Tóm tắt
Một trong những điểm nổi bật của văn học Mỹ Latinh chính là sự pha trộn kỳ diệu giữa thực và ảo. Điều này bắt nguồn từ tư duy huyền thoại hóa hiện thực của hầu hết các nhà văn Mỹ Latinh. Các nhà văn khai thác từ tầng vỉa folklore, sử dụng những chất liệu văn hóa sẵn có với nhiều phương thức khác nhau. Bài viết khảo sát một số huyền thoại trong sáng của các nhà văn hiện đại Mỹ Latinh, với một số motif hay hình tượng mang tính tâm linh như giấc mơ, điềm báo, mê cung, cái chết...
Từ khóa: chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, huyền thoại, văn học Mỹ Latinh…
1. Mỹ Latinh và nền văn hóa tâm linh
Albert Einstein, với tư cách một nhà khoa học, đã từng phát biểu: “Tôi tin vào sự huyền bí, và thú thật, nhiều khi tôi đối diện với sự huyền bí này bằng sự kinh sợ. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng có nhiều điều trong vũ trụ mà chúng ta chưa thể cảm nhận và thâm nhập được, cũng như có nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta mới chỉ cảm nhận được trong hình thức sơ khai mà thôi”(1).
Quả thật, khoa học càng phát triển càng thừa nhận sự bất lực của lý tính, của bộ óc con người trước những vấn đề thuộc về tâm linh và siêu hình. May mắn thay, văn chương tồn tại như bù đắp cho thiếu hụt đó, chạm vào giếng sâu thiêng liêng và huyền bí trong tâm hồn và linh cảm của con người. Những tác phẩm văn học tâm linh luôn thúc giục con người tìm đến một sự lĩnh hội, giác ngộ chân thực về thực tại.
Văn học châu Mỹ Latinh, hòa vào dòng chảy phát đạt của văn học huyền ảo thế kỷ XX, đã mang đến hơi thở của tâm linh, đậm bản sắc của châu lục. Với điều kiện thổ nhưỡng riêng biệt, với hoàn cảnh lịch sử độc đáo, và với văn hóa châu lục trùng phức nhiều nền văn minh nhân loại, văn học Mỹ Latinh đã kết hợp độc đáo giữa việc khai thác những tầng vỉa folklore sâu thẳm, những chất liệu dân gian sẵn có với những bối cảnh xã hội ngày nay. Hơn nữa, văn xuôi Mỹ Latinh hiện đại theo đuổi kỹ thuật tự sự vừa mới mẻ, vừa tinh tế huyền ảo, từ đó mở ra một thế giới nghệ thuật mới, một thế giới thứ ba nằm giữa hiện thực và hư vô.
Nguyên cớ sâu xa dẫn đến màu sắc tâm linh trong đời sống và trong văn học châu Mỹ Latinh, có thể kể đến bối cảnh lịch sử - văn hóa của châu lục này. Các quốc gia của Mỹ Latinh là các quốc gia trẻ nhất toàn cầu, nằm ở khu vực phía trung và nam của châu Mỹ. Sự tương đồng về lịch sử hình thành và hệ thống ngôn ngữ giúp Mỹ Latinh dễ dàng trở thành một lục địa hợp nhất, kiến tạo một nền văn học chung của châu lục. Điểm đặc biệt của lịch sử châu Mỹ Latinh chính là tính hỗn chủng, đa nguyên và đa lai hết sức mạnh mẽ. Mỹ Latinh là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh nhân loại. Trước khi thực dân châu Âu xâm lược, hàng trăm cộng đồng thị tộc sinh sống nơi đây, trong đó người da đỏ chiếm số đông. Những bộ tộc này vốn đã có một nền văn hoá riêng biệt, độc đáo. Ba nền văn minh lớn Aztec, Inca và Maya có lịch sử lâu đời trên 2000 năm và gắn bó nhau sâu sắc. Di vật được kể đến hàng đầu là Popol – Vuh kinh của tộc người Maya, một minh chứng cho thấy tộc người ở khu vực này từng sáng tạo nên một nền văn minh độc đáo.
Không chỉ có người da đỏ bản địa và người da trắng thực dân, châu lục này còn có sự xuất hiện của những người da đen châu Phi và người da vàng châu Á. Trí tưởng tượng sôi sục, nền âm nhạc và tín ngưỡng nguyên thủy của người da đen cùng với tính duy cảm và những câu chuyện huyền bí phương Đông của người da vàng nhanh chóng hòa vào văn hóa nơi đây. Mỹ Latinh trở thành điểm hội tụ vừa sôi động, vừa đau thương của những sắc tộc, nơi hợp lưu những dòng văn hoá thế giới. Trong sự phức tạp, đa nguyên của văn hóa, những điểm tương đồng của văn hóa ngoại lai đã hòa vào nền văn hóa bản địa của người Indian (da đỏ). Tín ngưỡng đa thần, niềm tin vào huyền thoại và kỳ ảo vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Mỹ Latinh thời hậu thực dân sau này. Văn hoá châu Âu hiện diện trên bề mặt chính thống của châu Mỹ Latinh, nhưng đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân vẫn quen thuộc với truyền thống lâu đời.
Nền tảng văn hóa tâm linh ở các nước Mỹ Latinh, ngoài tín ngưỡng nguyên thủy, còn phải kể đến sự tương tác với Kitô giáo. Theo gót chân chinh phạt của thực dân Tây Ban Nha, Kitô giáo đã tràn vào Mỹ Latinh và ngày càng phổ biến (ngày nay người theo Kitô giáo đã chiếm 93% dân số). Kitô giáo đi vào Mỹ Latinh theo phong cách dòng tu Tây Ban Nha, nhưng vào đến Mỹ Latinh đã bắt gặp một số tương đồng với hệ thống tín ngưỡng dân gian, từ đó hòa nhập và trở thành tôn giáo phổ biến nhất của khu vực.
