Tóm tắt
Mario Vargas Llosa là một trong những nhà văn châu Mỹ Latinh đương đại nổi tiếng nhất. Ông viết trong bối cảnh đất nước Peru và các nước châu Mỹ Latinh khác bước vào giai đoạn hậu thực dân với những thử thách cam go. Tiểu thuyết của Mario Vargas như một mô hình thu nhỏ của xã hội Peru. Những chủ đề chính của ông thường là sự bạo lực, lòng tự tôn nam quyền, nạn phân biệt tôn ti, đẳng cấp đã hình thành nên xã hội và chính trị, những tham nhũng, mục nát và sự đấu tranh của nhân dân chống lại chế độ cai trị độc tài, sự cuồng tín tôn giáo. Hơn nữa, Mario Vargas Llosa còn thể hiện hình ảnh xã hội trong mối quan hệ với tính quốc tế, tính dân tộc và tính bản địa, sự đồng tồn tại và đồng phụ thuộc giữa trung tâm và ngoại vi, giữa những đất nước thuộc "thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba", giữa nền văn hóa lai ghép, trộn lẫn và có tính xuyên quốc gia.
Mario Vargas Llosa đạt được danh tiếng vào thập niên 1960 và 1970 với những tác phẩm như Thành phố và lũ chó (La ciudad y los perros, 1963), Ngôi nhà xanh (La casa verde, 1965), Trò chuyện trong quán La Catedral (Conversación en la catedral, 1969), Dì Hulia và nhà văn quèn (La tía Julia y el escribidor, 1977)… Đã có ba tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Việt.
Ở đề tài nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận tiểu thuyết Llosa bằng phương pháp hậu thực dân. Phương pháp này sẽ giúp soi rọi những vấn đề đặc trưng nhất của tiểu thuyết Llosa: đó là hiện thực nhiều chiều, trùng phức, hiện thực rộng lớn và đa dạng hiện lên trong tác phẩm qua những điểm nhìn khác nhau của tác giả. Đề tài còn cho thấy sự nhận định, lý giải sắc sảo của Mario Vargas Llosa về vận mệnh của cá nhân và vận mệnh dân tộc giữa chế độ độc tài đầy biến động. Với dung lượng đồ sộ, Trò chuyện trong quán La Catedral và những tác phẩm khác đã thể hiện một cách sống động xã hội ngổn ngang, bề bộn của một đất nước nghèo, đất nước hậu thực dân của thế giới thứ ba.
ThS. NCS. Lê Ngọc Phương, Khoa Văn học và Ngôn ngữ - Trường ĐH KHXH&NV