Thiếu cơ sở đào tạo chính quy cùng với nỗi lo thu nhập là nguyên nhân phổ biến gây ra việc thiếu những biên kịch đủ thực lực.
Những khoảng trống trong đào tạo chính quy
Tính đến năm 2023, cả nước hiện có duy nhất Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đào tạo ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình. Còn ở miền Nam, khoa Văn học (trực thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) mở chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình trực thuộc khoa Văn học được 4 năm.
Chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình thuộc khoa Văn học duy trì tuyển sinh 45 sinh viên/khóa từ khi thành lập. Các sinh viên sau khi học xong năm nhất tại khoa Văn học muốn theo chuyên ngành sẽ làm một bài thi gồm xem phim và đưa ra đánh giá, phân tích ngôn ngữ điện ảnh. Còn Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội sẽ tổ chức thi năng khiếu qua 2 vòng thi gồm sáng tác tác phẩm trong 180 phút và vấn đáp.
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, cho biết, nhu cầu biên kịch tại các công ty truyền thông đa nền tảng hiện nay rất lớn nhưng khó tuyển được người do thiếu chương trình đào tạo bài bản để có được lực lượng nhà biên kịch đủ giỏi.
"Với tôi, hạn chế của các biên kịch trẻ hiện nay là không có nhiều cơ hội được sửa kịch bản chi tiết. Với những bạn không học chính quy thường tìm đến những khóa học ngắn hạn. Những khóa học này tuy có thể cung cấp đủ kiến thức để làm nghề nhưng không đủ thời lượng để sửa bài cho học viên. Nguyên nhân khiến phim Việt không nhận được nhiều phản hồi tích cực một phần do kịch bản còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng được tính logic và khả năng kể chuyện của biên kịch chưa chặt chẽ", tiến sĩ Lê Na chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, biên kịch Hạnh Ngộ, giảng viên giảng dạy môn biên kịch phim truyện tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, cho biết: "Theo tôi thì số lượng không nhiều để chọn, trung bình 10 tác phẩm viết ra thì cũng chỉ chọn được tầm 3 tác phẩm".
Hiện nay, hàng loạt công ty truyền thông đa phương tiện ra đời cùng với những hãng phim chuyên nghiệp có nhu cầu sản xuất hàng loạt phim truyện, tài liệu, điện ảnh… Tuy nhiên, "cung không đủ cầu" dẫn đến tình trạng thiếu hụt kịch bản hoặc không dùng được vì khác biệt giữa nội dung và cách thể hiện, khả năng sản xuất, theo biên kịch Hạnh Ngộ.
Ít được định hướng và không đảm bảo thu nhập cũng là một nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ còn ngần ngại lựa chọn học ngành này. Với những biên kịch tự do, nếu kịch bản không đủ tốt để các nhà làm phim chi tiền thực hiện hoặc không hợp với nhu cầu của thị trường thì tác phẩm không bán được.
Thực tế cho thấy các biên kịch hiện tại ở TP.HCM làm việc cho những hãng phim lớn và đài truyền hình hầu hết xuất thân từ chuyên ngành đạo diễn, văn học, báo chí và một số trưởng thành từ những khóa học biên kịch ngắn hạn. Cũng theo biên kịch Hạnh Ngộ, các bạn trẻ hiện nay quan tâm đến ngành biên kịch là đúng hướng, đúng xu thế, vì nghề này vẫn còn rất nhiều khoảng trống để các bạn thử sức và phát triển.
Cần chuẩn bị gì để theo nghề?
Trong talkshow "Nghề biên kịch: Từ trang giấy đến màn bạc" tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM vào cuối tháng 2 vừa qua, các khách mời cũng đã có những chia sẻ về hành trình làm nghề và cơ hội nghề nghiệp đến sinh viên.
Với những bạn trẻ mong muốn tìm cơ hội với nghề biên kịch phim, hai khách mời đều khuyến khích tận dụng mọi cơ hội từ những cuộc thi và dự án phim ngắn chiếu mạng.
Đạo diễn Phan Đăng Di, người đứng sau loạt phim điện ảnh được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế như Khi tôi hai mươi, Cha và con… cho rằng bạn trẻ nên luyện tập khả năng quan sát, tính kiên nhẫn và chấp nhận thất bại.
Từ kinh nghiệm đi dạy tại các trường ĐH, anh nhận thấy người trẻ hiện nay lười đọc, thiếu sự nhẫn nại. "Bởi nghề biên kịch đòi hỏi sự tập trung và khả năng phản biện cao nên những bạn không thể dành thời gian để đọc sách, báo thì chưa đủ đam mê để theo nghề", anh Đăng Di lưu ý.
Nhà sản xuất - biên kịch Nhi Bùi lưu ý, bạn trẻ hãy luyện tập khả năng quan sát và lắng nghe những câu chuyện xảy ra quanh mình để làm phong phú vốn sống bên cạnh việc học lý thuyết từ sách vở.
Trâm Trần
Nguồn: Thanh niên, ngày 15.3.2023.