Bản “Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam” của nhóm Đối thoại giáo dục (VED) do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì đang được dư luận quan tâm dưới nhiều góc độ. Giáo sư Ngô Bảo Châu tiếp tục trả lời một số câu hỏi từ độc giả và những người quan tâm tới giáo dục đại học về vấn đề này.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng được hướng dẫn làm đồ án môn học - Ảnh: Trần Huỳnh
Trong phần quan điểm, VED cho rằng hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam cần được cải cách “cơ bản và sâu sắc”, hướng tới mô hình của các nước đã phát triển, nhưng cũng “cần lưu ý tới một số đặc thù của xã hội và nền GDĐH của Việt Nam” để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả. Ông sẽ khái quát ngắn gọn những đặc thù đó là gì?
- Những đặc thù chính đã được phân tích trong 5 kiến nghị của VED. Hướng đến các giá trị phổ quát đã được định hình trong hệ thống GDĐH các nước đã phát triển tưởng như là điều hiển nhiên, vậy mà không phải tất cả mọi người đều đồng ý với quan điểm đó. Đối với nhóm VED, lựa chọn này có thể coi là “tiên đề”. Các đặc thù của đại học Việt Nam cần được lưu ý để thiết kế một lộ trình hiệu quả, giảm thiểu xung đột. Cái đích mà đại học Việt Nam cần hướng tới, theo chúng tôi, là những giá trị đại học mang tính phổ quát.
Bản khuyến nghị đưa ra năm nhóm vấn đề. Nhưng phản hồi chủ yếu từ những người quan tâm đang tập trung ở nhóm vấn đề thứ hai “cải cách tài chính trong hệ thống GDĐH”, theo cách hiểu nhóm cổ xúy cho việc tăng học phí đại học với lập luận rằng điều đó sẽ giúp cho người nghèo. Nhóm có bất ngờ trước sự chú mục này? Các ông có được hiểu đúng?
- Tôi không nghĩ rằng kiến nghị số 2 về cải cách tài chính quan trọng hơn các kiến nghị khác. Các kiến nghị được sắp xếp theo thứ tự từ khó nhiều đến khó ít, nhìn từ góc độ triển khai.
Để có những trường đại học vững mạnh, tăng cường khả năng tài chính là việc hiển nhiên, mà trong đó việc tăng học phí chỉ là một trong các biện pháp. Mức học phí gốc cần được hạch toán đúng để duy trì và nâng cao chất lượng GDĐH. Mức học phí thực của mỗi người sẽ bằng mức học phí chung trừ đi mức hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương, của trường đại học cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Chúng tôi nghĩ rằng hỗ trợ của Nhà nước cần được tập trung vào các sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn là cào bằng như hiện nay, thông qua một mức học phí thấp mà không rõ được tính toán trên cơ sở nào. Chúng tôi cũng nêu rõ việc tăng học phí gốc cần được thực hiện một cách dè dặt, ràng buộc vào mức độ tăng GDP và cam kết lập quỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Ngoài ra, các trường đại học cần có những nguồn thu khác từ đầu tư nhà nước cho nghiên cứu khoa học và tài trợ thiện nguyện của xã hội.
Nhóm VED ủng hộ định hướng tự chủ tài chính cho các trường đại học: về lâu dài học phí sẽ không phải do Nhà nước quyết định trực tiếp nữa, mà sẽ được điều tiết theo quy luật cung cầu và do đó sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các trường, các địa phương, các ngành học. Vận hành theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo nguồn cung dồi dào và có chất lượng cao hơn, cũng như khi Nhà nước xóa bỏ chế độ tem phiếu đối với nhu yếu phẩm.
Tuy vậy, không thể coi GDĐH như một hàng hóa thông thường. Nhà nước trung ương và địa phương vẫn cần đầu tư vào đại học thông qua học bổng, tín dụng sinh viên và hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Thông qua các kênh này, Chính phủ có thể ủng hộ những ngành học đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, như khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, nhưng không được thị trường lao động ưu tiên.
