Vừa qua, dư luận xã hội bàn nhiều về bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi các nhà giáo toàn quốc. Bức thư đã thể hiện những mong muốn và khát vọng, tâm huyết với nghề giáo, với nhà giáo, trong đó đáng lưu ý là ông nhận định, người thầy có vai trò quan trọng trong việc củng cố, giữ gìn vị thế của người thầy và sự tôn nghiêm của nghề giáo. Nhưng có lẽ mong mỏi chính đáng ấy cũng chỉ là mong mỏi, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay; người thầy, dù nỗ lực đến đâu, thì cũng chỉ là một thành tố chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, vì suy cho cùng, xã hội thế nào thì người thầy thế ấy.
Điều quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở; những điều xấu xa, bị lên án, bị triệt tiêu. Ảnh minh họa: Zing.
Lịch sử phát triển nhân loại thời hiện đại cho thấy, giáo dục luôn giữ vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; và các trường đại học được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc; vì giáo dục góp phần tạo nên phẩm cách con người, ‘nếp nhà’ của một gia đình, và giáo dục cũng làm nên tầm vóc của một dân tộc.
Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quí và đáng trân trọng nhất; vì thế, nghề này đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trong sáng và mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác; điều đó làm nên sự tôn nghiêm của nghề. Các trường học thường được coi là biểu tượng tri thức và văn hóa của một đất nước và là niềm tự hào của một cộng đồng.
Thế nhưng, vì sao nên nỗi “vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn” như vị đứng đầu ngành đã phải nhắc nhở, đã phải cảnh tỉnh, đã phải kêu gọi?
Thiển nghĩ, một khi thầy không ra thầy trò không ra trò, một khi lâu đài về trí tuệ, lâu đài về đạo đức bị xâm hại, bị tổn thương, thì lỗi không phải chỉ là do thầy và trò, không chỉ là lỗi của ngành GD&ĐT, mà lỗi từ rất nhiều phía. Người thầy góp phần tạo nên những sa sút đạo đức nhưng cũng là nạn nhân của tất cả những mất mát và xói mòn ấy.
Chế độ lương
“Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”. Hình như tôi đã được nghe các câu nói đại loại như thế này không chỉ một lần, ở đâu đó, năm nào đó. Nhưng liệu có đúng là những phiền lòng và lo âu về giáo dục, về sự tôn nghiêm của nghề giáo, về vị thế cao cả của nhà giáo trong thời đại ngày nay phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào chính các nhà giáo? Chủ nghĩa duy vật biện chứng coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển, và muốn xem xét nó thì phải đặt nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác, theo đó quan điểm coi việc giữ được vị thế của nhà giáo và sự tôn nghiêm của nghề giáo - “trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta” chưa hẳn đã là ‘hợp thời’.
Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người Thầy của các nhà giáo hiện nay là chế độ lương. Tổ tiên người Việt cũng dạy “dĩ thực vi tiên”, ăn là số một, rồi sau đó mới là ở, mặc, đi lại, rồi mới đến đạo đức, văn hóa, trí tuệ và những điều cao xa khác. Người Việt lại nói, “đói ăn vụng túng làm liều”, nên khi lương người thầy không đủ để lo những nhu cầu sống và làm việc thiết yếu nhất, khiến họ vẫn phải chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo, thì người ta dễ sinh tật, dễ đánh mất mình. Có nhiều ý kiến cho rằng, hầu như tất cả các tệ nạn xã hội, sự xuống cấp đạo đức, sự xói mòn phẩm chất của không ít người có lẽ là đã được thúc đẩy và tiếp sức vì chế độ lương bổng ‘không giống ai’ của chúng ta với đội ngũ công chức, viên chức nói chung, với đội ngũ giáo viên nói riêng. Nhiều người trong số họ ban đầu buộc phải nhắm mắt đưa chân vào việc dạy thêm như cần câu cơm, như một sinh kế, rồi có người không giữ được phẩm hạnh. Thu nhập không đủ sống là kẽ hở cho những toan tính ít lương thiện len vào, khiến người thầy góp phần tạo nên sự sa sút về đạo đức xã hội và làm tha hóa đạo đức chính mình. Ông giáo có cố đến mấy cũng chỉ giữ được đến một mức nào đó.
Tất nhiên không phải ông giáo nào cũng bị cám dỗ vật chất làm cho tha hóa, hầu hết không người thầy nào muốn lo ‘nồi cơm’ gia đình mình bằng tiền dạy thêm, bằng quà biếu, bằng ăn chặn, bằng tham nhũng. Nhưng rồi số người ‘đầu hàng hoàn cảnh’ cũng đủ lớn, đủ làm cho xã hội thấy mối quan hệ giữa người học và người thầy là mối quan hệ sòng phẳng: người thầy là nhà cung cấp dịch vụ, người học là người trả tiền dịch vụ; chẳng ơn huệ, chẳng nợ nần gì nhau.
