K.VH – Ngày 11/11/2022, hội thảo khoa học “Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu – Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới” đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chương trình hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến từ nhiều đơn vị khác nhau trên cả nước.
Nguyễn Đình Chiểu là tác gia nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và của văn học khu vực Nam bộ nói riêng. Cuộc đời, sự nghiệp văn học của ông đã để lại nhiều ảnh hưởng quan trọng cho quá trình phát triển của văn học Nam bộ, văn học yêu nước chống Pháp và cả sinh hoạt nghệ thuật trong đời sống của nhân dân miền Nam. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh của ông, Khoa Văn học và khoa Lịch sử (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM) phối hợp cùng khoa Ngữ văn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học để ghi nhận những thành tựu trong nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu tại Việt Nam. Đặt Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hiện nay, hội thảo còn hướng tới việc tìm kiếm những hướng đi mới và suy nghĩ sâu xa hơn về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngoài phiên toàn thể, chương trình hội thảo bao gồm hai phiên làm việc với bốn tiểu ban. Các tiểu ban tập trung vào tìm hiểu, nghiên cứu tác gia này qua những vấn đề mới trong tiểu sử và sự nghiệp của ông, qua vấn đề văn bản, qua hoạt động tiếp nhận Nguyễn Đình Chiểu trong đời sống văn học và hoạt động giảng dạy văn học trong nhà trường. Trong đó, hội thảo còn nhận được nhiều tham luận đánh giá, lý giải, phân tích tư tưởng đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu qua các khía cạnh như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Đặc biệt, tham gia hội thảo còn có những tham luận đặt Nguyễn Đình Chiểu dưới những góc nhìn, cách tiếp cận mới hay trong một bối cảnh mới như từ góc nhìn giới tính (TS. Hồ Khánh Vân), từ điều kiện giáo dục, văn hóa chính trị của thế kỷ XXI (TS. Nguyễn Thị Quế Anh), hoặc tìm hiểu việc giảng dạy về tác gia này theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (TS. Lê Đắc Tường, Đinh Thị Thanh Thảo…).
Bên cạnh các phiên làm việc của tiểu ban, hội thảo còn dành không gian cho một triển lãm nho nhỏ tập hợp những bức tranh minh họa tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, tranh thư pháp chép lại những câu thơ kinh điển trong các tác phẩm của ông. Có thể nói, hội thảo đã hoàn thành được nhiệm vụ tổng kết, giới thiệu, nhìn nhận và đánh giá những đóng góp của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử văn học, lịch sử đấu tranh yêu nước, lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Điều đáng quý hơn cả là hội thảo nhận được sự quan tâm của những người yêu mến, kính trọng cụ Đồ Chiểu thông qua hai đầu cầu ở hai miền đất nước. Vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, tiếng thơ và nhân cách sáng ngời của ông vẫn tiếp tục là bài học cho thế hệ sau.
Ngoài hoạt động sinh hoạt học thuật nêu trên, Ban tổ chức hội thảo còn thiết kế thêm một chuyến du khảo văn hóa tại Bến Tre để các học giả, các nhà nghiên cứu từ phương xa có thể tận mắt tham quan những di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Chiểu.
Khánh Vân