Tính nữ (feminine, femininity) và tính nam (masculine, masculinity) là hai khái niệm chủ chốt của phê bình nữ quyền (feminist criticism) và phê bình giới (gender criticism). Về bản chất, hai khái niệm này chứa đựng các yếu tố có nguồn gốc tự nhiên lẫn các yếu tố có nguồn gốc xã hội. Tuy nhiên, giữa môi trường của chế độ gia trưởng, yếu tố tự nhiên cũng bị xã hội hóa, thiết chế hóa theo quy luật nam quyền để phục vụ cho lợi ích của nam giới. Vì vậy, trong lĩnh vực phê bình giới và phê bình nữ quyền, tính nam và tính nữ được khảo cứu như là những sản phẩm của thiết chế văn hóa và thiết chế xã hội, trở thành những khuôn mẫu và chuẩn mực giới tính để con người tuân theo và cũng để định giá con người. Trên các văn bản văn học, tính nam và tính nữ không chỉ biểu lộ cái nhìn về giới của bản thân chủ thể sáng tạo mà còn thể hiện quan niệm của cả xã hội, cả cộng đồng. Với hệ hình thi pháp vừa mang màu sắc của thơ Mới, vừa gắn chặt vào nguồn mạch dân gian, thơ Nguyễn Bính khắc họa yếu tố tính nữ qua cái nhìn của nam giới trên vùng giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Từ cái nhìn khái quát, có thể thấy rằng, so với các nhà thơ Mới cùng thời, Nguyễn Bính là người viết về phụ nữ nhiều hơn cả. Trong khi Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… chủ yếu đào sâu vào cái tôi nam tính với những cảm thức hiện đại thì Nguyễn Bính lại có nhiều thi phẩm hướng đến đối tượng nữ tính như là một đối tượng sáng tạo thường trực. Nhiều bài thơ của thi sĩ, trong đó có những bài được xem là tác phẩm “đinh” và nổi tiếng trong sự nghiệp của ông, xoay quanh đề tài nữ giới (Mưa xuân, Thời trước, Lỡ bước sang ngang, Chân quê, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Viếng hồn trinh nữ, Người hàng xóm, Tết của mẹ tôi, Làm dâu, Xuân tha hương, Lòng nào dám tưởng, Nhớ, Nhớ Oanh, Bước đi bước nữa, Dòng dư lệ…). Khuynh hướng tái hiện người nữ vừa là sự lựa chọn đối tượng sáng tác của Nguyễn Bính, vừa là sự nối dài đặc tính hướng âm của văn học và văn hóa dân gian- từ trường sáng tạo của thi sĩ chân quê. Mẫu tính, âm tính vốn là những thuộc tính văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực (những loại hình tín ngưỡng bản địa) và do đó, văn hóa dân gian, văn học dân gian mang đậm âm hưởng nữ tính, giọng điệu nữ tính. Do vậy, đối tượng nữ tính nằm trong tâm thức sáng tạo (vô thức sáng tạo) của Nguyễn Bính. Tuy nhiên, khác với ca dao dân ca, tính nữ trong thơ Nguyễn Bính là tính nữ được biểu đạt, soi ngắm qua lăng kính của nam giới chứ không phải là tính nữ tự biểu đạt. Thế giới bên trong của nhân vật trữ tình “em” hiện lên qua cái nhìn của chủ thể trữ tình “anh” chứ không phải là tính nữ tự biểu lộ trực tiếp từ cái nhìn của bản thân người nữ. Vì vậy, tính nữ tồn tại như là một khách thể (object). Trong một số bài thơ được viết bằng giọng điệu nữ, chủ thể trữ tình đóng vai nữ thì tính nữ giữ vai chủ thể, nhưng thực ra là giả chủ thể vì đó vẫn là một chủ thể nữ tính đã đi qua quan niệm của nam giới. Do vậy, nhìn chung trong thơ Nguyễn Bính, chủ thể tái hiện vẫn là nam giới và mang đậm nam tính. Tính nữ được mô tả chứ không phải tự mô tả, được tái hiện chứ không phải tự tái hiện, là khách thể (object), cái khác (other) chứ không phải là chủ thể (subject), cái tôi (self).
