Bàn về môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông

K.VH – Bàn về môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông, tác giả Thái Hạo đã có bài viết “Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt công bố tại tài khoản mạng xã hội cá nhân, bài viết cũng đã được đăng tải trên báo Văn nghệ.  Để trao đổi về vấn đề này, GS. Bùi Mạnh Hùng có bài viết “Có nên tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt không?” nêu ra quan điểm rõ ràng, sâu sắc trên cơ sở chương trình đào tạo và các bộ sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay. Web Khoa Văn học đăng lại 2 bài viết nhằm giới thiệu các quan điểm về môn Ngữ văn trong trường học phổ thông.

CẦN TÁCH MÔN VĂN HỌC RA KHỎI MÔN TIẾNG VIỆT

Thái Hạo

Là một người dạy học, tôi nhận thấy phần Tiếng Việt ở 2 cấp học sau cùng này gần như chỉ “gá” vào cho đủ thành phần; còn trên thực tế, cả trong dạy, học và thi cử, nó đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số học sinh và cả không ít giáo viên đã không biết nói và viết tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Tình trạng kỹ sư, cử nhân... viết “không ra hồn” một lá đơn hay một bản trình bày về một công việc, một sự việc gì đó... là khá phổ biến.

Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt
Học sinh trong một giờ Ngữ văn. Ảnh: Hoctot

1. Mặc dù ai cũng biết rằng “văn chương là một loại hình nghệ thuật ngôn từ”, nhưng không phải vì thế mà đồng nhất nó với ngôn ngữ của một quốc gia. Văn chương chỉ là một loại “phong cách ngôn ngữ” bên cạnh các phong cách khác như ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ báo chí v.v... Trong khi đó, nó chưa hẳn đã là thứ “phong cách ngôn ngữ” mà người dân sử dụng thường xuyên, liên tục và gắn chặt với cuộc sống của họ mỗi ngày, nếu so với các dạng phong cách và các loại hình văn bản khác. Việc đặt trọng tâm vào nội dung văn học/văn chương là chúng ta đã biến môn học quan trọng này thành một môn nghiên cứu/phê bình văn học trong nhà trường phổ thông. Tất nhiên, nó cũng chẳng tới đâu, vì “nghiên cứu-phê bình kiểu lớt phớt dạo chơi.

Văn học/văn chương là một môn nghệ thuật. Nó cũng như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... Tất nhiên, do tính lịch sử của mình, văn học/văn chương có thể quen thuộc hoặc có vị trí nhất định của nó trong toàn bộ tiến trình văn hóa của một cộng đồng. Tuy nhiên không phải vì thế mà dành cho nó một đặc ân bất thường như cái cách mà nó đang được dạy trong nhà trường. Môn Tiếng Việt (Việt ngữ/Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia, chẳng hạn như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT. Còn Văn học/Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật trong chương trình phổ thông hiện nay. Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, nó sẽ được những học sinh có năng khiếu hoặc có đam mê chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi như một nghề nghiệp. Còn như bắt tất cả hàng triệu học sinh phải học văn chương suốt bậc phổ thông với tư cách là một loại hình nghệ thuật, điều đó rất phản khoa học. Có bao nhiêu em thích văn chương, có bao nhiêu em muốn chọn văn chương làm nghề nghiệp tương lai, mà lại bắt học sinh cả nước phải học như thế? Điều quan trọng nữa là nó có ích gì, hay chỉ gây tác hại khi ép buộc cả những ai không thích nhưng phải cố sức mà học thuộc văn mẫu? 

2. Tiếng Việt là thứ ta sử dụng hàng ngày, nó là một phương tiện, một công cụ trọng yếu của mỗi người trong biểu đạt, chia sẻ, học hỏi... và thực hiện các quyền công dân của mình. Nhưng do không được dạy dỗ một cách đến nơi đến chốn, ngày nay dù học suốt 12 năm ròng rã nhưng đa số không viết nổi một bài luận với chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, không trình bày nổi một sự việc khi gặp rắc rối, không biểu lộ được quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội hàng ngày. Đó là một thực tế chua chát!

