"Khi soi ngắm một người phụ nữ trong quá khứ, chúng ta có thể ngẫm nghĩ nhiều điều về nữ giới, từ những điều thuộc về hôm qua, đến những điều thuộc về hôm nay và trong tương lai" - TS. Hồ Khánh Vân.
Nhìn lại quá khứ, có lẽ, chúng ta chỉ thấy một chuỗi gương mặt nam giới đứng trên những cột mốc lịch sử. Phụ nữ hầu như vắng bóng hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua với đôi ba đường nét phác hoạ sơ sài. Những định kiến giới và quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội mang đậm tính nam trị đã khiến người nữ chỉ tồn tại bằng những cái tên, bằng vài mảnh truyện kể dã sử tản mác trong trí nhớ dân gian, chứ hiếm khi được lưu dấu ấn trong chính sử.
Từ Dụ thái hậu: Đời người phụ nữ và góc khuất vương triều.
Với khát vọng bổ khuyết nữ giới vào bức tranh lịch sử, thời gian gần đây, nhiều nhà văn đã kết hợp trí tưởng tượng đầy sáng tạo của mình với truyền thuyết để tạo ra chân dung của những người đàn bà đã tan thành cát bụi. Từ Dụ thái hậu của Trần Thuỳ Mai là một bộ tiểu thuyết lịch sử đầy công phu. Hai tập truyện vừa lôi cuốn người đọc bằng cách khơi gợi sự tò mò về những tình tiết đầy gay cấn trong cung đình nhà Nguyễn, từ chốn hậu cung đến trước ngai vàng, vừa dẫn dắt trái tim và trí tưởng người đọc qua các cung bậc xúc cảm đa dạng về thân phận phụ nữ.
Chuyện chốn hậu cung: hấp dẫn vì cung đấu và ngôn tình
Những năm gần đây, trào lưu tiểu thuyết và phim truyện cung đấu, ngôn tình nổi lên như một hiện tượng trong đời sống văn hoá Việt Nam và các nước châu Á. Bộ truyện Từ Dụ thái hậu cũng lôi cuốn người đọc với những mưu đồ tàn nhẫn đến nghẹt thở; những cuộc giằng co tranh chấp quyền lực, tình yêu và sự gần gũi của đức vua; những toan tính của các phi tần nhằm đưa đứa con trai mình sinh ra lên ngai vàng,…
Hành trình của một kiếp đàn bà chốn cung đình vừa thể hiện một thân phận cá nhân người nữ giữa sóng gió vương triều, vừa tái hiện bức tranh lịch sử thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức – những triều đại nhà Nguyễn vừa rất gần với chúng ta, nhưng cũng khá mơ hồ, xa xôi bởi nhiều câu chuyện của 200 năm trước chưa được kể lại. Tên tuổi của Từ Dụ gắn liền với bệnh viện phụ sản trung ương lớn nhất miền Nam, nhưng chẳng biết có mấy người đến sinh con mà hiểu rõ ngọn ngành công đức lẫn tấm lòng nhân hậu của bà?
Thế giới chốn hậu cung tưởng “êm đềm trướng rủ màn che” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) nhưng thực ra, lại đầy những đớn đau, uẩn khúc, oan tình có thể dội ngược ra tiền sảnh triều đình. Trong cái chết của vua Gia Long có thể chất chứa nỗi đau đớn khi liên tiếp mất đi người vợ đầu từng cùng mình trải bao sóng gió thuở chinh chiến lập nghiệp và người phi mình sủng ái, đầu ấp tay gối cận kề suốt bao năm, dẫu cho nàng từng là hoàng hậu nhà Tây Sơn – kẻ thù của nhà Nguyễn.
Nhà văn Trần Thùy Mai - tác giả quyển sách.
Miên Tông bị phế truất ngôi thái tử cũng chỉ vì yêu mến tình nhi nữ, say mê và quyến luyến ái phi. Hằng bị khép tội phản nghịch, gian dâm, chịu nhục hình đau đớn cũng vì những nước cờ đầy toan tính của thái hậu trong việc sắp đặt ngai vua. Cái bánh gai xứ Bình Định cũng có thể mang tội phản loạn, thang rượu Minh Mạng cũng có thể thay đổi bước đi lịch sử của một vương triều.
Từng trang sách lôi cuốn người đọc không phải bằng binh đao chiến trường, bằng tranh chấp triều chính mà bằng một thế giới đời thường, rất gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt của những người đàn bà: mâm cơm, bát rượu, chiếc bánh, mang thai, sinh nở, nuôi dạy con cái, ái tình… Nhờ vậy, chúng ta thấy lịch sử hiện lên chân thật, mềm mại, sống động và người Việt có thể hiểu hơn, yêu mến hơn một cung đường quá khứ của dân tộc mình.
Phụ nữ đứng ở đâu trong lịch sử?
Sức hấp dẫn của ngòi bút Trần Thuỳ Mai còn nằm ở chỗ vượt lên những motif thông thường của cung đấu và ngôn tình để tái hiện cho chúng ta những hơi thở lịch sử phong phú, đậm phong vị văn hoá Việt Nam. Giữa kịch tính chốn vương triều, các nhân vật không bị đẩy lên thái quá, chỉ biết hận thù và giằng xé nhau, biến thành những con rối trong cuộc tranh giành.
