Nguyễn Thông – người thầy phát huy học phong Nam Bộ

(Lê Quang Trường, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14 (68), THÁNG 11 NĂM 2013)  

TÓM TẮT

Nguyễn Thông không chỉ là một nhà thơ lớn của Nam Bộ, ông còn là một người thầy đáng kính, một người làm quản lý giáo dục có nhiều đóng góp về giáo dục ở vùng đất này. Ông là người tiếp tục và phát huy học phong Nam Bộ - một truyền thống học vấn khởi đi từ Võ Trường Toản, chú trọng ở nghĩa lý, chứ không trọng từ chương, đề cao đạo lý, chú trọng thực thực tiễn và vị đời. Bài viết này bước đầu đi vào tìm hiểu vấn đề đó.

***

Nguyễn Thông (1827-1884), trước có tên là Nguyễn Thới Thông, sau đổi lại là Nguyễn Thông, tiểu danh là Thiệu, tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên lão nhân, biệt hiệu Độn Am, Đạm Trai. Sinh tại thôn Bình Thanh, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An). Cha ông là Nguyễn Thới Hanh, hiệu là Tú Viên cư sĩ, một nhà nho nghèo, thi cử không đỗ đạt nên về dạy học tại nhà, cũng nhờ thế Nguyễn Thông từ nhỏ được sống trong môi trường học hành dưới sự giáo dục của cha. Năm Nguyễn Thông lên mười, mẹ ông là bà Trịnh Thị Mầu mất (1837), sáu năm sau, cha ông mất (1843). Nguyễn Thông có 4 người em (1 em trai 3 em gái), gánh nặng gia đình đè nặng lên vai ông. Sau thời gian cư tang, năm 1846, Nguyễn Thông ra Huế học. Năm 1849, Nguyễn Thông thi đỗ Cử nhân trường Gia Định. Năm 1851, Nguyễn Thông dự kỳ thi Hội, nhưng do quyển thi lấm mực, ông bị đánh hỏng. Do gia cảnh nghèo Nguyễn Thông đành phải nhận chức Huấn đạo ở huyện Phong Phú tỉnh An Giang, bắt đầu con đường làm quan của mình từ chức học quan ở một huyện nhỏ.

Cuộc đời làm quan của Nguyễn Thông với triều Nguyễn tuy không giữ được những chức vụ cao để đóng góp một cách hiệu quả hơn trong công cuộc cứu nước giúp dân, nhưng lại là một cuộc trải nghiệm thực tế một cách phong phú. Ông từng trải chức học quan như Huấn đạo ở huyện Phong Phú, tỉnh An Giang (1851-1856), Hàn lâm viện tu soạn (1856), làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long (1862-1867), làm Án sát tỉnh Khánh Hoà (1867), rồi làm Biện lý bộ Hình (1868), làm Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi, thời gian này ông từng đi kinh lý thuỷ lợi ở Quảng Ngãi (1869), làm Chủ sự ty thù ứng ở bộ Lễ (1874), lại lãnh chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (1876), chức Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận, Bố chánh tỉnh Bình Thuận (1877), Điển nông phó sứ kiêm Đốc học (1881-1884) cho đến cuối đời ông mất tại Ngoạ du sào tỉnh Bình Thuận trong cơn bệnh nặng.

Trong thời gian làm quan của mình, Nguyễn Thông cũng từng có thời gian tòng quân đánh giặc Pháp dưới trướng của Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp bằng tất cả lòng yêu nước yêu quê hương. Những suy nghĩ và tình cảm của ông đối với quê hương, đất nước, đối với nhân dân được kết tinh trong thơ ca, cũng như những quan niệm về thơ ca của ông chính là kết quả của những hoạt động đa lĩnh vực và trực tiếp dấn thân.

Dầu trải nhiều chức vụ trong nhiều lĩnh vực, Nguyễn Thông rốt cuộc và cơ bản cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không chỉ với thời gian lâu nhất mà còn tạo ra được vài thay đổi, tuy nhỏ, nhưng chính nó đã thể hiện một cách nhìn, một kiểu học phong ở Nam Bộ mà trước ông, Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản là người đã khơi nguồn.