- 1. Khuynh hướng bảo lưu tính nữ truyền thống theo quan niệm nam quyền
Dù sống trong giai đoạn lịch sử chuyển dịch theo xu hướng hiện đại, Nguyễn Bính lại thiên về truyền thống và gắn liền với văn hóa dân gian. Vì vậy, quan niệm về giới và về tính nữ của thi sĩ cũng mang đậm cái nhìn quen thuộc, cổ điển của dân gian. Bài thơ Chân quê (được sáng tác năm 1936) từ trước đến nay vẫn được tiếp nhận như là một tuyên ngôn thẩm mỹ (tuyên ngôn về thẩm mỹ) hướng đến cái đẹp cổ truyền mộc mạc, chân chất, quen thuộc, gắn kết với đời sống dân dã. Đồng thời, qua đó cho thấy phản ứng khước từ, chối bỏ của Nguyễn Bính trước khuynh hướng đô thị hóa, hiện đại hóa khi nhà thơ phủ nhận sự xuất hiện của các yếu tố bên ngoài, yếu tố tân thời. Nhìn từ góc độ giới tính, bài thơ cho thấy quan niệm của người nam về chuẩn mực thẩm mỹ nữ tính. Ở đây, nam giới là chủ thể; cái nhìn gia trưởng là cái nhìn mang tính quyết định; thị hiếu thẩm mỹ, quan niệm thẩm mỹ, xúc cảm thẩm mỹ và kinh nghiệm thẩm mỹ của nam giới vừa là chuẩn mực, vừa là cứu cánh (“cho vừa lòng anh”). Giọng nam là giọng chủ (hữu thanh, chủ thanh), diễn ra trong hình thức độc thoại chứ không phải là hình thức đối thoại; còn người nữ hoàn toàn mất giọng, không có tiếng nói (vô thanh). Người nam chủ động lựa chọn xu hướng thẩm mỹ và quy định cho người nữ, còn người nữ không có quyền tự do lựa chọn và quyết định như là một chủ thể cho những vấn đề thuộc về thân thể mình, thuộc về giá trị thẩm mỹ của mình. Khi nghiên cứu về tính nam và tính nữ trong tác phẩm của W. Shakespeare, Juliet Dusinberre cũng khẳng định rằng nam giới “dịch chuyển sự thiết lập tính nữ thành đức tin, và những đức tin là để phục vụ cho nam giới”[1]. Mặc dù Nguyễn Bính dùng những từ ngữ thể hiện thái độ cầu khẩn, van xin với giọng điệu tha thiết, ân tình, như một nỗi co kéo gia trưởng dịu dàng: “em làm khổ tôi”, “sợ mất lòng em”, “van em” nhưng cả bài thơ vẫn là một diễn ngôn nam quyền mà trong đó, nam giới lấy mình làm trung tâm, làm thước đo để quy định nữ giới. Đồng thời, cái nhìn nam giới dựa vào những thiết chế văn hóa truyền thống, thiết chế dòng tộc và gia đình như là một triết lý, một chân lý chuẩn mực để thuyết phục và ràng buộc người nữ, từ đó, thuyết phục cả cộng đồng xã hội theo cái nhìn của mình:
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê”
(Chân quê)
Như vậy, dưới góc nhìn của phê bình nữ quyền, bài thơ Chân quê là một diễn ngôn nam quyền, trong đó và những thiết chế văn hóa, xã hội, gia đình gắn liền với quyền lực gia trưởng mặc định các giá trị nữ tính và cản trở sự biến đổi, dịch chuyển của tính nữ từ xu hướng truyền thống sang xu hướng hiện đại. Hơn nữa, theo lý thuyết về quyền lực và diễn ngôn của Foucault, sự phổ biến (sự nổi tiếng) cũng như mức độ ảnh hưởng của bài thơ này cho thấy quyền lực của tác giả với cộng đồng tiếp nhận. Một mặt, cái nhìn về nữ tính của Nguyễn Bính là cái nhìn phổ biến, cái nhìn của đa số nên dễ dàng và mau chóng nhận được sự đồng thuận, đồng điệu từ công chúng. Một mặt khác, diễn ngôn của Nguyễn Bính càng gia cố thêm sức mạnh và sự lan rộng của quyền lực gia trưởng, của quan niệm bảo lưu khuynh hướng truyền thống cho tính nữ, đặc biệt là trong bối cảnh giao thời, bối cảnh hiện đại hóa với những giằng co, xung đột cũ- mới, truyền thống- hiện đại, Đông- Tây ở Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX. Từ đó, qua trường hợp Nguyễn Bính, người đọc có thể nhìn thấy quan niệm, cách đánh giá, nhìn nhận, sự phản ứng và cách thức ứng xử của cộng đồng người Việt trước những biến đổi nữ tính trong sự biến đổi của bối cảnh lịch sử- văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bổ sung thêm quan niệm về giới của Nguyễn Bính bên cạnh quan niệm thẩm mỹ khi thay đổi cách thức tiếp cận văn bản (tiếp cận diễn ngôn).
