Ngành Hán Nôm với sự phát triển của khoa học nhân văn

(Lược ghi bài phát biểu của PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường trong Hội nghị khoa học Nghiên cứu Hán Nôm và Văn hóa Việt Nam do Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức ngày 29/ 5/ 2009)

 

Kính thưa tất cả các nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm lão thành,

 

Kính thưa thầy Nguyễn Tri Tài, thầy Nguyễn Khuê.

 

Kính thưa PGS. TS. Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ

 

Thưa tất cả các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các bạn sinh viên có mặt hôm nay.

 

Lời đầu tiên thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các thầy cô giáo, các nhà khoa học và các em sinh viên đã đến dự buổi hội thảo khoa học của Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học và Ngôn ngữ.

 

Hôm nay và ngày mai ở trường chúng ta diễn ra 3 hội thảo: Một hội thảo quốc tế lớn mời trên 100 nhà nghiên cứu thế giới về ngôn ngữ học các nước Đông Nam Á, đang diễn ra ở hội trường lớn nhà D; hội thảo thứ hai là hội thảo về lịch sử Nam Bộ, đây là đề án cấp nhà nước do GS. Phan Huy Lê kết hợp với trường ta thực hiện; hội thảo thứ 3 là hội thảo của Bộ môn Hán Nôm của Khoa Văn học và Ngôn ngữ. Chúng tôi rất vui mừng thông báo tin này để thấy rằng trong định hướng phát triển của nhà trường, chúng ta cố gắng phấn đấu để trường chúng ta trở thành một trường đại học nghiên cứu. Đại học nghiên cứu thì phải vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu thì có rất nhiều cấp độ khác nhau, điều quan trọng nhất của nghiên cứu không phải là số đông, không phải là hội nghị lớn mà là các nhà khoa học thực sự tìm ra những điều gì mới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.

 

Chúng tôi rất hoan nghênh khoa Văn học và Ngôn ngữ trong nhiều năm qua đã luôn luôn xứng đáng là khoa đàn anh của trường. Nếu đặt ra câu hỏi, không có khoa Văn học và Ngôn ngữ, khoa Lịch sử và khoa Triết thì trường ĐH KHKHXH&NV sẽ như thế nào? Có thể trả lời là nếu không có 3 khoa này thì sẽ không có trường Đại học KH XH&NV. Nếu nói không có khoa này khoa kia thì trường ĐH KHKHXH&NV không có nhiều màu sắc rực rỡ như bây giờ, nhưng nếu không có khoa Văn thì trường ĐH KHKHXH&NV sẽ không còn tồn tại. Ở vị trí những ngành gốc của lĩnh vực KHXHNV là Văn Sử Triết, thì khoa Văn học và Ngôn ngữ trong suốt quá trình hoạt động của mình cho đến hôm nay đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Một trong những nhiệm vụ đó là đi đầu trong nghiên cứu khoa học, trong đó có hội thảo khoa học. Tôi rất quan tâm những hội thảo như thế này. Mặc dù trong khuôn khổ nhỏ nhưng chúng ta sẽ làm được những vấn đề hết sức thiết thực để phát triển bộ môn Hán Nôm. Kết quả nghiên cứu đó sẽ được ứng dụng ngay vào việc giảng dạy.  

 

Có lẽ trong cuộc đời tôi điều rất đáng tiếc mà tôi không thể khắc phục được cho đến giờ là, tôi đã thọ giáo môn Hán Nôm với GS.Nguyễn Khuê trong thời gian học đại học nhưng sau đó thì tôi không tiêp tục được, mà tập trung vào lịch sử hiện đại. Mải mê theo ngôn ngữ phương Tây cho đến giờ, kể cả khi đi Nhật Bản, muốn học trở lại Hán Nôm thì thấy là không còn kịp nữa. Không có thời gian đi sâu vào Hán Nôm được đó là điều rất đáng tiếc đối với tôi.