Bởi vậy, việc dạy “văn” và học “văn” có lẽ đã đến lúc cần trở về với đúng cái vị trí và nhiệm vụ của nó, đó là dạy cách sử dụng tiếng mẹ đẻ. Học “văn” là để nghe, đọc, nói và viết tiếng Việt một cách chính xác, thành thạo và hiệu quả, tức là đúng và hay. Đó là lý do nên đổi tên môn học thành Việt ngữ hay Quốc ngữ như đã trình bày trên đây. Xin chớ coi thường cái mục đích nghe có vẻ “tầm thường” này, vì đó chính là bản chất của giáo dục khai phóng. Khi người ta có những ý tưởng trong đầu, nếu họ không viết (hoặc nói) nó ra thì những ý tưởng ấy cùng lắm cũng chỉ như một đám sương mù mờ đục. Viết và nói không phải chỉ đơn thuần là trình diễn cái suy nghĩ có sẵn của mình ra, mà đó chính xác là cách rèn luyện tư duy. Chính năng lực ngôn ngữ đã mang đến tư duy, óc luận lý và sự sâu sắc của tinh thần. Học viết và nói chính là con đường đưa chúng ta tới ánh sáng của trí tuệ. 

3. Chương trình 2018 của Bộ GD-ĐT, trong mục tiêu luôn nhắc đi nhắc lại 4 chữ đọc-viết-nói-nghe, tuy nhiên trước nó luôn là chữ “thông qua”, nghĩa là dường như chương trình cũng chỉ mới coi các hoạt động này là một thứ phương tiện chứ không phải là mục tiêu như là một phạm trù có tính khoa học trong một môn khoa học. Cách quan niệm này theo chúng tôi là không chính xác. Cần phải coi năng lực nói, viết (và đọc, nghe) là mục tiêu, còn tất cả những gì có được sau nó là hệ quả mà thôi. Chỉ có quan niệm như thế thì mục tiêu mới có thể đạt được bởi những thao tác sư phạm hữu cơ của nó; đồng thời tất yếu sẽ đưa tới hệ giá trị là các phẩm chất và năng lực tích cực.

Nhìn vào mục tiêu ở Chương trình 2018 thấy rằng cái trọng tâm và là đặc thù của môn học đã bị lu mờ trước rất nhiều mục tiêu mang tính đao to búa lớn. Không những thế, những mục tiêu này còn “lấn sân” sang cả các môn học khác, ví dụ môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân (cũ)... vì nó mang nặng tính đạo lý. Bởi thế, một lần nữa, mục tiêu sử dụng tốt tiếng Việt phải được nhắc lại, nhấn mạnh, và nâng lên hàng đầu như một yêu cầu cao nhất đối với môn học quan trọng này. Theo đó, hàng loạt thứ cần phải thay đổi căn bản: xây dựng cấu trúc, áp dụng phương pháp, tổ chức dạy học v.v... 

Cũng từ việc xác định lại mục tiêu môn học, thì tính chất tích hợp và liên môn trong mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp của giáo dục phổ thông sẽ tự khắc được đặt ra và giải quyết một cách hữu cơ, chứ không còn là sự ghép nối cơ học nữa.

4. Theo tinh thần thay đổi mục tiêu môn học như đã trình bày, bước đầu chúng ta có thể hình dung ra những việc cần làm gấp, như: tập trung dạy nghiêm túc về chính tả, về giải nghĩa từ ngữ, về cách sử dụng từ ngữ... đến cách viết câu văn sao cho đúng ngữ pháp, tạo lập văn bản một cách chặt chẽ, logic, truyền đạt được điều muốn nói, cần nói một cách trọn vẹn và có tác động mạnh mẽ. Không những thế, cần phải dạy cho học sinh biết cách viết các loại hình văn bản khác nhau sao cho đúng đặc trưng về phong cách, không những chuẩn mực mà phải đạt đến mục tiêu là sáng sủa, mạch lạc, hay, đẹp và giàu.

