Những cuộc đối thoại về giới tính trong Lục Vân Tiên (Hồ Khánh Vân)

Sức sống của truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) không chỉ được nhìn nhận và định lượng bằng khả năng ảnh hưởng và lan truyền trong cộng đồng, nhất là cộng đồng Nam bộ, suốt một thời kỳ dài; bằng những giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật đã được khẳng định mà còn bởi năng lực tiếp tục sự sống, tiếp tục chuyển biến theo thời cuộc. Nghĩa là, khi độc giả thế hệ sau lần giở những câu thơ được sinh ra cách đây gần hai thế kỷ vẫn có thể ngẫm nghiệm ra những vấn đề mới mẻ, gắn liền với thời đại mình và có ý nghĩa cho đời sống trong hiện tại cũng như trong tương lai, có thể đặt tác phẩm dưới những góc nhìn mới, những lý thuyết và quan niệm mới để phân tích, lý giải.

Đó mới thực sự là sức sống được nối dài bằng khả năng vĩnh cửu hóa của văn chương. Tác phẩm cho thấy chân dung của một thời đại nhưng lại có thể chạm đến những vấn đề của mọi thời đại, tái hiện những con người cụ thể nhưng lại khơi gợi những suy tư về nhân loại một cách khái quát. Nhà văn sống đắm đuối trong lòng thời đại mình nhưng không bị thời đại đóng khung mà có thể tự do vượt thoát lên, hướng đến những câu chuyện của muôn đời. Vấn đề giới tính và những khả thể của đối thoại giới tính trong Lục Vân Tiên là một trong những cánh cửa mở rộng đi xuyên qua các thời đại như vậy. Đọc lại những câu thơ, quan sát các nhân vật biểu đạt quan niệm và những cách thức ứng xử giới tính, độc giả sẽ thấy được sự đa dạng, sinh động của đời sống giới được phản ánh và tái hiện trong văn chương. Lối tiếp cận này có thể khiến chúng ta nghĩ khác đi, cảm khác đi về nhân vật, đối thoại với những diễn ngôn phê bình, hay rộng hơn, diễn ngôn tiếp nhận trước đây.

“Vọng cổ Bạc Liêu: Nguyệt Nga – Bùi Kiệm vấn đáp”,
tác giả: Nguyễn Thành Long, Cần Thơ, Phạm Văn Cường (Chợ Lớn) xuất bản, in lần thứ nhất, 1933.

Thêm Vào Trái Tim Của Kiều Nguyệt Nga: Sự Chủ Động “Duy Tình” Và Si Tình

Diễn ngôn giới tính trong Lục Vân Tiên phổ biến, được cộng đồng tiếp nhận nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra / Nàng là phận gái, ta là phận trai” là một trong những điển phạm giới tính đại diện cho tư tưởng và nề nếp Nho giáo. Sự phân định ranh giới, không gian tiếp xúc giữa “khuê môn phận gái” và “đấng anh hùng” đến việc xác định và biểu hiện thái độ, hành động, cách ứng xử về phương diện giới tính của Lục Vân Tiên đều in đậm quan niệm truyền thống của Nho gia: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân”. Trong khi đó, đọc lại những lời thoại của Kiều Nguyệt Nga, chúng ta thấy người con gái này vừa đứng trên những diễn ngôn mang tâm thức cộng đồng, nhưng đồng thời, lại nhuốm đầy màu sắc “duy tình”, si tình của con người cá nhân. Trong mối quan hệ giữa Vân Tiên và Nguyệt Nga, gần như đối nghịch với diễn ngôn mang tính ẩn dụ của dân gian: “trâu đi tìm cọc chứ cọc nào tìm trâu” vốn phân định thế chủ động của nam giới và bị động của nữ giới, Nguyệt Nga lại là người giữ thế chủ động, là “cái cọc” đi tìm “trâu”, như tâm thế của Thúy Kiều khi băng vườn đi tìm Kim Trọng. Trạng thái và sự lựa chọn hành động của Nguyệt Nga thực ra không chỉ bị chi phối bởi tư tưởng đạo đức nhân nghĩa (hàm ơn người đã cứu mình), quan niệm về trinh tiết (tiết liệt đoan trinh, một mực chung thủy với tình lang) mà còn vì sự lựa chọn tự do của một cá nhân, của một người nữ biết yêu, hơn nữa, yêu đắm đuối, yêu si mê. Chính vì lẽ đó, Kiều Nguyệt Nga thực ra lại hiện lên sinh động, mang gam màu cá nhân khá đậm, vừa có yếu tố của loại hình nhân vật tư tưởng, nhưng lại vừa có sức hấp dẫn, lôi cuốn với tính cá thể của loại hình nhân vật cá tính.

