Thầy Nguyễn Lộc

20200507 2

Thầy Nguyễn Lộc và phu nhân - Nhà thơ Ý Nhi                                          

Tối hôm qua, thầy Nguyễn Ngọc Sơn (sinh viên khóa 1, thầy dạy Văn học Việt Nam nhưng đã chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước khi chúng tôi vào trường), gọi điện cho tôi thông tin “mình vừa có chuyến đi thăm mấy ông bạn ở Sài Gòn. Vui vì gặp bạn bè, nhưng buồn vì không gặp được anh Chu Xuân Diên, còn anh Nguyễn Lộc thì yếu quá. Hỏi có nhận ra ai đây không, mãi mới nói Sơn, Sơn”. Thông tin của thầy làm tôi thấy buồn. Thầy Lê Chí Dũng cũng đang ốm lắm. Thế là tổ Văn học Cổ Cận Dân ngày ấy chỉ còn các thầy Mai Cao Chương, Trần Vĩnh, Nguyễn Lộc, Lê Chí Dũng và Lê Chí Quế nhưng ở khoa Văn đến ngày nghỉ hưu và xuân thu nhị kỳ còn gặp chỉ còn có một mình thầy Lê Chí Quế.

Lứa chúng tôi đầu những năm 70 lúc học văn học dân gian thấy thích nhưng chuyển sang văn học Lý Trần thì cảm giác ấy không còn. Văn học dân gian dù sao cũng còn thấy gần gũi hơn vì trước đó ít nhiều cũng có học và có đọc. Văn học thấm đẫm tinh thần Phật giáo thời Lý đám sinh viên trẻ chúng tôi không tiếp nhận được. Rồi đi sơ tán, học ít, chạy nhiều, lao động lắm làm chúng tôi sao nhãng việc học hành. Một hôm, sau khi đã sơ tán về thì phải, tôi lên văn phòng khoa lấy thời khóa biểu cho lớp thì gặp một thầy trán cao, dáng đẹp, tóc hơi xoăn, mắt cười lấp lánh sau cặp kính đầy vẻ thân thiện. Thầy có việc gì đi gấp, tôi chỉ kịp nghe thầy nói với thầy Phan Trác Cảnh làm ở Văn phòng khoa giọng miền trong, nghe nhẹ và dễ chịu “thế tuần sau mới bắt đầu nhỉ. Thế mà tôi cứ tưởng. Tôi đi nhé” rồi đi ra. Thấy tôi đứng đó “chào thầy”, thầy mỉm cười hơi gật đầu “chào bạn” rồi đi ra. Tôi cứ đứng vậy nhìn theo thầy, nghĩ thầm “sao có thầy nào lại thân thiện với sinh viên như thế nhỉ?”. Tôi đã được thầy Nguyễn Phan Cảnh sau khi tan dạy chào lúc đi qua mấy đứa chúng tôi đứng tán chuyện ở hành lang cũng dịu dàng nhưng tôi thấy lạ vì thầy cũng cười nhưng lại nhấc mũ ra khỏi đầu, hơi cúi xuống lúc đi qua đám chúng tôi đang đứng dọc hành lang. Còn thầy này chào và cười với tôi bằng một nụ cười thân thiện và ấm áp. Miệng thầy tươi và mắt thầy thì lấp lánh những tia nồng hậu. Thầy Phan Trác Cảnh vẫy tôi vào “cậu lấy thời khóa biểu đi. Tuần sau các cậu học thầy vừa đi ra đấy. Thầy Nguyễn Lộc. Thầy giảng giai đoạn XVII-XVIII”.

