Thăng Long trong thơ xưa

Nhiều người đều nghĩ rằng hiếm thấy nơi đâu trên đất nước Việt Nam lại có vị thế đẹp và thuận lợi như đất Thăng Long - Hà Nội. Đây là nơi truyền thuyết kể rằng có rồng bay lên, là nơi tụ thủy, tụ nhân. Các bậc tiền nhân xây dựng kinh đô nơi đây với mong ước muôn đời non nước phồn vinh phát triển theo thế rồng bay lên. Và quả thật trời đất đã ban tặng cho vùng đất này bao nhiều là tiềm năng phát triển về mọi mặt, điều này đã được chứng minh qua 10 thế kỷ trung đại, cả cho đến ngày nay. Dù có thể không sinh ra trên vùng đất đế kinh này nhưng đã là người Việt Nam ai cũng cảm nhận được một huyền thoại lung linh về Hồ Gươm - Tháp Rùa, về nơi thanh tịnh trang nghiêm của Chùa Một Cột, về chốn lưu giữ tri thức thời đại đầy tự hào của Văn miếu - Quốc Tử Giám, về đài Nghiên, tháp Bút mạnh mẽ vươn mình lên tận trời xanh … Và một điều gì đó hết sức gần gụi thân quen, đó có thể là hình ảnh dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, là con đường nồng nàn mùi hoa sữa, là những dòng sóng lan nhẹ trên mặt hồ, là mùa thu chìm khuất trên những táng cây già buông nhè nhẹ từng chiếc lá, là mùa đông trên đôi má ửng hồng của các cô gái thị thành…nói chung là những gì rất thủ đô, của thủ đô.

 

       Thơ ca xưa từng cảm nhận được nét đẹp của văn hóa Tràng An: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An (ca dao). Người Thăng Long xưa luôn tự hào mình là người “Kẻ Chợ”, đó là những người từ khắp nơi khắp chốn đến với kinh đô, là dân tứ trấn. Người Thăng Long vốn tài hoa khéo léo, ham học hỏi, giàu tính nhân văn…luôn để lại ấn tượng tốt cho mọi người. Con trai hào hoa, lịch lãm, con gái nổi tiếng dịu dàng, thùy mị, nết na, công-dung-ngôn-hạnh. Không chỉ những người sống ở đất thủ đô mới có những tình cảm sâu sắc với đất thủ đô mà tất cả những ai đã từng đặt chân đến chốn này, những ai đã từng nghe qua về lịch sử, về những điểm rất riêng của đất và người Tràng An đều trân trọng những nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

     Từ một thời đã qua, đã xa, kinh thành Thăng Long vẫn là nơi hoài vọng của bao người. Những địa danh gắn với lịch sử như Chương Dương, Hàm Tử (trong thơ Trần Quang Khải, Trần Lâu, Vũ Mộng Nguyên, Phạm Công Trứ, Ninh Tốn …) vẫn còn đó minh chứng những chiến tích lừng lẫy của một thời huy hoàng. Kiếm hồ, Tây hồ, đền Ngọc Sơn, đền Trấn Vũ, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên, chùa Diên Hựu….là những thắng cảnh muôn đời. Đi xa là nhớ, đổi thay là đau xót, tàn phai là đắng lòng…Những điều đó đã đi vào thơ với tất cả niềm tự hào. Hầu như Thăng Long có bao nhiêu cảnh đẹp là đều  được đưa hết vào thơ:

Đây là vẻ đẹp của hồ Hoàn Kiếm:

Hoa nở sắc xuân như vui mừng vì nhiều phen chiến thắng

Sương rớt tiếng thu dường nỉ non tiếng khóc giặc tù

Trải qua bể dâu, hồ vẫn y nguyên

Oai trời còn vẽ bức tranh mây nước

                                            (Kiếm hồ xạ đẩu - Đoàn Nguyễn Tuấn)

        Hồ Hoàn Kiếm cùng với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Lợi không một người dân từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau nào mà không biết. Lịch sử hào hùng sử gắn với câu chuyện đẹp đã trở thành một điểm son của dân tộc. Bất cứ một học sinh cấp một nào cũng thuộc nằm lòng câu chuyện này.