Đi vào cụ thể, lúc được Vân Tiên ứng cứu khỏi tay lũ hung đồ, Nguyệt Nga chủ động gọi chàng là “tri âm” với nghĩa “đá vàng”, chủ động xin gá nghĩa trăm năm cùng Vân Tiên và tặng cây trâm để làm tin. Khi thấy Vân Tiên “lòng chê”, “ngơ mặt chẳng nhìn”, nàng biểu lộ thái độ bộc trực, thẳng thắn, giãi bày trực tiếp nỗi lòng của mình với tính cách đặc trưng của người Nam bộ: “Vật chi một chút gọi là / Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ / Của này là của vất vơ / Lòng chê cũng phải, mặt ngơ sao đành”. Khi Vân Tiên một mực chối từ, nàng vẫn tiếp chủ động bày tỏ và trao dâng tình cảm: “Riêng than: Trâm hỡi là trâm, / Vô duyên chi bấy ai cầm mà mơ? Đưa trâm chàng đã làm ngơ / Thiếp xin đưa lại bài thơ giã từ”. Cùng với hành động làm thơ của Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa, tham gia vào việc kiến tạo mô thức hình tượng người nữ tài sắc vẹn toàn giai đoạn hậu kỳ trung đại, nhấn mạnh sự tài trí, thông minh của nữ giới, cộng hưởng với cái nhìn của Nguyễn Du và các nhà Nho tài tử về phụ nữ. Tài năng của Nguyệt Nga được khẳng định thông qua cái nhìn của Vân Tiên: “Vân Tiên xem thấy ngạt ngào / Ai dè sức gái tài cao bực này (…) Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ, / Cho hay tài gái kém gì tài trai” (trang 101). Cái nhìn này là một trong những chuyển động đáng chú ý trong quan niệm về giới ở Việt Nam. Bên cạnh chuẩn mực về nhan sắc, phụ nữ đã dần được đề cao, được công nhận về mặt tài năng, trí tuệ, sánh ngang với nam giới – mặc dù chỉ mới dừng lại ở vài hiện tượng nổi bật chứ chưa phải là sự phổ quát. Thế nhưng, có thể thấy, đây là những tiền đề nội tại để đến đầu thế kỷ XX, trong công cuộc tiếp xúc với tư tưởng nữ quyền phương Tây, quan niệm tân tiến, mới mẻ, mang tính cách mạng về giới phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhất là khu vực Nam bộ.

Sự chủ động của Nguyệt Nga trong mối duyên tình càng được tô đậm bằng những lời độc thoại và đối thoại với cha mình. Ở đây, chúng ta thấy một người nữ giãi bày, một người nữ biểu lộ. Tiếng nói nữ trong Lục Vân Tiên là một hiện tượng rất đáng chú ý. Nguyễn Đình Chiểu, cũng như Nguyễn Du, không khắc họa nhân vật người nữ với cái nhìn bên ngoài tuyệt đối mà tái hiện nhân vật bằng cái nhìn bên trong, để cho nhân vật tự nói, tự thể hiện thế giới bên trong với tư thế chủ thể. Những lời tâm tình của Kiều Nguyệt Nga cho thấy tình cảm nàng dành cho Vân Tiên không chỉ có ơn nghĩa, mà còn nặng yêu đương. Chữ “tình” xuất hiện lặp đi lặp lại, nhấn mạnh xúc cảm yêu đương, nỗi tương tư mang tính cá nhân của Nguyệt Nga. Từ trước đến nay, người tiếp nhận thường phân tích sự chung thủy của Nguyệt Nga là do tấm lòng tri ân của nàng với người đã cứu mình giữa đàng. Thế nhưng, khi đọc lại văn bản tác phẩm, chúng ta có thể thấy, bên cạnh cảm giác về ơn nghĩa nảy sinh từ quy chuẩn đạo đức trong tâm thức cộng đồng, xúc cảm lứa đôi của Nguyệt Nga là một xúc cảm rất tự nhiên, rất con người. Chính xúc cảm này đã nuôi nấng sự sống của nhân vật Nguyệt Nga trong lòng công chúng độc giả, gieo mối rung cảm, khiến nàng không hiện ra như một hình mẫu xơ cứng của quan niệm nhân nghĩa mà bằng hình hài, tâm hồn của người con gái khi yêu. Nàng cũng tự ý thức về chính xúc cảm của mình trong hai trạng thái: “nỗi ân” và “nỗi tình”.

