Giáo sư Trần Hữu Tá và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh

20170806. Tran Huu Ta

Nói đến Hội nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh, mọi người luôn luôn nhớ đến hai “cây đại thụ”: Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai và Phó Giáo sư-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá, hai vị là hai thầy trò, tiếp nối làm Chủ tịch Hội. Hội được lập ra từ 2 bàn tay trắng, từ “3 không” (không văn phòng, không kinh phí, không chuyên trách) mà nay đã có cơ ngơi, có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

            Tôi có cái vinh dự làm học trò của thầy từ 30 năm trước, suốt 30 năm, tôi  có cái diễm phúc được là con đỡ đầu của thầy. Mươi năm trở lại đây, tôi có cái hạnh phúc sáng sáng cùng thầy đi bộ, rồi hầu trà thầy để được học đạo, nhân đó mà được nghe thầy chia sẻ nhiều buồn vui, nhiều tâm điều tâm niệm của thầy.

            Người đời thường sợ đối diện với người nói năng bỗ bã, nhưng người đời cũng sợ những người quá khôn khéo, ngọt ngào. Thầy Tá không bỗ bã, thầy nói năng rất nhẹ nhàng, khéo léo - cái nhẹ nhàng ấy là do sự từng trải, sự lịch lãm, và cốt cách của thầy – cốt cách của một trí thức có “Nho phong, cổ phong” mà người thời nay đã bị mai một gần hết rồi.

            Nói đến giáo sư Trần Hữu Tá thì có rất nhiều điều để nói: đó là một nhà giáo đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp trồng người; đó là một trí thức có trách nhiệm với sự hưng vong của quốc gia, được nhiều cấp lãnh đạo hỏi ý kiến, nhưng cũng lắm thăng trầm; đó cũng là một nhà nghiên cứu phê bình văn học với nhiều công trình, bài viết sâu sắc, tài hoa… Trong những họat động của  thầy, thì việc thầy cùng các đồng nghiệp sáng lập ra Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh, và tổ chức hoạt động rất có hiệu quả trong gần 30 năm qua là một trong những hoạt động nổi bật.

            Trong một buổi chiều mưa tháng 11, tôi đã được thầy bồi hồi nhắc lại những ký ức sâu nặng về cái Hội thầy bỏ nhiều tâm huyết vào đó.

            Tản mạn đôi điều về thầy như thế. Còn viết sâu hơn, dài hơn thì bao giờ tôi cũng bị thầy ngăn cản: “Mi biết tính tao rồi nên đừng có tham gia cùng mọi người tán dương này nọ nữa nhé!” Không chỉ định tán dương thôi đâu, trước đây chúng tôi, mấy anh em đều là học trò của thầy đã thuyết phục thầy một việc mà không xong nên có lúc định liều mình làm thay cho thầy mà cũng bị thầy phát hiện và nghiêm cấm! Đó là khi cả nhóm gồm anh Bùi Mạnh Nhị, anh Bạch Văn Hợp, Hoàng Văn Cẩn và tôi định làm hồ sơ đề nghị phong thầy làm giáo sư và nhà giáo nhân dân, làm thay, ký thay để nộp vì nhiều lần đề nghị thầy làm hồ sơ mà thầy từ chối. Thành tích của thầy dư gấp 3 lần tiêu chuẩn Nhà nước kia mà? Thầy nói: “Mình còn đóng góp thêm được gì nữa mà giáo sư với chả nhân dân?” Thế là cả bọn học trò các thế hệ đành “ôm hận”.

