Trịnh Hoài Đức và tâm sự nho thần triều Nguyễn trên đường đi sứ Trung Quốc

LÊ QUANG TRƯỜNG

(ThS. GV. Khoa VH&NN, Trường ĐH KHXH&NV-TP.HCM)

 1. Trịnh Hoài Đức (1764-1825) tên An, tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, sau được phong An Toàn hầu, khi mất được vua ban thuỵ là Văn Khác. Năm 1764, cất tiếng khóc chào đời ở xã Thanh Hà, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa trong gia đình có truyền thống đời đời làm quan ở Trung Quốc. Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức ở làng Phúc Hồ, huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến. Cuối đời Minh đầu đời Thanh, ông nội ông là Trịnh Hội, hiệu Sư Khổng di cư sang Việt Nam (vì không chịu cắt tóc theo lệnh nhà Thanh), ngụ cư tại xã Thanh Hà, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, làm nghề buôn bán trở nên giàu có. Cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, thuở nhỏ chăm học, viết đại tự rất đẹp và nổi tiếng cao cờ. Bấy giờ Trịnh Khánh nhờ đến Phú Xuân nạp bạc, nên được trao chức lục phẩm, cho nhận chức ở kho lúa phủ Tân Bình. Thế nên, cả nhà Hoài Đức theo cha ở phủ Tân Bình. Đến năm 1773, cha ông mất, bấy giờ ông lên 10 tuổi, đành theo mẹ cùng anh chị trở về quê cũ.[1]

Ba năm sau, vào năm 1776, Nguyễn Lữ đưa quân vào đánh Gia Định, chiếm thành Sài Gòn và 3 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, khiến chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy thoát về Bà Rịa (Đồng Nai). Chính trong tình hình chiến loạn như thế, Trịnh Hoài Đức chuyển nhà đến trấn Phiên An, được sự dạy dỗ của mẹ, ông theo thầy học tập.

Năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, mở phủ Nguyên soái, tuyển dụng nhân tài, ông cùng Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu… ra ứng thí và được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo[2]. Sau đó ông tham gia công tác khuyến nông ở các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định. Rồi được tham gia việc quân, giữ chức Ký lục trấn Định Tường rồi được chuyển làm Tham tri Hộ bộ[3].

Giữa năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi lấy hiệu Gia Long. Nhà Nguyễn cử đoàn sang sứ Trung Quốc đầu tiên, bèn phong Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Hộ bộ, sung làm chánh sứ, cùng Ngô Nhân Tĩnh và Huỳnh Ngọc Uẩn làm phó sứ sang sứ Trung Quốc[4].

Trịnh Hoài Đức trải hai triều Gia Long và Minh Mệnh giữ nhiều chức vụ quan trọng và được các vua Nguyễn trọng dụng. Tháng 2 năm 1825, Trịnh Hoài Đức mất. Vua cho bãi triều ba ngày và truy tặng chức Thiếu bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ (trật Chánh nhất phẩm), ban tên thuỵ là Văn Khác. Linh cữu ông được đưa về Gia Định chôn cất. Ngày đưa tang, vua cho Hoàng thân Miên Hoành đến nhà riêng vâng mệnh cho rượu, lại phái 400 quân Thần sách đưa đến bến đò sông Hương[5]. Linh cữu đưa về đến Gia Định, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành đến viếng[6].

Cuộc đời Trịnh Hoài Đức dẫu làm quan đạt đến đỉnh cao của danh vọng nhưng ông sống cuộc sống thanh liêm, giản dị. Những năm về già, ông mới được vua Nguyễn cho xây Quỳ viên ở cửa Đông thành để làm nhà riêng của ông tại Kinh.

Phần mộ của ông hiện toạ lạc ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hoà, cùng với phần mộ của vợ ông, được xây theo hình lân phục. Phía trước có câu đối: 山水有情成眷屬,乾坤無域是家鄕 “Sơn thuỷ hữu tình thành quyến thuộc, Càn khôn vô vực thị gia hương” (Non nước hữu tình thành quyến thuộc, Đất trời đâu chẳng là quê hương). Câu đối trước phần mộ ông như lời ông từng bày tỏ trong thơ:

致身從許國

到處便成家

Trí thân tòng hứa quốc,

Đáo xứ tiện thành gia. [7]

(Hành quán khiển hứng)

Đã đem thân mình đi đền ơn nước,

Thì nơi đâu cũng có thể xem là nhà.)