“Vân Tiên từ giã phản hồi
Nguyệt Nga than thở: Tình ôi là tình!
Nghĩ mình mà ngán cho mình,
Nỗi ân chưa trả, nỗi tình lại vương.

(…)

Chữ tình càng tưởng càng thâm
Muốn pha khó lợt, muốn dầm khôn phai”.

Sự thôi thúc của tình yêu, nỗi tương tư đắm đuối đã khiến Nguyệt Nga họa bức tượng Vân Tiên và vác bức tượng người tình đi dọc dặm đường lưu lạc của mình. Đây là một hình tượng đẹp đẽ, độc đáo và thú vị, tạo nên điểm nhấn trong cách thức biểu lộ tình yêu của nữ giới. Thông thường, theo lễ giáo phong kiến mang đậm tư tưởng Nho giáo, người nữ phải giữ mình trong sự kín đáo, thầm lặng. Thế nhưng, Nguyệt Nga họa tượng Vân Tiên, biểu lộ rõ tình yêu của mình với thế giới bên ngoài. Nàng công khai khẳng định Vân Tiên là chồng mình, xem bức tượng như hình hài thế thân cho Vân Tiên sau khi nghe tin chàng gặp nạn qua đời và nguyện “thân con còn đứng giữa trời, / Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi”. Nguyệt Nga chủ động đến nhà Lục ông, làm lễ cúng Vân Tiên, chủ động lựa chọn cái chết để giữ trọn khí tiết và tấm lòng chung thủy với tình lang. Khác với nàng Chimène trong vở kịch Le Cid nổi tiếng của Pierre Corneille hành động theo lí trí, lựa chọn hành động theo phận vị và hi sinh tình yêu thì Nguyệt Nga dù ý thức rõ rệt phận vị của mình với quốc gia, triều đình (“tình phu phụ nghĩa quần thần”) nhưng nàng vẫn lựa chọn cách thế sống theo cảm xúc, ôm tượng Vân Tiên mà trẫm mình xuống sông. Hành động của nàng không chỉ thuần túy nảy sinh trên nhận thức đạo đức về lòng chung thủy, mà phần lớn là vì chữ tình, vì thế giới xúc cảm tràn đầy, đắm đuối mà nàng đã trao cho Vân Tiên. Nội tâm có nhu cầu bộc phát ra ngoại giới. Đoạn thơ dài bộc lộ nỗi đau đớn, tiếc thương giằng xé tâm can của Nguyệt Nga khi nghe Vân Tiên qua đời không có một câu thơ nào nhắc đến ơn nghĩa, mà chỉ tràn đầy tình yêu. Chữ “thương” lặp đi lặp lại, đẩy xúc cảm yêu đương và đau khổ của nàng lên đến cao trào (“Thương người quân tử biết đời nào phai?”; “Thương vì đôi lứa chưa thành / Vùa hương bát nước ai dành ngày sau”). Chọn thờ bức tượng, yêu người cõi âm, Nguyệt Nga gần như chỉ sống bằng nỗi si tình mê đắm. Lúc lao mình xuống sông tự vẫn, nàng cũng chỉ nghĩ đến Vân Tiên và nguyện “trăm năm xin gửi chút tình lại đây”. “Thương” và “Tình” là thế giới của Nguyệt Nga.

Từ đó, “đa tình”, “tài tình hào hoa” là một nét đặc trưng nổi trội trong nhân vật Nguyệt Nga vốn ít được người tiếp nhận chú ý, làm nên sự đầy đặn của nhân vật, khiến cho người con gái này trở nên sinh động, chứa đựng nhiều màu sắc, nhiều xúc cảm đan xen chứ không phải là một cái bóng “lép kẹp” mang tính minh họa cho ý niệm trinh tiết và lòng chung thủy của văn hóa Nho giáo. Như vậy, những lời đối thoại của Nguyệt Nga với Vân Tiên, với Kiều công và Bùi Kiệm cũng như lời độc thoại với chính mình mang lại cái nhìn sâu hơn, toàn vẹn hơn về xúc cảm giới tính của Nguyệt Nga, khiến nàng thực sự là một chủ thể trong thế giới tình: chủ thể giãi bày, chủ thể tự nhận thức và chủ thể tự do lựa chọn phương cách ứng xử giới tính theo xu hướng của kẻ “duy tình”, si tình.

Lục Vân Tiên (bản của nxb Tân Việt)

Võ Thể Loan Và Bùi Kiệm: Những Kẻ Phản Diện Hay Là Những Người Tiên Phong khai Phóng Về Giới?