Bên cạnh đó, trong những bài thơ viết về người nữ, Nguyễn Bính thường lặp đi lặp lại ý niệm về trạng thái trinh nguyên, trong trắng, vẹn nguyên của tính nữ như là một giá trị cốt yếu và bất biến, là một nét đẹp vĩnh cửu: “lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ mẹ già chưa bán chợ làng xa” (Mưa xuân), “Người gái trinh kia đã chết rồi (…), Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi” (Viếng hồn trinh nữ), “Đã thấy xuân về với gió đông/ với trên màu má gái chưa chồng/ bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong” (Xuân về), “Hồn trinh còn ở trần gian/ Nhập vào bướm trắng mà sang bên này” (Cô hàng xóm), “Thuở ấy làm sao thật thái bình/ Trai hiền bạn với gái đồng trinh/ Hồn vẫn trong mà mộng vẫn trinh” (Hoa với rượu), “Đã mấy năm rồi thương mến nhau/ Em còn thơ dại biết chi đâu” (Một trời quan tái), “Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần” (Gái xuân), “Vườn hồng cài nửa then trinh/Tóc tơ nửa mối, chung tình nửa đêm” (Lòng kỹ nữ), “Gái góa qua đò uổng tiết trinh” (Bước đi bước nữa)… Chữ trinh trong thơ Nguyễn Bính có nhiều sắc thái ý nghĩa, vừa chỉ trinh tiết như là một chuẩn mực đạo đức truyền thống trong phạm vi tính dục của người nữ, vừa để chỉ cái nguyên sơ, ban sơ, đầu tiên, nguyên vẹn. Vì vậy, thi sĩ luôn có ý hướng bảo tồn trọn vẹn cái nguyên sơ đó của tính nữ, tạo nên một tính nữ bền vững, không dịch chuyển, không thay đổi: “Ba năm... trở lại đất Hà Đông/ Người cũ: Cô Oanh, má vẫn hồng/ Tóc vẫn bỏ lơi, răng vẫn trắng/ Vẫn ngồi bên cửa liếc qua song” (Trở lại Hà Đông) và khi hình dung về người nữ, thi sĩ vẫn luôn trông đợi vào nét đẹp nữ tính nguyên vẹn: “Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở/ Chị vẫn môi son vẫn má hồng?” (Xuân tha hương), “Lòng em như cái con thoi/ Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành! (Em với anh), “Cô tôi nhạt cả môi hồng/ Cô tôi chết cả tấm lòng ngây thơ/ Đâu còn sống lại trong mơ/ Đâu còn sống lại bên bờ sông yêu?” (Dòng dư lệ). Thơ Nguyễn Bính luôn kéo ngược nữ tính về chiều quá khứ, về cái ban đầu, tạo nên hình tượng người nữ gắn chặt với truyền thống dân gian, với sinh quyển gốc của dân tộc. Khuynh hướng này thực ra nằm trong dòng chảy tâm thức tất yếu và phổ quát của cả nhân loại. Simone de Beauvoir khẳng định xã hội nam quyền xem nữ giới là “những bé gái vĩnh viễn” vì “bị nhốt chặt trong thể xác mình, trong ngôi nhà của mình”[2] còn Betty Fridan chỉ ra tình trạng nữ giới bị truyền “huyết thanh thanh xuân”, giữ cho họ “trong tình trạng ấu trùng giới tính, ngăn họ không đạt đến độ trưởng thành mà họ có thể đạt được”[3]. Trạng thái ấu trùng ấy khiến người nữ vĩnh viễn mang cái thế của kẻ yếu, kẻ bên dưới, kẻ chưa trưởng thành trong vô thức của nhân loại. Dần dần, tình trạng này trở thành thuộc tính và phẩm chất của nữ giới mà nam giới muốn gìn giữ, bảo tồn. Có thể xem, thơ Nguyễn Bính là một trong những viện bảo tàng sống động, đủ đầy của những đặc trưng tính nữ qua đôi mắt truyền thống dân gian.
- 2. Tính nữ gắn liền với giới phận trong không gian gia đình
Điểm đặc biệt của Nguyễn Bính so với các nhà thơ Mới khi tạo dựng hình tượng người nữ là thi sĩ thường hướng đến đối tượng người nữ trong không gian gia đình, rộng hơn chút nữa là không gian làng xã vốn là những không gian quen thuộc, tô đậm tính chất của của người nữ truyền thống, người nữ phổ quát ở Việt Nam chứ không phải là người nữ tài tử, ưu việt, khác thường. Trong mối quan hệ giới tính, người nữ cũng hiện lên bằng những xúc cảm tình yêu hướng đến không gian gia đình hơn là không gian cá nhân và tình yêu thường gắn liền với bổn phận gia đình. Từ đó, hình thành nên những ý niệm về giới phận (bổn phận giới tính) như là đặc trưng của tính nữ trong thơ Nguyễn Bính. Bài thơ Lòng nào dám tưởng biểu hiện một cách rõ ràng, cụ thể khuynh hướng gắn chặt sự tồn tại của người nữ với bổn phận gia đình:
“Mẹ em như bóng nắng về chiều
Sống được bao nhiêu biết bấy nhiêu
Em em còn trẻ người non dạ,
Há nỡ theo anh, nỡ bỏ liều.
Lấy ai nuôi mẹ, dạy em thơ?
Anh có thương em, hãy cố chờ.
Chưa trọn đạo con, tròn nghĩa chị
Lòng nào dám tưởng tới duyên tơ”
(Lòng nào dám tưởng)
Toàn bộ vòng đời của người con gái gắn chặt với không gian gia đình: “Vì chồng tôi phải chạy dâu/ vì chồng tôi phải dầu hao bấc gầy” (Thời trước), Phận là gái vì chồng nuôi bố mẹ/ Nhà thì nghèo nhiều nỗi đáng thương tâm/ Khi dưỡng sinh ăn cám để nhường cơm/ Lúc tống tử lo ma mà cắt tóc/ Lòng thiếu phụ tơ vò chín khúc,
