1. PGS. TS. Trần Thanh Ái (Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ): Từ vay mượn trong tiếng Việt và vấn đề chính tả. Một số kiến nghị.
Tóm tắt: Như dư luận đã và đang cảnh báo từ nhiều năm nay, tiếng Việt đang trong tình trạng lộn xộn, bát nháo trên nhiều phương diện. Điều này có thể được kiểm chứng qua việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các báo viết. Góp phần vào tình trạng đó có vấn đề chính tả của những từ vay mượn tạm thời và cả những từ vay mượn đã ổn định. Trong bài báo cáo này, tác giả sẽ trình bày kết quả khảo sát trên 6 tờ báo ra hàng tuần (3 xuất bản tại Hà Nội và 3 tại TP Hồ Chí Minh), và những vấn đề đặt ra cho việc xây dựng chuẩn chính tả thống nhất. Cuối bài báo cáo, tác giả sẽ trình bày một số giải pháp khả thi để lập lại trật tự trên mặt trận tiếng Việt.
2. CN. Trần Thị Thuý An (Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Thực trạng sử dụng dấu câu trên báo trực tuyến tiếng Việt và một số đề xuất.
Tóm tắt: Hiện nay, chính tả tiếng Việt đang còn là vấn đề gây tranh cãi và thiếu sự thống nhất cao độ. Tình hình lộn xộn trong chính tả tiếng Việt không chỉ thể hiện trên chữ viết mà còn xuất hiện ở cả phương diện dấu (marks). Vì vậy, trong tham luận “Thực trạng dấu câu trên báo trực tuyến tiếng Việt và một số đề xuất” tác giả sẽ đi vào trình bày kết quả tìm hiểu được về thực trạng sử dụng dấu câu trên một số tờ báo trực tuyến phổ biến hiện nay (Vnexpress.vn, dantri.com, vietnamnet…). Đồng thời dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được, tác giả sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá về thực trạng này và đóng góp ý kiến hướng tới thống nhất quy tắc sử dụng dấu câu trên báo trực tuyến tiếng Việt nói riêng và trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam nói chung.
3. CN. Bùi Quang Thục Anh (Hiện là HVCH chuyên ngành Ngôn ngữ học, Khoa VH&NN, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Về khả năng thống nhất cách phiên âm từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt – Kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Tóm tắt: Ngoài lớp từ gốc Hán có lịch sử lâu đời, khoảng 90% từ ngữ có nguồn gốc ngoại lai trong tiếng Hàn là mượn từ tiếng Anh và các từ này ngày càng tăng về số lượng. Trước thực trạng đó, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành quy định về cách phiên âm, giúp sách báo nước này đạt được độ thống nhất cao về chính tả của các từ ngữ ngoại lai. Cũng là một thứ chữ ghi âm (tiếng Việt sử dụng hệ thống chữ viết La-tinh, tiếng Hàn sử dụng hệ thống Hangul), tiếng Việt đang phải đối mặt với tình trạng lúng túng trong cách phiên âm và phát âm các từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài. Trên quan điểm ủng hộ việc phiên âm vì những ưu điểm nhất định của nó, người viết tiến hành nghiên cứu giải pháp mà Hàn Quốc đã áp dụng, qua đó đề xuất cách khả dĩ áp dụng cho tiếng Việt, góp phần thống nhất chính tả của các từ ngữ ngoại lai trên sách báo.
4. ThS. Trương Văn Ánh (Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): Vấn đề phiên âm tên riêng nước ngoài từ góc độ chính tả.
Tóm tắt: Hiện nay các phương tiện truyền thông đại chúng sử dụng các cách phiên âm tên riêng nước ngoài không thống nhất, thậm chí có những sai sót. Bài viết tóm lược những sai sót trong lĩnh vực này và đề xuất một số biện pháp khắc phục.
5. Kỹ sư Phạm Văn Bảy (Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh): Tiếng Việt trong thời đại thông tin: tiếp thu nhanh cái dở- chưa phát huy cái hay tiềm ẩn.
Tóm tắt: Chúng ta chỉ mới bước vào thời đại thông tin nhưng sớm chịu tác động tiêu cực trong lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt với tình trạng lộn xộn, lai căng đư kiểu. Không ít tiếng nói trong hội thảo, trên báo chí về tình trạng này nhưng vẫn chưa có sự thức tĩnh và chỉ đạo của tổ chức có thẩm quyền.
Thế thì cái hay của thời đại thông tin là thế nào và vì sao chưa phát huy? Tác giả, một người làm công nghệ thông tin lâu năm, sẽ vạch rõ những cách làm mới phù hợp với đặc tính của thời đại thì sẽ đem lại kết quả.
Tuy nhiên mọi phương hướng đúng đắn đều đòi hỏi phải có con người và tổ chức phù hợp.
6. PGS. TS. Hoàng Trọng Canh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh): Hiện trạng chính tả ở trường tiểu học và một số đề nghị về nội dung dạy học chính tả.
Tóm tắt: Dựa trên các kết quả khảo sát lỗi chính tả ở trường tiểu học, bài viết phân tích đánh giá và tìm nguyên nhân các loại lỗi, từ đó đề xuất một số nội dung dạy học chính tả nhằm hạn chế lỗi chính tả trong trường học hiện nay.
7. ThS. Nguyễn Đăng Châu (Khoa Ngữ văn, ĐHSP Đà Nẵng): Tính không tranh cãi của một pháp lệnh chính tả.
Tóm tắt:
1. Vì sao sau mấy chục năm kể từ khi nêu yêu cầu chuẩn hóa chính tả tiếng Việt, Nhà nước vẫn chưa ban hành pháp lệnh chuẩn chính tả?
2. Các lí do để có thể áp đặt chuẩn chính tả bằng pháp lệnh
2.1. Các trường hợp bất hợp lí "có lí" của chữ viết tiếng Việt
2.2. Thói quen có tính lịch sử của chữ viết tiếng Việt
2.3. Áp lực làm lệch chuẩn chính tả của hội thoại chat, tin nhắn và của tiếp xúc với tiếng Anh
3. Khuyến nghị về pháp lệnh chuẩn chính tả tiếng Việt
8. TS. Nguyễn Văn Chiến (Trường Đại học Hà Nội): Một số nét lịch sử cải cách chính tả ở nước ngoài và áp dụng kinh nghiệm ở Việt Nam.
Tóm tắt:
Hội nghị cải tiến Chữ Quốc Ngữ tổ chức tại Hà Nội vào tháng Chín năm 1960 đã tập trung bàn thào một số nguyên tắc cải tiến Chữ Quốc Ngữ như nhấn mạnh nguyên tắc ngữ âm học là nguyên tắc chính tả cơ bản, chọn cách phát âm của thủ đô Hà Nội làm cách phát âm tiêu chuẩn của tiếng Việt, tận dụng chữ cái La Tinh một cách hợp lí như dùng thêm một số chữ cái và một số vần mới, thực hiện từng bước việc viết liền từng từ v.v…
Những vấn đề này cho đến nay vẫn rất thời sự vì hiện đang có những yêu cầu mạnh mẽ về cải cách chính tả tiếng Việt. Hoàn cảnh như thế chính là lí do khiến chúng tôi thấy cần phải khảo sát những đặc điểm đặc trưng trong những cuộc cải cách chính tả trong một số ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Nga. Tiếp theo trong bản tham luận này là vài gợi ý về áp dụng kinh nghiệm tiếp thu từ các cuộc cải cách đó vào công cuộc cải cách tiếng Việt.