Có thể thấy tâm thức Mỹ Latinh phản chiếu rõ nét trong văn học, đặc biệt là văn học hiện đại trỗi lên từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của văn học Mỹ Latinh chính là trào lưu văn học Hiện thực huyền ảo (magic realism). Đúng như tên gọi, trào lưu này mở ra một phong cách pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo. Thuật ngữ “magic” trong cụm từ magic realism có nguồn gốc từ tiếng Latinh (magicus/magica) chỉ ma thuật của người phù thủy. Ma thuật là “khoa học” của thời nguyên thủy, là sức mạnh bí ẩn dựa vào niềm tin, sự tiên tri, phép thần diệu và năng lực biến những điều không thực trở thành sự thực. Dòng văn học này nỗ lực khám phá đời sống tâm hồn, tâm linh con người, đồng thời, khôi phục lại bản sắc nguyên thủy của châu lục trước sự đàn áp của các đế quốc. Các nhà văn Mỹ Latinh luôn khao khát khám phá lớp trầm tích sâu xa của nền văn hóa bản địa, nhằm xóa đi mặc cảm của một châu lục hậu thực dân. Họ tin rằng hiện thực không phải chỉ là thứ có thể nhìn thấy, mà hiện thực bao gồm cả những “giếng sâu quá khứ thiêng liêng”, cả những niềm tin tôn giáo, những mộng mị, thần giao cách cảm, những lời nguyền, những lời sấm truyền, điềm triệu...
Những tác phẩm chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo mở ra một vũ trụ huyền nhiệm với trật tự vô hình, với năng lượng siêu nhiên kỳ ảo, và bản ngã con người trở nên mong manh, đa phức. Những tiểu thuyết và truyện ngắn của trào lưu Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh cho ta cảm giác về một thế giới toàn vẹn, lung linh, “ma quái” của “kosmos”, bao gồm những vật chất hữu hình và những vô thanh vô ảnh được cảm nhận bằng cảm xúc và trí huệ của tâm linh. Mang đậm bản sắc tâm linh, văn học hiện đại của Mỹ Latinh hấp dẫn với sự kỳ lạ và thâm sâu của nền văn hóa ẩn mình bên trong.
Sự phát triển của văn học Hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latinh trải cho qua nhiều thế hệ nhà văn. Thế hệ tiên phong nổi tiếng nhất với bốn tên tuổi: Jorges Luis Borges (Argentina), Miguel Angel Asturias (Guatemala), Alejo Carpentier (Cuba) và Juan Rulffo (Mexico)... Từ sự mở đầu thành công của thế hệ tiên phong, một loạt nhà văn tiếp tục khai thác miền văn chương huyền ảo như Sebastian Salazar Bondy (Peru), Jose Donoso (Chile), Gabriel Garcia Marquez (Colombia), Carlos Fuentes (Mexico), Manuel Puig (Argentina), Elena Poiatowska (Mexico), Mario Vargas Llosa (Peru), Fernando del Paso (Mexico)… Những tên tuổi này tạo thế hệ thứ hai, thế hệ Bùng nổ (Boom).
A. Carpentier, nhà tiên phong của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, từng nói “khi một sự kiện càng làm anh khó tin bao nhiêu thì anh càng có thể tin rằng đó là sự thật xác thực nhất”(2). Bởi những sự thật ấy được cảm nhận bằng đôi mắt huyền diệu của tâm linh. Trong sự kết hợp giữa văn hóa dân gian với những phẩm chất thẩm mỹ, trong sự kết hợp giữa câu chuyện kể kỳ diệu và văn phong mới lạ, hiện đại, văn chương Mỹ Latinh, đặc biệt là chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo đã nhanh chóng chinh phục độc giả thế giới. G. G. Marquez, đỉnh cao của ngọn sóng Hiện thực huyền ảo đã khẳng định: “Cái gọi là văn chương kì diệu Mỹ Latinh – có lẽ là văn chương hiện thực nhất thế giới”(3). Không ngoa khi cho rằng văn học Hiện thực huyền ảo chính là nơi “chuyển chở hay khám phá sự thực”(4), theo cách riêng của châu Mỹ Latinh.
Có thể thấy, một trong những điểm chung nổi bật của văn học Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh chính là sự pha trộn kỳ diệu giữa thực và ảo. Đặc trưng thực – ảo bắt nguồn từ tư duy huyền thoại hóa hiện thực của hầu hết các nhà văn Mỹ Latinh. Các nhà văn khai thác từ tầng vỉa folklore, sử dụng những chất liệu văn hóa sẵn có với nhiều phương thức khác nhau. Văn hóa dân gian Maya của người da đỏ trở lại đậm nét trong sáng tác của các nước ở Nam Mỹ, trong khi đó văn hóa châu Phi cổ xưa lại trỗi lên trong sáng tác các nhà văn khu vực bờ biển Caribe.
Các nhà văn Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh mang trong mình niềm tin về sự huyền diệu nhiệm màu nào đó của một trật tự vô hình vượt lên trên ý chí cá nhân. Trải trên các trang viết của các nhà văn Hiện thực huyền ảo là những hình tượng, những nhân vật không thể phân biệt là người, vật – hay là một đấng siêu nhiên vô hình (Vị thần có đôi cánh khổng lồ của G. G. Marquez, Hoan ăn kiến của M. A. Asturias, Phế tích vòng tròn của J. L. Borges, Chuyện tình mình với sóng của O. Paz…). Sự kiện trong tác phẩm cũng mang đậm màu sắc tâm linh: nhân vật lạc vào giấc ngủ vĩnh hằng bên kia sự sống, lạc vào cơn hôn mê sâu, lạc vào những giấc mơ không thể phân biệt thực - ảo (Những huyền thoại Guatemala của M. A. Asturias, Độc thoại của Isabel ở làng Macondo của G. G. Marquez, Phương nam của J. L. Borges…). Đặc biệt, tác phẩm Mỹ Latinh luôn lảng vảng những cái chết, những bóng ma, những linh hồn (Xác chết đẹp nhất trần gian, Thần chết thường ẩn sau ái tình, Bóng ma tháng tám, Dấu máu em trên tuyết của G. G. Marquez…). Bàng bạc trong văn chương Mỹ Latinh là những thực tại đan cài giữa “thực và ảo”, đan cài giữa sự sống và cái chết khiến người đọc rơi vào trạng thái lưỡng lự, mơ hồ.
