‘Tiến hóa’ trong mùa dịch

20210515

Người bạn cũng là thầy giáo khoe, trường anh mới áp dụng nhiều công nghệ. Tôi nhắc anh tránh lẫn lộn việc dùng công nghệ với việc dạy những thứ học sinh cần.

"Trường anh dùng công nghệ để cải cách việc dạy hay chỉ dùng máy tính thay thế cho bảng và giấy, bút?", tôi viết lại cho anh ấy. Thầy giáo lại viết cho tôi: "Tại sao ta phải thay đổi cách dạy khi học sinh thấy vẫn tốt?". Tôi đáp rằng, là thầy giáo, bạn phải lựa chọn cách bạn dạy, phương pháp nào bạn dùng và cái gì tốt nhất cho học sinh.

Dù học sinh biết cách dùng laptop, lên các khóa học online đều đặn, nhưng nếu tư duy họ không thay đổi, họ sẽ không có khả năng cạnh tranh trong thế giới này. Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ giáo dục, không thể thay thế cho bản chất việc dạy và học.

Sinh viên năm thứ nhất thường phàn nàn rằng tôi cho quá nhiều bài đọc. Tôi từ lâu dùng phương pháp học chủ động trong môn của mình. Điều đó có nghĩa học sinh phải đọc nhiều tài liệu, sách trước khi vào môn học hay mỗi buổi đến trường. Để chắc họ đã đọc những thứ tôi giao, tôi kiểm tra bằng câu hỏi ngắn trước mỗi bài giảng.

Các sinh viên lại phàn nàn rằng đọc không phải việc học, tôi hỏi, "các em học thế nào?" - "bằng việc nghe các bài giảng", nhiều người nói. Tôi cho một bài giảng ngắn, hỏi họ các câu hỏi. Phần lớn không thể trả lời được vào cốt lõi vấn đề, họ hoang mang và bối rối.

Chỉ thế, tôi mới giải thích về khái niệm học. Nếu chỉ nghe, các em sẽ quên 80% tài liệu trong vài giờ đầu. Nếu đọc và nghe, các em sẽ quên 60%. Nhưng nếu đọc, nghe và thảo luận, trả lời câu hỏi của người khác và giải thích lại cho bạn khác về chủ đề đó, các em chỉ quên 20% tài liệu.

Tại sao? Điều các em nghe từ bài giảng của thầy là tri thức của thầy, không phải của trò. Điều các em đọc và nghe chỉ là thông tin mang máng trong đầu vì nó chưa được tổ chức lại. Chỉ khi em nghĩ về nó, tổ chức nó để bàn luận, giải thích và đưa ra quan điểm của riêng mình, nó được tiêu hóa và trở thành tri thức của chính em. Và học sinh sẽ không bao giờ quên cái đã là của mình.

Chỉ khi học trò được đưa ra khỏi môi trường đọc bài giảng truyền thống - nơi thầy cô chỉ "truyền thụ tri thức" sang môi trường học chủ động - nơi học sinh "phát triển tri thức riêng", đó là cách "việc học thật" xảy ra.

Tôi bao giờ cũng khuyến khích học sinh chia các nhóm học tập nhỏ trong một lớp, không quá năm người.

Từng thành viên phải đọc tài liệu trước khi nhóm học chung. Các nhóm phải đặt lịch học và bám theo. Mỗi buổi học nhóm lâu hơn một giờ sẽ kém hiệu quả và thường dễ bị sao lãng bởi tán gẫu.

Từng nhóm phải có chương trình cho cuộc gặp, quyết định cái gì sẽ được học ở phiên gặp và các thành viên buộc phải chuẩn bị. Bất kỳ thành viên nào không chuẩn bị bài và không tham gia sẽ bị yêu cầu rời khỏi nhóm.

Các thành viên phải có khả năng hỏi lẫn nhau các câu hỏi và giải thích mọi thứ cho nhau. Chỉ học với bạn bè thì học sinh mới có thể chia sẻ tài liệu và trao đổi thông tin. Đó là cách để có được việc học sâu.

Cải cách giáo dục nghĩa là khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm nhiều hơn với việc học của họ.

Ngày nay, học sinh rất dễ bị sao lãng. Họ không thể ngồi yên trong lớp nghe bài giảng dài, lại càng không thể tập trung học online trước màn hình mà không kiểm tin nhắn, e-mails và các phương tiện xã hội khác. Nếu chúng ta muốn khuyến khích họ học, cần giữ cho họ bận rộn tích cực, khiến họ chủ động nỗ lực thay vì ép buộc họ ngồi và nghe cái gì đó mà họ không quan tâm.

Việc nghe và đọc bài giảng truyền thống không cho phép học sinh phát triển thành người có tư duy phê phán. Chỉ việc học chủ động khuyến khích tư duy độc lập và phát triển "tâm thế tăng trưởng." Chẳng hạn trong toán học, có nhiều cách giải một bài toán và bao giờ cũng có phương án khác cho một lời giải. Không có khả năng nghĩ rộng, học sinh không thể đi xa hơn trong tư duy.

Đó là lý do laptop và học online không thể biến chất lượng dạy của các trường tốt hơn nếu nhà trường không có ý định thay đổi dù họ đang háo hức dùng công nghệ để dạy nhiều học sinh hơn. Cách dạy vẫn như cũ, thời gian "lên lớp" có thể không hiệu quả hơn mà còn kém đi bởi kết nối online rất lỏng lẻo.

Học sinh hôm nay thiếu "cách học" chứ không thiếu "điều để học". Điều được dạy hôm nay có thể lỗi thời ngày mai, nhưng cách tiếp cận và hấp thu tri thức tốt có tác dụng trong hàng trăm năm tới.

Đây là cách tôi đã dùng rất thành công trong nhiều năm ở Carnegie Mellon, Mỹ và ở các đại học hàng đầu khác. Phần lớn sinh viên đều nói với tôi rằng lúc ban đầu, họ không thích nó vì họ đã quen thụ động. Nhưng qua thời gian, họ đều học tốt và hành tốt.

Học nhóm là cách tốt nhất để học tập, nó cũng áp dụng dễ dàng với học online trong mùa dịch. Học sinh của tôi thường nói rằng việc học cùng nhóm vài người bạn tốt hơn học một mình rất nhiều. Học nhóm rất phổ biến tại hầu hết trường ở Mỹ nhưng lại không được khuyến khích ở các trường châu Á.

Điều đáng nói, sự thay đổi này đòi hỏi cả thầy cô giáo và học sinh phải làm việc nhiều hơn gấp nhiều lần cách cũ. Nhưng đó là cách duy nhất để cải tiến hệ thống giáo dục.

Chất lượng giáo dục được cải tổ nhanh nhất nếu mọi thầy cô được đào tạo lại theo phương pháp dạy mới này. Học sinh vì thế, cũng sẵn lòng điều chỉnh lại cách học. Bạn không thể cải tiến được giáo dục bằng việc bổ sung thêm các môn học, thay đổi tài liệu, sách giáo khoa liên tục nhưng vẫn giữ phương pháp dạy như cũ.

Để dạy học một cách khoa học, người làm giáo dục cần cách tiếp cận mới, viễn kiến mới và cách thức mới để động viên học trò. Đó là quá trình tiến hoá cho cả thầy và trò. Bối cảnh dịch bệnh hôm nay chính là cơ hội để cải tổ tư duy dạy và học.

John Vũ

(Nhà khoa học Máy tính)

Nguồn: VnExpress, ngày 07.5.2021.

Thông tin truy cập

63693855
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14147
23426
63693855

Thành viên trực tuyến

Đang có 460 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website