9. TS. Nguyễn Hữu Chương (Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Thực trạng viết hoa tên cơ quan tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
10. GS. TS. Nguyễn Đức Dân và CN. Nguyễn Thuỳ Nương (Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Chỉnh tả: chuẩn lý tưởng và chuẩn thực tế.
Tóm tắt: Có hai loại chuẩn: chuẩn lý tưởng và chuẩn thực tế.
Những qui tắc cho một chuẩn lý tưởng, ở mức độ thứ nhất là những qui tắc tuyệt đối đúng và tất nhiên được mọi người chấp nhận. Ở mức độ thứ hai, nếu không tuyệt đối đúng thì những qui tắc được mọi người chấp nhận cũng là chuẩn lý tưởng.
Những qui tắc cho một chuẩn thực tế là những qui tắc đúng cho hầu hết các trường hợp, trừ một số ít ngoại lệ, và được rất nhiều người chấp nhận.
Báo cáo chứng minh rằng không thể có một chuẩn chính tả lý tưởng. Không có chuẩn cho ngôn ngữ chat.
Qua những ví dụ về qui tắc viết i/y, qui tắc viết tên riêng, qui tắc viết những từ vay mượn, các tác giả minh họa những qui tắc chính tả cho một chuẩn thực tế.
11. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại hoc Cần Thơ): Vấn đề viết hoa tên tổ chức, cơ quan trên báo chí.
Tóm tắt: Vấn đề chính tả tiếng Việt nói chung, trong mấy chục năm qua, là vấn đề mà các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đặc biệt quan tâm, với định hướng xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt. Nhiều năm gần đây, nó còn thu hút sự chú ý của giới báo chí, của những người làm công tác giảng dạy trong nhà trường …
Như đã biết, một trong những đặc điểm của chính tả là tính chất bắt buộc và ổn định. Thế nhưng, trên thực tế vẫn tồn tại những cách viết không thống nhất, viết hoa tùy tiện trong các văn bản trên sách báo. Nổi bật là cách viết tên tổ chức, cơ quan. Mặc dù trong mấy chục năm qua đã có nhiều bài viết, nhiều cuộc hội thảo, thậm chí có cả những Quy định cụ thể do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Xuất phát từ tính thiết thực của vấn đề xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt, bài viết này trình bày khái quát một số Quy định được ban hành từ năm 1980 đến nay. Trên cơ sở đó, khảo sát hiện trạng viết hoa tên tổ chức, cơ quan trên một số báo (báo in). Qua đó, nêu lên một số nhận xét bước đầu về những vấn đề tồn đọng giữa các báo cũng như trong một tờ báo. Đồng thời, đề xuất hướng giải quyết vấn đề. Hy vọng những ý kiến đề xuất trong bài viết này sẽ được thảo luận thêm trong hội thảo.
12. GS. TS Trần Trí Dõi (Khoa Ngôn ngữ học, Đại học KH Xã hội và Nhân văn, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI): Tình trạng viết y/i hiện nay trong một số văn bản: nguyên nhân và thảo luận về cách khắc phục.
Tóm tắt:
Ngày 30/11/1980, đại diện “Bộ Giáo dục” và “Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam” đã ký chung một văn bản về “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục”. Căn cứ quyết nghị ngày 1/07/1983 của Hội đồng chuẩn hóa chính tả và Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ, Bộ Giáo dục có Quyết định 241/QĐ ngày 5-3-1984 “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt”. Từ sau những quyết định này, trên thực tế có tình trạng ở văn bản này viết “chữ kí”, “lí luận”, “lí lịch”, ở văn bản khác lại vẫn viết “chữ ký”, “lý luận”, “lý lịch”. Cho đến nay, vẫn tiếp diễn tình trạng viết không thống nhất như thế.
Hiện tượng này là một sự lộn xộn chính tả không thể chấp nhận. Nó có tác động tiêu cực đến xã hội. Bài viết, qua mô tả tình trạng viết y/i hiện nay trong một số văn bản, lý giải nguyên nhân của hiện trạng này và dự kiến những cách thức có thể khắc phục tình trạng thiếu thống nhất đó.
13. ThS. Trần Công Dũng (Báo Tuổi Trẻ, TP. HCM): Sử dụng tên riêng nước ngoài trên báo: hiện trạng và giải pháp.
Tóm tắt: Trong báo cáo “Sử dụng tên riêng nước ngoài trên báo: hiện trạng và giải pháp”, chúng tôi sẽ trình bày các phương thức sử dụng tên riêng nước ngoài trên một số tờ báo hiện nay như: giữ nguyên ngữ tên riêng nước ngoài nhưng có trường hợp phiên âm ngoại lệ, giữ nguyên ngữ tên riêng nước ngoài có kèm theo phiên âm tiếng Việt và phiên âm hoàn toàn tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt. Trước thực trạng không thống nhất này, chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và hệ quả của những phương thức trên, chỉ ra những ưu việt cũng như hạn chế của từng phương thức. Từ đó, chúng tôi đưa ra giải pháp nhằm mang lại sự thống nhất của việc sử dụng tên riêng nước ngoài trên các báo, góp phần vào sự thống nhất của hệ thống chính tả tiếng Việt.
14. NCS. Đỗ Quốc Dũng (Báo Sân khấu TP. Hồ Chí Minh): Quy cách viết hoa những từ tên gọi các loại hình nghệ thuật và những từ có liên quan cần được thống nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tómtắt:
Từ khi ta có chữ quốc ngữ - tiếng Việt là đã có lối viết hoa. Viết hoa là một thành tựu rất to lớn, một phát minh đầy trí tuệ mở ra khả năng biểu hiện phong phú về nhiều mặt của ngôn ngữ. Bởi hệ thống chữ viết có liên quan chặt chẽ đến âm thanh lời nói, thì chữ hoa cũng nhằm hướng tới yêu cầu đó. Cách viết hoa còn thể hiện nét thẩm mỹ riêng của chữ viết nói chung và kĩ năng của từng người viết nói riêng. Nếu chữ hoa đặt đúng vị trí, viết đúng quy cách chính tả thì người sử dụng lối viết được xem là chuẩn chính tả và có ý thức về mặt ngôn ngữ.
Trước nay, về quy cách viết chữ hoa các tên gọi tiếng Việt trong lĩnh vực nghệ thuật chưa được thống nhất. Nhiều văn bản của cơ quan chức năng cũng như đa số báo in rất ít khi, thậm chí chưa từng viết chữ hoa các tên gọi ở các loại hình nghệ thuật như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Chầu văn, Ả đào, Dân ca, Sân khấu, Điển ảnh, Âm nhạc, Đờn ca Tài tử, Ca Huế, Hội họa, Điêu khắc, Múa, Rối, Kịch nói… Trong khi việc phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như ngôn ngữ học hiện đại nói chung, ngày càng đòi hỏi quy tắc chuẩn hoá chính tả một cách khoa học, trong đó có quy cách viết hoa các tên gọi không phải là danh từ riêng.
Trong báo cáo này, chúng tôi đặt lại và bổ sung về quy cách viết chữ hoa các tên gọi tiếng Việt trong các loại hình nghệ thuật và những từ có liên quan với nó; nhằm thống nhất chuẩn chính tả về viết hoa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như một số ấn phẩm có liên quan đến các trường học.
