới trong tổ chức ngôn ngữ của các diễn ngôn báo chí thời kỳ này. Nhờ các mạch lạc, lực ngôn trung (illocutionary force) của phát ngôn tổng thể được tăng cường, gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Ví dụ: “Cuộc tàn sát này (của Pháp ở Hưng Nguyên, Nghệ An, ĐVĐ), đã làm rung động cả xứ Đông Dương. Đã làm ảnh hưởng sâu xa vào quần chúng. Đã làm cho ức triệu người phải giác ngộ và cách mạng hoá” (Báo Chỉ đạo, xứ bộ Trung Kỳ, 17/8/1931)... “Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị. Chúng ta lấy lại đất nước ta từ trong tay Nhật chứ không phải trong tay Pháp” (Hồ Chủ Tịch, Tuyên ngôn Độc lập). Trong báo chí cách mạng, đã trở thành phổ biến một lối viết, trong đó các sự tình (statement) được thống nhất lại với nhau bằng các phát ngôn có cấu trúc Đề - Thuyết. Nhờ đó, mỗi phát ngôn vế đều rất hiển ngôn và được hiểu chính xác. Đến lượt các liên kết mạch lạc này lại thống nhất với nhau trong sự dẫn dắt của câu chủ đề đoạn văn khiến cho cái tổng thể cú pháp có cơ cấu rất chặt chẽ.

Việc báo chí cách mạng đã đi tiên phong trong việc phát triển sử dụng tiếng Việt đã cho thấy bất chấp chính sách ngôn ngữ của thực dân Pháp, ngôn ngữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã biến đổi theo hướng phong phú và phát triển nhanh cùng với ý thức dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Nó là cơ sở, là tiền để của sự phát triển hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ sau Cách mạng tháng Tám

 

     7- Quốc ngữ với sáng tác văn học

 Thế kỷ XX, với sự xuất hiện của một nền quôc văn mới trên chữ Quốc ngữ, diện mạo ngôn ngữ văn học đã có rất nhiều đổi thay. Tuy nhiên, trong khi xét khái quát những vấn để của tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX, cũng phải tính tới các sự kiện ngôn ngữ văn học như một bộ phận hợp thành của sự phát triển chung.

       1. Ngôn ngữ văn chương với các nhà văn

Đi đầu trong sự phát triển nền quốc văn mới là lớp nhà báo, sau đến các nhà văn hoá khảo cứu, rồi mới đến các nhà viết văn. Trong giai đoạn trước, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Trọng Kim,... đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc mở mang quốc văn mới trên chữ quốc ngữ. Các nhà văn như Tương Phố, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Ngọc Phách, đã khởi đầu cho lối viết văn bằng ngôn ngữ tự sự.

Sang thập kỷ ba mươi, các nhà văn có sự phân hoá thành các khuynh hướng trong tiếp cận và phản ánh xã hội. Tính khuynh hướng của nhà văn đã thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ của các bút pháp khác nhau. Nổi bật nhất là những người theo khuynh hướng hiện thực (tả chân) và khuynh hướng lãng mạn.

Với khuynh hướng hiện thực là sự mở đầu của Phạm Duy Tốn (Sống chết mặc bay) và sự tiếp nối của Nguyễn Công Hoan (Kép Tư Bền). Sau Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ hiện thực của một loạt nhà văn có tiếng Tam Lang (Tôi kéo xe), Trọng Lang (Hà Nội lầm than), Lan Khai (Lầm than), Vũ Trọng Phụng (Giông Tố, Số đỏ, Lục sì, Cơm thầy cơm cô,...), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Trần Tiêu (Con trâu), Ngô Tât Tô (Tắt đèn, Việc làng,...), Nam Cao (Đôi lứa xứng đôi), Nguyễn Đình Lạp (Ngoại ô, Ngõ hẻm), Mạnh Phú Tư (Sống nhờ),... Ngôn ngữ của các tiêu đề tác phẩm đã nói ngay tính khuynh hướng của nhà văn.