Tâm lý xem mối quan hệ thầy - trò là quan hệ mua bán sòng phẳng theo qui luật cung cầu, qui luật giá trị là rất đáng lo ngại ở xã hội ta, bởi chính ở các nước nơi là cái ‘nôi’ của nền kinh tế thị trường cũng không có cách nhìn nhận như thế đối với giáo dục; ở đó, không tồn tại thị trường trong giáo dục mà người ta áp dụng mô hình quản trị đại học linh hoạt như (chứ không phải là) một doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời vẫn mang đậm hương vị ‘cận thị trường’ (quasi market) nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối, với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của nhà nước, nên người thầy rất được tôn trọng. Ngay cả ở Mỹ, nơi có hệ số lương trả cho nhà giáo khá thấp so với các ngành nghề khác, vị thế xã hội của nhà giáo cũng rất đàng hoàng. Điều đó chứng tỏ, thang bậc giá trị của xã hội ở các nước đó không căn cứ vào thu nhập của cá nhân.
Đại học được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc. Trong ảnh: Bức tranh tái hiện thầy Chu Văn An dạy học trò, hiện treo tại đình Nội, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Nguồn: QNND.
Người thầy chỉ là một thành tố trong nền giáo dục
Muốn lấy lại vị thế của người thầy, ở đó sự liêm chính của thầy và trò được thượng tôn, chỉ cần làm đúng những lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dạy: thầy ra thầy thì tự khắc trò sẽ ra trò, trường đã ra trường, tự nhiên lớp sẽ ra lớp, tự khắc ở đó sẽ có sự tôn nghiêm của nghề giáo, sẽ có vị thế cao cả, được kính trọng và ngưỡng mộ của nhà giáo.
Nhưng để thầy đúng là thầy thì trước hết cần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá người thầy, người trò nói riêng, đánh giá và sử dụng, trọng dụng con người, nhất là người tài nói chung. Điều đó cũng lại phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố có mối quan hệ dây chuyền, tương quan với nhau. Trước hết là mục tiêu giáo dục: nền giáo dục ấy nhằm đào tạo ra các công dân hay các thần dân trong tương lai? Từ mục tiêu, chương trình đào tạo được thiết kế vì người học, vì con trẻ hay là vì ‘người lớn’; nếu vì con trẻ, chương trình đào tạo sẽ không còn bị áp đặt từ bên trên, từ bên ngoài nhà trường; nhờ thế, sẽ không còn các chương trình đào tạo được thiết kế quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, không muốn học, nhưng họ buộc phải học đối phó, học để thi, để có mảnh bằng, để được yên thân; nên học thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, nên cũng thiếu thực tài. Chương trình đào tạo được thiết kế vì người học sẽ không còn chỗ cho lối giáo dục nặng về điểm số, nặng về thi cử, nặng về thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú của người học và tính thực tiễn của các kiến thức.
Muốn làm sạch cầu thang thì phải quét dọn từ trên xuống. Nên trước hết là các lãnh đạo, nhà quản lý của ngành GD&ĐT phải thực tâm và thành tâm coi trọng người thầy, coi trọng người trò; coi người học chứ không phải những thứ khác là trung tâm đã, rồi mới nói và làm đến các việc khác. Chợt nhớ bài văn sách thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ năm 1442 của Nguyễn Trực (1417-1474), đầu bài của vua Lê Thái Tông (1423-1442) nói về việc tìm người tài ra giúp dân và phép trị nước; Nguyễn Trực viết “Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi thì cả nước sẽ bình yên”! |
Nền giáo dục ấy phải thiết kế làm sao để cho quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo là chính, quá trình rèn luyện mang tính áp đặt từ bên ngoài thành quá trình tự tu dưỡng, đảm bảo sự tu dưỡng từ bên trong của mỗi một con người là chủ yếu. Nền giáo dục ấy coi trọng và đề cao trên thực tế và trong thực tiễn các giá trị nhân văn, các quyền tự do cá nhân cơ bản của con người; mỗi con người là một bản thể độc lập nhưng gắn bó máu thịt và biện chứng với cộng đồng, vui với niềm vui của đồng bào mình, buồn lo, yêu thương, căm phẫn cùng với đồng bào mình.
