Nhân dịp GS Trần Hữu Tá tròn 80 tuổi, những cựu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trên mọi miền Tổ quốc đã đứng ra tổ chức lễ tri ân người thầy của mình.
Khán phòng của Trường đại học Sư phạm TP.HCM sáng 14-1 tràn ngập hoa tươi, nhạc và những lời tri ân. Người được đón nhận sự tri ân ấy không có quyền cao chức trọng. Ông chỉ là một thầy giáo già đã nghỉ hưu 20 năm nay: GS Trần Hữu Tá.
Thầy gầy ốm, đi phải có người đỡ. Trò từ khắp nơi trên cả nước đổ về. Người tóc xanh, người tóc bạc. Có người là lãnh đạo, có người chỉ là nhân viên bình thường. Có người phải bay chuyến đêm từ Đà Nẵng vào chỉ để nắm tay thầy nói tiếng cảm ơn rồi lại vội vã về cho kịp giờ công tác.
GS Trần Hữu Tá (trái) nhận sự tri ân của các thế hệ học trò - Ảnh: VIẾT THỊNH |
Tất cả họ đều có chung lòng biết ơn, tình cảm sâu nặng và sự tôn kính đối với người thầy của mình. Câu chuyện cuộc đời, con người của thầy lần lượt được tái hiện qua những câu chuyện của thế hệ học trò cũ.
Thầy luôn luôn hướng đến cái mới, cái hiện đại để chống lại sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu với bản lĩnh đáng kính của một nhà khoa học chân chính. Không chạy theo tiền tài danh lợi và những thứ hư danh, thầy là một nhân cách sống đáng kính. Nếu không có tấm lòng nhân hậu của một con người chân chính và sự nhiệt tâm của một nhà giáo như thầy, thì không dễ dàng gì vượt qua những cám dỗ của lợi danh để sống an nhiên và thanh bạch |
TS TRẦN HOÀI ANH (Đại học Văn hóa TP.HCM) |
Cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học, thầy luôn được các thế hệ học trò yêu kính bởi ngoài học vấn sâu dày, thầy luôn lấy chữ tâm làm trọng. Chữ tâm là gốc con người, cũng là gốc của mọi ứng xử với đời. Đó là yếu tố tạo nên sự chân thành và gắn kết nhân gian. Học trò của thầy đã kể cho tôi nghe về sự cẩn trọng, chỉn chu của thầy trong từng nét chữ, trong từng bài giảng. Đó là những điều làm nên nhân cách của nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá |
PGS.TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP (viện trưởng Viện Văn học Hà Nội) |
Những ân tình thầm lặng
Đã 20 năm trôi qua nhưng ThS Đặng Trọng Hộ (Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) không thể nào quên những ngày mình là học viên cao học của Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Khi ông đang làm luận văn thạc sĩ thì hết tiền nên phải xin về quê Lâm Đồng ít ngày.
Biết học trò khó khăn, thầy Trần Hữu Tá ra lệnh: “Phải ở lại viết cho xong luận văn”. Rồi thầy bảo vợ là cô Dương Thị Ngọc Diệp giúi vào tay ông 500.000 đồng. Số tiền ấy bằng cả tháng lương của ông Hộ lúc đó.
Đến nhà thầy Tá, lúc nào ra về ông cũng được thầy giúi vào tay lúc thì hộp sữa, khi gói bánh mang về làm quà cho con. Ông Hộ ra trường, được phân công về Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt công tác. Bản thân ông cũng không hiểu sao mọi việc lại thuận lợi như vậy. Cho đến sau này ông mới biết công việc mình nhận được là do thầy Tá giới thiệu.
“Những việc làm nhỏ của thầy đã ảnh hưởng lớn đến cả cuộc đời tôi, đến cách hành xử của tôi đối với học trò sau này. Những ý nghĩa mà thầy đã gieo vào cuộc sống của tôi thật khó có thể diễn đạt bằng lời...” - ông Hộ xúc động kể lại.
Điều làm những thế hệ học trò nhớ đến thầy Tá không chỉ là kiến thức mà còn vì cái tình của ông đối với từng người, vì nhân cách lớn của một người thầy giỏi nghề. Họ bảo thầy là người đã truyền lửa cho rất nhiều thế hệ học trò.
Ông Nguyễn Văn Cải (phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) không thể quên năm 1999, khi ông bước chân vào khoa văn Đại học Sư phạm TP.HCM trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Lúc ông tưởng mình không thể theo học tiếp được nữa thì thầy Trần Hữu Tá đã dành trọn buổi chiều để trò chuyện, động viên ông. Khi bị bệnh phải nằm tại Bệnh viện Bình Dân, ông Cải đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi thấy thầy Tá đến thăm giữa nắng trưa hè như đổ lửa.
Những việc làm bé nhỏ, bình dị ấy của thầy Tá đã khiến ông Cải và rất nhiều học trò ghi nhớ suốt đời. Thầy Tá không bao giờ nhận phong bì của bất cứ sinh viên nào. Học trò càng nghèo, ông lại càng thương, càng dành nhiều sự quan tâm, ưu ái.