Nếu như, với Kiều Nguyệt Nga, chúng ta có thể bổ sung để làm đầy đặn thế giới bên trong của nàng trên phương diện giới thì với Võ Thể Loan và Bùi Kiệm, độc giả ngày nay có thể xoay chuyển cái nhìn tiếp nhận có tính diễn ngôn truyền thống thành cái nhìn tự do, dân chủ hiện đại. Cuộc đối thoại giữa Võ công, Võ Thể Loan với Vương Tử Trực cũng như cuộc đối thoại của Bùi Kiệm với Kiều Nguyệt Nga gợi ra nhiều suy ngẫm về vấn đề giới tính, đặc biệt là quan niệm về giới trên những phông nền thời đại nhất định. Thái độ của Vương Tử Trực là biểu hiện của tinh thần trung nghĩa dựa vào nền tảng đạo đức truyền thống, một mực giữ trọn vẹn ân tình với người đã khuất. Trong khi đó, phản ứng của cha con Võ Thể Loan có thể được nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau: trong khuôn khổ của đạo đức truyền thống, động thái vội vàng bộc lộ niềm mong muốn xe duyên Thể Loan với Tử Trực là sự bội ước; còn trong cái nhìn có tính khai phóng về giới, đó lại là một khát khao, một mưu cầu hạnh phúc lứa đôi trong tình thế cụ thể của thực tại. Võ công “dứt tình họ Lục mến tình họ Vương” vì “tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang”, vì thương con gái và lo toan cho hạnh phúc của gia đình mình còn Võ Thể Loan vì thương thân mình, vì một mưu cầu cho sự sống cá nhân. Động thái của Võ ông, về thực chất, cũng chẳng khác gì nỗi băn khoăn đau đớn mà Kiều công hỏi Nguyệt Nga khi nghe con gái mình nguyện cả đời thờ Vân Tiên, thờ một bóng ma: “Con đành giữ tiết trọn đời hay sao?”. Có thể, quyết định gả con cho giặc Ô qua của Kiều ông không chỉ xuất phát từ lòng trung quân ái quốc, mà còn đan xen một niềm riêng thầm kín gắn với tình phụ tử, để Nguyệt Nga không sống cuộc đời cô lẻ. Hai người cha có cùng một tâm trạng, một cách thế lựa chọn. Thế nhưng, cách ứng xử vì cái tôi cá nhân của cha con Võ Thể Loan, trong bối cảnh hậu kỳ trung đại, chưa được chấp nhận và thậm chí, còn bị lên án. Còn trong bối cảnh hiện đại, đây là vấn đề khiến chúng ta suy ngẫm về giá trị của con người cá nhân. Vương Tử Trực lấy tha nhân làm tâm điểm giá trị còn cha con Võ Thể Loan lấy cái tôi cá thể của mình làm trung tâm. Trong khi Võ công hổ thẹn, im lặng trước lời trách mắng của Tử Trực thì Thể Loan lại cất tiếng nói đầy tính phản biện:

“Thiếp đà chẳng trọn lời thề,
Lỡ bề sửa trắp, lỡ bề nưng khăn.
Tiếc thay dạ thỏ nằng nằng,
Đêm thu chờ đợi bóng trăng bấy chầy.
Chẳng ưng thời cũng làm khuây,
Nỡ buông lời nói chẳng vì, chẳng kiêng”

So với thông niệm về giới đương thời, suy nghĩ và ý hướng của Thể Loan có phần táo bạo, phá cách và lệch chuẩn. Nàng tự nhận thức được hoàn cảnh lỡ làng của mình và không chấp nhận cách thức ứng xử theo khuôn phép thông thường. Điều khiến Thể Loan day dứt, băn khoăn chính là nỗi tiếc nuối vì những ngày tháng chờ đợi vò võ, đằng đẵng. Nghĩa là nàng biết tiếc nuối tuổi xuân, tiếc nuối thời con gái, tiếc nuối chính sự hiện hữu trong thực tại của mình. Tinh thần ấy, nỗi tiếc ấy của Thể Loan, xét đến cùng, là một tinh thần nhân văn, nhân bản, là một phát hiện về giá trị hiện tồn của người nữ nói riêng, của con người nói chung. Nỗi niềm đó của nàng cũng như nỗi niềm của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm diễn Nôm), trăn trở, giày vò vì sự vong bản của chính mình trong cảnh đợi chờ.

