Tiểu thuyết Vu khống của Linda Lê nhìn từ lý thuyết hậu thuộc địa (postcolonialism)

(VH-NN) Khóa luận tốt nghiệp "Tiểu thuyết Vu khống của Linda Lê nhìn từ lý thuyết hậu thuộc địa (postcolonialism)" của sinh viên Nguyễn Thị Hiền (sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, hệ Cử nhân tài năng khóa 2006- 2010) thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Văn Nhơn, được Hội đồng nhất trí cho 10 điểm. Công trình cũng nhận được giải Eureka "Luận văn tốt nghiệp xuất sắc" năm 2010 do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh trao tặng. VH-NN xin giới thiệu mục 3.1. Gia đình và những mối quan hệ hai mặt của khóa luận.

Đặt tên tác phẩm là Vu khống Linda Lê hẳn đã có ý đồ. Vu khống là bịa đặt, là dối trá, là gán cho người khác tội danh không đúng sự thật, là bắt người khác mang tội dù họ chưa bao giờ làm điều xấu, theo nghĩa đen. Vậy thì ở một khía cạnh nào đó, có lẽ Vu khống là một sự giãi bày, là một lời thanh minh vô tội?

Vu khống là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính, một người bị điên – là cậu, và một cô cháu gái – là nhà văn. Ngay ở danh xưng, giữa họ đã tồn tại mối quan hệ gia đình. Và trong suốt tác phẩm, mối quan hệ này chi phối đời sống nội tâm của hai nhân vật chính, gắn kết họ với nhau, gắn kết quá khứ với hiện tại, chắp nối giữa trốn chạy và kiếm tìm…, đồng thời cũng là một ẩn dụ về mối quan hệ khác, phổ quát hơn, với một bên, là Đất Nước (thuộc địa) và một bên, là Ngoại Quốc (thực dân) trong bối cảnh thời hậu thuộc.

Theo lẽ thường, gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội, gia đình là tế bào đồng thời cũng là biểu hiện sinh động của một xã hội thu nhỏ. Ở đó, bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của một quê hương xứ sở nào đó sẽ được biểu đạt. Do đó, gia đình thường diễn tả ý niệm về Tổ Quốc, về Quê hương. Quê hương xứ sở, trong Vu khống của Linda Lê, cũng được biểu hiện qua hình ảnh gia đình, dòng họ. Nhưng trong tác phẩm, ý niệm về gia đình đã vỡ vụn, đứt đoạn, là khởi nguồn cho cảm xúc về sự xa lìa và thương tổn. Gia đình là nơi ghi dấu những mất mát và đau khổ, những bội phản và bất thường với những mối quan hệ không bình thường.

Sự bất thường ấy, trước hết, chính là ở mối quan hệ giữa người cậu và người cháu gái mà họ đã mất liên lạc hơn mười lăm năm.

Cũng chính mười lăm năm ấy, người cậu sống tha hương, đúng ra, bị đẩy ra khỏi Đất Nước và bị đưa đến nhà thương điên vùng Corrèze ở một đất nước khác hoàn toàn xa lạ với mình, đau khổ hơn, người cậu ấy đến Pháp với hộ chiếu của một kẻ bị bệnh tâm thần, một kẻ bị điên! Với mười năm bị coi như một kẻ dư thừa của xã hội, bị nhốt trong trại dành cho người ngớ ngẩn, mười năm sống bên những kẻ dở hơi, những người động kinh, những người lão suy, những kẻ lủng sọ, những thiên tài bất đắc chí, và năm năm còn lại, đến làm việc cho một thư viện thành phố trong khu chung cư Vườn Táo, sống cô độc như một người không gia đình, không quá khứ, không hiện tại và không cả tương lai. Người cậu ấy bị cưỡng bức lưu đày, bị dán lên cái nhãn của một tên bệnh hoạn. Bệnh điên là cách thức mô tả sự xa lạ của người cậu đối với cả quê hương bản quán và với nước Pháp khi cậu phải trải qua mười năm tha hương trong nhà thương đó. Như thân phận của những kẻ tỵ nạn.

