Jorge Luis Borges và cảm hứng sáng tác từ Bờ bến khác của thực tại

                              (Lê Ngọc Phương, Tạp chí ĐH Sài Gòn, niên giám 2012)

Jorge Luis Borge chắc chắn không phải là một tên tuổi xa lạ đối với giới nghiên cứu văn học thế kỷ XX. Oxford book of Latin American short stories (Sách Oxford về Truyện ngắn châu Mỹ Latinh) cho rằng: “Gabriel Garcia Marquez cùng với Jorge Luis Borges là hai nhà văn Mỹ Latinh nổi tiếng nhất tính đến hiện nay” [1].  Cùng quan điểm này, Scott Simpkins trong công trình nghiên cứu về chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo đã đánh giá: “Jorge Luis Borges và Gabriel Garcia Marquez là hai nhà văn đã có công đưa chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo đi xa hơn bằng cách thử nghiệm những điều kiện của chính cái huyền ảo nguyên bản trong sáng tác của họ” [2]. Theo Scott Simpkins, nếu Alejo Carpentier là người lập thuyết tiêu biểu cho trào lưu Hiện thực huyền ảo thì Jorge Luis Borges và Gabriel Garcia Marquez chính là người đưa trào lưu văn học huyền ảo đến với thế giới, bằng những sáng tác của mình.

              So với tác phẩm của hậu duệ G. G. Marquez, truyện ngắn của J. L. Borges ngay từ sớm giống như một trò chơi tư tưởng – thách thức, dị thường và khó đọc. Truyện ngắn là nơi Borges thể nghiệm những ý tưởng và triết lý độc đáo về cái huyền ảo. Khác với tính chất huyền ảo kiểu “magic” (pha chút huyễn hoặc, ma thuật, tâm linh của nền văn hóa bản địa) thấm trên tác phẩm của G. G. Marquez, truyện ngắn của J. L. Borges vốn thể hiện phong cách huyền ảo “fantasy”: một sự tưởng tượng phóng túng, siêu hình và siêu tưởng, một cảm hứng bắt nguồn từ “bờ khác của thực tại” – bờ bến của giấc mơ, của huyền thoại, vô thức, của những ký hiệu triết học…

1. Jorge Luis Borges: “Tôi tin vào cảm hứng”

            Cảm hứng hay thi hứng thường được ví như cuộc tao phùng giữa nội tâm với ngoại cảnh. Cuộc gặp gỡ này khiến nhà văn cảm thấy giao động và choáng ngợp bởi một tình cảm cuồng nhiệt, một thứ cảm giác huyền bí choàng lấy tâm hồn. Cảm hứng đến từ sự kích thích bên ngoài, nhưng cảm hứng còn là sự nung nấu, sự ám ảnh sâu xa, sự chuẩn bị từ lâu trong lòng nhà văn. Như F. G. Lorca từng nói, cảm hứng thực ra là một trạng thái trầm tư mặc tưởng, một sự nghiền ngẫm, một sự chờ đợi dài lâu. Ẩn đằng sau cảm hứng sáng tác là cả hệ tư tưởng và phong cách viết của nhà văn.

            Borges từng viết về chính mình:

            “Tôi thường xuyên canh tác trên một loại văn học ma quái. Dù cho trong những truyện ngắn vốn được làm bằng những chuẩn mực của trò chơi của chủ nghĩa Hiện thực thì những vụ việc vẫn là ma quái: sự thật không như thế... Đặc tính ma quái ấy không có nghĩa là tuỳ tiện, không một thứ văn học nào là tuỳ tiện cả” [3].

            Borges cũng nói thêm rằng: Mỗi truyện trong số những truyện ngắn ấy đáp ứng những tâm trạng, những đam mê, hay những kinh nghiệm tôi có cho dù sau đó chúng là tuyệt vời [4].

