Sự hợp dung văn hóa trong ca dao Việt Nam

PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân

Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Ca dao, tiếng nói tâm tình của người Việt, cũng là nơi bộc lộ tâm lý, tập quán, quan niệm sống, văn hóa của dân tộc. Ca dao là sáng tác của mọi tầng lớp quần chúng, trong đó một trong những lực lượng chủ yếu là tầng lớp trí thức bình dân, những người có ít nhiều chữ nghĩa, đọc sách nhưng không đỗ đạt, không quyền cao chức trọng. Họ là những học trò nghèo, thầy đồ trong thôn xóm. Chính vì thế, trong ca dao Việt Nam, có thể thấy không ít dấu vết của Nho học, từ những từ ngữ, hình ảnh đến một số quan niệm. Một điều tất nhiên là văn hóa Nho gia trong văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng khác nhau khá nhiều với văn hóa Nho gia trong văn học viết nói chung, thơ ca bác học nói riêng. Ở lãnh địa của ca dao dân gian, nơi mà tinh thần tự do, dân chủ như gặp được mảnh đất màu mỡ dù ở vào thời đại phong kiến, văn hóa Nho gia bước vào đây đã bị cuốn theo xu hướng dân tộc hóa một cách mãnh liệt. Những phạm trù đạo đức Nho giáo như nhân nghĩa, trung hiếu, cương thường… đi vào ca dao đã mang một nội hàm mới đậm dấu ấn văn hóa Việt, và ở đó, người ta nhận thấy một sự hợp dung văn hóa hết sức hồn nhiên, cởi mở.

Nho gia rất đề cao nhân nghĩa. Nhânnghĩa là hai đức đứng đầu trong ngũ thường. Ca dao Việt Nam lại nói nhiều đến nghĩa nhân (ngãi nhơn) và nhấn mạnh nghĩa như một phẩm chất cơ bản cần có nơi một con người.

·        Người dưng có ngãi thì đãi người dưng,

Anh em bất ngãi thì đừng anh em.

·        Đường dài ngựa chạy bặt tăm,

Người dưng có ngãi trăm năm cũng về.

·        Cá chẳng ăn câu thật là con cá dại,

Câu anh cầm: câu ngãi, câu nhơn.

Nghĩa (ngãi), vốn là thuật ngữ của nhà Nho, đi vào ca dao đã mang nét nghĩa mới. Người bình dân rất trọng nghĩa. Nhưng nghĩa đây không hoàn toàn giống như quan niệm của nhà Nho. Nghĩa gắn liền với tình. Người có nghĩa là người sống có tình, biết trọng tình, sống thủy chung, có trước có sau, không tráo trở, phản bội. Thái độ sống ích kỷ, chỉ biết vụ lợi cho bản thân, “tham vàng phụ ngãi” luôn bị phê phán – “Thuyền rồng bất nghĩa bỏ trôi, Đò ngang có nghĩa ta ngồi đò ngang”, “Ngãi nhơn mỏng dánh như cánh chuồn chuồn, Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”.

nghĩa gắn liền với tình – “Đôi ta tình trọng nghĩa dày, Có xa nhau nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” – nên người yêu, người tình được gọi là người nghĩa:

·        Đèn treo cột đáy,

Nước chảy đèn xoay.

Dĩa để nghiêng đổ nước sao đầy,

Lòng anh thương người nghĩa cha mẹ rầy cũng thương.

·        Sen xa hồ sen khô hồ cạn,

Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng.

Vàng cầm trên tay rớt xuống em không phiền,

Chỉ phiền người nghĩa tham tiền bỏ em.