Tâm sự ấy luôn hiển hiện suốt tập thơ ông viết khi xuất sứ Trung Quốc như một minh chứng cho tấm lòng tận lực đền ơn quê hương đất nước, đáp trả lòng tin và sự hậu đãi của vua Nguyễn đối với ông.

2. Quan quang tập là một tập thơ trong toàn bộ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức viết trên đường đi sứ Trung Quốc từ giữa năm 1802 đến đầu năm 1804. Đó là khúc ca của một người đắc lộ thanh vân mang trọng vụ bang giao giữa hai nước Việt – Trung trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn. Bởi vậy, trong suốt tập Quan quang thường thấy phong thái ung dung tao nhã của một sứ thần Việt Nam trong giao tế, đối đáp với các nhân sĩ Trung Quốc và những tiết điệu tự hào dân tộc. Nhưng đằng sau đó, tâm thức ông vẫn luôn hướng về quê hương, trăn trở với từng động thái của nước nhà và nghĩ về ơn chúa. Tâm sự đó của ông phải được nói đến như một đặc điểm nổi bật trong tâm hồn người sứ thần Việt gốc Hoa đã sinh ra chịu ơn và thấm nhuần đạo lý văn hoá của dân tộc Việt tại mảnh đất miền Nam.

2.1. Với chức trách của một nhà ngoại giao buổi đầu của triều Nguyễn, Trịnh Hoài Đức đã ứng xử khéo léo đối với quan viên triều đình nhà Thanh khi họ không chịu phê chuẩn quốc hiệu, còn với tư cách là một văn sĩ khi giao lưu văn chương cùng các nhân sĩ Trung Hoa trong lần đi sứ năm Nhâm Tuất (1802) ông cũng tỏ ra lịch thiệp và tài hoa.

Trong tập Quan quang của ông, thơ đề tặng, xướng họa với các quan viên nhà Thanh rất nhiều, gần 1/3 của tập này, mà mỗi bài cũng mỗi vẻ, chứng tỏ ông là người lịch thiệp trong giao tế. Những quan viên nhà Thanh lúc bấy giờ vô cùng mến phục Trịnh Hoài Đức. Đồng thời nhân dân những nơi ông đến cũng rất có cảm tình với ông và với sứ đoàn Việt Nam. Đến đâu ông cũng có thơ đề tặng, ghi lại mối tình của mình đối với những quan nhân triều Thanh: Tặng Hổ môn tả dực tổng binh Hoàng Tiêu, Họa Vân Gian Diêu Kiến tú tài kiến tặng nguyên vận, Tặng Đông quan chánh đường Phạm Văn An, Tặng Việt thành bạn sứ Thái Thế Cao, …

Khi tặng thơ cho Tu chức lang tỉnh Quảng Tây, ông viết:

堯階出瑞蓂

四極共來庭

顧我眉無白

多君眼有青

Nghiêu giai xuất thụy minh,

Tứ cực cộng lai đình.

Cố ngã mi vô bạch,

Đa quân hữu nhãn thanh…

 (Tặng Quảng Tây tỉnh Tu chức lang Bành Tung Linh bạn sứ)

(Thềm vua Nghiêu mọc cỏ minh tốt đẹp,

Bốn phương cùng đến sân

Ông lo cho tôi chu đáo, lông mày không trắng,

Phần nhiều nhờ ông có con mắt xanh…)

Hoặc khi thơ tặng cho Tổng binh tả dực Hổ môn Hoàng Tiêu:

帥幕軒昂座上賓

黃君器宇迥風塵

虎門霜肅安邊畧

粵海氛銷禦徼巡

秉旄我是南來使

一揖清輝佩服頻

Súy mạc hiên ngang tọa thượng tân,

Hoàng quân khí vũ quýnh phong trần.

Hổ Môn sương túc an biên lược,

Việt Hải phân tiêu ngự kiểu tuần.

… Bỉnh mao ngã thị Nam lai sứ,

Nhất ấp thanh huy bội phục tần.

 (Tặng Hổ môn tả dực tổng binh Hoàng Tiêu)

(Trướng soái hiên ngang một vị khách trên chỗ ngồi,

Tướng mạo Hoàng quân thật khác hẳn vẻ phong trần…

Sương nơi núi Hổ Môn dày đặc, ông vẫn đi trị an,

Khi hơi biển Lưỡng Quảng tan, ông lại đi tuần.

