Xếp hạng đại học (XHĐH), như một số người hiểu không hẳn đã là xếp hạng, mà có thể là xếp loại, đối sánh hay kiểm định chất lượng đào tạo. Do vậy, thiết nghĩ, cũng cần thống nhất và phân biệt một số khái niệm có liên quan khi bàn về lĩnh vực ‘xếp hạng đại học’.
Xếp hạng (ranking) là cách để đánh giá các trường đại học một cách định lượng, hoặc phối hợp giữa định lượng và định tính, do một tổ chức bên ngoài nhà trường thực hiện nhằm phân loại mức độ cao thấp của từng trường (hoặc từng ngành hay chương trình đào tạo) tham gia xếp hạng, nhằm cung cấp thông tin tham khảo khả tín cho xã hội (người học, gia đình, chính phủ, xã hội). Xếp loại hay phân hạng (rating) là xếp các trường đại học cùng mức (cùng ‘đẳng cấp’) thành các nhóm (trường) cao thấp khác nhau, như cách người ta phân loại và công nhận khách sạn 3 sao, 4 sao hay 5 sao, như cách tiếp cận của QS Star. Đối sánh (benchmarking) cũnglà một phương pháp định lượng nhưng nhằm so sánh trường đại học này (một đối tượng) với một trường đại học khác (‘vật chuẩn’) để cải thiện tổ chức, hoạt động của ‘đối tượng’ nhằm đạt đến chất lượng tương tự như ‘vật chuẩn’ trong một khoảng thời gian xác định nào đó. Thường, đối sánh là do chính nhà trường thực hiện để cải thiện chất lượng các hoạt động của họ và được coi là một công cụ quản lý chất lượng quan trọng.
Phân tầng đại học cũng là một hình thức xếp hạng, tuy nhiên cần có bộ tiêu chí rõ ràng. Nguồn ảnh: baohaiquan
Như vậy, có thể hiểu nôm na, xếp hạng là nhìn vào hiện tượng còn đối sánh là nhìn vào bản chất; xếp hạng quan tâm đến nguồn lực còn đối sánh lại quan tâm đến việc quản lý và sử dụng nguồn lực; xếp hạng quan tâm đến kết quả còn đối sánh thì quan tâm đến nguyên nhân; xếp hạng là nhìn ra bên ngoài, trong lúc đối sánh là nhìn vào bên trong. Nghĩa là, nếu cần quảng cáo tiếp thị, thì xếp hạng là phương cách hữu hiệu, còn nếu cần phải cải thiện chất lượng hoạt động để đạt được sự phát triển bền vững, lâu dài, thì đối sánh thiết thực và hiệu quả hơn.
Kiểm định chất lượng đào tạo (quality assurance) là đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, xem trường đại học đã đủ các điều kiện tổ chức đào tạo để đảm bảo chất lượng đã cam kết hay chưa; kiểm định không phải là chất lượng. Cùng điều kiện và kết quả kiểm định như nhau, nhưng chất lượng một đại học còn phụ thuộc vào các kết quả khác và sản phẩm đầu ra. Nghĩa là, một trường đại học có kết quả kiểm định cao, nhưng rất có thể lại được xếp hạng chất lượng bình thường.
Xếp hạng các trường đại học trong phạm vi một nước đã có từ lâu, ít nhất là cách đây trên 1/3 thế kỷ, vào khoảng năm 1983, khi tuần báo US News & World Report lần đầu tiên tiến hành xếp hạng các trường đại học Hoa Kỳ. Sau đó, vào năm 1992, theo chân US News & World Report, báo The Times đã công bố bảng xếp hạng các đại học Anh. Tiếp theo, nhiều báo khác như Daily Telegraph, The Guardian, Financial Times, tuần báo Die Zeit v.v. cũng công bố các bảng xếp hạng riêng, tạo thành trào lưu xếp hạng đại học và sự cạnh tranh thứ hạng của không ít các trường đại học của các quốc gia này. Ngày nay, ở nhiều nước, việc xếp hạng đại học đã trở thành một hoạt động bình thường trong hoạt động của các trường đại học.