Bản tuyên dương nhà văn M. A. Asturias của Viện hàn lâm Thụy Điển đã viết: “Các môtíp của tác phẩm được rút từ huyền thoại của vùng nhiệt đới nơi con người vừa phải chiến đấu chống một thiên nhiên đẹp đến huyền ảo song thù địch đồng thời cũng phải đấu tranh chống những sự méo mó, áp bức và chuyên quyền xã hội không thể nào chịu nổi. Một sự tích tụ những cơn ác mộng và bóng ma vật tổ đó có thể làm ngợp giác quan của chúng ta, song chúng ta không thể không bị hấp dẫn bởi một chất thơ kỳ bí và đáng sợ đến như vậy”(5).
Miguel Angel Asturias không phải là một nhà văn sùng đạo nhưng chính ông luôn tin tưởng về một thế giới huyền nhiệm, nơi đó vạn vật hữu linh, nơi đó con người tương thông với một sức mạnh huyền bí và linh hồn có thể tự tại thoát khỏi thân xác. M. A. Asturias phát biểu: “Giữa cái thực và cái huyền bí có một thực tại thứ ba. Đó là sự pha trộn của cái thấy được và sờ mó được với cái ảo giác và mơ mộng…”(6). Chính niềm tin tâm linh này đã đưa ông đến với những trang viết khơi gợi lạ lùng về quá khứ Maya.
Cùng thế hệ với Asturias, Jorge Luis Borges lại kết hợp giữa truyền thống folklore của châu lục với triết học siêu hình và tôn giáo học của phương Đông lẫn phương Tây. Borges cực kỳ uyên bác bởi những kinh nghiệm ông tiếp thu từ kinh Phật, Đạo giáo, và cả Kitô giáo. Đặc biệt, từ năm 56 tuổi, Borges rơi vào sự mù lòa hoàn toàn. Như một nhà tiên tri, mù lòa giúp Borges đóng lại đôi mắt thông thường để mở ra đôi mắt tâm linh. Từ đây, ông nhìn thấy thế giới bằng một “con mắt khác” trong tổng thể vẹn toàn và trong sự huyền nhiệm. Ông được mệnh danh là một nhà hiền triết, nhà văn mù loà khải thị những miền bí ẩn của nhân sinh.
Hoàn cảnh đặc biệt đã đưa Jorge Luis Borges đến triết học siêu hình mang đầy sắc màu tâm linh. Chất huyền ảo thấm trong những sáng tác buổi đầu của Borges có thể tìm thấy ít nhiều từ đức tin và linh cảm mà Chesterton đã khơi gợi. Borges từng viết về chính mình: “Tôi thường xuyên canh tác trên một loại văn học ma quái. Dù cho trong những truyện ngắn vốn được làm bằng những chuẩn mực của trò chơi của chủ nghĩa hiện thực thì những vụ việc vẫn là ma quái: sự thật không như thế... Đặc tính ma quái ấy không có nghĩa là tuỳ tiện, không một thứ văn học nào là tuỳ tiện cả”(7).
Sau thế hệ tiên phong của M. A. Asturias, A. Carpentier, J. Rulffo và J. L. Borges là thế hệ của trào lưu Boom, tiêu biểu là Gabriel Garcia Marquez. Ngược lại tính siêu hình, tính siêu tưởng phóng túng của Borges, G. Marquez cũng như C. Fuentes và J. Cortazar, họ gần gũi với phong cách “magic” (huyền bí, ma thuật) của Asturias và Carpentier. Marquez không sáng tạo ra thế giới mới, ông kể về những chuyện huyền diệu, “thực tại kì diệu” của châu Mỹ Latinh. Thế giới tâm linh của G. G. Marquez chính là văn hóa dân gian bản địa hòa trộn trong đức tin của Kitô giáo. Từ nhỏ ông đã say sưa với chuyện cổ tích được bà kể và những câu chuyện từ Kinh Thánh. Vai trò của Kitô giáo biểu hiện qua nhiều tác phẩm của ông, chẳng hạn: Tình yêu thời thổ tả, Ký sự về một cái chết được báo trước, Trăm năm cô đơn, và một loạt các truyện ngắn. Đối với đức tin Kitô giáo, sáng tác của Marquez có lúc giễu nhại, mỉa mai sự xa vời của Chúa trời và sự tha hóa của các linh mục, có lúc lại tin cẩn, tuân theo như đó là nơi cứu rỗi tâm linh mỗi khi đối diện với cái chết và bất trắc cuộc đời.
Ngược lại với tính chất vừa giễu nhại vừa tin tưởng ở Kitô giáo, trên phương diện văn hóa tâm linh dân gian, Marquez lại thể hiện một niềm tin sâu sắc. Khu làng huyền bí với những người phụ nữ nhạy cảm và đam mê những năng lực tâm linh đã nuôi lớn tuổi thơ ông. Không khí của tín ngưỡng dân gian đã dần hình thành nên nguyên tắc sống và nguyên tắc sáng tác của ông: Tin vào những gì mình tin là thực. Marquez phát biểu: “Ở vùng Caribe và nói chung ở Mỹ Latinh, chúng tôi nghĩ rằng những tình huống “thần diệu” là một bộ phận của đời sống hằng ngày, cũng được kể như thực tế bình thường nhất. Chúng tôi thấy việc tin các điềm lành dữ, hiện tượng thần giao cách cảm, các giấc mộng báo cũng như hàng loạt dị đoan và diễn giải “huyễn ảo” về thực tại, là hoàn toàn tự nhiên. Trong các cuốn sách tôi viết, tôi không bao giờ tìm cách giải thích hoặc chứng minh một cách siêu hình những hiện tượng ấy. Vì vậy, tôi tự coi mình là nhà văn hiện thực, có thế thôi(8).
Có thể nói, hầu như các nhà văn Hiện thực huyền ảo đều mang trong mình một cảm thức tâm linh, một tư duy huyền thoại sâu sắc. Từ đó, họ thể hiện qua những motif huyền thoại tâm linh trở đi trở lại trong văn chương. Tiêu biểu có thể kể đến một số motif sau.
2. Một số motif huyền thoại tâm linh trong văn học châu Mỹ Latinh hiện đại
2.1. Thiên nhiên linh thiêng - Những linh ảnh
Thiên nhiên là một trong những sợi dây liên kết tâm linh con người và vũ trụ. Thiên nhiên không chỉ là những cảnh vật hữu hình. Trái lại, thiên nhiên là linh ảnh, luôn khải thị sức mạnh của vũ trụ, mở ra những lời ca và điệu vũ thiêng liêng của sự sống.