            Đầu năm 87, GS. Nguyễn Lộc chính là người đưa ra ý tưởng thành lập Hội. Khi mang chuyện ấy bàn bạc với GS. Hoàng Như Mai, thì có ý kiến phản biện: Cả nước chưa có Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học của VN thì liệu thành lập Hội của thành phố có được không? Cả 3 thầy trò thảo luận: nếu đã có Hội của cả nước rồi mình mới thành lập thì dễ quá! Mình phải đi tiên phong thôi. Thế rồi gấp rút xin chủ trương, và làm thủ tục: bắt tay viết đề cương, dự thảo, kế hoạch, nhân sự. Sau đó đi gặp Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy Dương Đình Thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đỗ Duy Liên, các nhân sĩ trí thức như: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng v.v…

            Các vị lãnh đạo thành phố chất vấn: liệu có đủ sức để Hội ra đời hoạt động không? Các giáo sư đều bận rộn, kinh phí, nhà cửa, tiền bạc, con người… liệu có đáp ứng được hay không? Hay lại là một “Hội 3 không”? Ông Trần Bạch Đằng: Liệu Hội các bạn có tồn tại được 30 năm hay không?”

            GS. Hoàng Như Mai nửa đùa, nửa thật “Không chỉ 3 không” mà đến “30 không” chúng tôi cũng chấp nhận vì chùng tôi không có ý đồ gì khác ngoài việc muốn có một tổ chức Hội cho những người nghiên cứu, những người đứng trên bục giảng say mê, tâm huyết với sự nghiệp sư phạm nói chung, giảng dạy Văn học nói riêng”.

            Thế là các vị Dương Đình Thảo, Đỗ Duy Liên, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu… đến ủng hộ và nhận lời làm cố vấn. Thầy Mai tuy tuổi cao trên 70 nhưng nhiệt tình lắm, chuyện gì cũng lo, chạy. Thầy Lộc cũng vậy.

            Hoạt động được 2 năm thì ông Trần Chút xin tách ra thành lập Hội Ngôn ngữ học Thành phố.

            Chỉ mới ra đời ít lâu thì Hội đã có những hoạt động gây tiếng vang như: dự giờ các trường, tổ chức hội thảo 100 năm sinh “Hồ Chí Minh – Nhà Cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa lớn”, “50 năm Đề cương văn hóa Việt Nam”, kết hợp với Cung Văn hóa Lao động nói chuyện thường xuyên về văn học, thơ… Lúc đó đất nước mới đổi mới nên mọi người rất háo hức đi nghe nói chuyện về các tác phẩm, tác giả như: Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nam Cao, v.v… FAHASA đã hết sức ủng hộ in hàng vạn bản sách các tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội còn hợp tác xuất bản những công trình nghiên cứu – biên soạn trong tủ sách “Văn học Việt Nam”, mỗi tập trên dưới 100 trang viết về từng tác giả từ cổ điển cho đến hiện đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, v.v… Ở tủ sách “Văn học nước ngoài” có các tác giả tiêu biểu: R.Tagore, Lỗ Tấn, A.Puskin, L.Tolstoi, V.Hugo, H. de Balzac và 2 hợp tuyển lớn về Trung Quốc (4 tập), Văn học Pháp (3 tập)…

Để giúp học sinh phổ thông hiểu rõ nghĩa Hán Việt, Hội cho xuất bản Từ điển Hán Việt trong nhà trường phổ thông.

            Sau một thời gian thì Hội suy nghĩ phải có 1 tập san của riêng mình để làm diễn đàn, thêm “sân chơi” cho giới nghiên cứu, thầy cô giáo và hội viên… Đó là tập san Bình luận văn học, ra đời năm 1992. Từ đó đến nay Bình luận văn học đã có đến gần 20 tập. 