“Năm 1994, tôi gặp thầy để tìm hiểu về việc viết các tiểu thuyết lịch sử. Tri thức và nhân cách của thầy đã cuốn hút tôi khi làm việc cùng. Bây giờ khi đã viết hàng loạt tiểu thuyết lịch sử nhưng mỗi lần nhớ lại ngày ấy, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là thầy Trần Hữu Tá. Thầy là nhân vật rất lạ lùng! Thầy đã có công gieo mầm, thắp lửa, truyền lửa cho bao thế hệ học trò” - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc xúc động chia sẻ.
Người thầy khiêm nhường
Ngồi bên dưới, GS Trần Hữu Tá lặng đi vì xúc động.
“Tình cảm của mọi người vượt quá sự mong đợi, vượt quá giá trị thực của con người tôi” - ông nói khiêm tốn như mọi lần đón nhận tình cảm của các học trò. Thừa nhận mình là người nói năng đâu ra đấy nhưng ông Tá vẫn phải nhờ con trai thay mặt mình nói lời cảm ơn đến mọi người vì “tôi lúng túng quá không phát biểu được”.
Suốt 60 năm qua, thầy Trần Hữu Tá là một nhà giáo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu phê bình văn học và là một nhà báo không thẻ nhưng hoạt động rất hiệu quả. Cả cuộc đời ông đã đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Trong những năm qua, ông là cái tên quen thuộc trên nhiều tờ báo với các bài viết, trả lời phỏng vấn về những vấn đề mang tính cấp thiết đối với ngành giáo dục.
Đó là việc thay đổi chế độ tiền lương cho nhà giáo, chăm lo đời sống các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa để họ đủ sống một cuộc sống tận tâm, tận lực với nghề dạy học. Những bài viết của ông đã làm người đọc thấy rưng rưng khi nghĩ về số phận của những thầy cô giáo ở nơi gian khổ ấy.
Ngoài những vấn đề về chế độ chính sách, ông Tá còn hiến kế cho ngành giáo dục những vấn đề mang tính chuyên môn nóng bỏng như việc đào tạo đội ngũ giáo viên, tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học, cải tiến hoạt động quản lý và giảng dạy...
“Phải không ngừng cố gắng và luôn trung thực với chính mình”- đó là những gì ông tâm niệm trong suốt cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Biết ơn những gì thầy đã làm, những thế hệ học trò đã bàn nhau tự bỏ tiền ra in một cuốn sách để tri ân thầy nhân dịp thầy tròn 70 tuổi. Nhưng rồi thầy từ chối.
Đến năm thầy 75 tuổi, học trò lại đặt vấn đề in sách, thầy cũng cương quyết không đồng ý. 80 tuổi, khi thầy Tá trải qua cơn tai biến, sức khỏe suy giảm trầm trọng, học trò lại cương quyết: “Phải in sách cho thầy...”. Vậy là cuốn sách Trần Hữu Tá - từ bục giảng đến văn đàn ra đời. Đó là tuyển tập những câu chuyện kể về thầy được các học trò viết ra.
Những câu chuyện, sự quan tâm nhỏ nhặt có lẽ thầy đã quên nhưng học trò thì nhớ mãi. Ai cũng đau thắt lòng khi sức khỏe thầy mỗi ngày một yếu. Họ vẫn mong mỗi lần cất tiếng gọi “thầy ơi”, vẫn được nghe thầy đáp lại hai tiếng “thầy đây”!
Ở tuổi 80, hằng ngày GS Trần Hữu Tá vẫn đọc đều đặn và bền bỉ cùng trang viết. Ông tiếp cận cái mới, tập đánh máy hoặc đọc bài nhờ cháu nội gõ lại. Tại lễ tri ân, đại diện Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM đã trao cho gia đình số tiền nhỏ để giúp thầy Tá chữa bệnh.
Trong khi đó, ông và gia đình đã chuẩn bị trước một số tiền để thành lập quỹ hỗ trợ các giáo viên ngữ văn có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Tận tụy cống hiến cho nền giáo dục đến cuối cuộc đời, GS Trần Hữu Tá đã thực hiện được điều mà ông viết trong cuốn Trần Hữu Tá - từ bục giảng đến văn đàn:
“Đúng là tất cả đã qua hoặc sẽ qua nhanh, nhưng điều còn lại là tình yêu, tấm lòng tri âm, tri kỷ dành cho nhau. Cũng như những đóng góp xuất sắc của người cầm bút cho nền văn học dân tộc thì sẽ còn đọng lại, bền lâu với thời gian...”.
Giáo sư, nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá (nguyên trưởng khoa ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM). Ông là chủ biên sách giáo khoa văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa văn lớp 12. Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước. |
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170115/gs-tran-huu-ta-nguoi-thap-lua/1252393.html