Lựa chọn của Thể Loan là lựa chọn phản kháng lại khuôn khổ lễ giáo ràng buộc người nữ vào thế bị động, chịu đựng, đè nén những khao khát hạnh phúc cá nhân. Nàng sẵn sàng đối thoại và chấp nhận những quan niệm, những cách hành xử khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, khi nghe Tử Trực viện dẫn một loạt điển tích, điển cố như những diễn ngôn kinh điển về người phụ nữ bội bạc, Thể Loan đã trách móc rằng chàng có thể không đồng tình và từ chối, nhưng đừng phê phán, lên án cha con mình. Thái độ ấy, phải chăng, không chỉ đơn thuần là sự biện bạch cho tội lỗi cá nhân, mà là tinh thần biết lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cái nhìn đa quan điểm, đa thanh sắc trong xã hội. Cùng với tiếng nói bộc bạch của Nguyệt Nga, tiếng nói của Võ Thể Loan tô đậm âm thanh của người nữ, sự cất tiếng của người nữ trong Lục Vân Tiên.

Cùng với Võ Thể Loan, những lời đối thoại của Bùi Kiệm với Kiều Nguyệt Nga tiếp tục khơi gợi những ý niệm về sự giải phóng con người thoát khỏi những ràng buộc trong quan niệm về giới một cách thú vị, vừa cận nhân tình, vừa thấm đẫm triết lý hiện sinh dù thuở ấy, tư tưởng hiện sinh chưa xuất hiện ở Việt Nam. Trong khi Nguyệt Nga một mực khẳng định quan niệm về trinh tiết và lòng chung thủy truyền thống thì Bùi Kiệm bộc lộ sự phủ định với tinh thần phản biện quả quyết, mạnh mẽ.

“Kiệm rằng: Nàng nói sai rồi
Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa,
Làm người trong cõi gió mưa,
Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào
Chúa xuân còn ở vườn đào,
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần
Chúa đông ra khỏi vườn xuân,
Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang”

Cảm quan của Bùi Kiệm gặp gỡ với cái nhìn lên án quyền thống trị và sở hữu thân thể người nữ một cách tuyệt đối của chế độ nam trị trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Họ có thể được lựa chọn hoặc bị phó mặc, được ân sủng hoặc bị ruồng rẫy và hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn bất khả đoán định của nam giới. Phân tích tình trạng bị đối đãi một cách nghiệt ngã của phụ nữ, Bùi Kiệm cho thấy sự bất bình đẳng giới trong quan niệm của cộng đồng và thôi thúc Nguyệt Nga vượt qua cái nhìn đòi hỏi sự trung thành, chung thủy, kiên trinh của nữ giới nhưng lại dung túng và cung cấp cho nam giới cái quyền được “năm thê bảy thiếp”. Những hình ảnh ẩn dụ quen thuộc “chúa xuân, chúa đông”, “ong qua bướm lại”, “hoa tàn nhụy rữa” nhấn mạnh sự bất công và trạng thái đối lập giữa hai giới.

 

Điểm thú vị trong cái nhìn của Bùi Kiệm là ý thức về thực tại, về thời khắc hiện hữu trong hiện tại của con người. Hai câu thơ: “Làm người trong cõi gió mưa / Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào” vừa phác họa lên tình thế “làm người” giữa cuộc đời nhiều bất trắc, vừa nhấn mạnh trạng thái vô thường, ngắn ngủi, dễ phai nhạt của kiếp người. Chính từ xuất phát điểm này, các nhà hiện sinh chủ nghĩa đã thúc đẩy tinh thần dấn thân, ý thức và hành động nhập thế, tận hưởng đời sống trong phút giây hiện tại. Tâm điểm thứ nhất trong lập luận phản biện Kiều Nguyệt Nga của Bùi Kiệm chính là sự hoang phí và chôn vùi thanh xuân của người nữ vì những tín điều ràng buộc bởi lẽ thời gian đời người chỉ dịch chuyển theo con đường một chiều và vô cùng hữu hạn:

“Ba xuân mòn hết ngàn vàng khôn mua
Hay chi như vãi ở chùa,
Một căn cửa khép bốn mùa lạnh tanh.
Linh đinh một chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước biết mình vào đâu?”