… Tôi là người cầm cờ mao từ phương Nam đến,

Vừa vái dung quang, lòng luôn bội phục.)

Còn đối với các nhân sĩ thì ông làm thơ, hoạ thơ, đề vịnh lên tranh lên quạt tặng họ (Hoạ Vân gian Diêu Kiến tú tài nguyên vận, Chiết Giang giám sinh Lục Phụng Ngô cái đề trúc bạch phiến tam chi kiêm sách tặng (3 bài), Tặng Quế Lâm chính đường Phạm Lai Nhu tiền đông nghiêm hàn huệ tống sài thán nguyên tiêu náo hội phục bồi sứ đoàn quan đăng tích thừa tỉnh uỷ khuyến nông cáo hành nhân dĩ thi tặng, Đề Trường Sa tri huyện phiến diện Lý hàn lâm hoạ mai…), những bài thơ như thế vừa bày tỏ tình giao nghị giữa nhân sĩ hai nước vừa bộc lộ nét tài hoa của sứ thần Việt Nam.

Trong bài Sứ hành tự thuật, Trịnh Hoài Đức còn nói những chặng đường ông đã trải qua, những ứng biến của ông khi nói tiếng Quảng, khi nói tiếng Bắc Kinh, rồi lại nói chuyện ông phải để râu để giữ gìn quốc thể:

嶺海窮人跡

乘車復駕舟

手逢巡撫展[8]

鬚奉帝王留[9]

南北隨聲應[10]

江山有句酬

Lĩnh hải cùng nhân tích,

Thừa xa phục giá chu.

Thủ phùng tuần phủ triển,

Tu phụng đế vương lưu.

Nam bắc tùy thanh ứng,

Giang sơn hữu cú thù...

(Sứ hành tự thuật)

(Vùng biển núi Lĩnh chẳng thấy bóng người,

Đi xe rồi lại đi thuyền.

Tay này, gặp tuần phủ thì dang ra,

Râu này, vì phụng mệnh vua mà để dài.

Ở Nam hay ở Bắc đều tùy tiếng nói mà đối đáp,

Cảnh đẹp non sông, thì dùng thơ thù họa…)

Đoạn chú văn trong bài thơ sau đây cho thấy tài năng và phong thái của Trịnh Hoài Đức nói riêng cùng sứ đoàn Việt Nam nói chung rất được quan viên triều Thanh đánh giá cao: “Sứ đoàn đến tỉnh Hồ Nam, gặp mặt quan Tuần phủ Cao Kỷ, sau khi nói chuyện xong, Cao cầm lòng tay tôi, xem tướng chỉ tay, nhân hỏi rằng: Sứ bộ là người Nông Nại, cái tên Nông Nại ấy, xưa nay chưa từng nghe thấy, nay xem cách đi đứng nói năng của đoàn sứ bộ, thật là những người có văn hoá, giống với phong tục của Trung Quốc, so với sứ giả trước đây từ An Nam đến thật khác xa, ngỡ rằng Nông Nại là một nước xưa nào khác, văn học, phong tục, cương vực, thổ sản thế nào? Tôi bèn nói rành rọt hết, được đãi trà rồi lui. Thành Gia Định, thường gọi là Đồng Nai, thổ âm Quảng Đông gọi là Nông Nại. Đến khi quan Khổn thần là Tuần phủ Quảng Đông hỏi thăm biết được duyên cớ, khi lên đường, ông viết tấu là đoàn sứ nước ta là người Nông Nại, không phải là người Giao Chỉ An Nam như trước đây, cho nên những nơi sứ bộ đến, từ kinh, tỉnh, phủ, huyện đến sĩ dân, quan lại kiểm tra đều vì điều ấy mà tiếp đãi rất chu đáo, mà cái tên Nông Nại cũng được ghi chép vào sử quán vậy”.[11]

Mặc dù Trịnh Hoài Đức hết sức nhún nhường trong việc giao tiếp cùng các quan lại triều Thanh, nhưng trong lòng của ông vẫn luôn dạt dào niềm tự hào dân tộc. Dưới cái nhìn pha chút trào lộng, chuyến đi sứ của ông trở thành tiêu điểm của mọi người và mọi vật:

士夫刮目看旁道

草木傾心拜下風

Sĩ phu quát mục khan bàng đạo,

Thảo mộc khuy tâm bái hạ phong.