15. ThS. Đỗ Thành Dương (Giảng viên chính, Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang):
Đề tài 1: Hiện tượng từ vựng tiếng Việt âm đầu “d – gi” lưỡng khả.
Tóm tắt: Dựa vào kiến thức khoa học ngữ âm hiện đại, chúng tôi nhận thấy trong ngữ âm tiếng Việt đang tồn tại tình trạng âm vị /z/ được ghi đồng thời bằng hai con chữ: “d” và “gi”, từ đó dẫn đến hiện tượng viết sai chính tả, không phân biệt âm đầu d/gi.
Từ cơ sở khoa học trên, soi chiếu vào thực tiễn hành chức của ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy có một số trường hợp cặp đôi từ ngữ có âm đầu d/gi tồn tại song hành với nhau trong việc tạo ra phát ngôn/ văn bản hàng ngày, đặc biệt là trên báo chí.
Đề tài 2: Cần viết và đọc đúng chính tả họ tên học sinh người Êđê.
Tóm tắt:
Họ và tên người các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam không giống nhau. Không giống nhau về thứ tự sắp xếp họ tên và không giống nhau về cách viết, cách đọc. Trong đó, họ tên người Ê đê có một số điểm dị biệt so với họ tên nhiều dân tộc khác mà người làm công tác có liên quan đến đối tượng dân tộc Ê đê cần phải biết để vận dụng cho phù hợp trong công tác của mình. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến việc viết và đọc đúng họ tên của một số học sinh người dân tộc Ê đê đang theo học Khóa 29 tại trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang, năm học 2011 - 2012.
16. ThS. Lê Thị Ngọc Điệp (Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM): Một số vấn đề về phân môn Chính tả trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học.
Tóm tắt: Trong chương trình tiểu học, môn Tiếng Việt chiếm thời lượng nhiều nhất so với các môn học khác (40.7%), bao gồm các phân môn: Học vần, Tập viết, Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn. Nội dung phân môn Chính tả trong sách giáo khoa gắn bó chặt chẽ với phân môn Tập đọc và chủ điểm của từng tuần học.
Học sinh tiểu học được thực hành với nhiều kiểu bài tập khác nhau:
* Chính tả đoạn, bài: tập chép, nghe - viết, nhớ - viết.
* Chính tả âm, vần: luyện viết các từ có âm, vần dễ viết sai chính tả do không nắm vững quy tắc của chữ quốc ngữ hoặc do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương.
* Chính tả viết hoa.
Các văn bản để tập chép và nghe – viết thường được trích hoặc tóm tắt từ các bài tập đọc trong tuần. Văn bản nhớ - viết là một đoạn thơ hoặc đoạn văn học sinh đã học thuộc lòng. Ngoài ra, SGK cũng sử dụng một số văn bản có nội dung phù hợp với chủ điểm đang học để viết chính tả. Hình thức bài tập chính tả âm, vần rất phong phú và đa dạng. Nội dung bài tập mang tính tình huống và thể hiện rõ quan điểm giao tiếp trong dạy học.
17. PGS.TS. Nguyễn Công Đức (Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Một số vấn đề lịch sử chữ Quốc ngữ.
18. ThS. Trương Thị Thu Hà (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam): Cách ghi từ ngữ gốc nước ngoài trong một số từ điển bách khoa ở Việt Nam.
Tóm tắt: Bài viết tập trung đi sâu khảo sát cách ghi từ ngữ gốc nước ngoài trong một số từ điển bách khoa ở Việt Nam, một loại sách tham khảo, tra cứu rất cần thiết cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong nhà trường. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để đưa ra giải pháp ghi nhóm từ này trong các từ điển bách khoa nói riêng cũng như các công trình tham khảo, tra cứu khác nói chung một cách khoa học nhất.
19. TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXh&NV TP. HCM): Cách viết từ ngữ nước ngoài trên báo mạng tiếng Việt hiện nay : thực trạng và một số đề xuất.
Tóm tắt: Hình thức chính tả của từ ngữ nước ngoài trên báo mạng tiếng Việt hiện nay rất đáng lưu ý về tính phức tạp và thiếu sự thống nhất. Tham luận hướng đến mục tiêu khảo sát hiện trạng cách viết từ ngữ nước ngòai trên các báo mạng tiếng Việt (trong nước và hải ngoại), tìm hiểu các cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tế của những cách viết này. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị về việc xây dựng chuẩn chính tả trên báo mạng nói riêng và trên các phương tiện truyền thông nói chung.
20.TS. Võ Xuân Hào (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn): Lỗi chính tả của học sinh tiểu học: thực trạng và giải pháp.
Tóm tắt:
Giáo dục tiểu học đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Một trong những mục tiêu cơ bản của giáo dục ở bậc tiểu học là rèn luyện cho các em kĩ năng đọc, viết thông thạo tiếng Việt. Môn Tiếng Việt vì thế vừa là môn khoa học vừa là môn rèn luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh để nâng cao hiệu quả của các môn học khác. Chính tả là một bộ phận cấu thành của môn Tiếng Việt. Đây là phân môn có vị trí đặc biệt nhằm rèn luyện kĩ năng trình bày văn bản dưới dạng chữ viết, góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện bốn kĩ năng cơ bản nói trên. Kĩ năng chính tả có thành thạo ngay từ bậc tiểu học thì học sinh mới nắm được công cụ chữ viết một cách hữu hiệu để chiếm lĩnh tri thức và tự tin trong giao tiếp. Nhưng qua khảo sát thực tế bài làm của học sinh tiểu học, chúng tôi thấy lỗi chính tả thật đáng báo động. Tham luận này sẽ trình bày về thực trạng chính tả của học sinh tiểu học bằng các số liệu thống kê – định lượng chi tiết, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục lỗi chính tả cho học sinh tiểu học.
21. ThS. Đinh Xuân Hảo (Trường Đại học Sài Gòn): Báo động về lỗi chính tả trên các bảng truyền thông – Việt Nam cần có luật ngôn ngữ.
Tóm tắt: Hiện nay, hiện tượng sai chính tả tiếng Việt có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhưng dễ thấy và dễ có tác động xấu đến xã hội là trên các bảng truyển thông. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là dấu ấn của phương ngữ, do người thiết kế thiếu trình độ và thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, do thiếu sự kiểm duyệt đúng mức của cơ quan chức năng và quan trọng hơn tất cả là thiếu Luật ngôn ngữ. Vì thế đã đến lúc cần sự ra đời của Luật ngôn ngữ để định hướng cho mọi hoạt động ngôn ngữ thống nhất theo đúng chuẩn.
22. ThS. Từ Thu Hằng (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam): Thực trạng chính tả trong “Từ điển bách khoa Việt Nam” (bộ 4 tập).
Tóm tắt: Bài viết trình bày về thực trạng của chính tả trong bộ “Từ điển bách khoa Việt Nam” (bộ 4 tập). Trên cơ sở đó sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức biên soạn xuất bản các bộ sách từ điển bách khoa sau này.
23. CN. Trương Thị Mỹ Hậu (Hiện là học viên cao học chuyên ngành NNH tại Trường ĐHKHXH&NV TP. HCM): Một số lỗi chính tả thường gặp trên báo điện tử.