Nhưng điều đáng nói ở đây là người cậu bị chính gia đình mình “tống khứ” qua Pháp như tống khứ một mảnh giẻ rách, vĩnh viễn xóa tên trong gia phả dòng họ như họ đã từng xóa tên ông cụ trong quá khứ (bằng cách xích chân ông cụ và giam kín trong phòng cho tới khi chết). Đến lượt cậu lại bị coi là kẻ điên như là một thứ sản phẩm nhân tạo tuân theo quy luật:

“Mỗi thế hệ lại hi sinh một người để những người khác được sống yên bình. Mỗi thế hệ chỉ định kẻ sẽ bị coi là người điên. Những người khác gỡ thể diện bằng cách tỏ ra vô cùng thận trọng, bằng cách tuân thủ những gì họ cho là quy luật của đời sống bình thường. Kẻ vác dao là kẻ bị hi sinh. Kẻ ai nấy đều coi là điên. Kẻ nhận lãnh hết mọi bại hoại, tránh cho những người khác bị nghi là rồ dại” [24; 31].

Và trong cái gia đình ấy, cậu là người “bị chỉ định” điên, gánh chịu hết mọi tai ương cho gia đình (nhưng thực ra chẳng có tai ương nào cả) như một kẻ bị đem ra hiến tế. Đối với gia đình, người cậu bị coi là điên từ khi nảy sinh mối quan hệ tình cảm với người em gái. Cậu, một sinh thể được tạo bày rồi bị hủy hoại, được cứu vớt rồi bị nghiền nát, chỉ vì mối tình ngoại lệ ấy. Đối với gia đình, đó là mối tình bại hoại, mối tình trái đạo. Họ bảo cậu và cô gái là quân khốn nạn. Họ chỉ trích cô, đay nghiến cô, vùi dập tinh thần và thể xác cô. Họ bảo, chỉ có “thằng khùng ngủ với heo mới đẻ ra cô”. Cô khuỵu ngã. Không phải họ cũng là một phần của “thằng khùng” và “heo” đó sao? Họ bảo, cô thương như thế thì cô phải chết. Cam chịu, cô chờ bản án. Cô chỉ còn là hạt cát trong tay họ. Họ lên án mối tình ấy, cam tâm giết chết mối tình ấy vì họ không hiểu nổi tình yêu là gì. Những kẻ lên án chỉ biết “tính toán mọi lợi lộc đầu tư, cho vay những tình cảm giả mạo và mong nhận lại những cam kết trung thành” [24; 118], nhưng tuyệt nhiên không thể hiểu nổi tình yêu. Bởi thế, họ giết cô bằng cách cắt đứt cô khỏi cậu, ngăn cách cô khỏi tình yêu cậu, hơi thở cậu, thể xác cậu. Đối với gia đình, cô là đứa trẻ mồ côi, “là khúc ruột thừa máu me, cắt ra khỏi gia đình, là cục thịt hy sinh quằn quại đau đớn và sống nhờ tình cậu” [24; 123].

Để sống với tình yêu và giữ cho tình yêu sống, cả cậu và cô đều hiểu rằng, cô sẽ phải chết và cậu sẽ phải điên. Giữa dối trá và cái chết, cô đã lựa chọn cái chết, giữa dối trá và điên dại, cậu đã chọn điên dại. Cậu đã chọn điên, chịu để cho người ta đem đến nhà thương điên để họ không nhốt cô trong phòng kín, không bỏ đói cô. Nhưng họ vẫn cứ làm như thế dù cậu có đi nhà thương điên hay không. Đấy là gia đình của cậu đấy, một gia đình không có khái niệm tình yêu! Nếu yêu, có nghĩa là bị điên hoặc sẽ chết, kể cả đó là anh, là em hay bất kể là ai mang chung dòng máu với họ. Tình cảm gia đình đồng nghĩa với tàn nhẫn và chối bỏ.

Bản thân cậu cũng bị chối bỏ, nói đúng ra, cậu bị phản bội, vì cậu điên, người ta cuối cùng cũng cắt cậu vứt đi như đã từng cắt cô ra khỏi cơ thể họ. Những kẻ bị coi là điên không đứng cùng phía với gia đình, là kẻ cầm dao giết gia đình, vì thế, họ không đoái hoài đến cậu, không thừa nhận cậu, cho dù họ biết rằng cậu vẫn còn sống đi nữa.

Có thể cậu đã chết, gia đình đối với cậu cũng đã chết, cậu tuyệt nhiên đã muốn chôn vùi quá khứ với gia đình, chôn vùi họ như họ đã từng chôn vùi cô, chôn vùi mối tình đời cậu. Cậu tưởng cậu đã thoát khỏi họ, thoát khỏi những ám ảnh và nanh vuốt dò xét của họ. Thoát khỏi mối liên hệ đáng ghê tởm với họ, nhưng, “mấy cái gien đã túm cậu lại”, đó là một cái thư!