 (Đồ trung thư sự)

(Sĩ phu hai bên đường nhìn với vẻ nể trọng,

Cây cỏ cam lòng chịu làm kẻ hạ phong.)

Những bài thơ vịnh những trung thần lương tướng trong lịch sử Trung Quốc như Trương Lương, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Mã Viện hay Dự Nhượng… một là để ngợi ca cảm thán công nghiệp tài đức của họ nhưng cũng đồng thời gián tiếp bày tỏ lòng trung quân ái quốc của ông đối với triều Nguyễn... Bài thơ hoài cổ làm nơi đất Quảng của ông tuy nói chuyện xưa nhưng phải chăng trong đó có những ngụ ý về dân tộc:

牝馬禁前南自帝

褚衣賜後北尊君

黃昏祠冷龍川月

白晝關沈虎嶂雲

朝漢[12]尚畱當日氣

嵐煙晨夕散香薰

Tẫn mã cấm tiền Nam tự đế,

Trử y tứ hậu Bắc tôn quân.

Hoàng hôn từ lãnh Long Xuyên nguyệt,

Bạch trú quan trầm Hổ Chướng vân.

Triều Hán thượng lưu đương nhật khí,

Lam yên thần tịch tán hương huân.

(Việt trung hoài cổ)

(Trước khi ra lệnh cấm ngựa, (đất Nam Việt) phương nam đã tự xưng đế,

Sau khi ban áo bông, (nhà Hán) phía bắc mới phong vương.

Chiều tà, ngôi đền lạnh lẽo dưới bóng trăng Long Xuyên,

Ban ngày cửa ải chìm trong mây mịt mù núi Hổ.

Nơi đài chầu triều Hán (tuy chầu triều Hán), vẫn giữ hơi (khí khái) của ngày xưa,

Khói núi đêm ngày xông ra làm tan khói hương thơm.)

Hai câu thực của bài thơ trên vừa thực mà vừa luận. Chuyện của Triệu Đà nhưng cũng là chuyện của nước ta: bao đời xưa nay tự lập một cõi, xưng đế một phương trước khi được thiên triều thừa nhận. Hai câu kết cũng ẩn dụ khí khái của bậc đế vương phương Nam: dẫu chầu nhà Hán nhưng không chịu theo nhà Hán, giống như khí núi non lam chướng tuôn trào át cả khói hương bình thường.

Mặc dù trách nhiệm của người đi sứ là tạo quan hệ bang giao tốt đẹp cho hai nước nhưng điều đó không phải chấp nhận bằng bất cứ giá nào mà trên hết vẫn phải giữ được lòng tự tôn và chủ quyền dân tộc. Do đó, trên đường đi sứ về nước, qua ải Nam Quan, Hoài Đức vẫn không quên nhắc lại chuyện xưa về lam chướng nơi đất Việt, đó là một kiểu nhắn gởi kẻ có ý đồ xâm lược, một kiểu khẳng định cương vực chủ quyền của dân tộc:

寄語瘴嵐今似昔

飛鳶跕跕墜洪波

… Ký ngữ chướng lam kim tự tích,

Phi diên thiếp thiếp trụy hồng ba.

(Sứ bộ xuất Nam Quan hồi quốc khẩu chiếm)

(… Nhắn gửi rằng lam chướng đất này, nay vẫn như xưa,

Chim diều hâu bay lượn thường bị rơi xuống làn sóng lớn.)

Chỉ với câu nói này, Trịnh Hoài Đức đã thật sự mang tinh thần và tình cảm của người đang sống trên vùng đất Nam Bộ Việt Nam và hơn thế, ông đúng là một người con dân Đại Việt thật sự. Tinh thần và tình cảm ấy sẽ được minh chứng tiếp bằng những vần thơ chất chứa những nỗi niềm ưu ái về vua, về đất nước, quê hương, gia đình và bè bạn…

2.2. Bên cạnh phong thái ung dung, lịch thiệp và tài hoa thường thấy ở các sứ thần, trong hành trình đi sứ, Trịnh Hoài Đức luôn mang trong lòng những tâm sự: ông đau đáu về ơn tri ngộ của vua Nguyễn, thao thức với nỗi nhớ quê hương và trằn trọc với tình nhà.