            Cũng vì thế, Borges tin vào cảm hứng, tin rằng những cuốn sách được viết từ cảm hứng thường trực và dai dẳng, dường như đối lập và bất chấp ý chí của ông…

            Octavio Paz, một trong những nhà văn viết về Borges tinh tế nhất, trong bài luận nổi tiếng: Cây cung, mũi tên và điểm đích đã dẫn lại lời nhận xét của Alfonso Reyes – nhà văn bậc thầy của Mexico. Reyes vẫn luôn thán phục trước “một trí tuệ lạ lùng, một niềm hạnh phúc ngoại cỡ” của người đồng hương Jorge Luis Borges. Octavio Paz còn bổ sung thêm nhận định của Reyes, Paz viết: “Đồng thời, ông (Jorge Luis Borges – LNP ghi chú) còn là một đầu óc thông tuệ đến lạ kì đã gắn kết với tính huyền ảo của một nhà thơ bị cám dỗ bởi cái bờ khác của thực tại: nhờ vậy, ông chỉ có thể cười mỉm trước những công trình hư ảo của lý trí” [5].

            Hình ảnh “bờ khác của thực tại” mà Octavio Paz đã dùng nhằm ẩn dụ cho sáng tạo độc sáng của Borges về một thực tại khác, không phải thực tại ta có thể nhìn thấy, sờ chạm và nắm bắt mỗi ngày. Thực chất đó là một thế giới, một hành tinh mơ tưởng của Borges. Như chính Borges từng nói ông luôn bị cám dỗ bởi những gì “ma quái”, “huyền thoại”, bởi những mơ mộng siêu hình và trò chơi tư tưởng. Chìa khóa cho toàn bộ sáng tác của Borges, theo Octavio Paz, nằm ở hai điều: sự thông tuệ và tính ảo huyền. Vì thế, truyện ngắn Borges luôn thiếu vắng cuộc sống đời thực, thiếu vắng chủ đề tình yêu, thiếu vắng những sự kiện chính trị xã hội (một cách trực tiếp), thiếu vắng cả những vấn đề đạo đức thường tình. Sáng tác của ông thường là con người cô độc, mộng mị và suy tưởng trước vũ trụ và trước chính mình. Hệ đề tài của Borges chung qui đều dẫn đến hai trục: bản thể huyễn hoặc của cá nhân và bản thể siêu hình của vũ trụ. Trí tưởng tượng phong phú của Borges luôn bị quyến rũ bởi một thế giới khác thường, chen lẫn giữa thực và ảo, từ đó cuốn ông đi đến chỗ thử nghiệm liên tục các mô hình huyền ảo trong văn chương. Toàn bộ sự độc đáo và hiện đại của tác phẩm Borges được xây dựng từ một thực tại siêu hình gắn trong chiều sâu của sự tồn tại và nhân tính. Xuất phát từ cảm hứng này, Borges đã vượt ra khỏi bến bờ của hiện thực, sáng tạo nên một thế giới khác của riêng ông.

            Nhìn trên nghệ thuật tự sự, điều mang lại yếu tố huyền ảo cho tác phẩm Borges là sự mơ hồ của cốt truyện, sự nhập nhòa của không – thời gian. Sự việc và nhân vật thì rất đỗi bình thường và đầy tính “người”. Thế nhưng, toàn bộ truyện ngắn lại tiệm cận đến bờ huyền ảo bởi sự mập mờ, đa nghĩa của tình tiết truyện, bởi những đề tài luôn giữ một khoảng cách đối với hiện thực, luôn trộn lẫn giấc mơ, truyền thuyết và đời thực. Kết cấu mở đầu và mở cuối của truyện ngắn càng làm tính huyền ảo lan xa và để lại sự lấp lửng, mơ hồ. Tính ảo huyền của tác phẩm Borges được tạo bởi một “điểm nhìn đảo lộn mọi điểm nhìn truyền thống” [6], xoá mờ tất cả ranh giới, cuốn người đọc vào mê cung.

            Tính ảo huyền này khiến “Borges giữ một vị trí duy nhất trong văn chương thế kỉ XX” [7].          

            Nhắc đến chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, người ta không thể không nhắc đến Jorge Luis Borges. Ông là người tiên khu cho chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, như từ rất sớm ông đã khẳng định: “Thiết nghĩ rằng huyền thoại không kém phần thực so với điều chúng ta nhìn thấy trong thực tại. Huyền thoại là một ngụ ngôn mà chúng ta đọc bằng một hình thức cụ thể với sự sùng kính rõ ràng, huyền thoại là cần thiết…” [8].