Từ Dụ thái hậu từ khi vào cung đến lúc ngự trên đỉnh cao quyền lực vẫn giữ nếp sống thanh đạm, bình dị với tâm hồn trong trẻo, nhân từ, không bị những đau thương giày xéo làm cho vẩn đục. Thêm nữa, trước bức lụa mềm của lịch sử này, chúng ta sẽ rung động vì tấm chung tình của Thiệu Trị, vị vua không mong cầu thê thiếp mà chỉ muốn sống với người con gái mình yêu từ thuở thiếu thời. Chúng ta sẽ tủm tỉm cười vì mối quyến luyến mẹ của Tự Đức, như mọi đứa con yêu dấu người mẹ quá đỗi anh minh và nhân hậu.
Không như tưởng tượng của chúng ta về các motif cung đấu và ngôn tình vốn bắt đầu trở nên quen thuộc và nhàm chán, lối kể của Trần Thuỳ Mai mang đến một đời sống chân thực, đa thanh, đa sắc, giúp mỗi người hình dung rõ rệt và cũng xúc động một cách rõ rệt trước sự sống đủ đầy vui, buồn, hạnh phúc, đau thương của hoàng tộc triều Nguyễn thời kỳ đầu. Từ Dụ thái hậu khiến lịch sử sống lại, và cũng khiến chúng ta như được sống trong lịch sử, cùng người xưa trải qua bao biến động thời cuộc.
Từ chuyện thái hậu năm xưa đến chuyện nữ giới bây giờ
Gần 900 trang sách đã tạo nên một mảnh ghép thú vị, giàu ý nghĩa trong bức tranh lịch sử Việt Nam. Ngắm nhìn lại câu chuyện của một tiểu thư, một ái phi, một thái hậu cách đây 200 năm, độc giả sẽ càng thấm thía trong những suy tư về phận đàn bà.
Hình tượng Từ Dụ Thái hậu từng được tái hiện qua âm nhạc, phim ảnh. Ca sĩ Như Quỳnh hát 'Cung sầu Gia Thọ' và nghệ sĩ Hồng Đào diễn xuất trong 'Phượng khấu'.
Dẫu là một người nữ vô danh, sống bình dị chốn quê mùa hay là một bà hoàng, ngự trên đỉnh cao quyền lực, người phụ nữ muôn đời vẫn có những ước ao, khao khát thường tình về một hạnh phúc giản dị, yên lành bên chồng con, dưới mái nhà và người phụ nữ muôn đời vẫn phải trải qua những buồn tủi, khổ luỵ của kiếp nữ.
Định kiến của xã hội về vai trò, địa vị của nữ giới; những quan niệm mang tính bất bình đẳng giới vẫn còn kéo dài dai dẳng từ xã hội thời xưa cho đến tận ngày nay. Sự tranh chấp, giằng co, thậm chí gây ra cái chết bi thương của các phi tần để đoạt lấy tình yêu mến, những đêm gần gũi từ đấng quân vương có thể chiếu rọi cho ta thấy sự nối dài tâm thức đa thê của nam giới và các “cuộc chiến” giữa những người đàn bà trên đường phố, trong nhà nghỉ, giữa quán xá để tranh giành người tình ngày nay.
Nỗi đau của những người vợ, của các “tiểu tam”, “trà xanh” (như cách gọi phổ biến trên mạng xã hội) đã được khơi nguồn từ hậu cung các vương triều phong kiến xa xưa. Đến bao giờ, xã hội còn dung túng cho niềm khao khát đa thê của nam giới thì những cuộc “cung đấu” giữa nữ giới vẫn còn tiếp diễn và gây ra bao tổn thương dưới những mái nhà.
Hơn nữa, từ chuyện của thái hậu, ta có thể giật mình nghĩ đến muôn vàn người phụ nữ Việt Nam đã từng tham gia vào triều chính, từng có những tác động đến đời sống của dân tộc và tạo ra ảnh hưởng đến lịch sử nhưng chưa được biết đến một cách cụ thể, tỉ mỉ mà chỉ lướt qua trí nhớ dân gian bằng những cái tên như thái hậu Dương Vân Nga, nguyên phi Ỷ Lan, Từ Thục phu nhân, công chúa Lý Chiêu Hoàng, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Huyền Trân công chúa, Ngọc Vạn công chúa,…
Chúng đa đang nhìn người phụ nữ như thế nào? Sự ghi nhận của chúng ta đã thực sự xứng đáng với những gì họ đóng góp cho lịch sử của dân tộc hay chưa? Và với những người phụ nữ hiện nay, xã hội đã thực sự công bằng với họ? Những định kiến, những rào cản với nữ giới đã được xoá mờ hay chưa? Khi soi ngắm một người phụ nữ trong quá khứ, chúng ta có thể ngẫm nghĩ nhiều điều về nữ giới, từ những điều thuộc về hôm qua, đến những điều thuộc về hôm nay và trong tương lai.
TS. Hồ Khánh Vân
Nguồn: Vietnamnet, ngày 20.10.2021.