Kể từ Võ Trường Toản, một nhà nho chuyên tâm nghiên cứu sách Đại học và cũng là người chịu ảnh hưởng tư tưởng Dương Minh học đầu tiên ở Nam Bộ đã khơi nguồn một học phong phóng khoáng và thực dụng (hiểu theo nghĩa vận dụng những sở học của mình để thi hành làm ích lợi cho nhân dân cho đất nước), không chuộng lối học tầm chương trích cú, học để thi cử làm quan, lo làm lợi bản thân. Võ Trường Toản là người đã đào tạo ra hàng loạt nhân tài cho triều Nguyễn trong buổi đầu giành lại và xây dựng chính quyền như Ngô Tòng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Phạm Đăng Hưng… Các sĩ phu thời sau nhiều người nối tiếp truyền thống đó tôn Võ Trường Toản là bậc thầy chung của học phong Nam Kỳ trong đó phải kể đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông…

Năm 1862, Nguyễn Thông được đề cử làm Đốc học tỉnh Vĩnh Long trong khi Pháp đang tiến hành đánh chiếm các tỉnh và triều đình phải cắt đất ba tỉnh miền đông Nam Kỳ giao cho chúng. Bốn năm sau, 1866, văn miếu Vĩnh Long hoàn thành với sự nỗ lực rất lớn của vị quan đứng đầu sở giáo dục tỉnh Nguyễn Thông và các sĩ phu như một biểu trưng cho học phong Nam Bộ. Nguyễn Thông là người viết bài Văn miếu tân kiến ký và cũng chính ông và Phan Thanh Giản, cùng các nho sĩ trong sáu tỉnh Nam Bộ chủ trương dời hài cốt của Võ Trường Toản từ Bình Dương (Gia Định) về cải táng ở thôn Bảo Thạnh (thuộc Bến Tre) để người thầy chung của tầng lớp sĩ phu Nam Bộ không phải nằm trên mảnh đất bị thực dân chiếm đóng (năm 1867). Nguyễn Thông với tư cách là quan Đốc học tỉnh được đề cử làm chủ tang của lễ này.

Nguyễn Thông trong bài thơ Đinh Mão tam nguyệt nhị thập bát nhật, thiên táng Sùng Đức Võ phu tử, thuật sự húc đồng học chư tử một mặt ca ngợi tài học và đức độ của Võ Trường Toản là sư biểu của Nam Bộ:

Phu tử sinh ra sau hàng ngàn năm

Mà như gần cạnh cung tường nơi sông Thù sông Tứ

Một quyển Đại học phát huy yếu chỉ tinh vi

Rực rỡ như dòng sông Hán ngời ngời trên trời thu

Trời sinh bậc đại hiền để dạy dỗ cho đời

Công nghiệp không phải ở chỗ làm quan cho triều đình

Các ông môn đệ được trao tâm pháp

Đều là những người sửa sang non bể, nâng đỡ hoàng gia…[1]

một mặt để khuyên răn các học trò của mình hãy kế thừa và phát huy học phong ấy:

Mây núi Thái Sơn bắt đầu từ chỗ dày một tấc

Nguồn sông Đại Hà có thể từ chỗ tràn cái chén

Công phu học lên quý ở chỗ tích luỹ

Chớ làm như người theo nhiều ngã rẽ để đến nỗi mất dê

Dấu thơm của tiền hiền may mà chưa mất hết

Người sau có thể kế tục, ta còn mong gì hơn [2]

Việc làm này của Nguyễn Thông có thể nói đã có những tác động đến giới trí thức Nam Bộ bấy giờ, nối thêm nguồn mạch học phong của Nam Bộ.

Sau Võ Trường Toản, sau người cha của mình, Phan Thanh Giản được Nguyễn Thông xem như bậc thầy. Chi tiết này được Nguyễn Thông viết trong Gia ước, điều thứ bảy, vào năm (1877), tức là 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự tử (1867) như sau: “Ta thuở nhỏ kế thừa cái học của ông cha, sau khi làm quan thờ Lương Khê tiên sinh (người Vĩnh Long) làm thầy.”[3] Điều đó cho thấy tình cảm Nguyễn Thông đối với Phan Thanh Giản người chịu nhiều dư luận trong một bối cảnh đầy phức tạp.

