COVID-19 khoét sâu bất bình đẳng giáo dục toàn cầu

Đại dịch Covid buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa trường học và kỳ vọng vào giải pháp thay thế là học trực tuyến. Nhưng thực tế cho thấy những bất bình đẳng giáo dục đã có từ trước vẫn tiếp tục được bộc lộ, thậm chí bị khoét sâu hơn. Và theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch Covid đã tạo ra cuộc khủng hoảng với giáo dục tồi tệ nhất trong thế kỷ này. 

20210322 3

 Ảnh: Freepik.

Suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa mạng sống con người mà còn kéo theo những vấn đề trầm trọng cho hoạt động giáo dục trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, có tới 130 quốc gia buộc phải đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Nhiều trường học đóng rồi lại mở, rồi lại đóng khi diễn biến dịch ngày càng trở nên phức tạp. Khoảng 990 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Số lượng quốc gia còn mở cửa trường học hoàn toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Pháp, Thụy Sĩ, Belarus, Hungary, Việt Nam. Vậy là, vào thế kỷ thứ 21, kỷ nguyên được coi là thời đại của công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyền được học - thứ quyền được coi là cơ bản của con người, trở nên xa vời hơn vì một đại dịch mà con người không chút phòng bị và không kịp trở tay. Số liệu này vẫn thay đổi từng ngày và chúng ta không biết điều gì đang đợi phía trước.

Để duy trì việc học tập, các quốc gia đã nỗ lực cung cấp các giải pháp trực tuyến, hoặc các kênh truyền thông khác như tivi, radio. Viễn cảnh kỳ vọng là dù ở nhà, học sinh sinh viên vẫn ngày ngày “lên lớp” gặp giáo viên. Hoạt động dạy và học được duy trì đều đặn và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế không bao giờ “như là mơ”. 

Rào cản thiết bị và công nghệ 

Tiếp cận giáo dục trực tuyến ở các gia đình, các nhóm xã hội rất khác nhau. Những nhóm thiếu thốn về thiết bị, kết nối mạng, hiểu biết về công nghệ, người hỗ trợ, môi trường thuận tiện tiếp cận giáo dục trực tuyến vô cùng khó khăn. 

Theo Financial Times, trong thời gian phong tỏa tại Anh, số lượng học sinh của các trường tư thục học trực tuyến cao gấp hai lần học sinh trường công. Hằng ngày, con cái trong gia đình khá giả dành thời gian học trên mạng nhiều hơn học sinh nghèo 30%. Ngay cả trong khu vực nhà nước, học sinh các gia đình khá giả, có môi trường học tập tốt hơn, có nhiều khả năng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trường học hơn. Kể từ tháng 7/2020, học sinh từ các vùng và các hộ nghèo hơn có xu hướng nghỉ học nhiều hơn. Cơ quan giám sát Ofcom ước tính khoảng hơn 1,1 triệu trẻ em ở Anh (chiếm 9% tổng số học sinh) không thể có máy tính xách tay, máy tính để bàn hoặc máy tính bảng, và hơn 880.000 trẻ trong số đó sống trong gia đình chỉ có duy nhất một kết nối Internet từ điện thoại di động.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Hoa Kỳ, ở khắp các trường đại học dù là công hay tư, tỷ lệ nhập học đại học mùa thu năm 2020 của học sinh trung học thuộc khu vực thu nhập thấp đã giảm 29%, gần gấp đôi so với học sinh đến từ các trường trung học thuộc khu vực có thu nhập cao hơn. 

Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, trong thời kỳ bình thường, sau kỳ nghỉ hè, năng lực học tập của một học sinh thuộc gia đình có điều kiện kém sẽ bị thụt lùi một tháng, trong khi các học sinh đến từ gia đình có điều kiện tốt hơn không gặp tình trạng này. Thậm chí, trong kỳ nghỉ hè các em vẫn học được thêm kiến thức mới, nhờ sự hỗ trợ của gia đình. Vì vậy, các nhà giáo dục lo ngại rằng việc gián đoạn quá trình học tập trong thời kỳ đại dịch sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sau. Những học sinh bỏ lỡ các mốc quan trọng về giáo dục có thể sẽ nản lòng không quay trở lại trường học nữa hoặc không bao giờ theo kịp các bạn đồng trang lứa. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ trong tương lai. 

Ngoài những lý do tương tự ở quốc gia phát triển, tại những nước đang phát triển, sự bất bình đẳng còn xuất phát từ trình độ sử dụng công nghệ của giáo viên. Khảo sát gần đây ở Trung Quốc cho thấy, vì giáo viên nông thôn không quen sử dụng các nền tảng công nghệ nên những lớp học trực tuyến tại các vùng nông thôn đều do giáo viên ở thành phố thực hiện. Học sinh không quen với giáo viên và cách học mới, trong khi giáo viên trực tuyến không hiểu rõ học sinh địa phương và dạy với tốc độ nhanh hơn khả năng tiếp thu của các em. Mặc dù nhà nước nỗ lực hạn chế việc gián đoạn hoạt động dạy và học trong đại dịch, nhưng chất lượng giáo dục lại không đảm bảo, thậm chí còn khiến chất lượng giáo dục tại các vùng nông thôn đi xuống. Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều than phiền về hình thức học tập trực tuyến. Họ nhận thấy với hình thức học tập này, giáo viên ít tương tác với học sinh, chất lượng truy cập không tốt, không có người giám sát hay hỗ trợ việc học tập. Điều này càng đào sâu khoảng cách giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị. Tương tự, khảo sát sơ bộ của Bộ Giáo dục Malaysia vào tháng 03 - 04/ 2020 cho thấy 37% trẻ em không có bất kỳ thiết bị điện tử nào và chỉ có 15% sinh viên có máy tính cá nhân. 

Đối với những gia đình có điều kiện, chẳng hạn cha mẹ đều là trí thức cao, sẽ không gặp bất cứ vấn đề trở ngại nào khi con cái họ cần học trực tuyến: máy tính luôn sẵn sàng, kết nối Internet ổn định, cha mẹ đủ trình độ để hỗ trợ. Nhưng dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, vẫn sẽ diễn ra cảnh anh chị em trong nhà đang chia nhau một chiếc máy tính xách tay hoặc máy tính bảng để học bài, kết nối chập chờn lúc được lúc không. Thậm chí nhiều gia đình còn chẳng có bất cứ công cụ nào để truy cập Internet. Anh/chị học trên máy tính thì em sẽ nghe giảng trên tivi, hoặc trong lúc đứa này học thì đứa kia chơi. Ngoài ra, khi không học, đứa lớn nhất trong gia đình sẽ phải chăm em, phải nấu nướng và làm việc nhà. Cha mẹ chúng hoàn toàn vắng mặt vì còn phải đi làm, lăn lộn kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Hoặc nếu như bắt buộc phải nghỉ việc, chẳng bao lâu sau sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng và bạo lực gia đình có thể xảy ra. Không có gì đảm bảo những đứa trẻ trong hoàn cảnh này có thể duy trì việc học tập.


Vừa qua, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã quyết định cho học sinh lớp 1,2 nghỉ học trực tuyến vì nhận thấy học sinh nhỏ tuổi học trực tuyến chưa hiệu quả. Ảnh: Cổng thông tin Tp Hải Phòng. 

Ngân hàng Thế giới nhận định rằng những mất mát trong giáo dục do Covid gây ra sẽ ngày càng làm tăng sự bất bình đẳng và để lại những hậu quả dài lâu cho cả cá nhân và xã hội. Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khả năng họ cho con quay lại trường học sau đại dịch là vô cùng thấp. UNESCO ước tính rằng sẽ có khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học, và nếu như các quốc gia không coi giáo dục như một trong những trụ cột cần phục hồi sau đại dịch thì sẽ càng đào sâu tình trạng bất bình đẳng, nạn nghèo đói và sự chia cắt trong xã hội. 