Việc xếp hạng các trường đại học trên qui mô toàn cầu được khởi xướng vào năm 2003, khi ‘the Academic Ranking of World Universities (ARWU)’ do trường Đại học Giao thông vận tải Thượng Hải, công bố (hiện nay do Shanghai Ranking Consultancy tiến hành), nhằm đánh giá và đối sánh các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc với các trường đại học danh tiếng Âu-Mỹ, làm cơ sở xây dựng chính sách phát triển đại học cho chính phủ Trung Quốc, không liên quan gì đến việc xếp hạng đại học. Nhưng chính công bố ARWU này đã thu hút sự chú ý của giới học thuật toàn cầu, trở nên nổi tiếng ngay từ khi ra đời, và ngẫu nhiên tạo ra cơn sốt xếp hạng đại học trên phạm vi toàn thế giới: năm sau đó (2004) Times Higher Education (THE), một tuần san có trụ sở tại London, công bố bảng xếp hạng; tiếp theo là Quacquarelli Symonds (QS), một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và du học nước ngoài của Anh, công bố bảng xếp hạng. Cho đến nay đã có khoảng 16 bảng xếp hạng mang tầm cỡ quốc tế như thế, trong đó 3 bảng xếp hạng đại học thế giới ra đời sớm nhất (ARWU, THE và QS) đồng thời cũng là các bảng xếp hạng đại học được coi là có uy tín nhất.
Như vậy, có thể thấy các bảng xếp hạng đại học trên thế giới thường do các báo, tạp chí, trang web, cũng có thể là một tổ chức thuộc chính phủ hoặc viện nghiên cứu hay nhóm nghiên cứu độc lập tiến hành. Mỗi nhóm xếp hạng có cách tiếp cận và mục tiêu đánh giá không giống nhau, nên mỗi nhóm lại dựa trên một bộ tiêu chí (criteria) và chỉ số (indicators) riêng để đo lường, theo những tiêu chí và tiêu chuẩn, điều kiện của tổ chức xếp hạng, phản ánh góc nhìn riêng của tổ chức xếp hạng ấy; vì vậy kết quả xếp hạng của các bảng xếp hạng là không tương đồng.
Xếp hạng đại học là một chủ đề được bàn thảo nhiều trên thế giới và gần đây là ở Việt Nam, và dường như không có hồi kết. Dù bị chỉ trích, chê bai và lên án thế nào, XHĐH vẫn tồn tại và phát triển trên qui mô toàn cầu, các trường đại học hàng đầu thế giới đều tự nguyện tham gia bảng xếp hạng này hoặc bảng xếp hạng kia; thậm chí nhiều người đã coi XHĐH như một thứ ‘văn hóa’ của các trường ĐH: văn hóa xếp hạng; hay chí ít là giáo dục đại học cần tìm cách chung sống với việc xếp hạng. Ngay cả những người chê bai, tẩy chay và lên án xếp hạng ĐH thường vẫn ‘soi’ họ vào các bảng xếp hạng nào đó để ‘sửa mình’.
Bất cứ bảng xếp hạng nào cũng đóng góp những giá trị nhất định và có sự tương thích nào đó với chất lượng đào tạo và NCKH của các trường nằm trong và ngoài bảng xếp hạng. Các bảng xếp hạng này, không ít thì nhiều, đã góp phần vào việc thay đổi chính sách quốc gia, chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học theo hướng ngày một nhân văn và khai sáng hơn. Xếp hạng còn khuyến khích các trường minh bạch thông tin, giúp xã hội và nhà nước giám sát tốt hơn chất lượng hoạt động của nhà trường.
Rõ ràng là, XHĐH đã là xu thế toàn cầu và trở thành nhu cầu có thật trong ‘đời sống’ của không ít các trường đại học. Việc lọt vào các top 100, 200 hay 500 trường đại học tốt nhất thế giớiđã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học trên khắp các châu lục, nhất là của các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi, đang muốn có nền giáo dục đại học hội nhập với thế giới.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 11.6.2018.