Cái thư ấy, là hiển hiện của một mối liên hệ, một sự ràng buộc mà bấy lâu nay cậu dằn lòng dứt bỏ, dằn lòng phải quên. Lá thư của một đứa cháu gái, mười lăm năm yên thân của cậu bị đảo lộn vì một cái thư. Tại sao một người trong gia đình kia lại nhớ đến cậu, lại muốn “có liên hệ” với cậu? Làm như thế, có nghĩa là đứng về phía cậu, đứng về phía cậu, nghĩa là chống đối lại gia đình.

Cô gái đến Pháp hai năm sau cậu, nhưng khác cậu, sự ra đi của cô ẩn chứa một sự lựa chọn: “Họ đã cưỡng bách tôi ra đi. Nó thì tự ý ra đi,, hoan hỷ chuyện chuyển di mà nó linh cảm, nó hy vọng, sẽ giải thoát nó ra khỏi di truyền gia đình” [24; 14]. Như thế có nghĩa là cô gái trốn chạy, cô muốn trốn thoát khỏi truyền thống gia đình. Truyền thống coi “người cầm quyền bao giờ cũng có lý” là tôn chỉ. Truyền thống gia đình là lối sống hai mặt “học tiếng Pháp chẳng phải để mở mang cho trí tuệ hẹp hòi của họ, mở rộng tầm mắt họ, mà để đắc lực hơn cho những kẻ quyền thế – những kẻ quyền thế đều là người nước ngoài” [24; 73]… Truyền thống gia đình là lối sống cơ hội và sẵn sàng làm tôi tớ, làm tay sai, làm chó canh cửa cho bất cứ ai nắm giữ uy quyền, nếu họ có lợi. Cô gái ấy đã nhìn thấy gia đình mình là sự giả dối tuyệt hảo:

“Với câu hỏi, Tự do hay quyền thế?, gia đình tôi bao giờ cũng chọn quyền thế, bởi bao giờ họ cũng chọn làm đám nịnh thần, đứng sau bọn người hung tàn, vào phe những kẻ đạp trên xác chết. Một tên tôi tớ bao giờ cũng tìm được một tên tôi tớ khác sẵn sàng phục vụ mình, há mỏ chờ đón ít quyền thế dư thừa. Gia đình tôi luôn luôn hối hả phục tùng. Bởi ai phục tùng đầu tiên tất sẽ là người đầu tiên được dựa hơi quyền thế. Gia đình tôi tự bao giờ vẫn là phát ngôn viên cho kẻ áp bức, người quản gia cho bọn đao phủ...” [24; 77].

Nếu có biến cố xảy ra, nếu thời thế thay đổi, nếu những kẻ “mặc áo đen” lên nắm chính quyền thì họ, sẽ lại khúm núm quỳ gối, khúm núm vâng mệnh như một kẻ tôi tớ trung thành nhất, chỉ vì lợi lộc mà thôi:

“Phải công nhận là gia đình tôi khôn ngoan và chỉ trung thành với tôn chỉ cơ hội của mình. Khi quyền thế đổi chủ, gia đình tôi đã thích ứng thật đáng phục với hoàn cảnh mới” [24; 75].

Đấy là một gia đình không có tình yêu thương đồng loại, những kẻ chỉ coi tiền bạc, quyền thế là mục đích tối thượng của cuộc sống. Và cô gái, lựa chọn tránh xa, lựa chọn chối bỏ, lựa chọn ra đi. Như một sự phản bội gia đình. Đồng thời, sự ra đi của cô cũng chính là sự từ chối thích ứng với hoàn cảnh mới đó, với chính quyền đang lên của Việt Nam mà cô ví là “những người áo đen”, những người mà mẹ cô không rút tỉa được lợi lộc gì, những người “thô lỗ” “quá nghèo nên chẳng thể thoả mãn bà như những kẻ quyền thế cũ” [24; 76]. Như vậy, trong căn nguyên ra đi của cô cháu gái có sự chối từ nguồn gốc, muốn li khai, muốn “bật rễ” (uproot).