Cách gọi này thể hiện một nét văn hóa của người Việt. Người yêu, người thương hay người tình nói lên mối quan hệ đơn thuần về tình cảm lứa đôi giữa hai bên nam nữ, nhưng người nghĩa còn bao hàm trách nhiệm trong mối quan hệ tình cảm ấy, sự mong muốn gắn bó bền lâu và sự tôn trọng đối tượng. Tình thì rất đam mê nhưng dễ phai tàn, còn nghĩa thì lâu dài vì đặt cơ sở trên lương tri và đạo lý làm người. Khi tình lạt đi nghĩa vẫn còn lại mãi. Vì vậy, đôi bên phải lòng nhau là muốn đi đến “kết nghĩa chung tình”, “kết nghĩa tao khang”:

·        Một ngày cũng nghĩa tao khang,

Trăm năm giữ trọn đá vàng cùng nhau.

·        Vái ông tơ năm, ba chầu hát,

Cầu Nguyệt lão năm, bảy đêm kinh.

Cho em cùng anh đây kết nghĩa chung tình,

Dù cho ăn quán ngủ đình em cũng cam.

·        Đôi ta nặng nghĩa tào khang,

Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau.

Không chỉ quan niệm nghĩa đi liền với tình, với người bình dân, nghĩa thậm chí có khi còn quan trọng hơn tình, chỉ nói đến nghĩa là đủ, vì trong nghĩa vốn đã có tình.

·        Cá lý ngư sầu tư biếng lội,

Chim trên cành sầu cội biếng bay.

Ai về phụ nghĩa tình ai,

Để sầu ly biệt tháng ngày buồn đau.

·        Người về em dặn lời rằng:

Đâu hơn thì kết nghĩa, đâu bằng thì đợi em.

Ca dao cũng không ít lần nhắc đến đạo cang thường. Cang thường hay cương thường là ba giềng mối chính (tam cương) và năm đức cơ bản (ngũ thường) mà con người phải tâm niệm, theo quan điểm Nho gia. Trong tam cương, đạo vua tôi được xếp hàng đầu, là giềng mối quan trọng nhất của con người với chữ trung được đề cao tuyệt đối, nhà Nho phải nhất nhất tuân thủ. Kế đó là mối quan hệ cha con với chữ hiếu. Với quan niệm “thi dĩ ngôn chí” của nhà Nho, làm thơ là để bày tỏ chí hướng, chí hướng đó chủ yếu không ngoài cương thường. Và nói đến cương thường thì không ngoài trung hiếu, mà chủ yếu nhất là chữ trung. Trong ca dao Việt Nam, nói đến đạo cương thường lại chủ yếu là nói đến nghĩa vợ chồng. Các tác giả dân gian đã bỏ lại chữ trung trên trang sách mà chỉ mang theo chữ tình, chữ nghĩa lên ngàn xuống biển, lội suối trèo non.

·        Muối ba năm muối đang còn mặn,

Gừng chin tháng gừng vẫn còn cay.

Đạo nghĩa cang thường chớ đổi đừng thay,

Dẫu có làm nên danh vọng, rủi có ăn mày ta cũng theo nhau.

·        Chừng nào ớt ngọt như đường,

Khổ qua hết đắng, đạo cang thường hết thương.

Họ mạnh mẽ khẳng định chữ tình, nhưng đó là tình gắn với nghĩa để trở thành đạo trọng trong đời:

-         Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời,

Vua cha đạo trọng hay vợ chồng nặng hơn?

-         Quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang,

Tam cang đạo trọng mà đạo vợ chồng anh trọng hơn.

Có thể thấy rõ hương vị tinh thần dân chủ trong quan niệm này. Đặt đạo vợ chồng trên đạo vua tôi và đạo cha con là trái với tôn ti trật tự của Nho giáo. Trong một câu hò đối đáp thử tài hóm hỉnh giữa đôi bên nam nữ ở Nam Bộ, chúng ta có thể thấy sự thông minh nhanh nhạy của chàng trai, thể hiện một chữ “hòa” hết sức linh hoạt trong văn hóa Việt Nam. Cô gái nêu thử thách:

-         Hò ơ… Vương, phụ mẫu, phu thê ngồi lại một thoàn (thuyền),

Bị trận giông chìm xuống, em hỏi chàng vậy chớ vớt ai?