Tóm tắt: Báo cáo trình bày một số lỗi chính tả thường gặp trên báo điện tử (khảo sát một số báo: 24h, vietnamnet, vnexpress.net, báo mới…). Trên cở sở đó, chúng tôi bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những lỗi chính tả trên, hướng đến chuẩn chính tả hiện hành.
24. GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp (Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện NNH Việt Nam): “Vấn đề phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài”.
Tóm tắt: Báo cáo bàn về vấn đề phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài, một vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo, thuyết phục. Có 3 loại quan điểm khác nhau:
Loại quan điểm thứ nhất: Chủ trương viết nguyên dạng.
Loại quan điểm này chủ yếu dựa trên những biện luận sau:
-Không thể phiên âm đúng được, vì bản thân tên riêng đó trong nguyên ngữ cũng được phát âm khác nhau.
-Phiên âm không tiết kiệm, vì không thể đủ người để phiên âm rất nhiều tên riêng trong những ngôn ngữ rất khác nhau.
-Phiên âm làm hại cho việc tra cứu, vì phiên âm làm chúng ta không biết được tên riêng đó được viết như thế nào.
-Chủ trương phiên âm ngầm có ý coi thường khả năng của người đọc.
Loại quan điểm thứ hai: Chủ trương phiên âm.
Loại quan điểm này chủ yếu dựa trên những biện luận sau:
-Tên riêng nước ngoài khi vào tiếng Việt thì phải “nhập gia tùy tục”, phiên âm để phục vụ cho người Việt trao đổi, giao tiếp với nhau.
-Không phải ai cũng có trình độ ngoại ngữ đủ để đọc nguyên dạng.
-Nhiều tên riêng nước ngoài được viết bẳng hệ chữ cái không phải là chữ cái La Tinh, vì vậy không thể để nguyên dạng khi viết tiếng Việt, buộc phải chuyển tự hoặc phiên âm.
Loại quan điểm thứ ba: Là dạng trung dung, chủ trương giữ nguyên dạng trong một số trường hợp (chẳng hạn, sách báo chuyên khảo) và phiên âm trong một số trường hợp (chẳng hạn, sách giáo khoa ở bậc tiểu học, trung học cơ sở…)
Báo cáo sẽ phân tích chi tiết điểm mạnh và điểm yếu của ba loại quan điểm và đi đến một giải pháp mà báo cáo cho là thuyết phục nhất.
25. PGS. TS. Lê Trung Hoa (Bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Vấn đề viết hoa địa danh.
26. ThS. Trần Đức Hùng (Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Đại học Đồng Tháp): Đặc trưng ngữ âm của từ ngữ Nam Bộ trong thơ ca dân gian và vấn đề xác định chuẩn ngữ âm trong dạy học chính tả cho học sinh tiểu học.
Tómtắt:
Tiếng nói của mỗi vùng miền trong một ngôn ngữ sẽ có những đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn, trong đó có đặc trưng về ngữ âm. Trong phương ngữ Nam Bộ, đặc biệt là thơ ca dân gian Nam Bộ, có một bộ phận không nhỏ các lớp từ địa phương được tạo ra do hiện tượng biến đổi ngữ âm. Lớp từ này có sự khác biệt về hình thức so với từ toàn dân. Sự khác biệt này là sự phản ánh sinh động trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, chính vì có sự khác biệt về mặt ngữ âm của các từ ngữ Nam Bộ đã tạo nên thói quen khó sửa đổi trong quá trình sử dụng ngôn ngữ và chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng viết đúng chính tả trong quá trình tạo lập các văn bản của những người dân, đặc biệt là học sinh tiểu học nơi đây. Do đó, chúng ta cần phải xác định chuẩn chính tả, mà trước hết là chuẩn về mặt ngữ âm cho học sinh tiểu học vùng Nam Bộ nhằm tạo thói quen nói đúng và viết đúng chữ viết tiếng Việt.
27. TS. Châu Minh Hùng (Trường Đại học Quy Nhơn, Bình Định): Dụng học đối với vấn đề chính tả tiếng Việt.
Tóm tắt: Chính tả luôn là vấn đề nóng đối với chữ viết của các quốc gia, bất luận chữ viết tượng hình hay ghi âm. Tính quy ước và võ đoán, tính lịch sử và giản tiện của kí tự làm cho chính tả chỉ là sự chuẩn hóa tương đối, tạm thời. Lỗi chính tả trong hiện tại và xu hướng thay chuẩn chính tả trong tương lai là tất yếu. Cho nên, đến lúc không nên cố chấp mà cần xem xét chính tả từ quan điểm của dụng học. Cần phân biệt các loại lỗi có ảnh hưởng và không ảnh hưởng về mặt dụng học để xây dựng bộ chuẩn chính tả mới là công việc của các nhà Việt ngữ học.
28. ThS. Huỳnh Thị Như Huyền (Khoa GD Tiểu học – Mầm non, Trường Đại học Phú Yên): Một số vấn đề cần bàn về cách viết hoa trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học.
Tóm tắt: 1. Khảo sát tất cả các trường hợp viết hoa tên riêng có trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt đang hiện hành.
2. Căn cứ các qui định năm 1983 và năm 2003 về cách viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân tích nhận xét đưa ra những trường hợp chưa phù hợp với nội dung dạy chính tả cho hoạc sinh Tiểu học hiện nay.
3. Một số kiến nghị về chuẩn chính tả cho học sinh Tiểu học.
29. ThS. Trần Thị Huyền (Tổ Tâm lí giáo dục, khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang): Lỗi chính tả của học sinh tiểu học dân tộc Khmer tỉnh An Giang.
Tóm tắt: Viết sai lỗi chính tả là hiện tượng khá phổ biến của học sinh tiểu học dân tộc Khmer tỉnh An Giang khi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Mục đích chính của bài viết là chỉ ra được những lỗi chính tả trong quá trình học tập và sử dụng tiếng Việt của học sinh tiểu học dân tộc Khmer tỉnh An Giang. Từ đó đưa ra những đề xuất về việc dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc Khmer với mong muốn các em có thể sử dụng tiếng Việt tốt hơn.
30. GS. TS. Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội): Giải pháp về cách viết, cách đọc từ ngữ và tên riêng nước ngoài trong tiếng việt hiện nay.
Tóm tắt: Bài viết đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về cách viết, cách đọc từ ngữ và tên riêng nước nước ngoài gắn với bối cảnh xã hội-ngôn ngữ Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử. Trên cơ sở đó đề xuất giảii pháp về cách viết, cách đọc từ ngữ và tên riêng nước nước ngoài trong tiếng Việt hiện nay.
31. TS. Đỗ Thị Bích Lài (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM): Sự phát triển của tiếng Việt từ cuối TK XIX đến nay và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt.
Tóm tắt:
- Tiếng Việt: Bài báo sẽ khảo cứu 2 phần:
1/ Sự phát triển của tiếng Việt từ cuối TK XIX đến nay trong vai trò, sứ mệnh là phương tiện giao tiếp chính thức trong xã hội Việt Nam với hệ thống chữ viết Latin.
2/ Xem xét thực tiễn hoạt động của tiếng Việt hiện nay trong giai đoạn hiện đại hóa với xu thế toàn cầu hóa- xu thế hội nhập thế giới, trên cơ sở đó đưa ra một số ý kiến về việc xây dựng chuẩn chính tả thống nhất của tiếng Việt hiện nay.