Tháng 5 năm 1802, sứ đoàn Việt Nam do Trịnh Hoài Đức dẫn đầu sang Trung Quốc để nộp ấn sách và áp giải bọn giặc biển Tề Nguy sang Quảng Đông. Chuyến đi sứ lần này lúc đầu gặp bão, mãi sau đến được Quảng Đông thì lại phải chờ sứ đoàn thỉnh phong của Lê Quang Định dẫn đầu. Do đó, hành trình đi sứ kéo dài khiến cho Trịnh Hoài Đức thêm lo lắng nôn nóng cho nhiệm vụ của ông lẫm trong tâm trạng nhung nhớ ngóng đợi người thân:

星軺粵地軏猶懸

程路艱難歲序遷

妻子別來三閱載

弟兄望處一方天

Tinh thiều (diêu) Việt địa ngột do huyền,

Trình lộ gian nan tuế tự thiên.

Thê tử biệt lai tam duyệt tải,

Đệ huynh vọng xứ nhất phương thiên.

 (Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài)

(Xe sứ đến đất Quảng, cứ chần chừ nơi đây (trục xe treo ngược lên),

Lộ trình nhiều khó khăn, năm tháng cứ thế trôi qua.

Cách biệt vợ con đến nay đã ba năm,

Anh em luôn mong ngóng, cách trở một phương trời.)

Trong hành trình đi sứ, ơn vua ơn nước trĩu nặng trong lòng ông, nhất là khi việc đi sứ trì trệ:

Quân quốc vị thù ân nghĩa trọng,

Tuế thời hưu giảo biệt li đa.

Thôi song cao hoán chiêu chu tử,

Khởi đĩnh phi nghiêu cấp độ hà.

 (Đông nguyệt do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây tỉnh…, 20)

(Ơn vua ơn nước còn mang nặng chưa đền đáp,

Năm tháng xa cách còn dần dà chưa về.

Đẩy cửa cao giọng gọi lái đò,

Nhổ neo giương buồm gấp gấp vượt sông.)

Nỗi lòng của bầy tôi hướng về chúa công được thể hiện rất nhiều trong thơ của Trịnh Hoài Đức. Tình cảm ấy vừa chân thành vừa mộc mạc, nhớ vua trong đêm ba mươi, than thở cho việc không được chúc tụng vua trong ngày lễ đầu năm:

明日椒花難遠獻

旅亭臣子嘆蹉跎

Minh nhật tiêu hoa nan viễn hiến,

Lữ đình thần tử thán tha đà.

(Quế Lâm trừ dạ)

(Ngày mai, thần đang ở nơi xa, khó dâng hoa tiêu ngày tết,

Nơi đình trọ, phận tôi thần than thở nỗi luân lạc dần dà ở đất khách.)

Dầu giữa nơi đất tổ (bởi ông gốc người Minh Hương) nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn thấy mình lạc giữa đất khách, vẫn mong được về nhà, về quê hương Việt Nam:

Thâm thâm lữ nhạn độ nam quan,

Ngã thượng li gia vị tạm hoàn.

 (Đông nguyệt do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây tỉnh…, 15)

(Từng đàn nhạn bay qua cửa ải Nam quan,

Mà ta còn xa nhà, chưa về được.)

Vẫn bày tỏ nỗi niềm khi mình chưa được trở về quê hương, nhưng vì việc công, việc nước, Trịnh Hoài Đức không dám oán trách than vãn nỗi cách xa người thân:

Tuế mộ Ba giang[13] giang thượng quá,

Cảm tương công sự thán li quần.

 (Đông nguyệt do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây tỉnh…, 12)

(Cuối năm ta lại vượt qua sông Ba giang,

Đâu dám vì việc công mà than thở nỗi cách xa.)

Và cũng chính vì thế mà ông không ngại xông pha vì vua vì nước:

Lố thấy chín trùng chưa khỏe gối

Dám đâu mình chịu phận thung dung

(Gặp bạn trên đường đi sứ, 7)[14]

Như lời ông nói với Ngô Nhân Tĩnh: 主憂臣莫奈頻勞 Chủ ưu thần mạc nại tần lao (Tống Binh bộ Tham tri Tĩnh Viễn Hầu Ngô Nhữ Sơn phụng sứ tự dẫn) (Chúa công còn đang lo lắng, thì bầy tôi cũng chẳng nề hà chuyện cứ luôn mệt nhọc).