Câu hỏi thật ngặt nghèo. Vớt vua thì bất hiếu với cha, bất nghĩa với vợ. Vớt cha thì bất trung với vua, bất nghĩa với vợ. Vớt vợ thì bất trung với vua, bất hiếu với cha. Nếu chàng trả lời “vớt vợ” thì được lòng nàng nhưng làm trai mà bất trung, bất hiếu thì có xứng làm người không? Còn vớt vua hay cha mà bỏ vợ chết đuối thì nàng có chấp nhận một người chồng bất nghĩa như thế không? May thay, chàng trai đã nhanh trí nghĩ ra một lời đáp thật vẹn toàn:

-         Hò ơ… Đứng giữa trời anh nói chẳng sai,

Vua anh đội trên đầu,

Phụ mẫu anh gánh hai vai,

Bớ này hiền thê ơi lại đây anh cõng, hai tay anh vớt thuyền.

Đối phương hẳn phải phì cười về giải pháp không tưởng này. Phì cười nhưng rồi khâm phục vì anh chàng tính toán khôn ngoan và hợp lý quá: vua ở vị trí cao nhất trong xã hội phong kiến nên phải đội trên đầu, kế đó là cha mẹ ở vị trí thứ nhì nên cộ trên hai bên vai, vợ chồng thân thiết tuy hai mà một nên cõng trên lưng, vẫn còn thừa hai tay để bê chiếc thuyền. Thế là không bỏ sót một người nào, cả đến chiếc thuyền cũng không để mất. Xử lý tình huống như thế còn chê vào đâu được, sao mà không tâm phục? Còn ai đáng mặt tài trai hơn để cô nàng gởi phận trao thân? Đàng sau câu hò đối đáp có ý vị khôi hài này rõ là một tinh thần nhân văn và dân chủ thấm đẫm trong các mối quan hệ xã hội, tuy về hình thức vẫn là vua được xếp ở chiếu trên.

Đạo hiếu đối với cha mẹ trong ca dao được đặt cơ sở trên tình thương yêu, biết ơn đối với đấng sinh thành. Nó được đề cao vì đó là đạo nghĩa của con người. Tuy nhiên, khi có mâu thuẫn giữa tình và hiếu và buộc phải lựa chọn giữa một trong hai thì có hai tình huống xảy ra. Nếu sự lựa chọn tình có thể làm tổn hại đến mẹ cha, người con không đành lòng theo tình bỏ hiếu:

·        Ơn cha em chưa trả,

Nghĩa mẹ em chưa đền,

Sao anh bảo em ôm gối cuốn mền theo anh ?

·        Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc ?

Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang ?

Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ,

Ngặt chút cha già biết bỏ cho ai?

Nhưng nếu mẹ cha dùng quyền uy để giết chết tình của con cái hoặc áp đặt tình duyên một cách bất công, vô lý thì những người con cũng không ngần ngại bày tỏ sự phản kháng, mặc dù có khi quyết liệt, mạnh mẽ:

·        Dù mà cha đánh mẹ treo,

Đứt dây té xuống cũng theo chung tình.

·        Cha mẹ đánh em đến thác, bỏ xác xuống đường mương,

Cha mẹ biểu từ ai em từ đặng, người thương em không từ!

có khi chỉ là lời than thở xót xa:

·        Đôi ta làm bạn thong dong,

Như đôi đũa ngọc đặt trong mâm vàng.

Vì chưng cha mẹ nói ngang,

Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau.

·        Dọn cơm anh chống đũa mà ngồi,

Anh chống đũa, chống bát, biết chống trời được chăng ?

Thái độ này cho thấy một tinh thần dân chủ và một ý thức sâu sắc về quyền tự do của con người, phản ứng lại sự nghiêm ngặt của tôn ti trật tự được xem là tinh thần cơ bản của học thuyết Nho giáo. Người bình dân Việt Nam chủ trương tôn trọng những gì hợp lẽ phải, tình người chứ không phải là tuân thủ trật tự tôn ti của các mối quan hệ và lấy điều này làm thước đo đạo đức cho một con người.

