Ngày 27/03/2022 vừa qua, Hội thảo quốc tế “Kawabata Yasunari: Từ Nhật Bản đến Việt Nam” được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Kawabata Yasunari (1972-2022). Hội thảo được tổ chức với một phần tài trợ kinh phí từ quỹ Japan Foundation.
Ảnh: Kim Loan
Hội thảo nhận được hơn 40 bài tham luận từ các học giả, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài như: Viện Văn học, Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội), Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, Đại học Shizuoka, Đại học nữ Wayo (Nhật Bản), Đại học Đông Ngô (Đài Loan)… Đặc biệt là sự hiện diện của đại diện Hiệp hội Kawabata Yasunari ở Nhật Bản, ngài Mitsumasa Tamura, giáo sư danh dự đại học Shizuoka, Giám đốc điều hành hiệp hội Kawabata Yasunari. Giáo sư Mitsumasa Tamura đã chia sẻ với hội thảo về việc nghiên cứu Kawabata Yasunari ở Nhật Bản và trên thế giới cũng như những xu hướng mới trong việc nghiên cứu nhà văn nổi tiếng của xứ sở Phù Tang này.
Do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều học giả nước ngoài không thể đến Việt Nam tham dự, vì thế hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp (onsite) và trực tuyến (online). Hội thảo bắt đầu từ 8h00 với bài phát biểu khai mạc của TS. Lê Hoàng Dũng, đại diện Ban giám hiệu trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Kế tiếp là bài phát biểu của GS Danh dự Mitsumasa Tamura – Đại học Shizuoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kawabata Yasunari và phát biểu của nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, chuyên gia về văn học Nhật Bản tại Việt Nam. Bên cạnh việc trình chiếu clip: “Hành trình tiếp nhận Kawabata ở Việt Nam”, phiên toàn thể còn có hai bài tham luận của PGS.TS. Đoàn Lê Giang và TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như.
Ảnh: Kim Loan
Ngoài phiên toàn thể, hội thảo gồm có bốn tiểu ban khác nhau: “Mỹ học Kawabata Yasunari”, “Bay trên Ngàn cánh hạc: Cùng cái đẹp và nỗi buồn” diễn ra từ 9h30 đến 11h30, “Kawabata Yasunari từ góc nhìn đương đại (vấn đề Giới và chuyển thể), “Thế giới của Những người đẹp say ngủ” diễn ra từ 13h đến 14h30.
Các tiểu ban đã đặt ra nhiều vấn đề thú vị, đi sâu vào sự nghiệp, phong cách sáng tạo của Kawabata Yasunari; vị trí và tầm ảnh hưởng của ông trong đời sống văn học, văn hóa Nhật Bản và Việt Nam. Các bài tham luận đã trình bày những đặc trưng và giá trị nghệ thuật trong sáng tác của Kawabata từ những góc nhìn khác nhau của nghiên cứu văn học, mỹ học, nhân học. Các tác phẩm văn học của Kawabata cũng được quan sát, phân tích, so sánh cùng với các hình thức chuyển thể như sân khấu, điện ảnh. Những vấn đề dịch thuật, tiếp nhận tác phẩm Kawabata ở Việt Nam và trên thế giới cũng được được đặt ra và bàn bạc thấu đáo.
Các tiểu ban đều có nhiều học giả, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tham dự. Các ý kiến có phần tương đồng, thống nhất, cũng có chỗ khác biệt, khó chia sẻ, nhưng trên hết, những đối thoại đã tạo nên một không khí học thuật sinh động, rút ra được những nhận định sâu sắc về sự nghiệp văn học của Kawabata.
Kết thúc vào 17h00 cùng ngày, hội thảo đã góp phần lan tỏa cảm hứng đọc và tìm hiểu, nghiên cứu về Kawabata Yasunari nói riêng, văn học Nhật Bản nói chung.
Lê Ngọc Phương