            Coi trọng huyền thoại, Borges đã mở màn cho dòng văn chương đậm chất huyền ảo của Mỹ Latinh.

            Văn chương từ cuối thế kỉ XIX kéo dài sang đầu thế kỉ XX vẫn luôn nhấn mạnh “cái thực” trong lúc qui chiếu liên tục với hiện thực đời sống. Coi trọng tính hiện thực của những sự kiện đời sống, người ta đồng thời xem nhẹ tính không thực của tưởng tượng. Đến Jorge Luis Borges, ông chống lại quan niệm này trong văn học. Borges cho rằng chủ nghĩa hiện thực nghiêm khắc giúp người đọc “quên đi đặc trưng kĩ thuật ngôn từ của tác phẩm”, chỉ nhớ đến sự thực đời sống được đưa vào. Ngay cả nhà văn vĩ đại nhất cũng có khuynh hướng đè nặng tác phẩm của mình với những mô tả không cần thiết hay những trang bị về tâm lý. Sự chi li, chi tiết đó nhằm cố gắng đạt đến tính hiện thực.

            Nghi ngờ sự thực như là một giả tưởng, Borges cũng như những nhà văn châu Âu, đặc biệt là A. Robbe-Grillet sớm đặt lại vị trí của tính hiện thực và tính hư cấu tưởng tượng. “A. Robbe-Grillet tin rằng: Sức mạnh của tưởng tượng có thể tạo ra một cái gì lạ lùng, thật hơn cả thực tế, và có thể khiến cho hư cấu trở thành hiện thực. Cái ảo không còn là cái mà vì nó, tồn tại bị vượt qua, cái ảo báo trước, chờ đợi và kêu gọi hiện thực, giống như một kiểu tương lai của hiện thực… Vì thế, tưởng tượng đối với Robbe-Grillet, sẽ là hiện thực, sẽ là cái mà ta có thể dùng để kiểm tra thực tế” [9].

            Thuộc về những người tiên phong cho nền văn học mới, Borges ủng hộ nồng nhiệt thời đại của hư cấu. Lạ mắt hơn, Borges bày tỏ sự-không-thực ấy ngay ở tựa đề tác phẩm. Tập truyện mang tên Ficciones (Hư cấu) của ông là cách đi ngược lại với tên tác phẩm thông thường. Trong khi các nhà văn nhấn mạnh sự chân thực của tác phẩm mình thì Borges nhấn mạnh tính hư cấu. Hư cấu là xảo thuật. Hư cấu là tưởng tượng. 

            Borges xây dựng hạt nhân huyền ảo từ huyền thoại về lửa, về phù thuỷ, từ truyền thuyết những mê lộ, những tấm gương, những giấc mơ... Con người hiện lên với tất cả sự mong manh, mơ hồ và sự phi lý của thân phận người. Chất huyền ảo của Borges còn lồng qua những cuộc du hành không khởi đầu, không kết thúc trong mê lộ, trong những chiếc gương, trong sự tuần hoàn vô tận... Vì thế, sự “ma quái” của Borges không giống với cổ tích và truyện thần diệu, sự “ma quái” của Borges càng không giống với J. Cortazar và G. Marquez, nó gần với huyền ảo siêu hình, như chính Borges đã phát biểu: “Siêu hình là một nhánh của văn học huyễn tưởng”.          

            Không thú vị với văn chương đạo đức, Borges càng không đam mê văn chương chính trị. Khác với ba nhà văn Mỹ Latinh đồng thời: A. Asturias, A. Carpentier, Juan Rulffo, tác phẩm Borges rất ít màu sắc chính trị. Ông không muốn thỏa hiệp quan niệm của ông với bất cứ thông điệp, ý tưởng nào. Borges chỉ hứng thú với các huyền thoại, với sự kì bí của vũ trụ, những cuộc suy tư và đối thoại tư tưởng. Thế giới huyền ảo của ông trao đổi thường xuyên với triết học Berkeley, Hume, Bergson, Schopenhauer và Nietzche... Từ đó những vấn đề sinh tồn của cuộc sống thường nhật được lồng trong ảo giác mông lung, phát lộ nên câu hỏi về bản thể tồn tại của cá nhân trong vũ trụ.     