 

Tôi nghĩ rằng, với một lịch sử tồn tại 18, 19 thế kỷ ở nước ta, không có một ngôn ngữ nào, chữ viết nào ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Việt Nam, đến tri thức của dân tộc chúng ta hơn là Hán Nôm. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào, chúng tôi xin hứa bảo đảm rằng, Bộ môn Hán Nôm chỉ có thể tồn tại và phát triển mạnh chứ không thể nào suy yếu được. Hiện nay nhà trường tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán từ xưa đến nay là miễn học phí cho toàn bộ sinh viên Hán Nôm. Hiện nay ở trường có 2 ngành được miễn học phí là ngành khoa học Mác-Lênin và ngành Hán Nôm. Ngành Hán Nôm là thuộc chế độ riêng của trường chúng ta, còn ngành khoa học Mác Lênin là thuộc chế độ chung của quốc gia. Vừa rồi chúng ta đã lập đề án trên 3 tỉ thành lập Phòng tư liệu Hán Nôm. Đề án này chỉ còn giai đoạn cuối đợi có quyết định chính thức. Đó là những gì trong điều kiện hiện nay nhà trường có thể ủng hộ và thực hiện cho ngành Hán Nôm phát triển. Nhà trường cũng mong rằng Phòng Quan hệ quốc tế, cũng như sinh viên Hán Nôm hay các nhà nghiên cứu Hán Nôm tìm được đối tác nước ngoài để nhà trường tìm cách gửi đi giao lưu trao đổi, nghiên cứu khoa học. Tôi rất mừng là trong Bộ môn Hán Nôm, các tiến sĩ trẻ đã thực hiện giao lưu hợp tác quốc tế rất nhiều. Như tiến sĩ Đoàn Ánh Loan cách đây 1, 2 tháng đã thực hiện cuộc trao đổi khoa học với Đại học Chinan Đài Loan. Tháng rồi tôi qua đó cũng nghe những lời đánh giá rất tốt về cuộc trao đổi khoa học ấy. Mong rằng Tổ bộ môn Hán Nôm phát triển mạnh hơn nữa về lực lượng, về hướng nghiên cứu, và trong tất cả khả năng có thể làm được, nhà trường hết sức sẽ ủng hộ các vị.

 

Muốn cho ngành Hán Nôm phát triển thì phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng. Các ngành đào tạo khác thì hạn chế nhưng còn Hán Nôm thì có thể lấy nhiều giảng viên hơn nữa, từ cử nhân giỏi chứ không hạn chế từ trình độ thạc sĩ, có như thế mới đáp ứng đủ về lực lượng.

 

Chúng tôi cũng thấy rất cảm động là, hội thảo khoa học Hán Nôm được tổ chức rất gấp, thành phần tham dự cũng thu hẹp nhưng số lượng báo cáo rất cao. Điều đáng quý nữa của hội thảo này là chúng ta tiến hành hội thảo với sự kiện có tính nhân văn rất cao, đó là sinh nhật của GS. Bửu Cầm. Điều này thể hiện tầm nhìn của Bộ môn Hán Nôm, tầm nhìn của Khoa Văn học và Ngôn ngữ. Một hội thảo khoa học về Hán Nôm gắn với việc kỷ niệm một trong những giáo sư hàng đầu, lỗi lạc và để lại dấu ấn cho bao nhiêu thế hệ sinh viên Hán Nôm của Đại học Văn khoa Sài Gòn cũng như Đại học Tổng hợp TP.HCM sau này. Sự tôn vinh này nhà trường rất hoan nghênh. Nhà trường cũng sẽ học tập Khoa Văn học và Ngôn ngữ về cách làm này. Nhà trường hết sức ủng hộ đề nghị của Khoa Văn học và Ngôn ngữ về việc xuất bản Bửu Cầm tuyển tập, công trình có thể in đẹp, dày đến hàng nghìn trang, in ngay trong năm nay. Tôi cho rằng đây là một công trình rất có giá trị đối với việc nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, và cũng là hành động thiết thực nhằm tôn vinh một nhà giáo đáng kính, một nhà nghiên cứu Hán Nôm lão thành của đất nước ta.

 Xin chúc hội nghị thành công tốt đẹp, chúc sức khỏe các nhà giáo lão thành, các nhà nghiên cứu, tất cả các thầy cô.
  

* Nhan đề bài phát biểu do Ban tổ chức Hội nghị đặt.

 

Thông tin truy cập

62830282
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11227
13618
62830282

Thành viên trực tuyến

Đang có 639 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website