       Không chỉ gắn với lịch sử mà cảnh đẹp lung linh huyền ảo của hồ cũng đã tạo nên một cảm giác thanh tịnh yên bình

Khói sớm nhạt, bóng chiều lành lạnh

Chim âu đến thế khéo đua bơi

                                             (Kiếm hồ 4 - Phạm Quý Thích)

       Hồ Tây cũng là một cảnh đẹp tự ngàn xưa của Thăng Long. Nếu như Hồ Gươm có Tháp Rùa ẩn chứa bao điều kỳ diệu, có cầu Thê Húc cong cong dưới bóng chiều thì Hồ Tây chỉ có mặt hồ gợn sóng, bóng liễu ngả nghiêng gợi tình

Lòng xuân nghiêng ngả không tự cầm giữ nổi

Tây hồ quả thật là một nàng Tây Thi

Vẻ mày nở nang là khi lớp sóng mới lặng

Dây lưng uốn éo là lúc ngọn cỏ đương xanh

                                              (Du Tây hồ - Cao Bá Quát)

Chàng thi sĩ họ Cao quả đã vẫy nên nét bút thần kỳ để biến gương mặt hồ thành gương mặt của người đẹp Tây Thi và với nhan sắc ấy thì không có “lòng xuân” nào có thể tự cầm giữ nổi. Đến ông chúa Trịnh Sâm cũng xiêu lòng trước cảnh trời nước bâng khuâng

Đôi đóa nhị hồng in dáng tía

Một dòng nước biếc ánh trời xanh

                                    (Tây hồ tức cảnh -Trịnh Sâm)

Nguyễn Văn Siêu thì kết hợp với thời gian dời đổi để thấy sự tồn tại đời đời của non sông, của thành trì, của trời nước

Cổ kim đã biến đổi như thế

Non sông có biết không

Những thành trì còn đó rành rành

Trời nước vẫn tự lững lờ

                                   (Du Tây hồ - Nguyễn Văn Siêu)

Hồ Tây trong tâm trí người dân nước Việt bao giờ cũng là một viên ngọc sáng long lanh tô điểm thêm cho cuộc đời

Mây lẫn nước xanh, màu đúc ngọc

Nguyệt lồng hoa thắm, vẻ in châu

                                   (Vịnh Tây hồ - Nguyễn Quang Toản)

        Nét đẹp của kinh thành Thăng Long còn là nét đẹp ấm áp với cảnh sắc tốt tươi của xóm làng

Thôn xóm này ở ngoài thành Thăng Long

Chỉ cách nhà ta hơn hai dặm đường

Dòng Tô Lịch xanh trong uốn theo vạt ruộng

Cây vải tươi tốt bao quanh những nếp nhà tranh

                    (Quang liệt xã giang thượng ngâm - Bùi Huy Bích)

Đó còn là dòng sông Nhị hiền hòa bao đời chảy quanh song hành cùng đời sống thăng trầm của con người

Theo gió xuân bè bình yên đi trên sông Nhị

Cảm hứng ruổi theo Ngũ Lĩnh cùng điểm chót của thời gian

Tầm nhìn dừng ở Tam Giang, bị ngăn bởi ráng chiều

                               (Độ Nhị Hà - Phan Huy Chú)

Áng mây rà thấp, bóng cây xa dòm nghiêng xuống nước

Bầu trời rộng lớn, ngôi lầu cao dễ chạm tới tầng xanh

                                 (Nhị Hà đối nguyệt - Nguyễn Văn Siêu)

Mùa xuân đẹp sông Nhị càng khởi sắc

Năm nay mừng được trông thấy mùa xuân ở kinh thành

Mặt nước sông Nhị, khói phủ long lanh bóng cây

Làn gió cung vua, hương đưa rung động lớp bụi

                                 (Nhâm Dần tuế đán - Bùi Huy Bích)

Chùa Kim Liên cũng là một thắng cảnh tâm linh gắn liền đời sống của người dân nơi đây

Cánh bèo trôi nổi, làm khách cố kinh

Nơi chùa Kim Liên đã mấy lần qua

Sắc lá ba thu liền với xóm làng xanh biếc

Vạn khoảnh hồ sáng, phẳng lặng như một tấm gương

                                (Quá Kim Liên tự - Phạm Đình Hổ)