Mồ công cô tay đắp hai ngôi” (Tỳ bà truyện). Ngay cả trong những bài thơ viết về thời điểm vu quy của người con gái, Nguyễn Bính cũng cho thấy sự thay đổi của đời người phụ nữ là một sự thay đổi thụ động và chỉ dịch chuyển từ không gian gia đình này sang không gian gia đình khác. Khi nhân vật người chị sang ngang, điều người chị trao lại cho người em gái là giới phận gia đình: “Cậy em em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” (Lỡ bước sang ngang), khi tiễn biệt nhau, điều người nam nhắn nhủ người nữ cũng là bổn phận tại gia: “Chị giở khăn giầu, anh thắt lại: “Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!” (Những bóng người trên sân ga), “Ở nhà tằm chị cứ chăm/ Dâu chị cứ hái để nhằm lứa sau” (Xây hồ bán nguyệt), lúc nhớ chồng, người thiếu phụ lo âu đến bổn phận làm dâu: “Tương tư cho hết canh gà/ Nằm gan lại sợ việc nhà ai coi/ Rào thương lấp nhớ cho rồi/ Cha già mẹ yếu dám rời đạo con/ Nhớ chi xuân hết hay còn/ Ngày hao gió tỉa đêm mòn mưa pha” (Tì bà truyện). Đặc biệt, hình tượng người mẹ mỗi khi xuất hiện đều biểu lộ mẫu tính điển hình, gắn liền với những tín niệm, tín lý về lòng hy sinh, sự nhẫn nại, tình yêu thương bảo bọc, chở che vốn đã in sâu vào mạch văn bản tâm thức văn hóa bề sâu (deep cultural mindset) của dân tộc: “Mẹ tôi tóc bạc da mồi/ Thắt lưng buộc bụng một đời nuôi con” (Lại đi), “Tết đến me tôi vất vả nhiều/ Me tôi lo liệu đủ trăm chiều (…) Xong ba ngày tết me tôi lại/ Đầu tắt, mặt tối, nuôi chồng con/ Rồi một đôi khi người giã gạo/ Chuyện trò kể lại tuổi chân son” (Tết của me tôi)…
Thơ Nguyễn Bính ít có khoảng không cho không gian cá nhân người nữ, tình yêu đôi lứa gắn liền với ý niệm về gia đình, gia đạo. Nhân vật nữ thường được đặt trong tình huống “đi lấy chồng”, “sang sông”, “sang ngang”, “bước chân về đến nhà chồng”…, bị trói buộc trong cuộc hôn nhân do người khác định đoạt sẵn hơn là trong trạng thái của tình yêu tự do. Vì vậy, cảm thức bi thương về thân phận người nữ bị phụ thuộc vào hoàn cảnh sống không do mình tự do lựa chọn cứ trở đi trở lại và bao phủ suốt mọi kiếp đàn bà: “Thuở trước giai nhân buồn phận mỏng/ Kiếp này thiếu phụ oán giời xa/ Đôi tay Tô Thị đầy chua xót/ Gối bọc, chăn lồng oán nguyệt hoa” (Vô đề), “Bao nhiêu đau khổ của trần gian, trời đã giành riêng để tặng nàng”. Ở những bài thơ tác giả sử dụng hình tượng chủ thể trữ tình đóng vai nữ, mang giọng nữ (Lỡ bước sang ngang, Lòng nào dám tưởng, Bóng bướm, Mười hai bến nước, Tạ từ, Nhớ, Bước đi bước nữa, Lòng mẹ…), những câu thơ như sự nối dài cảm thức than thân như là một thi pháp cảm hứng của văn học dân gian Việt Nam mà ở đó, người nữ nhận thức được hoàn cảnh bị áp chế của mình, nhưng không vượt thoát khỏi hoàn cảnh, không đi đến động thái nổi loạn. Tâm thức chấp nhận số phận như một định mệnh bất biến, gắn kết sự tồn tại của mình với không gian gia đình và bổn phận “tề gia” trở thành đặc trưng tính nữ trong thơ Nguyễn Bính. Cũng có khi thi sĩ khắc họa người nữ có hành vi và cảm xúc lệch chuẩn, nhưng chỉ là trạng thái nhất thời, tạm thời và không đi đến tận cùng, không phá vỡ triệt để cái khung lề thói đạo đức, văn hóa, xã hội cũ (Lỡ bước sang ngang, Mười hai bến nước, Bước đi bước nữa). Đó là những cuộc nổi loạn thất bại, nhân vật nổi loạn với trạng thái vừa thăng hoa, vừa e ấp, rụt rè, lo sợ và cuối cùng là chấm dứt khát vọng vượt thoát hoàn cảnh, đè nén những mong muốn cá nhân để sống theo quy phạm của cộng đồng, như lời người đàn bà góa một đời sống theo phẩm hạnh của số đông và đến khi phản bội lại những tín niệm dân gian thì người đàn bà tự biết chấp nhận tình trạng bị chối bỏ, bị phủ định: “Vả chăng thiên hạ nào riêng mẹ/ Gái góa qua đò uổng tiết trinh (…) Mai mốt… con ơi! mẹ lấy chồng/ Chúng con coi mẹ có như không” (Bước đi bước nữa). Đồng thời, người nữ nổi loạn cũng là những trường hợp cá biệt, hiếm hoi trong thơ Nguyễn Bính. Từ đấy, cái khung lồng của quyền lực và thiết chế gia trưởng, những nguyên tắc chung của cộng đồng càng trở nên có sức nặng và càng thít chặt người phụ nữ vào từ trường kiềm tỏa mạnh mẽ của nó.