Hơn thế, Trịnh Hoài Đức càng không ngại dẫu phải quỳ lạy nơi xứ người để làm trọn bổn phận của bầy tôi đi sứ, hoàn thành nhiệm vụ:

江山莫比蘓張笑

爲國何妨暮敂燕

Giang sơn mạc tỷ Tô Trương tiếu,[15]

Vị quốc hà phương mộ khấu Yên.

 (Linh Xuyên huyện ký hứng)

(Sông núi chớ đem so với Tô Tần, Trương Nghi,

Vì việc nước, nào ngại phải cúi lạy giữa xứ người.)

Đó có lẽ cũng là điều mà Ngô Nhân Tĩnh bạn ông từng nói:

事百年餘大義伸

行藏隨遇敢尤人

也知有命當微服

只爲求仁且屈身

Sự bách niên dư đại nghĩa thân,

Hành tàng tuỳ ngộ cảm vưu nhân.

Dã tri hữu mệnh đương vi phục,

Chỉ vị cầu nhân thả khuất thân.

 (Ngô Nhân Tĩnh, Đồng Trần Tuấn, Hà Bình, Xích Hạ chu trung tạp vịnh, 1)[16]

(Cố sức phò nghĩa lớn hơn trăm năm,

Tuỳ thời mà làm quan hay về nghỉ, chuyện ấy nào dám so cùng người ta.

Cũng biết có mệnh nên ta phải tuân theo,

Chỉ vì mong cầu điều nhân nên mới chịu cúi mình.)

Nhớ vua nhớ nước, nhớ quê nhớ nhà và nhớ người thân là đặc điểm dễ thấy trong thơ của những người xa quê xa đất nước. Trịnh Hoài Đức cũng mang nhiều tâm sự thường tình ấy, nhưng ông biết đặt công việc nước lên trên tình nhà, làm việc nước trước, giải quyết tình nhà sau theo kiểu nhà Nho. Cũng có lúc tự nhìn lại chợt thấy thẹn cho mình vì không lo được việc nhà:

星使間關淹驛館

荊妻貧病隔方天

經營壯志迷如我

弧矢生初笑浪懸

… Tinh sứ gian quan yêm dịch quán,

Kinh thê bần bệnh cách phương thiên.

Kinh doanh tráng chí mê như ngã,

Hồ thỉ sinh sơ tiếu lãng huyền.

(Lữ thứ hoa triêu)

(Cờ sứ cách trở lần lữa nơi dịch quán,

Người vợ thuở hàn vi lại bị bệnh ở phương trời xa.

Chí trẻ mưu sự kinh luân tế thế của ta thật lầm lẫn,

Cung tên treo lên thuở mới sinh, chợt cười đã thành chuyện hão.)

Những tháng ngày nơi đất khách, Hoài Đức thấy đâu cũng buồn, nghe tiếng sáo mà lòng như thổi bùng ngọn lửa nhớ quê hương, như quặn lòng chín khúc:

久作他鄉客

那堪折柳聲

愁同江九曲

江曲遶江城

Cửu tác tha hương khách,

Na kham chiết liễu thanh.

Sầu đồng giang cửu khúc,

Giang khúc nhiễu giang thành.

 (Tương hành tạp vịnh, Văn địch)

(Tha hương làm khách mãi,

Chiết liễu điệu xui lòng.

Chín khúc sông sầu nhớ,

Quanh thành sông lượn vòng.)

Lên chơi lầu ở Trường Sa, nỗi nhớ quê lại đến:

停盃日暮歸帆遠

詩思蕭騷故國秋

Đình bôi nhật mộ quy phàm viễn,

Thi tứ tiêu tao cố quốc thu.

(Đăng Trường Sa Củng Cực lâu lưu đề)

(Buổi chiều tối trông những cánh buồm về xa tít, ta dừng chén rượu,

Thi tứ buồn bã nhớ đến mùa thu nơi quê hương.)

Khi nhàn rỗi dạo chơi còn nhớ quê đến thế, huống gì khi ông nằm bệnh. Cảnh nằm bệnh tự thương cảm cho thân mình mà vẫn không quên trách nhiệm vua giao. Tâm lý người bệnh bao giờ cũng dễ nhớ quê, nên hồn mộng luôn hướng về quê hương:

道遠間關任重擡

自傷孱弱備風埃

誰就萍蓬靈藥惠

夢旋桑梓曙鐘催

秋天若憫勤勞客

五雨凉風早送囘[17]

Đạo viễn gian quan nhậm trọng đài,

Tự thương sàn nhược bị phong ai.