Với khuynh hướng lãng mạn là sự mở đầu của Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm, 1925) và sự tiếp nối của Tự lực Văn đoàn (từ 1932) và các nhà văn gần gũi. Cũng như khuynh hướng trước, tên của các tác phẩm văn học đã khiến ta liên hệ ngay đến tính khuynh hướng của các tác giả: Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Hai buổi chiều vàng, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió (Nhất Linh), Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Dọc đường gió bụi, Tiêu sơn tráng sĩ (Khái Hưng), Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn ( Thạch Lam),…

        a) Ngôn ngữ văn học qua các tác phẩm văn xuôi của Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài... và một loạt nhà văn viết văn xuôi trong Tự lực Văn đoàn,...

         b) Ngôn ngữ báo chí quốc ngữ qua các bài viết tiếng Việt của Nguyễn Ái Quốc (1920 - 1930), báo chí cách mạng (1925 - 1945), báo chí công khai đương thời (Đông dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phụ nữ Tân văn,...)

         8- Nói về cú pháp văn xuôi trong quốc văn mới

Cho đến nay “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách vẫn được coi là cuốn tiểu thuyết văn xuôi hiện đại đầu tiên của thế kỷ XX. Lối đi của Hoàng Ngọc Phách đã được các nhà văn ở thập kỷ 30 ủng hộ và phát triển rất mạnh mẽ. Trước đó và ngay cả đồng thời, lối hành văn biền ngẫu đối xứng là cả một sự gò bó, cú pháp bị đóng khuôn bởi những câu dài, còn cú pháp của các văn bản Thiên chúa giáo thì tuyệt đại bộ phận là sự hiện diện của câu phức.

Hồ Biểu Chánh là một đại biểu khác cùng thời. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách và Hổ Biểu Chánh có thể coi là một chứng tích đặc trưng cho ngôn ngữ văn xuôi ở những giai đoạn đầu, vì tiểu thuyết là một thể loại văn chương tổng hợp: dung lượng lớn, phong cách tụ do, đan xen nhiều quan hệ giữa các nhân vật, sự gắn bó nhân vật với môi trường xã hội, các hình thức ngôn ngữ xen kẽ giữa trần thuật, độc thoại, đối thoại..., nhờ đó có thể thấy:

         a) Ở giai đoạn này ngôn ngữ văn xuôi mới đã đặt được viên đá móng để thập kỷ sau có thể tiếp tục xây lên.

         b) Tuy nhiên, là sản phẩm của lúc giao thời, các kiếu cấu trúc trong văn phong “Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách còn khá nhiều ảnh hướng của lối viết văn biền ngẫu. Lối diễn đạt này cũng còn nhận thấy nó ở văn của Tản Đà, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn và một số tác giả đương thời.         c) Điểm đáng chú ý nhất là đối với văn xuôi mới, cấu trúc cú pháp tiếng Việt được nhanh chóng tự do hoá. Nó đã từng bước tạo áp lực nhất định đến sự biến đổi ngôn ngữ thơ ở thập ky tiếp theo, nhất là vối phong trào thơ mới nơi mà ở đó các khuôn sáo ngôn ngữ thơ cổ bị tháo dỡ  Ở thập kỷ ba mươi ngữ pháp văn xuôi đã được hiện đại hoá mạnh mẽ và để làm chứng, các nhà văn đã viết những câu kiểu mới mà trước đó chưa hề có trong văn xuôi, ví dụ: Thạch Lam đã viết:

-  “Các bà, nhất là bà Hai và mẹ Trường, nông nổi và bộp chộp”. (Ngày mới).

-  “Chàng thấy đói, một sự đói vô cùng như trong đời chàng chưa thấy bao giờ”. (Đói)

-  “Chàng sợ ăn cỗ, nhất là ăn cỗ ở nhà bà Hai”. (Ngày mới)

-  “Chiểu, chiều rồi! Một buổi chiều êm ả như nhung”. (Hai đứa trẻ)

 