- 3. Từ tính nữ thụ động và vô thanh đến cảm thức về cái đẹp
Motif về mối tương tác giới thường xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính là cặp đôi nhân vật trữ tình “anh- em” tương ứng với động thái “ra đi- ở lại”. Nam giới luôn là chủ thể nắm giữ trạng thái động, chủ động, thay đổi, dịch chuyển, gắn với khái niệm “giang hồ” còn nữ giới thì ở trạng thái tĩnh, bị động, giữ nguyên, bất di bất dịch, gắn liền với khái niệm “khuê phụ”. Do đó, những ẩn dụ quen thuộc thường xuất hiện trong ca dao dân ca trở đi trở lại đậm đặc trong thơ Nguyễn Bính: thuyền- bến, con đò- cây đa, bến nước… để biểu đạt sự nghịch chiều trong động hướng và trạng thái đời sống của hai giới. Người phụ nữ luôn gắn liền với những từ “về”, “trở về”, “ở lại”, “chờ đợi”: “Có lẽ ngày mai đò ngược sớm/ Thôi nàng ở lại để... quên tôi” (Thôi nàng ở lại), “Thiếp về Ải Bắc giăng đơn chiếc/ Chàng ở vườn Nam gió bạt ngàn/ Kẻ về người ở sầu như bể/ Ai chắp cho nhau chữ đoạn tràng” (Tạ từ), “Anh bốn mùa hoa em một bề/ Anh muôn quán trọ, em thâm khuê/ May còn hơn được ai sương phụ/ Là nhớ người đi có thể về” (Nhớ), “Anh đi sương gió vật vờ/ Em về chọn kén chuốt tơ chăn tằm” (Áo anh), “Em đi dang dở đời sương gió/ Chị ở vuông tròn phận lãnh cung” (Xuân tha hương), “Chờ mong như suốt đêm qua/ Chàng ơi! một tháng là ba mươi ngày…” (Chờ mong), “Nhưng rồi người khách tình xuân ấy/ Đi biệt không về với bến sông/ Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi/ Mấy lần cô lái mỏi mòn trông (Cô lái đò), “Rồi đêm kia, lệ ròng ròng/ Tiễn đưa người ấy sang sông chị về/ Tháng ngày qua cửa buồn the/ Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa” (Lỡ bước sang ngang), “Tôi đi mãi mãi vào sơn cước/ Em vuốt tua rèm cửa vọng lâu” (Một trời quan tái), “Miền Nam em đứng trông chồng/ Đầu sông ngọn sóng một lòng đinh ninh” (Đôi mắt), “Cầm tay, anh khẽ nói:/- Khóc lóc mà làm chi?/ Hôn nhau một lần cuối/ Em về đi, anh đi…” (Hôn nhau lần cuối).. Sự khác biệt, đối nghịch giữa hai nhân vật anh và em định hình và biểu đạt đặc trưng tính nữ và tính nam trong thơ Nguyễn Bính, từ đó, cho thấy khoảng cách giới (gender space, gender gap) trong hệ nhị đối (binary opposition; dualism). Điều thú vị là Nguyễn Bính không đặt sự ngược hướng giữa hai giới trên thang bậc giới tính (gender hierarchy) để phân định giới thượng đẳng và giới hạ đẳng, không nhấn mạnh đến sự đối lập như là trạng thái bất bình đẳng giới mà tái tạo niềm bi cảm ở cả hai giới (nỗi phiêu bạt lãng tử, bất định của người nam và nỗi chờ đợi vô định của người nữ; sự chủ động, rộng mở ở người nam và sự thụ động, kín đáo, đóng khép ở người nữ): “Tình tôi mở giữa mùa thu/ Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm” (Đêm cuối cùng), “Lòng em như quán bán hàng/ Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi/ Lòng anh như mảng bè trôi/ Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều/ Lòng anh như biển sóng cồn/ Chứa muôn con nước nghìn con sông dài/ Lòng em như thể lá khoai/ Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu” (Anh với em).
Trạng thái tĩnh của người nữ trở thành thuộc tính, thành bản chất, thành sự mặc định mang tính cố hữu trong cái nhìn của nam giới về nữ tính. Hơn nữa, đó là trạng thái duy nhất và tất yếu của người nữ. Vì vậy, khi xê dịch, nhân vật trữ tình tôi muốn người nữ vượt thoát khỏi trạng thái chờ đợi thụ động, nhưng đồng thời, thông qua đó, câu thơ cũng cho thấy cái nhìn, sự phỏng đoán mang tính mặc định của người nam về nữ tính, nghĩa là, trạng thái chờ đợi thụ động như là cái hiển nhiên: “Tôi xin em chớ đợi chờ/ Tôi còn theo đuổi giấc mơ khôn cùng” (Vì em), là chiều hướng phát triển tất yếu: “Hỡi cô con gái hái mơ già/ Cô chửa về ư? Đường thì xa” (Cô hái mơ).
Gắn liền với trạng thái tĩnh, thụ động là trạng thái lặng, vô thanh. Người nữ thường xuất hiện qua cái nhìn, qua tiếng nói, qua giọng của người nam nên không có tiếng nói tự thân, ngay cả trong những bài thơ người nữ đóng vai chủ thể trữ tình thì chủ yếu cũng chỉ bộc lộ giọng than thân mang đậm tính truyền thống chứ không tạo ra tiếng nói riêng biệt, cá biệt, phá cách, vượt qua những quy chuẩn xã hội. Vô ngôn, thầm lặng là trạng thái thường trực, xuất hiện lặp đi lặp lại: “Anh ơi! Em nhớ, em không nói/ Nhớ cứ đầy lên, cứ rối lên” (Nhớ), “Xử nữ đôi cô buồn tựa cửa/ Nghe mùa gió lạnh cắn môi tơ” (Bắt gặp mùa thu), “Chả bao giờ thấy nàng cười/ Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên/ Mắt nàng đăm đắm trông lên/ Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!” (Cô hàng xóm), “Chị tôi im lặng đợi chờ” (Lại đi), “Nàng như chờ đợi, như mong ngóng/ Ở mãi đâu đâu một sự gì.../ Nhưng chẳng bao giờ đưa đến cả/ Tiếng chân ngựa dẵm, lặng im nghe!” (Đôi nhạn), “Buồng the sầu sớm thương chiều/ Khóc thầm biết có bao nhiêu lệ rồi” (Dòng dư lệ). Người nữ khước từ vị trí trung tâm, biểu đạt nét duyên thầm kín ý nhị, nhưng một mặt khác, cũng cho thấy một người nữ giấu kín “cái tôi”, tự che đậy mình, xóa bỏ mình khỏi tâm điểm cộng đồng và bảo lưu vị trí ngoại vi: “Làng bên vào đám, tối nay chèo/ Nàng thấy bà đi, tất tưởi theo/ Tằm tơ kéo được đôi khuyên bạc/ Giấu diếm nay nàng mới dám đeo/ Nàng đẹp mà nàng lại có duyên/ Trai thôn thầm liếc, liếc thầm khen/ Thấy họ nhìn mình, nàng hóa thẹn/ Níu bà về để... tháo đôi khuyên” (Đôi khuyên bạc).