Song, cô gái còn thêm một vài lý do nữa để ra đi. Cô gái buộc phải ra đi, đi tìm sự thật về quá khứ của mình, về người cha THẬT của mình: “Đã kiêu hãnh là dân Chà Chệt viết văn bằng một ngôn ngữ không phải của mình, nó lại muốn thêm được hồ nghi con hoang, được bán tín bán nghi con lai” [24; 171]. Bởi, mẹ cô, đã nhồi nhét vào đầu cô một người cha mới, một “Người Ngoại Quốc”, một người cha thực, “Cuộc Tình Đời Mẹ”. Mẹ nó bảo:

“Cha thực của con là một người hết sức có giáo dục…một người thật phong nhã…một người tình hạng nhất… một người thật kiêu hãnh, can trường…” [24; 59, 60, 61]; mẹ nó bảo: “con bênh vực một người thật ra chẳng phải cha con. Ông cũng biết ông không phải là con ông. Trong thâm tâm, ông chỉ coi con là một đứa con hoang thôi…” [24; 70];  mẹ nó bảo, hỏi cậu mà xem. Cậu sẽ xác nhận cha thực của con là Người Nước Ngoài, người ghé qua, người tình vài tháng và là Cuộc Tình Đời Mẹ” [24; 27].

Người mẹ ấy, một người trong gia đình, đã luôn đóng vai một “bà trưởng giả khuôn phép đay nghiến” với người cha Việt Nam, đã luôn dành cho cha những “cảnh tượng thô bỉ nhất của mình”, đã không ngừng dèm pha người cha, cái kẻ con nhà quê, cái kẻ vô học tiếng Pháp chẳng biết, cái kẻ mộng mơ suốt ngày chỉ vẽ với họa, cái kẻ vô tích sự chẳng biết giá trị đồng tiền, chỉ đem về đồng lương tồi tàn, chẳng bao giờ biết hùng hổ ra oai, cậy thần cậy thế. Người cha ấy, đã bị bôi bẩn như thế, sỉ nhục như thế, đến mức, cô gái, với tình yêu thương cha tưởng như bất diệt cũng trở thành nao núng, thành đồng lõa với họ. Cô buộc phải bán tín bán nghi sự hiện diện của chính mình, cô tự vấn: “mười ngày ấy, nó tự bảo, có khác gì mình chẳng có mặt trên đời, cha chẳng mong muốn có mình. Mình là kẻ lọt lòng không ai thấy. Kẻ vô hình, kẻ bị bỏ quên... Dần dà, ngờ vực hiện đến: cha không phải là cha thực” [24; 91]. Sự nhập nhằng của hai người cha đưa đến cho cô một thân phận không được thừa nhận, là kẻ vô hình, kẻ bị bỏ quên: “Đất nước chẳng còn gì cho nó, từ khi những Người Áo Đen đã đuổi Người Nước Ngoài – họ là những người cha mới của đất nước” [24; 232]. Cô dường như không còn hoàn toàn thuộc về cha, người cha Việt Nam đã từng cắt báo làm diều cho cô, đã từng dắt tay cô đi dạo, từng dạy cô tập vẽ, người mà cô luôn tìm đủ mọi cách kiếm tiền (bán sách báo cũ) để mua thuốc lá cho ông. Cô phải đi tìm câu trả lời, mà câu trả lời, không ai khác, chính là cậu, mẹ cô bảo thế.

Trong cái gia đình ấy, cũng chỉ tồn tại hai ngả để lựa chọn mà thôi:

“…Hoặc hóa điên, hoặc kiếm ra tiền. Kẻ nào không biết thủ tiền đầy túi thì chỉ còn một lối thoát, hóa điên. Trong gia đình này, đầu óc chỉ dùng để tính toán, lừa đảo người khác, bịp bợm bạn bè… Trong gia đình này, người ta vẫn luôn vượt thắng nỗi sợ hãi di truyền bệnh hoạn bằng cách đắp vun gia sản”[24].

Vậy là, trong gia đình luôn tồn tại hai đối cực, một bên là tình yêu thương và sẵn sàng hy sinh, những con người không bao giờ chịu khuất phục quyền thế, không bao giờ lựa chọn dối trá, không bao giờ lựa chọn đồng tiền, không bao giờ bỏ rơi tình yêu, với một bên là, những kẻ hoàn toàn cơ hội, cơ hội đến mức tàn nhẫn, cơ hội đến mức mất nhân tính. Nếu ở khía cạnh này, coi gia đình là biểu hiện của Đất nước, thì trong đất nước ấy cũng tồn tại hai đối cực. Hoàn cảnh lúc bấy giờ bắt buộc con người phải lựa chọn. Hoặc là tuân thủ hoặc là đối đầu. Chiến tranh có thể làm tha hóa con người bằng vũ khí hủy diệt, nhưng trong Vu khống chiến tranh không phá hoại nhân tính bằng sự giết chóc của bom đạn. Dai dẳng, và đau đớn hơn, nó hủy diệt lương tri con người. Đó là những hệ quả mà chiến tranh tất yếu mang lại, con người chịu sự chi phối của hoàn cảnh và họ chỉ có thể, hoặc là khuất phục hoặc là chống lại nó mà thôi (nếu có chống đối, sau chiến tranh sẽ là khoảng trống mênh mông không bao giờ biến mất trong tâm hồn con người – Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh).