Bùi Kiệm không chấp nhận trạng thái “ngồi không”, “giữ ôm bức tượng trước sau thiệt mình”, khước từ những niềm lạc thú bình thường của nhân gian và ví tình trạng của Nguyệt Nga như “vãi ở chùa”. Đó là phản ứng phủ định xu hướng bị động, xuất thế để hướng đến cái động, đến sự nhập thế. Một loạt hình ảnh ẩn dụ được nhân vật gợi ra để nói lên tính phi lý, vô nghĩa của hành động trung trinh, thu mình vào sự cô độc, thiếu hụt mà người phụ nữ tự đẩy mình vào trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc:

“Ai từng mặc áo không bâu
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau”

Cái nhìn giải kiến tạo của Bùi Kiệm đã lý giải hình tượng người phụ nữ đa tình theo cách thức phi truyền thống. Những chuẩn mực đạo đức giới tính thông thường bị vượt qua, bị xóa bỏ còn các biểu hiện lệch chuẩn thì thành cái có giá trị chứ không còn là cái bị phủ định, phê phán, gạt bỏ ra vùng ngoại vi của xã hội. Nhân vật không nhìn nhận giá trị mẫu mực, đẹp đẽ hình ảnh vọng phu trong truyền thống, mà thậm chí, còn phản biện lại biểu tượng này bởi sự chờ đợi mỏi mòn trong tuyệt vọng đó đã “phi nhân hóa” hiện tồn của người nữ, làm phôi pha và hủy hoại sự sống đích thực của nữ giới: “Làm chi thiệt phận hồng nhan/ Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng/ Vọng phu xưa cũng trông chồng/ Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”. Như một đối trọng, những nhân vật nữ như Hồ Dương, Hạ Cơ, Lữ hậu, Võ Tắc Thiên vốn bị lên án trong lịch sử vì niềm khát khao tính dục lại hiện lên như những hình ảnh đại diện cho tinh thần nhân bản, khẳng định giá trị của sự lựa chọn sống vì ý muốn của bản thể, sống tận hưởng hạnh phúc đời người:

“Hồ Dương xưa mới góa chồng,
Còn mơ nhan sắc Tống công cũng vừa.
Hạ Cơ lớn nhỏ đều ưa,
Sớm đưa Doãn Phủ, tối ngừa Trần quân.
Hớn xưa Lữ hậu thanh xuân
Còn vừa Cao tổ mấy đành Dị Ky
Đường xưa Võ hậu thiệt gì,
Di Tôn khi trẻ, Tam Tư lúc già,
Cứ trong sách vở nói ra
Một đời sung sướng cũng qua một đời”

Với quan niệm ấy, Bùi Kiệm thể hiện tâm điểm thứ hai trong lập luận của mình: sự đồng tình cùng tinh thần “nổi loạn” của dân gian, phản ứng chống lại giá trị chuẩn mực, trung tâm và lập nên thế cân bằng cho những hiện tồn bị phủ định, bị xóa bỏ, phê phán. Câu ca dao “Lẳng lơ chết cũng ra ma/ chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng” vốn mang đậm tinh thần khai phóng giới tính trong cái nhìn mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt thoát những định kiến có tính giáo điều và ràng buộc của lễ giáo phong kiến, cho thấy tinh thần hiện sinh hồn nhiên của nhân dân được tái hiện trọn vẹn trong lời thoại của Bùi Kiệm:

“Ai ai cũng ở trong trời,
Chính chuyên trắc nết chết thời cũng ma
Người ta chẳng lấy người ta
Người ta đâu lấy những là tượng nhân”

Hai từ “người ta” lặp lại khẳng định giá trị của hiện tồn, của sinh thể sống động, của giá trị “làm người” và đối lập với hình ảnh “tượng nhân”, một vật thể, một sự trừu tượng xơ cứng, không có sự sống. Trong cái nhìn truyền thống, bức tượng mà Nguyệt Nga vác trên vai là một biểu tượng cho tình yêu, lòng chung thủy, sự kiên trinh nhưng trong cái nhìn khai phóng mang tính hiện sinh, bức tượng ấy là hóa thân trĩu nặng của những ý niệm đạo đức, lễ giáo ràng buộc, đè nén con người. Đó chỉ là thế giới ảo của các phạm trù, nguyên tắc do con người đặt định và tuân thủ theo tâm thức cộng đồng, để rồi, đánh mất sự hiện hữu và những giá trị cá nhân. Đề cao hiện tồn trong không gian, trong thời gian của thực tại, trong chính hiện hữu của từng cá thể, Bùi Kiệm và Bùi ông đều thôi thúc tinh thần hành động dấn thân, tận hưởng trần thế:

“Tới đây duyên đã bén duyên,
Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai?
Nhớ câu xuân bất tái lai,
Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn”