Khi người nữ phá vỡ cái cấm kỵ (taboo), vốn là động thái hiếm hoi trong thơ Nguyễn Bính, thì họ cũng biểu lộ thái độ rụt rè, e ngại, lo lắng và sợ hãi trước sức mạnh cộng đồng. Do đó, người thiếu phụ lỡ bước sang ngang chỉ dùng tiếng nói nhỏ, nói thì thầm, riêng tư, bí mật và thầm kín để thuật lại cuộc vượt rào của mình: “Rồi... rồi chị nói sao đây?/ Em ơi! nói nhỏ câu này với em.../ Thế rồi máu trở về tim/ Duyên làm lành chị duyên tìm về môi/ Chị nay lòng ấm lại rồi/ Mối tình chết đã có người hồi sinh/ Chị từ dan díu với tình/ Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng” (Lỡ bước sang ngang). Và cuộc nổi loạn hiếm hoi đó nhanh chóng rơi vào trạng thái thất bại, một mặt, do những ràng buộc khắt khe của định kiến và lề luật xã hội, một mặt khác, cũng do chính bản thân người nữ bị điều kiện hóa và chấp nhận hoàn cảnh bị ức chế, bị đè nén như một sự tất yếu: “Nhưng yêu chỉ để mà yêu/ Chị còn dám ước một điều gì hơn/ Một lầm hai lỡ keo sơn/ Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung/ Rồi đêm kia lệ ròng ròng/ Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về” (Lỡ bước sang ngang). Vì vậy, ở những bài thơ viết bằng giọng nữ, Nguyễn Bính vẫn để người nữ nói bằng cái nhìn của nam giới, của cả cộng đồng nên những tiếng nói “vượt rào” phải giữ âm lượng, thái độ, tư thế của tiếng nói thì thầm, tiếng nói bị cấm đoán.
Đồng thời, trạng thái thụ động và vô thanh trở thành biểu hiện đặc tính thẩm mỹ của tính nữ, được mỹ cảm hóa thành chuẩn mực của cái đẹp trong cái nhìn của nam giới và cộng đồng. Đôi mắt người nam nhìn thấy và cảm nhận vẻ đẹp nữ tính từ những đường nét mơ hồ, xa vắng, im ắng, tịch lặng chứa đầy màu sắc bi ai của cái bóng dáng “Mình em lầm lụi trên đường về” (Mưa xuân). Những đặc tính đó trở thành thi pháp về cái đẹp, điển phạm về cái đẹp nữ tính trong thơ Nguyễn Bính. Mỹ cảm và bi cảm gắn liền với nhau, nét đẹp của người nữ là nét đẹp của cái yếu ớt, mong manh, mơ hồ, dễ phai tàn và tan biến: “Cô hái mơ ơi!/ Chẳng trả lời nhau lấy một lời/ Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” (Cô hái mơ). Trạng thái tồn tại trong tính chất của cái bóng là điều khiến các thi sĩ nam giới rung cảm và tái hiện lên trang thơ như một khuynh hướng thường trực của người nữ, điển hình là hình tượng Ngũ nương, khi bị người nam ruồng bỏ, trở thành cái bóng và hoàn toàn mất tích, tan biến với cõi người: “Nàng đi trong bóng chiều mờ/ Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga/ Nàng đi với chiếc tỳ bà/ Nước non thôi hết ai là tri âm/ Nàng đi từng bước âm thầm/ Đầu xanh tóc ngắn áo chàm màu tang/ Nàng đi hạc nội mây ngàn/ Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi (…) Từ khi lạc với cây đàn/ Chẳng ai còn thấy bóng nàng Ngũ nương” (Tỳ bà truyện). Xúc cảm của nam thi sĩ dừng lại ở niềm đồng điệu và thương xót, nhưng không hối thúc nhân vật nổi loạn, kháng cự, đập phá mà ngược lại, lựa chọn cách thế của cái vô ngôn, vô ảnh, từ đấy, vừa hình thành nên cái đẹp mỏng manh của nữ giới, vừa khắc sâu bi cảm về người nữ vô nghĩa, vô giá trị trong xã hội.
- 4. Kết luận
Như vậy, từ sự đọc lại yếu tố tính nữ trong thơ Nguyễn Bính, chúng ta có thể chấp nhận việc mở rộng tiếp nhận sáng tác của các nhà văn nam từ góc nhìn của phê bình nữ quyền, phê bình giới bởi lẽ gần như bất kỳ văn bản nào cũng chứa đựng yếu tố giới tính. Vì thế, phê bình nữ quyền không cần phải khước từ các văn bản nam giới như chủ trương của một số nhà phê bình theo trường phái này mà hướng đến những văn bản đó như một đối tượng trung tâm bên cạnh các văn bản do nữ giới sáng tác để khảo cứu và xác lập hai hệ hình thi pháp, hệ hình diễn ngôn và hệ hình thẩm mỹ mang đặc trưng giới tính riêng biệt.