Cách dạy tiếng Việt cũng phải thay đổi căn bản, không nên tiếp tục dạy “tri thức tiếng Việt” cho học sinh như dạy cho các sinh viên ngành Ngôn ngữ học. Cách đó vừa uổng phí thời gian, vừa không hứa hẹn mang lại kết quả. Một học sinh biết phân biệt từ loại, biết phân tích các thành phần câu, biết gọi tên các phép tu từ... thì cũng tốt thôi, nhưng cái quan trọng là chúng có ích gì cho việc nói-đọc-viết-nghe? Chúng ta có thể hình dung điều này khi nhớ đến các thế hệ cha ông ở làng, họ không đi học, không biết chữ nhưng họ đã nói một thứ tiếng Việt rất giàu hình ảnh, tinh tế và đầy giá trị biểu cảm. Rất hiếm khi thấy ông bà và cha mẹ chúng ta nói một câu tiếng Việt sai ngữ pháp.

Vì vậy, dồn trọng tâm vào việc dạy ứng dụng và thực hành, không nặng nề tri thức ngôn ngữ học, đó là một tinh thần cần được thực hiện, càng sớm càng tốt. Đã đến lúc nên tách Văn học/Văn chương ra thành một môn riêng như Âm nhạc, Mỹ thuật... và ai thích thì lựa chọn, như tất cả các môn tự chọn khác trong chương trình. Theo đó sẽ tập trung dạy tiếng Việt thật chu đáo. Đó là cách cứu vãn tiếng Việt trước tình thế quá bi thảm hiện nay. Xin lưu ý và nhấn mạnh một lần nữa: Tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt, nhưng không phải là không được sử dụng tác phẩm văn học như là một phương tiện để dạy tiếng Việt!

Thái Hạo | Báo Văn nghệ

20240821

CÓ NÊN TÁCH MÔN VĂN HỌC RA KHỎI MÔN TIẾNG VIỆT KHÔNG?

                                                                            Bùi Mạnh Hùng

        Cách đây mấy hôm, anh Thái Hạo, nguyên là một nhà giáo dạy Ngữ văn và hiện là một cây bút được rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, có nêu một ý kiến quan trọng trên trang FB của anh ấy: Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt.

         Cụ thể, anh Thái Hạo cho rằng, lâu nay trong dạy, học và thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số học sinh (và cả giáo viên) không biết viết (và nói) tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, theo anh, môn Tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình (CT) phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/ Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật,... Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những học sinh có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi nghề nghiệp.

       Anh Thái Hạo là người có nhiều trải nghiệm về lĩnh vực dạy học Ngữ văn, viết văn rất có nghề và đặc biệt là rất sắc sảo trong việc phân tích, đánh giá nhiều vấn đề về giáo dục, văn hóa, xã hội,…. Do vậy, ý kiến đề xuất trên của anh Thái Hạo được hàng ngàn người bấm like, hàng trăm ý kiến thể hiện sự đồng tình. Với tư cách là “người trong cuộc”, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp, bạn bè và những ai quan tâm một số ý kiến về vấn đề được anh Thái Hạo nêu ra. Việc trao đổi này nhằm đáp ứng mong muốn của anh Thái Hạo là “thấy một cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề này, với sự tham gia của nhiều thầy cô và chuyên gia”. Vấn đề được bàn có thể coi là hệ trọng. Nếu chấp nhận giải pháp mà anh đề xuất thì môn Ngữ văn ở Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn, có thể tốt hẳn lên hoặc kém hẳn đi. Nên nó xứng đáng được quan tâm và trao đổi thấu đáo.