Ngay từ tác phẩm mở đầu cho dòng Hiện thực huyền ảo, tiểu thuyết Macunaima (1928) của Mario de Andrade đã kể về cuộc du ngoạn của một nhân vật dân gian biến hóa như thần Prote khắp đất nước Brazil đầy chất thơ và đầy niềm tin tôn giáo. Thiên nhiên trong Macunaima đã hiện lên vừa thơ mộng, vừa kỳ diệu qua ngòi bút của Mario de Andrade. Đến tác phẩm của A. Carpentier hay M. A. Asturias, thiên nhiên mang màu sắc tâm linh càng phủ đầy các tác phẩm, chẳng hạn: Ecue-yamba-o!" (1933) và Vương quốc trần gian (1949) của A. Carpentier, Những huyền thoại Guatemala (1930), Những vị thần Ngô (1946) của M. A. Asturias… Đặc biệt là tập truyện ngắn về Guatemala gồm 13 truyện của Asturias đã đưa người đọc trở về với không khí xa xưa của những thành phố cổ từ trước công nguyên nay đã bị chôn vùi trong lòng đất. Lật giở một trang sách, huyền thoại về thiên nhiên nhanh chóng xuất hiện. Chẳng hạn các truyện ngắn Sự tích núi lửa, Huyền thoại về kho báu Luga Florido, Huyền thoại về cô gái xăm mình… Trong tập truyện ngắn này, ta thấy tư duy nguyên thủy của các thổ dân còn chưa tách mình ra khỏi tự nhiên. Họ tin rằng cây cối, thú vật đều có chung thuộc tính với con người, nên thú vật có thể được hình dung với lối hành xử, đi đứng, nói năng của con người. Họ cũng tin vào tính linh thiêng, “có hồn” của cây cối, tin rằng con người và cây cối có thể hoán chuyển cho nhau. Ngược lại, trong con mắt họ, sự hiện diện của người da trắng thì quá xa lạ, đến độ họ không biết đó là “người” hay “ma”. Đọc tác phẩm, ta thấy thiên nhiên bao trùm lên vạn vật và “vạn vật hữu linh” tương thông với linh cảm con người. Và linh hồn sau khi chết thường nương tựa vào thiên nhiên bao phủ. Toàn bộ tuyển tập của Asturias là cuộc du hành về miền đất huyền thoại và hoang đường. Thành phố xa xăm phủ kín sương mù. Những nghi lễ kì lạ: con người vừa nhảy múa, vừa cầu nguyện. Những cái cây linh thiêng biết di động. Những bóng ma lúc ẩn lúc hiện trên cửa sổ. “Những giấc mơ giăng tơ dệt thành câu chuyện”… Những chi tiết kì lạ như sự hoá thân: người thành cây, cây thành người, chia linh hồn, bán và mua linh hồn, hoá phép chiếc tàu… có lẽ rất khó tin, nhưng lại vẽ nên chân xác cái thực tại mà Asturias cảm nhận.
Văn hoá của người da đỏ, đặc biệt là văn hoá Maya có ảnh hưởng đến Asturias và cả những đại diện khác của Mỹ Latinh. Ta có thể thấy thiên nhiên bí ẩn qua hình tượng biển trong nhiều truyện ngắn của G. G. Marquez, chẳng hạn Độc thoại của Isabel ngắm mưa ở làng Macondo, Chuyến đi cuối cùng của con tàu ma, Cụ già có đôi cánh khổng lồ, Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Biển của thời đã mất… Biển là môi trường sống của con người, là nơi dung chứa họ ngay cả lúc chết đi. Những khu làng ven biển của Colombia có một tục lệ đặc biệt: Họ không chôn cũng không hoả thiêu người chết. Họ vứt người chết xuống biển với tất cả niềm tin: trả người chết trở về với mẹ biển cả. Biển là động thái của sự sống. “Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển: đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và tái sinh”(9). Biển vì thế gắn với những niềm tin siêu hình. Con người trong truyện ngắn Marquez thờ cúng biển và thờ cúng những linh hồn đang ẩn cư dưới biển. Biển là con đường nối giữa trần gian và thế giới bên kia. “Biển luôn phát huy thuộc tính thần thánh của mình là cho và lấy lại sự sống”(10). Vì thế, biển có lấy đi bao nhiêu sinh mệnh, cướp đi biết bao nỗi đau thì Tobias và dân làng trong truyện ngắn Biển của thời đã mất vẫn một lòng tin rằng “biển ở đây rất hào hiệp và hiền lành đối với con người”. Xây dựng những chủ đề về biển, phải chăng vì Marquez được nuôi dưỡng từ ngôi làng bao phủ bởi nước. Yêu mến đặc biệt với biển. Văn chương Marquez là những huyền thoại về thiên nhiên, mà biển là một đặc trưng.
2.2. Giấc mơ
“Văn chương cổ kim vốn là những giấc mơ, giấc mộng. Mộng là cuộc chơi lớn nhất của con người. Những kì thư tuyệt tác của phương Đông đều về mộng”(11). Giấc mộng là nơi hiển lộ của đời sống tâm linh sâu thẳm. Vậy nên, sẽ không có gì kinh ngạc nếu văn học Mỹ Latinh cũng kể nhiều về những giấc mơ vô thức lẫn hữu thức. Với Mỹ Latinh, nhắc đến đề tài giấc mơ, người ta lập tức nghĩ đến những nhà văn bậc nhất: J. L. Borges, G. G. Marquez, J. Cortazar, hay Octavio Paz. Có những tác phẩm, giấc mơ chỉ có tính chất điểm xuyết. Nhưng có tác phẩm, giấc mơ là đề tài trung tâm chiếm lấy toàn câu chuyện.