            Xét trên tổng thể, toàn bộ tác phẩm của Borges chỉ xoay quanh trục chính: Ta với chính Ta, Ta với cái Ta khác, và Ta với vũ trụ. Cả ba mối liên hệ này đều dẫn đến con đường mong manh của bản thể, sự hoài nghi của tri thức. Điều gì là cái có thực? Đâu là thực tại đích thực? Hay tất cả thực tại cũng chỉ là giả định, chỉ là sự nhìn thấy/ sự mơ tưởng từ một cá nhân nào đó?

            Đặt cái giả bên cạnh cái chân, cái huyền ảo bên cạnh sự thực, Borges muốn nói điều gì? Một sự thực đích thực, hay không có sự thực nào cả? Một sự hiểu biết hay thực ra sự che giấu cái hoang mang?

            Cảm hứng về sự vô tận, tính hư trống vô định này tạo nên chất huyền ảo. Borges vẫn thường nói: ông không lựa chọn điều này. Chúng tự ám ảnh và tự tìm đến Borges. Phải chăng, như Claudio Magris đã gọi Borges là “nhà huyền học cho dẫu niềm thần khải của ông không đến” [10]? 

2. Cảm hứng trước bản thể huyễn hoặc của cá nhân

                                    “Con người còn giá trị hơn cả vũ trụ”

                                                                        (Charles Werner)

            Jorge Luis Borges thường dành một cảm hứng thường xuyên cho vấn đề về bản ngã. Bằng toàn bộ tác phẩm của mình, Borges làm sống lại một bản ngã đầy mãnh liệt, sự chuyển động bên trong đầy phức tạp và mong manh. Thơ ca, truyện ngắn, tiểu luận của Borges đều cùng một hệ đề tài lớn này.

            Borges từng viết trong Thơ về những ân sủng

“Vào lúc lang thang trên những hành tinh tĩnh lặng

Với nỗi sợ mơ hồ ta cảm thấy

Rằng ta là kẻ khác, kẻ đã chết, sẽ bước

Những bước chân này trong chính ngày hôm nay”

                                                (Thơ về những ân sủng)

“Ta là kẻ chẳng là ai, là kẻ không một thanh gươm

trong trận mạc. Ta là tiếng vọng, là lãng quên, là hư vô”

                                                                                                (Là)

            Ám ảnh về cái Ta đã khiến văn chương Borges bao phủ sự mơ hồ, sự hoài nghi về thân phận người. Cái Ta đối diện với nỗi cô độc hoàn hảo, không thể sẻ chia. Cái Ta gấp khúc trong những cơn mơ vô tận. Cái Ta bối rối hoang mang trong mê lộ. Cái Ta lưu lạc trong thời gian, không gian vô hình, vĩnh cửu. Cái Ta không rõ ràng và đơn nhất. Cái Ta hoá thân thành người khác, biến thành số nhiều, có khi hắn chỉ độc một chiếc bóng. Đề tài về bản ngã hiện diện hầu hết ở các tác phẩm của Borges. Đề tài này chiếm vị trí trung tâm, hoặc ít nhất thì ở mọi sáng tác, nó luôn được ẩn hiện hoặc lồng trong những đề tài khác.

            Truyện ngắn của Borges lấy cảm hứng từ cuộc tồn sinh phức hợp và đa tiết điệu. Ở đó, con người là “bản ngã hoán vị” mà bên trong tái hợp những đam mê và những tư tưởng. Đời sống tâm linh luôn chờ đợi sự phóng vọt, luôn tái sinh và đổi mới. Các tác phẩm xuất sắc của Borges như: Phương Nam, Văn tự của Thượng đế, Người bất tử... đều được bẩy lên từ cảm hứng về bản thể này.