Như vậy, những mối quan hệ hai mặt trong gia đình là một dấu nhấn quan trọng. Ở đó, những mối liên hệ khác được phô bày. Ở đó, nhân cách mỗi người cũng đồng thời bộc lộ bản chất. Người cậu và cô cháu gái là một mối liên hệ chứa đầy những mối liên hệ bất thường khác, ngay trong bản thân họ cũng chứa đựng sự mâu thuẫn dai dẳng.

Người cậu đã muốn quên, muốn chôn vùi quá khứ về gia đình, nhưng “Chính lá thư với tuồng chữ kiêu kỳ đã làm tôi mất bình an. Lá thư đã trả tôi lại với gia đình, với bênh hoạn... Từ khi lá thư này đến, sách vở đều im hơi lặng tiếng” [24; 199]. Sách vở đã từng là cứu cánh của cậu, đã từng là một bàn tay ra dấu cho cậu sự sống giữa biển cả mênh mông, đã từng là hơi thở, là sự sống còn lại duy nhất của cậu. Nhưng bây giờ, nó bất lực, nó không còn lên tiếng nữa, xung quanh cậu là sách vở đấy nhưng chúng chỉ im lặng. Sự hiện diện của đứa cháu gái làm khuấy đảo cuộc sống hiện tại, khơi dậy mối liên hệ huyết thống, mạnh mẽ hơn bất cứ một sức mạnh nào. Nó khơi dậy ý thức về nỗi cô đơn thống khổ của người cậu: “Tôi một mình giữa đám đất hoang. Tôi sủa. không bao giờ còn một cánh cửa nào còn mở ra đón tôi nữa. Tôi lấy hai chân che mắt. Những tiếng rên làm tôi rát họng” [24; 200]. Người cậu trăn trở, người cậu điên đầu, người cậu mất ngủ, có nghĩa là tình cảm huyết thống chưa bao giờ “chết” trong sâu thẳm trái tim cậu. Tình cảm gia đình vẫn là một sự hiện hữu ẩn ức, chỉ chờ cơ hội là sẵn sàng bộc phát. Lúc này, những ký ức bỏng rát về một dòng họ lại trở về, thiêu đốt. Những tổn thương sống dậy, nhức nhối!

Cũng như cô gái, vì đa cảm, cô đã thoát ly khỏi gia đình, vì đa cảm, cô lại đã quay đầu về, vì đa cảm, cô đi tìm tự do, vì đa cảm, cô vẫn hy vọng một ngày nào đó gia đình sẽ biến đổi, sẽ đến với cô, tâm trí lành mạnh, mê say sách vở, khinh rẻ bạc tiền, tôn thờ nghệ thuật. Ngày đó, cô sẽ lại mở rộng vòng tay đón họ. Viết như thế, nhà văn cho thấy niềm tin vào thứ tình cảm thiêng liêng, đã từng viết về nó với những chữ lạnh lùng tàn nhẫn, thì nhà văn cũng viết về nó, với một tình cảm nồng cháy khát khao. Những người còn giữ được lương tri, lúc nào cũng mang tâm thế lưỡng phân, họ, một nửa muốn chôn vùi, một nửa khác, lại muốn trở về, tha thứ.

Ở một khía cạnh khác, điểm đáng lưu ý là sự chuyển di của chính người cậu và cô cháu gái. Nơi đi và điểm đến của họ thì giống nhau nhưng nguyên nhân ra đi thì hoàn toàn khác. Điều này cho thấy sự phức tạp xảy ra trong những mối quan hệ gia đình dẫn đến sự phức tạp trong bản thân mỗi cá nhân. Nơi họ đi, là Việt Nam – một nước cựu thuộc địa. Nơi họ đến, là Pháp – Mẫu quốc. Người cậu, bị cưỡng chế ra đi, bị buộc phải cắt đứt sợi dây liên lạc với gia đình. Người cháu gái, ngược lại, tự nguyện lựa chọn ra đi. Cô rời khỏi Đất Nước như rời khỏi người cha bấy lâu cô vẫn hằng yêu quý, rời khỏi nó để đi tìm danh phận chính thức của mình. Cô không thể là đứa trẻ bị bỏ rơi, không thể là đứa trẻ không biết sự thật, không thể là đứa trẻ không biết cha đẻ của mình. Cô chọn đến Pháp với người cậu, tìm ra cậu, liên lạc với cậu cho thấy cô khát khao sự thật. Câu hỏi về bản sắc, về cội nguồn cũng chính là câu hỏi mà thời kỳ hậu thuộc, các quốc gia cựu thuộc địa loay hoay đi tìm. Họ sẽ phải định nghĩa lại mình trên chặng đường mới, nhưng định nghĩa như thế nào đây trong khi trên cơ thể họ đang chứng minh sự tồn tại của quá nhiều thứ lai ghép, quá nhiều sự ảnh hưởng lẫn sự mất gốc?