Trong sáng tác của Borges, hầu hết các nhân vật đều phân tách ra khỏi đời sống thực. Họ chỉ sống duy nhất trong giấc mơ. Những nhân vật ấy chìm trong khoảnh khắc của giấc ngủ hay những cơn mơ triền miên. Nhân vật Tzitacan (trong Văn tự của Thượng đế), Dalhmann (trong Phương Nam), hay nhân vật Ta (trong Người Bất Tử) đều thường xuyên tìm thấy chính mình trong những cơn mơ day dứt. Cơn mơ hé lộ những nếp gấp lên chính mình, sự trỗi dậy của tầng vỉa tâm linh sâu kín nhất. Xoáy vào đời sống tinh thần, Jorges Luis Borges đã khai mở những lời tiên cảm và thần báo của giấc mơ con người. Giấc mơ của truyện ngắn Borges bao giờ cũng đậm chất huyền ảo bởi những điểm lạ thường sau:
1. Giấc mơ trở thành sự thật
2. Người này nằm mơ thấy giấc mơ của người kia
3. Giấc mơ bị nhân đôi, nhân đôi lên vô hạn, bao trùm và nhấn chìm nhân vật
4. Giấc mơ tạo nên hình hài con người, giấc mơ tiêu huỷ con người
Đó là trường hợp nhân vật Tzitacan trong Văn tự của Thượng đế đã luôn mơ những giấc mơ kì lạ và bị giấc mơ vô hạn, vô chừng nhấn chìm đi. Truyện ngắn Chuyện hai kẻ nằm mộng của Borges lại kể về sự tương thông trùng hợp giữa giấc mơ của người này và người kia. Kết thúc truyện, lời chỉ dẫn trong giấc mơ lại trở thành sự thật: nhân vật tìm thấy kho báu ngay trong khu vườn nhà mình. Toàn câu chuyện kì lạ như một giấc mơ. Người này nằm mơ thấy giấc mơ của người kia. Thế giới này là một giấc mơ chung, mọi ranh giới giữa mơ - thực đã bị giở bỏ.
Nói đến sự huyền ảo và minh triết của những giấc mơ, không thể không nhắc đến một truyện ngắn nổi tiếng của Borges – Phế tích vòng tròn. Ở truyện ngắn này, Borges pha trộn giữa motif giấc mơ và motif huyền thoại về lửa. Câu chuyện đậm màu sắc tâm linh, kể về một phế tích vòng tròn vốn xưa là một ngôi đền bị lửa huỷ hoại, giờ đây bị chôn lấp trong rừng. Có một người lạ mặt từ phương Nam trôi dạt vào bờ biển và chọn khu thánh đường đổ nát làm nơi dừng chân. Ông được dân làng cúng gạo và thức ăn để nuôi sống. Vị pháp sư này có khả năng dùng cơn mơ tạo ra mọi sự và ông biết rằng bổn phận cấp thiết của ông là nằm mơ. Ông mở lớp dạy nhiều môn đồ nhưng không ưng ý đệ tử nào. Ông quyết định tạo ra một đứa con bằng giấc mơ của mình. Hằng đêm ông đều mơ và mỗi đêm tạo ra một bộ phận chân, tay, tóc... cho đứa con. Cuối cùng, pháp sư đã hoàn thành sản phẩm của mình.
Một vị thần mách bảo tên cậu bé là Lửa. Pháp sư liền đặt tên Lửa cho con. Sợ “đứa con” biết rằng nó chỉ là ảo ảnh, ông đã xoá kí ức thành người cho đứa con và đưa nó đến một giáo đường phương Bắc. Một ngày, ông nghe tiếng đồn có một người đàn ông ở phương Bắc bị lửa đốt không cháy. Vị pháp sư già rất lo sợ đứa con của mình bị lộ thân phận bởi thần Lửa là người duy nhất biết rằng con trai ông chỉ là cái bóng. Sự bất an của ông ta dữ dội hơn khi vào một ngày khu giáo đường của pháp sư vì hạn hán cũng bị ngọn lửa thiêu trụi. Ông định nhảy xuống nước, nhưng rồi ông quyết định chấp nhận cái chết, đi thẳng vào lửa. Nhưng bất ngờ thay, ông không bị thiêu cháy, ông chỉ có cảm giác khoan khoái khi ngọn lửa dịu dàng mơn trớn. Ông phát hiện ra rằng, thì ra chính ông cũng được sinh ra từ giấc mơ của một kẻ khác, trong cảm giác lắng dịu và nhục nhã.
Phế tích vòng tròn đã mở ngõ vô số những cơn mơ. Đứa con được tạo nên từ giấc mơ của người phù thủy già, người phù thủy lại được mơ từ một kẻ khác. Và kẻ khác lại được mơ từ kẻ khác nữa. Cứ thế, nhân loại ra đời từ một giấc mơ vô tận. Huyền thoại đậm tính tâm linh này đã khiến ta ngẫm nghĩ trở lại câu nói đầy tiên cảm của Shakespeare, và sâu xa hơn là đạo Phật, đạo Lão – Trang, rằng cuộc đời, con người chỉ là mộng huyễn, giả tạm và vô thường. Truyện ngắn Borges hòa vào ẩn nghĩa xâu xa, mở ra nội tâm phức tạp của con người, mở ra hành trình viễn du của tâm linh qua những tầng hầm mênh mông của vô thức, những thực tại khác nhau. Vì thế truyện ngắn của Borges cần được đọc như kinh Veda, như Upanishad, như Trang Tử Nam Hoa Kinh.
Nhắc đến đề tài những giấc mơ, ngoài bậc thầy Borges, có thể kể đến những thế hệ sau này như J. Cortaraz, G. Marquez hay Octavio Paz… Họ đã đẩy motif giấc mơ trở thành một trong những motif huyền thoại nổi bật của dòng văn học này. Marquez có những truyện ngắn: Tôi được thuê để nằm mộng, Độc thoại của Isabel ngắm mưa ở làng Macondo, Chuyến đi cuối cùng của con tàu ma… Ông sử dụng nhuần nhuyền motif giấc mơ trong lối tự sự cực kỳ mới mẻ, mơ hồ và tinh tế, khiến người đọc rơi vào tình thế lưỡng lự không rõ thực hư. Quả thật, giống với văn chương phương Đông, văn chương Mỹ Latinh trải đầy mộng. Khám phá giấc mộng, người ta tìm thấy ngõ sâu vô tận của chính mình và giao cảm với vũ trụ huyền nhiệm.
2.3. Mê cung, mê lộ (labyrinthe)
Hình ảnh mê cung, mê lộ xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm văn học Hiện thực huyền ảo, có lẽ bắt nguồn từ huyền thoại kinh điển về mê cung của vua Minos và người anh hùng Thésee. Trong sáng tác của Borges, Marquez hay Octavio Paz, ta bắt gặp những mê cung có trung tâm, thậm chí là cả những mê cung phi trung tâm.