           Giải thích các biến đổi ngữ pháp tiếng Việt trước thế kỷ 20, trong thời kỳ bắt đầu có tiếp xúc với phương tây, còn phải xuất phát từ mối quan hệ giữa ngôn ngữ với tư duy bản ngữ chứ không chỉ đơn thuần từ phương diện ngữ pháp. Các giải thích trước đây thường thiên về mô tả chuyển dịch ngôn ngữ học thuần túy. Bằng chứng là thường quy công cho các thông dịch viên. Sự thực là phải tính đến cả những tiếp nhận của người đọc. Chính họ đã từng bước quen với lối tư duy mới, với luận lý chặt chẽ, dứt khoát. Ngữ pháp chỉ là công cụ để diễn đạt những gì đang biến đổi trong ngôn ngữ Những gì xuất hiện trong ngữ pháp mới đều có hậu trường tư duy tức là cách thức phản ánh hiện thực của người bản ngữ đã thay đổi. Thông qua các tiếp xúc ngôn ngữ người bản ngữ thay đổi  tư duy và nội địa hóa nó bằng chất liệu tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập. Ở đây ngữ pháp xưa chuyển từ chỗ diễn đạt thiên tình thái và thiên phong cách sang lối diễn đạt có tính phân tích và có tính lôgíc, cách diễn đạt này đã dần thế chỗ cho lối đăng đối, tỉa tót , “tự hiểu” đã rất lâu có trong các ngôn ngữ đơn lập dùng chữ khối vuông trong các kiểu cổ văn. Những phép lặp, láy rất phổ biến trước đó tuy vẫn được tiếp tục nhưng  đang được bổ sung bằng lối tư duy ngôn ngữ mới với các phán đoán, diễn đạt nhờ các ngữ đoạn ngắn và cú pháp có đánh dấu. Tư duy lôgíc trong văn xuôi mới lại tìm cách diễn đạt sự tình một cách chính xác ( trong không gian, thời gian, định vị minh bạch,…) thông qua các ý nghĩa ngữ pháp kèm theo ( số ít/số nhiều trong danh từ hay ( ngôi, thời, thể, dạng, thức của động từ) phép so sánh đặc trưng theo thang  độ( hơn là mô tả chi tiết) ở tính từ. Ngữ pháp mệnh đề có khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, trong khi ngữ pháp truyền thống trước đây rất hạn chế ở phương diện này.

Sự biến đổi thật sự của ngữ pháp văn xuôi phải đợi đến đầu thế kỷ XX với các lý do ngôn ngữ và lý do xã hội:

         a) Sự tiếp xúc mạnh mẽ giữa tiếng Việt và tiếng Pháp qua sách báo, tác phẩm văn học, dịch thuật, giáo dục đào tạo và ngôn ngữ hành chính.

         b) Việc bãi bỏ giảng dạy và thi cử chữ Hán, việc truyền bá chữ Quốc ngữ.

         c) Sự ra đời của ngôn ngữ báo chí Quôc ngữ tiếng Việt trong đời sống và trong các hoạt động tuyên truyển cách mạng.

         d) Sự manh nha của khuynh hướng sáng tác văn học theo hướng Âu hoá và các cải cách văn chương theo hướng tự do hoá.

   9-Sau khi chiếm xong nước ta, để thiết lập trật tự mới trên thượng tầng, thực dân Pháp, trong chính sách của chúng, nhanh chóng tìm cách đẩy lùi để tiến tới gạt bỏ các ảnh hưởng của Trung hoa nhằm quảng bá văn hoá Pháp thế chỗ. Tuy nhiên, trong thực tế tình hình không hoàn toàn như vậy. Những gì diễn ra đầu thế kỷ XX cho thấy dân ta đã tận dụng cơ hội của chính sách này. Trong khi chèn ép, hạn chế ảnh hưởng của Trung hoa về văn hoá, Pháp đã tạo ra môt khoảng trống để Viêt Nam thoát ra khỏi quỹ đạo bảo thủ của hủ nho, tìm kiếm nhừng yếu tố mới. Trong khi Pháp chưa kip “bình định” văn hoá thì Việt Nam đã tranh thủ cơ hội để bắt tay kiến tạo nên quốc văn mới dù là theo cách tự phát nhưng rất có hiệu quả.

Ngôn ngữ văn học Việt Nam không thể phát triển được trong điều kiện chữ Hán (nho) giữ địa vị chủ đạo, khi lối khoa cử Nho học còn thống trị.

Phải có cơ hội mới thoát ra được. Và cơ hội đó cũng chỉ có được khi Pháp chưa kịp áp đặt nền Pháp học thực dân. Cùng với ngôn ngữ báo chí, văn xuôi mới và muộn hơn văn xuôi, trước sự đổi mới của ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ thi ca Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX cuối cùng cũng phải chuyển động theo hướng hiện đại hoá.

Chúng ta, trước tiên, cần tính đến lý do nội tại của nền báo chí và văn chương Quốc ngữ mới.

