Các trường sẽ chạy đua, chỉ chú trọng tiêu chí có trong bảng xếp hạng mà bỏ rơi nhiều yếu tố khác tạo nên một đại học tử tế.
Đánh giá xếp hạng đại học trên thế giới là việc khó khăn, có nhiều bất cập và gây nhiều tranh cãi. Ở đây tôi xin liệt kê một số vấn đề chính đã được đưa ra.
Trước hết là khó khăn, tốn kém trong việc thu thập số liệu sao cho đầy đủ, chính xác. Một hướng giải quyết khá thú vị là yêu cầu các trường được đánh giá tự nộp số liệu. Các đơn vị đánh giá chỉ kiểm tra xem số liệu đó có đầy đủ và trung thực không, chấm điểm minh bạch cho số liệu đó, thì đỡ tốn công hơn nhiều so với phải tự đi tìm. Trừ điểm (hoặc không cho vào danh sách đánh giá) những trường nào đưa thiếu số liệu, hay bị phát hiện không trung thực.
Thứ hai là khó khăn trong việc so sánh giữa các ngành, vì đặc thù của chúng. Ví dụ trong ngành khoa học cơ bản thì nghiên cứu chủ yếu đăng tạp chí; ngành công nghệ thông tin thì nghiên cứu lại đăng ở kỷ yếu hội thảo khoa học; còn ngành xã hội thì công trình khoa học sáng giá lại chủ yếu viết dưới dạng sách.
Chỉ số năng suất nghiên cứu khoa học mà chỉ dựa trên số bài báo sẽ bị thiên lệch về khoa học cơ bản, các ngành khác bị coi nhẹ đi. Việc đưa ra một chỉ số đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học sao cho cân bằng giữa các ngành là rất khó.
Các chỉ số dựa trên giá trị tuyệt đối có nguy cơ “lấy thịt đè người”. Ví dụ ba trường A, B, C có số công trình khoa học một năm tương ứng là 2.000, 1.500, 1.000, thì trường nào tốt hơn về nghiên cứu khoa học (tạm coi là công trình có giá trị tương đương)? Nếu chỉ tính theo giá trị tuyệt đối thì A là tốt nhất. Nhưng nếu đánh giá theo cả quy mô của mỗi trường, ví dụ A có 4.000 giảng viên còn C có 1.000 giảng viên, thì sẽ thấy là số công trình khoa học trên đầu giảng viên của A chỉ là 0,5 còn của C là 1. Như vậy C phải tốt hơn A.
Trong “danh sách Thượng Hải” có những chỉ số dựa trên giá trị tuyệt đối như vậy, dẫn đến trường có quy mô rất to nhưng chất lượng vừa phải lại được xếp hạng trên trường có chất lượng rất cao nhưng có số người hạn chế. Điều này dẫn tới một xu hướng mang tính rất hình thức ở một số nơi như Pháp là sáp nhập các trường với nhau cho phình to ra để được xếp hạng cao hơn, kể cả khi việc đó chẳng hề làm tăng chất lượng của trường mà chỉ tạo thêm một tầng quan liêu.
Bên cạnh đó, còn có sự tùy tiện trong việc tính hệ số cho các tiêu chí. Giả sử xếp hạng dựa trên 3 điểm khác nhau tổng hợp lại theo ba tiêu chí a, b, c. Trường A có điểm a= 3, b=4, c= 5; trường B có a=4, b=5, c=3; trường C có a=5, c=3, b=4, thử hỏi trường nào xếp hạng cao hơn trường nào? Nếu tổ chức đánh giá cho tiêu chí a 40% số điểm, b 30% và c 30% thì C xếp hạng cao nhất trong ba trường A, B, C; còn nếu cho a 30% số điểm, b 35% số điểm và C 35% số điểm thì C lại thành xếp hạng bét trong ba trường A, B, C.
Như vậy, bảng xếp hạng rất phụ thuộc vào việc tổ chức đánh giá phân hệ số bao nhiêu cho mỗi tiêu chí. Và cuộc tranh cãi “tiêu chí nào cần cho hệ số bao nhiêu mới đúng” sẽ không bao giờ có người thắng cuộc. Bởi vậy các bảng xếp hạng khác nhau sẽ luôn cho các bảng thứ tự khác nhau. Chưa kể đến có những tiêu chí được tính trong bảng xếp hạng này lại hoàn toàn không được tính (hệ số = 0) trong bảng khác.
GS Nguyễn Tiến Dũng. |
Khi một bảng xếp hạng nặng về các tiêu chí có tính chất quá khứ, ví dụ số cựu học sinh được giải Nobel (thường là phải học tại trường từ hàng chục năm trước đó) thì có lợi cho các trường có quá khứ huy hoàng, nhưng đang xuống dốc. Trong khi các trường đang mạnh lên có điều kiện tốt hơn lại bị thiệt thòi về thứ hạng. Sự lệch lạc này không có lợi cho những người muốn chọn nơi tốt nhất để học và để làm việc.
Một số tiêu chí về “phỏng vấn uy tín” vừa mang tính quá khứ vừa khó xác định mức độ khách quan và minh bạch. Phỏng vấn ai, tại sao lại chỉ chọn những người đó, và những người trả lời có đại diện thật sự cho ý kiến chung của toàn bộ cộng đồng hay không?
Một thực trạng nữa là các trường sẽ chạy đua theo xếp hạng, chỉ chú trọng các tiêu chí có trong xếp hạng mà bỏ rơi rất nhiều yếu tố khác tạo nên một đại học tử tế. Đây là điều xảy ra trên thực tế và là một trong những “tác dụng phụ” đáng lo ngại nhất của các bảng xếp hạng.
Một số vấn đề trên đủ để cho thấy việc xếp hạng là một việc khó khăn, gây nhiều tranh cãi, và không bao giờ có thể thống nhất được.
Chỉ 5% đại học lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới Hiện có rất nhiều tổ chức công và tư tham gia vào việc đánh giá xếp hạng đại học. Nổi tiếng nhất là The Academic Ranking of World Universities (ARWU) do Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) thực hiện (còn được gọi là "danh sách Thượng Hải"), Times Higher Education World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE) ở London, và QS World University Rankings do Quacquarelli Symonds thực hiện từ năm 2004 ở Anh. Thế giới có hơn 16.000 trường đại học, nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được coi là có "đẳng cấp quốc tế" và lọt vào danh sách của ba bảng xếp hạng trên. Danh sách xếp hạng ở mức "địa phương" thì có thêm nhiều trường. |
GS Nguyễn Tiến Dũng
Đại học Toulouse, Pháp
Nguồn: VnExpress, ngày 26.9.2017.