Luận về xã hội hóa giáo dục

20170821. nhu cau hoc

Xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục.

Bấy lâu nay xã hội đã và đang phải chịu đựng rất nhiều bất cập trong giáo dục phổ thông, như sự quá tải trong nhiều lớp học, tệ nạn bắt ép trẻ học thêm, bệnh thành tích, bằng cấp, và nhiều tệ nạn khác... Rồi vấn đề trả lương, vấn đề thừa thiếu giáo viên ở các cấp học, hay những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà không được tuyển dụng. Chưa kể chương trình và sách giáo khoa ít nhiều còn  áp đặt, chủ quan, lên mọi vùng miền, và mọi đối tượng. Hơn nữa tính cạnh tranh trong giáo dục còn rất thấp.

Một số vấn đề nổi cộm khác, giáo dục phổ cập trong nhiều năm qua, mang  nhiều khuyết tật, như  đâu  đó chất lượng còn bị buông lỏng, hay các chương trình còn cứng nhắc, rồi dường như yếu tố văn hóa đặc thù còn chưa được quan tâm đúng mức. Còn giáo dục tinh hoa, hình như được hiểu theo kiểu trường chuyên, lớp chọn. Kết quả như  đã thấy, nguồn  nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hội nhập của đất nước.    

Tất cả những vấn đề nêu trên tạo sức ép rất lớn lên giáo dục công lập trong khi năng lực quản lý và nguồn kinh phí của Nhà nước tỏ ra không đủ để đáp ứng giải quyết những phát sinh ngày càng gia tăng đó. Có lẽ giáo dục phổ thông đang cần một cú hích, để tạo đà cho phát triển bền vững. Tất nhiên nó không thể là, vấn đề giữ hay bỏ biên chế, mà đã có thời điểm gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

Nếu nhìn nhận từ  góc độ kinh tế thị trường, cũng như quá trình phát triển các nền giáo dục của các nước tiên tiến, thì có thể thấy rõ lời giải bài toán giáo dục phổ thông hiện nay, chính là cần phải thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, theo dòng chảy của kinh tế thị trường. Để làm điều này, trước hết cần phải xây dựng  một hệ thống luật pháp phù hợp, giúp cho việc hình thành các không gian giáo dục mở, mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh và thực chất về chất lượng giáo dục được thực thi. Thêm nữa, nó còn tạo điều kiện để mọi công dân đều có thể tham gia và đóng góp vào giáo dục.

Cũng cần chú ý thêm rằng, xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề: xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục. Từ đó mà xã hội hóa được nội dung giáo dục. Đặc biệt là, giúp đa dạng hoá, hiện đại hóa chương trình, nhằm  đáp ứng được những đòi hỏi phong phú của xã hội. Ngoài ra  giáo dục trong nhà trường phải luôn được gắn kết với xã hội, trên cơ sở những nghiên cứu và tổng kết khách quan về các vấn đề xã hội, trong đó xã hội phải được coi là một thực thể sống luôn biến đổi và phát triển không ngừng.

Tại thời điểm này, để tháo gỡ nhiều bế tắc trong giáo dục, cũng như để hội nhập thành công, cần phải đón nhận và vun đắp cho thị trường giáo dục, và xem nó như một thị trường đặc thù, một hiện thực khách quan, theo quy luật của kinh tế thị trường. Cùng với đó là nâng cao vai trò của quản lý nhà nước, để thị trường này phát triển, vừa đảm bảo quy luật cung-cầu, vừa đảm đương được sứ mệnh mà đất nước đặt hàng cho nó.

Hình ảnh của thị trường giáo dục phổ thông, rõ ràng sẽ phải gồm hai hệ thống chính, hệ thống công lập và hệ thống dân lập. Hai hệ thống này cần phải hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, và đặc biệt là bình đẳng theo đúng luật chơi của kinh tế thị trường toàn cầu. Vì chỉ có như vậy mới có cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục, mang lại tiến bộ không ngừng cho chất lượng giáo dục.

Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay của đất nước, như  vấn đề thể chế chính trị  còn đang cần phải cải cách, vấn đề  của văn hóa, thực trạng của nền kinh tế, vấn đề của chất lượng đội ngũ nhà giáo..., đều cần phải được tính đến trong quá trình xã hội hóa. Làm sao để tiến trình này diễn ra, mà không gây sốc cho  xã hội. Thay đổi và phát triển phải luôn đi cùng với sự ổn định của xã hội, đặc biệt là luôn phải đặt quyền lợi của người học lên trên hết.   

Rõ ràng bất luận như thế nào, thì giáo dục phổ thông cũng cần phải hướng tới đáp ứng giáo dục phổ cập, đại chúng, và giáo dục tinh hoa. Tất nhiên phổ cập đến đâu, hay quan niệm về giáo dục tinh hoa như thế nào cũng cần phải được làm rõ. Và có lẽ nên chăng hệ thống giáo dục phổ cập và hệ thống giáo dục tinh hoa, sẽ chủ yếu nằm trong hệ thống giáo dục công lập, nhưng vẫn phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh của cơ chế thị trường. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nếu giáo dục phổ cập nhằm đáp ứng sự nghiệp nâng cao dân trí, thì giáo dục tinh hoa sẽ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.   

Tóm lại, xã hội hóa giáo dục, như một dòng chảy tự nhiên của lịch sử giáo dục, nó không những loại bỏ được những trói buộc không đáng có trong giáo dục hiện nay, mà còn phát huy cao nhất được nhân lực và tài lực-trí lực của xã hội đóng góp cho giáo dục, cũng như tăng sức sống cho giáo dục, và đáp ứng cao nhất quy luật cung-cầu giữa dạy và học. Rằng đó chính là cách thức đưa hệ thống giáo dục đến với tiến trình hội nhập. Tất nhiên sự thành công của nó đến đâu, trước hết còn phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy giáo dục, sự tiến bộ của hệ thống quản lý giáo dục. Và rõ ràng một khi thị trường giáo dục phát triển lành mạnh, thì nhiều vấn đề nan giải, bất cập như đã có, tự khắc sẽ biến mất.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 30.8.2017

Thông tin truy cập

63693684
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13976
23426
63693684

Thành viên trực tuyến

Đang có 405 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website