Ngôn ngữ báo chí ở nước ta  là thứ ngôn ngữ mới, là đầu máy kéo văn xuôi mới. Văn xuôi mới, trong khi mở rộng tầm hoạt động, đã tạo ra áp lực và khởi nguồn cho khuynh hướng tự do hoá ngôn ngữ thơ ca. Đó cũng là đường đi trong quá trình hiện đại hoá của ngôn ngữ văn học Việt Nam mới.

Cũng cần nói đến những nguyên nhân khác.

Trước hết nên thấy đây là một hiện tượng mang tính khu vực. Ở Trung Quốc, kể từ Tân thư, cũng có phong trào thơ mới, dùng bạch thoại thay văn ngôn, phá bỏ hình thức trói buộc cũ, sáng tạo hình thức mới mà người khởi xướng là Hồ Thích.

Thứ hai là tiếp xúc ngôn ngữ và văn hoá Pháp - Việt. Sau các ký giả là những nhà dịch thuật. Trong vài thập niên, những người biết tiếng Pháp đã đọc được một khối lượng lớn các tác phẩm văn học Pháp và châu Âu. Với những cảm hứng mới lạ, ông việc dịch thuật văn học được tiến hành và nhiều người đã tập làm thơ kiểu mới, khác xa thơ truyền thông ở ngôn ngữ và tính tự do. Một số nhà thơ trẻ đã chịu ảnh hưởng khá rõ thơ Pháp, họ mô phỏng đây đó nhưng có sáng tạo (Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc tử... về sau có cả Nguyễn Xuân Sanh).

Thứ ba là nguyên nhân xã hội. Bước sang thế kỷ XX có sự chuyển động lớn về kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam, từng bước đi vào con đường hiện đại hoá. Thơ ca Việt Nam cũng có nhu cầu hiện đại hoá. Sự đổi mới diễn ra ở nhiều cấp độ: đổi mới quan niệm thẩm mỹ, đổi mới về cách biểu hiện cuộc sống, biểu hiện tâm hồn thời đại. Viết văn trở thành một nghề.

Nguyên do khác nữa là văn thơ Việt Nam lúc này đã có phương tiện thuận lợi để phát triển. Dùng chữ Quốc ngữ để ghi tiếng Việt thì chữ Quốc ngữ vẫn dễ học, học nhanh biết hơn và đã được phổ biến mạnh mẽ, như đã nói, do ý đồ nô dịch của Pháp bị thất bại cũng như như do chủ trương của ta, những sĩ phu yêu nước và những người làm cách mạng giải phóng dân tộc trong ý thức về một nền văn hóa Việt Nam mới.

 

                                                            Tháng 6 năm 2015

 

Tài liệu tham khảo chính

1.     Đỗ Quang Chính,1972, Lịch sử chữ Quốc ngữ, Ra khơi, Sài Gòn.

2.     Phan Cự Đệ  ( Chủ biên), 2005,  Văn học Việt Nam Thế kỷ XX, NXB Giáo dục, HN.

3.     Nguyễn Hàm Dương, 1975, "Mấy vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt", TC Ngôn ngữ 1/1975.

4.     Đức Dũng, 1992, Các thể ký báo chí, NXB TT Hà Nội.

5.     Đinh Văn Đức, 2005, Các bài giảng Lịch sử tiếng Việt ( Thế kỷ XX), NXB ĐHQG Hà Nội.

6. Vũ Quang Hào, 2002, Ngôn ngữ báo chí, NXB ĐHQG Hà Nội.

7. Đinh Hường, Không rõ năm, Các bài giảng về các thể loại báo chí thông tấn, Khoa Báo chí ĐH KHXH NV ĐHQG HN.

8. Đinh Trọng Lạc, 1995, "Về phong cách báo", TC Ngôn ngữ số 4/1995.

9. Hoàng Tiến, 2003, Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20, NXB Thanh Niên.

10. Hoàng Tuệ, 2001, Tuyển tập Ngôn ngữ Học, NXB ĐHQG TP HCM.

11. Hoàng Xuân Việt, 2007,Tìm hiểu Lịch sử Chữ Quốc Ngữ, NXB Văn hóa Thông tin.  

Thông tin truy cập

60521083
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2576
10018
60521083

Thành viên trực tuyến

Đang có 166 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website