Thêm vào đó, người đọc sẽ nhìn thấy và thấu hiểu môi trường nam quyền (môi trường gia trưởng) thực sự là môi trường phổ quát và trong suốt, chi phối toàn bộ đời sống của con người và trở thành những mạch ngầm văn hóa tâm thức (cultural mindset) quy định mọi quan niệm, cảm xúc, hành vi, ứng xử… mà con người chấp nhận như là cái tất yếu, cái hiển nhiên. Từ đấy, văn bản của nam giới (nhất là những văn bản tác phẩm thuộc giai đoạn văn học truyền thống, văn học tiền hậu hiện đại) biểu hiện rõ nét toàn bộ môi trường nam quyền phi phản tư. Thơ Nguyễn Bính là một trường hợp điển hình cho việc người nam đặt người nữ lọt thỏm vào môi trường nam quyền của mình, quy chiếu người nữ bằng cái nhìn của mình mà hoàn toàn không có sự phản tỉnh. Bài Ghen và Giối giăng biểu đạt quyền lực gia trưởng tuyệt đối với mong muốn sở hữu và kiểm soát người nữ (luôn hiện lên trong tư thế là tầm vóc của con người nhỏ bé, nằm trong phạm vi của nam giới): “Cô nhân tình bé của tôi ơi!/ Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười/ Những lúc có tôi và mắt chỉ.../ Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi” (Ghen); đặt người nữ vào những khuôn phép của lề lối gia phong và xã hội nam quyền, cột chặt họ vào bổn phận của người vợ, người mẹ, bổn phận với cộng đồng chứ không quan tâm đến con người cá nhân của người nữ: “Liệu tôi không sống đến ngày mai/ Mợ có thương tôi lấy một vài/ Ở lại nuôi con khôn lớn đã/ Ôm cầm tôi dám tiếc thuyền ai! Mợ còn trẻ lắm mới hai mươi/ Ở vậy sao cho trót một đời? Tang tóc ba năm cho phải phép/ Miễn sao thiên hạ khỏi chê cười../ Để con ở lại, chọn ai người/ Phải lứa vừa đôi mợ sánh đôi/ Con mợ con tôi, tôi chả muốn/ Vào làm con cái của nhà ai” (Giối giăng). Môi trường nam quyền là môi trường tự nhiên, tất yếu, môi trường định sẵn đến mức con người hoàn toàn mất đi ý thức về nó, mất đi cảm giác về nó và hoạt động theo những định luật do môi trường đó đặt ra mà không nghi vấn, không tạo ra những phản đề. Mở đầu quyển Sự thống trị của nam giới, Pierre Bourdieu cũng đã viết: “Là nam hay là nữ, do bao hàm trong đối tượng mà chúng ta đang cố nắm bắt, nên chúng ta đã hội nhập vào cơ thể (incorporer) các cấu trúc lịch sử và trật tự nam giới, dưới hình thái những dạng thức tri giác và đánh giá vô thức”[4]. Nhìn như vậy không có nghĩa là phê phán, lên án các văn bản nam giới thiếu tính nữ quyền, mà để nhận thức rằng những văn bản đó đậm đặc tính nam quyền. Đó là đặc điểm, chứ không phải là giới hạn (dù so với tư tưởng nữ quyền, đó là sự giới hạn về ý thức bình đẳng giới). Nam quyền là môi sinh, là khí quyển của các văn bản truyền thống và việc khảo sát các văn bản của những nhà văn nam sẽ cho thấy ý thức nằm trong khung hay nằm vượt khung văn hóa cộng đồng của các nhà văn. Thêm vào đó, khi đặt trong mối quan hệ với các văn bản chứa đựng ý thức nữ quyền, người đọc sẽ thấy sự khác biệt giữa cái nhìn nam giới (male gaze) và nữ giới (female gaze) về các vấn đề trong đời sống, trong xã hội, đặc biệt là các vấn đề về giới, từ đấy, dẫn đến sự khác biệt về lối viết. Đồng thời, chúng ta cũng hiểu cách thức kiến tạo các yếu tố giới tính trong văn bản truyền thống và cách thức giải kiến tạo các yếu tố giới tính trong văn bản mang ý thức nữ quyền và cảm thức hậu hiện đại. Trong trường hợp Nguyễn Bính, các văn bản thể hiện việc kiến tạo tính nữ theo những giá trị dân gian truyền thống quen thuộc và cố kết, đồng thời, biểu đạt một cách rõ rệt khuynh hướng lưu giữ, bảo tồn những cấu trúc cố định đó của thi sĩ. Thơ của Nguyễn Bính vì vậy biểu trưng cho văn hóa dân gian, cho tâm thức cộng đồng, gắn chặt với truyền thống Á Đông, mang lại không khí quen thuộc về những cái gắn bó bền bỉ, những cái từ trong gốc rễ cội nguồn của người Việt Nam.
