Thầy hãy yên lòng ra đi

Khi thông tin liên tục truyền nhau từ bạn bè đồng nghiệp về sự ra đi của Thầy cũng là lúc tôi bàng hoàng nhận ra mình đã vĩnh viễn mất đi một người thầy mẫu mực, đáng kính; một chỗ dựa tinh thần cao cả mà mình không bao giờ tìm thấy được. Bàng hoàng hơn nữa là tôi không kịp gặp Thầy trong những giây phút cuối cùng...

Tối 28 tháng 9, khi nghe tiếng của một người bạn nghẹn ngào qua điện thoại: “Mình đến thắp cho Thầy nén nhang đi, bây giờ chắc Thầy lạnh lẽo lắm”, tôi chợt giật mình: “Đúng rồi, sao lại chờ đến ngày mai – có nhất thiết phải là ngày mai mình mới cùng mọi người đến viếng Thầy?”. Thế là tôi vội vàng chạy đến Nhà Tang lễ. Trên suốt quãng đường đi, bao nhiêu ký ức bỗng ùa về, thương quá mà cũng xót xa, nhức nhối quá… Rón rén đến gần quan tài và kiễng chân nhìn Thầy lần cuối, chúng tôi không cầm được nước mắt, và thế là hai chị em tôi òa khóc nức nở như những đứa trẻ trong cái lạnh lẽo đến rợn người của đêm ở Nhà Tang lễ…   

Chậm hơn bao nhiêu thế hệ đàn anh, tôi may mắn được học Thầy vào năm 1993. Đó là khi tôi chân ướt chân ráo từ miền Trung vào TPHCM học Cao học. Mới đó mà đã tròn con số 20 năm. Lúc bấy giờ, Thầy đến với chúng tôi bằng chuyên đề về Kịch nói. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái dáng nghệ sĩ với những giờ học thật tự nhiên, thoải mái của Thầy. Thầy nhập vai của một diễn viên kịch, điệu bộ, lời nói có sức hấp dẫn lạ kỳ. Khi được biết Thầy là một trong những thành viên tham gia thành lập đoàn kịch Độc Lập (1946) và từng là diễn viên kịch, có lúc tôi nghĩ, nếu theo con đường nghệ thuật, chắc chắn Thầy tôi cũng sẽ gặt hái được nhiều thành công và cũng sẽ được phong tặng danh hiệu cao quí – “Nghệ sĩ Nhân dân”. Có thể nói, Thầy là một trong số rất ít những người tài hoa trên nhiều lĩnh vực mà mà tôi được gặp. Cho đến bây giờ, ấn tượng nhất đối với các thế hệ học trò chúng tôi khi học Thầy, là Thầy có một giọng nói rất hay. Chất giọng ấy rất ấm áp, thân tình khi trò chuyện; rất truyền cảm, lôi cuốn khi bình giảng văn chương; rất hào sảng trong lời thoại của một diễn viên kịch, nhất là những vở kịch lịch sử…   

Thầy là người rất nghiêm khắc với học trò nhưng cũng rất nhân hậu. Còn nhớ, khi mới vào Sài Gòn, cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người khiến tôi gần như kiệt sức. Những giờ học của Thầy đáng quí biết bao, vậy mà tôi đã phải “chuồn” đôi buổi. Lúc ấy, tôi rất sợ Thầy buồn. Nhưng Thầy tôi không một lời khiển trách hay rầy la. Mỗi lúc tôi đến nhà chơi, Thầy đều hỏi thăm về cuộc sống, về công việc. Thấy tôi vất vả vừa làm vừa học, vừa lo cho em, người gầy như que tăm, có lần Thầy hỏi: “Bây giờ chị em sống thế nào rồi? Bữa cơm đã có thêm cá chưa?”. Rồi Thầy giới thiệu việc làm cho tôi để tăng thêm thu nhập. Nhờ Thầy mà tôi “bén duyên” với nghề biên tập và được làm việc ở Nhà xuất bản Văn học, chi nhánh phía Nam (lúc đó, nhà văn Hoàng Lại Giang là Trưởng chi nhánh). Thầy còn viết thư giới thiệu tôi với Hiệu trưởng các trường Đại học dân lập (ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Hồng Bàng…). Ôi, Thầy tôi! Người quan tâm đến học trò mình ngay cả trong những lo toan thường nhật. Con người ấy sao mà nhân hậu vô cùng!