Không phải ngẫu nhiên mà Linda Lê lại ấn định điểm đến cho cả hai nhân vật mình là Pháp mà không phải là một đất nước nào khác. Điều này có thể được giải thích vì hai lý do. Thứ nhất, bản thân tác giả là một người Pháp gốc Việt, trong cơ thể cô hiện hữu hai dòng máu. Nếu như Việt Nam là cố hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, thì nước Pháp với cô cũng là quê hương, là nơi cho cô sức sống. Sự nhập nhằng về quê hương, xứ sở luôn tạo ra cho những người như Lê một cảm giác: cảm giác lẫn lộn giữa “đi” và “về”. Ở nơi nào cũng là “đi” và nơi nào cũng là “về”. Chính sự nhập nhằng khó chịu ấy khiến cho hai nhân vật của Lê luôn phân tâm trong chặng đường tâm hồn sâu thẳm. Thứ hai, với thân thế của một người đã từng trải qua tuổi thơ có chiến tranh ở Việt Nam, những ám ảnh chiến tranh và sự hủy diệt của nó khiến cô luôn day dứt, trăn trở. Trong cuộc “đụng độ” không lấy gì làm yên bình ấy, liệu con người có giữ được những gì là truyền thống của họ không? Lê chọn Pháp như một điểm đến mà ở đó, chính những người Việt Nam trải qua thách thức cho sự tồn vong bản sắc của mình. Chính hai lý do này mà không gian trong tác phẩm của Lê cũng là một mối quan hệ, mối quan hệ mang tính thời đại: chủ thể hậu thuộc và cựu thực dân.

Đại diện cho ý niệm về gia đình, Đất nước, không chỉ có mối quan hệ giữa hai cậu cháu. Xuyên suốt tác phẩm, nó còn được biểu hiện bằng hình ảnh của những bậc sinh thành.

Trước đây, cô gái chỉ biết đến một cha – người cha Việt Nam – mà cô hết lòng thương kính, người cha dạy cho cô biết quý trọng nghệ thuật, khinh rẻ đồng tiền. Người cha của tình thương yêu và cao thượng. Song, người cha ấy, lại cũng hiện lên là một kẻ cam chịu, nhún nhường. Không bao giờ khuất phục nhưng cũng không dám đấu tranh. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà những người dân Việt Nam sống ban ngày dưới sự chèn ép của thực dân, ban đêm dưới sự thúc bách của Việt Minh, họ còn sự lựa chọn nào khác? Đó là tình trạng lưỡng phân mà chắc chắn con người đã trải qua, lựa chọn yên thân hay lăn vào cuộc chiến không hẹn ngày trở về? Với tư cách là một con người, họ có quyền được lựa chọn sống. Ở khía cạnh này, có thể thấy cha cô gái là người đại diện cho sự cam chịu.

Nhưng sau đó, nhờ mẹ, cô gái phát hiện ra mình là con hoang, có thêm một người cha mới, một người Ngoại Quốc. Người mà mẹ cô sẵn sàng dâng hiến tất cả, lòng chung thủy, sự yêu thương và phẩm giá để đổi lấy những tờ đô-la “đầy giá trị”. Trong mắt mẹ, người cha ấy thật tuyệt vời, nhưng cô gái, cũng đã không thể quên được “từ miệng con người ấy phát ra những lời sát nhân”, không thể cố nghĩ “mắt con người ấy đã không thấy gì, bừng bừng vì yêu đương chứ không phải vì những đám cháy do ông ta hạ lệnh ném bom…” [24; 73]. Cái người cha ấy, thật sự tàn nhẫn và ác độc, là kẻ đi xâm chiếm, là kẻ sát nhân, nhưng người cha ấy cũng là một phần trong huyết quản cô, dù đến chết, cô vẫn không thể phủ nhận dòng máu Ngoại Quốc trong mình.