Ngoài ra, đọc lại văn bản Nguyễn Bính từ phương diện giới tính, chúng ta thấy một cách sâu sắc sự tác động của quan niệm về con người đến việc lựa chọn thi liệu và thi pháp sáng tác. Ở đây không phải chỉ có một chiều đơn giản đi từ việc Nguyễn Bính chịu ảnh hưởng của văn học và văn hóa dân gian nên đã sử dụng các chất liệu, hình ảnh dân gian để tái hiện con người (chẳng hạn như dùng hình tượng cây đa, bến nước để tái hiện người phụ nữ chờ đợi thụ động). Mà song song với điều đó, có một chiều tương tác khác là chính cái nhìn, quan niệm về con người (cụ thể là quan niệm về người nữ với những đặc trưng tính nữ truyền thống như là một biểu hiện của tâm thức về giới, quan niệm về giới) đã khiến ngòi bút của Nguyễn Bính tự động tái tạo những thi liệu dân gian để biểu đạt cái nhìn của thi sĩ (cái nhìn về nữ tính thụ động và vô thanh đã đưa đến nguồn mạch của hệ hình thi pháp dân gian). Tâm thức văn hóa, tâm thức giới vừa được ý thức, vừa phi ý thức, vừa được kiến tạo, vừa phi kiến tạo vì đã được cài đặt sẵn (setting), trở thành vô thức tập thể trong cái nhìn của các nhà văn nam và của cả xã hội. Do đó, những biểu tượng dân gian, biểu tượng tập thể cũng nằm trong vô thức, có nguồn gốc từ trong vô thức và được gọi dậy trên văn bản để biểu đạt cái nhìn gắn liền với quan niệm của dân gian về con người. Tính dân gian trong thơ Nguyễn Bính không chỉ biểu hiện về mặt thi liệu, thủ pháp mà còn biểu hiện trong quan niệm về người nữ, về giới.
Cuối cùng, những đặc trưng nữ tính được hình thành qua sự nhìn nhận của nam giới dần trở thành những ý niệm thẩm mỹ về người nữ. Thông thường, đây là một lộ trình chuẩn hóa các giá trị của nữ giới trong xã hội nam quyền (tiêu biểu như hình ảnh chiếc eo thon ở cả xã hội phương Đông và phương Tây, hai bàn chân bị bó thành hình hoa sen ở xã hội Trung Quốc hoặc những danh hiệu “phụ nữ hai đảm đang”, “nội tướng”, “vợ hiền, dâu thảo”, “vợ tốt, mẹ khôn” (good wife, wise mother) ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và cả phương Tây…). Người nữ không được tự do kiến tạo cũng như tự do lựa chọn những xu hướng và giá trị thẩm mỹ của bản thân. Hơn nữa, khi đã trở thành các gía trị thẩm mỹ, biểu trưng cho cái đẹp và gắn liền với cảm xúc mang tính tích cực của con người, những cái khung ý niệm này trở nên ổn định, bền vững, kiên cố, thâm nhập sâu vào tâm thức cộng đồng. Và vì vậy, những đặc trưng nữ tính gắn chặt với cảm quan thẩm mỹ khó dịch chuyển, thay đổi và vận động ra ngoài đường biên của khuôn thước chuẩn mực. Nguyễn Bính nhìn người nữ truyền thống, dân dã, mộc mạc; người nữ thụ động, im lặng, sầu bi, yếu ớt và mong manh trên những tầng bậc xúc cảm thẩm mỹ và khước từ người nữ hiện đại hóa, đô thị hóa; phủ nhận người nữ mạnh mẽ chủ động vượt thoát hoàn cảnh bế tắc vì sự thất bại của hành vi nổi loạn là điều tất yếu và từ đó, người nữ càng bị đóng khung trong không gian gia đình, gắn chặt với bổn phận tề gia.
Khi phân tích tác phẩm tự truyện Yêu và Sống của Lê Vân theo quan điểm nữ quyền, John C. Schafer (giáo sư, nhà nghiên cứu người Mỹ có những công trình khảo cứu về các hiện tượng âm nhạc, văn học của Việt Nam thời hiện đại) cũng khẳng định một quy luật phổ quát rằng: “Ở mọi đất nước, ý thức về giới nam và nữ- những ý niệm về giới- được tạo nên bởi những hình ảnh, thành ngữ, những câu chuyện, huyền thoại, thơ ca và cả đức tin nữa. Những điều này, tôi sẽ gọi là ‘văn bản’ (texts), được dùng để diễn đạt lối hành xử hợp lệ cho cả nam lẫn nữ [5]. Với cái nhìn về tính nữ mang tính tương hợp và kế thừa cái nhìn dân gian truyền thống, Nguyễn Bính đã nối dài mạch văn bản tâm thức văn hóa chiều sâu vào thời hiện đại, đồng thời, tựa vào đó để phản ứng lại với khuynh hướng đô thị hóa, hiện đại hóa. Quan điểm về giới như là một bộ phận trong quan niệm về con người, về thế giới đã dự phần vào việc hình thành nên thi pháp sáng tác đặc trưng của thi sĩ chân quê.
Nguồn : Viện Văn học – Đại học Văn Lang (2018), Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, TP. Hồ Chí Minh, tr. 31 – 45.
Ảnh: ThS. Hồ Khánh Vân (người thứ 5 từ phải sang)
* ThS. - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM.
[1] Juliet Dusinberre (2003), Shakespeare and the Nature of Women, Palgrave Macmillan, USA, trang 202.
[2] Simone de Beauvoir (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch) (1996), Giới nữ, NXB. Phụ nữ, Hà Nội, trang 247 và 248.
[3] Betty Friedan (Nguyễn Vân Hà dịch) (2015), Bí ẩn nữ tính, Đại học Hoa Sen và NXB. Hồng Đức, Tp.HCM, trang 111.
[4] Pierre Bourdieu (Lê Hồng Sâm dịch) (2010), Sự thống trị của nam giới, NXB. Trí thức, Hà Nội, trang 1.
[5] John Schafer (Cao Thị Như Quỳnh và Trương Quý dịch) (2015), Đọc Phạm Duy và Lê Vân- Tư duy về nam và nữ giới, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, trang 107.