… Thuỳ tựu bình bồng linh dược huệ,

Mộng tuyền tang tử thự chung thôi.

Thu thiên nhược mẫn cần lao khách,

Ngũ vũ lương phong tảo tống hồi.

 (Khai Phong phủ hành quán lập thu bệnh trung ngâm)

(Đường xa cách trở núi non, ta lại gánh vác trách nhiệm nặng nề,

Tự thương cho mình yếu ớt phải dầu dãi gió bụi.

… Ai mang thuốc linh nghiệm cho tấm thân như bèo trôi bồng gãy này?

Giấc mộng khách theo tiếng chuông sớm giục bay vào cõi quê hương.

Trời thu dường như cũng thương xót người khách chịu nhiều mệt nhọc,

Suốt năm canh làm mưa gió mát để đưa tiễn ta về sớm.)

Với Việt Nam, Trịnh Hoài Đức xem là quê hương, là quê cha đất tổ của mình. Trong thơ của Trịnh Hoài Đức, ngoài những bài nói về nỗi nhớ quê hương thông thường còn một bộ phận gọi đích danh địa danh quê hương Nam Bộ và đích danh đất nước. Điều đó chứng tỏ, tác giả dành hết tình cảm cho đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, thơ Trịnh Hoài Đức có thể hoà chung vào dòng thơ yêu nước của dân tộc.

3. Trịnh Hoài Đức không những là một sứ thần của triều Nguyễn mà hơn hết ông là con dân của nước Việt. Chính điều ấy khiến cho thơ của Trịnh Hoài Đức chất chứa nhiều tâm sự khi ông rời đất nước đi sứ Trung Quốc (quê cha đất tổ của ông). Chưa nói đến bộ phận thơ được ông sáng tác trong lúc tránh loạn ở Cao Miên hay làm khi ông nhận chức Ký lục ở tỉnh Định Tường, Nam Bộ, mà chỉ riêng bộ phận sáng tác trên đường đi sứ của ông, ta vẫn nghe hơi thở tình cảm thật sự của người dân Việt, hoàn toàn không có hơi hướm của một kẻ gửi thân nơi xứ Nam Bộ như lý lịch của ông. Chính điều đó làm nên một Trịnh Hoài Đức nồng nàn tình cảm, gắn bó yêu mến quê hương và con người Nam Bộ, và cũng chính nó khiến thơ ông được người đương thời xưng tụng, đồng thời có một vị trí xứng đáng trong văn học sử Nam Bộ và toàn dân.

 

TP. Hồ Chí Minh, 8-2011

L.Q.T

 

 

Thư mục tham khảo chính:

 

1.            黎光定,華原詩草,艮齋藏版,明命三年孟春鎸, (1822), Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, ký hiệu A.779.

2.            吴仁静,拾英堂詩集,艮齋藏版,明命三年孟春鎸, (1822), Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, ký hiệu A.779.

3.            鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸, (1819), Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, ký hiệu A.3139.

4.            鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸,(1819), Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, ký hiệu A.780. 

5.            鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸,(1819), Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ, ký hiệu A.1392.

6.            鄭懷德,艮齋詩集,陳京和介绍,東南亞研究所編東南亞研究所編选,新亞研究所出版,香港 , 1962.

7.            Đinh Gia Khánh (cb), Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB Giáo dục, 2004.

8.            Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Văn học - Báo chí - Giáo dục, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

9.            Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 1, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục, 2004.

10.        Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục, 2004.

11.        Quốc sử quán triều Nguyễn,  Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, tập 2, Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, Viện Sử học Việt Nam và Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005.

12.        Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch tiếng Việt của Quốc sử quán, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1998.

13.        Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng biên dịch, Nxb. Đồng Nai, 2005.

 



[1] Theo Tự tự, Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 1, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.237.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 1, sđd., tr.248, 314, 371.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 1, sđd., tr.419, 495.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.402.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, tập 2, Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, Viện Sử học Việt Nam và Nxb. Thuận Hoá, Huế 2004, tr.214.

[7] Các bài thơ trích dẫn trong đây đều được rút từ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, ký hiệu A.780, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ.