            Liên quan đến bản thể Ta, Borges cũng thường viết về sự phân thân, tách rời nhân cách. Thế nhưng, cảm hứng này không nhằm mang đến sự hồi hộp, rùng rợn như văn chương kì ảo thế kỉ XIX. Không giống với sự phân thân trong truyện ngắn của Maupassant và A. E. Poe, truyện ngắn Borges hoài nghi và u buồn đượm nhẹ trước bản thể con người. Chẳng hạn, Phương Nam là một truyện ngắn đẹp như thơ của Borges, kể về người đàn ông tên Juan Dahlmann, một thư kí của thư viện thành phố, với niềm tin gia đình đang chờ đợi mình, anh đã sửa soạn về phương Nam thăm quê hương. Thế nhưng, buổi chiều hôm ấy trong lúc vội vã leo xuống cầu thang trong bóng tối, một vật đập vào trán anh khiến anh bị thương. Điều bí ẩn đã bắt đầu ló dạng. “Trong đêm đó, cơn sốt đã vắt kiệt sức Dahlmann”. Anh được mời thầy thuốc chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Anh được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Người ta lột hết áo xống, cạo đầu, ghì chặt anh vào giường bằng những tấm kim loại và rọi ánh sáng vào mắt... “Dahlmann thầm oán hận, oán hận bản thể con người mình, những đòi hỏi của thân xác, tình trạng bị làm nhục của mình”. Anh ta được bác sĩ phẫu thuật thông báo anh ta suýt chết vì bệnh nhiễm khuẩn máu và sắp phục hồi. Dahlmann lại thấy mình được đưa về điền trang ở phương Nam của mình, trên một chiếc xe cấp cứu.

            Ở nhà ga đợi tàu hoả, anh ta uống một tách cafe, rồi anh ta lên tàu, trong khi tàu chạy, anh bắt đầu đọc cuốn Nghìn lẻ một đêm. Đầu óc Dahlmann chập chờn qua những suy nghĩ, qua những cơn mơ. Con tàu đột nhiên dừng lại giữa đồng không mông quạnh và Dahlmann nhận ra đây không phải là nơi mình muốn đến nhưng vẫn “chấp nhận đi bộ như một cú mạo hiểm nho nhỏ”. Dahlmann ở lại một cửa hàng cơm và tại đây điều kì lạ lại xảy ra. Dahlmann đột nhiên cảm thấy bị ném bởi những viên bi bằng bánh mì. Một người thổ dân chửi bới và sỉ nhục anh, mời anh vào một cuộc đấu tay đôi. Dahlmann được một ông già ném cho một con dao và anh ta bắt đầu vào cuộc. Truyện ngắn kết thúc bằng chi tiết: “Dahlmann đâm mạnh con dao, mà có lẽ anh sẽ chẳng biết điều khiển nó, rồi anh đi thẳng ra cánh đồng bao la” [11].

            Có thể nhận thấy câu chuyện bao phủ bởi những tình tiết lập lờ và mơ hồ. Vết thương gây cơn sốt của Dahlmann là thực hay giả? Anh ta trở về điền trang thật hay đây chỉ là giấc mơ được giải phóng khỏi viện điều dưỡng? Và người đàn ông chủ quán là người quen gần điền trang, hay là người của viện điều dưỡng? Tại sao Dahlmann có cảm giác mơ hồ về người này? Và câu hỏi quan trọng nhất: vì sao Dahlmann bị thách đấu và kết cuộc của anh ta là gì?

            Tình tiết mập mờ, nhiều khoảng trống và kết thúc bị bỏ lửng. Phương Nam là một truyện ngắn gọn gàng và bi đát. Những sự việc diễn ra bị lu mờ khó hiểu trước nội tâm phức tạp và dịch chuyển liên tục của Dahlmann. Câu chuyện trở về phương Nam có thể là thực, nhưng hoàn toàn có thể là cơn mơ, cơn váng vất của Dahlmann. Anh ta có thể đã nằm mơ thấy cuộc trở về trước ngày gặp nạn hay vào đúng những ngày anh bị giam cầm ở khu điều dưỡng. Dahlmann thấy mình một lúc là hai con người: “Một người đang đi theo ngày thu và theo địa lý của Tổ quốc, còn người kia giam mình trong viện điều dưỡng, phục tùng sự chăm sóc đúng phương pháp” [12]. Một cái tôi đang ở trong thực tại, một cái tôi đang du hành ở tận quá khứ hoặc tương lai. Kết thúc anh ta có thể chết trong cuộc đấu tay đôi nhưng kết thúc cũng có thể là sự tỉnh dậy từ một giấc mơ trưa nào đó.