Việc thiết kế một nền giáo dục tiến bộ như vậy vốn không xa lạ với chúng ta, có thể đơn giản được bắt đầu từ việc coi trọng việc truyền thụ và rèn luyện tính trung thực, liêm chính, tự trọng của mỗi con người theo 5 điều Bác Hồ dạy, nhất là về các đức tính Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm, các đức tính cốt lõi để làm nên phẩm hạnh và tầm vóc một con người. Làm thế nào để chúng ta có những thế hệ học trò sống không gian dối, sống ngay thẳng và cương trực (Thật thà), đủ dũng khí đấu tranh và loại trừ cái xấu, cái ác, bảo vệ cái tốt đẹp, cái thiện lương, điều tử tế, loại bỏ thói háo danh và hãnh tiến, xây dựng một xã hội thích đi vào bản chất sự việc và sự vật hơn là thích đi vào các hình thức sáo rỗng khoe mẽ bề ngoài, những ‘cờ đèn kèn trống’ xủng xoẻng vô hồn (Dũng cảm); những con người Thật thà, Dũng cảm này không công thần, không đặt mình đứng trên thiên hạ, không coi mình là ‘rốn của vũ trụ’, chỉ có từ đúng trở lên, cho mình cái quyền đi dạy bảo, giáo huấn người khác. Những công dân này là nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp, cho đồng chí mình để cùng khởi tạo nên các giá trị mới, các nền tảng mới cho xã hội, khiêm nhường và liêm chính trong công vụ (Khiêm tốn). Khi đó, chúng ta sẽ có những công dân luôn luôn trẻ trung, năng động, có tư duy độc lập và sáng tạo, đủ dũng khí và sức mạnh để phá vỡ mọi trở ngại trên con đường dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, họ biết khôn khéo và mềm mỏng khác xa với hèn mọn và sợ hãi, dám tự tin và kiên cường vượt qua các rào cản một cách kiêu hãnh để đi đến thành công của bản thân, của cộng đồng; họ có trái tim bao dung, ấm áp, nhân ái, nhìn nhận thế giới bằng con mắt thiện lương, hòa đồng, và một trí tuệ mang tầm thời đại. Những công dân thông tuệ và có phẩm hạnh như thế, chắc chắn sẽ cùng nhau xây dựng một đất nước hùng cường và hạnh phúc, tươi đẹp và thịnh vượng.
Áp lực từ môi trường xã hội lên người thầy
Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cho nên nhân cách, phẩm giá, vị thế người thầy phụ thuộc rất lớn vào tồn tại xã hội. Theo lẽ biện chứng tự nhiên, thời đại nào có nền giáo dục của thời đại ấy, nền giáo dục nào có con người của nền giáo dục ấy. Nghĩa là, xã hội thế nào thì con người và giáo dục thế ấy; bởi lẽ, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người là chân dung của xã hội, chân dung của thời đại.
Nếu như xã hội đề cao đồng tiền và quyền lực, thì đồng tiền và quyền lực tất yếu sẽ có vai trò thống trị, giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội; ở đó mọi người sẽ ganh đua nhau để làm chính trị, làm quan; vì một khi đã được làm quan là gần như có đủ thứ ‘vinh thân phì gia’. Nếp nhà không tử tế, xã hội không tử tế, thì sẽ sinh ra những con người thiếu bản lĩnh, dễ bị lụy quyền thế, lụy vật chất. Những xã hội như thế không thể đề cao trên thực tế và về thực chất đối với lẽ phải và các giá trị nhân bản của nhân loại, của thời đại, của dân tộc, trong đó có vị thế người thầy.
Bởi vậy, nếu như mọi nguồn cơn của nền giáo dục đều “trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo”, thì nền giáo dục của chúng ta đã không ở những thang bậc như hiện nay trong lòng dân, trong nhận thức xã hội. Do đó, đòi hỏi “trước hết” người thầy phải cố gắng mới lấy lại được vị thế người thầy trong một xã hội còn đang thiếu tôn trọng người thầy là đúng nhưng chưa đủ. Vậy giấc mơ “chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”, có thể trở thành hiện thực trên cuộc đời này được không?
Chúng ta đều nhớ phong trào “hai không” rầm rộ và hồ hởi ngày nào, được khởi xướng vào một ngày hè oi nồng của năm 2006; người ‘lính tiên phong’ Đỗ Việt Khoa nay ở đâu? Có mấy ai còn nhớ đến thầy, mấy ai còn quan tâm và biết đến thân phận của thầy? Đã có mấy ai đứng ra bảo vệ “người hùng” và đồng hành cùng thầy và các nhà giáo chân chính khác trên con đường gian khó để cùng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự trong sáng và nghiêm cẩn của nghề giáo, vị thế cao cả của nhà giáo? Thì ra, vẫn còn có những thứ mạnh hơn nhiều thân phận, đức độ, phẩm cách một người Thầy, với chữ Thầy được viết hoa.
***
Để giành lại vị thế người thầy, trước hết Nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để có thể ngẩng cao đầu trong xã hội còn có những điều nhiễu nhương, ngang trái; tất nhiên là như thế! Nhưng quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở; những điều xấu xa, bị lên án, bị triệt tiêu.
Sự sa sút về phẩm hạnh người Thầy sẽ kéo theo một hệ quả lớn, là nó có thể làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức và đang giảng dạy về đạo đức lại làm những việc trái với những điều họ răn dạy về đạo đức, về luôn thường đạo lý cho học trò. Một đất nước, một thời đại mà vị thế của nhà giáo bị ‘mất giá’, lề bậc “quân sư phụ” từng là chân lý một thời, bị sụp đổ, thì khó có thể sản sinh ra được những nhà trí thức, nhà cải cách, nhà văn hóa lớn như Newton, Lomonoxov, Betthoven, van Gogh, Watson & Crick, Adam Smith, Meiji-tennō hay Fukuzawa Yukichi. |
Trần Đức Viên
Nguồn: Tia sáng, ngày 12.5.2021.
------
*Bài viết của tác giả nhân đọc bức thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi nhà giáo trên toàn quốc.