GIÁO SƯ- TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN HẠNH Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học tài năng, tâm huyết

     Giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1931 tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1953, giáo sư được Liên khu ủy Khu V cử ra miền Bắc học tập. Năm 1955, ông vinh dự được nhà nước cử sang Liên Xô học đại học tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Tốt nghiệp đại học, giáo sư tiếp tục ở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1963, về nước, công tác tại Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Lí luận văn học. Ở tuổi 30, với học vị phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), trái tim tràn đầy nhiệt huyết, lại được đào tạo bài bản tại một trường đại học danh tiếng ở Liên Xô, giáo sư là cánh chim đầu đàn trong giới nghiên cứu khoa học xã hội ở miền Bắc những năm 60-70. Từ năm 1965, với cương vị là  Chủ nhiệm bộ môn Lí luận văn học, ông là một trong những người chủ trì và tham gia biên soạn bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học ( 4 tập, xuất bản từ 1965-1971). Đây là một trong 3 công trình lý luận văn học đầu tiên (Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Nguyên lý lý luận văn học của Nguyễn Lương Ngọc) vận dụng các nguyên lý, các khái niệm do các học giả Xôviết đưa ra để xây dựng bộ giáo trình lí luận văn học của Việt  Nam, giải thích những vấn đề thực tiễn trong lịch sử văn học nước ta. Những bài viết của ông như: Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống ( đăng trên tạp chí Văn học, 1970), Suy nghĩ về văn học

( tiểu luận, phê bình, 1972), Suy nghĩ về một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học ( 1974),…đề cập đến những vấn đề như: đặc trưng, chức năng của văn học, vai trò của chủ thể sáng tạo, cấu trúc tác phẩm văn học, vai trò của độc giả trong tiếp nhận văn học,… thể hiện sự nhạy bén của nhà nghiên cứu trong việc tiếp cận những vấn đề cốt lõi trong nhận thức và nghiên cứu văn học từ trước đến nay.

     Sau năm 1975, ông được Trung ương Đảng  cử vào miền Nam công tác, giữ các cương vị: Trưởng Ban phụ trách Viện Đại học Huế (1975-1977), Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế (1977-1981). Từ năm 1981 đến 1990, ông được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983-1987), Phó trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ  Trung ương (1981-1983; 1987-1990). Trong hoàn cảnh miền Nam vừa giải phóng, với nhiều biến động phức tạp của đất nước sau cuộc chiến tranh kéo dài, được giao nhiệm vụ phụ trách một trường đại học ở phía Nam như Viện Đại học Huế, để ổn định tình hình, người lãnh đạo không chỉ có năng lực chuyên môn giỏi mà còn phải có bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ Cách mạng. Sự kết hợp giữa người làm chuyên môn sắc sảo và người quản lý có trách nhiệm, am hiểu lòng người, am hiểu thực tế, những ngày công tác tại Viện Đại học Huế, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng cán bộ, giảng viên và nhân viên Viện Đại học Huế.

   Khi chuyển sang làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ, ở cương vị Phó ban Văn hóa-Văn nghệ Trung ương, ông dốc hết tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ. Trong tình hình của đất nước đêm trước Đổi mới đòi hỏi không chỉ cái nhìn mới, cảm quan mới của người lãnh đạo mà còn phải tiên phong, đứng mũi chịu sào để chèo lái  phong trào văn nghệ theo kịp xu thế của dân tộc trong kỷ nguyên mới, của thế giới trong thời đại mới. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh là một trong những người đóng góp những ý kiến quan trọng trong cuộc gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh của Văn nghệ sĩ cả nước (1986), soạn thảo Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.

    Từ năm 1990 đến nay, giáo sư là chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, công tác tại Viện KHXH Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh ( nay là Viện PTBV vùng Nam Bộ), tiếp tục công việc nghiên cứu vốn là niềm đam mê của ông. Trong những ngày hệ thống xã hội chủ nghĩa khủng hoảng, trước những hoang mang, giao động của không ít người làm công tác văn hóa, văn nghệ, cùng với những giáo sư dày giạn kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học văn học như GS Hoàng Như Mai, GS Lê Đình Kỵ, GS Lê Trí Viễn, v.v… giáo sư Nguyễn Văn Hạnh là một trong những cây đại thụ mang đến niềm tin, điểm tựa và người tiên phong dẫn đường trong nghiên cứu khoa học cho trí thức trẻ ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Công trình Lí luận văn học, vấn đề và suy nghĩ (viết chung với Huỳnh Như Phương) cung cấp cơ sở lý luận để nghiên cứu về phong cách, sự tiến bộ trong văn học, giúp tìm hiểu, đánh giá  đóng góp của nhà văn cho văn học và đời sống.    Những bài viết  của giáo sư về ý nghĩa, bản chất,  đặc trưng của văn học, về quá trình đổi mới văn học hiện nay, những hiện tượng văn học tiêu biểu trong trào lưu Đổi mới như truyện của Nguyễn Minh Châu, thơ Lê Đạt, v.v…( được tập hợp trong công trình Chuyện văn chuyện đời, NXB Giáo dục, 2004) chứa đựng hạt nhân tư duy, gợi mở hướng tiếp cận văn học với đời sống và hướng nghiên cứu văn học trong giai đoạn Đổi mới của đất nước. Với kinh nghiệm của người làm công tác nghiên cứu văn học, gắn bó với tình hình văn nghệ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử (từ sau 1954 đến nay), ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh về văn học trong giai đoạn Đổi mới của đất nước rất đáng suy ngẫm: “ … văn chương cũng như nghệ thuật không thể thay thế cho kinh tế, chính trị và các lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội. Nhưng, ngược lại, cũng không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương nghệ thuật trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và  hiểu chính mình, sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục để thăng hoa, để ước mơ, vươn đến chân thiện mỹ” (Ý nghĩa văn chương - Chuyện văn chuyện đời, NXB Giáo dục, 2004, tr.255).

     Theo chúng tôi được biết, công trình khoa học Phương pháp luận nghiên cứu văn học- công trình kết tinh quá trình suy ngẫm về phương pháp nghiên cứu văn học mà giáo sư đã dày công nghiên cứu nhiều năm, sắp được ra mắt độc giả.

     Ở tuổi 80, ông là người hạnh phúc, với nụ cười rạng rỡ trên môi, luôn mở rộng vòng tay để đón các bạn trẻ đến với ông trong dịp bảo vệ luận án, trong hội thảo khoa học.

     Dù ở cương vị nào, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh vẫn là con người năng động, nhạy bén, luôn giữ được nếp sống giản dị và thanh khiết. Những đồng nghiệp, nhà khoa học, nhà giáo nay đã lớn tuổi, khi nhắc đến những kỷ niệm lúc sống ở Hà Nội, khi cùng làm việc ở Huế, ở TP Hồ Chí Minh đều yêu quý tài năng của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Hạnh, quý trọng nhân cách của người thầy, người  quản lý trong môi trường giáo dục. Không chỉ người thân và bạn bè mà cả những trí thức nước ngoài có dịp tiếp xúc, làm việc với ông đều bày tỏ cảm tình rất thân thiện và quý trọng tình cảm mà ông dành cho họ.

    Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, Ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Viện PTBV vùng Nam Bộ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TP.Hồ Chí Minh, nhiều trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ, nghiên cứu sinh, long trọng tổ chức lễ mừng thọ giáo sư.

 

 

 

Thông tin truy cập

63677045
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20763
17595
63677045

Thành viên trực tuyến

Đang có 202 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website