Dấu vết của văn hóa Nho gia trong ca dao còn thấy được qua hình ảnh “quân tử” xuất hiện không ít lần. Trong quan niệm nhà Nho, “quân tử” là người có học, có tài đức, có khả năng giáo hóa mọi người. Vì phẩm chất và sứ mệnh của người quân tử cao cả như vậy nên người quân tử rất đáng quý trọng. Thơ văn bác học thường ngợi ca người quân tử, đem sự thanh khiết của trúc, của mai để ví với họ. Ca dao cũng thể hiện quan niệm này – "Một đêm quân tử nằm kề, Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm", "Bảo cho những khách mà đào, Thà hầu quân tử chớ hầu thằng ngu" – nhưng đồng thời cũng cho thấy “quân tử” không phải là đáng tin cậy tuyệt đối:

Chớ nghe quân tử nỉ non,

Mà rồi có lúc ẵm con một mình.

Các tác giả dân gian đã tỉnh táo lột bỏ sự lý tưởng hóa nhân vật “quân tử”, cho thấy có những chàng quân tử vừa vô tình đáng trách:

Trách người quân tử vô tình,

Có gương mà để bên mình chẳng soi.

vừa bạc bẽo đáng khinh:

Trách người quân tử bạc tình,

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

Ở chỗ này, cách nhìn của tác giả dân gian và của bà chúa thơ nôm quả là cùng một dòng cảm hứng. Nữ sĩ họ Hồ cũng nhìn thấy mặt phàm tục của những bậc hiền nhân quân tử dù “mỏi gối chồn chân vẫn cứ trèo”, thấy gái đẹp thì “dùng dằng đi chẳng dứt” nên trêu ghẹo họ chẳng nương tay:

·        Mát mặt anh hùng khi bặt gió,

Che đầu quân tử lúc sa mưa

                        (Vịnh cái quạt)

·        Quân tử có thương thì đóng cọc,

Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

                        (Vịnh quả mít)

Chẳng phải người bình dân có ác cảm gì với những người “quân tử”, chẳng qua họ muốn “giải thiêng” về hình ảnh nhân vật này, tước bỏ cơ hội khoác chiếc áo đạo đức của họ, cho thấy quân tử hay thất phu cũng thế, đều là con người với những mặt tốt và mặt xấu như nhau.

Sở dĩ người quân tử là hình ảnh ước mơ trong lòng các cô gái là vì họ có học. Người bình dân rất quý trọng học thức. Dưới thời phong kiến, ấy là học chữ Nho và học Nho học. Những người vợ sẵn sàng tảo tần dầm mưa dãi nắng nuôi chồng ăn học và sẵn sàng chờ đợi bất kể thời gian:

·        Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ,

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

·        Chẳng tham ruộng cả ao liền,

Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ.

·        Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu,

Anh về học lấy chữ Nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

Tuy nhiên, “chữ Nhu” (chữ Nho) mà cô gái khuyên người yêu hay người chồng “anh về học lấy” không đơn thuần là chữ nghĩa thánh hiền trong Tứ thư Ngũ kinh mà hàm chứa cả cái đạo làm người cô muốn người bạn trăm năm của mình trau dồi để xứng đáng cho mình trao gởi duyên phận.

Dấu vết văn hóa Trung Hoa còn thấy xuất hiện trong không ít thành ngữ, điển cố, điển tích, địa danh rút ra từ sách, truyện cổ mà tác giả dân gian mượn làm phương tiện để bộc lộ tình ý của mình. Có thể đơn cử một số ví dụ:

(1)       Đổng Kim Lân hồi còn nhỏ,

Đi bán giỏ nuôi mẹ già.

Anh gặp em đây không cửa không nhà,

Muốn vô kết nghĩa biết là đặng không?

(2)      Lưỡi Trương Nghi dù bén,

Miệng Tô Tần dù lanh,

Lòng em đã quyết với anh,

Dẫu hai ông mà sống dậy dỗ dành cũng chẳng xiêu.

