Từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút ngày 27/3/2017, Khoa Văn học đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: Những đóng góp của Giáo sư Nguyễn Lộc đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam tại Văn phòng Khoa. Giáo sư Nguyễn Lộc (Nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG TP.HCM) vừa là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đã có công phát triển Khoa Ngữ văn và Báo chí, vừa là một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Giáo sư và hướng tới Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG TP.HCM, Khoa Văn học tổ chức chương trình tọa đàm để các giảng viên, các nhà nghiên cứu nhìn nhận đặc trưng và giá trị khoa học của những công trình mà giáo sư Nguyễn Lộc đã thực hiện, đồng thời, trao đổi kinh nghiệm và rút ra bài học hữu ích cho việc giảng dạy và nghiên cứu hiện nay.
Nội dung chương trình tọa đàm được chia thành hai phần. Ở phần thứ nhất, các diễn giả trình bày tham luận về những thành tựu của giáo sư Nguyễn Lộc trong việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam. Mở đầu tọa đàm, với tham luận “GS. Nguyễn Lộc và những đóng góp của ông đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam”, PGS.TS. Đoàn Lê Giang đã khái quát tiểu sử và sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của giáo sư Nguyễn Lộc. Sau đó, tác giả đưa ra những nhận định cụ thể về đóng góp của thầy Nguyễn Lộc đối với việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam qua các công trình trọng tâm như Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 - hết thế kỷ 19 (Nxb. Giáo dục, in năm 1999, đã tái bản đến 9 lần), Từ điển văn học (Nxb. Khoa học xã hội, 1983-1984), Nguyễn Du (Nxb. Đà Nẵng, 1985), Thơ Hồ Xuân Hương (khảo cứu giới thiệu, Nxb. Văn học, 1985)… Đi sâu vào mảng nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều của GS. Nguyễn Lộc, PGS.TS. Nguyễn Công Lý nhấn mạnh những nhận định, khám phá mới mẻ, khác biệt và những đóng góp riêng của nhà nghiên cứu khi đặt trong mối tương quan so sánh với các công trình viết về cùng một chủ đề qua tham luận “Giáo sư Nguyễn Lộc với những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều”. Đan xen những kỷ niệm, những hồi ức đầy xúc động và giàu cảm tính trong quá trình công tác cùng GS. Nguyễn Lộc với những phân tích khoa học, lý tính và logic về nghệ thuật hát bội, PGS.TS. Đào Ngọc Chương đã mang đến cho tọa đàm một tham luận đầy thú vị có tên: ““Những ghi nhận và cảm nhận về công trình Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam của GS. Nguyễn Lộc”. Ngoài ra, tọa đàm còn nhận được tham luận của GS.TS. Trần Nho Thìn (cung cấp một cách chi tiết và sinh động quá trình giảng dạy và nghiên cứu của thầy Nguyễn Lộc), PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (bàn về tập sách Những tiểu luận văn học và những bài viết khác), TS. Phan Mạnh Hùng (Thống kê danh mục bài báo của GS. Nguyễn Lộc)… Từ đó, chân dung của người thầy giảng Kiều hay bậc nhất, của nhà nghiên cứu “đầu tiên khái quát đặc trưng cơ bản của văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX” (GS.TS. Trần Nho Thìn), của “một nhân cách khoa học, một tiếng nói trung thực, thẳng thắn và niềm say mê khám phá cái mới trong mỗi trang văn” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn) hiện lên rột cách đủ đầy, sinh động và sắc nét.
Ở phần thứ hai, các giảng viên, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm trao đổi, thảo luận về thành tựu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo sư Nguyễn Lộc. GS. TS. Huỳnh Như Phương, người học trò và cũng là trợ lý của thầy Nguyễn Lộc trong suốt 20 năm đã kể những câu chuyện đáng nhớ về thầy, đồng thời, chia sẻ với tọa đàm ba bài học quý giá về cách đối nhân xử thế, về phương thức quản lý giáo dục và về phương pháp giảng dạy mà giáo sư Huỳnh Như Phương đã thụ đắc từ người thầy lớn của mình. Tiếp theo đó, PGS.TS. Nguyễn Viết Ngoạn, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, PGS.TS Trần Thị Thuận và PGS.TS Võ Văn Nhơn cũng chia sẻ chân thành những hồi ức, niềm tri ân và lòng kính trọng đối với vị ân sư đã có công dìu dắt mình trên con đường học tập, giảng dạy và nghiên cứu, khẳng định tinh hoa trí tuệ và xúc cảm mà thầy đã truyền lại cho thế hệ được may mắn làm học trò của thầy.
Buổi tọa đàm vừa mang không khí trang trọng, nghiêm túc của khoa học, vừa chứa đựng sự thân mật, chân thành, gần gũi của những người cùng trưởng thành dưới một mái trường. Những bài viết, những lời phát biểu đã tái hiện lại bối cảnh của trường Đại học Tổng hợp và Khoa Ngữ văn những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 gắn với cuộc đời của một người thầy, một nhà nghiên cứu một lòng tận tụy vì sự nghiệp giáo dục và đầy đam mê, miệt mài trên con đường nghiên cứu văn chương. Vì vậy, xa hơn cái đích của mình, tọa đàm đã không chỉ khẳng định những đóng góp của giáo sư Nguyễn Lộc đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam mà còn truyền đạt cho những thế hệ đi sau ý thức về đóng góp của chính bản thân mình trong việc nghiên cứu, giảng dạy để tạo nên giá trị vĩnh cửu của “viên ngọc trong mỗi con người” (dẫn theo PGS.TS Đào Ngọc Chương).
Hồ Khánh Vân