Đền Trấn Vũ quen thuộc trong câu ca dao và hầu như nó đã trở thành thi liệu khi các nhà thơ nhắc đến cảnh sắc của Long thành

Đầu hồ Trúc Bạch mây man mác

Ngoài cung Thái Hòa cỏ xanh rờn

                             (Đề Trấn Vũ quán thạch bi  - Cao Bá Quát)

Khung cảnh yên bình, nên thơ, trữ tình cũng là một nét không thể bỏ qua của các nhà thơ

Xuân điểm hoa nhà dân, đó đây rực rỡ màu hồng

Núi liền cây đồng nội, bát ngát một dải xanh

                              (Xuân giao vãn hành - Nguyễn Tử Thành)

Kể cả ánh trăng huyễn hoặc treo trên kinh thành cũng làm tăng thêm nỗi niềm hoài vọng của kẻ đi xa

Mặt trăng long lanh đáy hồ sâu

Ngọn cây nhặt thưa trên thành đất

                             (Dạ tọa thính đỗ quyên - Bùi Huy Bích)

Không gian kinh thành ánh điện không át nổi ánh trăng

Dưới cây đèn điện, xe tranh nhau đường đi

Bên hồ Hoàn Kiếm trăng treo trên mái lầu

                            (Hà thành trung thu tiết - Dương Khuê)

Trăng tỏa sáng in bóng xuống đầm, soi sáng cây cỏ ướt đẫm sương đêm. Tiếng chuông ngân, tiếng chày đập vải làm xao động ánh trăng chìm dưới nước …khung cảnh thật êm đềm                                  

Gươm tỏa ánh tuệ, in xuống bóng đầm

Trăng soi sáng sương đêm, dội trên ngọn cây

                              (Vũ quán xao nguyệt - Đoàn Nguyễn Tuấn)

Tiếng chuông ngân làm mặt trăng trên thành sông chìm xuống

Tiếng chày đập vải khiến mùa thu ven biển thêm lạnh lùng

                                      (Thu dạ ký văn - Đoàn Huyên)

Nhưng kinh thành Thăng Long đâu chỉ có thắng cảnh thiên nhiên và di tích đền, chùa. Thăng Long còn là nơi mọc lên những thành quách đền đài, những cung điện nguy nga, những lầu gác tráng lệ, những phố xá tấp nập đông vui, những con đường lớn với xe ngựa xênh xang dập dìu. Đây chính là chỗ làm cho Thăng Long khác với những vùng quê êm đềm, hiền hòa  khác. Thành phố ngàn năm tuổi cũng là nghìn năm trận mạc. Nhưng trên tất cả là vẻ hào hoa thanh lịch. Cái hào hoa thanh lịch của người Trường An với những sắc độ của khung cảnh, của văn hóa nói chung

Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền

Bóng kì đài giăng mặt nước như in

                                    (Hồ Tây - Nguyễn Công Trứ)

Ngoài thành Long Biên cỏ như khói

Trên đài thành Long Biên trăng đang treo  giữa trời

…Nắng xuân phường phố trăm hoa nở tươi

Tấp nập ngày đêm xe ngựa, áo cầu qua lại

                           (Long biên trúc chi từ - Miên Thẩm)

Thành quách lờ mờ trong sương mù xanh

Làng quê thăm thẳm dưới làn mây trắng

                             (Dạ độ Nhĩ hà - Đoàn Nguyễn Tuấn)

        Trong thơ ca, hình ảnh đẹp chốn kinh thành còn là những gương mặt trong sáng ngây thơ của những nàng trinh nữ e ấp tuổi xuân thì, những bức tranh sống tô điểm thêm cho bộ mặt thị thành

Cô con gái nhỏ ở Trường An

Cái tay nhỏ xinh bện hai bím tóc đen

Ở trong khuê phòng thầm kín chẳng biết khổ là gì

Cô còn đang quét hoa rụng xem chơi

                                        (Hữu sở cảm- Phạm Đình Hổ)

Là cô gái trẻ trung duyên dáng, trong sáng bên hoa đào nở, bên cỏ xuân xanh tươi

Năm nay hoa đào nở

Cỏ xuân sao mà xanh tươi

Đứng trước hoa cô gái láng giềng tươi cười

Thơ làm xong tay cô tự viết lấy

                                             (Hoài cổ - Phạm Đình Hổ)