Trong báo cáo, VED đã đưa ra những khuyến nghị có tính định hướng, trong số đó có những khuyến nghị tương đối cụ thể. Nếu lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các trường đại học đồng ý với những định hướng chung này, tôi tin rằng họ sẽ tìm ra những phương án, lời giải thực tiễn hơn, phù hợp hơn theo từng thời điểm và địa điểm. |
Ai cũng mong ước giáo dục công lập, cả phổ thông và đại học, đều miễn phí hoặc hầu như miễn phí. Mong ước này khó trở thành thực tế trong điều kiện kinh tế hiện tại. Chúng tôi cho rằng cần đảm bảo giáo dục phổ thông là bắt buộc và miễn phí, theo tinh thần của Hiến pháp. Trong khi đó, việc đi học đại học có thể coi như một lựa chọn cá nhân, một quyết định đầu tư quan trọng cả về tài chính cũng như về thời gian cho tương lai của chính mình. Vì thế, học phí đại học cũng cần được điều tiết để cân đối cung và cầu.
Trong bối cảnh này, có lẽ cũng nên có vài lời về một số nước châu Âu, nơi GDĐH hầu như miễn phí. Điểm rõ nhất là các trường đại học này phải tiếp nhận một lượng sinh viên lớn trong khuôn khổ kinh phí khá eo hẹp, dẫn đến tình trạng sinh viên ít được các giảng viên quan tâm hơn, ít có điều kiện tiếp cận với nghiên cứu hơn, có xu hướng học lâu hơn, và sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm.
Có thể nói nhiều nhược điểm chung giữa đại học châu Âu và đại học Việt Nam đều bắt nguồn từ sự yếu kém về tài chính của các trường. Ngoài ra, học phí thấp ở châu Âu được cân bằng bởi mức thuế thu nhập rất cao, một yếu tố nữa khiến việc duy trì mô hình châu Âu trong điều kiện kinh tế của một nước như Việt Nam khó thực hiện.
Những khiếm khuyết và bất lợi của việc tăng học phí ở các trường đại học nước ngoài, nhất là Mỹ gần đây với những gánh nặng nợ lớn trên người học đã được dẫn chiếu để phản bác nhóm trong đề nghị tăng học phí (báo cáo năm 2014 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng số nợ của sinh viên Mỹ đã vượt hơn 1.300 tỉ USD từ năm 2013). VED sẽ nói gì với lập luận này? Các ông có tin rằng mình đã đánh giá được hết gánh nặng học phí?
- Cũng như giảm học phí không nhất thiết đem lại những ưu điểm của đại học châu Âu, việc tăng học phí hoàn toàn không nhất thiết dẫn đến tất cả những nhược điểm của đại học Mỹ. Tín dụng sinh viên của Mỹ tăng nhanh không chỉ vì học phí tăng mà còn vì số lượng sinh viên tăng và khả năng tiếp cận các khoản vay cho sinh viên khá dễ dàng ở Mỹ.
Hệ thống GDĐH Mỹ có tính thị trường rất cao, các trường tự quyết định mức học phí, còn sinh viên và phụ huynh tự đánh giá hiệu quả đầu tư của việc vay tiền đi học. Bên cạnh một số trường hợp quyết định sai lầm như chọn nhầm ngành hay không lượng đúng sức mình, học đại học nhìn chung vẫn được đánh giá là một khoản đầu tư hiệu quả.
GDĐH ở Mỹ cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn, tiêu biểu là mức tăng học phí quá cao trong 30 năm gần đây. Trong số nhiều nguyên nhân mà chúng tôi không thể phân tích hết ở đây, một bên phải kể đến là mức tăng quá cao của chi phí quản lý, và cũng phải lưu ý đến làn sóng du học của sinh viên quốc tế, đặc biệt từ một số nước châu Á, trong đó có nhiều người sẵn sàng bỏ ra những món tiền khổng lồ để được theo học tại các trường đại học có tên tuổi.
Một trong ba đề nghị của VED là tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội. Nhưng các số liệu liên quan (phụ lục 1) của Mỹ mô tả sự sụt giảm rất mạnh mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các trường đại học công. Làm thế nào mà Việt Nam - với tình hình thâm hụt ngân sách và nợ công như hiện nay - lại có thể đi ngược lại, trong khi uy tín của các trường đại học chưa đủ cao để huy động sự đóng góp của xã hội vào đây?
- Tính trên con số tuyệt đối, ở Mỹ mức đầu tư của liên bang cho các đại học và nghiên cứu khoa học vẫn tăng lên. Tuy vậy, cả thu và chi của các đại học Mỹ đều tăng cao trong 30 năm qua, vì thế tỉ lệ tài trợ của ngân sách trong tổng thu giảm đi.