(3)      Mảng coi ông vua Thuấn canh điền,

Mảng lo nghèo khó, bạn hiền có đôi.

(4)      Đinh San thuở nọ,

Làm khó Lê Huê.

Ra đi mà chẳng thấy về,

Bạc tình đem thói nỡ chê nghèo hèn.

(5)      Ngày xưa Trang Tử,

Có ý thử vợ nhà.

Thấy trai xinh sao lại đắm sa,

Bởi ai trước chẳng thiệt thà,

Nên mới đoạn nghĩa, thiết tha nỗi gì!

(6)      Vợ ở Giang Đông còn chồng nơi Tây Thục,

Đoạn trường tứ khúc, nhiều lúc đắng cay.

Đôi ta chẳng đặng duyên hài,

Cũng nguyền bỏ một kiếp này mà thôi.

Điều đáng nói là có những điển cố, điển tích nói về chuyện trung hiếu hay những hoạt động chính trị của người xưa lại được đưa vào phục vụ mục đích chính là chuyện tình yêu đôi lứa (ví dụ (1), (2), (3)). Bước rẽ ngoặt bất ngờ hóm hỉnh và không kém phần độc đáo là ở chỗ đó.

Trong số những thành ngữ và điển cố được sử dụng trong ca dao, xuất hiện với tần số cao nhất là “tơ hồng – Nguyệt Lão”. Người bình dân tin vợ chồng là có duyên số và vị thần nắm giữ duyên số của mỗi người có tên Nguyệt Lão giữ nhiệm vụ se sợi chỉ đỏ (“tơ hồng” hay “xích thằng”) cho đôi lứa gặp gỡ, yêu thương và nên duyên chồng vợ:

·        Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc,

Địa sanh thảo hà thảo vô căn.

Đôi đứa ta đã bị sợi xích thằng buộc nên.

·        Mái chèo khi khoan khi nhặt,

Ngó lên trời vằng vặc ánh trăng.

Hôm nay vầy nghĩa xích thằng,

Chữ tình luyến ái bởi căn duyên trời.

Họ hiện thực hóa nhân vật truyền thuyết này để có thể trách móc, thậm chí hành hung cho hả giận khi duyên nợ lỡ làng hay bản hòa âm lứa đôi lạc điệu:

·        Đôi ta duyên nợ hững hờ,

Trách ông Nguyệt Lão se tơ lạc đường.

·        Bắc thang lên hỏi ông trời,

Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.

Đánh thôi lại trói vào cây,

Hỏi ông Nguyệt Lão nào dây tơ hồng?

Nào dây se bắc se đông?

Nào dây se vợ se chồng người ta ?

Ông vụng se tôi lấy phải vợ già,

Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông đi.

Nếu trong văn chương nhà Nho, những nhân vật truyền thuyết và cả nhân vật lịch sử đã trở thành điển tích được khoác chiếc áo trang nghiêm nhưng có phần xa cách thì trong ca dao, họ được cụ thể hóa, hiện thực hóa để từ trang sách xưa cũ bước ra cuộc sống, trở thành những con người bằng xương bằng thịt với đầy đủ hỉ, nộ, ái ố ở ngay bên cạnh chúng ta:

·        Quất ông tơ cái trót,

Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần.

Biểu ổng se mối chỉ năm bảy lần ổng không se.

·        Đi đâu mà chẳng lấy chồng?

Người ta lấy hết, chổng mông mà gào.

Gào rằng : “ Đất hỡi, trời ôi,

Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?”.

Ông trời ngoảnh lại mà trông,

“Mày hay kén chọn, ông không cho mày!”

Hiện tượng trần tục hóa những thế lực thiêng liêng trong ca dao hẳn đã nói lên không ít ý nghĩa, đồng thời qua đó có thể thấy được sức mạnh của văn hóa người Việt trong việc tiếp biến những sản phẩm tinh thần du nhập từ bên ngoài.