        Trước hết nói về tên gọi. Đúng như anh Thái Hạo nói trong một ý kiến trao đổi ngắn với tôi trên trang FB của anh ấy, cái môn mà ta gọi là Ngữ văn thì nhiều nước gọi bằng tên gọi tiếng mẹ đẻ. Ta có thể dẫn ra một số ví dụ như: Tiếng Anh (Anh, Australia, Canada, New Zealand), Tiếng Pháp (Pháp), Tiếng Đức (Đức), Tiếng Nhật (Nhật Bản),... Một số nước khác gọi bằng những cái tên tương tự, ví dụ Hàn Quốc gọi là Quốc ngữ, Hoa Kỳ gọi là Language Arts (đôi khi gọi đầy đủ hơn là Language Arts and Literature), có thể tạm hiểu là Kĩ năng ngôn ngữ (một số người dịch là Ngôn ngữ nghệ thuật, không biết vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy!). CT và SGK 2018 của chúng ta lần này thiết kế theo mô hình CT và SGK của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Anh,... (Tôi không có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp vì không biết tiếng Pháp và được biết gần đây Pháp không có đổi mới gì đáng kể về CT và SGK). Thật ra, khi xây dựng CT Ngữ văn 2018, phương án gọi tên môn học này là Tiếng Việt (bên cạnh một số tên khác như Quốc ngữ, Quốc văn, Việt văn,…) thay cho tên Ngữ văn đã từng được đặt ra, nhưng phương án đó bị gạt đi nhanh chóng, vì chắc chắn sẽ bị phản đối do nhiều người nghĩ rằng môn Văn bị loại bỏ. Công cuộc đổi mới CT và SGK không tạo được sự đồng thuận chỉ vì cái tên môn học thì rất “thất sách”. Có thể CT mới chết từ trong trứng nước chỉ vì cái tên mới của môn học. Vì vậy, tên gọi Ngữ văn đã được giữ nguyên như chúng ta thấy.

        Thứ hai là nói về cách tiếp cận. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển đều thiết kế CT và SGK theo cách tích hợp như CT và SGK Ngữ văn 2018 của Việt Nam. Nói chính xác là chúng ta học hỏi kinh nghiệm của họ. Nếu tách Tiếng Việt và Văn học thành hai môn riêng biệt thì Việt Nam sẽ "không giống ai" trong thế giới tiến bộ mà lại rất giống với ta đã cách đây mấy chục năm. Việt Nam từng có hai môn riêng biệt như thế (có một khác biệt đáng kể là có cả môn Tập làm văn). Nhiều người cứ chỉ trích GS. Nguyễn Đăng Mạnh và GS. Trần Đình Sử đã làm hỏng môn học này vì gộp Văn và Tiếng Việt vào một môn chung là Ngữ văn. Nghĩ vậy là chưa hiểu thực tế xây dựng CT, biên soạn SGK và dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và oan cho các ông. Chất lượng của môn học này trong nhà trường phổ thông không phải vì cái tên. Việc tích hợp hai “mảng” Tiếng Việt và Văn học là tất yếu, còn cái tên là Ngữ văn hay Tiếng Việt không làm thay đổi bản chất của môn học. CT Ngữ văn được triển khai như hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển CT trên thế giới; cho đến nay tôi chưa thấy có cách nào khác tốt hơn. Các nội dung anh Thái Hạo hình dung cho môn Tiếng Việt (nếu được tách thành môn độc lập) như dạy về nghĩa và cách dùng từ ngữ (Hán Việt, tục ngữ, thành ngữ,...); dạy về cách viết câu, viết đoạn, viết các loại văn bản; dạy về cách đọc các loại văn bản khác nhau (hành chính, chính luận, nghệ thuật,...); dạy về cách bình luận, tranh luận, bút chiến, hùng biện,... thì đều đã có trong CT Ngữ văn 2018. Theo CT Ngữ văn mới này, hoạt động thực hành đọc, viết, nói và nghe được triển khai dựa trên nguồn ngữ liệu đa dạng, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin (nghĩa là đủ các loại văn bản thông dụng mà con người tiếp xúc hằng ngày). Việc đọc tác phẩm văn học không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mỹ (chẳng lẽ có những người không cần đến năng lực này?), giáo dục cho các em nhiều phẩm chất quan trọng (tình yêu gia đình, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn đối với tha nhân,...) mà còn giúp học sinh học hỏi được cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế; giúp học sinh mở rộng vốn sống, trải nghiệm để các em có cái để viết, để trao đổi, tranh biện,...; qua đó phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Khó mà kể hết những tác dụng của việc học văn học. Nhưng chỉ chừng ấy thôi thì cũng đủ để khẳng định rằng, không thể coi Văn học chỉ là môn tự chọn, là môn năng khiếu hay môn có vị trí "ngang bằng" với Âm nhạc, Mỹ thuật,... được. Tách Tiếng Việt thành môn riêng còn có nguy cơ dạy nhiều kiến thức ngôn ngữ học, biến môn học này thành một món rất hàn lâm. Còn nếu đưa một phần Văn học vào đây thì có khác gì cách xây dựng CT 2018 như hiện nay đâu? Lại có thêm câu hỏi đặt ra: Vậy thì phần văn học nào thì đưa vào môn Tiếng Việt (bắt buộc), phần văn học nào thì làm thành nội dung của môn Văn học (tự chọn)? Lưu ý là CT Ngữ văn 2018 cũng đã có hệ thống chuyên đề (3 chuyên đề/năm) cho học sinh lựa chọn, trong đó có tám chuyên đề về văn học dành cho học sinh có năng khiếu, sở thích hay định hướng nghề nghiệp có liên quan đến môn Ngữ văn.