Trong thực tế mức nhà nước liên bang và các tiểu bang ở Mỹ hỗ trợ cho một sinh viên ở đại học công vẫn gần như không thay đổi từ năm 1987-2012 (khoảng 11.000 USD cho một sinh viên). Số lượng sinh viên ở Mỹ đang tăng từ năm 1980 tới nay cùng với xu hướng chung toàn thế giới, vì vậy mức độ hỗ trợ của ngân sách vẫn tăng nếu xét tới con số tuyệt đối.
Tuy nhiên do nhà nước đang ưu tiên một số khoản chi khác như bảo hiểm y tế (Medicare: tăng từ 10% lên 25% ngân sách), giáo dục tiểu học và trung học cơ sở... nên tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH đang giảm đi. Theo số liệu tài khóa năm 2012, các tiểu bang vẫn chi tới 81,3 tỉ USD cho các đại học công, bằng một nửa cho tiểu học và trung học cơ sở (primary & elemetary schools), nhưng cao hơn số tiền chi cho giao thông và cho các nhà tù.
Vấn đề nợ công của Việt Nam đáng lo ngại và Chính phủ cần hạn chế chi tiêu để giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Nhưng ngân sách cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải được ưu tiên hàng đầu, nhất là khi tỉ lệ đầu tư vào GDĐH trên GDP hay trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới. Chúng tôi vẫn kiên trì với khuyến nghị tăng đầu tư vào GDĐH dù Chính phủ phải tiết giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác.
Thành viên của VED hầu hết làm việc ở các trường đại học nước ngoài. Điều đó khiến có nhận xét rằng các ông đang nhìn về GDĐH Việt Nam bằng con mắt “người ngoài”. VED nghĩ như thế nào về đánh giá này?
- Tuy các thành viên của VED đều có những trải nghiệm và hiểu biết nhất định về môi trường đại học ở Việt Nam, tôi phần nào đồng ý với nhận xét cho rằng góc nhìn của VED là góc nhìn của “người ngoài”. Quan điểm của VED chắc chắn cần được bổ sung bởi ý kiến của những người trực tiếp tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học Việt Nam. Với cả ưu điểm và hạn chế của góc nhìn “ngoài cuộc”, mục đích của chúng tôi là đưa ra những phân tích, kiến nghị rõ ràng và nhất quán, hướng đến những mục tiêu đề ra ban đầu.
Cho đến nay, VED đã nhận được phản hồi như thế nào từ phía các vị lãnh đạo có thẩm quyền về giáo dục về bản khuyến nghị này?
- Trước khi lưu hành rộng rãi, báo cáo tổng kết của VED đã được gửi đến lãnh đạo các bộ, các cơ quan có liên quan trực tiếp đến cải cách GDĐH. Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực của Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu nghiêm túc các kiến nghị của VED.
Nhiều ý kiến cho rằng các khuyến nghị của VED không quá mới mà đã được nói đến từ lâu. Cơ sở nào để VED tin rằng từ đây sẽ có các thay đổi mới?
- VED cố gắng đưa ra một số nhận định chung và những kiến nghị rõ ràng, nhất quán. Trong nghiên cứu chính sách, việc đưa ra một tập hợp khuyến nghị rõ ràng và nhất quán đòi hỏi quá trình làm việc nghiêm túc. Tất nhiên, nghiên cứu chính sách dù khó đến đâu cũng không thể khó bằng triển khai, đặc biệt là triển khai một cách nhất quán, kiên định. Nhưng để hướng tới một xã hội tốt đẹp, dường như không có cách nào khác.
Một học sinh lớp 12 muốn biết VED nhận định như thế nào về xu hướng biến đổi của GDĐH toàn cầu với I-Generation, MOOCs, E-learning và Mobile Learning? Bản khuyến nghị không cho thấy mối quan tâm của VED tới vấn đề này.
- Nên coi MOOCs, E-learning... như những dạng thức học liệu mới, không thể thay thế tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Trong kiến nghị số 4, chúng tôi có nêu việc sử dụng các học liệu MOOCs để thay đổi cách dạy, giảm giờ đứng lớp, tăng giờ làm bài tập, làm đề án.
Xin cảm ơn giáo sư.
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/chuyen-de/20150626/dich-huong-toi-la-cac-gia-tri-dai-hoc-mang-tinh-pho-quat/767316.html