Bên cạnh “tơ hồng – Nguyệt lão”, thành ngữ “duyên kim cải” cũng thường xuất hiện trong ca dao với niềm tin duyên số và sự hòa hợp lứa đôi là một điều may mắn, một hồng phúc trời cho:

·        Duyên kim cải anh ghi tạc dạ,

Nghĩa tào khang anh nguyện giữ một lòng.

Anh thề chứng có non sông,

Chẳng nên chồng vợ, cửa “không” tu hành.

·        Duyên kim cải, không phải thì thôi,

Cũng đành một thác cho rồi,

Tình duyên không đặng hiệp đôi đau lòng.

Và khi tình duyên tan vỡ là “rụng cải rơi kim”:

Tiền tài như phấn thổ,

Nhơn nghĩa tợ thiên kim.

Chừng nào đá nổi rong chìm,

Mới đành rụng cải rơi kim với nàng.

“Đầu – cuối sông Tương”, “Ngưu Lang – Chức Nữ” cũng là những điển cố xuất hiện không ít lần trong ca dao:

·        Dầu cho lở dở cang thường,

Đầu trông cuối đợi sông Tương,

Ngàn dâu xanh ngắt chẳng tường,

Tấm thân bồ liễu cũng tìm đường theo anh.

·        Ngân giang chia rẻ,

Hai kẻ Bắc Nam.

Chức, Ngưu đau xót đành cam,

Số trời định vậy biết làm sao xong ?

Tác giả dân gian khi cần đã cho thấy họ không kém ai về chữ nghĩa và sự thông minh lịch lãm, đọc nhiều hiểu rộng:

·        Thấy em cũng muốn làm quen,

Sợ em đã có chữ “thiên” trồi đầu[i].

·        Trông chàng chẳng thấy chàng sang,

Bây giờ chữ “liễu” nét ngang mất rồi[ii].

Họ ví đôi lứa yêu nhau như thuyền quyên với anh hùng, như chim loan, chim phụng:

·        Ngọc còn ẩn bóng cây tùng,

Thuyền quyên còn đợi anh hùng sánh vai.

·        Gà lạc bầy gà kêu chiu chit,

Phụng lìa loan phụng chẳng muốn bay.

Từ ngày xa bạn đến nay,

Châu sa lụy nhỏ biết ngày nào nguôi.

và dùng những từ ngữ Hán Việt trong lời thề ước để làm tăng tính chất trang trọng của lời thề:

·        Đôi ta đã quyết kết nguyền,

Sống dương gian gửi nạc, thác xuống huỳnh tuyền gửi xương.

Những câu tục ngữ Hán Việt cũng được mượn để dẫn dắt tình ý một cách tự nhiên, khéo léo:

·        Gia bần tri hiếu tử,

Quốc loạn thức trung thần.

Xứng đôi vừa lứa muôn phần,

Cơn này mới rõ nghĩa nhân vẹn bề.

·        Nam đáo nữ phòng nam tắc tử,

Nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm.

Thương anh nên lên xuống viếng thăm,

Miệng người nhạo báng kim châm dạ này.

·        Nhơn tham tài tắc tử,

Điểu tham thực tắc vong.

Yêu nhau đừng có ngại lòng,

Thế gian đàm tiếu cũng không hại gì.

Tuy những cách nói này nhiều màu nhiều vẻ khác nhau nhưng cuối cùng đều đồng quy ở chỗ khẳng định tình cảm thủy chung, không thay đổi trước thử thách, đó là đạo nghĩa quan trọng nhất trên đời.