 

Điều kiện gia đình

Theo số liệu của Europa, trong 21 quốc gia châu Âu, có đến 25% trẻ nhỏ ở các nước châu Âu không có không gian yên tĩnh để học bài; còn OECD thống kê tình trạng này ở các nước đang phát triển là 30%, phần lớn rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả ở quốc gia có điểm số PISA cao như Hàn Quốc, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ không có một nơi yên tĩnh để ngồi học bài. 

Bên cạnh đó, để học trực tuyến, trẻ cần tới sự hỗ trợ của cha mẹ. Nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng các cha mẹ có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn có xu hướng tham gia nhiều hơn và ảnh hưởng tích cực hơn tới việc học tập của con. Tại Hà Lan, cuộc khảo sát do Đại học Amsterdam thực hiện trong tháng 04/2020 với hơn 1000 bậc phụ huynh cho thấy 70% phụ huynh có bằng đại học cảm thấy họ có thể giúp con học tại nhà, trong khi chỉ 40% phụ huynh có bằng tốt nghiệp phổ thông tự tin với khả năng này. Kể cả khi trường học mở cửa trở lại, thì những khoảng cách giáo dục do những bất bình đẳng về hoàn cảnh gia đình mang lại cũng khó có thể rút ngắn. 

 

Sức khỏe tinh thần và an toàn thể chất

Ngoài việc tiếp cận tri thức khó khăn hơn khi trường học đóng cửa, học sinh sinh viên khắp toàn cầu còn mất đi cơ hội để rèn luyện những kỹ năng xã hội và cảm xúc, những kỹ năng cần thiết để thích nghi và vươn lên trong thời đại mới mà môi trường gia đình không thể cung cấp đủ. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn lo lắng về những vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất mà các em học sinh có thể gặp phải trong thời gian học tại nhà. 

Tôi còn nhớ, khi các trường học ở Việt Nam bắt đầu chuyển sang học trực tuyến vào hồi đầu năm ngoái, trên mạng xã hội “sốt” những bức hình rất hài hước về việc cha mẹ giúp con học. Ông giấu hai cánh tay đằng sau lưng nhưng thực chất, một bàn tay của ông đang cầm một chiếc dép. Ảnh khác thì bà mẹ đang chúi đầu vào tủ lạnh, còn ông bố khác lại phải tự trói hai tay mình. 

Những bức hình này liệu có phản ánh một thực chất là, ở nhà lâu với con rất dễ khiến các bậc phụ huynh nổi nóng và “vung tay”?

Trên thực tế, các nhà xã hội học đã đánh giá rằng đại dịch Covid ‑ 19 khiến cho nguy cơ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực tại gia đình và chế độ dinh dưỡng kém trầm trọng hơn rất nhiều. Đại dịch Covid-19 khiến không khí nhiều gia đình giống như một chiếc “nồi áp suất” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào do nhiều yếu tố ảnh hưởng: hao hụt về tài chính, lo ngại về sức khỏe, quá tải công việc, thói quen thường ngày bị thay đổi, hay việc chỉ nhìn thấy nhau 24/24 cũng khiến người ta căng thẳng và nổi nóng. 


Sự căng thẳng và bất ổn do đại dịch Covid-19 mang lại đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần của các học sinh sinh viên. Các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách trong xã hội, học tại nhà khiến các em bắt đầu cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, cô đơn, chán nản... Cuối năm 2020, Unicef thực hiện một cuộc khảo sát với 17,000 phụ huynh và 8,000 trẻ em trên 46 quốc gia. 83% trẻ em và 89% phụ huynh trả lời rằng cảm giác tiêu cực của họ ngày càng nhiều hơn. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phong tỏa, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở Pháp tăng 20%. Hằng năm có khoảng 50,000 trẻ em và trẻ vị thành niên Pháp là nạn nhân của nạn bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục và tình trạng này tăng lên trong đại dịch không nằm ngoài dự đoán. Các chuyên gia OECD còn ghi nhận rằng trung bình hằng năm 14-28% trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong đại dịch.