Những từ “tới đây”, “ngày nay” đều khẳng định tính hiện tại của không gian và thời gian. Theo đó, sự tương tác, gặp gỡ giữa con người và con người đều do “duyên”. Đây là một khái niệm mang đậm văn hóa phương Đông, lý giải mối liên hệ giữa con người với nhau và với vạn vật, vạn sự kiện xảy ra một cách ngẫu nhiên theo một nguyên lý bí ẩn nhưng tất yếu của vũ trụ. Võ công cũng khuyên Tử Trực: “Tới đây thời ở lại đây/ Cùng con gái lão sum vầy thất gia”. Ba yếu tố thời gian, không gian, con người tương hợp, tại thành chỉnh thể của cái đang xảy ra, cái hiện thời. Ý hướng tính vươn đến sự hành động của con người trong bối cảnh của cái đang xảy ra trong lời thoại của Bùi Kiệm và Bùi ông gần như tương đồng với xung năng và triết lý hoạt động, cộng hưởng với các yếu tố đời sống trong câu ca dao:

“Ra đi gặp vịt thì lùa
Gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu”

Như vậy, với cái nhìn thoát khỏi những diễn ngôn đạo đức về giới, độc giả ngày nay có thể thấy Võ Thể Loan và Bùi Kiệm, Bùi ông không phải là nhân vật phản diện như những diễn ngôn tiếp nhận, diễn ngôn phê bình từ trước đến nay vẫn khẳng định. Họ là những nhân vật tìm kiếm hạnh phúc và phát ngôn để biểu lộ niềm mong cầu hạnh phúc của mình. Võ Thể Loan có thể hơi vội vàng, Bùi Kiệm có thể có thói xấu thường tình của những chàng trai trẻ (hay ganh ghét bạn đồng lứa), nhưng các nhân vật này không gây hại đến nhân vật chính diện để trở thành nhân vật phản diện theo cấu trúc phân chia nhân vật dựa vào tuyến tư tưởng có tính nhị phân. Thể Loan, Bùi Kiệm và Bùi ông là những nhân vật đi ngược, đi theo lối khác so với trục quan niệm chính thống, trung tâm về giới tính, về quan hệ hôn nhân mang tính truyền thống của xã hội đương thời. Sự khác biệt đó không được cộng đồng chấp nhận, thậm chí bị lên án, phê phán và vì vậy, đẩy các nhân vật này qua tuyến đối lập với những chuẩn mực, những khuôn mẫu xã hội, quy kết vào sự bội bạc nhân nghĩa và u mê sắc dục.

Về phương diện trần thuật, nhân vật người kể chuyện trong Lục Vân Tiên đã để cho các nhân vật tự do đối thoại trong thời khắc xảy ra tình huống. Sự tương tác bằng diễn ngôn của các nhân vật đã thúc đẩy nhân vật đi đến cách thức phản ứng, hành động. Vì vậy, gần như xuyên suốt tác phẩm, nhân vật được xây dựng một cách tự nhiên theo mạch truyện và theo tính cách, ý muốn, động thái của nhân vật. Ở đoạn Võ công, Võ Thể Loan đối thoại với Tử Trực, người trần thuật đã để cho Tử Trực tạo ra diễn ngôn mang tính tác động mạnh mẽ theo quan niệm nhân nghĩa chính thống, khiến “Võ công hổ thẹn trong mình” rồi lâm bệnh nặng mà qua đời, còn mẹ con Võ Thể Loan thì “đóng cửa cư tang trong nhà”. Trong khi đó, ở đoạn Bùi Kiệm, Bùi ông đối thoại với Kiều Nguyệt Nga, người kể chuyện bỏ lửng, không bộc lộ cái nhìn có tính phán xét một cách trực tiếp mà thông qua cái nhìn của Nguyệt Nga.