Đây chính là hình ảnh mang lại ấn tượng sâu đậm nhất khi người đọc tiếp xúc với văn chương Mỹ Latinh. Mê cung, mê lộ vừa là hình tượng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, biểu tượng cho nội tâm quanh co, đa phức của con người, mê cung, mê lộ còn được chỉ cho cấu trúc tự sự rối rắm, vỡ nát, phi trung tâm, tiêu biểu cho kỹ thuật trần thuật mới mẻ của chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo. Với Borges, đây là đề tài xuyên suốt trong thơ văn ông: Đặc biệt là những truyện ngắn Hai vị hoàng đế và hai mê cung, Người bất tử, Công viên những lối đi rẽ hai ngã… Mê cung hiện lên là hoang mạc, là thành phố mênh mông không có trung tâm, là cung điện quanh co không lối thoát, là một cuộc hành trình bất tận… Mê cung, mê lộ được dùng để chỉ thiên nhiên vô thủy vô chung, thời gian không cùng không tận khiến con người lạc lối. Từ đó, mê cung/ mê lộ trong truyện ngắn Borges còn biểu trưng cho tâm trạng phức tạp, hoang mang, bối rối khi đối mặt với sự lựa chọn, sự hoảng sợ và hoài nghi của con người. Với Borges, mê cung/ mê lộ trở thành đề tài trung tâm cho toàn bộ tác phẩm bởi sự khơi gợi tính vô tận và vĩnh cửu của nó. Đây là một chủ đề không bao giờ chán đối với Borges. Mê cung chính biểu trưng cho vũ trụ siêu hình và cả cho thế giới tâm linh của con người.
Với Marquez hay Octavio Paz, mê cung/ mê lộ là biểu tượng cho sự cô đơn truyền kiếp của con người, của dân tộc và của châu Mỹ Latinh hậu thuộc địa. Trăm năm cô đơn của Marquez chính là một tiểu thuyết theo cấu trúc mê cung, một lối kể chuyện đưa người đọc vào tầng tầng lớp lớp nhân vật và ý nghĩa. Trên phương diện truyện ngắn, Dấu máu em trên tuyết cũng là một trong những tác phẩm độc đáo và hậu hiện đại bậc nhất của Marquez. Hành trình trăng mật của B.Sanchez và N. Daconte dường như băng xuyên qua mê lộ không gian – thời gian, không có một điểm đến cho tình yêu mãnh liệt của họ. Mê lộ chỉ thực sự kết thúc khi chiếc xe đến ngoại ô Paris, khi tình trạng của N. Daconte đã mất máu và kiệt sức. Khi đó B.Sanchez mới thực sự thức tỉnh để đi tìm một hiệu thuốc và tìm cách cầm máu cho người vợ N. Daconte của mình. Ở đây, ta nhận thấy sự ẩn dụ về mê cung qua ba nơi mà nhân vật lạc chân đến: bệnh viện, khách sạn và tòa đại sứ Colombia. Cả ba đều lạnh lẽo, quanh co, đều nằm ngoài sự hiểu biết và khả năng thâm nhập của B. Sanchez, từ đó chia cách vĩnh viễn hai vợ chồng anh. Hình tượng này cho ta cảm giác con người hậu hiện đại thực sự lạc lối trong chính cuộc hành trình nhân sinh, trong cuộc sống kỹ trị làm đánh mất đi bản ngã của chính mình. Có thể nói, mê lộ chính là ý tưởng ám ảnh chứa bên trong tác phẩm.
Có thể nói mê cung, mê lộ là biểu tượng tâm linh quan trọng trong văn học Hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Mê cung là đường dẫn vào nội tâm của bản thân, tìm “tới một thứ điện thờ ẩn giấu bên trong con người, nơi toạ lạc cái phần huyền bí nhất của nhân tính”(12). Trên ý nghĩa này, mê cung là một biểu tượng khá gần với Mạn đà la (Mandala) – đồ hình biểu thị cho hình ảnh thế giới trong một số tôn giáo Đông phương. Có điều, mê cung trong văn học Mỹ Latinh không chỉ là hình tượng mang tính huyền thoại mà còn biểu hiện qua lối viết theo phong cách viết hậu hiện đại của dòng văn học này.
2.4. Điềm báo, tiên tri
Giữa vũ trụ và con người luôn có một sợi dây tương thông về tâm linh. Có những sự việc chưa xảy ra nhưng thông qua điềm báo, con người linh cảm được tương lai. Điềm báo là một đề tài thường xuyên xuất hiện trong truyện ngắn Marquez. Nhắc đến khả năng gây tạo sự huyền ảo, không thể không nhắc đến những điềm triệu, những lời tiên tri ẩn hiện tạo nên bầu không khí tích điện lạ lùng. Riêng với Marquez và cư dân làng ông, linh cảm và điềm báo là một sự thiên khải, là sự dẫn dắt của định mệnh. Trong Trăm năm cô đơn, có đến ba nhân vật là nhà tiên tri: Melquiades, Aureliano và Pilar Ternera. Melquiades biết trước lịch sử vận hạn của làng Macondo, sự vận hành của tạo hóa, và cả sự sống, cái chết của mình. Pilar Ternera lại dùng những con bài để đoán được những sự việc diễn ra ngày thường. Bà còn đoán cả cái chết của Aureliano và cảnh báo cho đại tá biết.
Không chỉ ở thiên sử thi lớn nhất của đời mình, truyện ngắn của Marquez cũng chứa đầy những tiên đoán, điềm triệu. Trong Chuyện buồn không thể tin được của Erendira ngây thơ và người bà bất lương, điềm báo xuất hiện ngay ở những thời điểm rẽ ngoặc bất ngờ trong cuộc đời của Erendira. Truyện bắt đầu bằng câu: “Erendira đang tắm cho bà nội thì cơn gió bất hạnh của đời cô cũng bắt đầu nổi lên”. Cơn gió độc báo hiệu cuộc sống làm việc quần quật nhưng yên ổn của cô đã chấm dứt. Ngay đêm hôm ấy, cơn gió hất đổ cây nến và ngôi nhà bị thiêu trụi. Sáng hôm sau, tòa nhà chỉ còn một đống đổ nát. Người bà đã bắt cô cháu gái làm điếm để trả nợ toàn bộ tài sản đã mất. Truyện được dệt bằng không khí kì lạ bởi những sự việc rất thực nhưng đầy những chi tiết cường điệu lẫn chi tiết mơ hồ. Điềm báo xuất hiện liên tục khiến cuộc đời Erendira diễn ra như một định mệnh mà dầu có giãy giụa, cô cũng không thoát nổi người bà bất lương.
