Hồi lớp 11 tôi học trường Võ Trường Toản, lúc ấy còn là trường cấp 3. Sau trường ấy chỉ dành cho cấp 2, nên đến lớp 12 tất cả học sinh phải chuyển qua trường cấp 3 Cô Giang (bây giờ là Thalmann). Trong lớp mình có cô bạn tên là Ngọc, cô bị tật ở chân nhưng học văn rất giỏi, cô bạn ấy cũng từ trường khác chuyển đến. Ngọc có người thầy dạy văn ở trường cũ rất thương quý cô ấy, nên thầy trò vẫn thường liên hệ, chuyện trò với nhau. Cô ấy kể chuyện về lớp mình, nói lớp em có bạn Giang học văn rất giỏi. Mình chưa gặp thầy bạn ấy bao giờ, nghe cô bạn kể vậy thôi. Hồi ấy ở TP.HCM chưa có chuyện thi học sinh giỏi, nhưng mình cũng được nhiều thầy biết đến vì bài văn tốt nghiệp được điểm tối đa và có được đọc trước hội đồng. Thực ra chuyện ấy chẳng có gì đáng nói.
Sau đó thì bạn bè trong lớp mỗi người một phương: người thì đi bộ đội, người vượt biên, người vào đại học, người về phường công tác...Mình cũng chẳng liên lạc gì với các bạn lớp 12 nữa.
Thời gian trôi đi rất nhanh, mình vào đại học, học xong ở lại trường, làm giảng viên, đi học nước ngoài, về dạy tiếp, làm trưởng bộ môn Văn học Việt Nam. Bao nhiêu việc xảy ra, cũng chẳng nhớ gì nhiều về lớp cũ nữa.
Khoảng 2005-06 gì đó, tức là khoảng gần 30 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, mình có làm tổ trưởng chấm Văn tuyển sinh ĐH ở trường ĐH Mở TP.HCM. Trong tổ chấm văn ấy có nhiều thầy cô dạy cấp 3, hơn mình khoảng chục tuổi, coi như thế hệ thầy cấp 3 của mình. Nói chuyện qua lại, có một thầy hỏi: anh là anh Giang phải không? Lê Giang học cấp 3 Cô Giang? Thầy tiếp: Hồi đó tôi có cô học trò hay nhắc đến anh, cô Ngọc, nói anh học Văn giỏi lắm!
Chuyện học hành, chuyện bạn bè phổ thông, thực ra cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng tôi cứ nhớ mãi chuyện ấy: người thầy mà tôi chưa hề biết mặt, người thầy của bạn tôi, suốt mấy chục năm, người thầy ấy chưa hề gặp mặt tôi, tôi cũng chưa làm gì cho thầy vui, thầy nhớ. Thế mà thầy vẫn nhớ đến người bạn của trò mình, chỉ vì mỗi lời kể: lớp em có bạn học giỏi!
Tôi cứ nghĩ, chỉ có người thầy mới coi học trò thành đạt là niềm vui của mình, học trò giỏi là niềm vui của mình - ở đây học trò chỉ là bạn của học trò mình.
Cái tâm ấy là tâm của người làm cha và mẹ, cái tâm ấy gần với tâm của Thánh nhân!