32. GVC, Tiến sĩ Ngữ Văn Trần Thị Lan (Đại học Hà Nội): Chính tả: chuẩn nào cho tiếng Việt?
Tóm tắt:
Có nhiều vấn đề được cho là chưa thống nhất dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng về chính tả tiếng Việt. Điều này thể hiện rõ qua các nghiên cứu, báo cáo, kinh nghiệm giảng dạy liên quan tới ngôn ngữ truyền thông, ngôn ngữ văn bản pháp quy và ngôn ngữ học đường. Kết quả nghiên cứu đã công bố thực sự gây quan ngại cho nhiều người, đặc biệt là giới Việt ngữ học.
Tuy nhiên, có vẻ như là, xét một cách công bằng thì nhiều lỗi chính tả liệt kê trong một số nghiên cứu gần đây cũng có thể chưa hẳn được coi là lỗi chính tả theo đúng nghĩa. Một mặt, các lỗi này có vẻ không mang tính phổ quát hoặc chúng chưa đủ tin cậy bởi chính phương pháp thống kê văn bản chứa lỗi. Mặt khác, tự thân những lỗi đã nêu ra cũng khó có thể giúp các nhà chính tả học có thể đưa ra các giải pháp cải thiện tình hình nếu chỉ viện dẫn qua luật chính tả.
Vấn đề đặt ra là tại sao có nhiều văn bản đã được công bố qua các thời kì (dù ở mức độ thấp nhất là “tạm”) nhưng ngày có vẻ các lỗi chính tả sơ đẳng càng xuất hiện nhiều hơn trong mọi phương diện của đời sống, từ giao tiếp thông thường tới văn bản quy phạm pháp luật, từ các công trình nghiên cứu khoa học đến các phát ngôn trên hệ thống truyền thông? Câu giải thích thường gặp có lẽ là “chưa có bộ quy chuẩn chính tả tiếng Việt”. Nhưng làm thế nào để có thể giải quyết “vấn nạn chính tả tiếng Việt”, câu trả lời bột phát có thể là “cần xây dựng một bộ quy chuẩn chính tả tiếng Việt”. Vậy xây dựng bộ quy chuẩn này dựa trên tiêu chí nào mới có thể tránh các luật áp đặt, chủ quan của một bộ phận nào đó đồng thời biến nó thành một công cụ tin cậy, hữu ích, thân thiện, đủ đề đại đa số người Việt chấp nhận nó và sẵn sàng làm theo nó. Đó cũng chính là những nội dung chính trong bài tham luận này.
33. PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang (Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ (đã nghỉ hưu): Lỗi chính tả trong nhà trường và trên báo chí: hiện trạng và những đề xuất.
Tóm tắt:
Viết sai chính tả là một trong những lỗi diễn đạt phổ biến nhất. Có thể bắt gặp lỗi chính tả ở bất cứ nơi nào: trong bài viết của hjs – sinh viên, trên các bảng hiệu quảng cáo, trên báo chí…
- Lỗi chính tả trong nhà trường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc viết sai chính tả , nhưng chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Ở PNBB là lẫn lộn l/n, các phụ âm cong lưỡi: s/x; ch/tr; d/gi/r. Ở PNNB là không phân biệt được v/d/gi; s/x; r/g; tr/ch; về vần: số lượng vần trùng nhau khá nhiều; về âm cuối: không phân biệt ~n/~ng; ~ c/~ t; ~i/~y; về thanh điệu: thanh hỏi và thanh ngã trùng làm một. Có 3 nhóm nguyên nhân xã hội: học sinh, nhà trường – giáo viên và điều kiện kinh tế xã hội.
- Hiện tượng lạm dụng tiếng nước ngoài: hiện nay xã hội đang có xu hướng sử dụng nhiều từ tiếng Anh không cần thiết trên các bảng hiệu, băngrôn ngoài đường phố, trên thiệp cưới…
- Viết tiếng nước ngoài chưa thống nhất trên báo chí.
- Đề xuất những biện pháp khắc phục.
34. TS. Nguyễn Hoài Nguyên (Tổ Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh):Bàn thêm về chính tả viết hoa trong tiếng Việt.
Tóm tắt: Từ thực tế cách viết hoa trong các từ điển chính tả, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách vở và trong nhà trường, bài viết đề xuất quy tắc viết hoa thống nhất.
35. NCS. Võ Thị Ánh Ngọc (Đại học Toulouse 2-Le Mirail, Pháp): Thử bàn về ranh giới giữa lỗi chính tả và chuẩn mực trong tiếng Việt.
Tóm tắt: Bài viết phân tích mức độ và hoàn cảnh thực tế của một trong số những lỗi chính tả tiếng Việt do các nhà nghiên cứu liệt kê [1] nhằm chứng minh tính tương đối của chuẩn mực chính tả « lý tưởng ». Cụ thể qua ba trường hợp sau :
(1) Lỗi phụ âm đầu R-D và N-L trong ca từ khi được ca sĩ thể hiện.
(2) Lỗi chính tả của một tác phẩm nghệ thuật trong một triển lãm.
(3) Lỗi chính tả của người có trách nhiệm soạn vở luyện chính tả.
Qua đó bài viết cũng muốn nhìn nhận rằng :
(i) Hệ thống chữ viết và chính tả là chuẩn mực của hệ thống chữ viết không chỉ được lập ra để ghi lại âm của tiếng nói qua một chuỗi mẫu tự vô nghĩa, nhưng là mặc cho nó bộ áo hình thức và rót vào nó nội dung ý nghĩa ngôn ngữ [2].
(ii) Chính tả không những mang tính ngôn ngữ nhưng còn lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và xã hội hình thành ra nó.[3]
Do đó khó có thể phân một ranh giới duy nhất cho mọi trường hợp giữa lỗi và chuẩn mực mà không truy xét đến các yếu tố chi phối. Nếu có thể xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì thiết nghĩ cũng hữu ích khi có một « ngữ pháp về lỗi chính tả » hầu giúp người sử dụng tiếng Việt hiểu và dễ dàng tránh lỗi.
36. TS. Trần Thị Mai Nhân (Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): "Ngôn ngữ bảng hiệu" và hiện tượng lệch chuẩn chính tả tiếng Việt.
Tóm tắt: Hiện nay, trên các bảng hiệu quảng cáo ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khác nói chung, có hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn chính tả tiếng Việt. Điều này đang thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Qua khảo sát thực tế sử dụng ngôn ngữ trên các bảng hiệu ở một số quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết thống kê những dạng lỗi lệch chuẩn chính tả phổ biến. Từ đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị về việc chuẩn hóa “ngôn ngữ bảng hiệu”, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như vẻ mỹ quan đường phố.
37. Cô Hoàng Thị Nhung (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam): Chính tả những từ mượn gốc Ấn -Âu trong từ điển dành cho học sinh tiểu học.
Tóm tắt:
Bài viết khảo sát thực trạng chính tả các từ mượn gốc Ấn-Âu trong sách giáo khoa tiểu học và trong hai cuốn từ điển, một dành cho học sinh tiểu học, một dành cho người đọc có trình độ từ phổ thông trở lên. Thoạt tiên, trẻ em tiếp xúc với các dạng thức chính tả trong SGK, tham khảo thêm trong từ điển dành cho HSTH, và sau này, khi lớn lên, chúng dùng Từ điển tiếng Việt dành cho người lớn. Theo logic thông thường và lí tưởng, trong các tài liệu này cần một sự thống nhất về các dạng thức chính tả. Qua khảo sát, thực tế cho thấy không phải như vậy. Sau khi mô tả thực trạng, bài viết đưa ra một số giải pháp về vấn đề này.