Điềm báo gợi nên không khí mơ hồ, thể hiện rõ nhất mối giao cảm đặc biệt giữa con người và thế giới tự nhiên. Trên thực tế, bộ não con người chỉ có một phần dành cho hoạt động ý thức, phần còn lại dành cho những “vùng tĩnh lặng”, cho những linh cảm vô thức. Đối với những con mắt quen với duy lý và khoa học, những biến động của thiên nhiên chỉ là sự ngẫu nhiên và trùng hợp với sự việc diễn ra sau đó. Nhưng, đối với Marquez và ngôi làng diệu kỳ của ông, đấy chính là tín hiệu mà thiên nhiên tiên báo cho con người. Bằng dự cảm, họ có thể đoán được những gì sắp xảy ra cho mình và những người xung quanh.
Xưa nay điềm báo thường là giấc mơ, sự xuất hiện của những con quạ đen, con cú vọ... Marquez lại sử dụng những tín hiệu điềm báo riêng liên quan đến văn hóa bản địa: một mùi hương kì lạ, một cơn gió độc, một cơn mê sảng... Motif điềm báo được thể hiện đặc biệt trong truyện ngắn Biển của thời đã mất. Truyện kể về khu làng nằm ven biển hôi mùi rác mục. Một ngày đột nhiên biển phả ra mùi hương hoa hồng. “Đó là điềm báo trước của Thượng đế, điềm báo của cái chết”. Ai cũng hiểu được điều đó nhưng trong làng chỉ có Tobias và bà Petra - vợ ông Jabkov thực sự ngửi thấy mùi hương. Bà Petra cảm thấy mình sẽ chết và quả là sau đó, vào tháng tám bà chết đột ngột. Làng an táng theo tục lệ xưa nay: ném tử thi xuống biển mà không có vòng hoa viếng.
Sau sự việc đó, Tobias tiếp tục theo dõi và chờ đợi. Mùi hương hoa hồng lại đậm đặc và sánh lại như có thể cầm nắm trên tay. Giống như Tobias, dân làng bắt đầu nhận thấy mùi hương, đặc biệt là những cụ già, những kẻ sắp chết. Ngay thời điểm đó, ngôi làng đột nhiên xuất hiện ngài Hecbert, tự xưng là người giàu nhất trần gian đến để cứu nhân độ thế cho người nghèo. Đằng sau hành động hào hiệp đó thực chất là ông ta đặt ra một giao kèo và chỉ trả tiền cho những ai thắng nổi ông ta. Chẳng bao lâu Hecbert thu được rất nhiều tài sản nhà cửa của người dân nơi đây và nuôi ý đồ biến khu làng này trở thành một đô thị hiện đại bậc nhất. Cùng lúc đó, khu làng rơi vào nạn đói khủng khiếp. Dân làng lần lượt bỏ xứ ra đi và những người còn lại thì khốn khổ tìm kiếm cái ăn. Người giàu thê thảm không kém gì người nghèo. Hecbert đành cùng với Tobias bơi xuống đáy biển để kiếm cua rùa ăn tạm.
Khi họ lặn xuống rất sâu, nơi ánh mặt trời không thể xuyên tới được thì một cảnh tượng huyền ảo hiện ra. Một ngôi làng bị chìm dưới nước, những người đàn ông và những người đàn bà cưỡi ngựa, xoay tít trong âm nhạc. Sân hiên trồng hoa rực rỡ sắc màu. Hai người lại tiếp tục bơi đến biển của những người chết. Ở phía sâu hơn, họ gặp một người phụ nữ trẻ đẹp bơi qua. Đó là bà Petra trẻ lại đến năm mươi tuổi. Bà bơi đi du lịch rất nhiều nơi và mang theo mình hoa của tất cả biển trên thế giới. Hệt như một giấc mơ! Tobias và Hecbert ngỡ ngàng vào bơi vào bờ và giữ kín câu chuyện. Sau đó Hecbert bỏ làng ra đi. Tobias tiếp tục ở lại với những đêm không ngủ của mình...
Mùi hương hoa hồng toả trên toàn câu chuyện, vừa là hiện thực, vừa là định mệnh của con người. Kì lạ thay, thế giới người sống hôi thối đầy rác rưởi. Còn thế giới người chết thì rực rỡ sắc hoa và thơm ngát mùi hương. Khi mùi hương xuất hiện thì nó báo hiệu cái chết, sự diệt vong của toàn khu làng. Nhưng khi cái chết một lẫn nữa xuất hiện thì mùi hương trở thành một bí mật huyền ảo, giữ sự tin yêu của Tobias ở lại ngôi làng xác xơ này. Điềm báo là tín hiệu của sự diệt vong, đồng thời là tín hiệu của sự tái sinh, sự trở lại. Điềm báo thay mặt cho ý chỉ của chúa Trời, xuống trần để dẫn dắt con người xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
2.5. Xác chết, Linh hồn, Bóng ma
Một trong những motif thể hiện rõ đặc trưng tâm linh trong văn học Mỹ Latinh chính là: tin ở hình ảnh xác chết, linh hồn, bóng ma. Giống Bồ Tùng Linh trong Liêu trai chí dị, Marquez dành nhiều sự ưu ái cho đề tài đậm chất tâm linh này. Hình tượng kì vĩ nhất và lãng mạn nhất, Marquez không dành cho người sống, mà ông đã dành cho những xác chết. Thường thì câu chuyện của Marquez xoay quanh cái chết: Một người đã chết hoặc sắp chết, sẽ chết. Một xác chết, hoặc một linh hồn, một bóng ma.