Dù chưa được nghe thầy giảng bao giờ, nhưng cử chỉ ban đầu của thầy đã gợi cho tôi rất nhiều thiện cảm. Rồi không phải chỉ mình tôi mới có cảm giác vui sướng khi nghe thầy dạy mà cả lớp tôi đều thích học giờ của thầy. Giọng thầy dịu dàng, dễ nghe, thầy giảng cuốn hút nhưng không có cái ồn ào, sôi nổi như thầy Khỏa, thầy Niệm. Ở thầy có gì đó hơi giống cách dạy của thầy Đỗ Hồng Chung, cô Lê Hồng Sâm: nhẹ nhàng, hấp dẫn, sâu sắc. Đặc biệt nghe thầy đọc và bình thơ thì rất thích. Ngọt và thấm bởi cả chất giọng, cách bình và con người thầy. Lúc đó, tôi đã ước nếu sau này được làm nghề dạy học, sẽ cố tập được cách truyền thụ kiến thức của thầy. Có lẽ, tôi yêu văn chương giai đoạn này vì nó vừa sâu lắng, thiết tha vừa mang nỗi đau đến quằn quại trước những đau khổ của con người trong những câu thơ mượt mà nhưng cũng ứa máu mà còn cả vì được nghe những bài giảng của thầy. Phùng Huy Thịnh lớp tôi hay bắt chước chất giọng đặc biệt khi thầy đọc thơ Hồ Xuân Hương còn tôi thì vừa nghe thầy giảng, thầy đọc, vừa chăm chú quan sát cách diễn tả tâm trạng nhân vật qua những câu thơ thầy chọn. Chúng tôi gọi vụng thầy là chàng Kim (Kim Trọng) vì thấy ở thầy vẻ hào hoa, phong nhã của Kim Trọng cứ như phảng phất trong cách nói, nụ cười, trong mỗi cử chỉ thầy thể hiện.

Sau này, khi ở lại khoa làm việc, tôi lại được làm đồng nghiệp của thầy. Một lần, thấy thầy gọi thầy Bùi Duy Tân là bạn, tôi thấy lạ bởi tôi nghĩ thầy Tân phải thuộc thế hệ khác nhưng té ra thầy Tân cũng cùng lứa với thầy nhưng nhỉnh hơn chút ít. Chúng tôi gọi thầy Lộc là chàng Kim vì trông thầy trẻ trung và hào hoa còn thầy Tân thì quen sống khắc khổ, bình dân nên chúng tôi gọi là cụ Lý (trưởng). Thầy Tân, mấy năm trước khi mất, lúc đã yên tâm sắp đặt cuộc sống cho mình và cho các con, đã gần như tách ra khỏi những lo âu, thậm chí phiền muộn ở đời, đã có lần tâm sự với tôi về những người thầy và bạn của mình. Thầy bảo “cụ Khánh (Đinh Gia Khánh) thì uyên bác rồi. Tôi không có được cái tài hoa như ông Lộc (Nguyễn Lộc), sâu sắc như ông Hượu (Trần Đình Hượu), tôi chỉ lấy cái chăm chỉ để bù vào những cái thiếu hụt của mình thôi. Làm nghề này cần cù cũng đạt tới một cái gì đó nhưng sâu sắc rồi lại tài hoa nữa thì sướng lắm. Sướng vì nghĩ rồi nói ra, viết ra được những cái tâm đắc của mình. Sướng vì nghĩ được ra những cái người khác chưa nghĩ được, nói ra được những cái người khác không nói ra được, hay lắm. Ông Hượu là thế. Ông Lộc là thế”. Nghe một thầy nói về những thầy khác với một thái độ trân trọng và ngưỡng mộ như thế, tôi ngộ thêm ra một điều: ở đời, vượt lên trên được những thói thường ai cũng có, nhiều khi nó còn đem lại cho mình một cái gì đó, để công bằng với người và với mình như thế chỉ có thể có được ở những đấng bậc. Không ít người tài năng xuất chúng nhưng đôi khi không vượt lên trên được những thói thường cũng dễ rơi xuống cái tầm thường. Tôi hiểu không phải trong mọi quan hệ các thầy tôi đều tuyệt với cả và không khỏi có lúc cũng làm mếch lòng người khác vì những chuyện này kia nhưng trong quan hệ với đồng nghiệp, bè bạn, học trò, tôi luôn thấy các thầy tôi ứng xử như những người quân tử. Tôi không biết thầy Nguyễn Lộc có dòng dõi thi thư hay không, nhưng tôi thấy ở thầy và các thầy Nguyễn Kim Đính, Chu Xuân Diên có nhiều nét rất giống nhau. Cả ba thầy không ai là đảng viên nhưng các thầy giữ mình, làm nghề lúc nào cũng nghiêm cẩn, thái độ với đồng nghiệp, học trò lúc nào cũng có sự trân trọng làm chúng tôi, lứa học trò rồi sau này được ở lại làm đồng nghiệp của các thầy luôn yêu mến và học theo. 