38. TS. Nguyễn Đình Phức (Khoa Ngữ văn Trung Quốc, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Về việc xử lý những lệch chuẩn trong quá trình sử dụng lớp từ gốc Hán trong tiếng Việt.
Tóm tắt: “Bất kỳ một loại ngôn ngữ nào trên thế giới, đều không thể ở trong tình trạng tự cung tự cấp.” Đây chính là quan điểm nổi tiếng của nhà ngôn ngữ học người Mỹ Ed. Sapir. Theo thống kê của học giả H. Maspéso vào năm 1972, trong tiếng Việt tồn tại hơn 60% lượng từ gốc Hán. Theo tác giả Lê Nguyễn Lưu, lượng từ gốc Hán trong tiếng Việt ở “lĩnh vực chuyên môn và khoa học có thể lên tới 80%.” Cùng với ưu thế vượt trội của lớp từ này trong tiếng Việt, rất nhiều vấn đề liên quan đến chuẩn mực sử dụng ngôn ngữ và chữ viết không ngừng được nêu ra. Nên viết chúng cư hay chung cư, trú sở hay trụ sở, quả phụ hay bà quả phụ, hà cớ hay hà cớ gì, …? Tất cả những vấn đề này nhìn chung đều khá hóc búa và không dễ giải quyết. Bài viết này xuất phát từ cơ sở lý luận của vấn đề, tập trung xoáy sâu vào giải quyết một số vấn đề nêu trên.
39. Ông Dương Xuân Quang (Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Phân tích các biến thể phiên chuyển tên riêng nước ngoài, hướng tới chuẩn hóa tiếng Việt.
Tóm tắt:
Phiên chuyển tên riêng nước ngoài ở Việt Nam hiện nay có thể coi là một hiện tượng ngôn ngữ chưa có sự thống nhất. Mỗi cuốn sách, mỗi tờ báo, thậm chí mỗi cá nhân đều có những cách phiên chuyển của riêng mình. Ở báo cáo của mình, chúng tôi cố gắng tập trung xoay quanh chủ đề này như là một ý kiến góp phần vào công cuộc chuẩn hóa tiếng Việt.
Xuất phát từ việc mô tả thực trạng phiên chuyển tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt, chúng tôi xác lập ba biến thể phiên chuyển phổ biến hiện nay. Nhằm xác lập cơ sở cho một hình thức hữu dụng nhất, chúng tôi tập trung phân tích những mặt mạnh và yếu của từng phương thức phiên chuyển. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra một mô hình phiên chuyển tạm thời vừa mang tính quá độ, vừa mang tính định hướng hội nhập phát triển./.
40. Tiến sĩ Giáo dục (Ed.D) Lê Vinh Quốc (Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh):
Tham luận 1: Đề xuất một quy tắc viết tên nước ngoài trong tiếng Việt.
Tóm tắt: Bài này phân tích những cách thức khác nhau để viết các danh từ riêng (tên đất, tên người) của nước ngoài trong tiếng Việt hiện hành (phiên âm latin, dịch sang từ Hán-Việt, viết theo tên gốc của nước sở tại...). Từ đó, dựa trên các ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc, tác giả đề xuất một quy tắc duy nhất để viết tên nước ngoài cho tiếng Việt hiện đại.
Tham luận 2: Một số biện pháp để chuẩn hóa Bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành.
Tóm tắt: Bài này phân tích một số nhược điểm và thiếu sót của Bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành : có một số chữ cái bị kỳ thị (Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư) và lại thiếu 4 chữ cái đã trở nên thông dụng trong tiếng Việt hiện đại là F, J, W và Z . Dựa trên sự phân tích đó, tác giả đề xuất một số biện pháp để chuẩn hóa Bảng chữ cái tiếng Việt hiện đại.
41. CN. Dương Thị My Sa (Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): Thực trạng viết tắt qua một số báo.
Tóm tắt:
Viết tắt là cách làm cho một từ, một cụm từ ngắn hơn. Có thể coi viết tắt là một trong những phương thức tiết kiệm trong ngôn ngữ. Tuy cách thể hiện ngắn hơn nhưng các quy tắc của nó phải đảm bảo được việc truyền tải nội dung thông tin cần biểu hiện. Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, vấn đề viết tắt trở nên quen thuộc và ngày càng được các cơ quan báo đài sử dụng phổ biến, rộng rãi. Cũng chính từ đây, vấn đề viết tắt tạo nên sự không thống nhất, không đồng nhất (giữa các báo, trong một bài báo của cùng một tác giả). Ở tham luận này, tác giả bài viết muốn nêu ra thực trạng viết tắt ở một số tờ báo (báo in, báo mạng) hiện nay nhằm cho thấy những điểm bất hợp lý và một số ý kiến đóng góp để thống nhất hơn trong cách viết tắt.
42. Thạc sĩ- Nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học Trần Văn Sáng (Khoa Xã hội Nhân văn,Trường Đại học Phú Xuân Huế): Cách phiên chuyển địa danh từ các ngôn ngữ Katuic ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt.
Tóm tắt:
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đồng thời là một quốc gia đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, do người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng quốc gia dân tộc ấy. vì vậy, vấn đề vay mượn và tiếp xúc giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu để làm giàu cho vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp. Các dân tộc và ngôn ngữ thường có những quy tắc vay mượn, du nhập các từ ngoại laic ho phù hợp với những quy tắc ngữ âm-âm vị học, ngữ nghĩa, ngữ pháp và các quy tắc chữ viết, cũng như các quy tắc hình âm vị học của tiếng mẹ đẻ để những từ phi bản địa ấy vừa không làm xáo trộn hệ thống ngôn ngữ vốn có của dân tộc vừa đảm bảo nhu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác, phù hợp với tập quán, thói quen ngôn ngữ của dân tộc mình.
Có rất nhiều vấn đề ngôn ngữ học đặt ra trong quá tình xử lí các hiện tượng vạy mượn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét đặt vấn đề phiên chuyển (có phiên âm lẫn chuyển tự) các địa danh dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Katuic ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt. Cụ thể là các địa danh từ tiếng Pc cô, Ta ôi, Cơ tu và Bru- Vân Kiều- những cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơ me, thuộc ngữ hệ Nam Á. Vấn đề phiên chuyển tên riêng nói chung, địa danh dân tộc sang tiếng Việt, nói riêng, ở nước ta đã có từ lâu, song ở mỗi thời kỳ lịch sử cách phiên chuyển ấy lại rất khác nhau. Qua dữ liệu địa danh cho phép, chúng tôi thử đề xuất một giải pháp cụ thể cho việc phiên chuyển địa danh các ngôn ngữ Katuic ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt vừa đúng và gần với ngữ âm của các ngôn ngữ dân tộc này, vừa giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đọa hiện nay.