            Cái huyền ảo trên sáng tác của Borges thường xuất phát từ cái Ta đa bội và phức tạp, từ đó lan toả lên toàn câu chuyện. Borges thường xuyên viết về nỗi cô đơn, sự lưu lạc của con người giữa thế giới không có trung tâm. Tất cả các tác phẩm đều qui về đầu mối này. Borges nghiêng về chủ nghĩa hoài nghi của Hume, cho rằng muôn vàn chướng ngại ngăn chặn con người tìm đến chân lý về thực tại tối hậu. Vì thế mọi tri thức của con người liên quan đến thực tại thường sai lệch và thiếu sót. Tác phẩm của Borges giống một thế giới bấp bênh huyễn hoặc. Tác phẩm của ông cũng là một cuộc chơi. Trong đó con người gia nhập nhưng không thể hiểu qui luật của cuộc chơi đó. Họ bị cuốn vào vòng xoáy của việc tìm kiếm chính mình. Mọi nổ lực tìm kiếm dường như là bất khả. Cái bí ẩn vẫn chập chờn phía trước.

            Jorge Luis Borges cũng là người trở về với tư tưởng Đông phương xưa cổ. Trên tác phẩm ông người ta sự tỉnh thức. Borges khơi sự suy tư bên trong, sự tỉnh giấc bên trong. Câu hỏi lớn về tinh thần con người khiến Borges đứng giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây.

             Hệ đề tài của Borges dường như là các đề tài về “tôi” (Les themes du “je”) mượn từ ý tưởng phân loại của T. Todorov. Quả thực, truyện ngắn của Borges thường xuyên triển khai ý tưởng về sự lặp lại của cá thể - cái Tôi của con người, những mô hình, sự nhân đôi đến vô tận của những giấc mơ, trò chơi hư ảo, nỗi bối rối bản thể bị gấp khúc, tăng theo cấp số nhân… Truyện ngắn của Borges hướng vào bản ngã bên trong, biểu hiện kín đáo qua những đề tài như: những giấc mơ, mê lộ, tấm gương, những con hổ…

            Sử dụng linh hoạt phương thức huyền thoại hóa, Borges đi từ những huyền thoại kinh điển đến huyền thoại bản địa. Có thể thấy những cổ mẫu trong tác phẩm ông: Vua Minos và mê lộ, Persee và tấm gương, kẻ phù thủy và điềm báo, thần Lửa và giấc mơ, hoàng đế phương Đông và kẻ tử tù… Yêu mến những huyền thoại kinh điển phương Đông lẫn phương Tây, Borges tái tạo lại cảm thức và sự suy tư về bản thể con người.

3. Cảm hứng trước bản thể siêu hình của vũ trụ

            Sau câu hỏi Ta là ai?, truyện ngắn của Borges đặt lại vấn đề Vũ trụ là gì? Với Borges, bản thể vũ trụ không chỉ nằm ở hiện tượng và vật chất tồn tại xung quanh. Nó vượt quá thế giới có thể nhìn thấy được. Nó thuộc về bản chất kinh nghiệm và tương đồng với đời sống tâm linh.

             Borges đã xây dựng tác phẩm mình hầu hết từ ý tưởng này: Thế giới đối với ông là một thư viện khổng lồ. Một thư viện có trật tự nhưng người ta không bao giờ tìm thấy nguyên tắc sắp xếp và giới hạn của nó. Thế giới là một cuốn sách được lật giở vô tận. Thế giới cũng là một cuộc sổ số - một trò chơi may rủi. Thế giới đó được nhân lên vô hạn và liên tục biến đổi. Con người chỉ có thể thừa nhận sự “bất khả tri” trước thế giới.

Những truyện ngắn như Tlon, Uqbar, Orbis Tertius, Bản thông báo của Brodie, Cuộc xổ số ở Babylon, Môn phái Phượng hoàng... đều được xây dựng nên một thế giới vĩ mô độc đáo. Nếu Utopia là mảnh đất không tưởng của Thomas Moore thì Tlon là một hành tinh không tưởng của riêng Borges. Sự kì dị của Tlon là ở chỗ nó được tạo ra từ những nhà duy tâm. “Các dân tộc thuộc hành tinh này duy tâm một cách bẩm sinh”, “Tlon không có khoa học, và cả luận lý cũng không có nốt. Các nhà triết học ở Tlon không đi tìm sự thật, hay sự sáng tỏ mà họ đi tìm sự ngạc nhiên” [13]. Yếu tính của Tlon nằm ở điều này: sự vật được phóng chiếu ra từ tâm, chỉ có nội tâm con người là tồn tại và đi ngược lại hoàn toàn sự ràng buộc của luận lý.