Nghỉ học ở nhà dài ngày cũng khiến các em thuộc hộ gia đình có thu nhập thấp rơi vào tình trạng ăn uống thiếu chất hoặc bị đói. Cứ 1 trong 10 trẻ em ở các quốc gia phát triển trong nhóm OECD không được ăn trái cây và rau tươi và/hoặc bữa ăn bao gồm thịt, gà, cá hoặc đồ ăn chay ít nhất một lần một ngày. Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển. Chưa kể trẻ em ở những nước nghèo còn gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn. Bé gái ở các nước đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên. Hằng năm, 12 triệu bé gái kết hôn trước 18 tuổi, và khoảng 7,3 triệu ca sinh nở mỗi năm do mang thai ở tuổi vị thành niên. Hậu quả của đại dịch Ebola ở Sierra Leone chính sự gia tăng các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng mạnh vì nhiều lý do: trường học đóng cửa, mất cha/mẹ khiến trẻ không còn người hỗ trợ, mất chỗ ở buộc trẻ phải dùng đến những cách mới để tìm thức ăn. Đối với các bé gái, con đường trao đổi tình dục là phổ biến nhất; trong khi vào thời gian này các bé gái cũng không có các biện pháp tránh thai do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và giảm khả năng tiếp cận các trung tâm y tế. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc dự đoán lo ngại rằng đại dịch Covid‑19 sẽ trì hoãn các nỗ lực của cộng đồng nhằm chống tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đồng thời nạn nghèo đói tăng lên sẽ kéo theo tỷ lệ tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên trong các cộng đồng dễ bị tổn thương. 
***
Đại dịch Covid vẫn đang diễn biến vô cùng ở phức tạp trên khắp thế giới. Ngay cả khi người dân đã bắt đầu được tiêm vaccine, tình trạng đóng cửa trường học có thể còn kéo dài. 

Các nền tảng cũng như chương trình học trực tuyến đã được các quốc gia nhanh chóng thiết lập, để học sinh sinh viên có thể truy cập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong thời gian trường học đóng cửa, việc học tập của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào khả năng hỗ trợ và sự quan tâm của cha mẹ. 

OECD nhận định rằng vai trò của cha mẹ trong những năm đầu đời của trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt từ giai đoạn 0-7 tuổi mà những hoạt động giáo dục trên tivi hay trên mạng không thể thay thế được. Các chuyên gia OECD khuyên rằng, bất kể hoàn cảnh xã hội kinh tế như thế nào, trẻ em cũng sẽ phát triển tốt hơn nếu được cha mẹ đọc sách cho nghe và nói chuyện hằng ngày. Những hoạt động này giúp trẻ phát triển tốt hơn về mặt cảm xúc lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, không nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, hiểu rõ tầm quan trọng của những hoạt động tưởng như đơn giản mà lại có ích này. 

Một năm sau đại dịch, tương lai thế giới vẫn mờ mịt và không thể đoán trước được điều gì. Những gì chúng ta có thể làm hiện nay là luôn ở trong tâm thế “chuẩn bị cho điều xấu nhất và hy vọng cho điều tốt đẹp nhất”.□

Ngô Thị Phương Lê

Nguồn: Tia sáng, ngày 17.3.2021.
----

*Tác giả Ngô Thị Phương Lê, Tiến sĩ Giáo dục, Excelia Group. Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu, AVSE Global.

Thông tin truy cập

63686954
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7246
23426
63686954

Thành viên trực tuyến

Đang có 976 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website