Ngày 28 tháng 11 năm 2009, tại VP Khoa Văn học và Ngôn ngữ, đề tài Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX do PGS.TS. Đoàn Lê Giang làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu. Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Nguyễn Văn Hạnh làm chủ tịch đã đánh giá đề tài đạt mức độ “Tốt” (mức cao nhất).
Đề tài Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là đề tài cấp trọng điểm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Các thành viên tham gia đề tài có: Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, TS. Cao Xuân Mỹ, TS. Đào Ngọc Chương, ThS. Đào Thị Diễm Trang, ThS. Hồ Khánh Vân, ThS. La Mai Thi Gia, TS. Lê Ngọc Thúy, ThS. Lê Thị Hoài Thương, TS. Lê Thị Thanh Tâm, ThS. Lê Thụy Tường Vy, PGS.TS. Lê Tiến Dũng, CN. Lưu Hồng Sơn, PGS. Mai Cao Chương, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, ThS. Nguyễn Hà, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê, GS. Nguyễn Văn Trung, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, ThS. Nguyễn Thị Tố Thy, ThS. Phan Mạnh Hùng, ThS. Phan Minh Thùy, TS. Tào Văn Ân, Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hồng, TS. Võ Văn Nhơn, và hàng mấy chục cộng tác viên khác nữa.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đi tìm tài liệu ở các thư viện có liên quan ở TP.HCM, Hà Nội; thực hiện điền dã ở hàng chục địa điểm ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Hà Tiên…để sưu tầm tư liệu các tác giả văn học Nam bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX; sau đó đã tổ chức hội thảo lớn “Văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX – đầu TK.XX” mời con cháu các nhà văn Nam Bộ cùng nhiều học giả ở các cơ quan nghiên cứu lớn tham gia: Viện Văn học, Đại học KHXH và NV Hà Nội, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM…
Đây là lần đầu tiên văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX – đầu TK.XX được nghiên cứu tập trung với quy mô rộng lớn, với sự tham gia đông đảo của người nghiên cứu, với nguồn kinh phí khá lớn. Công trình đã sưu tập được khoảng 500 đầu sách của 54 tác giả, khảo sát khoảng 30 tờ báo, trong đó lập thư mục khoảng 15 tờ báo quan trọng. Những kết quả ấy được thể hiện thành:
1) Một bộ tư liệu gốc gồm 25 hộp cho từng tác giả, nhóm các tác giả và nhóm vấn đề. Tư liệu ấy bao gồm: tác phẩm (nhất là những bản in đầu, hoặc ít ra là bản in năm 1945), bài viết về tác giả, hình ảnh …
2) Một bộ đĩa CD lưu trữ những bản gốc quan trọng nhất và hình ảnh quý hiếm
3) Một tập sách nghiên cứu đánh giá chung về văn học Nam bộ, dày khoảng 350 trang và gần 500 trang cho 2 tập tư liệu rất quan trọng kèm theo.
Việc nghiên cứu về các nhà văn Nam Bộ giai đoạn đầu như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử, Phan Thị Bạch Vân, Nguyễn Văn Vinh, Bửu Đình, Trần Quang Nghiệp…đã tiến được được một bước dài, có tính chất quyết định. Đề tài đã có gần 50 NCS, HVCH, SV tham gia nghiên cứu, làm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận TNĐH, NCKH SV góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.