Học cùng lớp tôi có anh Trần Nho Thìn sau này trở thành người được thầy đỡ đầu về chuyên môn. Hai thầy trò có những nét khá giống nhau. Anh Thìn giống thầy ở chỗ rất say chuyên môn và không muốn mất thời gian vào những hoạt động xã hội vốn lấy mất nhiều thời gian và chịu những va đập như nhiều người khác, trong đó có tôi. Thời ấy, để vượt qua được thiên kiến chuyên môn thuần túy là điều không đơn giản. Sau này, tôi mới hiểu được rằng, để yên tâm mà làm việc, để tập trung theo đuổi những đam mê của mình mà những người như thầy và bạn của tôi phải chấp nhận những thiệt thòi không đáng có mà tổ chức, xã hội, người đời gán cho họ. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ số phận những người như thế dường như bị câu thơ Kiều thầy đọc rất hay tài tình chi lắm cho trời đất ghen gắn vào. Nhưng, rồi tôi cũng ngạc nhiên khi thấy thầy vào Đảng, thầy hoạt động rất sôi nổi và có đầu óc tổ chức như một người đã rất quen với những việc này. Sinh hoạt trong cùng chi bộ với thầy một thời gian, tôi thấy thầy còn có nhiều năng lực khác mà trước đó ít khi thấy bộc lộ. Anh Trần Nho Thìn, một phần do những nỗ lực cá nhân, một phần nhờ có thời gian “cắp cặp theo thầy học đạo” mà bây giờ trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về văn học giai đoạn này ở tầm hiểu biết và những phát hiện. Anh tiếp được những tư tưởng của các thầy trong bộ môn và còn tạo ra được một hướng đi rất hữu ích cho những người nghiên cứu văn học giai đoạn này. Ở anh cũng có nét như người thầy của mình: chỉ nói bằng những công trình khoa học và làm việc hết mình cho niềm đam mê một đời, đành hi sinh những thú vui khác để dồn tình yêu cho công việc.

Năm 1987, thầy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi chỉ còn được biết tin về thầy qua những công việc ở khoa Ngữ văn và Báo chí mà thầy làm Chủ nhiệm khoa ở trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh rồi sau này, khi trường Đại học Văn Hiến thành lập, thầy lại là một trong những yếu nhân xây dựng nên ngôi trường này. Tôi cũng biết cả những vất vả thầy phải chịu vì dù sao, trước sau thầy cũng vẫn chỉ là một nhà giáo, một nhà khoa học, thầy hành xử trong cả đạo và đời đều theo đạo lý, theo lẽ phải trong khi những công việc quản lý nhiều khi lại tuân theo một logic và đạo lý khác, logic lợi ích, logic quan hệ - những thứ xa lạ với những người như thầy. Đôi lần ra Hà Nội, thầy có gặp mặt đồng nghiệp, học trò. Tôi vẫn thấy ở thầy một khao khát: đưa khoa học xã hội và nhân văn phát triển như chính nó phải thế và mong có những cán bộ theo đuổi nghề với những đam mê vì nghề như theo đuổi nghiệp trong đời chứ không chỉ như một công việc thông thường để mưu sinh. Vẫn chất giọng nhẹ nhàng và nụ cười thân thiện trời phú nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ giá những người như thầy đừng dính phải những việc quản lý thì có phải sẽ nhẹ nhàng và êm ấm hơn không? Nghĩ thế nhưng rồi lại chợt nhớ đến câu thơ của cụ Thám hoa Trần Bích San văn phi sơn thủy vô kỳ khí Nhân bất phong sương vị lão tài cứ như cái nghiệp ở đời, tránh làm sao được? Những người như thầy, không thắp lửa thì ai sẽ là người làm công việc này? Lại như được an ủi. Và thấy vẫn còn may là thầy vẫn giữ được nụ cười và ánh nhìn, trước đây thì tôi cho là trời phú, nhưng bây giờ tôi nghĩ khác: không có cái ấm áp từ bên trong, nụ cười và ánh nhìn ấy không thể cứ nguyên vẹn như vậy qua năm tháng.

Phạm Quang Long

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 07.4.2020.

Thông tin truy cập

60517644
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9155
12997
60517644

Thành viên trực tuyến

Đang có 255 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website