Đến kết truyện, cái nhìn của người trần thuật thể hiện sự can thiệp, xâm lấn sâu sắc vào tư tưởng đạo lý chính yếu và bao trùm khắp tác phẩm. Mẹ con Võ Thể Loan vì mưu toan lừa dối, định đổ tội cho Võ ông mà bị trừng phạt. Bùi Kiệm thì xấu hổ với hành vi của mình, “ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu” vì “máu dê”. Sự tự vấn lương tâm của Bùi Kiệm, Võ công, sự trừng phạt mẹ con Võ Thể Loan là sự thắng thế của chuẩn mực đạo đức truyền thống. Phần kết của tác phẩm tựa như một phiên tòa tự nhiên của đời sống, để cho các nhân vật gặp gỡ và giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc, tháo gỡ nút thắt còn bỏ lửng của đường dây cốt truyện. Sự trừng phạt do các yếu tố tự nhiên thực hiện, khẳng định đạo lý là thiên đạo, nhân nghĩa của con người là lẽ trời đất, là quy luật tự nhiên. Trao quyền trừng phạt cho tự nhiên, sự hành đạo cho trời đất, vũ trụ, truyện thơ Lục Vân Tiên thể hiện tư tưởng nhân nghĩa tuyệt đối, đồng thời, thêm một lần nữa nhấn mạnh hành vi ứng xử của các nhân vật phản diện/ bị xem là phản diện là hành vi trái với lẽ thường, trái với đạo lý của xã hội và của cả vũ trụ. Theo đó, diễn ngôn của chuẩn mực Nho giáo và đạo đức nhân nghĩa càng được đề cao, tô đậm và củng cố để khẳng định vị trí diễn ngôn trung tâm trong đời sống xã hội giai đoạn hậu kỳ trung đại.

Tuy nhiên, trở lại với những đối thoại về giới trong Lục Vân Tiên mà bài viết đã phân tích, sự hiện diện của những đoạn đối thoại đó đã là một điều thú vị. Thứ nhất, những tiếng nói đa thanh, đa chiều tái hiện sự đa dạng, khác biệt của con người trong xã hội, khiến cho những trang truyện thơ trở nên uyển chuyển, tự nhiên, sống động, mang tính hiện thực. Có lẽ, đây cũng là nguyên do khiến cho truyện thơ Nôm này có sức hút lớn với nhân dân. Thứ hai, tiếng nói biểu lộ xúc cảm riêng tư bên trong của Nguyệt Nga, tiếng nói đi ngược chuẩn tắc thông thường của Thể Loan, Bùi Kiệm là những dấu hiệu cho thấy sự hình thành dần rõ nét của ý thức cá nhân, con người cá nhân trong thời kỳ này, để rồi, đến đầu thế kỷ XX, bừng nở thành một hiện tượng rực rỡ tính nhân bản. Mặc dù ở phần kết truyện, tiếng nói của Thể Loan và Bùi Kiệm bị xoay chuyển theo khuôn mẫu đạo đức của cộng đồng, nhưng ít ra, sự hiện diện khá tự do và tự nhiên của những tiếng nói ấy đã biểu lộ thanh âm, xúc cảm và suy nghĩ của cá nhân.

Đây có thể là một hiện tượng đời sống lúc bấy giờ, khi sự va đập giữa văn hóa phương Đông và phương Tây bắt đầu diễn ra, những ý thức hệ mới được hình thành, trong đó có ý thức hệ về giới. Đồng thời, có thể, không gian văn hóa phóng khoáng, mang tính mở đặc biệt của vùng Nam bộ đã dự phần vào việc hình thành nên tính cách, tâm hồn và cách ứng xử tự nhiên, chân mộc và tự do của các nhân vật. Từ đó, những cuộc đối thoại xuất hiện như những dấu hiệu đến sớm của sự xung đột, nứt vỡ giữa khuynh hướng truyền thống và hiện đại diễn ra sau đó vài thập kỷ. Trong thời đại của Nguyễn Đình Chiểu, cái nhìn của xã hội còn khá đồng thuận trên nền tảng quan niệm đạo đức Nho giáo đã được kiến tạo xuyên suốt ngàn năm phong kiến, vài tiếng nói nghịch chiều lẻ loi của Võ Thể Loan, Bùi Kiệm, Bùi ông dễ dàng bị lấn át bởi âm vang đồng thanh của cộng đồng. Thế nhưng, sự xuất hiện của tiếng nói ấy đã là một điểm sáng thú vị trên văn bản Lục Vân Tiên, để trong thời đại ngày nay, với sự vận động trong quan điểm về giới, độc giả có thể phát hiện, chiêm nghiệm và kiến tạo lại cái nhìn tiếp nhận mới mẻ, khác biệt. Những nhân vật đã từng bị đóng khung trong định kiến sẽ có khả năng được tháo khung khi chúng ta gỡ đi những cái nhìn khép kín có tính mặc định trong tiếp nhận. Giá trị nối dài của một tác phẩm cũng là duyên may của thế giới văn chương và truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, sau gần hai thế kỷ, vẫn đầy sức sống, sức gợi mở cho độc giả đời sau tiếp tục nghĩ suy, tiếp tục rung cảm, vẫn tạo nên những gặp gỡ, những đối thoại cho không gian văn chương lẫn không gian đời sống.

Hồ Khánh Vân
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 32-33

Nguồn: Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, ngày 23.07.2022

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website