            Sáng tạo ra hành tinh kì dị này, Borges không nhằm trực tiếp đề đạc về trật tự xã hội và quyền sống cho con người. Có chăng, người đọc nối tiếp dụng ý từ sự tưởng tượng của Borges.

Cuộc xổ số ở Babylon, Môn phái Phượng hoàng là một vũ trụ khác được mã hóa bằng biểu tượng. Con người tham dự vào một thế giới phi lý, trong đó vận mệnh của họ nằm trong sự may rủi, và nằm trong tay một công ty có “quyền lực vô hạn và sức mạnh vô hình”. Truyện ngắn Bản thông báo của Brodie lại kể về bộ tộc man mọi, ăn lông ở lỗ với những tập tục kì quái. Truyện ngắn Người bất tử chính là ấn tượng khủng khiếp về cái không thể kết thúc, cái luôn được tái diễn trong mơ hồ. Bất tử giúp thoả mãn khao khát vĩnh hằng hay đó chính là một cơn ác mộng?

            Đọc tác phẩm Borges, đúng như Andre Maurois nhận định, đôi khi người ta không còn cảm thấy sự tỉnh táo của mình, hệt như “Alice lạc vào xứ sở thần tiên”. Borges có lẽ là người thích thú sự giao lưu giữa những điều tưởng tượng với những điều có thực. Ông là một trí tưởng tượng đầy trí tuệ, một trí tưởng tượng được biểu trưng hoá ở dạng cấp cao.

            Tư tưởng và lối viết kì lạ này rất dễ đẩy Borges vào tình huống mất an toàn. Rất nhiều độc giả bình dân khó có thể chạm tới đến lối viết kén người tiếp nhận của ông. So với những nhà văn Argentina khác như Cortaraz, Manuel Puig, tác phẩm của Borges thực sự khó phổ biến rộng rãi trong công chúng, mặc dù ông được đọc nhiều nhất trong tầng lớp trí thức và giới chuyên môn. Borges là “nhà văn được các nhà văn ngưỡng mộ”, trong lúc đó quảng đại lại bối rối và giữ thái độ “kính nhi viễn chi”.

            Edwin Williamson đã nhận xét về Borges một cách thuyết phục: “Trong truyện hư cấu của Borges những mâu thuẫn luôn luôn tự vận động thành những sự thống nhất chỉ để giải quyết những mâu thuẫn lớn hơn, và tiếp tục như vậy cho đến vô tận. Bởi vì ông chấp nhận quá trình này, nên ông là con người hiện đại của thế giới...” [14].

            Borges dành sự quan tâm đến cốt lõi của tinh thần nhân loại: vấn đề cá nhân và mô hình vũ trụ, hơn là vấn đề địa phương và châu lục Mỹ Latinh. Chính vì vậy, Borges được đánh giá như là một nhà văn thuộc về nền văn hoá quốc tế rộng lớn. Dầu vậy, cũng cần nhìn nhận thêm rằng, điều này không đồng nghĩa với việc Borges không có tính dân tộc và không có tính hiện thực. Một số tác phẩm của Borges dành cho những cánh đồng, những gaucho, những kẻ lục lâm hoang dã, những mâu thuẫn và những cuộc tranh chấp tay đôi. Chỉ có điều, đối tượng của Borges không phải là những tầng lớp, giai cấp xã hội mang một lý lịch cụ thể. Đối tượng của ông chỉ là một mảnh người, một kẻ bị lạc giữa Buenos Aires, lạc giữa quê hương của mình.