Người chết trôi đẹp nhất trần gian là chân dung đẹp nhất của con người. Gương mặt của xác chết Exteban rất kiêu hãnh, không hề mang vẻ cô đơn hay sợ hãi cầu cứu như những người chết đuối ở sông. Anh là người đàn ông cao nhất, khoẻ nhất, dũng cảm nhất và đẹp nhất mà dân làng từng thấy. Vẻ đẹp của anh cảm động lòng người, đánh thức sự cao thượng và thiêng liêng ở mỗi người. Người ta tin rằng anh không chết. Họ ném anh xuống biển nhưng không buộc thêm những mỏ neo “để phòng khi anh muốn, hay khi nào anh muốn thì anh trở về với dân làng”(13).
Một hình tượng còn huyền ảo hơn xuất hiện trong truyện ngắn Thánh Bà. Một cô bé xinh đẹp đã chết vì bệnh sốt rét vào lúc lên bảy tuổi. Khi cha cô, Margarito bốc hài cốt của người thân để di chuyển đến nghĩa trang mới thì phát hiện ra, hài cốt của vợ mình thì biến thành tro bụi cả. “Ngược lại, ở ngôi mộ kế bên, bé gái vẫn còn nguyên hình hài sau mười một năm. Hơn nữa, khi người ta bật nắp áo quan, thơm lựng cái mùi hương những bông hoa hồng tươi mà người ta đã bỏ vào áo quan khi an táng cô bé. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là cơ thể của bé gái đã bị mất trọng lượng”(14). Một câu chuyện kì diệu giữa trần gian mà có lẽ chỉ có tình yêu đối với xác chết mới có thể viết nên.
Có thể nói Marquez là người đam mê những đề tài chập chờn giữa thế giới này và thế giới bên kia: đám tang, ngôi mộ, linh hồn... Edgar Allan Poe của thế kỉ XIX cũng đam mê những đề tài kì ảo này. Nhưng nếu truyện ngắn của Poe bao phủ một không khí rùng rợn, tang tóc của cái chết thì truyện ngắn của Marquez lại kể với giọng điệu say mê, hồn hậu. Cái chết đối với truyện ngắn của Marquez cũng bình thường và tươi đẹp như sự sống. Marquez gởi gắm một niềm tin lãng mạn vào thi thể và linh hồn. Cũng như ngôi làng kì diệu của ông, Marquez tin vào thế giới bên kia, tin vào sự luân hồi sau cái chết.
Bên cạnh xác chết, những truyện ngắn huyền ảo của Marquez còn xuất hiện của một hình tượng mơ hồ, liêu trai, không biết là người thực hay linh hồn. Chẳng hạn trong truyện ngắn Ai đó làm rối những bông hồng, Lần thứ ba an phận, ta đọc thấy lời độc thoại xưng ở ngôi thứ nhất, có thể dịch là “ta”, hoặc “mình”. Lời tự thuật đó là của một linh hồn, khi thân xác đã thối rửa đi, hoặc khi tử thi đã vùi sâu trong lòng đất.
Có thể thấy, truyện ngắn của Marquez thường xuyên đặt điểm nhìn ở những motif đậm màu sắc tâm linh: xác chết- tử thi hoặc linh hồn. Bởi Marquez tin rằng, vượt qua thời gian và sự tàn lụi, linh hồn con người vẫn bất tử. Ông kể về một thế giới bên kia sự sống, thế giới của xác chết và linh hồn cũng đầy đủ những khổ luỵ, những mơ mộng như hệt một con người. Marquez kể bằng tất cả sự mơ mộng và cảm thông và niềm thành kính.
Đúng như dân gian luôn tin rằng: hữu hình – hữu diệt, vô hình – vô diệt. Văn học Hiện thực huyền ảo, nổi bật với những sáng tác kể trên đã cho chúng ta cảm nhận về một thế giới khác – thế giới không chỉ được nhìn thấy bằng con mắt duy lý, với óc phân tích khách quan. Trái lại, khi cảm nhận bằng trực cảm, bằng sự tương thông trong tâm linh, các nhà văn mở ra một hiện thực rộng lớn. Hiện thực bao gồm cả hữu hình lẫn vô hình. Thông qua các sáng tác, các nhà văn Mỹ Latinh đưa độc giả đến với những chiều kích khác nhau của sự sống. Họ cho phép chúng ta mở rộng sự hiện sinh qua những thế giới, những thực tại khác nhau, cho phép ta cảm nhận được sự huyền bí mênh mông của vũ trụ và sự sinh tồn. Có lẽ đó là đóng góp lớn nhất của văn học Hiện thực huyền ảo Mỹ latinh cho văn học nhân loại.
Chú thích
- Nguyễn Tấn Hùng, Những cách tiếp cận khác nhau về tính huyền diệu và bí ẩn của thế giới, Nguồn: http://diendankienthuc.net/diendan/kien-thuc-triet-hoc/9881-nhung-cach-tiep-can-khac-nhau-ve-tinh-huyen-dieu-va-bi-a-n-cua-the-gioi.html
- Nhiều tác giả (1999), Văn học Mỹ Latin, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội, tr.61.
- Phạm Quang Trung, Nét đặc thù của văn chương Mỹ Latinh, Nguồn: http://www. pqtrung.com/tac-pham-moi/nt-c-th-ca-vn-chng-m-latinh-1
- Bruce Holland Rogers, “Thực ra chủ nghĩa Hiện thực thần kì là gì?” Nguồn: http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=4751
- Anders Österling ( Trần Tiễn Cao Đăng dịch) http://vietbao.vn/Van-hoa/Miguel-Asturias/20771557/181/
- Lê Huy Bắc (2009), Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.29.
- Jorge Louis Borges (2001), Jorge Louis Borges tuyển tập, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 2001, tr.25.
- Lê Huy Bắc (2009), Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.40.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbran (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, tr.80.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbran (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, tr.81.
- Nhật Chiêu, “Giấc mơ bướm của Trang Tử và Borges”, Tiền Vệ, Nguồn: http://www. Tienve.org.com
- Jean Chevalier, Alain Gheerbran (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, tr.592.
- Gabriel Garcia Marquez (2001), 36 truyện ngắn đặc sắc, NXB Văn học, Hồ Chí Minh, tr.220.
- Gabriel Garcia Marquez (2001), 36 truyện ngắn đặc sắc, NXB Văn học, Hồ Chí Minh, tr.400.
Nguồn: Bình luận văn học - niên san 2015, tr. 174-185.