43. ThS. Nguyễn Thị Hồng Sanh (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quảng Nam): Cần xây dựng chuẩn mực về cách viết tắt và cách đọc chữ cái viết tắt trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm tắt: Viết tắt là một phương thức nhắm đến tính tiết kiệm trong ngôn ngữ và tính thông dụng, hiệu quả trong giao tiếp. Viết tắt là việc sử dụng mỗi chữ cái đại diện cho một âm tiết (hoặc chuỗi âm tiết ở tiếng nước ngoài) để thể hiện các nội dung đã được xác định bằng chữ ghi đầy đủ [,15]. Khác với hiện tượng phát âm địa phương, chính tả nói chung và việc viết tắt nói riêng là một quy định bắt buộc và cần có sự thống nhất trong toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay, trong sách giáo khoa ở nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí trong sách báo chuyên ngành vẫn tồn tại hiện trạng có nhiều cách viết tắt khác nhau đại diện cho một nội dung thông báo cũng như nhiều cách đọc khác nhau cho cùng một chữ cái viết tắt. Nguyên nhân có lẽ một phần do chính phủ chưa có những quy định chính thức về chuẩn chính tả tiếng Việt nói chung và cách viết tắt và đọc chữ cái viết tắt nói riêng, một phần nữa là vì những cách viết và cách đọc đó, ở một mức độ nhất định, vẫn đảm bảo chức năng thông tin và giao tiếp. Chính sự “dễ dãi” trong cách viết, cách đọc chữ cái viết tắt gây khó khăn không ít trong việc xử lí thông tin, ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp và dẫn đến sự bất hợp lí, không nhất quán trong hệ thống chính tả tiếng Việt. Thiết nghĩ, việc đề ra những quy định về cách viết tắt và cách thức đọc những con chữ viết tắt trong nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết.
44. Bà Nguyễn Thị Oanh (Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Dliêya, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk): Lỗi chính tả học sinh Trường tiểu học Dliêya, hiện trạng và giải pháp.
Tóm tắt:
Học sinh tiểu học với đặc điểm tâm sinh lí của mình và thời gian tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt
chưa nhiều, dù đã được học qua nhiều phân môn tiếng Việt như Học vần, Chính tả, Tập đọc, Tập
làm văn… ở các lớp cấp tiểu học, nhưng vẫn còn mắc nhiều lỗi chính tả khi viết, và cả khi nói.
Từ thực tế tình trạng mắc lỗi chính tả của học sinh khối lớp cuối cấp tiểu học tại trường chúng tôi - Trường tiểu học Dliêya, huyện Krông Năng, tỉnh Dak Lăk, một trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Dak Lăk có nhiều thành phần dân tộc, chúng tôi thống kê các lỗi học sinh thường mắc phải và đề xuất giải pháp khắc phục.
Từ cơ sở khoa học và thực tiễn trên, tác giả chọn đề tài này để nghiên cứu.
45. TS. Nguyễn Quý Thành (Trường ĐH Quy Nhơn): Lỗi chính tả của học sinh tiểu học khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tóm tắt: Hơn 40.000 bài viết của học sinh tiểu học sáu tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho thấy lỗi chính tả là hiện tượng phổ biến, đa dạng và phức tạp do nhiều nguyên nhân. Kết quả điều tra có thể góp phần phác hoạ bức tranh chung về hiện trạng chính tả của học sinh, làm cơ sở cho việc xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt thống nhất trong nhà trường.
46. PGS. TS. Hoàng Tất Thắng (Khoa Báo chí- Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Huế):
- Tham luận 1: Tình hình sử dụng từ ngữ nước ngoài trên báo in hiện nay.
Tóm tắt: Báo cáo khảo sát việc sử dụng từ ngữ nước ngoài trên một số tờ báo lớn (Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong và Tuổi trẻ) ở nước ta trong những năm gần đây, miêu tả và phân tích thực trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhắm hướng đến việc xây dựng chuẩn mực chính tả nói riêng, chuẩn mực ngôn ngữ báo chí nói chung.
- Tham luận 2: Một số đặc điểm về từ ngữ trên báo Sinh viên Việt Nam hiện nay.
Tóm tắt: Trên cơ sở khảo sát việc sử dụng từ ngữ của giới trẻ trên báo Sinh viên Việt Nam năm 2011, báo cáo đi sâu phân tích những đặc điểm về từ ngữ như hiện lượng lệch chuẩn, từ địa phương, từ lóng, từ biến âm, thêm và lược bớt từ ngữ, từ nước ngoài,… Từ đó chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt cũng như đối với nhu cầu giao tiếp của người Việt hiện nay.
47. GS. TSKH Lý Toàn Thắng (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam): Trở lại câu chuyện “dấu câu” trong tiếng Việt.
Tóm tắt: Lâu nay ở ta việc nghiên cứu các dấu (marks) trong văn bản (text) – tức là câu chuyện về “punctuation” - thường chỉ được bó hẹp ở phạm vi của các “dấu chấm câu/dấu ngắt câu/dấu câu” và được chỉ dẫn trong các sách ngữ pháp phổ thông hay ngữ pháp nhà trường. Tuy nhiên, như sẽ được đề cập đến trong báo cáo này, một cách quan niệm như vậy là có phần quá hẹp và không phù hợp với những quan niệm chung của ngôn ngữ học thế giớ hiện nay.
48. GS. TS. NGND Bùi Khánh Thế (Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP. HCM): Lý thuyết về chuẩn ngôn ngữ và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt.
Tóm tắt:
Trong một cộng đồng xã hội từ hình thức tổ chức thấp đến hình thức tổ chức cao mọi hoạt động xã hội đều có chuẩn. Giao tiếp ngôn ngữ trong cộng đồng là một hoạt động xã hội có yêu cầu cao về chuẩn. Và chuẩn được yêu cầu phải có trước hết là đối với công cụ của hoạt động đó, tức là chuẩn ngôn ngữ.
Trong lịch sử văn hoá của các xã hội từ khi được khoa học quan tâm, vấn đề chuẩn ngôn ngữ đã được giới khoa học từ triết học đến văn học, ngôn ngữ học xác định từ một số cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau.Không đi sâu vào chi tiết, ta thấy đại để có thể tạm phân thành ba nhóm quan niệm. Một quan niệm cho rằng xác định chuẩn ngôn ngữ căn cứ vào mẫu mực hoạt động ngôn ngữ của các nhà văn hoá, các danh nhân tiêu biểu trong cộng đồng chủ nhân ngôn ngữ ấy. Một quan niệm khác thì dựa vào tính phổ biến về thói quen hoạt động ngôn từ trong đại đa số chủ nhân ngôn ngữ ấy để xác định chuẩn. Thực ra thì cũng cần bổ sung thêm một quan niệm nữa có phần linh hoạt hơn là sự kết hợp hai quan niệm vừa nêu.Điều này được thể hiện ở những mức độ khác nhau tuỳ trường phái ngôn ngữ học cụ thể. Một vấn đề cũng có tầm quan trọng không kém thuộc diện lý thuyết về chuẩn là mối quan hệ giữa sự ổn định và tính biến đổi cúa ngôn ngữ trong quá trình hành chức của mỗi ngôn ngữ. Chữ viết cũng như chính tả là một trong những thành tố của ngôn ngữ, nên cũng chịu sự chi phối của một trong những quan điểm về chuẩn ngôn ngữ nói chung.
Tham gia thảo luận về việc “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, người viết bài này muốn tìm lời đáp cho các câu hỏi sau đây :
1/ Những người đầu tiên xây dựng chữ Quốc ngữ đã từng nêu vấn đề chuẩn chính tả cho nó chưa? Nếu có thì nó được xác định theo quan điểm nào?