         Tôi đồng tình với đánh giá sau của anh Thái Hạo: Trong thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua khi đánh giá chất lượng của bài thi, bằng chứng là tỉ lệ điểm dành cho kĩ năng diễn đạt của học sinh trong các bài thi theo đáp án chấm bài của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các sở lâu nay là không đáng kể. Nói rằng cách ứng xử đó đối với tiếng Việt góp phần dẫn đến tình trạng sử dụng tiếng Việt yếu kém đến mức “thảm họa” như hiện nay cũng không sai. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không phải là tách Tiếng Việt thành môn riêng như anh đề xuất.

        Tiện thể, xin chia sẻ một ý nhỏ: Có người cho rằng Tiếng Việt là môn khoa học còn Văn học là môn nghệ thuật. Nói như vậy là hiểu chưa đúng về vai trò, vị trí của môn học này ở phổ thông. Chỉ có Việt ngữ học (học ở đại học) mới là môn khoa học. Chỉ có sáng tác văn chương (có thể học ở trường viết văn) mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Còn môn Ngữ văn (hiểu nôm na là gồm Tiếng Việt và Văn học) ở phổ thông trước hết là môn học công cụ giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đúng tính chất là môn học công cụ như anh Thái Hạo kì vọng. Thành công của việc đổi mới CT và SGK Ngữ văn lần này tùy thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng riêng cách tiếp cận về CT và SGK mà chúng ta lựa chọn thì có thể khẳng định là đúng đắn. Dĩ nhiên, cách tiếp cận đúng đắn không đảm bảo sản phẩm chắc chắn sẽ tốt. Cụ thể, CT và các bộ SGK Ngữ văn kì này tốt hay chưa tốt cần chờ thêm thời gian, không ai dám quả quyết trước điều gì.

      Vấn đề này nói cho hết nhẽ thì cần có một cuộc hội thảo như anh Thái Hạo mong muốn (thật ra đã từng có những cuộc trao đổi rộng rãi). Tuy vậy, hi vọng những gì tôi nêu ở trên sẽ là thông tin hữu ích cho những ai quan tâm và bàn luận về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai.

Bùi Mạnh Hùng

Thông tin truy cập

63204015
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3357
19646
63204015

Thành viên trực tuyến

Đang có 277 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website