Đối với cô gái, việc có hai người cha nửa thực: một bên dính cứng nơi quê nhà, một bên là người nước ngoài ghé qua; một bên là kẻ bất đắc chí, một bên là tay quyến rũ… đều chỉ khiến cho cô cảm thấy mình là kẻ bơ vơ, là kẻ đứng bên lề, là sản phẩm của một cuộc tranh chấp ái tình dễ dàng và cam chịu. Đối với cô gái, đó là nỗi đau.

Người mẹ của cô gái, có thể nói, là đại diện cho dục vọng, đại diện cho một bộ phận người hám quyền lực và đồng tiền ở xứ sở thuộc địa này. Là những kẻ có khả năng thích nghi được với hoàn cảnh mới dù phải giả nhân giả nghĩa, là những kẻ chỉ chạy theo danh lợi dù phải đánh đổi giá trị bản thân. Đó là những con người đầy cơ hội và khát khao quyền lực. Họ là một phần bản chất con người trong Đất Nước. Bên cạnh đó, cùng với những đĩa nhạc thịnh hành suốt ngày phát ra thứ tiếng nước ngoài, những đôi giày xanh đỏ, những quyển sách, tạp chí thời trang… mà người ngoại quốc mang đến đã được người mẹ ôm ấp, nâng niu trong ngôi nhà của mình cho thấy sự thích ứng, tiếp thu của người dân xứ sở này đối với những sản phẩm lạ lẫm của văn minh phương Tây.

Trong tác phẩm còn có một hình ảnh đáng chú ý: nửa người mẹ của anh thợ sửa giày. Không khai thác hành ảnh người mẹ ở khía cạnh tình cảm cao thượng, hay mối quan hệ máu mủ ruột thịt đáng trân trọng nhất là tình mẫu tử. Linda Lê mang đến một cái nhìn mới. Sáng tạo và đầy ấn tượng. Bà mẹ, chỉ còn một nửa thân mình, với “đôi mắt hóp sâu và khuôn mặt nhăn nheo”, chỉ biết chờ đợi sự chăm sóc từ người con trai. Bà muốn con trai phục tùng bà, luôn chỉ có một mình bà. Bà quan sát mọi cử chỉ làm việc của con mình với “điệu bộ trịnh trọng của khúc thân nữ hoàng”. Bà trừng trừng giận dữ khi biết anh thợ sửa giày có ý lơ là. Những khi ra cửa hàng, hai mẹ con luôn phải đi từ tờ mờ sáng, để không ai nhìn thấy hình ảnh “xấu xí” đáng sợ của bà. Bà cũng không có bất cứ mỗi quan hệ nào khác ngoài con trai. Như vậy, có thể nói, hình ảnh một nửa người mẹ là biểu tượng cho sự già nua và héo tàn; mất hết sinh khí và khả năng tự chủ. Người mẹ đã trở thành gánh nặng cho con trai mình. Đây cũng là cách mà Linda Lê gửi đến chúng ta một thông điệp, nếu cha mẹ là đại diện cho truyền thống và tấm gương trong gia đình (theo quan niệm người Việt), thì cũng không có nghĩa là truyền thống ấy luôn luôn là bàn đạp trong cuộc sống mới. Ở điểm này, có thể thấy sự tương đồng giữa Linda Lê và Nguyễn Huy Thiệp.

Trong tác phẩm Sang sông Nguyễn Huy Thiệp đã rất ẩn dụ khi xây dựng tình huống cậu bé thò tay vào chiếc bình cổ và không thể rút tay ra được vì miệng bình cứ dần dần thu hẹp lại: “Chú bé đút tay vào trong miệng bình…Chú bé loay hoay. Hình như miệng của chiếc bình bé lại. Chú bé mếu máo (...). Mọi người trong đò rối rít cả lên. Chú bé không sao rút tay ra được miệng bình” (Sang sông, Nguyễn Huy Thiệp). Hình ảnh cậu bé bị kẹt tay trong miệng chiếc bình cổ đang từng lúc nhỏ lại gợi ra liên tưởng về sức sống, tuổi trẻ và tương lai đang dần dần bị những giá trị truyền thống bó buộc (tình huống này còn gợi ra một cách hiểu khác, những cái mà chúng ta gọi là giá trị truyền thống thì chưa chắc là có thật, đó chỉ là sự phù phép của con người mà thôi).