Mỗi lần đến thăm Thầy, tôi luôn sắp xếp công việc để được nghe Thầy nói chuyện thật thoải mái mà không phải băn khoăn về thời gian. Thầy say sưa kể bao nhiêu là chuyện: chuyện đời, chuyện người; chuyện giảng dạy, học tập, chuyện văn chương… Có những chuyện xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Thầy còn là một thanh niên, hăng hái tham gia kháng chiến, được Thầy kể rành mạch như vừa mới xảy ra. Có những chuyện vui, trở thành giai thoại về một số nhà văn, nhà báo… mà Thầy đã từng gặp gỡ, gắn bó được Thầy kể một cách hóm hỉnh. Những câu chuyện của Thầy có ý nghĩa với thế hệ hậu sinh chúng tôi biết bao nhiêu. Chất sống trong những câu chuyện Thầy kể đã hấp dẫn tôi. Và thú thật, không ít câu chuyện đã đi vào những bài giảng của tôi một cách sinh động… 

Có thể nói, may mắn thứ hai trong đời tôi là được làm đồng nghiệp của Thầy và được Thầy dìu dắt để ngày càng vững tin hơn trong mỗi giờ lên lớp. Đó là khi tôi về dạy hợp đồng cho trường PTTH dân lập Trương Vĩnh Ký – nơi Thầy được mời làm Hiệu trưởng và gắn bó trong suốt 16 năm. Lúc đó (năm 1997), theo gợi ý của Thầy, tôi xin về dạy ở trường trung học này, nhưng không muốn làm phiền Thầy, cũng không muốn lợi dụng quan hệ thầy trò để Thầy khó xử nên nộp hồ sơ ở văn phòng và dự cuộc sát hạch theo yêu cầu của nhà trường như bao nhiêu thầy cô khác. Những tháng năm giảng dạy ở trường Trương Vĩnh Ký, Thầy và thầy Trần Hữu Tá đã để lại cho tập thể giáo viên chúng tôi những ấn tượng khó quên. Đó là những con người rất nghiêm túc trong công việc nhưng rất có lý, có tình trong việc đối xử với các thầy cô giáo. Khi chuyển về làm giảng viên cơ hữu cho một trường ĐHDL, tôi lại gặp Thầy. Lúc bấy giờ, Thầy là hiệu trưởng danh dự của trường. Dù trường đại học ấy xảy ra bao nhiêu chuyện không hay, Thầy tôi vẫn giữ được lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo chân chính. Trước sau, tôi vẫn nhận ra ở Thầy một tấm lòng hết mình vì sự nghiệp giáo dục, luôn trăn trở trước những khó khăn, vất vả của các thế hệ học trò….  

Mới đó mà đã 20 trôi qua, kể từ ngày tôi được vinh dự làm người học trò nhỏ của Thầy. Thời gian dẫu có làm dày lên tuổi tác của Thầy, cuộc đời dẫu có chất lên Thầy bao phiền muộn, nhưng Thầy tôi vẫn vững vàng và minh mẫn như xưa. Trong lòng tôi, Thầy vẫn luôn là người Thầy đáng kính nhất! Khi mừng thượng thọ Thầy (tuổi 90), tôi thầm cảm ơn cuộc đời vẫn cho Thầy tôi còn khỏe. Dù bước chân có chậm hơn, cánh tay giơ lên đánh hồi trống khai trường có yếu hơn nhưng Thầy vẫn toát ra phong cách uy nghiêm của một nhà giáo, một nghệ sĩ. Phong cách ấy không lẫn vào đâu được. Tôi thầm cầu mong trời đất cho Thầy tôi khỏe mạnh, bình an. Tôi tin, Thầy tôi sẽ còn làm nên kỳ tích, khi để người thân, đồng nghiệp và những thế hệ học trò có dịp mừng thượng thọ Thầy ngoài tuổi 100.

Vậy mà… Thầy đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi.

Viết những dòng này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với một người Thầy mà tôi một lòng kính yêu, trân trọng. Khóc Thầy trong phút giây vĩnh biệt, lưu lại trong tim tôi vẫn là mái đầu bạc trắng của Thầy. Nhưng Thầy ơi, tấm lòng nhân hậu, niềm say mê, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của Thầy vẫn xanh mãi trong tim chúng con - những thế hệ học trò từng được Thầy dìu dắt. Mong Thầy hãy yên lòng ra đi như đi vào cuộc dạo chơi miên viễn!

Sài Gòn tháng 9/2013

Thông tin truy cập

63662156
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5874
17595
63662156

Thành viên trực tuyến

Đang có 1089 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website