[8] Nguyên chú: 使到湖南省贄見巡撫高紀,坐談之餘,高執余手掌,相視花紋,因問使部係農耐人,其農耐之名,古無聞見,今觀使部語默舉動,衣冠人物,有中國之風,與從前安南來使大有天淵之判得無農耐別是一古何國,其文學風俗封域土産若何余一一清答,待茶而退蓋嘉定城俗名仝狔,廣東土音呼爲農耐致廣東督撫閫臣詢知緣由別行摺奏以我國爲農耐人,非昔年安南交趾人一般,故使部所至,京省府縣並以此核查官吏士民亦以此厚加看待,而農耐之名已書於史館矣(Sứ đoàn đến tỉnh Hồ Nam, gặp mặt quan Tuần phủ Cao Kỷ, sau khi nói chuyện xong, Cao cầm lòng tay tôi, xem tướng chỉ tay, nhân hỏi sứ bộ là người Nông Nại, cái tên Nông Nại ấy, xưa nay chưa từng nghe thấy, nay xem cách đi đứng nói năng của đoàn sứ bộ, thật là những người có văn hoá, giống với phong tục của Trung Quốc, so với sứ giả trước đây từ An Nam đến thật khác xa, ngỡ rằng Nông Nại là một nước xưa nào khác, văn học, phong tục, cương vực, thổ sản thế nào? Tôi bèn nói rành rọt hết, được đãi trà rồi lui. Thành Gia Định, thường gọi là Đồng Nai, thổ âm Quảng Đông gọi là Nông Nại. Đến khi quan Khổn thần là Tuần phủ Quảng Đông hỏi thăm biết được duyên cớ, khi lên đường, ông viết tấu là đoàn sứ nước ta là người Nông Nại, không phải là người Giao Chỉ An Nam như trước đây, cho nên những nơi sứ bộ đến, từ kinh, tỉnh, phủ, huyện đến sĩ dân, quan lại kiểm tra đều vì điều ấy mà tiếp đãi rất chu đáo, mà cái tên Nông Nại cũng được ghi vào sử quán vậy).

[9]Nguyên chú: 余欽命時奉上諭留鬚以重國體 (Khi tôi nhận mệnh đi sứ, phụng chỉ dụ của hoàng thượng để râu để gìn quốc thể).

[10] Nguyên chú: 使到廣西通事陳貴病死,余初以廣東語應酬,後漸熟北音官話,凡當官問答,余自應之一路如此 (Sứ đoàn đến tỉnh Quảng Tây, người giữ việc thông dịch là Trần Quý bị bệnh chết, tôi lúc đầu dùng tiếng Quảng Đông để đối đáp, sau dần dà quen cả tiếng quan thoại Bắc Kinh, phàm khi làm việc đối đáp, tôi đều tự ứng đáp, suốt chặng đường đều như thế cả.)

[11]使到湖南省贄見巡撫高紀,坐談之餘,高執余手掌,相視花紋,因問使部係農耐人,其農耐之名,古無聞見,今觀使部語默舉動,衣冠人物,有中國之風,與從前安南來使大有天淵之判得無農耐別是一古何國,其文學風俗封域土産若何余一一清答,待茶而退蓋嘉定城俗名仝狔,廣東土音呼爲農耐致廣東督撫閫臣詢知緣由別行摺奏以我國爲農耐人,非昔年安南交趾人一般,故使部所至,京省府縣並以此核查官吏士民亦以此厚加看待,而農耐之名已書於史館矣

[12] Nguyên chú: 臺名 (Triều Hán là tên ngôi đài). Tức đài chầu nhà Hán của Triệu Đà.

[13] Ba Giang: sông Ba Thuỷ, ở Hà Nam.

[14] Dẫn theo tài liệu riêng của Cao Tự Thanh cung cấp.

[15] Tô, Trương: tức Tô Tần và Trương Nghi, hai người là bạn thân, đều là những du thuyết giỏi thời Chiến quốc. Hai câu cuối ý nói, tác giả không giống như Tô Tần và Trương Nghi đi thờ nước khác.

[16] Rút từ tập Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, ký hiệu A.779, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ.

[17] Nguyên chú: 時節雖立秋而氣尚炎暑故病有燥熱之悶 (bấy giờ tiết trời tuy đã vào thu, nhưng thời tiết còn nắng nóng, nên bệnh, lại có nỗi buồn nóng lòng).

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website