 Như vậy, các bậc sinh thành trong Vu khống không còn là biểu tượng của sự nuôi dưỡng, không còn là biểu tượng của truyền thống văn hóa tốt đẹp, của nền tảng đạo đức và sự chăm sóc yêu thương nữa, mà gia đình là cội nguồn gây ra bi kịch, còn gốc gác là một mớ rối rắm, trói buộc, cản trở cuộc sống con người. Đó là những tác động tiêu cực của di sản thuộc địa đến chủ thể hậu thuộc địa, tạo thành những chấn thương dai dẳng. Con người như phải mang theo “một cái bào thai chết” trong tim mà trong một tiểu luận của mình Linda Lê đã đề cập đến. Một mối liên hệ không mang lại sinh khí nhưng gắn bó trong máu thịt, một mối liên hệ kì quái muốn dứt bỏ mà không thể dứt bỏ nổi.

Trong một cuộc phỏng vấn do dịch giả Cao Việt Dũng thực hiện, Linda Lê cũng đã phát biểu về tình trạng lưỡng phân này:

“Khi thì tôi coi Việt Nam giống như một loài cây độc toả xuống cái bóng chết chóc, bởi nỗi nhớ có thể trở thành một điều xấu xa nguy hiểm, lúc thì Việt Nam lại giống như một cái cây cổ thụ nơi tôi tìm được chỗ trú ngụ và giúp tôi phòng chống lại sự vỡ mộng.” Nhưng, “ngay cả khi tôi được nuôi dạy trong nền văn hoá Pháp, thì Việt Nam vẫn cứ là mảnh đất nơi tôi lớn lên, nơi tôi học cách mở mắt, học cách chiêm ngưỡng. Vì thế, dù là cội nguồn của yêu thương hay đau đớn “tất cả những gì đến từ Việt Nam đều gây cho tôi niềm xúc động” [7].

Tóm lại, về khái niệm gia đình và quê hương bản quán, Lê đã mang đến một góc nhìn mới cho độc giả. Tất nhiên góc nhìn này đến từ một nhà văn có hoàn cảnh đặc biệt. Song, khách quan mà nói, như Rasul Gamzatov đã phát biểu đại ý, “nếu như anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác”. Chúng ta không thể quay lưng với quá khứ cho dù đấy là quá khứ không mấy tốt đẹp. Với việc khai thác chi tiết ở mặt trái của nó, Lê không nhằm phản bác hay chê bai truyền thống và quá khứ dân tộc, mà giúp chúng ta có một cái nhìn đa diện hơn. Trong tâm thế hậu thuộc địa, đó thực sự là tiếng nói về sự mất mát và những hậu quả mà thực dân để lại trên đất nước chúng ta.

 

 

MỤC LỤC

TÓM TẮT ĐỀ TÀI..........................................................................................................1

DẪN NHẬP. 3

1. Lý do chọn đề tài 3

2. Lịch sử nghiên cứu  5

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu  8

4. Phương pháp nghiên cứu  9

5. Kết cấu khóa luận  10

CHƯƠNG MỘT: LÝ THUYẾT HẬU THUỘC ĐỊA – LỊCH SỬ VÀ CÁC KHÁI NIỆM... 12

1.1.         Giới thiệu chung về lý thuyết hậu thuộc địa (Postcolonialism) 12

1.2.         Những lý thuyết gia tiêu biểu. 16

1.2.1. Edward Wadie Said (1935 – 2003) 16

1.2.2. Gayatri Chakravorty Spivak (1942) 18

1.2.3. Homi K. Bhabha (1949) 19

1.3. Các khái niệm chính  21

1.3.1. Cái Khác  – The Other 22

1.3.2. Tính lai ghép – Hybridity  31

1.3.3. Nữ quyền hậu thuộc địa (Postcolonial Feminism) 37

CHƯƠNG HAI: VIỆT NAM – HẬU THUỘC ĐỊA VÀ LINDA LÊ. 42

2.1. Việt Nam – hậu thuộc địa  42

2.2. Văn học di dân và Linda Lê  47

2.2.1. Văn học di dân  47

    2.2.1.1. Diện mạo  47

    2.2.1.2. Đặc điểm   50

2.2.2. Linda Lê – viết là tự lưu đày bản thân  59

 

 

CHƯƠNG BA: TÍNH CHẤT HẬU THUỘC ĐỊA TRONG VU KHỐNG CỦA LINDA LÊ. 67

3.1. Gia đình và những mối quan hệ hai mặt 67

3.2. Quá khứ – hiện tại và những kẻ cô đơn  79

3.3. Giải thoát 89

3.4. Diễn ngôn của kẻ mạnh  95

3.5. Sản phẩm của lưu đày  103

KẾT LUẬN.. 108

THƯ MỤC THAM KHẢO.. 112

PHỤ LỤC................................................................................................................................117

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin truy cập

60538364
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
19857
10018
60538364

Thành viên trực tuyến

Đang có 415 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website