Đặc biệt hình ảnh cô bạn hàng xóm được Nguyễn Du rủ rê đi hái sen vẫn in đậm nét thi vị trong lòng người đọc. Tiếng cười hồn nhiên trong trẻo bên hoa (dù là trong mơ) vẫn mãi còn là một điểm nhấn tươi tắn hiếm hoi trong những chuổi ngày buồn của thơ chữ Hán Nguyễn Du

Sáng sớm đi hái sen

Có hẹn với cô gái bên xóm

Chẳng biết cô đến lúc nào mình không hay

Chợt nghe bên kia hoa có tiếng cười nói

                                       (Mộng đắc thái liên - Nguyễn Du)

Đất kinh thành thì không thể thiếu hình ảnh các nàng cung nữ, các bà phi một thời làm mê đắm các ông hoàng, các công tử vương tôn

Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn-y lại, để dành hơi
Mối tình muốn dứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi

                                         (Khóc Bằng phi -Tự Đức)

Bóng gương lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa
…Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

                         (Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều)

Và cũng không thể không nhắc đến các nàng ca nữ với sinh hoạt ca múa, một hình thức giải trí thưởng lãm làm tăng thêm vẻ sang trọng, vương giả cho chốn phồn hoa

Giọng oanh trăm chiều khéo lựa lời ca

Mắt đẹp đang yêu thường gợn sóng thu

                               (Hòe nhai ca nữ - Đoàn Nguyễn Tuấn)

Đó là những người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi. Tiếng đàn, giọng hát của họ đã làm rung động biết bao người

Cành hoa nồng thắm từ cõi tiên sa xuống

Sắc xuân đẹp tươi làm rung động cả sáu thành

                              (Điếu La Thành ca giả - Nguyễn Du)

Đã từng nghe giọng ca uyển chuyển khi mặc áo hồng

                              (Ngộ gia đệ cựu ca cơ-Nguyễn Du)

Bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến

Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt tuổi

Áo hồng ánh lên khuôn mặt hoa đào

Má đỏ vì rượu, vẻ ngây thơ rất dễ thương

                               (Long thành Cầm giả ca - Nguyễn Du)

Cô Cầm của Nguyễn Du dù thảm buồn ngày gặp lại (hao gầy, tả tơi héo rủ…) nhưng hình ảnh khuôn mặt hoa đào ánh lên từ chiếc áo hồng của hai mươi năm trước vẫn làm lay động lòng người mỗi khi có ai nhắc đến những nàng ca nữ một thời.

        Những cô gái đẹp thường bị ‘trời đánh ghen” nên kiếp đời của họ, số phận của họ thường lênh đênh, trôi nổi, bọt bèo … như nàng ca nữ của Phạm Đình Hổ, của Ngô Ngọc Du

Đầu phố Chức Cẩm đây là nhà thiếp ở

Có ngờ đâu cái kiếp trâm hoa đã bị lỡ làng đến thế này

…Đổi thay dâu bể bao phen, từng đã giật mình trong giấc mộng

Thân phận quần thoa không có cách nào nữa, chỉ còn liều sống lối buông trôi

                                         (Phạm Đình Hổ - Cựu ca cơ)

Hồi trẻ đã học thạo nghề đàn hát trong gia đình

Tuổi mới cập kê, nhân duyên chưa định chốn

Danh sách tiến cung đã liệt tên và giục giã lên đường

                                 (Đàm ni thân thế khẩu thuật - Ngô Ngọc Du)

       Đọng lại trong các sáng tác thơ ca của các tác giả thời kỳ này vẫn là cảm hứng về nỗi buồn thời đại. Nỗi buồn thấm sâu, day dứt khi trở lại đế kinh, vẫn nghe vọng tiếng hồn thiêng sông núi mà trời đất đã đổi thay, người xưa đã không còn, những người bạn thời trẻ nay sống đời chìm nổi, những thiếu nữ xinh đẹp giờ đã tay bế tay bồng, tóc xanh bây giờ đã bạc lốm đốm …

Những chỗ chơi đùa khi trẻ dại

Bây giờ một nửa đã thay dời

                              (Thượng kinh tự hoài - Lê Hữu Trác)

Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đểu ẳm con

Những bạn hào hiệp lúc trẻ nay thành ông già

                            (Thăng Long 1 - Nguyễn Du)

Bạn bè hồi tuổi trẻ, kẻ mất người còn

                              (Thăng Long 2 – Nguyễn Du)

      Đặc biệt hai bài thơ viết về Thăng Long của Nguyễn Du, ông viết trên đường đi sứ khi chưa ra khỏi địa phận của đất nước. Gặp lại Thăng Long xưa, lòng xúc động bồi hồi. Ông reo mừng như sắp khóc: Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long (Thăng Long 1 – Nguyễn Du). Đầu bạc còn được thấy Thăng Long, thấy Thăng Long là thấy cả hồn thiêng sông núi, gặp lại Thăng Long là gặp lại những vui buồn thăng trầm trong quá khứ. Ông nhìn đến hút hồn hình ảnh Mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới / Đây vẫn là Thăng Long, đô thành các triều vua trước (Thăng Long 2 - Nguyễn Du)…. bởi với ông, Thăng Long  là ký ức vàng son một thuở, là tuổi thơ xa vời vợi, là gia đình vang bóng một thời, là dấu tích rất đỗi thân quen. Vì vậy mà có biết bao kỷ niệm xưa tràn về, đêm trăng sáng vẳng nghe tiếng sáo mà không làm sao ngủ được “khổ vô thụy”.

      Trong ký ức của những người con Thăng Long, nơi đây từng ghi dấu những đổi thay lớn. Những tòa thành mới thay thế những cung điện cũ, là những đường cái quan ngang dọc xóa hết dấu vết của những ngôi nhà đồ sộ cũ (Thăng Long 1,2- Nguyễn Du), là những vương cung, đế miếu có rồi mất … tất cả những điều đó dẫu sao cũng là niềm tự hào của đất Thăng Long.

     Bà Huyện Thanh Quan hơn ai hết thao thiết hoài niệm về một thời quá vãng đã khắc quá sâu trong tâm hồn bà cũng như đối với mỗi người trên đất Thăng Long      

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

                     (Thăng Long hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan)

Câu thơ tiêu tao ấy gợi nhớ những gì xưa cũ với lối cũ rêu phong, với hồn thu thảo, với bóng tịch dương… Lâu đài, xe ngựa tượng trưng cho quyền lực và cơ đồ cao ngất của các tiên triều giờ chỉ còn chập chờn trong ảo mộng.

      Nguyễn Công Trứ cũng đã đi tìm thành quách, vương cung, đế miếu của một thời huy hoàng.

Đất Trường An là cổ đế kinh

Nước non một dải hữu tình

…Đã mấy độ sao dời vật đổi

Nào vương cung đế miếu ở đâu nào?

                                     (Cảnh Hà Nội - Nguyễn Công Trứ)

      Cao Bá Quát nặng lòng trước con đường xa giá vua đã từng qua bây giờ chỉ còn trơ lại mảnh đất không. Đàn tế giao xung quanh cây cỏ lấp đầy, mặc gió thu thổi tràn

Cờ quạt đường ngự đi, nay chỉ còn là mảnh đất không

Cây cỏ ở đàn tế giao, mặc cho gió thu thổi

           (Quá Thiên Quang tự, thương Lê triều cố cung - Cao Bá Quát)

Đây là kinh đô cũ, nơi phồn hoa bậc nhất xưa kia

Núi Nùng, sông Nhị rất mực cao thanh

Nghìn năm thành quách, từng qua mấy độ cổ kim

Mười dặm phố phường, nối tiếp bao lớp người sống thác

                  (Đăng Long Thành lãm thắng hữu cảm - Cao Bá Quát)

Một thuở phồn hoa đông vui, tấp nập, ngựa xe như nước… ngày nào bây giờ không còn nữa, lòng người đau xót buồn rầu nhìn dương liễu héo hon, trúc gầy đi. Sắc cỏ xanh bên đường, vết xe thuở đó như còn đâu đây

Dương liễu héo hon, trúc gầy, khói như thuở nào

Mấy chốn đình đài gạch ngói đổ nát

Buồn rầu nhìn sắc cỏ xanh trên đường

Như còn ghi lại rành rành vết xe thuở đó

                             (Kinh quá Lý cố thành di chỉ - Miên Thẩm)

