Tản mạn về sách giáo khoa (Tranh luận với...chính mình)

Sang năm mới, cái “mới” đầu tiên nổi lên là học sinh lớp một bắt đầu dùng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông “mới”. Lớp Một là lớp quan trọng nhất. Những gì được vẽ nên trong bộ óc còn trong sáng sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời. Bởi thế nên không ai không quan tâm đến sách giáo khoa mới, kể cả những người không có con cháu vào Lớp Một. Ai cũng bàn, cũng góp ý về sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Lớp Một. Trong những cuộc tranh luận nhiều khi rất “nẩy lửa”, ít thấy hai người nào hoàn toàn đồng ý với nhau! Bài viết này ghi lại vài ý kiến trong cuộc tranh luận của tôi với…chính mình! Cũng chưa thấy phân định thắng thua, và chắc cũng còn lâu “hai bên” mới đi đến hồi kết.

20200225

Chúng ta vẫn cần các cuốn giáo khoa dành cho “đại trà”. Ảnh: Học sinh trường tiểu học Trần Phú, Kon Tum. Nguồn: trường tiểu học Trần Phú, Kon Tum.

1. Viết cho ai?

Một cuốn giáo khoa thật sự tốt là cuốn giáo khoa chỉ dành cho… MỘT NGƯỜI.
Không tìm thấy hai người nào giống nhau. Vì thế sách dành cho họ cũng phải khác nhau, nếu muốn được gọi là “tốt”. Tuy nhiên, chỉ có các Thái tử ngày xưa mới được hưởng cái quyền đó: có cả một đội ngũ các quan Thái phó chuyên dạy cho họ. 
Trong khi chờ đến cái ngày mà AI (trí tuệ nhân tạo) cung cấp cho mỗi người cuốn sách giáo khoa thích hợp với riêng họ, ta vẫn cần các cuốn giáo khoa dành cho “đại trà”. Viết cho đại trà, mà được “đại trà” công nhận là “tốt”, thật khó lắm thay! Cái mà nơi này thấy hay, thì nơi kia thấy khó. Có hình ảnh miền xuôi, không thể thiếu miền ngược. Có nông thôn, phải có thành thị. Trẻ em “chậm hiểu” vẫn qua sách mà nắm được đầy đủ “yêu cầu cần đạt” của Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, trong khi những em “thông minh” không thấy là quá dễ, vẫn còn đất để mà đào sâu suy nghĩ.
Khó, nhưng người viết sách giáo khoa phải xác định ngay từ đầu: sách dành cho ai? cho học sinh tất cả các vùng miền, hay chỉ một số đối tượng nào đó?

2. Viết cái gì?

Trở lại câu hỏi đầu tiên: thế nào là một sách giáo khoa tốt? Khi khen chê sách giáo khoa, một câu rất thường nghe thấy: “hồi tôi đi học,…” Tức là mỗi người thường đánh giá sách giáo khoa theo kinh nghiệm của họ. Mà “kinh nghiệm” chính là quá khứ. Sách giáo khoa lại là cái dành cho tương lai. Đem “quá khứ”,  thậm chí là “hiện tại” để đánh giá tương lai, tất không thể tránh khỏi khiên cưỡng. Nếu ta nghĩ chỉ cho học sinh học những thứ mà ta thấy cần, thì khi lớn lên chắc con em chúng ta khó mà vượt qua được chính chúng ta! Biết tương lai cần cái gì là điều không dễ. Vậy nên đừng nghĩ mọi thứ học sinh được học mà ta “chưa biết dùng để làm gì” đều là những thứ “viển vông”. Ngày xưa ta ăn rau ăn cháo, học sách giáo khoa “lạc hậu” mà vẫn lớn lên khỏe mạnh, nên người. Đành là vậy, nhưng vẫn cần cho thế hệ này của tương lai ăn “thịt, cá” nhiều hơn, và những cuốn sách giáo khoa khác với “ngày xưa”.

Cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh. Đến nỗi người như Bill Clinton cũng phải nhận xét: “Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, thế giới mới có 50 trang web. Vậy mà 5 năm sau, con số đó đã là…2 tỷ”! Điều này đặt ra những khó khăn lớn cho những người viết sách giáo khoa. Nếu “xã hội cần gì, phải dạy cái đó” thì rất có thể học sinh ra đời sẽ thiếu thực tiễn! Dạy họ làm cái ô tô chạy xăng thì khi ra đời, mọi ô tô có thể đã chạy bằng pin mặt trời! “Thực tế” thay đổi rất nhanh, nhất là trong thời đại công nghệ cao của hôm nay. Nhưng có một “thực tế” không bao giờ thay đổi: để có thể thích ứng với mọi công nghệ mới, mọi lý thuyết mới, mọi thay đổi của xã hội, con người cần một kiến thức cơ bản thật vững chắc. Về cả tự nhiên và xã hội. Nhiều công ty, cơ quan phàn nàn về việc sinh viên ra trường chưa làm việc được ngay, mà phải “đào tạo lại”. Nguyên nhân hoàn toàn không phải vì nhà trường không dạy những cái công ty đang cần (và hiển nhiên cũng không thể dạy tất cả những gì mà các công ty khác nhau đang cần), mà chính vì đã dạy chưa cơ bản. Nếu sinh viên ra trường có kiến thức cơ bản vững chắc thì việc thích ứng với mọi công ty không phải là điều khó khăn quá.

Trang bị những kiến thức cơ bản chính là nhiệm vụ của các nhà trường. “Kiến thức” ở đây không phải là những gì mà ta có thể tìm thấy trên ‘google” với một cái nhấp chuột. Đã qua cái thời con người cần nhớ thuộc lòng mọi thứ. Học sinh bây giờ cần những cái mà họ không thể “gúc” mà có được. Đó chính là phương pháp tư duy, khả năng tìm tòi những cái mới, khả năng thể hiện tường minh những ý nghĩ mơ hồ và bất chợt, khả năng làm việc và tìm tòi tập thể. 

Nếu so sánh sách giáo khoa Việt Nam với các nước thì có thể thấy kiến thức của ta cũng không có gì “quá tải”. Ở đây, khi nói về “kiến thức”, ta nói về những khái niệm, phương pháp chung mà học sinh cần nắm được. Còn nếu so sánh các “mẹo mực”, các câu hỏi lắt léo thì có thể học sinh của ta bị quá tải hơn bạn cùng lứa nước ngoài. Nếu chỉ chăm chú luyện bài tập khó, luyện "mẹo” mà ít rèn luyện kiến thức cơ bản nâng cao, chúng ta dễ làm các học sinh giỏi của mình đạt thành tích sớm, và cũng “còi” sớm về trí tuệ.

3. Viết thế nào?

Khi nhạc sĩ viết xong một bài hát, một bản nhạc, bài hát đó, bản nhạc đó bắt đầu có cuộc đời riêng của nó, nhiều khi khá độc lập với người đã sinh ra nó. Cũng có nhạc sĩ tự hát bài mình sáng tác, nhưng phần lớn nhạc sĩ hát không hay! Muốn đến được với đời, bài hát phải nhờ ca sĩ, bản nhạc phải nhờ dàn nhạc. Thông thường công chúng chỉ còn nhớ đến ca sĩ đã hát thành công bài hát, mà không biết tác giả của nó là ai. Các nhạc sĩ cũng không lấy thế làm buồn: điều họ mong ước là bài hát của mình được công chúng đón nhận.  
Sách giáo khoa cũng vậy. Những người viết sách không thể đi dạy, và có dạy cũng thường dạy dở! Chỉ có các thầy, cô giáo mới đưa được những điều trong sách giáo khoa đến với học sinh. Nói cho cùng, người viết sách giáo khoa có phần khó hơn nhạc sĩ! Khi Trịnh Công Sơn viết “Hạ trắng”, ông đã hình dung ra chất giọng Khánh Ly, và nhiều bài hát của ông dường như chỉ viết dành cho Khánh Ly. Sách giáo khoa là bài hát phải viết sao cho thích hợp với “chất giọng” của…một triệu giáo viên, như bài hát viết cho một triệu ca sĩ! Vì thế, yêu cầu đầu tiên phải là “dễ hát”, không được có nốt quá cao, quá trầm. Dễ, mà vẫn phải hay, đấy mới là điều khó!
Người làm sách giáo khoa có thể góp phần giúp cho giáo viên dễ dạy, đấy là khi những kiến thức trong sách tạo được niềm vui học tập cho học sinh, các bài học dành cho giáo viên ít nhiều khoảng không để sáng tạo, phù hợp với khả năng và sở thích của họ. Và một điều không kém quan trọng: người viết và người dạy cần hiểu nhau, có thể thông qua các hình thức “tập huấn”. □

Hà Huy Khoái

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 16.02.2020.

Thông tin truy cập

63693414
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13706
23426
63693414

Thành viên trực tuyến

Đang có 221 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website