***

Ca dao Việt Nam đã thể hiện một tinh thần hợp dung văn hóa rộng rãi và cởi mở. Nếu trong văn học viết thời trung đại, văn hóa Nho gia của Trung Quốc để lại dấu ấn khá rõ nhất là ở các quan niệm – quan niệm sống, quan niệm về các mối quan hệ xã hội, quan niệm về sáng tác văn chương… – tất nhiên có khúc xạ qua lăng kính của những nhà Nho Việt Nam – thì trong ca dao dân gian, văn hóa Nho gia bước vào và chịu sự cải biến khá cơ bản bởi tác động của văn hóa truyền thống để làm phong phú thêm cho màu sắc của bộ phận văn học này. Tất cả những trung hiếu, cương thường, nhân nghĩa của Nho gia đã chuyển hóa thành tình nghĩa, một đạo nghĩa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Các tác giả dân gian cũng không ngần ngại dạo chơi qua những bể Sở, non Tần, Giang Đông, Tây Thục, gặp gỡ từ những nhân vật thần thoại như Nữ Oa, nhân vật truyền thuyết như Ngưu Lang, chức Nữ đến nhân vật lịch sử như Trương Nghi, Tô Tần, Uất Trì Cung, bắt trói Nguyệt Lão, đánh đòn ông Tơ… Các cô gái hồn nhiên tự xưng là thuyền quyên, thục nữ, tôn gọi bạn tình là quân tử, anh hùng. Họ thi nhau phô bày chữ nghĩa, hiểu biết, khẳng định trí tuệ trước đối tượng khi vận dụng những lời lẽ này trong một tình huống đắc địa nhất để bộc lộ tình ý của mình. Có thể bắt gặp không ít những dấu vết của văn hóa Trung Hoa trong ca dao Việt Nam nhu thế. Nhưng điều đáng nói là đàng sau những yếu tố hình thức này lại là một hồn cốt Việt Nam, từ tâm lý ứng xử, quan niệm sống đến các mối quan hệ. Ca dao Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, phong phú và sức hấp dẫn đặc biệt chính bởi sự tiếp nhận cởi mở, tự do và đầy bản lĩnh này. Nó thể hiện hai nét cơ bản trong văn hóa ứng xử của người Việt là “hoạt” (linh hoạt, sáng tạo) và “hòa” (dung hòa, hòa hợp). Sự hợp dung văn hóa đặc biệt diễn ra khá rõ ở vùng đất mới phương Nam nơi con người luôn phải thích ứng với những điều kiện sống mới không kém gian nan khắc nghiệt. Họ được rèn luyện tâm tính năng động, cởi mở, linh hoạt trong suy nghĩ, biết đón nhận cái mới và vận dụng nó một cách sáng tạo để phục vụ cho đời sống tinh thần cũng như vật chất. Họ đồng thời cũng được rèn luyện khả năng sống thích nghi, hòa hợp trong một môi trường đa văn hóa – văn hóa truyền thống mang theo trong máu thịt “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, văn hóa Trung Hoa từ những cuộc di dân của người Minh vào đất Đồng Nai – lục tỉnh, văn hóa của những tộc người Đông Nam Á bản địa và văn hóa Phương Tây du nhập từ thế kỷ XIX. Hòa hợp nhưng không hòa tan mà còn biết cách làm nổi bật mình trong sự hợp dung ấy là cách chọn lựa khôn ngoan và phù hợp nhất cho con đường phát triển văn hóa của người Việt nói chung, người Việt ở vùng đất phương Nam nói riêng. Không khép kín để trì trệ và lụn mòn, cũng không cởi mở tiếp nhận một cách nông nổi để rồi tha hóa, những thế hệ tiền nhân bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình đã thiện dụng sự hợp dung văn hóa  để làm giàu và làm mới thêm cho văn hóa Việt Nam mà ca dao dân gian là một minh chứng điển hình.

Đ.T.T.V.



[i] Chữ “thiên” trồi đầu thành chữ “phu”, nghĩa là chồng. Câu này ý nói “sợ em đã có chồng rồi”.

[ii] Chữ “liễu” thêm nét ngang thành chữ “tử”, nghĩa là con. Câu này ý nói “bây giờ em đã có con”.

Thông tin truy cập

63662536
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6254
17595
63662536

Thành viên trực tuyến

Đang có 1067 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website