Lầu gác đổi dời, lăng tẩm biến di, xóm làng xưa cũ mất dấu

Ngàn dặm kinh kì một cõi bờ

Trăm năm lăng tẩm hóa đồi gò

Chọc trời lầu gác nơi tanh tưởi

Liền đất xóm làng đống bụi tro

                          (Tràng An hoài cổ - Nguyễn Xuân Ôn)

     Nguyễn Khuyến cũng động lòng thương tâm và trầm mặc trước những đổi thay lớn của khung cảnh 

Khá thương cho chỗ đất này nổi tiếng văn chương đã năm trăm năm

Nay chỉ còn trơ lại cái gò đá mà thôi

                                            (Hoàn Kiếm hồ - Nguyễn Khuyến)

Với ông, sự thay đổi không phải do thời gian mà là do có sự hiện diện của giặc Pháp. Không nỗi buồn nào cắt cứa sâu hơn nỗi buồn mất nước. Không nỗi đau nào đau hơn sự bất lực ngồi nhìn kẻ ngoại bang sắp xếp, quy hoạch làm thay đổi đất nước mình (hay nói cách khác là tàn phá quê hương mình) mà mình không thể làm được gì

Nơi này thu trước, chục năm qua

Thành quách còn nguyên cảnh khác xa

     (Giáp thân trung thu ngụ Hà Nội hữu cảm ký đồng niên cử nhân Ngô - Nguyễn Khuyến)

Từ Diễn Hồng cũng cùng tâm trạng

Người cũ bây giờ đâu cả nhỉ

Xe rồng chẳng thấy thấy xe tay

                                     (Thăng Long thành hoài cổ - Từ Diễn Hồng)

Ở Nguyễn Thượng Hiền thì nuối tiếc “Long Biên chỉ còn đống tro tàn”, “biết khí đất biến chuyển” nhưng vẫn cố gắng gượng pha chút lãng mạn vào chén rượu để thấy lại hoa sen, để thấy lại chuyện của năm trước

Hồ Tây không ghi lại việc năm trước

Còn trổ hoa sen ánh vào chén rượu

                                      (Tức sự - Nguyễn Thượng Hiền)

Dương Khuê, Lê Quả Dục cũng tiếc thời gian trôi qua và những gì thay đổi

Lũ trẻ mãi theo trò chơi rồng cá

Chẳng tính gì đến non sông đã nửa mùa thu rồi

                              (Hà thành trung thu tiết - Dương Khuê)

Đã hăm nhăm năm rồi mới tới đây

Các nơi đến chơi trước không còn chỗ nào thăm lại được

Chỉ thấy bụi, xe, vết ngựa, mù trời dậy đất

Sắc hồ bóng núi nay đã khác hẳn xưa

                             (Ất Dậu niên, vãng Hà Nội cảm tác - Lê Quả Dục)

….

Dầu vậy, nhưng Thăng Long trong tâm trí mỗi con người vẫn không thể phai nhạt dù thời gian đã tìm đến và muốn xóa hết dấu vết. Cái đẹp của hồn nước, hồn người vẫn rung lên những xúc cảm dạt dào. Vì thế mà những trang thơ viết về Thăng Long – Hà Nội vẫn tiếp tục, Tháp Bút vẫn ngày ngày vươn mình viết thơ lên trời xanh. Nước sông Hồng vẫn tiếp tục chảy, mặt hồ vẫn từng ngày gợn sóng, phố phường vẫn tiếp tục khoác lên mình những màu sắc mới. Và thơ ca vẫn sẽ tiếp tục nối những vầng tụng ca đẹp nhất, hay nhất, trữ tình nhất về vùng đất thiêng này.

 

                                                                               25 / 6 / 2010

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn học, Hà Nội, 1978
  2. Nguyễn Du toàn tập, tập 2 Thơ chữ Hán , Mai Quốc Liên chủ biên, NXB Trung tâm quốc học, 1996
  3. Thăng Long thi tuyển, Đặng Minh Dũng, NXB Văn hóa – Thông tin, 2010

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin truy cập

63607218
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14540
10905
63607218

Thành viên trực tuyến

Đang có 401 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website