            Có thể nói, cảm hứng về “bờ bến khác của thực tại” chính là niềm đam mê, sự thích thú của Borges trước những chủ đề huyền ảo, siêu hình, siêu tưởng. Trí tuệ uyên thâm, đặc biệt là những kiến thức triết học đã hòa quyện cùng khả năng hư cấu độc đáo ở Borges. May mắn là trí tưởng tượng ngoại cỡ này khi kết hợp cùng triết lý siêu hình đã không đẩy nhà văn đến chỗ khô cứng hay rối rắm. Như người làm xiếc trên dây, Borges vẫn giữ được cấu trúc hài hoà trong khi hàm chứa rất nhiều bí ẩn. “Lối viết của Borges đầy những ẩn dụ và khả năng gợi dẫn” - một lối viết đa nghĩa, giễu cợt, hài hước nhưng lại toát lên chiều sâu của triết học. Sức mạnh văn chương của Borges nằm ở lối viết nhẹ và nhạt mà Italo Calvino chọn phân tích trong Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỉ mới [15]. Đó là một thủ pháp đặc biệt để Borges xây dựng nên thế giới huyền ảo của riêng mình.

Tạm kết

            Gánh vác sứ mệnh của một người dẫn dắt văn chương đến với châu lục, Jorge Luis Borges đã cống hiến cả cuộc đời cho nghiên cứu và sáng tác. Không gia đình và không con cái. Kỳ lạ hơn, Borges là nhà văn bị mù hoàn toàn vào năm 56 tuổi. Borges đã dần chấp nhận được rằng mù loà là số phận của dòng họ ông, của chính ông. Đau khổ và tận cùng bất hạnh, nhưng mù lòa đã khiến Borges nhìn thấy thế giới bằng một “con mắt khác”, một “con mắt bên trong” có thể phát hiện thế giới qua những chiều kích huyền diệu. Hiện thực mà người mù nhìn thấy là hiện thực của giấc mơ, hiện thực của những “bến bờ khác”. Tác phẩm của Borges quả thực là vắng mặt cái thực tại, vắng mặt không gian, thời gian thực tồn.

            Truyện ngắn là nơi Borges thể hiện khả năng tưởng tượng như một nhà văn, và suy tưởng như một nhà hiền triết. Nhà văn mù loà khải thị những miền bí ẩn của nhân sinh, Jorge Luis Borges được gọi là Homere của thế kỉ XX.

LNP

________________

 

(*) Chữ mượn của Octavio Paz, trong bài viết “Cây cung, mũi tên và điểm đích”, trích từ Những bậc thầy văn chương, NXB Hà Nội, 2002

[1] Echevarria Roberto Gonzalez (1999), The Oxford book of Latin American short stories (Sách Oxford về Truyện ngắn Mỹ Latinh), NXB Đại học Oxford, 1999, trang 383

[2] Lois Parkinson Zamora, Wendy B. Faris (1995) sưu tầm và xuất bản, Magical realism: theory, history, community.

 Nguồn: http://books.google.com.vn/books?id=Zzs_cLhfd9wC&dq=Magical+realism+of+Latin+American&source=gbs_navlinks_s, trang 145

[3] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 25

[4] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 25

[5] Octavio Paz (2002), “Cây cung mũi tên và điểm đích, Những bậc thầy văn chương, NXB Hà Nội, 2002, trang 970

[6] Octavio Paz (2002), “Cây cung mũi tên và điểm đích, Những bậc thầy văn chương, NXB Hà Nội, 2002, trang 972

[7] Octavio Paz (2002), “Cây cung mũi tên và điểm đích, Những bậc thầy văn chương, NXB Hà Nội, 2002, trang 972

[8] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 25

[9] Nguyễn Thị Từ Huy (2009), Sự thực và diễn giải, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, trang 155 

[10] Claudio Magris (2006), Không tưởng và thức tỉnh, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, trang 47

[11] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 89

[12] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 90

[13] Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 185

[14] Nhiều tác giả (1999), Văn học Mỹ Latin, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội, trang 56

[15] Calvino Italo, (2007), “Những bài giảng Mỹ – Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỉ tới”, Cao Việt Dũng dịch và giới thiệu, Tạp chí Văn học nước ngoài, số1, Hội Nhà văn Việt Nam.

Thông tin truy cập

63534121
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5380
25711
63534121

Thành viên trực tuyến

Đang có 398 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website