K.VH - Vừa qua, Phòng Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Khoa Văn học đã nhận được hơn 600 quyển sách do gia đình cố PGS. TS Lê Tiến Dũng gửi tặng. Số sách dồi dào về lượng và phong phú về chuyên đề, lĩnh vực sẽ là nguồn tài liệu học tập và nghiên cứu quý giá cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của khoa.
Gia đình PGS. TS Lê Tiến Dũng (vợ và con trai, bên phải) và đại diện Khoa Văn học tại buổi tiếp nhận tủ sách
Đây là tủ sách mà thầy Lê Tiến Dũng đã tích lũy trong suốt cuộc đời làm công tác giảng dạy, nghiên cứu của mình, bao gồm nhiều thể loại: tác phẩm văn học, sách khảo cứu về tác giả, sách lý luận, phê bình văn học và nhiều đầu sách nghiên cứu về các giai đoạn văn học khác nhau, từ văn học dân gian, văn học trung đại, văn học cận hiện đại, hiện đại. Toàn bộ số sách này sẽ được Phòng Nghiên cứu Hán Nôm mã hóa, lên danh mục và phân loại để sớm đưa vào phục vụ bạn đọc. Có thể thấy số sách đều là tinh hoa trí tuệ và sự tích cóp dày công trong quá trình nghiên cứu của thầy. Mỗi một quyển sách đều có lời đề từ, chú thích công phu, thể hiện quá trình chiêm nghiệm và suy tư của thầy đối với các vấn đề lý luận- văn học. Nay được trao lại cho Khoa, trở thành nguồn tài liệu cho bạn đọc gần xa, tủ sách này thật sự vừa trưởng dưỡng tri thức, vừa vun bón tâm hồn cho độc giả nghiên cứu văn chương, nhất là bạn đọc say mê với lý luận.
PGS. TS Lê Tiến Dũng
PGS. TS Lê Tiến Dũng (1957 – 2018) là giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM, từng giữ chức vụ Phó Trưởng Khoa trong nhiều năm liền. Thầy sinh ra và lớn lên ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Là một người có niềm đam mê văn chương từ rất sớm, thầy miệt mài say mê với con chữ, đọc, giảng dạy và nghiên cứu trong suốt cuộc đời của mình, ngay cả những năm tháng sức khỏe bị ảnh hưởng vì căn bệnh tai biến mạch máu não. Những công trình nghiên cứu của thầy như: Những cách tân trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945, Nhà phê bình và cái roi ngựa, Nhà văn và phong cách, Tác phẩm và thể loại văn học, Nghĩ về văn chương đất phương Nam,… đã góp phần vào sự phát triển của nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ thập niên 1990. Đặc biệt, cuốn chuyên khảo Những cách tân trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945 được phát triển từ luận án tiến sĩ của thầy là một trong những công trình nghiên cứu về nhà thơ Xuân Diệu có giá trị nổi bật. Bên cạnh đó, thầy còn viết những cuốn sách gắn liền với việc học văn trong nhà trường phổ thông như Giờ văn ngoài lớp, Một lòng với văn nhân. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã trưởng thành nhờ công sức giảng dạy và hướng dẫn khoa học của thầy. Thầy là một người có phong cách giảng dạy và nghiên cứu tài hoa, tinh tế, phóng khoáng và nhạy cảm. Năm 2018, đồng nghiệp và các thế hệ học trò thương tiếc tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng sau khi thầy trải qua lần tai biến thứ tư.
Kiến Nam – Khánh Vân