Sau những trải nghiệm phong phú của mình, những lần dấn thân mang gươm tòng quân với mong ước cứu dân cứu nước, với những chức vụ án sát, bố chánh ở các nơi sau đó, những lần dâng sớ kiến nghị đề xuất các biện pháp cải cách và đặc biệt là một thời gian dài giữ các chức vụ liên quan đến công tác giáo dục,tư tưởng xây dựng học phong thực dụng Nam Bộ càng bộc lộ thể hiện trong thơ văn của ông.

Với Nguyễn Thông lối học và sáng tác nghệ thuật phải bắt mạch từ đời sống. Do đó, ông không tán thành lối viết chỉ bám tư tưởng sáo mòn cũ kỹ, tầm chương trích cú, hoa mỹ vô thực. Có thể nói câu thơ trong bài thơ Nhàn cư kiểm thư vị độc vật sở thíchkhái quát được su nghĩ đó của ông:

Quái thay sách cổ mà lưu độc

Chích trúng tay đau tưởng chết người [4]

Nguyễn Thông phê phán lối văn chương hoa mỹ mà trống rỗng, thiếu sinh khí của cuộc sống, mà chỉ nhai lại cái bã văn chương của cổ nhân. Tư tưởng ấy được thể hiện khi Nguyễn Thông nói: “Thông sinh ở vùng sông chằm lau lách nơi Nam Trung, văn chương cũng giống như quê hương”[5] (Phục Trúc Đường Đại tư nông Phạm công thư).

Ông phê phán các văn sĩ “chưa từng trải việc mà thích bàn tới việc, dấu chân không ra khỏi cổng làng  mà luận bàn xa xôi đến cả phong thổ chín châu, công nghiệp không ra tới dân chúng một vùng mà muốn sánh ngang các bậc hiền nhân quân tử trên đời”[6] (Phục Trúc Đường Đại tư nông Phạm công thư).

Quan niệm về văn chương của Nguyễn Thông mang đậm tính truyền thống và phong cách nghệ thuật địa phương của văn học vùng Nam Bộ.

Nguyễn Thông không những là một người thầy, người quản lý giáo dục, mà ông còn là một nhà thơ nổi tiếng ở Nam Bộ. Sáng tác của Nguyễn Thông gắn liền với những đặc trưng của bối cảnh xã hội của vùng đất mà ông đã trải qua. Bằng chính những trải nghiệm của mình, Nguyễn Thông không chỉ mong muốn nối dài học phong trọng thực dụng và vị đời ở Nam Bộ mà còn muốn nó được lan toả trong cả nước nhằm chấn chỉnh hiện tượng tầm chương trích cú sáo rỗng thời bấy giờ.

 

LQT

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Thước, Phạm Khắc Khoan trích dịch (1962), Thơ văn Nguyễn Thông, NXB. Văn hoá, Hà Nội
  2. Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang trích dịch và giới thiệu (1984), Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở Văn hoá Thông tin Long An xuất bản
  3. Website Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Long An:

http://www.longan.gov.vn/chinhquyen/sovhtt/Pages/DiTichNguyenThong.aspx

 

NGUYEN THONG – A TEACHER MAINTAINING

THE SCHOLARLY SPIRIT OF SOUTHERN VIETNAM

Abstract

Not only was Nguyen Thong a prominent poet in Southern Vietnam, but he also was a respected teacher and educational manager whose contribution to Southern Vietnamese education was held in high regards. He maintained and developed the scholarly spirit of Southern Vietnam, which was initiated by Vo Truong Toan and focusing on ethical rules and practical purposes rather than mere words in books. This article studies that scholarly spirit and the meaningful life of  Nguyen Thong.



[1]Tác phẩm Nguyễn Thông, Cao Tự Thanh-Đoàn Lê Giang trích dịch và giới thiệu, Sở Văn hoá Thông tin Long An xuất bản, 1984, tr.116

[2]Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd., tr.117

[3]Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd., tr.293

[4]Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd., tr.173

[5]Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd., tr.211

[6]Tác phẩm Nguyễn Thông, sđd., tr.212

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website