2/ Từ khi chữ Quốc ngữ đi vào đời sống ở các lĩnh vực khác nhau vấn đề chuẩn chính tả có được đặt ra hoặc có sự thay đổi gì không?
3/ “Chuẩn mực chính tả thống nhất” trong cuộc sinh hoạt khoa học lần này sẽ “xây dựng” dĩ nhiên có mục tiêu ai cũng hiểu là góp phần chấn chỉnh cách viết cách ghi “tuỳ tiện” trên sách báo hiện nay. Ở đây có thể nảy sinh câu hỏi là “tuỳ tiện” so với chuẩn chính tả nào?
Người viết không nghĩ là có thể tự mình tìm ra lời đáp cho tất cả các câu hỏi đó, nhưng hy vọng rằng cũng tham gia gợi mở được ít nhiều ý tưởng nghiêm túc cho một vấn đề mà giới ngôn ngữ học và cả xã hội đang quan tâm.
49. TS. Trần Thị Quỳnh Thuận (Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM): : Về vấn đề tu chỉnh chính tả tiếng Việt.
Tóm tắt: Trong hơn một thế kỷ qua, sau nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu, dự thảo tu chỉnh, chính tả tiếng Việt vẫn cứ là một vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong giới chuyên môn. Trong tham luận này, chúng tôi chia sẻ các suy nghĩ về một số phương diện vẫn được cho là những bất cập trong thực tế chính tả tiếng Việt:
- Sự thể hiện chữ viết trong tương quan với nguyên tắc âm vị học
- Việc phiên âm tiếng nước ngoài
- Qui cách viết hoa tên riêng
Ở mỗi phương diện, chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề xuất phát đồng thời từ góc nhìn khoa học và thực tiễn sử dụng tiếng Việt của người Việt.
50. ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và CN. Đặng Thị Hạnh Vân (Phòng Quản lý Khoa học-Dự Án, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): Việc xây dựng chuẩn chính tả ở một số quốc gia nói tiếng Anh và kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Tóm tắt:
Là ngôn ngữ chính thống của Anh, Mỹ, Canada, Australia… nhưng tiếng Anh sử dụng ở các quốc gia này lại không hoàn toàn giống nhau về phát âm, ngữ pháp, và đặc biệt là từ vựng, chính tả. Để bảo vệ bản sắc cũng như tạo sự thống nhất cho việc sử dụng ngôn ngữ trong cả nước, những quốc gia này đã chuẩn hoá tiếng Anh thông qua các văn bản pháp quy kèm theo những quyển sách quy định chi tiết chuẩn chính tả, cách sử dụng dấu câu cũng như quy cách trình bày văn bản do nhà nước ban hành và có tái bản chỉnh lý khi cần thiết như Hướng dẫn dành cho tác giả, biên tập viên và nhà in (Style Manual: For Authors, Editors and Printers) ở Australia, Chuẩn viết Canada: tài liệu hướng dẫn soạn thảo và biên tập (The Canadian Style: A Guide to Writing and Editing) ở Canada, Biên tập: tài liệu Cambridge dành cho biên tập viên, tác giả và nhà xuất bản (Copy-editing: The Cambridge Handbook for Editors, Authors and Publishers) ở Anh và Tài liệu hướng dẫn chuẩn viết Chicago (The Chicago Manual of Style) ở Mỹ… Tất cả những văn bản pháp luật, hành chính, học thuật và các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước đều tuân theo chuẩn mực trong những quyển sách này. Bài viết này sẽ tìm hiểu và so sánh việc xây dựng chuẩn chính tả của một số quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Canada, Australia thể hiện trong những quyển sách hướng dẫn trình bày văn bản, từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể áp dụng vào việc xây dựng chuẩn chính tả tiếng Việt ở Việt Nam.
51. TS. Trần Văn Tiếng (Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Phương Đông, Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP. HCM): Tình hình chính tả trên các phương tiện thông tin ngoài trời và một số giải pháp đề xuất.
Tóm tắt: Việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin ngoài trời như bảng hiệu, biển báo, biểu ngữ (banner), bảng quảng cáo, thông báo ...hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, trong đó có vấn đề chính tả.
Căn cứ vào những ngữ liệu thu thập được, người viết đã trình bày một cách tổng quan thực trạng viết sai chính tả trên các phương tiện thông tin ngoài trời hiện nay, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, dựa trên kết quả phân tích ngữ liệu, người viết muốn nêu ra một số đề xuất nhằm khắc phục một cách cơ bản tình trạng này.
52. PGS. TS Ngữ văn Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học & Bách khoa thư VN): Phiên âm hay nguyên dạng: Cần hướng tới một tiếng Việt văn hóa.
Tóm tắt:
Tên riêng, hay một số thuật ngữ nước ngoài (chủ yếu là các ngôn ngữ dùng chữ Latin) hiện nay được xử lí theo 3 hướng: phiên âm, dịch nghĩa, nguyên dạng. Có rất nhiều ý kiến về việc nên theo hướng nào là phù hợp. Các quan điểm đều có cơ sở lí lẽ riêng, trong đó gay gắt nhất, có quan điểm phản đối việc để nguyên dạng, cho là như thế sẽ làm mất vẻ trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt là không hướng tới đa số quần chúng bình dân.
Báo cáo trình bày quan điểm ủng hộ cách viết nguyên dạng. Bởi đây là phương án hợp lí, đáp ứng các yêu cầu về giao tiếp dựa trên văn tự, và xa hơn, hướng tới một tiếng Việt văn hóa.
53. ThS. Trần Thị Kim Tuyến (Trường THPT Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM): Những lỗi thường gặp của học sinh khi sử dụng từ ngữ xưng hô bằng tiếng Anh và các giải pháp đề xuất .
Tóm tắt: Dựa trên các kết quả khảo sát về những lỗi chính tả thường gặp của học sinh khi sử dụng từ ngữ xưng hô bằng tiếng Anh, bài viết phân tích và tìm ra nguyên nhân mắc lỗi, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế những lỗi này trong giảng dạy.
54. ThS. Hoàng Thị Xuân Vinh (Tổ Văn học nước ngoài, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Huế): Vấn đề phiên âm tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa Ngữ văn và giáo trình Văn học thế giới - hiện trạng và hướng giải quyết.
Tóm tắt:
Trong tất cả các môn học trong nhà trường phổ thông và đại học, Văn học nước ngoài là 1 bộ môn do đặc thù có rất nhiều danh từ riêng và thuật ngữ khoa học bằng tiếng nước ngoài. Thế nhưng, lâu nay vẫn tồn tại một tình trạng phiên âm lộn xộn và lạc hậu trong sách giáo khoa và giáo trình.Đã đến lúc chúng ta cần phải có những động thái tích cực để thay đổi hiện trạng này.
Bài viết này sẽ hệ thống hóa, chỉ ra những biểu hiện và hạn chế của hệ thống phiên âm trong các văn bản sách giáo khoa và giáo trình đang được sử dụng. Bài viết cũng sẽ đề xuất những ý kiến nhằm tiến đến xây dựng một hệ thống ký hiệu phiên âm (nếu cần) một cách khoa học và chuẩn mự, để từ đó có thể thống nhất cách ghi tiếng nước ngoài trong các văn bản hiện hành trong nhà trường Việt Nam.