Năm 1988, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đến tận nhà GS Hoàng Như Mai mời Hội viết một bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ  thông riêng. GS. Hoàng Như Mai hẹn 3 ngày sẽ trả lời. Tuy nhiên chỉ một  ngày sau, sau cuộc họp đột xuất Ban chấp hành Hội, GS.Mai đã nhận lời. Từ đó có một cuộc thi đua, cạnh tranh, hợp tác lành mạnh giữa hai ban biên soạn sách giáo khoa hai miền bắt đầu. Từ các nhà nghiên cứu đầu ngành cho đến giáo viên phổ thông cũng được mời tham gia biên soan. Việc biên soạn được tiến hành rất nghiêm túc: có chủ biên, có hội đồng, có phản biện, xem xét nhiều lần trước khi hoàn thành. Trong quá trình làm sách có nhiều kỷ niệm ấm lòng: Bộ trưởng Phạm Minh Hạc, sau đó là Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã nhiều lần đến thăm hỏi, động viên. Bộ trưởng Trần Hồng Quân làm việc có ý là thẳng thắn, dũng cảm bảo vệ một số bài trong sách trước những ý kiến quan điểm sai trái của một số báo… Một số cán bộ có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục như GS.Đỗ Bình Trị, Vụ trưởng Vụ Sư phạm; GS.Nguyễn Khắc Phi, Tổng Biên tập NXB. Giáo dục… cũng đã có những tiếng nói bảo vệ thích hợp, đúng mực… Vì thế nhân dịp tổng kết sách giáo khoa ở HN, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách tuyên huấn đã mời GS. Hoàng Như Mai, PGS. Nguyễn Lộc, PGS. Trần Hữu Tá đến gặp gỡ ở đường Nguyễn Cảnh Chân và đánh giá: các thầy đã làm những chuyện rất tốt đẹp thì cứ bình tĩnh, yên tâm vì Đảng rất sáng suốt. Sách được các tỉnh phía Nam, không những thế, nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng sử dụng. Bộ sách này được đánh giá là bộ sách hay, vượt trội. Đến năm 2000, bộ sách này hoàn thành sứ mệnh cho việc cải cách nên bắt đầu hợp nhất hai bộ sách lại.

            Hàng năm, theo sáng kiến của Hòa thượng Thích Giác Toàn, có buổi họp mặt đầu xuân giữa Giáo hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh với Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.Hồ Chí Minh để lễ phật, chúc Xuân, đọc thơ, bình thơ…

            Hội còn được sự giúp đỡ vô tư, hết mình của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nữa. PGS-TS. Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, Phó chủ tịch Hội, nhiều năm liền tạo điều kiện cho  Bình luận văn học ra đời. Các thầy cô làm công tác quản lý ở Sở Giáo dục Thành phố, Hiệu trưởng Hiệu phó các trường Lê Hồng Phong, Trần Khai Nguyên, Nguyễn Thái Bình, Hùng Vương, Trưng Vương…đã mời Hội đến dự giờ, thẩm định những đổi mới trong việc giảng dạy văn trong nhà trường. PGS-TS. Nguyễn Thành Thi, Trưởng Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch Hội làm việc hết mình tổ chức các công việc của Hội; PGS-TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ  (Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), Ủy viên thường vụ, cùng các hội viên Chi hội Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức bản thảo, biên tập công phu để cho niên san Bình luận văn học xuất hiện đều đặn và đúng hạn với chất lượng khoa học cao.  Nhà báo Vĩnh Thắng cũng hết lòng cho các sự kiện của Hội. Các Hội thảo 100 năm Đông Kinh Nghĩa thục, kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới và Tự lực văn doàn, kỷ niệm nhà văn – học giả Nguyễn Đổng Chi… đều có sự góp công sức vô tư của các cá nhân trên. Ngoài tinh thần trách nhiệm chung đối với hoạt động của Hội, các anh Nguyễn Viết Ngoạn, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang, Vĩnh Thắng…nhiều lần tâm sự: các anh cố gắng làm cho tốt còn vì riêng thầy Trần Hữu Tá, người luôn lo lắng đến công việc của Hội và sống hết tình với học trò, thế hệ đàn em của mình. 

            Trên đời này, có người chọn nghề khi vào đời, có người lại được cuộc đời chọn mình. Riêng với thầy Trần Hữu Tá, tôi nghĩ thầy đã chọn nghề văn là “nhân duyên tiền định” – thầy đã yêu quý nó thiết tha, yêu quý đến máu thịt,  xương tủy của mình; nhưng cái nghề văn này cũng đã chọn được thầy – một người sinh ra để cống hiến cho nó, sinh ra để đem hết tim óc của mình cho các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngữ văn. Và thầy đã trở thành linh hồn của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.Hồ Chí Minh cũng là vì thế./.

Nhà báo Vĩnh Thắng

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016

Thông tin truy cập

60536603
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18096
10018
60536603

Thành viên trực tuyến

Đang có 344 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website